top of page
icj 1.jpeg

[19] CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)

Đã cập nhật: 12 thg 10, 2023

Tác giả: Dương Duy Khang, Nguyễn Phương Linh


Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một trong những thiết chế hợp tác quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế quốc tế. Nhằm đảm bảo các mục đích của WTO, các hiệp định trong khuôn khổ WTO đã xây dựng hệ thống các nguyên tắc không phân biệt đối xử và mở cửa thị trường. Trong bài viết này, nhóm tác giả xin được giới thiệu đến với các bạn đọc nội dung và phạm vi áp dụng các nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật WTO.


1. Nguyên tắc về Đối xử tối huệ quốc - Most-Favoured-Nation (MFN)

Nguyên tắc MFN là một trong hai nguyên tắc quan trọng nhất trong hệ thống các hiệp định của WTO, bên cạnh nguyên tắc về Đối xử Quốc gia (NT). Tầm quan trọng của nguyên tắc MFN được thể hiện bởi việc nguyên tắc này được pháp điển hóa thành điều khoản đầu tiên của GATT. Từ đó, MFN được thể hiện thêm tại Điều 2 của GATS, và Điều 4 của Hiệp định TRIPS.[1]


Nhìn chung, theo Điều I của Hiệp định GATT, nguyên tắc đối xử tối huệ quốc nhằm bảo đảm sự công bằng trong thương mại thế giới.[2] Trong khuôn khổ thoả thuận của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các quốc gia không được phép phân biệt các đối tác thương mại với nhau. Nếu xuất hiện ưu đãi đặc biệt nào đó, những quốc gia thành viên còn lại của WTO buộc phải được đối xử tương tự.[3]


Đối với các quốc gia thành viên của WTO, nguyên tắc MFN là một nghĩa vụ có tính ràng buộc pháp lý. Sau khi WTO kế thừa GATT 1947,[4] toàn bộ văn bản hệ thống về nguyên tắc MFN phải được xác định là một nguyên tắc cốt lõi, và nghĩa vụ thực hiện nguyên tắc MFN giúp duy trì sự bền vững của hệ thống thương mại đa phương. Sự hội nhập giữa các khu vực và những ngoại lệ liên qua cũng đồng thời phải thực hiện MFN một cách toàn diện nhằm ngăn chặn việc làm hao mòn nguyên tắc MFN.[5]


Theo Hiệp định GATT, nguyên tắc MFN “sẽ được áp dụng cho sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ hay giao tới mọi bên ký kết khác ngay lập tức và một cách không điều kiện”.[6] Mặc dù, GATT không có định nghĩa rõ sản phẩm cùng loại (“like products”) theo Điều I là gì; tuy nhiên, trong Hiệp định số 261/WTO/VB về Chống bán phá giá, khái niệm "sản phẩm cùng loại" được hiểu là “sản phẩm giống hệt, tức là sản phẩm có tất cả các đặc tính giống với sản phẩm đang được xem xét, hoặc trong trường hợp không có sản phẩm nào như vậy thì là sản phẩm khác mặc dù không giống ở mọi đặc tính nhưng có nhiều đặc điểm gần giống với sản phẩm được xem xét”.[7] Dù sao, khái niệm “sản phẩm cùng loại” phải được hiểu tùy vào từng bối cảnh vụ việc khác nhau.


Ví dụ như trong Vụ Japan-Alcoholic Beverages II, Cơ quan phúc thẩm nhận xét về khái niệm này bằng việc so sánh nó như chiếc đàn ác-coóc-đê-ông có “tính cùng loại” dãn ra và co lại tại những vị trí khác nhau khi các điều khoản khác nhau của Hiệp định WTO được áp dụng. Độ rộng của đàn ác-coóc-đê-ông tại một vị trí cụ thể phải được xác định theo điều khoản cụ thể mà thuật ngữ “tương tự” được viện dẫn, cũng như theo bối cảnh và hoàn cảnh của vụ việc cụ thể mà điều khoản đó được áp dụng.[8] Ngoài các án lệ cụ thể, cũng có các học giả cho rằng Ban hội thẩm của WTO khi xem xét liệu các sản phẩm có là “cùng loại” hay không thì cần xem xét: (i) Đặc điểm của sản phẩm; (ii) Người sử dụng cuối cùng; (iii) Quy định thuế quan của các thành viên khác. Cũng có đề xuất rằng Ban hội thẩm của WTO cân nhắc thêm đến thị hiếu và thói quen của người tiêu dùng khi quyết định tính “cùng loại” của các sản phẩm.[9]


Ngoài ra, nguyên tắc MFN trong GATT cũng đã tạo ra nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc cho các chủ thể của WTO. Ngoài bản chất của nguyên tắc, hai trường hợp dựa trên Điều khoản Cho phép (“Enabling Clause”),[10] quy định các ngoại lệ và miễn trừ của nghĩa vụ đối xử MFN theo hai cách. Thứ nhất, cho phép các bên ký kết dành sự đối xử ưu đãi một chiều cho hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển. Thứ hai, cho phép thiết lập các hiệp định thương mại khu vực giữa các nước kém phát triển nhất.[11]


Có thể thấy, MFN là một nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử cốt lõi của luật WTO. MFN đóng vai trò quan trọng trong quan hệ thương mại quốc tế và đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, góp phần củng cố khung pháp lý về thương mại theo hướng tiến bộ, từng bước hội nhập sâu rộng, vững chắc cho các quốc gia thành viên.


2. Nguyên tắc về Đối xử Quốc gia - National Treatment (NT)

Bên cạnh nguyên tắc MFN, nguyên tắc NT cũng được xây dựng trong các Hiệp định GATT, GATS và TRIPS nhằm đảm bảo nguyên tắc không phân biệt, xóa bỏ rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với thương mại quốc tế và chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.[12] Khác với nguyên tắc MFN bảo đảm sự đối xử bình đẳng giữa các sản phẩm nước ngoài, nguyên tắc NT ngăn cản sự phân biệt giữa sản phẩm nội địa và sản phẩm nước ngoài và vì thế chỉ áp dụng đối với các biện pháp nội địa và không bao gồm các biện pháp áp lên một sản phẩm khi qua hải quan.[13]


Tương tự như nguyên tắc MFN, nguyên tắc NT yêu cầu sản phẩm nước ngoài phải được đối xử không kém ưu đãi hơn sản phẩm nội địa và các biện pháp nội địa không được áp dụng nhằm mục đích bảo hộ sản phẩm nội địa.[14] Trong khuôn khổ Hiệp định GATT, các biện pháp nội địa bao gồm các khoản thuế, các khoản thu nội địa, pháp luật, quy định, hay yêu cầu tác động đến việc mua bán nội địa, chào bán, mua, vận chuyển, phân phối, hay khai thác sản phẩm cũng như các quy tắc về định lượng yêu cầu pha trộn, chế biến hay sử dụng sản phẩm ở khối lượng hay tỷ trọng nhất định.[15] Tuy nhiên, rộng hơn nguyên tắc MFN, nội hàm của nguyên tắc NT không đơn thuần bao gồm “sản phẩm cùng loại” mà bao gồm cả các sản phẩm mang tính chất thay thế và cạnh tranh trực tiếp được đặt trong mối quan hệ cạnh tranh với sản phẩm nội địa.[16] Nội dung trên đã được Ban Phúc thẩm của WTO khẳng định trong Vụ Japan-Alcoholic Beverages IIVụ Canada-Periodicals.[17]


Nhằm xác định liệu có sự vi phạm nguyên tắc NT trong phạm vi câu thứ nhất Điều III(2) Hiệp định GATT hay không, hai vấn đề cần được xác định là: (i) liệu sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm nội địa trong một vụ tranh chấp có phải sản phẩm cùng loại hay không; (ii) khoản thuế hay thu nội địa liên quan được áp lên sản phẩm nhập khẩu cần được có vượt quá khoản thuế hay thu nội địa được áp lên sản phẩm tương tự.[18] Một số tiêu chí có thể được áp dụng nhằm xác định sản phẩm cùng loại phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, có thể kể đến là: (i) các đặc điểm, bản chất, và chất lượng của sản phẩm; (ii) tính năng cuối cùng của sản phẩm đó trong một thị trường cụ thể; (iii) thói quen và sở thích của người tiêu dùng; và (iv) sự phân loại theo các chế độ thuế.[19] Các tiêu chí này đã được xem xét trong các vụ như Vụ Japan-Alcoholic Beverages II;[20] Vụ Canada-Periodicals;[21] Vụ Argentina – Hides and Leather;[22] và Vụ Philippines – Distilled Spirits[23]. Tuy nhiên, khi xem xét sự phân loại dựa trên các chế độ thuế, chỉ các chế độ thuế mang tính phổ biến và áp dụng chung cho nhiều quốc gia mới có tính tham khảo thay vì các chế độ thuế ưu đãi của mà các quốc gia riêng lẻ cam kết.[24] Bên cạnh đó, khi xem xét các sản phẩm liên quan trong một vụ tranh chấp có phải sản phẩm cùng loại hay không, các sản phẩm đó cần phải đặt trong mối quan hệ cạnh tranh với nhau bởi vì nguyên tắc NT hướng tới mục đích ngăn cản việc bảo hộ thương mại và không ngăn cản các quốc gia thực hiện các biện pháp nội địa nhằm các mục đích cộng đồng khác không phải bảo hộ thương mại.[25] Điều đó có nghĩa là các sản phẩm được so sánh có thể mang một tính chất nào đó khác nhau (ví dụ như khác nhau về thành phần tạo thành) nhưng lại là những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp nhau trong một thị trường nhất định và gần như hoàn toàn có thể thay thế cho nhau thì vẫn có thể xem là sản phẩm cùng loại.[26] Sau khi đã xác định các sản phẩm liên quan là sản phẩm cùng loại, một khoản thuế hay thu nội địa vượt quá mức so với khoản thuế hay thu nội địa được áp dụng với sản phẩm nội địa, dù chỉ là một mức vượt quá rất nhỏ, cũng cấu thành sự vi phạm nguyên tắc NT - câu thứ nhất Điều III(2).[27]


Như đã đề cập ở trên, nội hàm của câu thứ hai nguyên tắc NT rộng hơn, bao gồm cả những sản phẩm có tính chất cạnh tranh trực tiếp và thay thế được so với sản phẩm nội địa. Khái niệm “sản phẩm có tính chất cạnh tranh trực tiếp và thay thế được” có thể được giải thích qua ví dụ sau:

“Quốc gia A nhận được cam kết ưu đãi về thuế từ quốc gia B. Vì quốc gia B không thể trồng được quả cam, quốc gia này có thể áp bất kỳ mức thuế nào lên quả cam. Tuy nhiên, khi áp một mức thuế quá cao lên quả cam, quốc gia B đã bảo hộ quả táo - loại quả mà quốc gia B sản xuất được. Bởi vì khoản thuế nội địa lên quả cao đã cao đến mức mà người tiêu dùng sẽ chọn quả táo thay vì quả cam, quốc gia B đã khiến cam kết ưu đãi về thuế của mình dành cho quốc gia A vô hiệu và khiến quốc gia A không thực hiện được mục đích là mang quả cam của mình vào thị trường quốc gia B.”[28]


Khi xem xét liệu một sản phẩm có phải là sản phẩm cạnh tranh trực tiếp và thay thế được, một số yếu tố có thể xem đến bên các đặc tính của sản phẩm liên quan là: (i) hệ số co giãn chéo theo giá (cross-price elasticity); (ii) sự phân loại theo chế độ thuế; (iii) điều kiện canh tranh của một thị trường liên quan; (iv) mức độ có thể thay thế được (elasticity of substitution).[29] Sau khi đã xác định các sản phẩm liên quan là các sản phẩm cạnh tranh trực tiếp và thay thế được, các vấn đề cần phải xác định tiếp theo nhằm khẳng định một vi phạm nguyên tắc NT - câu thứ hai là: (i) liệu các sản phẩm đó có bị áp thuế khác nhau hay không; (ii) liệu mức thuế khác nhau đó có nhằm mục đích bảo hộ sản phẩm nội địa hay không.[30] Tuy nhiên, khác với các sản phẩm cùng loại yêu cầu khoản thuế áp lên phải bắt buộc bằng nhau, các khoản thuế đối với các sản phẩm cạnh tranh nhau trực tiếp và thay thế được có thể có sự khác biệt ở mức độ có thể bỏ qua, tức là ở mức độ mà mục đích bảo hộ sản phẩm nội địa sẽ không có tác dụng.[31]


Khác với nguyên tắc NT trong Hiệp định GATT mang tính áp dụng chung, phạm vi của nguyên tắc NT trong Hiệp định GATS phụ thuộc vào mức độ cam kết của một quốc gia. Nói một cách khác, một quốc gia có thể đặt ra các giới hạn trong đối xử của mình đối với các dịch vụ cùng loại của nước ngoài và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cùng loại, phụ thuộc vào điều kiện và tiêu chuẩn mà quốc gia đó đã đưa ra.[32] Một quốc gia có thể đáp ứng nguyên tắc trên bằng cả đối xử tương tự hay khác biệt đối với dịch vụ nước ngoài và nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.[33] Một biện pháp chỉ vi phạm nguyên tắc trên khi biện pháp đó làm thay đổi mối quan hệ cạnh tranh giữa dịch vụ nội địa hay nhà cung cấp dịch vụ nội địa so với dịch vụ nước ngoài cùng loại hay nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài cùng loại nhằm mục đích ưu đãi dịch vụ nội địa hay nhà cung cấp dịch vụ nội địa.[34] Tuy nhiên, những bất lợi trong quan hệ cạnh tranh xuất phát từ bản chất nước ngoài của dịch vụ cùng loại hay nhà cung cấp dịch vụ cùng loại, một quốc gia không phải bồi thường cho những bất lợi trên.[35] Khi xem xét tính chất cùng loại của một dịch vụ hay nhà cung cấp dịch vụ, các yếu tố cụ thể trong những trường hợp cụ thể cần được tính đến và đặt trong mối quan hệ cạnh tranh giữa các dịch vụ hay nhà cung cấp dịch vụ liên quan.


3. Nguyên tắc liên quan đến Tiếp cận Thị Trường - Market Access (MA)

Bên cạnh nguyên tắc MFN và nguyên tắc NT, nguyên tắc MA được xây dựng trong Hiệp định GATT và GATS nhằm tự do hóa thương mại quốc tế bằng cách thúc đẩy suy giảm các rào cản thuế và phi thuế.[36]


Trong khuôn khổ Hiệp định GATT, nguyên tắc MA yêu cầu các quốc gia tiến hành các vòng đàm phán nhằm đạt được các cam kết về giảm đáng kể mức thuế, không gia tăng mức thuế thấp hay không áp dụng các loại thuế mới không được đặt ra trước đó đối với các loại hàng hóa.[37] Việc tiến hành đàm phán cần tuân theo một số định hướng sau: (i) đàm phán trên cơ sở các bên cùng có lợi; (ii) tính đến nhu cầu của các bên ký kết và từng lĩnh vực cụ thể; (iii) nhu cầu của các quốc gia thế giới thứ ba trong việc áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo vệ về thuế nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế và các nhu cầu đặc biệt khác nhằm duy trì các mức thuế vì các mục đích thu nhập; (iv) các hoàn cảnh liên quan khác, bao gồm các nhu cầu về tài khóa, phát triển, chiến lược của các bên ký kết.[38] Bên cạnh các biện pháp về thuế, nguyên tắc MA cũng ngăn cấm các quốc gia áp dụng các biện pháp hạn chế mang tính định lượng như hạn ngạch và các biện pháp về giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu.[39] Một số biện pháp phi thuế liên quan khác mà các quốc gia không được thực hiện nhằm tạo rào cản thương mại: (i) sự thiếu minh bạch trong quy định quản lý thương mại; (ii) sự áp dụng các quy định thương mại một cách bất công và tùy ý; (iii) thủ tục thuế quan, rào cản kỹ thuật đối với thương mại, và mua sắm công.[40]


Khác với hàng hóa, thương mại dịch vụ chủ yếu chịu tác động từ các biện pháp nội địa. Trong khuôn khổ Hiệp định GATS, một quốc gia chỉ có nghĩa vụ đối xử không kém ưu đãi hơn đối với các dịch vụ và nhà cung cấp dịch vụ của bất kỳ thành viên nào khác trong giới hạn các cam kết mà quốc gia đó đưa ra.[41] Điều này có nghĩa là một quốc gia chỉ không được phép đưa ra các giới hạn đối với thương mại dịch vụ vượt quá các cam kết của mình. Một số giới hạn đối với thương mại dịch vụ có thể kể đến là: (i) giới hạn đối với số lượng nhà cung cấp dịch vụ; (ii) giới hạn đối với tổng giá trị của giao dịch dịch vụ hay tài sản dịch vụ; (iii) giới hạn đối với số nhân công.[42]


4. Nguyên tắc liên quan đến chống bán phá giá - (Anti-dumping)

Theo Điều VI về Thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng trong Hiệp định GATT 1994 , một sản phẩm được xác định là bán phá giá nếu như giá xuất khẩu của sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh của sản phẩm cùng loại được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo các điều kiện thương mại thông thường. Trong thương mại quốc tế, khi hàng hóa bị xem là bán phá giá thì chúng có thể bị áp đặt các biện pháp chống bán phá giá (anti-dumping) như thuế chống phá giá, đặt cọc hoặc thế chấp, cam kết hạn chế định lượng hoặc điều chỉnh mức giá của nhà xuất khẩu nhằm triệt tiêu nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước nhập khẩu, trong đó thuế chống bán phá giá là biện pháp phổ biến nhất hiện nay.[43]


Nguyên tắc chung nêu ra trong Hiệp định của WTO là không được phân biệt đối xử khi áp dụng thuế chống phá giá, tức là nếu hàng hóa bị bán phá giá được xuất khẩu từ những quốc gia khác nhau với cùng biên độ phá giá như nhau thì sẽ áp đặt mức thuế chống phá giá ngang nhau. Mức thuế chống phá giá sẽ phụ thuộc vào biên độ phá giá của từng nhà xuất khẩu không phải áp dụng bình quân (ngay cả khi các nhà xuất khẩu từ cùng một quốc gia) và không được phép vượt quá biên độ phá giá đã được xác định.


Theo Điều VI của GATT 1994, các thành viên WTO có thể áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, nếu sau khi điều tra ra rằng (i) việc bán phá giá đang diễn ra; (ii) ngành sản xuất trong nước, mà ngành đó đang sản xuất một sản phẩm cùng loại với quốc gia nhập khẩu, đang gặp thiệt hại về vật chất; và (iii) tồn tại một mối quan hệ nhân quả giữa hai kết quả trên.[44]


4. Kết luận

WTO là một trong những thiết chế quan trọng nhất về lĩnh vực thương mại quốc tế. Nhằm hoạt động hiệu quả, bốn nguyên tắc cơ bản của WTO đã được xây dựng trong bộ các hiệp định trong khuôn khổ WTO bao gồm: (i) Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc - MFN; (II) Nguyên tắc Đối xử Quốc gia - NT; (iii) Nguyên tắc liên quan đến Tiếp cận Thị trường - MA và (iv) Nguyên tắc liên quan đến chống bán phá giá - Anti-Dumping. Trong đó, nguyên tắc MFN và nguyên tắc NT mang vai trò bảo vệ hàng hóa nhập khẩu khỏi sự phân biệt đối xử với các hàng hóa nhập khẩu cùng loại vào và sản phẩm nội địa cùng loại trong một lãnh thổ thuế quan. Bên cạnh đó, nguyên tắc MA và nguyên tắc Anti-Dumping giúp mở cửa thị trường và bảo đảm các điều kiện cạnh tranh lành mạnh bên trong thị trường.

Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] World Trade Organization, Understanding the WTO: The Agreements, “Overview: a navigational guide”. <https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/agrm1_e.htm>

[2][6] World Trade Organization, Understanding the WTO: Basics, “Principles of the trading system”. <https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/fact2_e.htm#seebox>

[3] Hiệp định GATT, Điều I khoản 1.

[4] A. Wang, The Interpretation and Application of the Most-Favored-Nation Clause in Investment Arbitration, Chương 1, History of the MFN Clause in International Law, Trang 22. <https://doi.org/10.1163/9789004517899_003>

[5] International Protection of Investments (2020), The Substantive Standards, Cambridge University Press, Phần II Chương 1: Most-Favored-Nation Treatment Principle, trang 255 – 264.

[7] Điều 2, khoản 6, Hiệp định số 261/WTO/VB về Chống bán phá giá -Thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại GATT 1994.

[8] WTO, Báo cáo của cơ quan phúc thẩm, vụ Japan-Alcoholic Beverages II, trang 114.

[9] Peter Van den Bossche et. al (2013), The Law and Policy of the World Trade Organization, 3rd Edition, Cambridge University Press, trang 331.

[10] Quyết định năm 1979 về đối xử khác biệt và ưu đãi hơn, có đi có lại và tham gia đầy đủ hơn của các nước đang phát triển” hoặc “Quyết định ngày 28/11/1979 (L/4903)”, hay còn gọi là “Điều khoản cho phép” cho phép các nước đang phát triển gia nhập các hiệp định toàn cầu hoặc khu vực, trong đó quy định giảm hoặc loại bỏ thuế quan và các rào cản phi thuế quan trong thương mại giữa các nước này với nhau. Nó cho phép vi phạm nguyên tắc MFN theo hướng có lợi cho các nước đang phát triển.

[11] Council Regulation (EC) No.2501/2001, 10/12/2001, “The General Arrangements”, đoạn 2(a),(d).

[12] Hiệp định GATT Điều III; Hiệp định GATS Điều XVII; Hiệp định TRIPS Điều III; Matthias Herdegen, Principles of International Economic Law (Oxford University Press, 2013), trang 195.

[13] Hanoi Law University, Textbook on International Trade and Business Law (Youth Publishing House 2017), trang 79.

[14] Hiệp định GATT Điều III.

[15] Hiệp định GATT Điều III(1),(2).

[16] Hiệp định GATT Điều III(1) chỉ đề cập đến sản phẩm được nhập khẩu và nội địa bị áp dụng các biện pháp nội địa nhằm bảo hộ sản phẩm nội địa. Câu thứ nhất Hiệp định GATT Điều III(2) đề cập đến sản phẩm nội địa cùng loại. Câu thứ hai Hiệp định GATT Điều III(2) đề cập đến các khoản thuế và thu nội địa được áp dụng trái với Điều III(1). Phụ lục A, ghi chú bổ sung Điều III giải thích: “Một khoản thuế phù hợp với câu thứ nhất đoạn 2 sẽ chỉ trái với câu thứ hai đoạn 2 khi có mối quan hệ cạnh tranh giữa một sản phẩm bị áp thuế và một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp và thay thế nhưng không bị áp thuế tương tự”.

[17] Appellate Body Report, Japan – Alcoholic Beverages II, đoạn 19; Appellate Body Report, Canada – Periodicals, đoạn 19.

[18] WTO, Appellate Body Report, Canada-Periodicals, đoạn 468; Hanoi Law University, Textbook on International Trade and Business Law (Youth Publishing House 2017) trang 80.

[19] Working Party on Border Tax Adjustments, BISD 18S/97, đoạn 18; Matthias Herdegen, Principles of International Economic Law (Oxford University Press, 2013) trang 198.

[20] Appellate Body Report, Japan – Alcoholic Beverages II, trang 20.

[21] Appellate Body Report, Canada – Periodicals, trang 21-22.

[22] Panel Report, Argentina – Hides and Leather, đoạn 11.167.

[23] Panel Report, Philippines – Distilled Spirits, đoạn 7.34-7.37.

[24] WTO, Appellate Body Report, Japan-Alcoholic Beverages II, đoạn 114-115.

[25] WTO, Panel Report 1992, United States - Measures Affecting Alcoholic and Malt Beverages, đoạn 5.23 - 5.26.

[26] WTO, Panel Report 1992, United States - Measures Affecting Alcoholic and Malt Beverages, đoạn 5.23 - 5.26; WTO, Appellate Body Report 2011, Philippines: Taxes on Distilled Spirits, đoạn 125, 148, 149.

[27] WTO, Appellate Body Report, Japan – Alcoholic Beverages II, đoạn 114-115.

[28] WTO, Analytical Index of the GATT - Điều 3, trang 159, chú thích chân trang số 128.

[29] WTO, Appellate Body Report, Japan: Taxes on Alcoholic Beverages, đoạn 25.

[30] WTO, Report of the Panel 2005, Mexico: Tax Measures on Soft Drinks and Other Beverages, đoạn 8.66.

[31] WTO, Panel Report 1987, Japan - Customs Duties, Taxes and Labelling Practices on Imported Wines and Alcoholic Beverages, đoạn 5.11.

[32] Hiệp định GATS Điều XVII(1).

[33] Hiệp định GATS Điều XVII(2).

[34] Hiệp định GATS Điều XVII(3).

[35] Hiệp định GATS Điều XVII (fn 10).

[36] Hiệp định GATT Điều XXVIIIbis; Hiệp định GATS Điều 15.

[37] Hiệp định GATT Điều XXVIIIbis(1),(2).

[38] Hiệp định GATT Điều XXVIIIbis(3).

[39] Hiệp định GATT Điều XVI(1).

[40] Hanoi Law University, Textbook on International Trade and Business Law (Youth Publishing House 2017), trang 93.

[41] Hiệp định GATS Điều XVI.

[42] Hiệp định GATS Điều XVI(2).

[43] Báo Nhân dân (2004), Thông tin Pháp luật Tài chính, “Bán phá giá trong thương mại quốc tế và thực tiễn Việt Nam”. <https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=BTC337377>

[44] World Trade Organization, Anti-dumping: technological information on anti-dumping, The UR Agreement: Basic principles. <https://www.wto.org/english/tratop_e/adp_e/adp_info_e.htm#:~:text=Under%20Article%20VI%20of%20GATT,the%20importing%20country%20is%20suffering>

812 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

ความคิดเห็น


bottom of page