top of page
icj 1.jpeg

[23] SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN GIÁO DỤC DƯỚI GÓC NHÌN CỦA LUẬT QUỐC TẾ

Đã cập nhật: 10 thg 12, 2023



Tác giả: Lương Vũ Khánh Ly, Dương Hải Anh, Đinh Văn Khiêm


...Mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn… nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục.” - Lời nói đầu, Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948.


Giáo dục, với ý tưởng là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xây dựng một xã hội bình đẳng, phát triển, trở thành trọng tâm của nhiều nỗ lực và hoạt động trong cộng đồng quốc tế. Quyền được giáo dục là một trong những quyền cơ bản của con người, được ghi nhận bởi Liên hợp quốc và trong một số các điều ước quốc tế.[1] Nhân ngày Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11, nhóm tác giả xin dành tặng bài nghiên cứu này nhằm tri ân những người thầy, cô đã nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình truyền đạt tri thức. Nhóm tác giả hy vọng rằng bài viết sẽ góp phần nhỏ trong việc tôn vinh công lao và sự cống hiến của những người đã dẫn dắt chúng ta trên con đường học tập và phát triển.


1. Quy định của luật quốc tế về quyền được giáo dục

Giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển con người và xã hội một cách toàn diện, đồng thời thúc đẩy sự hiểu biết và gắn kết giữa các quốc gia trên toàn cầu.[2] Với ý nghĩa đó, quyền được tiếp cận giáo dục là một trong những quyền con người cơ bản, và là một trong những công cụ đảm bảo các quyền con người khác.[3] Trong phần này, nhóm tác giả sẽ trình bày cơ bản về lịch sử hình thành của quyền được tiếp cận giáo dục cũng như nội dung của quyền này trong các điều ước quốc tế và khu vực.


1.1. Lịch sử hình thành

Giáo dục đã xuất hiện trong xã hội loài người từ thời cổ đại. Với ý nghĩa nguyên thủy nhất của mình, giáo dục đóng vai trò như hoạt động truyền đạt kinh nghiệm sống từ con trưởng thành đến con non, nhằm mục đích con non có thể sống sót và sinh tồn trong môi trường tự nhiên.[4] Khi xã hội loài người đạt đến trình độ cao hơn, việc học không chỉ giới hạn trong việc học những kỹ năng sinh tồn mà con người bắt đầu quan tâm hơn tới thế giới xung quanh, cũng như các phạm trù đạo đức, nhân tính… Điều này dần thúc đẩy nhu cầu cho một hệ thống giáo dục quy củ, chính thống hơn.[5] Song các cá nhân được tiếp nhận giáo dục một cách đầy đủ, chính thống nhất lại không chiếm đa số, mà chỉ giới hạn trong tầng lớp tinh hoa như quý tộc, tăng lữ, điền chủ, nhà buôn, binh lính…[6]


Cùng với sự biến thiên của lịch sử, các tư tưởng về tiếp cận giáo dục cho số đông đã manh nha hình thành. Khổng Tử trong Luận Ngữ, cho rằng “Hữu giáo, vô loại” tức việc dạy học không giới hạn cho bất kì giai cấp cụ thể nào, không kể giàu nghèo, hạng người nào.[7] Đây là một quan điểm cấp tiến trong xã hội phương Đông, song quan điểm này vẫn chỉ là thiểu số. Triết gia, nhà cải cách giáo dục người Séc Comenius trong tác phẩm “Pampaedia” (Giáo dục phổ thông) hướng đến “Trí tuệ phổ quát” nghĩa là tất cả mọi người cần được giáo dục trọn vẹn về tính nhân bản”.[8] Mặc dù cả xã hội phương Đông và phương Tây đều nhen nhóm tư tưởng tiến bộ về giáo dục, khẳng định nhu cầu tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng là vấn đề chung cần giải quyết của xã hội, song thực tế xã hội ở cả hai bên đều chưa chú trọng đến giáo dục dành cho số đông mọi người. Tuy nhiên, ý tưởng về quyền tiếp cận giáo dục đối với mọi người vẫn tiếp tục hình thành, phát triển trong lòng những cuộc cải cách xã hội lớn ở Châu Âu kể từ cuối thế kỉ XVIII, tiêu biểu như Cách mạng tư sản Pháp (1789-1799), Cách mạng Châu Âu 1848, Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) với tư tưởng giáo dục không có rào cản cho các giai cấp, phải được tiếp cận và miễn phí ở mọi cấp độ.[9] 


Trải qua khoảng thời gian dài với những biến động của thời đại, những nhận thức mới về giáo dục dần được hình thành và làm nền tảng cho quyền tiếp cận giáo dục sau này. Trong đó, dấu mốc quan trọng nhất phải kể tới là năm 1948, với vai trò “thúc đẩy và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”,[10] Liên hợp quốc chính thức ghi nhận quyền này như một quyền con người cơ bản trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (UDHR). Kể từ đây, hàng loạt các văn kiện quốc tế khác cũng ghi nhận quyền này như Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Văn hóa, Xã hội 1966 (ICESCR) và cơ số các điều ước quốc tế khác.[11]



1.2. Nội dung quyền được giáo dục trong các điều ước quốc tế 

Quyền được giáo dục lần đầu tiên được nhắc đến trong Điều 26 của UDHR, với tuyên bố: “Mọi người đều có quyền được giáo dục”. Mặc dù UDHR không có hiệu lực ràng buộc, song Điều 26 vẫn là một cơ sở pháp lý quan trọng khi nhắc tới quyền được giáo dục.[12] Cụ thể, Điều 26 quy định trọng tâm của quyền được giáo dục, bao gồm: (i) Giáo dục sẽ được miễn phí, ít nhất là ở bậc cơ sở và tiểu học; (ii) Giáo dục phải hướng tới sự phát triển toàn diện nhân cách con người và tăng cường sự tôn trọng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Sau UDHR, rất nhiều điều ước quốc tế và khu vực[13] cũng bắt đầu thừa nhận và quy định quyền được giáo dục. 


Trên tinh thần của UDHR, ICESCR cũng đề cập đến quyền được giáo dục với các quy định tương tự. Cụ thể, Điều 13(2) của ICESCR nói về những biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ quyền được giáo dục, bao gồm: Phổ cập và miễn phí hình thức giáo dục bậc tiểu học, đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận và hoàn thành chương trình giáo dục bậc tiểu học; tăng tính đa dạng và phổ cập của các hình thức giáo dục trung học, bao gồm cả hình thức dạy nghề; đảm bảo tất cả mọi người tiếp cận với giáo dục đại học một cách bình đẳng, phù hợp với năng lực. Có thể thấy, các quy định trong Điều 13(2) của ICESCR đã cho thấy sự cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo quyền được giáo dục cho tất cả mọi người, xóa bỏ rào cản và tạo ra một môi trường bình đẳng cho việc tiếp cận quyền.


Quyền được giáo dục cũng được công nhận ở một số điều ước quốc tế về nhân quyền khác, đặc biệt là những điều ước quy định về việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính hoặc tôn giáo. Cụ thể, Điều 10 của Công ước về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt đối xử chống lại Phụ nữ năm 1979 (CEDAW) quy định về trách nhiệm của các quốc gia thành viên trong việc đảm bảo phụ nữ “được hưởng các quyền bình đẳng với nam giới trong lĩnh vực giáo dục”. Điều 24 của Công ước về Quyền của Người khuyết tật (CRPD) năm 2008 và Điều 28 của Công ước quốc tế về Quyền Trẻ em năm 1990 (UNCRC) đã quy định các quốc gia thành viên thừa nhận quyền được giáo dục của nhóm người khuyết tật và trẻ em.


Với các điều ước khu vực, quyền được giáo dục cũng đã được ghi nhận và quy định trong một số Công ước. Cụ thể, Điều 2 của Nghị định thư, Công ước châu Âu về Nhân quyền năm 1953 (ECHR) đã khẳng định: “Không ai được từ chối quyền được giáo dục” nhằm khẳng định tầm quan trọng của quyền được giáo dục với con người. Tương tự, Điều 17 của Hiến chương châu Phi về Con người và Nhân quyền năm 1982 (ACHPR) khẳng định “Tất cả cá nhân đều được hưởng quyền được giáo dục”. Điều 30 của Hiến chương của Tổ chức các Quốc gia Châu Mỹ năm 1951 (COAS) cũng quy định các quốc gia thành viên cam kết thúc đẩy và tuân thủ các quy định về việc thực hiện quyền được giáo dục. 


2. Bảo đảm thực hiện quyền được tiếp cận giáo dục: nghĩa vụ của các quốc gia và thực tiễn Việt Nam 

Việc thực hiện hiệu quả quyền được tiếp cận giáo dục đòi hỏi cần phải có những nghĩa vụ nhất định đối với các quốc gia. Trong phần này, nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích nghĩa vụ của quốc gia được quy định trong các điều ước quốc tế và thực tiễn việc thực thi quyền được tiếp cận giáo dục ở Việt Nam. 


2.1. Nghĩa vụ bảo đảm quyền được tiếp cận giáo dục của các quốc gia

Khi gia nhập các điều ước quốc tế về quyền con người, các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.[14] Với nghĩa vụ tôn trọng, các quốc gia cần tránh các biện pháp, hành vi cản trở việc thực hiện quyền được tiếp cận giáo dục. Với nghĩa vụ bảo vệ, các quốc gia cần thực hiện các biện pháp để không cho bên thứ ba can thiệp vào việc thực hiện được tiếp cận giáo dục. Với nghĩa vụ thực hiện, các quốc gia cần thông qua các biện pháp thích hợp để thực hiện quyền được giáo dục.


Ba nghĩa vụ chính này được đặt ra cho các quốc gia nhằm đảm bảo bốn yếu tố quan trọng của quyền được giáo dục.[15] Thứ nhất, về tính sẵn có (availability), các quốc gia đảm bảo tính sẵn có ở mọi cấp bậc giáo dục; bảo đảm cơ sở vật chất: cơ sở vật chất, vệ sinh, nước uống an toàn,...; đảm bảo quyền lợi cho giáo viên: được đào tạo, có mức lương cạnh tranh trong nước, tài liệu giảng dạy,... Thứ hai, về tính có thể tiếp cận (accessibility), các quốc gia đảm bảo hệ thống giáo dục được xây dựng trên cơ sở bình đẳng và không phân biệt; đặc biệt với những học sinh có rào cản về thể chất, tài chính,…Thứ ba, về tính có thể chấp nhận được (acceptability), các quốc gia đảm bảo sự chấp thuận của phụ huynh và học sinh về nội dung và hình thức giáo dục; cần có sự phù hợp về văn hóa và có chất lượng tốt; đảm bảo quyền tự do của phụ huynh và học sinh trong việc lựa chọn chương trình học. Thứ tư, về tính thích ứng (adaptability), các quốc gia đảm bảo rằng trường học và giáo viên đáp ứng được những yêu cầu đặc biệt của mỗi cá nhân, bao gồm các học sinh thuộc nhóm người khuyết tật, người thuộc cộng đồng thiểu số, người sống ở các khu vực hẻo lánh hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột. 


Ngoài những nghĩa vụ cơ bản trên, các điều ước quốc tế[16] cũng đề cập đến các nghĩa vụ đặc biệt của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện và đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục. Cụ thể, Điều 14 ICESCR quy định rõ ràng đối với các quốc gia thành viên chưa đảm bảo tính phổ cập và miễn phí của giáo dục tiểu học. Theo quy định này, các quốc gia thành viên cam kết trong vòng hai năm sẽ thiết lập và thông qua một kế hoạch chi tiết nhằm thực hiện mục tiêu trên. Điều 10 CEDAW đã quy định về việc xóa bỏ hình thức, quan niệm phân biệt dựa trên cơ sở giới về vai trò của nam giới và nữ giới, tạo ra cơ hội bình đẳng và khuyến khích hình thức giáo dục chung cho cả hai giới. 


2.2. Thực tiễn bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục tại Việt Nam

Tại Việt Nam, quyền được giáo dục đã và đang được thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm và thực thi mạnh mẽ. Điều này được thể hiện rõ qua việc quyền này nhận được sự bảo vệ pháp lý mạnh nhất - với tư cách là một quyền con người trong Hiến pháp.[17] 


Quyền được tiếp cận giáo dục lần đầu tiên được quy định tại Điều 14 Hiến pháp năm 1946: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ. Trẻ con được săn sóc về mặt giáo dưỡng”. Tiếp đó, Điều 33 của Hiến pháp năm 1959 quy định về quyền được giáo dục như sau: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có quyền học tập. Nhà nước thực hiện từng bước chế độ giáo dục cưỡng bách, phát triển dần các trường học và cơ quan văn hoá, phát triển các hình thức giáo dục bổ túc văn hoá, kỹ thuật, nghiệp vụ, tại các cơ quan, xí nghiệp và các tổ chức khác ở thành thị và nông thôn, để bảo đảm cho công dân được hưởng quyền đó”. Quyền được tiếp cận giáo dục tiếp tục được quy định tại Điều 60 Hiến pháp năm 1980: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Hiến pháp năm 1980 cũng quy định quyền được giáo dục được Nhà nước thực hiện thông qua các chế độ giáo dục phổ thông bắt buộc, chế độ học không phải trả tiền, chính sách cấp học bổng. Tới bản Hiến pháp năm 1992, Điều 59 khẳng định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”.


Điều 39 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập”. Thêm vào đó, khoản 1, Điều 61 của Hiến pháp 2013 khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”. Bên cạnh những điểm tương đồng với các điều ước quốc tế kể trên, Hiến pháp 2013 của Việt Nam cũng nhấn mạnh vào việc ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.[18]


Dựa vào nền tảng của các bản Hiến pháp, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về vấn đề giáo dục. Quyền được giáo dục đã được cụ thể hóa trong các luật như Luật Phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2019), Luật Dạy nghề năm 2006, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), … Cụ thể, trong Điều 2 của Luật Giáo dục 2019 cũng đã nêu rõ mục tiêu trọng tâm của nền giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người, có đạo đức, tri thức, văn hóa để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, so với Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục 2019 cũng đã bổ sung thêm những quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo. Luật Trẻ em năm 2016 hay Luật Người khuyết tật năm 2010 cũng đã chú trọng vào quyền được giáo dục dành cho nhóm đối tượng đặc biệt, đảm bảo cung cấp các điều kiện thuận lợi và bình đẳng cho mọi người bất kể nguồn gốc xã hội, địa lý. 


Đảng và Nhà nước đã ban hành những chính sách thúc đẩy thực hiện quyền được giáo dục như Nghị quyết số 29-NQ/TW quy định về việc đổi mới, toàn diện giáo dục để đáp ứng với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết nhằm giúp thực hiện quyền giáo dục hiệu quả, trong đó phải nhắc tới Nghị định số 20/2014/NĐ-CP về việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ hay Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. 


Cùng với việc ban hành các văn bản pháp luật, nghị định, nghị quyết liên quan, Việt Nam cũng đã và đang tích cực tham gia các điều ước quốc tế có đề cập đến quyền được giáo dục như UDHR, ICESCR, Công ước về Quyền Trẻ em và Tuyên bố Nhân quyền ASEAN (AHRD). 


Với các chính sách hiệu quả cùng sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao của toàn bộ hệ thống chính trị, có thể nói, hệ thống giáo dục Việt Nam đang dần hoàn thiện về cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Về chiều dọc, Việt Nam có hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ cấp mầm non đến sau đại học.[19] Về chiều ngang, gần như mọi khu vực địa lý đều có trường học, đáp ứng được nhu cầu học tập trong khu vực.[20] Như vậy, hệ thống giáo dục ở Việt Nam tương đối đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân.[21] Một số liệu đáng đề cập là năm 1945 Việt Nam còn 95% người dân mù chữ, thì đến năm 2010 cả nước đã có 97,3% người dân biết chữ.[22] Những số liệu trên thể hiện thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện quyền được tiếp cận giáo dục.


Bên cạnh những thành tựu to lớn trong việc thực hiện giáo dục cơ bản cho tất cả mọi người, việc thực hiện quyền được giáo dục ở Việt Nam vẫn đang tồn tại vài điểm đáng lưu tâm. Nổi bật nhất là những trở ngại trong việc mang giáo dục chất lượng, giáo dục hoà nhập và bền vững đến người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn.[23] Báo cáo Tóm tắt Giáo dục Việt Nam Năm 2022 của UNICEF cho thấy có sự khác biệt lớn giữa tỷ lệ hoàn thành cấp học THPT, kỹ năng học tập cơ bản, kỹ năng CNTT-TT...giữa các dân tộc. Điển hình như trong khi tỉ lệ không hoàn thành cấp học THPT ở dân tộc Kinh và Hoa là dưới 50% thì tỉ lệ này ở các dân tộc khác đều trên 50%, với dân tộc Tày, Thái, Mường, Nùng là 53%, dân tộc Khmer là 85% và dân tộc Mông là 77%.[24] 


Ngoài ra, dưới góc nhìn pháp lý, còn nhiều quy định trong các quy phạm pháp luật hiện hành tồn tại hạn chế trong mục tiêu đảm bảo, hỗ trợ thực hiện quyền được giáo dục.[25] Các hạn chế này có thể kể đến như việc chưa quy định thiệt hại được bồi thường do vi phạm quyền học tập của công dân trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, hay việc mới chỉ quy định phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở nhưng chưa có quy định ưu tiên phát triển giáo dục ở vùng hải đảo trong Luật Giáo dục năm 2005.[26] 


Nhằm thúc đẩy, phát triển, hỗ trợ giáo dục, hoạt động dạy và học và giải quyết thực trạng nêu trên, Việt Nam đã chủ động có những chính sách kịp thời, hiệu quả, điển hình là Nghị định về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Nghị định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.


3. Kết luận

Có thể thấy, quyền được giáo dục là một quyền cơ bản, quan trọng, có tác động lớn đến thế giới. Dưới góc độ Luật quốc tế, quyền này được quy định, bảo vệ và có các biện pháp bảo đảm thực thi mạnh mẽ bởi các điều ước quốc tế như UDHR, ICESCR, CEDAW, ECHR, ACHPR và COAS. Hơn thế nữa, để thực hiện đầy đủ quyền này, vai trò chủ động tôn trọng, bảo vệ và thực hiện của quốc gia cũng rất quan trọng. Tại Việt Nam, quyền này được ghi nhận, bảo vệ, thực thi và phát triển thông qua các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. 


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] UNESCO (2020), ‘What You Need to Know about the Right to Education, <https://www.unesco.org/en/articles/what-you-need-know-about-right-education>, truy cập ngày 19/11/2023. 

[2] Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948, Điều 26(2).

[3] Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (1999), CESCR General Comment No.13: The Right to Education (Art. 13), Đoạn 1.

[4] Jost Delbruck, ‘The Right to Education as an International Human Right’ (1992), trang 93-98.

[5] Jost Delbruck, ‘The Right to Education as an International Human Right’ (1992), trang 93-98; Xem thêm tại Giáo trình triết học Mác-Lê nin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), (2021), NXB. Chính trị quốc gia Sự thật.

[6] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021), Giáo trình triết học Mác-Lênin (Dành cho bậc đại học hệ không chuyên lý luận chính trị), NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, trang 16.

[7] ThS. Phạm Trúc Như (2023), ‘Góp phần tìm hiểu quan điểm của Khổng Tử về giáo dục’.

[8] Britannica, ‘European education in the 17th and 18th centuries’ , <https://www.britannica.com/topic/education/The-Calvinist-Reformation#ref47555>, truy cập ngày 19/11/2023.

[9] Malkova, Zoya A (1979), ‘Development of education in Socialist countries’(Youth and work: the incidence of the economic situation on the access of young people to education, culture and work”), trang 66.

[10] Hiến chương Liên hợp quốc 1945, Điều 1(3).

[11] Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948, Điều 26(2); Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, Điều 13(1); Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em 1989, Mục 28; Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Tất cả các Hình thức Phân biệt Chủng tộc 1966, Điều 7; Công ước Quốc tế về Xóa bỏ tất cả các Hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ 1979, Điều 10;...

[12] Jost Delbruck, ‘The Right to Education as an International Human Right’ (1992), trang 96. 

[13] Công ước của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) về Chống phân biệt trong giáo dục (CADE, 1960); Điều 13 & 14 Công ước về Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (CESCR, 1966)…

[14] United Nations Western Europe, ‘The Right to Education’, <https://unric.org/en/the-right-to-education/>, truy cập ngày 16/11/2023. 

[15] UNESCO, ‘State obligations and responsibilities on the right to education’, <https://www.unesco.org/en/right-education/state-obligations-responsibilities>, truy cập ngày 16/11/2023. 

[16] Công ước về Quyền Trẻ em năm 1989, Điều 28 Hiến chương châu Phi về Quyền và Phúc lợi Trẻ em năm 1999, Điều 11(3). 

[17] ĐCSVN, ‘Giáo Dục Việt Nam - Những Thành Tựu và Thách Thức’ (Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam), <https://dangcongsan.vn/y-te/giao-duc-viet-nam--nhung-thanh-tuu-va-thach-thuc-47043.html>, truy cập ngày 17/11/2023.

[18] Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2013, Khoản 3, Điều 61. 

[19][20][21] ĐCSVN, ‘Giáo Dục Việt Nam - Những Thành Tựu và Thách Thức’ (Báo điện tử - Đảng Cộng sản Việt Nam), <https://dangcongsan.vn/y-te/giao-duc-viet-nam--nhung-thanh-tuu-va-thach-thuc-47043.html>, truy cập ngày 17/11/2023. 

[22] ‘Từ Phong Trào “Diệt Giặc Dốt” Tới “Xã Hội Học Tập”’ (Tạp chí Tuyên giáo), <https://tuyengiao.vn/thoi-su/tu-phong-trao-diet-giac-dot-toi-xa-hoi-hoc-tap-129491>, truy cập ngày 17/11/2023.

[23] UNICEF Việt Nam,‘Giáo Dục - Mọi Trẻ Em Đều Có Quyền Tới Trường và Đi Học’ <https://www.unicef.org/vietnam/vi/gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c>, truy cập ngày 17/11/2023 

[24] UNICEF Việt Nam, ‘Bộ Báo cáo Tóm tắt (factsheet) phân tích các khía cạnh học tập và công bằng qua dữ liệu Điều tra MICS (Báo cáo MICS-EAGLE) năm 2022’, <https://data.unicef.org/wp-content/uploads/2023/02/MICS-EAGLE-FACTSHEET_VN-1.pdf>, truy cập ngày 17/11/2023. 

[25][26] Lê Thị Anh Đào, ‘Quyền Được Giáo Dục Theo Luật Quốc Tế và Thực Tiễn Thực Hiện Tại Việt Nam’ (Tạp chí Dân chủ & Pháp luật), <https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/48194>, truy cập ngày 17/11/2023.


358 lượt xem

Comments


bottom of page