top of page
icj 1.jpeg

[24] CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Tác giả: Dư Vũ Quỳnh Anh, Phạm Quốc Hào


Tóm tắt: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) ra đời đánh dấu một bước tiến lớn trong việc thiết lập và định hình cách tiếp cận và quản lý các nguồn lợi từ biển một cách bền vững và công bằng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Để đạt được mục tiêu này, UNCLOS đã ghi nhận một loạt nguyên tắc liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển, trong đó có nguyên tắc phát triển bền vững. Việc ghi nhận nguyên tắc này trong UNCLOS giúp xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ nguồn lợi từ biển cũng như quản lý, khai thác tài nguyên một cách cân bằng và công bằng giữa các quốc gia, không gây phương hại đến đa dạng sinh học. Bài viết này sẽ tập trung phân tích quy định của UNCLOS liên quan đến nguyên tắc phát triển bền vững cũng như thực tiễn áp dụng nguyên tắc này trong các án lệ của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày thông qua UNCLOS (10/12/1982-10/12/2023), nhóm tác giả trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu này nhằm tôn vinh sứ mệnh và tầm quan trọng của Công ước trong việc bảo vệ và quản lý bền vững môi trường biển. 


Từ khoá: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, nguyên tắc phát triển bền vững, pháp luật quốc tế về bảo vệ môi trường biển, Tòa án Quốc tế về Luật Biển.


1. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và nguyên tắc phát triển bền vững 

1.1. Quy định chung của Luật quốc tế về nguyên tắc phát triển bền vững 

Trong lịch sử phát triển của nguyên tắc phát triển bền vững, Báo cáo “Tương lai Chung của Chúng Ta” (hay còn được gọi là Báo cáo Brundtland) của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) được Liên hợp quốc xuất bản vào năm 1987 thường được xem là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự công nhận rộng rãi của các quốc gia và tổ chức quốc tế với nguyên tắc phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu, và mở đường cho việc xây dựng nội dung của nguyên tắc này thông qua các điều ước quốc tế và phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế sau này.[1] Theo đó, Báo cáo này định nghĩa phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến khả năng của các thế hệ tương lai để tự đáp ứng nhu cầu của họ”.[2] Bên cạnh đó, Báo cáo đồng thời nhấn mạnh vai trò của các quốc gia trong việc đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người yếu thế trong xã hội và đặt ra những giới hạn đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong việc sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên.[3]


Bên cạnh Báo cáo Brundtland, nguyên tắc phát triển bền vững còn ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế,[4] tiêu biểu là Tuyên bố của Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển năm 1972 (Tuyên bố Stockholm), và Tuyên bố Rio về Môi trường và Phát triển năm 1992 (Tuyên bố Rio). Theo đó, Nguyên tắc số 13 của Tuyên bố Stockholm nhấn mạnh: “để quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, các Quốc gia nên áp dụng cách tiếp cận tổng hợp và phối hợp trong quy hoạch phát triển của mình để đảm bảo rằng sự phát triển đó tương thích với nhu cầu bảo vệ và cải thiện môi trường vì lợi ích của người dân”.[5] Cách tiếp cận này tiếp tục được khẳng định tại Nguyên tắc số 4 của Tuyên bố Rio, theo đó, nhấn mạnh: “để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường phải là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển và không thể tách rời khỏi quá trình đó”.[6] 


Trong cuốn “Principles of International Environmental Law” (tạm dịch: Các Nguyên tắc của Luật Môi trường Quốc tế), Giáo sư Philippe Sands và Giáo sư Jacqueline Peel nhận định nguyên tắc phát triển bền vững đặt ra bốn yêu cầu đối với các quốc gia khi khai thác tài nguyên thiên nhiên: (i) bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vì lợi ích của thế hệ tương lai; (ii) mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên cần phải ‘bền vững’, ‘thận trọng’, ‘hợp lý’ và ‘phù hợp’; (iii) sử dụng tài nguyên thiên nhiên ‘công bằng’ và tính đến nhu cầu của các quốc gia khác; và (iv) bảo vệ môi trường cần được tích hợp vào các dự án phát triển kinh tế.[7] Trên cơ sở các văn kiện pháp lý đi trước, Công ước Lomé năm 1989 lần đầu quy định cụ thể một số tiêu chí cấu thành nguyên tắc phát triển bền vững tại Điều 33. Cụ thể, điều khoản này quy định: “việc bảo vệ và tăng cường môi trường và tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng suy thoái đất và rừng, khôi phục cân bằng sinh thái, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và khai thác hợp lý”.[8] Tuy nhiên, theo quan điểm của nhóm tác giả, các định nghĩa và tiêu chí xác định nguyên tắc phát triển bền vững được ghi nhận các các văn kiện nói trên chưa quy định cụ thể về nghĩa vụ của các quốc gia, thiếu sự nhất quán và từ đó chưa xác lập rõ ràng địa vị pháp lý của nguyên tắc này trước các cơ quan tài phán quốc tế.[9] 


Hơn nữa, cho đến nay, câu hỏi về việc liệu nguyên tắc phát triển bền vững có được công nhận là một tập quán quốc tế hay không vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Trong vụ Dự án đập Gabcikovo – Nagymaros (Hungary v. Slovakia), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) chỉ đề cập đến nguyên tắc phát triển bền vững mà không khẳng định nguyên tắc này là một quy phạm tập quán quốc tế.[10] Theo đó, Tòa nhận định: “nhu cầu dung hòa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường được thể hiện một cách khéo léo trong khái niệm phát triển bền vững”.[11] Bên cạnh đó, trong vụ Nhà máy bột giấy Pulp Mills (Argentina v. Uruguay), ICJ ủng hộ quan điểm của mình về nguyên tắc phát triển bền vững trong vụ Dự án đập Gabčíkovo-Nagymaros và khẳng định phát triển bền vững chỉ nên được coi là khái niệm mang tính định hướng trong quá trình đàm phán giữa các bên thay vì là một quy phạm tập quán quốc tế.[12] Ngược lại, trong vụ Đường sắt Iron Rhine (Belgium v. Netherlands), Hội đồng trọng tài kết luận: “ở những nơi mà sự phát triển có thể gây ra tác hại đáng kể cho môi trường thì các quốc gia có nghĩa vụ phải ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm thiểu tác hại đó” và công nhận nghĩa vụ này hiện đã trở thành một “nguyên tắc pháp luật chung” (a principle of general international law).[13] 


Như vậy, có thể khẳng định, mặc dù được ghi nhận trong nhiều văn kiện pháp lý quốc tế và án lệ của các cơ quan tài phán quốc tế, song, nguyên tắc phát triển bền vững đến nay vẫn chưa được giải thích rõ ràng về mặt nội dung, và thực tiễn xét xử cho thấy cách tiếp cận của các cơ quan tài phán với nguyên tắc còn chưa thống nhất.


1.2. Quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 liên quan đến nguyên tắc phát triển bền vững 

Mặc dù trong quá trình đàm phán và soạn thảo UNCLOS, nguyên tắc phát triển bền vững chưa được công nhận rộng rãi trong cộng đồng quốc tế, song, Công ước này vẫn thiết lập một khuôn khổ pháp lý ban đầu đối với nguyên tắc này.[14] Theo đó, UNCLOS không đặt ra bất kỳ điều khoản liên quan trực tiếp đến nguyên tắc phát triển bền vững mà chỉ ghi nhận một nghĩa vụ chung về “bảo vệ và bảo tồn môi trường biển” của các quốc gia đối với tài nguyên sinh vật biển.[15] Trong vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam (New Zealand v. Japan; Australia v. Japan), ITLOS đưa ra nhận định về mối quan hệ của nguyên tắc phát triển bền vững với các nghĩa vụ chung về bảo vệ môi trường biển và khẳng định “việc bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật của biển là một yếu tố trong việc bảo vệ và giữ gìn môi trường biển”.[16] Hơn nữa, trong Bình luận chung về UNCLOS, Giáo sư Shabtai Rosenne và Alexander Yankov nhấn mạnh phạm vi của nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển được quy định Điều 192 UNCLOS vượt ra ngoài việc ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra và bao gồm việc yêu cầu các quốc gia cần phải tích cực bảo tồn và cải thiện tình trạng môi trường biển.[17] Bên cạnh đó, Điều 194(1) của UNCLOS quy định các quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết, riêng lẻ hoặc tập thể, để “ngăn ngừa, giảm thiểu và quản lý ô nhiễm môi trường biển từ bất kỳ nguồn gốc nào bằng cách sử dụng các phương tiện thích hợp nhất mà mình có, và cố gắng điều hòa các chính sách của mình về mặt này”.[18] Cụ thể, Điều 1(4) của Công ước định nghĩa “ô nhiễm” là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các “chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển và gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển”.[19] Trên cơ sở định nghĩa về “ô nhiễm”, Điều 194(3) nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia trong việc kiểm soát tất cả các nguồn gây ô nhiễm, đặc biệt là giảm thiểu việc thải ra các chất độc hại ra môi trường thông qua các hoạt động thuộc quyền tài phán hay của mình.[20] Ngoài ra, Điều 194(5) khẳng định các các quốc gia có nghĩa vụ thực thi biện pháp cần thiết để “bảo vệ và gìn giữ các hệ thống sinh thái quý hiếm cũng như duy trì điều kiện cư trú của các loài và các sinh vật biển khác đang thoái hóa, có nguy cơ tuyệt chủng”.[21] 


Nhằm ngăn chặn hậu quả của ô nhiễm môi trường biển, Điều 197 của Công ước quy định các quốc gia cần hợp tác “trên phạm vi toàn cầu và khu vực…trong việc xây dựng và xây dựng các quy tắc, quy phạm quốc tế cũng như các tập quán quốc tế và thủ tục phù hợp với Công ước này nhằm bảo vệ và gìn giữ môi trường biển”.[22] Trên cơ sở Điều khoản này, ITLOS trong vụ Nhà máy MOX (Ireland v. United Kingdom) đã khẳng định hợp tác là nghĩa vụ cơ bản trong việc “ngăn ngừa ô nhiễm biển và môi trường theo Phần XII của Công ước và là một nguyên tắc pháp luật chung.”[23] Hơn nữa, Điều 198 UNCLOS quy định các quốc gia có nghĩa vụ thông báo cho các quốc gia khác về thiệt hại sắp xảy đến với môi trường hay thông báo về một thiệt hại thực sự (notification of imminent or actual damage).[24] Bên cạnh đó, Điều 199 đồng thời quy định khi xuất hiện thiệt hại sắp xảy đến với môi trường (imminent damage), quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng cùng với các tổ chức quốc tế có thẩm quyền cần “hợp tác, trong phạm vi có thể, nhằm loại bỏ tác động của ô nhiễm và ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại”, cũng như “cùng phát triển và thúc đẩy các biện pháp dự phòng” cho kế hoạch ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường biển.[25]


Nhìn chung, mặc dù UNCLOS ra đời trước khi có các văn kiện pháp lý quy định rõ ràng hơn về nguyên tắc phát triển bền vững, song, Công ước vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc thiết lập nền tảng pháp lý cho nguyên tắc phát triển bền vững, góp phần xác định trách nhiệm của các quốc gia đối với các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển.


2. Tòa án Quốc tế về Luật Biển và nguyên tắc phát triển bền vững

2.1. Nguyên tắc phát triển bền vững trong các vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời 

Điều 290 UNCLOS quy định: “... Toà có thể đưa ra bất kỳ biện pháp khẩn cấp tạm thời nào mà Toà thấy phù hợp với hoàn cảnh nhằm bảo đảm quyền của các bên trong tranh chấp hoặc ngăn ngừa tổn hại nghiệm trọng đến môi trường biển, trong khi chờ phán quyết cuối cùng”.[26] Việc mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ITLOS trong trường hợp bảo vệ môi trường góp phần củng cố và phát triển nguyên tắc phát triển bền vững. 


Trong số các vụ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp của ITLOS, hai vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam,[27] và vụ Nhà máy MOX [28] áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với lý do bảo vệ môi trường biển. 


Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam xuất phát từ vấn đề quản lý bền vững trữ lượng của một loài thuỷ sản có tính di cư cao, cá ngừ vây xanh miền Nam, di cư qua vùng đặc quyền kinh tế của một số quốc và trên các vùng rộng lớn của biển cả ở Nam bán cầu. Úc và New Zealand cùng đệ trình kiện Nhật Bản sau khi nước này quyết định thực hiện “chương trình đánh bắt thử nghiệm” quy mô lớn.[29] Theo đó, Úc và New Zealand cho rằng Nhật Bản vi phạm nghĩa vụ hợp tác trong việc bảo tồn và quản lý tài nguyên sinh vật biển theo Điều 118 UNCLOS và việc đánh bắt cá ngừ vây xanh phải được ổn định ở mức khuyến nghị của Uỷ ban Bảo tồn Cá ngừ vây xanh miền Nam.[30] Trong quá trình chờ đợi thành lập Tòa Trọng tài để giải quyết tranh chấp, ITLOS đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu Nhật Bản tạm dừng chương trình đánh bắt thử nghiệm của mình. ITLOS lưu ý “việc bảo tồn tài nguyên sinh vật biển là một yếu tố trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển”[31], từ đó, ITLOS xác định mối quan hệ mật thiết giữa các điều khoản của UNCLOS về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển với các điều khoản liên quan tới bảo tồn và quản lý bền vững nghề cá. ITLOS khuyến khích các bên “hành động thận trọng để đảm bảo các biện pháp bảo tồn hiệu quả được thực hiện”.[32] Có thể thấy, biện pháp khẩn cấp tạm thời được ITLOS đưa ra khi yêu cầu Nhật Bản tạm dừng hoạt động đánh bắt và áp dụng biện pháp bảo tồn để khôi phục cá vây xanh dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, cụ thể là quản lý bền vững tài nguyên sinh vật biển. 


Trong vụ Nhà máy MOX, ITLOS tái khẳng định nguyên tắc thận trọng (precautionary principle) được áp dụng trong vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam, nhưng quyết định rằng tình hình không yêu cầu một lệnh cấm Vương quốc Anh thực hiện thêm các bước trong kế hoạch đưa vào hoạt động một nhà máy xử lý hạt nhân mới. Anh bắt đầu quá trình thành lập một nhà máy sản xuất nhiên liệu oxit hỗn hợp (MOX) từ chất thải hạt nhân tại cơ sở Sellafield trên bờ biển Cumbrian của Ireland.[33] Ireland cáo buộc Anh đã không thực hiện các biện pháp theo yêu cầu của UNCLOS để ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do các vụ phóng thích phóng xạ ngẫu nhiên hoặc cố ý mà không tiến hành đánh giá tác động môi trường.[34] ITLOS cũng dựa trên nguyên tắc thận trọng để đưa ra biện pháp áp dụng với các bên trong việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường.[35]


Nguyên tắc phát triển bền vững trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời của ITLOS thể hiện thông qua cách tiếp cận với nguyên tắc thận trọng của Toà. Từ vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam tới vụ Nhà máy MOX, ITLOS dựa trên nguyên tắc thận trọng từ đó đưa ra biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu bên vi phạm dừng hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển và khuyến khích các bên áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ môi trường biển. 


2.2. Nguyên tắc phát triển bền vững trong các ý kiến tư vấn 

Nội hàm của nguyên tắc phát triển bền vững dần được ITLOS đề cập rõ ràng hơn trong các ý kiến tư vấn của mình. Hai trong số những ý kiến tư vấn có liên quan trực tiếp tới vấn đề môi trường là Ý kiến ​​tư vấn về trách nhiệm và nghĩa vụ của các quốc gia tài trợ cho cá nhân và tổ chức liên quan đến các hoạt động tại Vùng (2011) của Viện giải quyết tranh chấp liên quan đến đáy biển (Seabed Dispute Chamber hay SDC) và Ý kiến tư vấn của ITLOS trong vụ yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Uỷ ban Nghề cá Tiểu khu vực (2015). 


SDC, mặc dù về mặt pháp lý, là cơ quan độc lập so với ITLOS nhưng lại có trụ sở tại ITLOS [36] và được UNCLOS trao cho thẩm quyền đưa ra ý kiến tư vấn [37], do vậy, ý kiến của DSC góp phần củng cố hệ thống quan điểm pháp lý của ITLOS. Ý kiến tư vấn 2011 là vụ việc “lịch sử” đóng góp cho cách tiếp cận và phát triển nguyên tắc phát triển bền vững của ITLOS. Ý kiến từ vấn dù tiếp tục không đề cập trực tiếp tới nguyên tắc phát triển bền vững, nhưng thông qua các việc SDC nhắc về nghĩa vụ thẩm định (due diligence), và đặc biệt là vấn đề quản trị (governance).[38] Điều này cho thấy so với nguyên tắc phát triển bền vững trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời trước đây trong vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam và vụ Nhà máy MOX, ý kiến tư vấn đã mở rộng phạm vi tiếp cận của nguyên tắc này không chỉ với nguyên tắc phòng ngừa mà còn nghĩa vụ và nguyên tắc khác. 


Với nghĩa vụ thẩm định, SDC lưu ý rằng các Quốc gia tài trợ cho các nhà thầu thực hiện các hoạt động khai thác mỏ trong Khu vực có hai nghĩa vụ. Thứ nhất, các Quốc gia có nghĩa vụ thực hiện thẩm định để đảm bảo các nhà thầu tuân thủ nghĩa vụ của mình.[39] Thứ hai, các Quốc gia tài trợ có các nghĩa vụ trực tiếp bao gồm nghĩa vụ hỗ trợ ISA, áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa, tiến hành đánh giá tác động môi trường và đảm bảo bồi thường thiệt hại do ô nhiễm gây ra.[40] Với vấn đề về quản trị, SDC cho rằng bằng cách yêu cầu các Quốc gia tài trợ thực hiện các biện pháp hành chính (administrative) và pháp lý (legal) [41] để đảm bảo phù hợp với bản chất di sản chung của Vùng. SDC nhận định rằng trong phạm vi của luật pháp quốc tế lấy Nhà nước làm trung tâm, cách tiếp cận của Viện nhằm đảm bảo rằng quản trị tốt từ cấp độ quốc tế đến cấp độ trong nước, để các đơn vị khai thác mỏ thực hiện đúng trách nhiệm xã hội và môi trường của mình.[42] 


So với trước đây, nguyên tắc phát triển bền vững không chỉ nhắc đến dưới khía cạnh môi trường mà còn được nhắc tới trong mối quan hệ với trách nhiệm xã hội, đòi hỏi các quốc gia phải cân bằng được các lợi ích về kinh tế - xã hội của việc khai thác tài nguyên để bảo vệ môi trường biển. 


Vào tháng 4/2015, ITLOS ra ý kiến tư vấn cho yêu cầu xin ý kiến tư vấn của Uỷ ban Nghề các Tiểu khu vực (Sub-Regional Fisheries Commission hay SRFC).[43] Yêu cầu của SRFC liên quan tới câu hỏi về trách nhiệm của quốc gia đối với hoạt động đánh bắt cá không hợp pháp, không báo cáo và không quản lý (“IUU”), cũng như quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong việc quản lý bền vững các đàn cá.[44] Toà đã tận dụng Ý kiến tư vấn 2015 để nhấn mạnh lại mối quan hệ giữa việc quản lý tài nguyên sinh viên biển và bảo vệ môi trường biển [45] trong vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam.[46] ITLOS cũng khẳng định “mục tiêu cuối cùng của việc quản lý bền vững các trữ lượng cá là bảo tồn và phát triển một nguồn tài nguyên tiềm tàng và bền vững” [47] - tương tự như cách giải thích của Điều 63(1) UNCLOS [48]. ITLOS cho rằng các Quốc gia thành viên SFRC cũng như các quốc gia ven biển quản lý các trữ lượng cá chung, phải áp dụng các biện pháp bảo tồn và quản lý ngăn chặn tình trạng thai khác quá mức, duy trì và khôi phục trữ lượng ở mức có thể tạo ra sản lượng bền vững.[49]


Nói tóm lại, Ý kiến tư vấn 2015 là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của các nguyên tắc phát triển bền vững trong luật biển, nó đã làm sáng tỏ mối quan hệ giữa quản lý tài nguyên sinh vật biển và bảo vệ môi trường, và trách nhiệm của các quốc gia trong hoạt động đánh bắt IUU. 


ITLOS, với tư cách là cơ quan giải quyết tranh chấp chuyên biệt, thường trực, được thành lập theo UNCLOS, đã có những phát triển quan trọng đối với nguyên tắc phát triển bền vững. Theo thời gian, ITLOS đã thay đổi cách tiếp cận đối với bảo vệ môi trường. Các vụ việc ban đầu - các biện pháp khẩn cấp tạm thời, Tòa bày tỏ sự ủng hộ cho cách tiếp cận thông qua nguyên tắc thận trọng để ngăn ngừa các tác hại môi trường khi thực hiện các hoạt động có khả năng gây ra ảnh hưởng. Sự phát triển dần dần của Toà trong việc gắn liền nghĩa vụ khác và nguyên tắc khác vào nguyên tắc phát triển bền vững. Điều này thể hiện rõ rất trong Ý kiến tư vấn 2011. Mặc dù không mang tới những điểm mới như Ý kiến tư vấn 2011, song Ý kiến tư vấn 2015 đã củng cố đáng kể cho cách tiếp cận nguyên tắc phát triển bền vững thông quan nguyên tắc thận trọng. 


Kết luận: Có thể nói, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập nền tảng pháp lý cho nguyên tắc phát triển bền vững, góp phần xác định trách nhiệm của các quốc gia đối với các nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và cân bằng được các lợi ích về kinh tế - xã hội của việc khai thác tài nguyên để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, thông qua các vụ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các ý kiến tư vấn, ITLOS đã mở rộng phạm vi áp dụng của nguyên tắc phát triển bền vững, tập trung không chỉ vào bảo vệ môi trường biển mà còn đặt nguyên tắc này trong mối tương quan với trách nhiệm xã hội và quản lý tài nguyên biển nói chung.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Anita M. Halvorssen (2011), ‘International Law and Sustainable Development - Tools for Addressing Climate Change’, Denver Journal of International Law & Policy Denver Journal of International Law & Policy, 39(3), 397–421, <https://digitalcommons.du.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1180&context=djilp>, truy cập ngày 08/12/2023.

[2] [3] Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED), ‘Tương lai Chung của Chúng Ta’ (1987), 43, <Our Common Future: Report of the World Commission on Environment and Development (un.org)>, truy cập ngày 6/12/2023

[4] Xem tại: Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Công ước Lomé 1989, Tuyên bố về việc thành lập Hội đồng Bắc Cực năm 1996; Tuyên bố Yaoundé về Bảo tồn và Quản lý Rừng bền vững năm 1999; Các Hiệp định về Hợp tác Phát triển Bền vững Lưu vực sông Mê Công năm 1995; Nghị định thư sửa đổi về các nguồn nước chung ở Cộng đồng phát triển Nam Phi năm 2001; Hướng dẫn của OECD dành cho Doanh nghiệp Đa quốc gia, Phần V, Hiệp ước Đông Nam Âu về Cải cách, Đầu tư, Liêm chính và Tăng trưởng; Công ước Nghề cá Đông Nam Đại Tây Dương năm 2001; Công ước Đông Bắc Thái Bình Dương 2002; Công ước Hồ Tanganyika 2003; Hiệp ước Bảo tồn và Quản lý bền vững các hệ sinh thái rừng ở Trung Phi năm 2005; Hiệp định nghề cá Nam Ấn Độ Dương năm 2006; Hiệp định Gỗ Nhiệt đới Quốc tế năm 2006; Tuyên bố New Delhi về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến phát triển bền vững.

[5] Tuyên bố Stockholm, Nguyên tắc số 13.

[6] Tuyên bố Rio, Nguyên tắc số 4.

[7] Rajamani, L, Peel, J. (2021) in The Oxford Handbook of International Environmental Law, Oxford University Press, tr.290; xem thêm Philippe Sands, Jacqueline Peel (2018), Principles of International Environmental Law, Cambridge University Press, tr. 219.

[8] Công ước Lomé năm 1989, Điều 33.

[9] Dupuy, P., & Viñuales, J. (2018), International Environmental Law (2nd ed.). Cambridge University Press. tr. 51-52; xem thêm Philippe Sands, Jacqueline Peel (2018), Principles of International Environmental Law, Cambridge University Press, tr. 220.

[10] [11] Vụ Dự án đập Gabcikovo – Nagymaros (Hungary v. Slovakia), Phán quyết, Báo cáo ICJ 1997 (sau đây gọi tắt là vụ Dự án đập Gabcikovo – Nagymaros), đoạn 140.

[12] Vụ Nhà máy bột giấy Pulp Mills (Argentina v. Uruguay), Báo cáo ICJ 2010, đoạn 75 và 177; xem thêm Philippe Sands, Jacqueline Peel (2018), Principles of International Environmental Law, Cambridge University Press, trang 219.

[13] Vụ Đường sắt Iron Rhine (Belgium v. Netherlands), Phán quyết, RIAA XXVII, pp. 35-125, đoạn. 59. 

[14] Anita M. Halvorssen (2011), ‘International Law and Sustainable Development - Tools for Addressing Climate Change’, Denver Journal of International Law & Policy Denver Journal of International Law & Policy, 39(3), tr. 322. 

[15] UNCLOS, Điều 192.

[16] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam (New Zealand v Japan; Australia v Japan), Biện pháp khẩn cấp tạm thời, Quyết định ngày 27 Tháng 8 Năm 1999, Báo cáo ITLOS 1999 (sau đây gọi tắt là Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam), Đoạn 70.

[17] Nordquist, M.H. (2002), United Nations Convention on the law of the Sea, 1982: A commentary, Dordrecht: Nijhoff,  Volume XI, Annex LA-148. 

[18] UNCLOS, Điều 194(1), xem thêm Anita M. Halvorssen (2011) ‘International Law and Sustainable Development - Tools for Addressing Climate Change’, Denver Journal of International Law & Policy Denver Journal of International Law & Policy, 39(3), tr.322-323. 

[19] UNCLOS, Điều 1(4).

[20] UNCLOS, Điều 194(3).

[21] UNCLOS, Điều 194(5).

[22] UNCLOS, Điều 197.

[23] Vụ Nhà máy MOX (Ireland v. United Kingdom), Biện pháp khẩn cấp tạm thời, Quyết định Ngày 03 Tháng 12 Năm 2001, Báo cáo ITLOS 2001 (sau đây gọi tắt là vụ Nhà máy MOX), Đoạn 82.

[24] UNCLOS, Điều 198.

[25] UNCLOS, Điều 199.

[26] UNCLOS, Điều 290.

[27] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam (New Zealand v Japan; Australia v Japan), Biện pháp khẩn cấp tạm thời, Quyết định ngày 27 Tháng 8 Năm 1999, Báo cáo ITLOS 1999. 

[28] [29] Vụ Nhà máy MOX (Ireland v. United Kingdom), Biện pháp khẩn cấp tạm thời, Quyết định Ngày 03 Tháng 12 Năm 2001, Báo cáo ITLOS 2001. 

[30] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam (New Zealand v. Japan; Australia v Japan), Yêu cầu ban hành Quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời của New Zealand; Yêu cầu ban hành Quyết định biện pháp khẩn cấp tạm thời của Úc.

[31] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam, xem chú thích số 27, đoạn 70. 

[32] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam, xem chú thích số 27, đoạn 77. 

[33] [34] Vụ Nhà máy MOX (Ireland v. United Kingdom), Yêu cầu ban hành biện pháp khẩn cấp tạm thời của Ireland. 

[35] Vụ Nhà máy MOX (Ireland v. United Kingdom), Thông cáo báo chí ngày 03 tháng 12 năm 2001.

[36] Helmut Tuerk, ‘The Contribution of the International Tribunal for the Law of the Sea to International Law’ in Alex G. Oude Elferink and Erik Jaap Molenaar, eds., The International Legal Regime of Areas beyond National Jurisdiction: Current and Future Developments (The Hague: Martinus Nijhoff Publishers, 2010) 217–30, tr.221.

[37] UNCLOS, Điều 191. 

[38] Duncan French, ‘From the Depths: Rich Pickings of Principles of Sustainable Development and General International Law on the Ocean Floor – the Seabed Disputes Chamber’s 2011 Advisory Opinion’ (2011) 26 Int’l J. Mar. Coast L. 525–68, tr.526.

[39] Trách nhiệm và nghĩa vụ của các Quốc gia đối với các hoạt động trong Khu vực, Ý kiến ​​Tư vấn, ngày 01 tháng 02 năm 2011, Báo cáo ITLOS 2011 (sau đây gọi tắt là Ý kiến tư vấn 2011), trang 10, đoạn 122. 

[40] Ý kiến tư vấn 2011, xem chú thích số 39, đoạn 122. 

[41] Ý kiến tư vấn 2011, xem chú thích số 39, đoạn 118-20 và 218.

[42] Marie-Claire Cordonier Segger with H.E Judge C.G. Weeramantry, Sustainable Development Principles in the Decisions of International Courts and Tribunals 1991-2012, Routledge Research in International Environmental Law, tr.350. 

[43] Yêu cầu Ý kiến ​​Tư vấn do Ủy ban Thủy sản Tiểu khu vực đệ trình, Ý kiến ​​Tư vấn, ngày 2 tháng 4 năm 2015, Báo cáo ITLOS 2015 (sau đây gọi tắt là Ý kiến tư vấn 2015), trang 4; xem thêm tại Tim Stephens, ‘ITLOS Advisory Opinion: Coastal and Flag State Duties to Ensure Sustainable Fisheries Management’ (2015) ASIL Insights 19(8).

[44] Ý kiến tư vấn 2015, xem chú thích số 43, đoạn 124-127.

[45] Ý kiến tư vấn 2015, xem chú thích số 43, đoạn 120. 

[46] Vụ Cá ngừ vây xanh miền Nam, xem chú thích số 27, đoạn 70.

[47] Ý kiến tư vấn 2015, xem chú thích số 43, đoạn 190.

[48] Ý kiến tư vấn 2015, xem chú thích số 43, đoạn 191.

[49] Ý kiến tư vấn 2015, xem chú thích số 43, đoạn 192.

245 lượt xem

1 Comment


Quốc Hào Phạm
Quốc Hào Phạm
Sep 01

Xin chào bạn đọc của Juris Exploratores, kể từ khi bài viết được đăng tải, Toà ITLOS đã công bố Ý kiến tư vấn ngày 21.05.2024 về nghĩa vụ của các quốc gia trong việc bảo vệ và gìn giữ môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu. Bạn đọc có thể truy cập vào đường dẫn này để đọc toàn văn Ý kiến tư vấn: https://www.itlos.org/fileadmin/itlos/documents/cases/31/Advisory_Opinion/C31_Adv_Op_21.05.2024_orig.pdf

Like
bottom of page