top of page
icj 1.jpeg

[25] HABEAS CORPUS - TRÁT BẢO THÂN

Tác giả: Dương Duy Khang


Từ lâu, pháp luật đã trở thành một công cụ nhằm quản lý và duy trì trật tự xã hội. Thế nhưng, trong lịch sử, pháp luật thường rơi vào tay tầng lớp thống trị nhằm bảo vệ quyền lợi của mình và đàn áp những giai cấp thấp kém hơn. Trải qua nhiều cuộc đấu tranh, pháp luật dần biến đổi mình trở thành tấm khiên bảo vệ quyền lợi của con người nói chung. Một trong những bước ngoặt của lịch sử đó là “habeas corpus (trát bảo thân)” ra đời trong những thế kỷ trung đại tại Vương quốc Anh.


Habeas corpus ad subjiciendum et recipiendum, hay habeas corpus, là một lệnh của tòa án nhằm xem xét tính hợp pháp của việc giam giữ một người, bất kể bởi quyền lực nhà nước hay chủ thể tư khác, qua đó yêu cầu người bị giam giữ phải được hiện diện trước tòa án và nhận được sự xét xử.[1] Nếu như tòa án suy đoán rằng (“prima-facie”) việc giam giữ đó là bất hợp pháp, người giam giữ phải hiện diện và biện hộ.[2] Khi tòa án nhận thấy sự biện đó không có căn cứ hợp pháp, người bị giam giữ được trả tự do.[3]


Tư tưởng làm nền tảng cho habeas corpus không chỉ bắt nguồn từ hệ thống thông luật vương quốc Anh, mà đã được hình thành từ thời kỳ pháp luật La Mã.[4] Paul D. Halliday, trong quyển “Habeas corpus: From England to Empire”, đã dẫn lại lời dạy của một thẩm phán La Mã: “Đối với ta điều đó thật vô lý khi bắt giam một phạm nhân mà không xác định tội danh của anh ta” và một thẩm phán người Anh mười sáu thế kỷ sau đó: “Theo luật của Chúa, không một người nào có thể bị bắt giam mà không có nguyên do rõ ràng”.[5]


Tư tưởng nền tảng của habeas corpus được ghi nhận trong Đại Hiến chương Magna Carta 1215.[6] Trong đó, chương 39 của Đại Hiến chương nêu:


“Không một người tự do nào có thể bị bắt, bị bỏ tù, bị tước đoạt quyền hay sự sở hữu, bị đặt ngoài vòng pháp luật, bị trục xuất hay bị tước bỏ địa vị mà không có sự xét xử hợp pháp của những người ngang bằng với mình hay bởi luật của vương quốc.”.[7]


Các tòa án vương quốc Anh sau đó đã ban hành các trát habeas corpus nhằm bảo đảm người bị giam giữ được xét xử theo trình tự công bằng.[8] Tuy nhiên, cho đến khi Đạo luật Habeas Corpus được ban hành bởi Nghị viện Anh vào năm 1679, một mệnh lệnh của Hoàng gia có thể được xem là một nguyên do hợp lý nhằm giam giữ một người và ngăn cản quá trình xét xử tư pháp.[9] Đạo luật đã đặt những giới hạn đáng kể lên phạm vi mà sự giam giữ có thể xem là hợp pháp và giới hạn quyền lực của Hoàng gia trong việc bắt giữ người, đồng thời giới hạn quyền tự định đoạt của tòa án khi ban hành trát habeas corpus.[10] Đạo luật sau đó trở thành nguồn cảm hứng cho ‘Luật về Quyền (Petition of Right)’ và kiềm chế quyền lực của nhánh hành pháp nhằm bắt người ngoài vòng quy trình tố tụng hình sự.[11]


Habeas corpus về sau đã trở thành vũ khí hữu ích của các tù nhân chống lại sự bắt giữ trái luật của nhà nước, đặc biệt là các tù nhân chính trị thuộc các trường hợp bị trục xuất hay dẫn độ, nhất là trong những thời kỳ thuộc địa của các nước phương Tây.[12] Trong vụ Sung Mao Cho v. The Superintendent of Prisons of Hong Kong, hay được biết đến là vụ án Tống Văn Sơ (Hồ Chí Minh) ở Hồng Kông, Luật sư Francis Henry Loseby đã thành công sử dụng trát habeas corpus nhằm yêu cầu chính quyền Hong Kong phải thả Hồ Chí Minh và đưa Bác đến xét xử tại tòa án Hong Kong.[13] Mặc dù không đạt được kết quả chiến thắng tại Hong Kong, Luật sư Francis Henry Loseby và cộng sự của mình là Luật sư Denis Nowell Pritt đã thành công chống án lên Hội đồng Cơ mật Hoàng gia Anh và đạt được kết quả thỏa thuận.[14] Theo đó, chính quyền Hồng Kông không được trục xuất Hồ Chí Minh đến Pháp, hay đến lãnh thổ được bảo vệ bởi Pháp, hay trên một con tàu Pháp và phải đảm bảo Hồ Chí Minh được đưa đến nơi mà mình muốn.[15]


Ngày nay, tư tưởng làm nền tảng cho habeas corpus được ghi nhận ở hầu hết các hệ thống pháp luật. Tại Việt Nam, tư tưởng đó đã được thể hiện trong Điều thứ 11 Hiến pháp 1946: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam” và tiếp tục được kế thừa trong Hiến pháp 2013.[16]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] [2] [3] Elizabeth A.Martin (ed), Oxford Dictionary of Law (Oxford University Press, 2003), tr. 226.

[4] [5] Paul D. Halliday, Habeas Corpus: From England to Empire (Harvard University Press, 2010), tr. 1.

[6] Neil Douglas McFeeley, ‘The Historical Development of Habeas Corpus’ [1976] SW L.J. 585.

[7] Magna Carta 1215, Chapter 39, retrieved from The National Archives, available at <https://www.nationalarchives.gov.uk/education/resources/magna-carta/british-library-magna-carta-1215-runnymede/>.

[8] [9] [10] [11] Amanda L. Tyler, ‘A “Second Magna Carta”: The English Habeas Corpus Act and the Statutory Origins of the Habeas Privilege’ [2016] Notre Dame L. Rev. 1949.

[12] Geoffrey Gunn, ‘Under British Law: Ho Chi Minh in Hong Kong (1931-33)’ (2022) 20(13) The Asia-Pacific Journal <https://apjjf.org/2022/12/Gunn.html>.

[13] [14] [15] Nguyễn Văn Khoan, Nguyễn Ái Quốc và Vụ án Hồng Kông năm 1931 (NXB Trẻ, 2023); Geoffrey Gunn, The Privy Council Verdict, Release and Afterlife, in: Ho Chi Minh in Hong Kong (Cambridge University Press, 2021) <doi:10.1017/9781108973809.011>.

[16] Hiến pháp 2013, khoản 2 Điều 20: “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam, giữ người do luật định.”.


196 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page