top of page
icj 1.jpeg

[27] MỐI QUAN HỆ GIỮA NGUYÊN TẮC CẤM ĐE DỌA SỬ DỤNG VŨ LỰC HOẶC SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ NGUYÊN TẮC KHÔNG CAN THIỆP VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA QUỐC GIA

Tác giả: Lê Thị Hiền Hạnh, Nguyễn Thị Minh Hằng, Chu Trang Anh


“Nói về hòa bình là không đủ, bạn phải tin vào nó; tin vào hòa bình vẫn là không đủ, bạn phải hành động vì nó”(Eleanor Roosevelt).[1] Hoà bình thế giới là thứ không dễ gì mà có được, để bảo vệ nền hoà bình này chúng ta đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh đem lại nhiều mất mát, đau thương không mong muốn. Để tránh lặp lại những sai lầm đó, trước hết mỗi quốc gia phải tuân thủ những quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là hai nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Đây là hai nguyên tắc nền tảng trong Hiến chương Liên hợp quốc, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong luật pháp quốc tế. Trong bài viết này, nhóm nghiên cứu tập trung phân tích mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nguyên tắc đồng thời khái quát về nguồn, nội dung và ngoại lệ của hai nguyên tắc này.


I. Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực 

1. Nguồn của nguyên tắc 

Ngày nay, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực được coi là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.[2] Nguyên tắc này được ghi nhận lần đầu trong Hiệp ước chung về Từ bỏ Chiến tranh như một Công cụ của Chính sách Quốc gia năm 1928, hay còn có tên gọi khác là “Hiệp ước Kellogg-Briand”.[3] Nội dung chính của Hiệp ước là lên án sử dụng chiến tranh để giải quyết tranh chấp quốc tế, tuyên bố từ bỏ sử dụng chiến tranh trong chính sách quốc gia, và đồng thời quy định việc giải quyết  các xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình.[4] Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Liên hợp quốc đã quy định nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực trong Hiến chương của mình, với trách nhiệm chính trong việc giám sát thực thi nhằm bảo vệ an ninh và hòa bình thế giới thuộc về Hội đồng Bảo an.[5]


Đã có nhiều điều ước quốc tế ghi nhận nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực, trong đó có thể kể đến Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc,[6] Điều 2(2)(c) Hiến chương ASEAN năm 2008,[7] Điều 4(f) Hiến chương Liên Minh Châu Phi năm 2000,[8]… Ngoài ra, trong phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ) năm 1986, nguyên tắc này đã được ghi nhận là một tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia trên thế giới.[9] Cùng với tầm quan trọng của việc cấm đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực mà nguyên tắc này đã được nhiều quốc gia công nhận là một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung (jus cogens),[10] có giá trị pháp lý cao nhất và không cho phép bất cứ sự vi phạm nào. 


2. Nội dung của nguyên tắc 

Điều 2(4) Hiến chương Liên hợp quốc quy định rõ: “Trong quan hệ quốc tế, các Thành viên từ bỏ đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của các quốc gia khác, hoặc theo cách thức khác trái với các Mục đích của Liên hợp quốc”.[11] Theo đó, cụm từ “sử dụng vũ lực” thường được hiểu là sử dụng vũ khí, khí tài quân sự.[12] Có ý kiến cho rằng, “vũ lực” ở đây còn có thể hiểu như các sức ép về mặt kinh tế hay chính trị.[13] Song, cách hiểu này tương đối rộng và không phù hợp với bối cảnh của Điều 2(4).[14] Cụ thể hơn, trong vụ Nicaragua v. Mỹ, ICJ đã nêu rõ những hành vi được xem là sử dụng vũ lực bao gồm tấn công vũ trang, đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ lực xâm phạm biên giới quốc tế, để buộc giải quyết tranh chấp, trả đũa bằng vũ lực, sử dụng vũ lực ngăn chặn các dân tộc thực thi quyền bình đẳng và tự quyết,…[15] 


Bên cạnh Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thời ghi nhận nguyên tắc này và quy định “Tất cả mọi quốc gia có nghĩa vụ từ bỏ việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế chống lại toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào, hoặc là bằng bất kỳ cách thức nào không phù hợp với những mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc.”[16] Bất cứ hành vi sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực nào cũng sẽ là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ không được sử dụng là một biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế.[17] Do vậy, không có quốc gia nào có quyền sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực với mục đích làm tổn hại đến an ninh hay sự tồn vong của quốc gia khác. 


3. Ngoại lệ của nguyên tắc 

Có hai ngoại lệ của nguyên tắc này được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm: (i) sử dụng vũ lực để tự vệ chống lại một cuộc tấn công vũ trang, và (ii) sử dụng vũ lực khi Hội đồng Bảo an áp dụng các biện pháp cưỡng chế.[18] 


Điều 51 Hiến chương quy định: “Không có quy định nào trong Hiến chương này làm tổn hại đến quyền tự vệ vốn có của cá nhân hay tập thể chính đáng trong trường hợp Thành viên của Liên hợp quốc bị tấn công vũ trang cho đến khi Hội đồng Bảo an chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”[19] Trong Điều 51, thuật ngữ “quyền vốn có” (nghĩa gốc tiếng Pháp là “quyền tự nhiên”) đã cho thấy việc sử dụng vũ lực để tự vệ là quyền đã tồn tại từ lâu mà Hiến chương không có ý định loại bỏ.[20] ICJ cũng đã ghi nhận Điều 51 là một tập quán quốc tế trong nhiều vụ việc, có thể kể đến như vụ Nicaragua v. Mỹ,[21] hay vụ Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.[22] Như vậy, quyền tự vệ bao gồm tự vệ cá nhân và bảo vệ tập thể, không chỉ được quy định trong Hiến chương, mà còn được ghi nhận trong tập quán quốc tế.[23] Song, việc cho phép sử dụng vũ lực để tự vệ không có nghĩa là các quốc gia được phép sử dụng vũ lực không hạn chế.[24] Việc sử dụng vũ lực để tự vệ cần phải thỏa mãn hai yêu cầu: (i) tính cần thiết, và (ii) tính tương xứng đã được quy định trong tập quán quốc tế.[25] Đồng thời, không phải bất kỳ việc sử dụng vũ lực nào cũng có được phép kích hoạt quyền tự vệ.[26] Theo ICJ, chỉ những “dạng sử dụng vũ lực nghiêm trọng nhất” mới được xem là tấn công vũ trang,[27] cũng có nghĩa quốc gia là đối tượng của các dạng sử dụng vũ lực ít nghiêm trọng hơn sẽ không có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ.[28]


Trường hợp thứ hai được quy định trong Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc. Điều 39 và 42 Hiến chương quy định Hội đồng Bảo an có quyền lực trong việc quyết định thời điểm và phương pháp sử dụng vũ lực với mục đích duy trì và khôi phục nền hòa bình thế giới. Cụ thể, Hội đồng Bảo an xác định thực tại mọi sự đe dọa hòa bình, phá hoại hoà bình hoặc hành vi xâm lược và đưa ra những kiến nghị hoặc quyết định các biện pháp nào nên áp dụng,[29] có quyền áp dụng mọi hành động của lực lượng hải, lục, không quân mà Hội đồng xét thấy cần thiết trong việc duy trì hoặc khôi phục nền hòa bình an ninh quốc tế.[30] 


II. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia

1. Nguồn của nguyên tắc

Nhiều điều ước quốc tế đã ghi nhận nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia: Điều 2(7) Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945,[31] Điều 2(2)(e) Hiến chương ASEAN,[32] Điều 3(e) và Điều 19 Hiến chương Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ,[33] Điều 4(g) Đạo luật Hiến pháp của Liên minh Châu Phi,[34]... Tuy không hoàn toàn đồng nhất trong cách diễn đạt nhưng điều lệ trong các văn kiện trên đều biểu đạt cùng một quy định về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Ngoài ra nguyên tắc này còn tồn tại trong tập quán quốc tế, điển hình trong vụ Nicaragua v. Mỹ.[35] Thẩm phán Judge Jennings cũng đã khẳng định sự tồn tại của nguyên tắc này trong vụ Nicaragua v. Mỹ: “Không thể nghi ngờ rằng nguyên tắc không can thiệp là một nguyên tắc tự trị của luật tập quán quốc tế; thực tế nó đã tồn tại từ rất lâu hơn bất kỳ chế độ hiệp ước đa phương nào đang hiện hành.”[36]


2. Nội dung của nguyên tắc

Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ghi nhận cụ thể nội dung của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia.[37] Nghị quyết nêu rõ rằng mỗi quốc gia đều có quyền dân tộc tự quyết, bản sắc quốc gia, được tự do lựa chọn đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hóa của quốc gia mình, quyền tự do thực hiện các công việc đối nội, đối ngoại mà không chịu sự can thiệp từ bất cứ quốc gia nào khác.[38] Theo đó, bất cứ các quốc gia nào có hành vi can thiệp như tổ chức, hỗ trợ, khuyến khích, tài trợ, kích động bạo lực hay khủng bố vào quốc gia khác đều là vi phạm luật pháp quốc tế.[39] Trong nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, nội dung của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ không phản ánh các quy định của Hiến chương liên quan đến duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.[40]


Nội dung của nguyên tắc cũng được chứng minh qua vụ Nicaragua v. Mỹ. Cụ thể, ICJ nhận định: “Trong luật quốc tế, nếu một Quốc gia, nhằm ép buộc Quốc gia khác hỗ trợ và giúp đỡ các đội quân vũ trang trong Quốc gia đó với mục đích lật đổ chính phủ của Quốc gia đó, thì điều đó đồng nghĩa với việc một Quốc gia đã can thiệp vào công việc nội bộ của Quốc gia khác, cho dù mục tiêu chính trị của Quốc gia cung cấp sự hỗ trợ và giúp đỡ đó có phạm vi khác nhau.”[41] Do đó, Tòa kết luận rằng “việc hỗ trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp, cho đến cuối tháng 9 năm 1984, cho các hoạt động quân sự và bán quân sự của phe đối lập ở Nicaragua, bằng việc cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo, cung cấp vũ khí, tình báo và hỗ trợ hậu cần, là vi phạm rõ ràng nguyên tắc không can thiệp.”[42] 


3. Ngoại lệ của nguyên tắc

Trong hệ thống luật pháp quốc tế, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia gồm hai ngoại lệ. Ngoại lệ thứ nhất là việc các điều ước quốc tế quy định việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, can thiệp.[43] Theo Điều 2(7) Hiến chương quy định về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia “không liên quan đến việc thi hành các biện pháp cưỡng chế theo Chương VII”.[44] Điều này tức là Hội đồng Bảo an có quyền áp dụng các biện pháp can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia thành viên đã ký kết và phê chuẩn Hiến chương khi xác định có các hành vi xâm lược, đe doạ đến hoà bình. Một trường hợp điển hình là Nghị quyết 1874 năm 2009[45] của Hội đồng Bảo an áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế với Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến hoà bình an ninh thế giới sau vụ thử hạt nhân ngày 25 tháng 5 năm 2009 của nước này.


Ngoại lệ thứ hai là can thiệp có sự đồng ý của quốc gia sở tại.[46] Phán quyết năm 2005 của ICJ trong vụ hoạt động quân sự trên lãnh thổ Công-gô ghi nhận ngoại lệ này.[47] Toà nhận định: “Sự đồng ý cho phép Uganda đồn trú quân đội trên lãnh thổ của Công-gô, và tham gia vào các hoạt động quân sự, không phải là vô điều kiện”. Công-gô chỉ chấp nhận Uganda có thể hoạt động, hay hỗ trợ hoạt động chống lại các nhóm phiến quân ở biên giới phía đông và cụ thể là ngăn chặn các nhóm này hoạt động xuyên biên giới chung [giữa hai nước]. Thậm chí sự đồng ý cho phép Uganda hiện diện quân sự kéo dài hơn hạn định tháng 7 năm 1998 thì các điều kiện của sự đồng ý về mặt vị trí địa lý và mục đích, vẫn bị giới hạn như thế.”[48] Việc Công-gô cho phép Uganda tham gia vào các hoạt động quân sự có hạn định trên lãnh thổ nước này đã chứng minh ngoại lệ trên. Theo đó, việc một quốc gia hay một tổ chức tham gia vào công việc nội bộ của quốc gia khác khi đã có sự đồng ý của quốc gia đó là hoàn toàn hợp pháp.


III. Mối quan hệ giữa nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia

Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Để hiểu thêm về mối quan hệ giữa hai nguyên tắc này, trước tiên cần phân tích phán quyết kinh điển của ICJ trong vụ Nicaragua v. Mỹ năm 1986. Trong vụ Nicaragua v. Mỹ, ICJ đã xác nhận hai nguyên tắc trên là quy phạm tập quán quốc tế, ràng buộc tất cả các quốc gia trên thế giới.[49] Bên cạnh đó, Tòa làm rõ nội dung về nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác như sau: “Hành vi can thiệp là sai trái khi sử dụng các biện pháp cưỡng chế (coercion) đối với sự tự do quyết định của mỗi Quốc gia. Yếu tố cưỡng chế, thực chất là đặc trưng thiết yếu của hành vi can thiệp bị nghiêm cấm, được dễ dàng xác định nhất trong trường hợp can thiệp bằng vũ lực, trực tiếp bằng các hoạt động quân sự hoặc gián tiếp bằng việc hỗ trợ các hoạt động lật đổ, khủng bố hay hoạt động vũ trang khác bên trong Quốc gia khác.”[50] Theo đó, Tòa kết luận các trường hợp can thiệp bằng vũ lực vi phạm cả nguyên tắc cấm cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia.[51]


Tuy nhiên, không phải hành vi nào can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng cấu thành hành vi vi phạm nguyên tắc cấm cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.[52] Cũng trong vụ Nicaragua v. Mỹ, ICJ đưa ra tiêu chí để xác định hành vi can thiệp bị cấm phải là hành vi liên quan đến các vấn đề mà theo nguyên tắc chủ quyền quốc gia, mỗi Quốc gia được phép tự do quyết định như các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa hay xã hội.[53] Như vậy, ICJ không giới hạn hành vi can thiệp bị cấm phải là hành vi sử dụng vũ lực, mà những hành vi cưỡng chế can thiệp nền chính trị, kinh tế hay xã hội của quốc gia cũng có thể là hành vi can thiệp bị cấm.[54] Từ đó có thể kết luận, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực là một tập hợp con của nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Nói cách khác, bất kỳ hành vi đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực nào cũng vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia nhưng không phải hành vi nào can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác cũng vi phạm nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực.[55]


Một mối liên hệ khác giữa hai nguyên tắc này là ở ngoại lệ của hai nguyên tắc. Cả hai nguyên tắc đều có ngoại lệ là việc Hội đồng Bảo an áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc.[56] Điều 39 và Điều 42 Chương VII trao cho Hội đồng Bảo an quyền áp dụng các biện pháp mang tính chất can thiệp, thậm chí là sử dụng vũ lực hoặc cho phép các Quốc gia thành viên sử dụng vũ lực, để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, trước các mối đe dọa hòa bình, phá hoại hòa bình hay hành vi xâm lược.[57]


Một trường hợp khác đôi khi được viện dẫn để biện minh cho việc can thiệp bằng vũ lực là can thiệp nhân đạo (humanitarian intervention).[58] Khái niệm “can thiệp nhân đạo” có thể hiểu là việc một quốc gia, hoặc một nhóm các quốc gia, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để can thiệp vào một quốc gia khác nhằm mục đích chấm dứt một thảm họa nhân đạo ở quốc gia bị can thiệp mà không có sự đồng ý của quốc gia đó.[59] Can thiệp nhân đạo có các đặc điểm sau: (1) có hành vi sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; (2) có hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia bằng cách gửi lực lượng quân sự vào lãnh thổ hoặc không phận của một quốc gia có chủ quyền mà quốc gia đó chưa từng có hành động xâm lược quốc gia khác; và (3) nhằm mục đích nhân quyền, nhân đạo.[60] Trường hợp này gây nhiều tranh cãi liệu sử dụng vũ lực với danh nghĩa can thiệp nhân đạo có được luật quốc tế cho phép hay không.[61] Nếu nhìn qua, mục đích và điều kiện tiến hành can thiệp nhân đạo có vẻ chính đáng và chặt chẽ.[62] Tuy nhiên, Hiến chương Liên hợp quốc không có quy định về việc hợp pháp hóa can thiệp nhân đạo mà chỉ để ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp cưỡng chế của Hội đồng Bảo an khi có mối đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế,[63] như được phân tích ở phần trên. Bên cạnh đó, còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc can thiệp nhân đạo như ai có nghĩa vụ can thiệp nhân đạo, ai là người đánh giá về sự tồn tại của thảm họa nhân đạo, hay mức độ sử dụng vũ lực là như thế nào.[64] Gần đây một khái niệm mới xuất hiện và có xu hướng thay thế cho khái niệm can thiệp nhân đạo là “trách nhiệm bảo vệ” (responsibility to protect), cũng cho phép sử dụng vũ lực để can thiệp giải quyết các thảm họa nhân đạo trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.[65] Từ đó có thể thấy, nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.


IV. Kết luận

Nguyên tắc cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia là hai nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, tồn tại trong các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và ràng buộc tất cả các quốc gia. Hai nguyên tắc này còn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và thường được nhắc đến khi Hội đồng Bảo an áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định Hiến chương Liên hợp quốc hoặc khi hành vi can thiệp nhân đạo xảy ra. Thông qua bài viết này, nhóm tác giả mong muốn giúp độc giả mối quan hệ giữa hai nguyên tắc, từ đó có thêm một góc nhìn về các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email. 


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Eleanor Roosevelt (1951): “It isn’t enough to talk about peace. One must believe in it. And it isn’t enough to believe in it. One must work at it.”

[2] [4] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế Giới, 2020), Chương II, tr.42.

[3] Hiệp ước Kellogg-Briand, 1928, Điều 1.

[5] Lời nói đầu, Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 24(1).

[6] [11] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2(4).

[7] Hiến chương ASEAN, 2008, Điều 2(2)(c).

[8] Hiến chương Liên minh Châu Phi, 2000, Điều 4(f).

[9] [35] Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Hoa Kỳ), Báo cáo ICJ 1986, tr.188-190.

[10] Cho đến hiện nay, chỉ có Pháp từ chối công nhận sự tồn tại của quy phạm jus cogens trong luật pháp quốc tế.

[12] [13] [14] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế Giới, 2020), Chương II, tr.43.

[15] Vụ Nicaragua v. Mỹ, tr.191. Tòa ICJ trích lại nội dung của Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế năm 1970, Nghị quyết 2625.

[16] [17] [37] [38] [39] [40] Tuyên bố về những nguyên tắc Luật quốc tế, (1970), Nghị quyết 2625, Đại hội đồng Liên hợp quốc, tr.122-123.

[18] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế Giới, 2020), Chương II, tr.44-45.

[19] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 51.

[20] [23] [26] [28] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế Giới, 2020), Chương II, tr.44.

[21] Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Hoa Kỳ), Báo cáo ICJ 1986, tr.94, đoạn 176.

[22] Vụ Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân, Ý kiến tư vấn, Báo cáo ICJ 1996, tr.171, đoạn 87.

[24] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế Giới, 2020), Chương II, tr.45.

[25] Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Hoa Kỳ), Báo cáo ICJ 1986, tr.103, đoạn 194. Xem thêm: Vụ Tính hợp pháp của việc đe dọa sử dụng hay sử dụng vũ khí hạt nhân, Ý kiến tư vấn, Báo cáo ICJ 1996, tr.245, đoạn 41.

[27] Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Hoa Kỳ), Báo cáo ICJ 1986, tr.101, đoạn 194.

[29] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 39.

[30] [57] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 42.

[31] [44] Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2(7).

[32] Hiến chương ASEAN, 2008, Điều 2(2)(e).

[33] Hiến chương Tổ chức các quốc gia Châu Mỹ, Điều 3(e), Điều 19.

[34] Hiến chương Liên minh Châu Phi, 2000, Điều 4(g).

[36] Quan điểm của thẩm phán Judge Jennings, Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ), Báo cáo ICJ 1986 14, đoạn 534.

[41] Vụ Nicaragua v. Mỹ, Phán quyết, Báo cáo ICJ 1986, tr.124, đoạn 241.

[42] Vụ Nicaragua v. Mỹ, Phán quyết, Báo cáo ICJ 1986, tr.124-125, đoạn 242.

[43] [46] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế Giới, 2022), tr.53.

[45] Nghị quyết 1874 (2009), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

[47] [48] Vụ Hoạt động quân sự trên lãnh thổ Côngô (Côngô v. Uganda), Phán quyết, Báo cáo ICJ 2005, tr.196-199, đoạn 42-53.

[49] Vụ Nicaragua v. Mỹ, Vấn đề thực chất, Phán quyết, Báo cáo ICJ 1986, tr.93, đoạn 174.

[50] [51] [53] Vụ Nicaragua v. Mỹ, Vấn đề thực chất, Phán quyết, Báo cáo ICJ 1986, tr.97-98, đoạn 205.

[52] [55] Niki Aloupi (2015), ‘The Right to Non-intervention and Non-interference’, Cambridge International Law Journal, 4(3), tr.576 <https://www.elgaronline.com/view/journals/cilj/4-3/cilj.2015.03.07.xml?tab_body=fulltext> truy cập ngày 18/12/2023.

[54] Pietro Pustorino (2018), ‘The principle of non-intervention in recent non-international armed conflicts’, QIL, Zoom-in 53,tr. 22 <http://www.qil-qdi.org/wp-content/uploads/2018/09/03_Intervention_PUSTORINO_FIN.pdf> truy cập ngày 18/12/2023.

[56] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế Giới, 2020), tr.45; xem thêm Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2(7), Chương VII.

[58] Barry E. Carter, Allen S. Weiner & Duncan B. Hollis (2018), ‘International Law (Aspen Casebook Series) 7th Edition’, New York: Wolters Kluwer, tr.1302.

[59] [61] [62] [64] Taylor B. Seybolt (2008), ‘Humanitarian Military Intervention: The Conditions for Success and Failure’, Oxford University Press, tr.2-6 <https://www.sipri.org/sites/default/files/files/books/SIPRI08Seybolt.pdf> truy cập ngày 19/12/2023.

[60] Alton Frye (2000), 'Humanitarian Intervention: Crafting a Workable Doctrine', New York: Council on Foreign Relations, tr.3-5 <https://ciaotest.cc.columbia.edu/conf/fra01/fra01.pdf> truy cập ngày 19/12/2023.

[63] Hiến chương Liên hợp quốc, Chương VII.

[65] United Nations, ‘Responsibility to Protect”, <https://www.un.org/en/genocideprevention/about-responsibility-to-protect.shtml> truy cập ngày 19/12/2023.


482 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page