top of page
icj 1.jpeg

[28] RATIONE MATERIAE (NỘI DUNG) VÀ RATIONE LOCI (VỊ TRÍ ĐỊA LÝ)

Tác giả: Nguyễn Vũ Khôi Việt


Trong bản án của Toà Phúc thẩm Orléans ngày 15/02/2017 có xuất hiện thuật ngữ La-tinh sau:  

“[...] Chủ tịch tòa án cho rằng cần phải quyết định về tất cả các yêu cầu trong khi với tư cách được chấp nhận là thẩm phán thi hành án, ông không có đủ thẩm quyền ratione materiae để nghe yêu cầu phản tố thuộc về thẩm quyền của thẩm phán sơ thẩm [...]” [1] 

Một trong những vấn đề cơ bản nhất khi thi hành pháp luật là nhận biết xem liệu một tòa án cụ thể có jurisdiction - thẩm quyền xét xử một vụ án cụ thể hay không. Vấn đề thẩm quyền này có thể được phân tích thành các thành phần cụ thể hơn, một trong số đó là thẩm quyền ratione materiae.


Ratione materiae (nghĩa đen là “vì lý do nội dung”) là một thuật ngữ được dùng chỉ nguyên nhân do các quy định pháp lý hoặc quy định chi phối một vấn đề hoặc nội dung nào đó.[2] Vì thuật ngữ trên thường được sử dụng như trạng từ, nên nghĩa của nó sẽ được mở rộng tùy thuộc vào danh từ đứng sau. Mặc dù thuật ngữ trên có thể được sử dụng một cách riêng lẻ với nghĩa đen, trên thực tế ratione materiae thường được sử dụng với hai từ jurisdiction (quyền tài phán hoặc quyền hạn, phạm vi quyền hạn) immunity (quyền miễn trừ pháp lý). Tuy nhiên, bài viết sẽ chỉ phân tích ratione materiae dưới góc độ thẩm quyền. 


Jurisdiction ratione materiae hay subject-matter jurisdiction (thẩm quyền về nội dung) là một thuật ngữ thường được sử dụng khi nói về giới hạn quyền lực của tòa án để xét xử và xác định liệu tòa án có thẩm quyền xét xử một vụ việc cụ thể dựa trên chủ đề hoặc bản chất của tranh chấp hay không.[3] Việc giới hạn quyền tài phán như thế này đảm bảo rằng các vụ việc được xét xử bởi tòa án phù hợp nhất, phù hợp với chuyên môn và thẩm quyền của tòa án đối với vấn đề hiện tại, đảm bảo sự công bằng và quản lý công lý đúng đắn.

Ví dụ, trong lĩnh vực đầu tư quốc tế, ICSID (International Centre for Settlement of Investment Disputes hay Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp về Đầu tư) là một trong số các tổ chức trọng tài có subject-matter jurisdiction chuyên biệt. Trọng tâm thẩm quyền của ICSID là chỉ giải quyết các tranh chấp phát sinh từ đầu tư quốc tế. Vì vậy, hội đồng trọng tài sẽ phải xem xét sự tồn tại của một khoản đầu tư theo định nghĩa về "đầu tư" cũng như sự tồn tại của một "tranh chấp" liên quan đến khoản đầu tư đó.[4]

Phạm vi thẩm quyền của các hội đồng trọng tài ngoài khía cạnh jurisdiction ratione materiae thì còn khía cạnh jurisdiction ratione personae (thẩm quyền đối với các bên tranh chấp) và jurisdiction ratione temporis (thẩm quyền về thời gian). Do đó, hội đồng trọng tài cũng phải xem xét có thẩm quyền tuỳ vào ba khía cạnh này.[5]


Còn trong lĩnh vực tố tụng hình sự quốc tế, ICC (International Criminal Court hay Toà án Hình sự Quốc tế) cũng là một ví dụ về toà án có subject-matter jurisdiction. Cụ thể, ICC sẽ chỉ thực thi quyền tài phán của mình đối với bốn tội ác nghiêm trọng nhất, đó là tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.[6] ICC không có thẩm quyền xét xử đối với các tội phạm quốc tế nghiêm trọng khác như tội phạm khủng bố, tội phạm ma túy, ngay cả khi những tội ác đó được thực hiện trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên hoặc bởi công dân của các quốc gia thành viên.


Tương phản với khái niệm ratione materiae có thể nói đến ratione loci hay ratione territoriae (vì lý do địa điểm/lãnh thổ). Thuật ngữ này hay được sử dụng trong những vụ việc liên quan đến thẩm quyền địa lý của tòa án hoặc một quan chức nhà nước.[7]


Cũng giống như jurisdiction ratione materiae, nhiều toà án cũng phải xem xét quyền tài phán của mình dựa trên nhiều khía cạnh, trong đó có jurisdiction ratione loci, như có thể thấy trong Phán quyết ngày 10/07/2002 của ICJ (International Court of Justice hay Tòa án Công lý Quốc tế) trong vụ Congo v. Rwanda năm 2002:

“[...] Không thể có tranh chấp đối với thẩm quyền ratione loci của Tòa án đối với các hành vi sai trái quốc tế được cho là do một Quốc gia thực hiện trên lãnh thổ của một Quốc gia khác, ngay cả trong trường hợp vi phạm nhân quyền.”[8]


Phạm vi xuất hiện jurisdiction ratione loci không chỉ dừng ở trong Luật quốc tế. Ở Pháp, Điều 44 Bộ luật dân tố tụng dân sự năm 1976 quy định về la compétence territoriale:

“Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.”[9] Quy định tương tự cũng có thể được tìm thấy tại Điều 39 Khoản 1 Điểm (c) Bộ Luật Tố tụng Dân sự Việt Nam 2015. 


Cần phân biệt ratione loci với ratione soli, “vì lý do đất đai". Thuật ngữ này hay được sử dụng để chỉ quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu đất đai hoặc lãnh thổ, hoặc quyền sở hữu hoa quả của đất (ví dụ, động thực vật hoang dã, khoáng sản tự nhiên) cũng được yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, thuật ngữ này tương đối lỗi thời và không được sử dụng thông dụng.[10]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Nguyên văn: “[...] le président du tribunal a cru devoir statuer sur l'ensemble des demandes alors que saisi en qualité de juge de l'exécution, il n'était pas compétent ratione materiae pour connaître de la demande reconventionnelle relevant du juge des référés [...]”, Toà Phúc thẩm Orléans ngày 15/02/2017, RG : 17/00192, Legifrance.

[2] Aaron X. Fellmeth và Maurice Horwitz, Guide to Latin in International Law (2009), Oxford University Press, trang 247.

[3][4][5] Weber Simon, Jurisdiction Ratione Materiae, <https://jusmundi.com/en/document/publication/en-jurisdiction-ratione-materiae> ,  truy cập ngày 19/12/2023.

[6] Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, Phần 2 Điều 5, 6, 7, 8. 

[7] Aaron X. Fellmeth và Maurice Horwitz, Guide to Latin in International Law (2009), Oxford University Press, trang 247.

[8] Nguyên văn: “[T]here can be no dispute as to the Court’s jurisdiction ratione loci on account of internationally wrongful acts allegedly committed by one State on the territory of another, even in the case of human rights violations.”, Armed Activities on the Territory of the Congo (Congo v. Rwanda), 2002 I.C.J. Rep. 219, 284, ¶ 47 (Separate Opinion by Judge ad hoc Mavungu). 

[9] Nguyên văn: “En matière réelle immobilière, la juridiction du lieu où est situé l'immeuble est seule compétente.”

[10] Aaron X. Fellmeth và Maurice Horwitz, Guide to Latin in International Law (2009), Oxford University Press, trang 248.


89 lượt xem

Comments


bottom of page