top of page
icj 1.jpeg

[29] MỐI QUAN HỆ GIỮA ERGA OMNES VÀ JUS COGENS

Đã cập nhật: 3 thg 1

Tác giả: Tăng Bảo Đan, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi


Tóm tắt: Hai khái niệm “jus cogens” và “erga omnes” không được đề cập trong danh sách nguồn của luật quốc tế được đề cập trong Điều 38(1) Quy chế Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), nhưng lại có tính chất bắt buộc, yêu cầu các quốc gia phải tuân theo. Hai phạm trù này có nguồn gốc chủ yếu từ triết học về nền tảng của nền văn minh nhân loại. Sau Thế chiến thứ hai, jus cogens erga omnes dần được công nhận thông qua các quá trình xây dựng luật quốc tế.[1] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã có những nỗ lực nhất định trong việc xác định giá trị pháp lý của quy phạm jus cogens, và mối quan hệ của nó với nghĩa vụ erga omnes. Hiện nay, các quy phạm jus cogens và erga omnes đã trở thành những yếu tố quan trọng của trật tự các nguồn của luật quốc tế, không chỉ đối với các điều ước quốc tế, án lệ, tập quán quốc tế và các nguyên tắc chung mà còn đối với bất kỳ lĩnh vực nào của luật quốc tế. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày về mối quan hệ giữa quy phạm jus cogens và nghĩa vụ erga omnes trong hệ thống luật quốc tế. 


1. Định nghĩa về nghĩa vụ erga omnes và quy phạm jus cogens

1.1. Nghĩa vụ erga omnes

Lần đầu xuất hiện trong vụ Barcelona Traction,[2] ICJ đã kết luận rằng, các quốc gia bên cạnh việc có những nghĩa vụ phát sinh dựa trên mối quan hệ với quốc gia khác thì còn có nghĩa vụ của một quốc gia đối với cộng đồng quốc tế trên cơ sở một vấn đề chung cần được quan tâm bởi mọi quốc gia, những nghĩa vụ như thế là những nghĩa vụ erga omnes.[3] Từ năm 1970, một số nghĩa vụ erga omnes đã được công nhận thông qua các phán quyết của ICJ, ví dụ như nghĩa vụ chống tra tấn, nghĩa vụ đảm bảo quyền tự quyết dân tộc hay nghĩa vụ chống diệt chủng.[4]


Nghĩa vụ erga omnes bao gồm erga omnes (tiếng Latin có nghĩa là trong mối quan hệ với tất cả mọi người [5] là nghĩa vụ được đề ra nhằm bảo vệ lợi ích của toàn thể cộng đồng quốc tế và erga omnes partes (tiếng Latin từ “partes” là các đảng [6]) nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm nước.[7] Thuật ngữ “erga omnes” đã tồn tại trong Luật La Mã và được sử dụng để miêu tả nghĩa vụ hay quyền áp dụng cho mọi đối tượng trong hoàn cảnh chung. Các nghĩa vụ erga omnes thường được tìm thấy trong các vấn đề liên quan tới nhân quyền, ví dụ như nghĩa vụ ngăn chặn diệt chủng trong vụ Bosnia v. Serbia [8] hay nghĩa vụ ngăn chặn nô lệ hóa.[9] Trong khi đó, nghĩa vụ “erga omnes partes” có thể phát sinh từ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế đối với tất cả các bên kí kết.[10]


1.2. Quy phạm jus cogens

Được quy định trong Điều 53 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế 1969 (VCLT 1969), jus cogens hay “quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung”[11] có thể hiểu là quy phạm được chấp nhận và công nhận bởi toàn thể cộng đồng quốc tế, không có quy phạm nào khác được vi phạm và chỉ có thể bị điều chỉnh bởi một quy phạm khác của luật quốc tế chung có cùng tính chất.[12] Quy phạm jus cogens có tính ràng buộc cao nhất dù không được nhắc tới là nguồn của luật quốc tế trong Điều 38(1) Quy chế ICJ. 


Quy phạm jus cogens thực chất không phải là một quy phạm mới xuất hiện trong luật quốc tế, mà vốn dĩ các quy phạm này đã tồn tại thông qua phản ánh của lối tư duy trong luật tự nhiên,[13] điển hình như là nguyên tắc pacta sunt servanda đã tồn tại rất lâu trong hoàn cảnh giao thương khi các bên đều ngầm hiểu cần phải tôn trọng thỏa thuận với đối phương.[14] Mặc dù vậy, việc không có tiêu chuẩn làm sao để hình thành nên một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc cùng với sự gia tăng của trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm quốc tế đang trở thành một thách thức mới, đòi hỏi sự phát triển của jus cogens trong việc hình thành khung tiêu chuẩn rõ ràng hơn về những yếu tố có cấu tạo thành nên nó.[15] Về cơ bản, sự hình thành jus cogens có khả năng cao dựa theo những quy phạm từ các tập quán quốc tế hay điều ước quốc tế.[16] Ví dụ thực tế là hầu hết các quy phạm jus cogens cho tới thời điểm này đều được tìm thấy và quy định trong các điều ước quốc tế. Cụ thể, theo như ILC, có tới 7 quy phạm jus cogens được tìm thấy trong Dự thảo các điều khoản về Trách nhiệm Quốc tế cho Hành vi Sai phạm Quốc tế, ngoài ra, quy phạm còn tồn tại trong Hiến chương Liên hợp quốc.[17] Nguyên nhân cho xu hướng này có thể do điều ước là một trong các nguồn chính của luật quốc tế chứa đựng các quy phạm, với sự tồn tại phổ biến và vai trò chính yếu của mình trong luật quốc tế hiện đại, đây là nguồn lí tưởng để các luật gia xác định sự tồn tại của các quy phạm jus cogens.


2. Sự khác nhau giữa erga omnes jus cogens

Sự tương đồng giữa hai phạm trù này có thể nguyên do ở sự nhầm lẫn xuất phát từ đặc điểm hữu hình của cả hai [18] - đó là sự tồn tại mang tính ràng buộc lên các quốc gia của quy phạm jus cogens và nghĩa vụ erga omnes. Tuy nhiên, điểm khác nhau của hai phạm trù này nằm: (1) đối tượng áp dụng, và (2) phạm vi thực hiện.[19]


Về đối tượng áp dụng, jus cogens được công nhận là quy phạm có vị trí cao nhất, gắn liền với việc thực chất áp dụng như thế nào đối với các hành vi pháp lý. Trong khi đó, nghĩa vụ erga omnes thường xuất hiện trong các vụ việc mang tính thủ tục tại Tòa, liên quan tới phạm vi áp dụng của luật liên quan và trả lời các vấn đề pháp lý xoay quanh.[20] Jus cogens tạo ra ràng buộc pháp lý đối với những điều khoản trong điều ước quốc tế, bao gồm những điều khoản có thể bị bảo lưu, còn erga omnes lại đặt nặng về mặt trách nhiệm của quốc gia đó đối với cộng đồng quốc tế.[21] Sự khác biệt về bản chất này đã tạo nên sự thay đổi trong cách sử dụng văn phong pháp lý. ILC đối với Điều 12 trong Dự thảo các điều khoản về Trách nhiệm Quốc tế cho Hành vi Sai phạm Quốc tế năm 2001, dưới sự ảnh hưởng của báo cáo viên đặc biệt Crawford đã thay đổi cụm “tội quốc tế” có vi phạm nghiêm trọng tới nghĩa vụ erga omnes” sang “vi phạm nghiêm trọng tới những quy phạm mệnh lệnh bắt buộc của luật quốc tế chung”.[22]


Trong các phán quyết của mình ở vụ Barcelona Traction (Belgium v. Spain), East Timor (Portugal v. Australia), Genocide Convention (Bosnia v. Serbia), Tòa có xu hướng chung là không khẳng định liệu quy phạm đề ra nghĩa vụ erga omnes có phải là một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc hay không, nhưng lại nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia đều có lợi ích của riêng mình và chủ đích của Toà không nằm ở việc giới hạn quyền hạn của các quốc gia, thay vào đó, Toà nêu ra nghĩa vụ của các quốc gia trong mối quan hệ quốc tế.[23] Xu hướng giải thích này của Tòa có thể hiểu rằng, điểm khác nhau về bản chất của jus cogens erga omnes còn nằm ở việc nếu jus cogens là một quy phạm điều chỉnh và có khả năng hạn chế hành vi pháp lý của các quốc gia, thì erga omnes có thiên hướng xuất phát không chỉ từ nghĩa vụ của quốc gia đó mà còn là vấn đề mà quốc gia ấy cũng có nỗi quan tâm tương tự với cộng đồng quốc tế (all state can be held to have a legal interest in their protection: they are obligations erga omnes [24]).


Bên cạnh đó, về phạm vi áp dụng, nghĩa vụ erga omnes được hiểu có vai trò rộng mở hơn so với quy phạm jus cogens khi những nghĩa vụ này có thể thực hiện thông qua các biện pháp tập thể, trong khi jus cogens nghiêng về hành động pháp lý độc lập của từng quốc gia.[25] Một trường hợp khác, nghĩa vụ erga omnes cũng được áp dụng trong những trường hợp hành vi vi phạm không trực tiếp ảnh hưởng lên nước thứ ba, nhưng cần được lên án, khi đó, giống như ICJ khẳng định trong vụ Barcelona Traction, nghĩa vụ này được phát sinh dưới góc độ cộng đồng quốc tế.[26] Có một số ý kiến cho rằng, một nghĩa vụ có tính ràng buộc tồn tại cần phát sinh từ một quy phạm mệnh lệnh bắt buộc. Tuy nhiên, không nghĩa vụ erga omnes nào bắt buộc phải phát sinh từ quy phạm jus cogens.[27] Hai phạm trù này không phụ thuộc lẫn nhau, mà tồn tại song song và phụ trợ lẫn nhau.


3. Mối liên hệ giữa erga omnes và jus cogens

Phạm trù erga omnes hay jus cogens thường được nhắc đến trong nhiều phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế.[28] Tuy nhiên, cả Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (The Permanent Court of International Justice – PCIJ) hay ICJ đều không khẳng định rõ mối quan hệ của hai phạm trù này, cũng như không giải thích khi nào một quy định trở thành quy phạm jus cogens, hoặc tại sao hay khi nào một nghĩa vụ erga omnes sẽ trở thành một quy phạm jus cogens.[29] 


Về mặt lý thuyết, một quy phạm được xem là có tính chất jus cogens khi quy phạm đó được cộng đồng quốc tế chấp nhận thông qua hành vi nhất quán đi kèm với yêu cầu opinio juris - “được chấp nhận như luật”.[30] Các quy phạm bắt buộc xuất hiện thông qua thực tiễn của các quốc gia, phản ánh lợi ích của toàn thể cộng đồng quốc tế.[31] Các nghĩa vụ phát sinh từ các quy phạm bắt buộc thể hiện qua việc quốc gia áp dụng quy phạm này như một công cụ của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo những lợi ích của cộng đồng quốc tế.[32] Trong khi đó, nghĩa vụ erga omnes không xuất phát từ sự thiện chí hay tự nguyện của mỗi quốc gia, mà xuất phát từ yếu tố opinio juris.[33] Như vậy, nghĩa vụ erga omnes không phải là nguyên nhân hay điều kiện để một quy phạm trở thành quy phạm jus cogens.[34] Thay vào đó,  jus cogens làm phát sinh nghĩa vụ erga omnes.[35] Nói một cách chung hơn, cách giải thích này có thể được hiểu rằng việc đảm bảo quy phạm jus cogens phụ thuộc vào khả năng của mỗi quốc qua trong việc thực hiện các nghĩa vụ erga omnes.[36]


Các quy phạm jus cogens đôi khi được xác định là nghĩa vụ erga omnes.[37] Tuy nhiên, điều này gây nhiều khó khăn trong việc xác định và phân biệt hai phạm trù này. ICJ đã khẳng định, nếu một quy phạm được công nhận là phổ quát và không thể bị xâm phạm như jus cogens, thì các nghĩa vụ phát sinh từ quy phạm đó cũng phải mang tính phổ quát tương tự như các nghĩa vụ erga omnes.[38] Việc thực hiện nghĩa vụ erga omnes đòi hỏi các quốc gia phải ngăn chặn và trừng phạt những hành vi vi phạm các quy phạm jus cogens.[39]


Mối quan hệ giữa jus cogens và nghĩa vụ erga omnes đã được thừa nhận trong thực tiễn của các quốc gia.[40] Mặc dù tất cả các quy phạm jus cogens đều làm phát sinh các nghĩa vụ erga omnes, nhưng người ta cho rằng không phải tất cả các nghĩa vụ erga omnes đều phát sinh từ các quy phạm jus cogens. Ví dụ, một số quy tắc nhất định liên quan đến các chế độ di sản chung, có thể tạo ra các nghĩa vụ erga omnes một cách độc lập cho dù chúng có tính quy phạm hay không.[41] Ví dụ, Cộng hòa Dân chủ Congo, trong một tuyên bố tại Ủy ban thứ sáu của Đại hội đồng, đã đề xuất một Hiệp ước cấm sử dụng vũ lực và tuyên bố rằng hiệp ước được đề xuất mang tính erga omnes do việc cấm sử dụng vũ lực là một jus cogens.[42] Tương tự, Cộng hòa Séc tuyên bố rằng “các quy phạm jus cogens là nghĩa vụ erga omnes, không cho phép bất kỳ sự vi phạm nào, kể cả sự vi phạm đó đã được thỏa thuận.”[43] Tòa án Liên Bang Úc cũng chấp nhận rằng “cấm diệt chủng là một quy phạm bắt buộc của luật tập quán quốc tế (jus cogens) làm phát sinh các nghĩa vụ không thể vi phạm erga omnes, tức là nghĩa vụ của mỗi quốc gia đối với cộng đồng quốc tế nói chung.”[44] Hay trong phán quyết của Tòa Massachusetts của Mỹ, Tòa này đã khẳng định: “nghĩa vụ cấm tra tấn là một nghĩa vụ erga omnes, giống như quy phạm jus cogens, không thể bị vi phạm”, và nghĩa vụ này “mang tính cưỡng chế.” 


4. Kết luận 

Trong khi jus cogens bao gồm các quy tắc hướng tới cá nhân, các nghĩa vụ erga omnes đặc biệt liên quan đến việc thực thi nghĩa vụ quốc tế của quốc gia.[45] Mặc dù ICJ chưa có khẳng định chính thức, mối liên hệ của hai phạm trù này đã được công nhận rộng rãi qua thực tiễn các quốc gia. Cả hai phạm trù jus cogens erga omnes đều có mối quan hệ mật thiết với nhau và tác động qua lại với nhau, được hình thành qua yếu tố opnio juris cũng như thực tiễn áp dụng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, chính vì có mối quan hệ mật thiết, hai phạm trù này dễ dàng bị hiểu lầm. Chính vì vậy, cần phải nắm rõ bản chất và sự khác biệt của hai phạm trù này mới có thể hiểu được tại sao quy phạm jus cogens và nghĩa vụ erga omnes tuy cùng có tính chất ràng buộc đối với các chủ thể luật quốc tế lại tồn tại dưới trạng thái hai định nghĩa khác nhau, bổ trợ cho nhau bằng cách đảm bảo phạm trù này sẽ không bị vi phạm thông qua việc tuân thủ phạm trù còn lại.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Christian Tomuschat, Universal Obligations: Jus Cogens and Obligations Erga Omnes, p.423–444;

[2], [3], [24] Barcelona Traction, Light and Power Company, Limited (Belgium v. Spain), (“Barcelona Traction”);

[4] Malcolm N. Shaw, International Law (8th ed, Cambridge University Press), p93. Xem thêm: Belgium v. Senegal, ICJ Reports, 2012, p.422, 449-450, the Furundzija case, 121 ILR, pp. 213, 260; ICJ Reports, 1995, pp.90, 102; 105 ILR, p.226; ICJ Reports, 1996, pp.595, 616; 115 ILR, p.10;

[5], [6] Memeti, Ardit and Nuhija, Bekim, The Concept of Erga Omnes Obligations in International Law (November 1, 2013);

[7]  Dinah Shelton (ed), Jus Cogens and Obligations Erga Omnes, Oxford Handbook on Human Rights, p.14;

[8] Application of the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Bosnia and Herzegovina v. Serbia and Montenegro), Judgment, ICJ Reports 2007;

[9] Maurizio Ragazzi, The concept of international obligations erga omnes, Oxford Academic Books, 2000, p.110; 

[10]  Pok Yin S. Chow, On Obligations Erga Omnes Partes, Georgetown Journal of International Law, Vol. 52, No.2, Forthcoming, Published: 14 Nov 2020; 

[11]  Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB. Thế giới, 2022), p. 136;

[12] Article 53, Vienna Convention on the Law of Treaties, có hiệu lực ngày: 27/01/1980;

[13], [15], [16], [20] Malcolm N. Shaw, International Law (8th ed, Cambridge University Press), p.93;

[14] Christian Tomuschat and Jean-Mare Thouvenin (eds), The Fundamental Rules of the International Legal Order: Jus Cogens and obligation Erga Omnes, (Martinus Nijhoff Publishers), p.29;

[17] ILC, ‘Report on the work of the seventy-first session (2019)’ (29 April–7 June and 8 July–9 August 2019) UN Doc A/74/10;

[18], [19] Enzo Cannizzaro, The Law of Treaties beyond the Vienna Convention (Oxford University Press, 2011), p.411;

[20] Article 48 of the ILC Draft Articles on State Responsibility and the commentary thereto. A/56/10, pp.126; the Furundzija case before the International Criminal Tribunal for the Former Yugoslavia, 121 ILR, pp.213. 260.

[21] Christian Tomuschat and Jean-Mare Thouvenin (eds), The Fundamental Rules of the International Legal Order: Jus Cogens and obligation Erga Omnes, (Martinus Nijhoff Publishers), p.26. Xem thêm:  Thomas Buergenthal, “The advisory practice of the Inter American Court of Human Rights”, AJIL 79 (1985), 1, at 25; Rolf Kühner, Vorbehalte zu multilateralen völkerrechtlichen Verträgen, Berlin et al. 1986, pp. 138/9, 146, 209; Theodor Meron, “On a Hierarchy of International Human Rights”, AJIL 80 (1986), 1, at 17; Claudia Annacker, “The legal regime of erga omnes obligations in international law”, Austrian JIL 46 (1994), 13 et seq.; Maurizio Ragazzi, The Concept of International Obligations Erga Omnes, Oxford 1997; Jost Delbrück, “‘Laws in the Public Interest’ – Some observations on the foundations and identification of erga omnes norms in international law”, in: Liber Amicorum Günther Jaenicke, Berlin et al. 1998, pp. 17 et seq. 

[22], [23], [25], [26] Enzo Cannizzaro, The Law of Treaties beyond the Vienna Convention (Oxford University Press, 2011), p.416. Xem thêm: P.Picone, ‘Obblighi erga omnes e codificazione della responsabilità degli Stati’, 88 Riv. di Diritto Internaz, (2005) 893. Xem thêm: Article 12, Draft Articles on Responsibilities of States for International Wrongful Acts (2001), International Law Commission (“ILC”), nhận xét thứ (6): “[...]It can involve relatively minor infringements as well as the most serious breaches of obligations under peremptory norms of general international law. [...]”; Article 19(4), Draft Articles on Responsibilities of States for International Wrongful Acts (1996): “Any internationally wrongful act which is not an international crime in accordance with paragraph 2 constitutes an international delict.”

[27]  Dinah Shelton (ed), Jus Cogens and Obligations Erga Omnes, Oxford Handbook on Human Rights, p.15.

[28] Legal Consequences of the Construction of a Wall in the Occupied Palestinian Territory, Advisory Opinion, ICJ Reports 2004, p. 136, para. 159; Legal Consequences for States of the Continued Presence of South Africa in Namibia (South West Africa) notwithstanding Security Council Resolution 276 (1970), Advisory Opinion, ICJ Reports 1971, p. 16, para. 126; 

[29], [37]  Kenneth Randall, Universal Jurisdiction Under International Law, 66 TEX. L. REV. 785 (1988)

[30] Right of Passage Over Indian Territory (Portugal v. India), 1960 I.C.J. 123, 135 (Apr. 12) (Fernandes, J. dissenting).

[31] United Nations, Report of the International Law Commission, Chapter V. Peremptory norms of general international law (jus cogens), A/74/10, p.140 <https://legal.un.org/ilc/reports/2019/english/chp5.pdf>

[32] Christian Tams, Enforcing Obligations Erga Omnes in International Law (Cambridge University Press 2005); Maurizio Ragazzi, The Concept of International Obligations Erga Omnes (Oxford University Press 1997); André De Hoogh, Obligations Erga Omnes and International Crimes (The Hague: Martinus Nijhoff 1996).

[33], [36], [45] Cambridge, The enforcement of jus cogens: obligations erga omnes, p.352.

[34], [38] Theodor Meron, Human Rights and Humanitarian Norms as Customary Law (1989), p.188 - 197.

[35], [40], [41] United Nations, Report of the International Law Commission, Chapter V. Peremptory norms of general international law (jus cogens), A/74/10, p.141 <https://legal.un.org/ilc/reports/2019/english/chp5.pdf>

[39] Legal Consequences of the Construction of a Wall in the Occupied Palestinian Territory, Advisory Opinion, ICJ Reports 2004, p. 136, para. 157;  Application of the Convention on the Prevention and Punishment of the Crime of Genocide (Bosnia and Herzegovina v. Serbia and Montenegro), Preliminary Objections, Judgment, ICJ Reports 1996, p. 595, para. 31. 

[42]  United Nations General Assembly, Summary Record of the 32nd meeting, A/C.6/35/SR.32, para. 38 

[43] United Nations General Assembly, Summary Record of the 26th meeting, A/C.6/49/SR.26, para. 19 

[44] Nulyarimma and Others v. Thompson, Appeal Decision of 1 September 1999, [1999] FCA 1192, 165 ALR 621, 96 FCR 153, ILDC 2773 (AU 1999), para. 81.

443 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

コメント


bottom of page