top of page
icj 1.jpeg

[30] VENIRE CONTRA FACTUM PROPRIUM/ ESTOPPEL/ THE PROHIBITION OF INCONSISTENT BEHAVIOUR

Tác giả: Phạm Thanh Huyền


Trong quan hệ luật pháp giữa các quốc gia, khi xảy ra tranh chấp và được giải quyết bằng biện pháp tài phán, Tòa án sẽ tiến hành xem xét và giải thích lập luận của các bên. Hành vi của quốc gia trong mối quan hệ với bên còn lại được xem là căn cứ xác thực để thấy được lập trường của quốc gia đó. Trên thực tế, một số quốc gia viện dẫn những tuyên bố có lợi cho quốc gia đó dù nó có thể không nhất quán với các tuyên bố khác trong quá khứ. Vì vậy, nguyên tắc “Venire contra factum proprium”, hay “estoppel”, hay “The prohibition of inconsistent behaviour” được đưa ra để hạn chế sự không nhất quán trong lập trường của các quốc gia. 


Thuật ngữ “Venire contra factum proprium”, hay “estoppel”, “The prohibition of inconsistent behaviour” - nguyên tắc trong luật pháp quốc tế, được cho rằng là một trong những công cụ mạnh mẽ và linh hoạt nhất được tìm thấy trong bất kỳ hệ thống tư pháp nào.[1] Theo đó, nguyên tắc estoppel quy định “một quốc gia phải nhất quán trong ứng xử và không được bác bỏ thực tế đã được quốc gia này thừa nhận trước đó”.[2] Nói cách khác, estoppel không cho phép một quốc gia hưởng lợi từ sự không nhất quán của quốc gia đó thông qua cách ứng xử trong quan hệ quốc tế (nemo potest mutare consilium suum in alterius injuriam).[3] 


Nguyên tắc này dẫn đến một hiệu lực pháp lý rằng quốc gia mà bằng sự công nhận, đại diện, tuyên bố, hành vi hoặc sự im lặng của quốc gia đó đã duy trì một thái độ trái ngược rõ ràng với quyền mà họ tuyên bố trước tòa án quốc tế bị ngăn cản việc đòi hỏi quyền đó (venire contra factum proprium non valet).[4] Vì vậy, nguyên tắc estoppel có khả năng khuyến khích “sự ổn định, cuối cùng và có thể dự đoán được” (stability, finality and predictability) trong quan hệ quốc tế, ở thời đại mà sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực ngày càng trở nên thiết yếu.[5]  


Trong thực tiễn áp dụng, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã đưa ra ba yếu tố cơ bản của nguyên tắc estoppel: (i) Một quốc gia phải tuyên bố cho một quốc gia khác; (ii) Việc tuyên bố phải được thực hiện với thẩm quyền phù hợp và mang tính tuyệt đối; (iii) Quốc gia viện dẫn estoppel phải dựa vào tuyên bố. Nếu cả 3 yếu tố đều được thiết lập thì nguyên tắc estoppel sẽ xuất hiện.[6] Trong thực tiễn xét xử, dù đã có những yếu tố rõ ràng để xác định một estoppel, ICJ vẫn chưa có sự nhất quán trong việc áp dụng.[7] 


Về yếu tố đầu tiên, tuyên bố cho một quốc gia khác, được coi là một estoppel có thể xuất phát từ một tuyên bố chính thức hoặc sự im lặng.[8] ICJ đã nhất quán cho rằng cơ sở để tuyên bố của một quốc gia tạo ra estoppel  phải rõ ràng và nhất quán.[9] Tuy không đề cập đến các tiêu chí này một cách chi tiết trong các phán quyết nhưng tiêu chí này được áp dụng một cách hiệu quả. Theo đó, các tuyên bố phải rõ ràng và nhất quán với các tuyên bố khác của chính quốc gia đó, hình thành một lập trường thống nhất.[10] Ngoài tuyên bố, sự im lặng của một quốc gia cũng có thể dẫn đến một estoppel, tuy nhiên, Tòa không làm rõ trường hợp nào sự im lặng dẫn đến một estoppel.[11] Một cách tiếp cận cho rằng sự im lặng nghĩa mang tính kết luận, chỉ cần có sự xuất hiện của sự im lặng sẽ cơ bản sẽ dẫn đến một estoppel.[12] Quan điểm đối lập lại khẳng định rằng sự im lặng chỉ mang tính bằng chứng.[13] Với cách tiếp cận này, sự im lặng phải được xem xét trong bối cảnh nó được duy trì và chỉ mang giá trị như một chứng cứ thay vì như một kết luận.[14] 


Yếu tố thứ hai để hình thành một estoppel là tuyên bố đó phải được thực hiện bởi người có thẩm quyền, hoặc được Nhà nước ủy quyền, và phải mang tính tuyệt đối.[15] Đầu tiên phải xét đến người đưa ra tuyên bố có đủ thẩm quyền hay không, nếu người tuyên bố có đủ thẩm quyền thì tuyên bố sẽ là cơ sở để xác định estoppel; ngược lại, một tuyên bố dù nhất quán với các tuyên bố khác nhưng được thực hiện bởi người không có đủ thẩm quyền thì tuyên bố đó không được coi là cơ sở để xác định estoppel.[16] Về tính tuyệt đối, tính tuyệt đối xảy ra khi tuyên bố không được đưa ra trong quá trình đàm phán, tuy nhiên Tòa cũng cho rằng, nếu lập luận này thành công thì sẽ không có estoppel xuất hiện.[17]  

 

Yếu tố cuối cùng để hình thành một estoppel, quốc gia viện dẫn phải dựa vào tuyên bố của bên kia và có hành động rõ ràng, tuy nhiên về vấn đề hành động đó có hoặc không gây ra thiệt hại có phải điều kiện quyết để hình thành một estoppel chưa được Tòa ICJ phân định rõ ràng.[18] Trong thực tiễn xét xử các vụ việc như Vụ Đền Preah Vihear (Campuchia v. Thái Lan), Vụ liên quan đến các hoạt động quân sự và bán quân sự của Mỹ bên trong và chống lại Nicaragua (Nicaragua v. Mỹ) hay vụ Ranh giới trên bộ và trên biển giữa Camerron và Nigeria (Cameroon v. Nigeria),... các quyết định của Tòa ICJ ủng hộ quan điểm trên về việc chứng minh về thiệt hại từ hành động dựa trên tuyên bố của bên kia: “dựa vào các tuyên bố hoặc hành vi của bên kia, để gây bất lợi cho chính mình hoặc có lợi cho bên kia”.[19] Nhưng cũng không yêu cầu chứng minh về thiệt hại trong vụ Tình trạng pháp lý của Đông Greenland (Đan Mạch v. Na Uy), Vụ thử nghiệm hạt nhân (Úc v. Pháp): “không cần phải có sự phụ thuộc bất lợi để estoppel hoạt động”.[20] 


Bên cạnh ứng dụng trong công pháp quốc tế, nguyên tắc trên còn được áp dụng trong mối quan hệ giữa các chủ thể tư nhằm phòng tránh hành vi mang tính lạm dụng và bảo đảm hợp đồng được thực hiện một cách thiện chí.[21] Ví dụ, trong mối quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế chịu sự điều chỉnh của Công ước Liên hợp quốc về Hợp đồng Mua bán Hàng hóa Quốc tế (CISG), một bên sẽ mất quyền hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng nếu như bên nhận đề nghị giao kết hợp đồng đã một cách hợp lý dựa trên đề nghị và thực hiện một hành vi do sự phụ thuộc vào hành vi đó. [22] Ở khía cạnh này, có ba yếu tố mà bên viện dẫn quy định trên cần phải chứng minh: (i) có sự tồn tại ý chí chịu ràng buộc bởi đề nghị giao kết hợp đồng; (ii) bên nhận đề nghị có thể dựa vào đề nghị đó một cách hợp lý; (iii) có hành vi được thực hiện xuất phát từ sự phụ thuộc (việc ký kết hợp đồng vận tải hàng hóa, việc mở thư tín dụng chứng từ, việc thuê kho hàng, v.v.). [23]


Như vậy, nguyên tắc venire contra factum proprium hay estoppel có tính ứng dụng rộng rãi trong mối quan hệ hình thành dựa trên nguyên tắc bình đẳng và tự do thỏa thuận. Xuất phát từ nguyên tắc thiện chí, nguyên tắc trên có vai trò góp phần bảo đảm các bên thực hiện đúng thỏa thuận của mình.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 


[1] Sir Frederick Pollock, The Expansion of the Common Law (Nhà xuất bản Stevens & Sons 1904), tr. 108. 

[2] Nguyễn Bá Diến, ‘Áp dụng các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ trong Luật quốc tế giải quyết hòa bình các tranh chấp ở biển Đông’ (Nghiên cứu Biển Đông, 15 March 2010)   <https://nghiencuubiendong.vn/nguyen-ba-dien-ap-dung-cac-nguyen-tac-ve-thu-dac-lanh-tho-trong-luat-quoc-te-giai-quyet-hoa-binh-cac-tranh-chap-o-bien-dong.44162.anews#_ftn24> truy cập ngày 26/12/2023.

[3] [4] Case concerning the Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), Merits, Judgment of 1.5 June 1962: I.C. J. Reports 1962, Separate opinion of Vice-President Alfaro, p. 40.

[5] [6] [7] [10] [11] [12] [15] [16] [18] [20] Alexander Ovchar, ‘Estoppel in the Jurisprudence of the ICJ A principle promoting stability threatens to undermine it’ Bond Law Review (01/01/2009) <https://blr.scholasticahq.com/article/5527-estoppel-in-the-jurisprudence-of-the-icj-a-principle-promoting-stability-threatens-to-undermine-it> truy cập ngày 25/12/2023.

[8] Xem vụ Case concerning the Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), Merits, Judgment of 1.5 June 1962: I.C. J. Reports 1962, Separate Opinion of Judge Fitzmaurice, p. 62 và vụ Elettronica Sicula S.P.A. (ELSI), Judgment, I.C.J. Reports 1989, p. 44.

[9] Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America), Jurisdiction and Admissibility, Judgment, I.C.J. Reports 1984, p. 415; Land and Maritime Boundary between Cameroon and Nigeria, Preliminary Objections, Judgment, I. C. J. Reports 1998, p. 303. 

[13] [14] Case concerning the Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), Merits, Judgment of 1.5 June 1962: I.C. J. Reports 1962, Dissenting Opinion of Judge Spender, p. 131. 

[17] Legal Status of Eastern Greenland (Denmark v Norway) (1933), PCIJ (Ser A/B) No 53.

[19] Trích trong Case concerning the Temple of Preah Vihear (Cambodia v. Thailand), Merits, Judgment of 1.5 June 1962: I.C. J. Reports 1962, Separate Opinion of Judge Fitzmaurice, p. 62; xem thêm Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States of America), Jurisdiction and Admissibility, Judgment, I.C.J. Reports 1984, p. 414; Land and Maritime Boundary between Cameroon and Nigeria, Preliminary Objections, Judgment, I. C. J. Reports 1998, p. 304. 

[21] See Emmanuel Gaillard, John Savage (eds), Fouchard Gaillard Goldman on International Commercial Arbitration, excerpt available at <https://www.trans-lex.org/130600/mark_907000/fouchard-gaillard-goldman-on-international-commercial-arbitration-the-hague-1999/>, accessed 31 December 2023; Hersch Lauterpacht, Private Law Sources and Analogies of International Law, excerpt availabe at <https://www.trans-lex.org/104200/mark_907000/lauterpacht-hersch-private-law-sources-and-analogies-of-international-law-new-york-toronto-1927/>, accessed 31 December 2023; Peter Schlechtriem (ed), English Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (CISG), Comment on Art. 7 by Rolf Herber, excerpt available at <https://www.trans-lex.org/117900/mark_907000/schlechtriem-peter-english-commentary-on-the-un-convention-on-the-international-sale-of-goods-comment-on-art-7-by-rolf-herber-oxford-1998/>, accessed 31 December 2023.

[22] [23] Peter Schlechtriem, Ingeborg Schwenzer (eds), Commentary on the UN Convention on the International Sale of Goods (Oxford University Press, 4th edition), para. 11, p. 565.

168 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page