top of page
icj 1.jpeg

[31] NGUYÊN TẮC GIẢ ĐỊNH/SUY ĐOÁN (PRIMA FACIE)

Tác giả: Dương Duy Khang


Trong một vụ kiện, khi một bên đưa ra yêu cầu thì phải cung cấp các chứng cứ và căn cứ cần thiết để yêu cầu của mình được chấp nhận. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ tìm hiểu một nguyên tắc được vận dụng nhằm xác định một yêu cầu có thể được chấp nhận hay không - nguyên tắc ‘prima facie’ (nguyên tắc giả định/suy đoán).


Thuật ngữ ‘prima facie’ được hiểu là ở cái nhìn đầu tiên, thoạt nhìn qua, hay một cách giả định.[1] Thuật ngữ trên có thể được dùng ở vị trí tính từ với nghĩa ‘đủ vững chắc nhằm chứng minh một sự việc hay một giả định trừ khi bị chứng minh ngược lại hay phản kháng’.[2] Một thuật ngữ đi kèm với từ ‘prima facie’ ở vị trí tính từ đó ‘prima facie evidence’ hay ‘presumptive evidence’ (chứng cứ giả định).[3] Chứng cứ giả định là chứng cứ đủ vững chắc nhằm gạt bỏ ‘nghĩa vụ chứng minh hình thức’ (evidential burden of proof)[4] và có thể đủ vững chắc nhằm gạt bỏ ‘nghĩa vụ chứng minh nội dung’ (persuasive burden of proof)[5] nếu như không có một chứng cứ phản kháng nào được đưa ra.[6]


Bên cạnh đó, thuật ngữ ‘prima facie case’ (giả định thuyết phục) có nghĩa là một giả định đã được bổ trợ bởi các chứng cứ đầy đủ và sẽ được chấp nhận nếu như không có một chứng cứ phản kháng đầy đủ nào khác.[7] Trong khi ‘prima facie case’ có thể bao gồm việc xác minh duy nhất nhiều căn cứ hay chỉ duy nhất một căn cứ, một ‘prima facie evidence’ chỉ bao gồm việc đưa ra chứng cứ chứng minh cho một căn cứ duy nhất.[8] Các cấp độ chứng minh của ‘prima facie case’ và ‘prima facie evidence’ không được xác định một cách cứng nhắc và phụ thuộc vào từng trường hợp.[9] Các cấp độ chứng minh có thể bao gồm: (i) không còn nghi ngờ hợp lý; (ii) chứng cứ rõ ràng và thuyết phục; và (iii) cân đối khả năng hay xử thắng cho bên chiếm lợi thế về chứng cứ.[10]


‘Prima facie’ được áp dụng trong lĩnh vực luật hình sự với nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội mang ý nghĩa rằng người bị buộc tội được giả định là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội và đặt nghĩa vụ chứng minh lên phía thực hiện quyền công tố phải thuyết phục được tòa án.[11] Trong pháp luật Việt Nam, nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc hiến định mà theo đó người bị buộc tội được xem là không có tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo trình tự luật định và bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.[12] Theo đó, nếu như các căn cứ buộc tội không được chứng minh đầy đủ và làm sáng tỏ, tòa án phải tuyên bố người bị buộc tội là vô tội.[13] Điều này có nghĩa rằng nếu như không chứng minh được có tội thì đồng nghĩa với việc chứng minh vô tội.[14]


Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán vô tội bảo đảm quyền được bào chữa của người bị buộc tội và ngăn cấm các hành vi đối xử với người bị buộc tội như là một phạm nhân.[15] Vì thế, nguyên tắc này có mối liên hệ với công cụ ‘habeas corpus’ (trát bảo thân) mang ý nghĩa giả định việc bắt giam là bất hợp pháp và yêu cầu người bắt giam phải biện hộ đã được bàn đến ở bài viết trước.[16]


‘Prima facie’ cũng được áp dụng trong tranh chấp dân sự. Trong quan hệ hợp đồng thương mại, một bên yêu cầu bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được các căn cứ sau: (i) có hành vi vi phạm hợp đồng; (ii) có thiệt hại thực tế; (iii) hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.[17] Trong một tranh chấp, nguyên đơn và bị đơn đã ký kết hợp đồng li-xăng và hợp tác kinh doanh độc quyền.[18] Tuy nhiên, vì hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, bị đơn phải tạm ngừng kinh doanh và đóng cửa, dẫn đến vi phạm hợp đồng. Nguyên đơn đã khởi kiện lên Hội đồng trọng tài của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) yêu cầu bồi thường thiệt hại trong tương lai (bao gồm yêu cầu về bồi thường về thu nhập trong tương lai của bác sĩ mà nguyên đơn đã thỏa thuận cung cấp dịch vụ chữa trị và yêu cầu bồi thường về phí bản quyền trong tương lai đối với các sản phẩm mà nguyên đơn cho phép bị đơn cung cấp). VIAC sau đó đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và tính toán thiệt hại thực tế dựa trên khoản lợi mà nguyên đơn được hưởng trong thời gian hai bên thực hiện hợp đồng từ 2016 đến 2019 nhân với thời gian còn lại phải thực hiện hợp đồng là từ ngày 01/06/2022 đến ngày 27/09/2025. Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đã ban hành quyết định hủy phán quyết trọng tài, cho rằng hoàn cảnh kinh doanh trước thời điểm dịch bệnh và sau khi dịch bệnh xảy ra là khác nhau và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, nên việc Hội đồng trọng tài căn cứ vào khoản lợi trong quá trình kinh doanh trước thời điểm dịch bệnh để tính toán bồi thường thiệt hại trong tương lai là không có cơ sở. Nguyên đơn đã không chứng minh được thiệt hại thực tế và phán quyết trọng tài là trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.


Trong luật quốc tế, ‘prima facie’ cũng được vận dụng trong các trường hợp xác định thẩm quyền của cơ quan tài phán, ví dụ như trong tranh chấp đầu tư quốc tế. Trong Vụ Achmea B.V. v Cộng hòa Slovakia, Hội đồng trọng tài đã khẳng định rằng khi khởi kiện, nguyên đơn phải thiết lập được một ‘prima facie case’ chứng minh rằng các yêu cầu của mình có khả năng nằm trong phạm vi điều chỉnh của các điều khoản hiệp định bảo hộ đầu tư song phương mà phía nguyên đơn viện dẫn.[19] Hội đồng trọng tài cũng nhấn mạnh rằng việc thiết lập một ‘prima facie’ như thế chỉ nhằm xác định thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Khi các vấn đề về thẩm quyền đan xen với vấn đề về nội dung, Hội đồng trọng tài được quyền đưa ra đánh giá sơ bộ về mặt nội dung đối với các yêu cầu của nguyên đơn mà không làm ảnh hưởng đến các phán quyết cuối cùng hay quyền tranh tụng giữa các bên. Như thế, có thể hiểu rằng, cấp độ chứng minh trong thiết lập một ‘prima facie case’ trong tranh chấp đầu tư quốc tế chỉ dừng lại ở mức đủ cơ sở để yêu cầu của nguyên đơn được tiếp nhận và xem xét trong quá trình tố tụng thay vì phải đạt đến mức đủ vững chắc để có được một phán quyết thắng trong vụ kiện khi phía bị đơn không đưa ra được chứng cứ phản kháng. Trong tranh chấp này, Hội đồng trọng tài đã từ chối thẩm quyền đối với yêu cầu cáo buộc Slovakia đã quốc hữu hóa khoản đầu tư của Achmea trên cơ sở: (i) Điều khoản về quốc hữu hóa chỉ quy định về các điều kiện nhằm xác định một hành vi quốc hữu hóa là hợp pháp và chỉ áp dụng khi hành vi quốc hữu hóa đã xảy ra; (ii) Tại thời điểm khởi kiện, hành vi quốc hữu hóa vẫn chưa xảy ra và Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền xem xét liệu một chính sách kinh tế của một quốc gia là hợp pháp hay không. Đồng thời Hội đồng trọng tài từ chối thẩm quyền đối với cáo buộc của Achmea rằng Slovakia vi phạm nguyên tắc đối xử công bằng và thỏa đáng (FET) khi Achmea không đưa ra được các chứng cứ chứng minh rằng Slovakia đã đối xử với Achmea ở tiêu chuẩn thấp hơn so với tiêu chuẩn trong hiệp định bảo hộ đầu tư song phương. Nói một cách khác, Achmea đã không đưa ra được chứng cứ giả định cho cáo buộc của mình.


Như vậy, có thể thấy rằng. nguyên tắc ‘prima facie’ được vận dụng ở nhiều cấp độ khác nhau nhằm xác định một yêu cầu có thể được chấp nhận hay không và được vận dụng ở cả giai đoạn xét xử về thẩm quyền cũng như nội dung.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1][7] Elizabeth A. Martin (ed), Oxford Dictionary of Law (5th Edition, OUP, 2003), p. 379; Black’s Law Dictionary, ‘Prima Facie: Definition and Legal Meaning’ <https://thelawdictionary.org/prima-facie/> truy cập ngày 12/01/2024.

[2][3] Legal Information Institute, ‘prima facie’ <https://www.law.cornell.edu/wex/prima_facie>, truy cập ngày 12/01/2024.

[4][5] Xem thêm về nghĩa vụ chứng minh hình thức và nghĩa vụ chứng minh nội dung tại Ngô Vĩnh Bạch Dương, ‘Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng’ (2015) 7(287) Tạp chí Nghiên cứu lập pháp <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208358> truy cập ngày 12/01/2024. (Nghĩa vụ chứng minh nội dung thuộc về bên đưa ra cáo buộc (người có yêu cầu, nguyên đơn, bên phản tố, bên thực hiện quyền công tố) và bao gồm (i) nghĩa vụ đưa ra chứng cứ nhằm khẳng định sự thật, (ii) nghĩa vụ thiết lập một giả định thuyết phục bao gồm các căn cứ pháp lý và thực tiễn nhằm thuyết phục tòa án. Nghĩa vụ chứng minh hình thức chỉ bao gồm việc xuất trình các chứng cứ và là nghĩa vụ chung của các đương sự. Trong khi nghĩa vụ chứng minh nội dung không thể chuyển giao, nghĩa vụ chứng minh hình thức có thể được chuyển giao giữa các bên trong quá trình tố tụng. Trong một vụ kiện, khi nguyên đơn đã đưa ra các chứng cứ thuyết phục cho giả định của mình, bị đơn có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ bác bỏ. Nếu anh ta không thể đưa ra chứng cứ bác bỏ, các chứng cứ do bên nguyên đơn sẽ được thừa nhận là xác thực, và sẽ dẫn đến giả định của nguyên đơn được chấp nhận.).

[6] Elizabeth A. Martin (ed), Oxford Dictionary of Law (5th Edition, OUP, 2003), p. 379.

[8] Georg Nils Herlitz, ‘The Meaning of the Term "Prima Facie" The Meaning of the Term "Prima Facie"’ (1994) 55 Louisiana Law Review 391, p. 393, p. 406,407.

[9] Xem Georg Nils Herlitz, ‘The Meaning of the Term "Prima Facie" The Meaning of the Term "Prima Facie"’ (1994) 55 Louisiana Law Review 391. (Trong bài viết này, trong khi nghiên cứu nhằm phân biệt khái niệm ‘prima facie evidence’ và ‘prima facie case’, các ý kiến học giả và và phán quyết của tòa án mà tác giả đưa ra đã cho thấy sự khác nhau trong mức độ chứng minh mà ‘prima facie’ yêu cầu. Trong một tình huống, một ‘prima facie’ có nghĩa là nguyên đơn phải chứng minh một cách thuyết phục đến mức tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu của anh ta nếu bị đơn không đưa ra được chứng cứ phản kháng ngược lại. Trong một tình huống khác, một ‘prima facie’ chỉ có nghĩa là nguyên đơn đã xuất trình được các chứng cứ cần thiết để yêu cầu được tòa tiếp nhận nhằm xét xử và bị đơn có thể thua hoặc thắng kiện kể cả khi anh ta không đưa ra chứng cứ phản kháng (và đó là khi tòa án qua quá trình xét xử nhận thấy chứng cứ mà nguyên đơn đưa ra không đủ thuyết phục và bác bỏ yêu cầu của anh ta)).

[10] Ngô Vĩnh Bạch Dương, ‘Nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng’ (2015) 7(287) Tạp chí Nghiên cứu lập pháp <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208358> truy cập ngày 12/01/2024.

[11][14][15] Hoàng Hùng Hải, ‘Suy đoán vô tội và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội’ 23(375) Tạp chí Nghiên cứu lập pháp <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208309> truy cập ngày 13/01/2024.

[12] khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013; Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

[13] Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

[16] Xem bài viết số [25] Habeas corpus - Trát bảo thân <https://www.juris-exploratores.org/post/25-habeas-corpus-trát-bảo-thân> truy cập ngày 13/01/2024.

[17] khoản 2 Điều 303 Luật Thương mại 2005.

[18] Quyết định số 965/2023/QĐ-PQTT ngày 16/06/2023 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh <https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1290658t1cvn/chi-tiet-ban-an> truy cập ngày 13/01/2024.

[19] Achmea B.V. v. The Slovak Republic, UNCITRAL, PCA Case No. 2013-12, p. 60-80.

105 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page