top of page
icj 1.jpeg

[33] LỊCH SỬ QUYỀN BẦU CỬ CỦA PHỤ NỮ TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI

Đã cập nhật: 20 thg 4

Tác giả: Chu Trang Anh, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Vũ Khôi Việt


Năm 1893, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công nhận quyền bầu cử của phụ nữ, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phong trào bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ toàn cầu. Để đạt được thành tựu này, phụ nữ đã trải qua một giai đoạn lịch sử khó khăn, với xuất phát điểm là các phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử của phụ nữ trên khắp thế giới. Nhân ngày Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 - Ngày Liên hợp quốc vì Nữ quyền và Hòa bình quốc tế, nhóm tác giả xin dành tặng bài viết này nhằm tôn vinh những người phụ nữ đã đấu tranh không ngừng nghỉ vì hòa bình và tiến bộ xã hội, vì quyền lợi và sự bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới. Với mục đích đó, bài viết này sẽ tập trung nghiên cứu lịch sử phát triển quyền bầu cử của phụ nữ ở một số quốc gia trên thế giới và tại Việt Nam, từ đó rút ra ý nghĩa của việc đấu tranh giành quyền bầu cử của phụ nữ trên toàn thế giới. 


Từ khóa: Quyền bầu cử của phụ nữ, quyền chính trị, bình đẳng giới, thế giới, Việt Nam.


1. Quyền bầu cử của phụ nữ ở các quốc gia trên thế giới

Quyền bầu cử là một trong những quyền chính trị cơ bản của con người được quy định tại Điều 25(b) Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.[1] Quyền bầu cử là quyền được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử công khai.[2] Theo đó, quyền bầu cử của phụ nữ đề cập đến quyền hợp pháp của phụ nữ được bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương hoặc quốc gia.[3] Quyền bầu cử thể hiện khía cạnh cơ bản của bình đẳng giới, trao cho phụ nữ quyền tham gia vào việc xây dựng nhà nước, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển bền vững của một quốc gia. 


1.1. Lịch sử phát triển quyền bầu cử của phụ nữ ở các quốc gia trên thế giới

Trước khi có quyền bầu cử, phụ nữ đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể xuất phát từ các định kiến xã hội và bất bình đẳng giới. Ở thời kỳ Hy Lạp cổ đại, Cộng hòa La Mã, và một số nền dân chủ mới nổi lên ở châu Âu vào cuối thế kỷ 18, chỉ những nam giới giàu có, sở hữu nhiều của cải mới có quyền bầu cử.[4] Mặc dù theo thời gian, quyền bầu cử được mở rộng cho những nô lệ được trả tự do (libertini hay freedman) nhưng quyền bầu cử vẫn chỉ giới hạn cho nam giới.[5] Trước Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, phụ nữ bị phản đối tham gia các cuộc bầu cử quốc gia, nơi chọn ra những nhà lãnh đạo quyết định các chính sách quan trọng của đất nước vì họ không trực tiếp tham gia chiến tranh và thiếu kinh nghiệm về quân sự.[6] Ngoài ra, các định kiến về sức khỏe tinh thần và thể chất của phụ nữ,[7] cũng như về thiên chức phải chăm lo cho gia đình của phụ nữ cũng là lý do phụ nữ bị hạn chế khỏi quyền bỏ phiếu.[8] Ở Anh, ngay cả khi quyền bầu cử được mở rộng sau Đạo luật Cải cách 1832, quyền bầu cử của phụ nữ vẫn không được công nhận.[9]


Trước những bất công đó, thế kỷ 19 chứng kiến những cuộc đấu tranh lâu dài của phụ nữ, đặc biệt là ở Anh và Hoa Kỳ, nhằm thúc đẩy nguyên tắc “phổ thông đầu phiếu” (universal suffrage), cho phép phụ nữ được bỏ phiếu, cũng như đạt được sự bình đẳng kinh tế - chính trị trên diện rộng.[10] Theo nhà sử học Leslie P. Hume, đóng góp của phụ nữ trong Chiến tranh Thế giới thứ Nhất như việc tham gia các nhà máy sản xuất đạn dược, đã thay đổi các định kiến vốn có về sức khỏe tinh thần và thể chất của phụ nữ, cũng như cho thấy lý do phản đối phụ nữ tham gia bầu cử vì thiếu kinh nghiệm quân sự đã không còn hợp lý.[11] Đó có thể là lý do dẫn đến việc 28 quốc gia đã công nhận quyền bầu cử trong thời kỳ giữa Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, bao gồm Nga năm 1917, Canada, Đức, Áo năm 1918, Tiệp Khắc năm 1919 và Hoa Kỳ năm 1920.[12]


Tuy phong trào đấu tranh giành quyền bầu cử cho phụ nữ diễn ra mạnh mẽ ở Anh và Hoa Kỳ, New Zealand lại là quốc gia tự trị đầu tiên trên thế giới công nhận quyền bầu cử của phụ nữ trong các cuộc bầu cử quốc hội vào năm 1893, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phong trào bình đẳng bầu cử toàn cầu.[13] Đây là kết quả của nhiều năm vận động xã hội do các nhà lãnh đạo nữ quyền dẫn đầu, điển hình là Kate Sheppard.[14] Tuy nhiên, phụ nữ ở New Zealand tại thời điểm đấy có được quyền bầu cử nhưng chưa thể tranh cử vào Quốc hội. Phải đến năm 1919 và 1941, phụ nữ có thể ứng cử lần lượt vào Hạ viện và Hội đồng Lập pháp.[15]


Trong khi đó, Úc là quốc gia đầu tiên cho phép phụ nữ vừa có quyền bỏ phiếu và tranh cử thông qua “Dự luật Bầu cử cho Người trưởng thành” vào năm 1894.[16] Đây là kết quả của các cuộc đấu tranh giành quyền tham gia chính trị của công dân nói chung và quyền bầu cử của phụ nữ nói riêng, sau khi Anh trao lại chính quyền đại diện cho các thuộc địa.[17] Sự kiện này đã tạo ra một tiền đề cho bình đẳng giới trong chính quyền cho các quốc gia khác châu Âu, châu Á.


Ở châu Âu, phụ nữ phải đợi rất lâu mới được đảm bảo quyền bầu cử đầy đủ.[18] Phần Lan trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên công nhận quyền bầu cử của phụ nữ, ghi vào luật pháp quyền bầu cử toàn dân vào năm 1906.[19] Ở Anh, sau một thế kỷ tổ chức, biểu tình, kiến nghị và bắt giữ, Quốc hội đã bỏ phiếu cho phép tất cả phụ nữ trên 21 tuổi quyền bầu cử trong các cuộc bầu cử toàn dân vào tháng 5 năm 1929.[20] Ở Pháp và Ý, phụ nữ phải đợi đến cuối Chiến tranh Thế giới thứ Hai mới có quyền bầu cử đầy đủ.[21] Phụ nữ ở Tây Ban Nha và Thụy Sĩ không có quyền bầu cử cho đến năm 1971.[22] Phụ nữ ở Liechtenstein phải đợi lâu hơn, với quyền bầu cử đầy đủ được bảo đảm vào năm 1984.[23] 

Còn ở Đông Á và Đông Nam Á, các quốc gia đã trao cho phụ nữ quyền bầu cử vào nhiều thời điểm khác nhau, trong đó Mông Cổ và sau đó là Thái Lan dẫn đầu.[24] Mặc dù phụ nữ Thái Lan đã có thể bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương từ năm 1897, Thái Lan mới chính thức áp dụng phổ thông đầu phiếu vào 1932.[25] Ở Trung Quốc, dự thảo Hiến pháp mới của Trung Hoa Dân Quốc năm 1936, trong đó có đề cập đến quyền bầu cử phổ thông.[26] Tuy nhiên, do Trung Quốc phải đối mặt với cuộc xâm lược năm 1937 của Nhật Bản và Chiến tranh Thế giới thứ Hai nên phụ nữ ở Trung Quốc phải đợi đến năm 1947 mới thực sự thực hiện được quyền bầu cử của mình.[27]


Như vậy, suốt thế kỷ 19 và thế kỷ 20, phong trào đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ lan rộng trên toàn cầu, với hơn một nửa số quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ quyền bầu cử cho phụ nữ (129 trong số 198 quốc gia tính từ năm 1893 đến năm 1960).[28]


1.2. Tình hình chung về quyền bầu cử của phụ nữ trên thế giới hiện nay

Trước tình hình thiếu sự đại diện của phụ nữ trong bầu cử và tranh cử, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về Quyền chính trị của Phụ nữ.[29] Theo đó, quyền bầu cử của phụ nữ được khẳng định tại Điều 2 của Công ước: “Phụ nữ được quyền bầu cử trong tất cả các cuộc bầu cử theo điều kiện bình đẳng với nam giới, không có bất kỳ sự phân biệt nào.”[30]


Ngày nay, phong trào nữ quyền tiếp tục truyền cảm hứng cho các nỗ lực liên tục để đạt được bình đẳng giới trong tham gia chính trị trên quy mô toàn cầu. Kuwait là một trong những quốc gia hoặc lãnh thổ mới nhất cho phép phụ nữ tham gia vào cuộc bầu cử quốc gia. Quốc hội Kuwait đã thông qua Đạo luật số 17 năm 2005 và trao cho phụ nữ đầy đủ quyền bầu cử và tranh cử.[31][32] 


Tuy nhiên, các thách thức vẫn tồn tại ở nhiều khu vực, cho thấy vẫn còn sự phức tạp trong việc tham gia chính trị của phụ nữ. Chẳng hạn như Afghanistan, đây là một trong những quốc gia đầu tiên chấp nhận phụ nữ bầu cử sau khi giành độc lập từ Anh vào năm 1919.[33] Thế nhưng, sự thay đổi chính phủ và sự bất ổn định trong xã hội trong gần 100 năm tiếp theo đã khiến phụ nữ mất đi quyền tham gia vào các cuộc bầu cử.[34]


Có thể nói, việc trao quyền bầu cử, tranh cử cho phụ nữ đã mang lại những thay đổi sâu sắc trong chính trị các quốc gia, tạo điều kiện cho các cuộc tranh luận mạnh mẽ hơn, từ đó phục vụ đưa ra những chính sách tổng thể hơn, phản ánh tốt hơn các nhu cầu và hoài bão của tất cả công dân. Ví dụ, là Nguyên Thủ tướng Đức, Angela Merkel đã đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ phụ nữ, bao gồm quyền hôn nhân đồng giới và chăm sóc sức khỏe phụ nữ.[35] Ngoài ra, trong nhiệm kỳ của mình, Cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng được công nhận rộng rãi nhờ đóng góp vào các vấn đề như giải quyết biến đổi khí hậu và bạo lực gia đình.[36]


2. Quyền bầu cử của phụ nữ nói riêng tại Việt Nam

2.1. Lịch sử phát triển quyền bầu cử của phụ nữ tại Việt Nam

Trước khi giành được độc lập vào năm 1945, Việt Nam là một đất nước đã trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến hà khắc mà ở đó phụ nữ không được đặt ở vị trí ngang hàng với đàn ông.[37] Việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ vào cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của đất nước đã đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong việc thúc đẩy sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc thực hiện các quyền chính trị cơ bản. 


Lịch sử pháp điển hóa luật bầu cử tại Việt Nam được ghi nhận lần đầu tiên tại Sắc lệnh số 14 ngày 08/09/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành về mở cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc dân đại biểu.[38] Điều 2 của Sắc lệnh số 14 cũng nhấn mạnh: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường.”[39] Có thể thấy, ngay từ những văn kiện pháp lý đầu tiên quy định về bầu cử, yếu tố bình đẳng giới đã luôn hiện hữu trong từng câu chữ, thể hiện rất rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta tới sự công bằng trong vấn đề bầu cử cho mọi công dân.


Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 06/01/1946) đã nêu rõ, phụ nữ là những người đi bỏ phiếu hăng hái nhất. Người rất chú trọng công tác vận động phụ nữ, khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi, tổ chức hướng dẫn phụ nữ tham gia vào công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.[40] Ngoài ra, tại Điều 9, Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quy định: “Đàn bà ngang hàng với đàn ông trên mọi phương diện.”[41] Tư tưởng bình quyền giữa nam và nữ thể hiện trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và được quy định trong Hiến pháp năm 1946[42] chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một quốc gia mà ở đó, nữ giới đều có những quyền chính trị cơ bản ngang hàng với nam giới. 


Tư tưởng này vẫn tiếp tục được duy trì trong các bản Hiến pháp tiếp theo của Việt Nam. Cụ thể, tại Điều 24, Hiến pháp năm 1959 có quy định: “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.”[43] Tiếp đó, tại Điều 54, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001): “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử theo quy định của pháp luật.”[44] Nhìn vào các điều khoản về quyền bầu cử tại hai bản Hiến pháp trên, có thể thấy được các quy định ngày càng chi tiết, đặc biệt là bản Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi 2001) thay vì chỉ đề cập tới quyền chính trị, đã ghi nhận rõ về yếu tố bình đẳng giới và rất nhiều yếu tố khác trong quyền bầu cử. 


Dựa vào nền tảng vững chắc đó, quyền của phụ nữ ngày càng được củng cố với quan điểm “bình đẳng và ưu tiên” trong bản Hiến pháp sau này của Việt Nam.[45] Sự bình đẳng được thể hiện một cách toàn diện ở Hiến pháp năm 2013 tại Điều 27: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng Nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.”[46] Đây là quy định duy nhất trong Hiến pháp 2013 về điều kiện để một công dân Việt Nam có quyền bầu cử. Việc đặt ra giới hạn về độ tuổi (mười tám tuổi) nhằm đảm bảo độ chín của sự phát triển tâm sinh lý sẽ giúp cho các cử tri đều có sự lựa chọn chính xác và độc lập.[47] Đây cũng chính là điều kiện duy nhất để một công dân có quyền được bầu cử hay nói cách khác, ngoài giới hạn về tuổi, tất cả công dân đều bình đẳng với nhau trong quyền bầu cử.


Nhìn vào quá trình phát triển và sửa đổi của pháp luật Việt Nam liên quan tới quyền bầu cử, tính tới thời điểm hiện tại, có thể nói rằng, các quy định đã tương đối toàn diện và hoàn chỉnh.


2.2. Tình hình chung về vấn đề thúc đẩy quyền chính trị cơ bản của phụ nữ tại Việt Nam

Hiện nay, Đảng và Nhà nước vẫn luôn quan tâm và thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ được thực hiện các quyền chính trị cơ bản. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn tại những trở ngại trong quá trình phụ nữ thực hiện quyền bầu cử của họ. Gần đây nhất, trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa XV, Ủy ban bầu cử tỉnh Lai Châu đã làm rất tốt công tác hỗ trợ cho bà con nói chung và phụ nữ tại các xã vùng sâu, vùng xa nói riêng. Xã Tủa Sín Chải, huyện Sìn Hồ là một trong những xã đặc biệt khó khăn, hầu hết là người Mông sinh sống. Các cử tri nữ tại địa phương này phần lớn là phụ nữ trung niên và lớn tuổi không biết chữ hoặc không sử dụng tiếng phổ thông nên Ủy ban Bầu cử của xã đã cố gắng hết sức tuyên truyền phổ biến thông tin về ngày bầu cử, quyền và nghĩa vụ của cử tri, thông tin về đại biểu… Việc tuyên truyền đều được thực hiện trực tiếp qua những buổi nói chuyện hoặc gắn vào các buổi sinh hoạt cộng đồng và sử dụng ngôn ngữ địa phương.[48]


Hai kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và khóa XV đều đã cho thấy số liệu tiến bộ trong tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, số lượng đại biểu nữ trúng cử đạt 151 người (tỷ lệ 30,26%), tăng đáng kể hơn so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV với tỷ lệ 26,8%. Tỷ lệ đại biểu nữ trúng cử vào Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã cũng tăng đáng kể so với kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIV.[49] Tuy vậy, tỷ lệ tham chính của hai giới vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể.


Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn luôn là quốc gia đề cao bình đẳng giới, đặc biệt về khía cạnh các quyền chính trị cơ bản và cũng đã có được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo báo cáo về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã có sự gia tăng trong chỉ số Trao quyền chính trị khi đạt 16.6%, tăng đáng kể so với con số 13.5% trong năm 2022.[50] Cùng với xu hướng chung của thế giới, Việt Nam vẫn luôn cố gắng tuyên truyền kết hợp cùng chính sách nhằm thúc đẩy các quyền chính trị cơ bản của phụ nữ. Để có thể thực hiện được hiệu quả các giải pháp và khuyến nghị được đề ra, vai trò của Chính phủ và các tổ chức có chức năng hoạt động đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng và quyền chính trị của phụ nữ ở nước ta như: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cần được nâng cao.[51]


3. Kết luận

Lịch sử đấu tranh giành quyền bầu cử của phụ nữ là một hành trình đáng chú ý, trải dài qua các châu lục và các quốc gia. Từ Anh đến Hoa Kỳ, những người phụ nữ đấu tranh không ngừng nghỉ, tiếng nói tập thể của họ vang vọng theo thời gian, từ đó thúc đẩy quyền bầu cử của phụ nữ trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, ngay từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước vào năm 1946, phụ nữ đã có quyền bầu cử, thể hiện tính bình đẳng, nhân văn. Tuy hiện nay vẫn còn tồn tại một số rào cản với khả năng tham gia bầu cử của phụ nữ, trong thời gian tới, cùng với sự phát triển chung của thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục đề cao bình đẳng giới và thúc đẩy các quyền chính trị cơ bản của phụ nữ. Trong bản giao hưởng của lòng dũng cảm và quyết tâm, quyền bầu cử của phụ nữ vang lên như một bản hợp xướng không biên giới, tôn vinh tinh thần bất khuất của những người phụ nữ trên toàn thế giới. 


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email. 


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, Điều 25(b).

[2] Black’s Law Dictionary 4th edition, ‘suffrage’, tr.1602.

[3], [12] Britannica (2024), “women’s suffrage” <https://www.britannica.com/topic/woman-suffrage> truy cập ngày 04/03/2024.

[4] Mark Cartwright (2018), ‘Athenian Democracy’, World History Encyclopedia <https://www.worldhistory.org/Athenian_Democracy/> truy cập ngày 07/03/2024.

[5] Cambridge University Press, ‘The Freedman in Roman Art and Art History’, tr.1 <https://assets.cambridge.org/97805218/58892/excerpt/9780521858892_excerpt.pdf> truy cập ngày 07/03/2024.

[6] Edith M Phelps (2022), ‘Selected Articles on Woman Suffrage’, Legare Street Press, tr.257–9.

[7], [11] Leslie Hume (2018), ‘The National Union of Women's Suffrage Societies 1897–1914’, Routledge, tr.281.

[8] Patricia Fara (2015), ‘Women, science and suffrage in World War I’, Notes Rec.6911–24 <http://doi.org/10.1098/rsnr.2014.0057> truy cập ngày 04/03/2024.

[13], [14] Archives New Zealand, “The Women's Suffrage Petition” <https://www.archives.govt.nz/discover-our-stories/womens-suffrage-petition>, truy cập ngày 02/03/2024.

[15], [16] New Zealand History, “Women can stand for Parliament” <https://nzhistory.govt.nz/page/women-can-stand-parliament>, truy cập ngày 02/03/2024.

[18] Ruth Rubio-Marín (2014), “The achievement of female suffrage in Europe: on women’s citizenship”, International Journal of Constitutional Law, Volume 12, Issue 1, tr.12.

[19] Ministry for Foreign Affairs of Finland, “When everyone in Finland got the vote” <https://finland.fi/life-society/when-everyone-got-the-vote/>, truy cập ngày 02/04/2024.

[20] UK Parliament, “Women get the vote” <https://www.parliament.uk/about/living-heritage/transformingsociety/electionsvoting/womenvote/overview/thevote/>, truy cập ngày 02/03/2024.

[21], [22], [23], [28] Pew Research Center (2020), “Key facts about women’s suffrage around the world, a century after U.S. ratified 19th Amendment” <https://www.pewresearch.org/short-reads/2020/10/05/key-facts-about-womens-suffrage-around-the-world-a-century-after-u-s-ratified-19th-amendment/>, truy cập ngày 02/03/2024.

[24]  Patricia Grimshaw (2000) “Settler Anxieties, Indigenous Peoples, and Women’s Suffrage in the Colonies of Australia, New Zealand, and Hawai’i, 1888 to 1902.” Pacific Historical Review 69(4), tr.554.

[25] Katherine Bowie (2010). “Women’s Suffrage in Thailand: A Southeast Asian Historiographical Challenge.”, University of California Press, tr.708–741.

[26], [27] Louise Edwards (2000), “Women's Suffrage in China: Challenging Scholarly Convention”, Pacific Historical Review, Vol. 69, No. 4, Woman Suffrage: The View from the Pacific, JSTOR, tr.617-638.

[29] Leanne Dustan (2008), "Convention on the Political Rights of Women", New York: Facts On File, tr.131

[30] Nguyên văn: “Women shall be entitled to vote in all elections on equal terms with men, without any discrimination.

[31] Global Nonviolent Action Database, “Kuwaiti women struggle for suffrage (Blue Revolution), 2002–2005” <https://nvdatabase.swarthmore.edu/content/kuwaiti-women-struggle-suffrage-blue-revolution-2002-2005>, truy cập ngày 03/03/2024.

[32] United Nations General Assembly (2017), “Report of the Working Group on the issue of discrimination against women in law and in practice on its mission to Kuwait”.

[33], [34] Amnesty International UK, “Women in Afghanistan: The Back Story” <https://www.amnesty.org.uk/womens-rights-afghanistan-history>, truy cập ngày 03/03/2024.

[35] American-German Institute (2021), “AGI Asks: What is Angela Merkel’s Legacy on Gender Equality?” <https://americangerman.institute/2021/07/aicgs-asks-what-is-angela-merkels-legacy-on-gender-equality/>, truy cập ngày 04/04/2024.

[36] Blavatnik School of Government (2023), “Jacinda Ardern: The legacy of a leader in New Zealand and beyond” <https://www.bsg.ox.ac.uk/blog/jacinda-ardern-legacy-leader-new-zealand-and-beyond>, truy cập ngày 04/04/2024.

[37], [42] Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2021), “Dấu ấn về quyền bầu cử của Phụ nữ Việt Nam” , <https://hoilhpn.org.vn/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/dau-an-ve-quyen-bau-cu-cua-phu-nu-viet-nam-37209-5.html>, truy cập ngày 03/03/2024.

[38] Nguyễn Quốc Sửu (2016), “Quá trình hoàn thiện pháp luật về bầu cử tại Việt Nam”,<https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/listbnv.aspx?Cat=882&ItemID=48770, truy cập ngày 05/03/2024. 

[39] Điều 2, Sắc lệnh của Chủ tịch chính phủ lâm thời số 14 ngày 08 tháng 09 năm 1945.

[40], [45] Trần Quốc Cường (2016), “Phát huy quyền của phụ nữ trong bầu cử, ứng cử”, Bộ Nội vụ, <https://moha.gov.vn/tintuc/Pages/listbnv.aspx?Cat=882&ItemID=48776>, truy cập ngày 04/03/2024.

[41] Hiến pháp năm 1946, Điều 9.

[43] Hiến pháp năm 1959, Điều 24. 

[44] Hiến pháp năm 1992, sửa đổi năm 2001, Điều 54.

[46] Hiến pháp năm 2013, Điều 27.

[47] Phan Trọng Hào (2014), “Luận cứ về bầu cử trong Hiến pháp năm 2013”, Nghiên cứu lập pháp, <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208239>, truy cập ngày 03/03/2024.

[] UNDP (2012), “Báo cáo về phụ nữ tham chính tại Việt Nam”, <https://www.undp.org/sites/g/files/zskgke326/files/migration/vn/30282_Factsheet_Women_Political_Representation_in_Vietnam_VN.pdf>, truy cập ngày 04/03/2024.

[48] Trần Tuấn (2021), “Vùng sâu vượt khó, sáng tạo ngày bầu cử”, <https://nhandan.vn/vung-sau-vuot-kho-sang-tao-chuan-bi-tot-cho-ngay-bau-cu-post646757.html>, truy cập ngày 04/03/2024.

[49] Bùi Lan, Bùi Hùng (2021), “Công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026” <https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=56950&ref=luatkhoa.com>, truy cập ngày 03/03/2024.

Phương Liên (2021), “Tạo cơ hội cho phụ nữ tham chính thông qua bầu cử”, <https://dangcongsan.vn/bau-cu-dai-bieu-quoc-hoi-khoa-xv-va-dai-bieu-hdnd-cac-cap/tin-tuc/tao-co-hoi-cho-phu-nu-tham-chinh-qua-bau-cu-577091.html>, truy cập ngày 03/03/2024.

[50] World Economic Forum (2023), “Global Gap Report 2023”, <https://www3.weforum.org/docs/WEF_GGGR_2023.pdf>, tr.18, truy cập ngày 04/03/2024. 

[51] Nguyễn Thanh Quyên (2023), “Quyền bình đẳng về chính trị của phụ nữ và một số kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Dân chủ & Pháp luật <https://danchuphapluat.vn/quyen-binh-dang-ve-chinh-tri-cua-phu-nu-va-mot-so-kien-nghi-hoan-thien>, truy cập ngày 03/03/2024.


132 lượt xem

Commentaires


bottom of page