top of page
icj 1.jpeg

[34] TƯ CÁCH PHÁP LÝ CỦA TỔ CHỨC QUỐC TẾ

Tác giả: Lê Thị Hiền Hạnh, Đinh Văn Khiêm


Tóm tắt: Tổ chức quốc tế ra đời nhằm tạo ra một môi trường hợp tác hiệu quả cho các Quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu khi xã hội ngày càn phát triển. Sự xuất hiện của hàng loạt các Tổ chức quốc tế hiện nay, cùng với sự đa dạng, phong phú, thậm chí có phần phức tạp về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Tổ chức quốc tế đã đặt ra câu hỏi lớn về tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế. Bởi để thực hiện được chức năng, nhiệm vụ cũng như chịu hậu quả pháp lý về những hành vi của mình, Tổ chức quốc tế buộc phải có tư cách pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề về tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế hiện nay vẫn đang là chủ đề được bàn luận trong luật Tổ chức quốc tế. Từ cơ sở đó, bài viết sẽ tập trung phân tích các vấn đề chung về Tổ chức quốc tế cũng như tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế.


I. Khái quát về Tổ chức quốc tế

Bên cạnh các Quốc gia vốn là chủ thể lâu đời, “điển hình và cơ bản nhất”[1] của Luật Quốc tế, các Tổ chức quốc tế đã và đang tiếp tục phát triển, khẳng định vị trí và tầm quan trọng của mình trong môi trường quốc tế như một chủ thể quan trọng của pháp luật quốc tế hiện đại. 


1. Lịch sử hình thành và định nghĩa của Tổ chức quốc tế  

Trong môi trường quốc tế ban đầu, Tổ chức quốc tế vốn chưa tồn tại, quan hệ giữa các Quốc gia cũng thiếu đi một trật tự nhất định, vì vậy để giải quyết các xung đột với Quốc gia khác, các Quốc gia phải tự mình thực hiện các hoạt động riêng biệt với Quốc gia xung đột.[2] Sau 2 cuộc đại chiến thế giới, nửa cuối thế kỉ XX chứng kiến sự nổi lên giành độc lập của nhiều Quốc gia, cùng với đó là sự phát triển chưa từng có trên nhiều lĩnh vực như công nghệ, truyền thông, giao thông vận tải…[3] Nhằm giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu đang dần nổi lên khi xã hội phát triển, các Quốc gia phải hợp tác với nhau trên khuôn khổ các hiệp ước được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế cho phép họ có thể thành lập các tổ chức và cơ quan thường trực chung.[4] Vì vậy, các Tổ chức quốc tế kể từ giai đoạn này phát triển nhanh chóng cả về số lượng và phạm vi hoạt động.[5] Các Tổ chức quốc tế tiêu biểu có thể kể đến là Liên hợp quốc (United Nations - UN) 1945, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (Organization of Petroleum Exporting Countries - OPEC) 1960, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations - ASEAN) 1967, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (Asia-Pacific Economic Cooperation - APEC) 1989, Liên minh Châu Âu (Eroupean Union - EU) 1993, Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) 1994… Như vậy, từ góc độ lịch sử, Tổ chức quốc tế ra đời đã đáp ứng nhu cầu tất yếu của một “xã hội trưởng thành”[6], khi khoa học, công nghệ phát triển, toàn cầu hóa dần mạnh mẽ và sâu sắc, đời sống xã hội thay đổi và càng trở nên phức tạp. Tổ chức quốc tế từ đó càng không thể thiếu, bởi nó tạo điều kiện cho quá trình hợp tác xuyên Quốc gia, cho phép xác định, thảo luận và giải quyết những khó khăn trong nhiều vấn đề đương đại như gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường, kinh tế và nhân quyền.[7]


Mặc dù Tổ chức quốc tế đã xuất hiện khá lâu trong quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ pháp luật quốc tế nói riêng, tính đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào toàn diện và đầy đủ về thực thể này. Điều này xuất phát từ một số nguyên nhân, đầu tiên, Tổ chức quốc tế là chủ thể phái sinh của Luật quốc tế, và được  hình thành dựa trên ý chí của các Quốc gia thành viên hoặc các Tổ chức quốc tế khác nhằm phục vụ một chức năng cụ thể.[8] Thứ hai, Tổ chức quốc tế đặc biệt đa dạng về số lượng, quy mô, thành viên, chức năng và nguồn lực.[9] Chính vì vậy, việc xác định một định nghĩa bao quát hay những tiêu chí cụ thể về thành viên, chức năng hay quy mô cho một Tổ chức quốc tế là một việc tương đối khó khăn và phức tạp. Các học giả nghiên cứu về luật quốc tế thường sử dụng thuật ngữ Tổ chức quốc tế như một nhóm thường trực các Quốc gia với các cơ quan có nhiệm vụ bày tỏ quan điểm khác với các Quốc gia thành viên về các vấn đề cùng quan tâm.[10] Các điều ước quốc tế trong quá khứ đã định nghĩa Tổ chức quốc tế là các tổ chức liên chính phủ, nhằm phân biệt nó với các tổ chức mà thành viên của nó không phải các Quốc gia như các tổ chức phi chính phủ.[11] Cụ thể, thuật ngữ “intergovernmental organization” - “tổ chức liên chính phủ” được dùng để định nghĩa cho Tổ chức quốc tế trong Điều 2(1)(i) Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế, Điều 1(1)(1) Công ước Viên 1975 về sự Đại diện của các Quốc gia trong quan hệ với Tổ chức quốc tế có tính toàn cầu, Điều 2(1)(n) Công ước Viên 1978 về sự Kế vị của Quốc gia theo các Hiệp ước và Điều 2(1)(i) Công ước Viên 1986 về Luật Điều ước quốc tế giữa Quốc gia và Tổ chức quốc tế và giữa các Tổ chức quốc tế. Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) trong Điều 2(a) của dự thảo Điều khoản về trách nhiệm của Tổ chức quốc tế năm 2011 định nghĩa:[12] “Tổ chức quốc tế là một tổ chức được thành lập trên cơ sở của một điều ước quốc tế hay văn kiện khác được điều chỉnh bởi luật quốc tế và mang tư cách pháp lý riêng biệt. Tổ chức quốc tế có thể bao gồm thành viên là các Quốc gia và các thực thể khác”. 


Từ các cách tiếp cận trên có thể rút ra năm điểm cơ bản về Tổ chức quốc tế như sau: (i) được thành lập dựa trên ý chí của các Quốc gia thành viên nhằm một mục đích cụ thể, (ii) thành lập dựa trên cơ sở một điều ước quốc tế hoặc các văn kiện có tính pháp lý tương đương được điều chỉnh bởi luật quốc tế, (iii) có hệ thống cơ quan để duy trì hoạt động của tổ chức, (iv) có tư cách pháp lý riêng, độc lập với các Quốc gia thành viên, (v) thành viên là các Quốc gia và các thực thể khác. 


2. Phân loại Tổ chức quốc tế

Hiện nay, có khoảng trên 300 Tổ chức quốc tế, các Tổ chức quốc tế có thể được phân loại theo hai tiêu chí phổ biến: (i) tiêu chí thành viên và (ii) tiêu chí lĩnh vực hoạt động.[13] 


(i) Tiêu chí thành viên 

Tiêu chí thành viên này chia Tổ chức quốc tế thành 2 loại lớn bao gồm Tổ chức quốc tế toàn cầu và Tổ chức quốc tế có thành viên hạn chế.[14] 


Tổ chức quốc tế toàn cầu là tổ chức mang tính phổ cập, có số lượng thành viên không giới hạn đối với mọi Quốc gia hoặc các thực thể khác đáp ứng đủ các điều kiện trở thành thành viên của tổ chức.[15] Điển hình cho loại tổ chức này là Liên hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 


Ngược lại, Tổ chức quốc tế có thành viên hạn chế hướng đến việc hợp tác trong phạm vi một nhóm các Quốc gia nhất định và trong một số lĩnh vực cụ thể.[16] Tổ chức quốc tế có thành viên hạn chế có thể chia thành 2 loại nhỏ hơn gồm: (i) Tổ chức quốc tế khu vực và (ii) Tổ chức quốc tế liên khu vực.


Tổ chức quốc tế khu vực có số lượng thành viên chỉ giới hạn trong một khu vực nhất định.[17] Chức năng và thẩm quyền của Tổ chức quốc tế khu vực cũng chỉ giới hạn trong phạm vi địa lý của tổ chức đó.[18] Điển hình cho Tổ chức quốc tế khu vực là Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU). 


Tổ chức quốc tế liên khu vực có thành viên không bị giới hạn bởi phạm vi địa lý, song có thể bị hạn chế tùy vào lĩnh vực hoạt động của tổ chức.[19] Thẩm quyền của tổ chức liên khu vực bị giới hạn trong lĩnh vực hợp tác.[20] Điển hình cho hình thái tổ chức này là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). 


(ii) Tiêu chí lĩnh vực hoạt động

Dựa vào lĩnh vực hoạt động có thể chia Tổ chức quốc tế thành Tổ chức quốc tế chung và Tổ chức quốc tế chuyên môn. Các Tổ chức quốc tế chung hoạt động trong mọi lĩnh vực quan hệ quốc tế bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… nhằm thúc đẩy và hợp tác toàn diện.[21] Tiêu biểu cho Tổ chức quốc tế chung là Liên hợp quốc, ASEAN, EU,... Trái lại, Tổ chức quốc tế chuyên môn chỉ có những hoạt động trong một và lĩnh vực cụ thể.[22] Ví dụ cho những tổ chức loại này là Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA), Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organization - ILO)...


Ngoài ra có một số nguồn phân loại các Tổ chức quốc tế thành các loại: Tổ chức quốc tế liên chính phủ, Tổ chức phi chính phủ, Tổ chức quốc tế phi chính phủ và tập đoàn đa quốc gia.[23] Tuy nhiên dựa vào định nghĩa đã nêu ở phần trên, nhóm tác giả cho rằng Tổ chức phi chính phủ và Tổ chức quốc tế phi chính phủ và tập đoàn đa quốc gia không phải là Tổ chức quốc tế theo đúng tinh thần của các Công ước Viên đã nêu ở trên và định nghĩa của ILC.[24] Vì vậy, trong bài viết này, Tổ chức quốc tế được phân tích dưới dạng tổ chức liên chính phủ.


II. Tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế

1. Vai trò của tư cách pháp lý đối với  Tổ chức quốc tế

Kể từ khi chủ thể Tổ chức quốc tế xuất hiện trong Luật Quốc tế, sự thiếu rõ ràng trong các tiêu chí hình thành tư cách pháp lý hay tầm quan trọng của vấn đề này đã gây bối rối trong một số tình huống cụ thể.[25] 


Tư cách pháp lý là một khái niệm tương đối “trừu tượng”[26] và “khó hiểu”,[27] đặc biệt đối với các Tổ chức quốc tế, khi nó là chủ thể phụ của luật pháp quốc tế và nó phụ thuộc vào ý chí của các chủ thể tạo ra nó[28] như đã phân tích ở trên. Có thể hiểu tư cách pháp lý thực chất là khả năng sở hữu quyền và nghĩa vụ của một chủ thể trong hệ thống pháp luật.[29] Tư cách pháp lý được coi là điều kiện để  các chủ thể thực hiện hành vi và được công nhận tham gia vào luật pháp quốc tế,[30] cũng như xác định thực thể nào có quyền, nghĩa vụ và hành động phù hợp về mặt pháp lý.[31] Tư cách pháp lý là khái niệm dành cho các chủ thể trong luật pháp quốc tế, vì vậy, các tổ chức phi chính phủ có thể coi là không có tư cách pháp lý vì một số quan niệm cho rằng đây không phải một chủ thể của Luật Quốc tế.[32] Hơn nữa, Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế cũng nêu rõ rằng các Tổ chức quốc tế là các tổ chức liên chính phủ,[33] từ đó có thể loại bỏ các tổ chức phi chính phủ ra khỏi phạm vi của các Tổ chức quốc tế.


Tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế đã được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) xem xét từ năm 1949 trong vụ Yêu cầu khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên hợp quốc. Tòa nhận định rằng các chủ thể trong bất cứ hệ thống pháp lý nào cũng không nhất thiết phải giống nhau về bản chất hay phạm vi, mà phụ thuộc vào yêu cầu của từng cộng đồng.[34] Như vậy, xét thấy sự xuất hiện của các Tổ chức quốc tế là xu thế khách quan của thế giới, nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác sâu rộng và phụ thuộc lẫn nhau của các Quốc gia,[35] Tổ chức quốc tế cũng được coi là một chủ thể quan trọng và cần được trao tư cách pháp lý với nhiều mục đích khác nhau. Khi đã công nhận một Tổ chức quốc tế là một chủ thể quốc tế, điều đó đồng nghĩa với việc tổ chức này có các quyền và nghĩa vụ trong luật pháp quốc tế,[36] cụ thể là có  quyền ký kết các điều ước quốc tế, khiếu kiện lên các cơ quan tài phán, thực thi các nghĩa vụ của luật quốc tế và hưởng các ưu đãi miễn trừ.[37] 


Cũng trong Ý kiến tư vấn về vụ Yêu cầu khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên Hợp Quốc, Tòa ICJ đã công nhận quyền năng chủ thể của Liên hợp quốc, do nhu cầu từ đời sống quốc tế ngày càng tăng về hợp tác giữa các Quốc gia.[38] Xét riêng trường hợp của Liên hợp quốc, tư cách pháp lý được tòa ICJ công nhận đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của tổ chức này. Tòa chỉ ra rằng, Hiến chương của Liên hợp quốc trang bị cho tổ chức này những cơ quan, trao cho nó các nhiệm vụ đặc biệt,[39] có thể kể đến như: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an,… với nhiệm vụ đảm bảo hòa bình thế giới. Các thành viên trong tổ chức có nhiệm vụ phải hỗ trợ hết mình cho các hoạt động của tổ chức,[40] cũng như phải chấp nhận và thực thi các quyết định của Hội đồng Bảo an, trao quyền cho Đại hội đồng để đưa ra các khuyến nghị, trao cho tổ chức các quyền năng pháp lý các ưu đãi và miễn trừ trên lãnh thổ của mọi thành viên, cũng như quyền kí kết các thỏa thuận đối với các thành viên.[41] Tòa ICJ nhận định, nếu như Liên hợp quốc không có tư cách pháp lý, các mục tiêu và nhiệm vụ của Liên hợp quốc sẽ không thể thực hiện được.[42] Có thể hiểu đơn giản rằng, nếu không có tư cách pháp lý, những nghị quyết hay thỏa thuận của Liên hợp quốc sẽ không được kí kết hay thông qua, khi đó, các điều khoản được đề ra trong các nghị quyết ấy cũng không có hiệu lực về mặt pháp lý và không ràng buộc các Quốc gia thành viên. Từ đó, các mục tiêu được hướng tới như việc bảo vệ hòa bình sẽ khó có thể thực hiện được do thiếu đi những cam kết có sự ràng buộc về mặt pháp lý giữa các Quốc gia, Liên hợp quốc cũng không thể hoàn thành vai trò hay nhiệm vụ của mình.


2. Đặc điểm của tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế

Như đã phân tích ở trên, Tổ chức quốc tế là chủ thể phái sinh của Luật Quốc tế,[43] được thành lập bởi các Quốc gia thành viên. Do vậy, quyền năng chủ thể, cũng tức tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế sẽ phụ thuộc vào quyền hạn được các Quốc gia thành viên trao cho.[44] Tư cách pháp lý sẽ phụ thuộc vào ý chí của các Quốc gia sáng lập và điều hành,[45] phải được dựa trên một thỏa thuận được ký kết bởi các Quốc gia thành viên hoặc các chủ thể khác của luật quốc tế, cũng như sẽ mang tính ràng buộc khi các Quốc gia chấp nhận thỏa thuận đó.[46] Cũng vì thế, khi tham gia vào quan hệ quốc tế, quyền hạn của các Tổ chức quốc tế bị hạn chế và gắn chặt vào quyền năng mà các Quốc gia thành viên trao cho.[47] 


Khi tham gia vào quan hệ quốc tế, các Tổ chức quốc tế sẽ có tư cách pháp lý độc lập.[48] Tư cách pháp lý ấy có hai cách để xác định, hoặc là được suy ra từ thẩm quyền, mục đích hoặc thực tiễn hoạt động của tổ chức, hoặc là được ghi nhận trực tiếp trong điều lệ của tổ chức đó.[49] Liên hợp quốc có thế xếp vào trường hợp tư cách pháp lý được xác định dựa trên mục đích, nhiệm vụ của nó, như tòa ICJ đã nhận định “để đạt được các mục đích này thì việc trao tư cách pháp lý là điều không thể thiếu”.[50] Ở cách thức xác định số hai, có thể ghi nhận Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một ví dụ điển hình, khi tư cách pháp lý của tổ chức này được nêu rõ trong hiến chương của tổ chức: ASEAN, với tư cách là một tổ chức liên chính phủ, từ nay có tư cách pháp nhân.[51]


Tuy tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế được xác định dựa trên thỏa thuận của các Quốc gia thành viên, nhưng trong quan hệ quốc tế, không thể nói rằng quyền năng của Tổ chức quốc tế bị hạn chế hơn hay nhiều hơn so với quyền năng của các Quốc gia.[52] Việc xác định tư cách pháp lý không đồng nghĩa với việc quyền và nghĩa vụ của một Tổ chức quốc tế phải tồn tại nhiều hơn quyền và nghĩa vụ của một Quốc gia trong cùng một môi trường.[53] Tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế độc lập và không phụ thuộc vào tư cách của các Quốc gia thành viên.[54] Có thể hiểu điều này rằng chỉ cần thuộc vào phạm vi đã được thỏa thuận ngay từ đầu của các Quốc gia thành viên, tư cách pháp lý của Tổ chức quốc tế sẽ là một tư cách độc lập, không liên quan tới việc tư cách của các Quốc gia thành viên trong luật quốc tế là gì. Điều này đồng nghĩa với việc các Tổ chức quốc tế có quyền được tham gia ký kết các thỏa thuận, điều ước quốc tế, có quyền khiếu kiện lên các cơ quan tài phán và hưởng quyền lợi miễn trừ[55] như đã phân tích ở trên. Việc trao tư cách pháp lý cho Tổ chức quốc tế cũng không làm thay đổi bản chất của chủ thể này trong luật quốc tế. Trong Ý kiến tư vấn về Vụ Khắc phục thiệt hại phát sinh khi phục vụ Liên hợp quốc, Tòa ICJ nêu rõ: việc trao tư cách pháp lý không đồng nghĩa với việc Tổ chức quốc tế là một Quốc gia, hay tư cách pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này giống với tư cách pháp lý của một Quốc gia.[56] Tòa càng nhấn mạnh rằng Tổ chức quốc tế cũng không được coi là một “siêu Quốc gia”, bất kể từ này có ý nghĩa gì.[57] Tổng kết lại, một Tổ chức quốc tế được trao tư cách pháp lý nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức ấy. Tư cách ấy tồn tại một cách độc lập, nằm trong phạm vi quyền hạn được các Quốc gia thành viên trao cho, nhưng không phụ thuộc vào tư cách pháp lý của các Quốc gia thành viên, cũng không làm thay đổi bản chất của Tổ chức quốc tế trong Luật Quốc tế.


III. Kết luận

Tuy khái niệm về Tổ chức quốc tế hay tư cách pháp lý còn có phần mơ hồ và chưa được làm rõ trong nhiều văn bản luật quốc tế, nhưng không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tư cách pháp lý đối với các Tổ chức quốc tế. Nhìn chung, tư cách pháp lý trao cho các Tổ chức quốc tế quyền và nghĩa vụ trong các quan hệ quốc tế dưới tư cách là một chủ thể của luật quốc tế, đồng thời trao cho các tổ chức khả năng bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình bằng các hình thức khác nhau. Nếu không có tư cách pháp lý, các Tổ chức quốc tế khó có thể hoàn thành các mục tiêu hay nhiệm vụ mà các Quốc gia thành viên đã trao cho các tổ chức này. 


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email. 


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1], [2], [6] Paschal Oguno, ‘The Legal Status, Responsibility and Liability of International Institutions Under International Law’ [2016] Journal of Law, Policy and Globalization, trang 101 <https://core.ac.uk/download/pdf/234650552.pdf> truy cập ngày 16/02/2024.

[3], [4], [10] Leonardo Díaz-González, Second report on relations between States and international organizations (second part of the topic), (Yearbook of the International Law Commission, 1985), trang 105, 106 <https://legal.un.org/ilc/documentation/english/a_cn4_391.pdf>, truy cập ngày 16/02/2024.

[5] Phạm Lan Dung (Chủ biên), Giáo trình Luật quốc tế (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), trang 403.

[7]  Malcolm N. Shaw, International Law (8th ed, Cambridge University Press), trang 984.

[8] Paschal Oguno, ‘The Legal Status, Responsibility and Liability of International Institutions Under International Law’ [2016] Journal of Law, Policy and Globalization, trang 101     <https://core.ac.uk/download/pdf/234650552.pdf> truy cập ngày 16/02/2024, Xem thêm tại: Giorgio Gaja, ‘Articles on the Responsibility of International Organizations’ (Audiovisual Library of International Law, 09/12/2011) <https://legal.un.org/avl/ha/ario/ario.html>, truy cập ngày 16/02/2024.

[9] Giorgio Gaja, ‘Articles on the Responsibility of International Organizations’ (Audiovisual Library of International Law, 09/12/2011) <https://legal.un.org/avl/ha/ario/ario.html>, truy cập ngày 16/02/2024, Xem thêm tại: Phạm Lan Dung (Chủ biên), Giáo trình Luật quốc tế, (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), trang 405.

[11]  Malcolm N. Shaw, International Law (8th ed, Cambridge University Press), trang 990.

[12] ILC, ‘Draft articles on the responsibility of international organizations with commentaries’, Article 2(a) < https://legal.un.org/ilc/texts/instruments/english/draft_articles/9_11_2011.pdf>, truy cập ngày 16/02/2024.

[13] International Organization, (The Institute of International Relations Prague), <https://www.iir.cz/en/international-organizations>, truy cập ngày 17/02/2024, Xem thêm tại: Lê Mai Anh (Chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế, Tái bản lần thứ 20 (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2018), trang 254, 255 <https://amilawfirm.com/wp-content/uploads/2020/03/Gi%C3%A1o-tr%C3%ACnh-lu%E1%BA%ADt-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF_compressed.pdf>, truy cập ngày 17/02/2024, Xem thêm tại: Phạm Lan Dung (Chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế, (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), trang 406 - 408

[14], [16] Virally, Michel, ‘Definotion and classification of international organizations: a legal approach’ [1977] XXIX, International Social science Journal, trang 58, 72, 67 <https://unesdoc.unesco.org/ark:/48223/pf0000023271>, truy cập ngày 18/02/2024.

[15], [21] Phạm Lan Dung (Chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế, (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), trang 406 - 408. Xem thêm tại: Lê Mai Anh (Chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế, Tái bản lần thứ 20 (Nhà xuất bản Công an Nhân dân, 2018), trang 254, 255 <https://amilawfirm.com/wp-content/uploads/2020/03/Gi%C3%A1o-tr%C3%ACnh-lu%E1%BA%ADt-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF_compressed.pdf>, truy cập ngày 17/02/2024.

[17], [18], [19], [20]  Phạm Lan Dung (Chủ biên), Giáo trình Luật Quốc tế, (Nhà xuất bản Thế giới, 2022), trang 406 - 408.

[23] ‘International Organizations: Introduction’, (International Legal Research Tutorial) <https://law.duke.edu/ilrt/int_orgs_1.htm>, truy cập ngày 18/02/2024, Xem thêm tại: ‘Types of International Organization’, (Union of International Associations) <https://uia.org/archive/types-organization/cc#:~:text=It%20is%20usual%20to%20distinguish,governmental%20organizations%2C%20and%20multinational%20enterprises.>, truy cập ngày 18/02/2024. Xem thêm tại: ‘International Organisations’ (Geojam) <http://geojam.weebly.com/international-organisations.html>, truy cập ngày 18/02/2024, Xem thêm tại: ‘Government Documents’ (Washington State University) <https://libguides.libraries.wsu.edu/c.php?g=294126&p=1960976>, truy cập ngày 18/02/2024.

[24]  Xem phần a

[25]: Roland Portmann, Legal Personality in International Law, (Cambridge University, 2010), trang 5, <

[26]: Paschal Oguno, The Legal Status, Responsibility and Liability of International Institutions Under International Law, (Journal of Law, Policy and Globalization, 2016), trang 101, <

[27], [28]: Roland Portmann, Legal Personality in International Law, (Cambridge University, 2010), trang 10, <

[29], [42], [53], [56], [57]: Vụ Khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên hợp quốc, Ý kiến tư vấn, Báo cáo ICJ 1949, trang 179

[30]: Jan Klabbers, The Concept of Legal Personality, (2005), trang 35-37. Tham khảo tại: Guy Henry Feil Jones, Legal Personality and The Responsibility of International Organizations, (University of Otago, 2013), trang 24

[31]: Roland Portmann, Legal Personality in International Law, (Cambridge University, 2010), trang 8, <

[32]: Wladyslaw Czaplinski, Recognition and International Legal Personality of Non-State Actors, (Pécs Journal of International and European Law, 2016), trang 9, <

[33]: Công ước Vienna về Luật Điều ước quốc tế, 1969, Điều 2(1)(i)

[34], [50]: Vụ Khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên hợp quốc, Ý kiến tư vấn, Báo cáo ICJ 1949, trang 178

[35], [36]: Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế giới, 2020), trang 66

[37], [55]: Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế giới, 2020), trang 410 - 411

[38]: Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế giới, 2020), trang 85

[39], [41]: Vụ Khắc phục hậu quả phát sinh khi phục vụ cho Liên hợp quốc, Ý kiến tư vấn, Báo cáo ICJ 1949, trang 178-179

[40]: Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 2(5)

[43], [44], [48], [49], [52], [54]: Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, (NXB Thế giới, 2020), trang 410

[45]: Wladyslaw Czaplinski, Recognition and International Legal Personality of Non-State Actors, (Pécs Journal of International and European Law, 2016), trang 11, <

[46]: Wladyslaw Czaplinski, Recognition and International Legal Personality of Non-State Actors, (Pécs Journal of International and European Law, 2016), trang 8, <https://ceere.eu/pjiel/wp-content/uploads/2016/06/4_PJIEL201601_PJIEL201601.pdf >, truy cập ngày 15/2/2024

[47]: Wladyslaw Czaplinski, Recognition and International Legal Personality of Non-State Actors, (Pécs Journal of International and European Law, 2016), trang 10, <


372 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Commentaires


bottom of page