top of page
icj 1.jpeg

[36] TỪ LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ TRẺ EM TỚI THỰC TRẠNG TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ TRONG TƯƠNG LAI

Tác giả: Ths. Phạm Thanh Tùng[1], Ths. Nguyễn Thủy Nguyên[2]


Mở đầu

Một trong những nhiệm vụ lớn nhất của pháp luật là đem đến một xã hội công bằng, nơi mà không xuất hiện bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào. Khi nhắc đến khái niệm công bằng, sẽ thật sai lầm khi cho rằng công bằng là sự cào bằng các giá trị trong xã hội mà không tính đến sự khác biệt giữa những người hưởng thụ quyền. Bởi vậy, pháp luật chỉ thực sự hoàn thành nhiệm vụ mang lại sự công bằng xã hội khi nó giúp những người yếu thế có thể hưởng thụ quyền mà không thua thiệt so với những người vốn có xuất phát điểm tốt hơn họ rất nhiều. Điều này chính là niềm cảm hứng cho sự xuất hiện của thế hệ nhân quyền thứ 3 trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế - Quyền của nhóm người.


Cụ thể hơn, trong xã hội luôn xuất hiện những nhóm người yếu thế hơn những nhóm người khác – hay còn gọi là nhóm người dễ bị tổn thương. Nếu như pháp luật quy định một cách cứng nhắc nhằm đảm bảo sự bình đẳng mà không lường tới những khác biệt kể trên, vô hình trung sẽ tạo ra một xã hội thiếu công bằng. Ví dụ tiêu biểu phải kể đến là những nhóm người yếu thế như: Phụ nữ, người già, người tàn tật, người lao động di trú,… và đặc biệt là trẻ em. Trẻ em là nhóm người đặc biệt dễ bị tổn thương. Bởi vậy trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhóm đối tượng này luôn được quan tâm chăm sóc và bảo vệ. Thật vậy, trong lời nói đầu của Công ước của Liên hợp quốc năm 1989 về Quyền trẻ em, các quốc gia thừa nhận rằng “trẻ em có quyền được chăm sóc và giúp đỡ đặc biệt”,[3] đồng thời “Trẻ em cần được chuẩn bị đầy đủ để có thể sống một cuộc sống riêng trong xã hội và cần được nuôi dưỡng theo tinh thần các lý tưởng được nêu ra trong Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là tinh thần hòa bình, phẩm giá, khoan dung, tự do, bình đẳng và đoàn kết”,[4] đồng thời các bên cũng thừa nhận thực tế “ở mọi quốc gia trên thế giới, vẫn còn trẻ em sống trong các điều kiện đặc biệt khó khăn và những trẻ em đó cần nhận được sự quan tâm đặc biệt”.[5]Thông qua những thừa nhận trên có thể thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.


Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền trẻ em là một vấn đề nhận được sự quan tâm to lớn từ Đảng và Nhà nước. Điều này thể hiện thông qua việc Việt Nam là thành viên đầu tiên của Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Đồng thời việc bảo vệ trẻ em cũng được quy định trong Hiến pháp Việt Nam ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946. Có thể nói, hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản tương thích với những quy định của quốc tế về vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng thực trạng quyền trẻ em bị xâm phạm tại Việt Nam cũng không hiếm gặp. Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến hệ thống khái niệm về trẻ em, quyền trẻ em, những thách thức và giải pháp tháo gỡ đối với sự vi phạm quyền trẻ em.


1. Một số vấn đề chung về quyền trẻ em

1.1. Khái niệm “trẻ em”

Theo Điều 1 Công ước của Liên hợp quốc năm 1989 về quyền trẻ em (Children’s right convention, sau đây viết tắt là CRC), thì trẻ em được định nghĩa là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp pháp luật (của quốc gia thành viên) áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn.[6]


Quy định nêu trên đôi khi được hiểu là pháp luật của quốc gia thành viên có thể quy định độ tuổi trẻ em thấp hơn so với Điều 1, CRC (ví dụ, Luật Trẻ em của Việt Nam quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi). Tuy nhiên, quan niệm như vậy đã được chứng minh là không chính xác.[7]


Theo Tài liệu Hướng dẫn thực hiện CRC của UNICEF thì định nghĩa trẻ em trong CRC nhằm mục đích xác định giai đoạn được xem là tuổi thơ (childhood) của một con người, trong đó mốc từ 18 tuổi đánh dấu sự kết thúc của tuổi thơ để trở thành người đã thành niên (adulthood)[8] Điều đó có nghĩa là các cá nhân ở bất kỳ độ tuổi nào dưới 18, bao gồm các độ tuổi 16, 17, đều được xem là người chưa trưởng thành. Đoạn cuối của Điều 1 “trừ trường hợp pháp luật [của quốc gia thành viên] áp dụng với trẻ em có quy định tuổi trưởng thành sớm hơn” là để làm cho quy định này cụ thể hơn (more prescriptive) nhưng không có nghĩa là cho phép linh hoạt (not inflexible) trong việc xác định thời điểm kết thúc tuổi thơ (childhood) của một con người.[9]


Nói cách khác, đoạn cuối của Điều 1 hoàn toàn không có nghĩa là CRC khuyến khích hay cho phép các quốc gia thành viên hạ thấp độ tuổi trẻ em, minh chứng là ngay ở đoạn mở đầu của Điều 1 đã nhấn mạnh rằng quy định “trẻ em là người dưới 18 tuổi” là “có chủ đích (for the purposes) của Công ước”.[10] Quy định này có nghĩa là các quốc gia thành viên có thể xác định tuổi trưởng thành sớm hơn, nhưng vẫn phải có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của công ước CRC đối với mọi người dưới 18 tuổi. Các quốc gia chỉ có thể quy định mốc tuổi tối thiểu thấp hơn 18 trong một số lĩnh vực và cho một số mục đích cụ thể (particular purposes) - với điều kiện đảm bảo các nguyên tắc chung của CRC, gồm nguyên tắc lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em, nguyên tắc bảo đảm tối đa sự tồn tại, phát triển của trẻ em và nguyên tắc không phân biệt đối xử trong bảo đảm quyền trẻ em.[11]


1.2. Quyền trẻ em

Vì trẻ em là một phần của nhân loại nên quyền trẻ em (children’s rights) cũng là quyền con người (quyền con người của trẻ em). Tuy nhiên, do còn non nớt cả về thể chất và tinh thần nên quyền của trẻ em có những đặc điểm khác với quyền của người lớn (người đã trưởng thành). Trẻ em có những quyền mà đa số người lớn không được hưởng (ví dụ: quyền được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng...), song cũng có những quyền của người lớn mà trẻ em chưa được hưởng hoặc chỉ mới được hưởng một phần (bao gồm nhưng không giới hạn: quyền được bầu cử, ứng cử; quyền được quản lý một số loại tài sản; quyền lập gia đình,...).


Sự phát triển của quyền trẻ em gắn liền với sự phát triển trong nhận thức của nhân loại về trẻ em, mà về cơ bản, có thể chia thành bốn cấp độ, đó là: (i) Tình thương, (ii) Nhân đạo, (iii) Phát triển, và (vi) Sự sống còn và phát triển.


Công ước về Quyền trẻ em là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên và hiện vẫn đang có hiệu lực quy định một cách toàn diện các quyền của trẻ em, không chỉ các quyền về kinh tế, xã hội, văn hóa mà còn các quyền dân sự và chính trị. Cho đến nay, có 196 quốc gia đã phê chuẩn việc tham gia công ước, tức là tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, trừ Hoa Kỳ.[12] Công ước ghi nhận các quyền của trẻ em mà có thể khái quát thành bốn nhóm: Quyền sống còn, Quyền được bảo vệ, Quyền phát triển và Quyền tham gia. Các nhóm quyền này phản ánh những nguyên tắc cốt lõi của CRC đó là: không bị phân biệt đối xử; lợi ích tốt nhất dành cho trẻ em; quyền sống còn và phát triển; và quyền được tôn trọng và lắng nghe.


Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/02/1990. Ở Việt Nam, quyền trẻ em đã được hiến định từ Hiến pháp năm 1946 (trực tiếp là các Điều 14, 15 và được hàm chứa trong một số điều khác), và trong tất cả các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 (gồm cả lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2001), và năm 2013. Quyền trẻ em cũng được thể chế hóa trong nhiều bộ luật và luật, mà tập trung là Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016.


2. Các thách thức nổi bật trong việc đảm bảo quyền trẻ em ở Việt Nam

2.1. Sự đói nghèo

Sự kiện “Đổi mới” (năm 1986) đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam chính thức mở cửa nền kinh tế. Trải qua hơn 30 năm phát triển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Theo số liệu của World Bank, từ 2002 đến 2019, GDP/người tại Việt Nam tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6%.[13] Những thành tựu phát triển kể trên là kết quả của chính sách mở cửa nền kinh tế, du nhập những tiến bộ quốc tế vào quá trình xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.


Mặc dù đã đạt được những thành tựu nhất định trong việc xóa đói, giảm nghèo, nhưng thực trạng là đói nghèo vẫn hiện hữu. Điều đó đồng nghĩa với các hệ luỵ ảnh hưởng sâu sắc tới trẻ em, tiêu biểu có thể kể đến như vấn nạn lao động trẻ em, trẻ em không thể tiếp cận giáo dục, y tế,…


Một báo cáo tháng 10/2016 của Nhóm Ngân hàng Thế giới và UNICEF ước tính rằng, vào năm 2013, 19,5% trẻ em ở các nước đang phát triển sống trong tình trạng cực nghèo khổ, được định nghĩa là sống với mức dưới 1,90 USD một ngày.[14] Báo cáo không chỉ làm rõ điều kiện sống tồi tệ mà trẻ em ở nhiều quốc gia phải trải qua mà còn chứng minh rằng trẻ em trong một nhóm xã hội bị ảnh hưởng bởi nghèo đói một cách không cân xứng, với tỷ lệ trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo cùng cực cao hơn gấp đôi so với người lớn. Những tổng quan gần đây về tình trạng nghèo đói ở các nước giàu có cũng cho thấy một bức tranh tồi tệ, với một báo cáo của UNICEF Innocenti Center năm 2017 cho thấy 1/5 trẻ em ở 41 quốc gia có thu nhập cao sống trong tình trạng nghèo về thu nhập tương đối, với 1/8 trẻ em phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.[15]


Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam vẫn chưa có đủ tiềm lực kinh tế và vật chất để đảm bảo điều kiện sống đầy đủ cho tất cả trẻ em, và kết quả là một bộ phận không nhỏ trẻ em, tập trung ở các vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, đói nghèo cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng lao động trẻ em. Theo số liệu từ “Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012 – Các kết quả chính”, ước tính có khoảng 18,3 triệu trẻ em. Trong đó có khoảng 2,83 triệu trẻ em (chiếm khoảng 15,46%) đang hoạt động kinh tế. Trong số trẻ em đang hoạt động kinh tế, có khoảng 1,75 triệu trẻ (chiếm 9,6% tổng số trẻ em và 62% số trẻ em đang hoạt động kinh tế) thuộc nhóm lao động trẻ em.[16] Cũng theo điều tra trên, số lượng lao động trẻ em phân bổ giữa thành thị và nông thôn có một khoảng cách lớn. Theo đó, có gần 85% lao động trẻ em sinh sống ở nông thôn và 15% sinh sống ở thành thị. Ngoài ra, tỉ lệ giới tính cũng có sự chênh lệch (60% trẻ em nam và 40% trẻ em nữ).[17] Lao động trẻ em gây ra nhiều hậu quả cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Những nhóm hậu quả có thể kể đến là: (i) Bị thương tật lao động, bị tổn thương tâm lý; (ii) Dễ bị sa ngã, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội; (iii) Dễ trở thành nạn nhân của mua bán người, xâm hại và bóc lột tình dục, dễ bị lây những bệnh xã hội (HIV/AIDS, các bệnh khác lây truyền qua đường tình dục); (iv) và Không được tiếp cận quyền được hưởng nền giáo dục.[18]


2.2. Nhận thức còn hạn chế về quyền trẻ em

Mặc dù đã được thừa nhận và đưa vào hệ thống pháp luật, song, việc thực hiện quyền trẻ em vẫn chưa được nhận thức đúng đắn trong cộng đồng.


Nguyên nhân là do vấn đề quyền trẻ em vẫn chưa được tuyên truyền một cách hiệu quả trong chương trình giáo dục và các phương tiện truyền thông, dẫn đến việc một bộ phận lớn người dân vẫn chưa có được một nhận thức đầy đủ về vấn đề này, công tác giáo dục cho trẻ về các quyền lợi của chính mình còn chưa được phổ biến. Trẻ em, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa không được người lớn trang bị các kiến thức cần thiết liên quan giới tính, tình dục hay các biện pháp đối phó khi gặp người lạ,.. khiến trẻ dễ bị lạm dụng và xâm hại hơn. Ngay cả khi đã bị lạm dụng hoặc xâm hại, công tác điều tra cũng gặp nhiều khó khăn do trẻ em không đủ can đảm để tố cáo những hành vi này hay nói cho người lớn biết. Trong nhiều trường hợp trẻ dường như không biết các quyền lợi của mình bị xâm phạm. Hậu quả là, bất chấp sự can thiệp của pháp luật, tình trạng bạo lực và lạm dụng trẻ em vẫn tiếp diễn: theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam có tới 8.442 vụ bạo hành trẻ em được ghi nhận.[19] Đây chỉ là một trong số rất nhiều những vấn đề đến từ việc thiếu nhận thức về quyền trẻ em.


Nguyên nhân thứ hai là định kiến xã hội và hủ tục. Là một quốc gia phương Đông, do đó những hủ tục hay định kiến “ăn sâu bám rễ” từ trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Các hủ tục như cướp vợ, hôn nhân cận huyết thống,…[20] không chỉ khiến cho trẻ em mất đi các cơ hội để phát triển, vui chơi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng giống nòi của các thế hệ sau - cũng chính là những đứa trẻ bị tước đi quyền lợi của mình ngay khi mới lọt lòng. Thêm vào đó, quan điểm về “trọng nam khinh nữ” khiến cho nhiều trẻ em gái đã bị tước bỏ quyền được sống ngay khi còn là bào thai. Hoặc đến khi chúng có thể được sinh ra và trưởng thành, sự phân biệt đối xử khiến cho trẻ em gái không được đảm bảo được hưởng các quyền vui chơi, giáo dục hay chăm sóc sức khỏe. Từ đó, vô tình, trẻ em trở thành đối tượng bị lạm dụng tình dục hay bóc lột sức lao động.


3. Một số giải pháp tháo gỡ tình trạng trên

Từ những thách thức kể trên, có thể thấy giải pháp nâng cao quyền trẻ em sẽ tập trung vào những vấn đề sau đây: (i) Tăng cường hỗ trợ trẻ em nghèo tiếp cận quyền của mình; và (ii) Tăng cường mức độ nhận thức của người dân về quyền trẻ em.


3.1. Tăng cường hỗ trợ trẻ em nghèo tiếp cận quyền của mình

Nhìn chung, khi nhắc đến quyền của trẻ em, Nhà nước có nghĩa vụ chủ động trong việc đảm bảo những quyền đó có khả năng thực thi trên thực tế. Qua thực tiễn nghiên cứu, có thể thấy rằng chính tình trạng đói nghèo tạo nên rào cản cực lớn cho việc tiếp cận quyền của trẻ em. Hơn thế nữa, chính tình trạng đói nghèo đa phần là nguyên nhân dẫn tới sự vi phạm quyền của các em. Đồng thời đói nghèo chính là vòng luẩn quẩn khiến các em bị xâm hại và cũng biến các em trở thành kẻ xâm hại mà không thoát ra được. Trên thực tế nhiều trường hợp những người xâm hại trẻ em trong hiện tại vốn là nạn nhân bị xâm hại trong quá khứ.


Vì vậy, chính sách của Nhà nước nên tập trung hỗ trợ trẻ em (đặc biệt là trẻ em nghèo) có nguy cơ hoặc đã, đang bị xâm hại được bảo đảm an toàn, chăm sóc, tạo điều kiện để phục hồi và phòng ngừa những tổn thương có thể xảy đến trong tương lai. Các biện pháp trợ giúp cho trẻ em cần được thực hiện một cách đa dạng, linh hoạt, bao gồm: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý; giám sát, đảm bảo sự an toàn của trẻ em; bố trí người chăm sóc; giáo dục cho trẻ em kỹ năng tự mình phòng tránh xâm hại; giáo dục người thân, gia đình về cách thức hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị xâm hại;… Đồng thời, các cấp chính quyền và các tổ chức và mọi cá nhân cần có cơ chế để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Ngoài các chế tài của pháp luật, cần có sự cộng tác chặt chẽ với công tác truyền thông và dư luận xã hội để có thái độ và ứng xử một cách thỏa đáng đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.


Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho các em trước nguy cơ đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các ngành, các đơn vị chức năng tại cơ sở, địa phương phải tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhanh chóng phối hợp cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung và sử dụng ngân sách hoặc các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời.


Trong những năm qua, Nhà nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, từ đó đưa nhiều em thoát khỏi tình trạng nghèo đói dẫn tới bị xâm hại và thậm chí sau này trở thành kẻ xâm hại.


3.2. Nâng cao nhận thức về quyền của trẻ em

Một trong những thách thức lớn nhất về việc bảo vệ quyền trẻ em chính là bởi nhận thức của người dân chưa cao về nhóm quyền này. Một vài nơi (đặc biệt là khu vực miền núi, nông thôn, biên giới, hải đảo), cha mẹ trẻ còn có quan điểm cổ hủ, lạc hậu về việc giáo dục con cái, ví dụ: “thương cho roi cho vọt” hoặc tính “gia trưởng”, “trọng nam khinh nữ”. Không chỉ phụ huynh mà chính các em cũng không được nhà trường và xã hội giáo dục đầy đủ về quyền của mình, từ đó khiến cho việc tiếp cận quyền bị hạn chế nhiều.

Để giải quyết những vấn đề nêu trên, trước hết cần giáo dục và phổ biến nhận thức bảo vệ quyền trẻ em, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm trên phạm vi toàn xã hội bao gồm hệ thống chính trị, cộng đồng và gia đình. Tiếp đến là sát sao xây dựng những tài liệu, số liệu đầy đủ, chính xác, cập nhật để có thể quản lý một cách dễ dàng và hiệu quả. Đặc biệt, đối tượng nhắm tới sẽ là phụ huynh, trẻ em cũng như nhà trường và các cấp chính quyền tại khu vực miền núi, nông thôn, biên giới, hải đảo, nơi mà vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm cổ hủ, lạc hậu về cách thức cha mẹ giáo dục con cái.


Có thể nói, trong bối cảnh các dịch bệnh truyền nhiễm dự báo tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, trách nhiệm của cha mẹ cần đặt lên hàng đầu, đó là trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, tạo những điều kiện tốt nhất để con trẻ phát triển một cách bình thường. Kêu gọi người dân nếu phát hiện, chứng kiến bất cứ hành vi bạo lực gia đình nào phải báo ngay với cơ quan chức năng để giải quyết, đưa ra hình phạt thích đáng cho những hành vi đó, tạo môi trường an toàn cho trẻ em.


Dịch bệnh COVID-19 đã có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng những hậu quả mà nó để lại là vết thương khó lành của những đứa trẻ mất cha mẹ, chịu bạo lực gia đình hay không thể theo kịp những bài giảng của thầy cô giáo. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần đưa ra những biện pháp phù hợp về chính sách nhận con nuôi tại các Trung tâm bảo trợ xã hội, đặc biệt chú trọng đến những em mồ côi do mất cha mẹ trong đại dịch.


Các trường học nên có những kế hoạch dạy thêm/dạy bù để đáp ứng lượng kiến thức đủ cho những học sinh không thể theo học trên nền tảng trực tiếp khi tình hình dịch giảm nhiệt. Đồng thời lồng ghép nội dung tuyên truyền phổ biến quy định của pháp luật về quyền của trẻ em, giúp nâng cao nhận thức của chính các em về quyền của mình.


Bên cạnh đó, sự bùng nổ công nghệ thông tin trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra những thách thức khó lường cho việc bảo vệ quyền trẻ em. Vì vậy, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, gia đình, nhà trường và Chính phủ cần lên những kế hoạch, biện pháp hợp lý, kịp thời như giáo dục ý thức cộng đồng, xóa bỏ, chặn những trang web chứa thông tin không phù hợp với trẻ em và xử phạt thật nghiêm những cá nhân, tổ chức xâm hại quyền trẻ em kể cả những người thân nhất trong gia đình. Cha mẹ trẻ nên theo dõi sát sao, chặn những kênh thông tin độc hại, giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội, hướng dẫn cho trẻ cách tự bảo vệ mình an toàn khỏi những văn hóa độc hại trên mạng.

  

Kết luận

Có thể thấy, pháp luật Việt Nam về cơ bản tương thích với luật quốc tế về bảo vệ quyền trẻ em. Tuy nhiên thực tiễn thực thi lại chỉ ra nhiều hạn chế, tiêu biểu phải kể đến là vấn đề đói nghèo dẫn đến quyền trẻ em bị xâm hại hoặc thiếu nhận thức về quyền trẻ em (từ cả phía phụ huynh cũng như chính các em). Những hạn chế này dẫn đến số liệu đáng lo ngại về tình trạng xâm hại trẻ em tại Việt Nam. Những hạn chế trên thậm chí bị khuếch đại bởi tác động của đại dịch Covid-19. Đại dịch đã dẫn đến hàng ngàn trường hợp trẻ em trở thành trẻ mồ côi hoặc làm trầm trọng hơn nữa tình trạng đói nghèo (vốn là một trong những lý do lớn mà người viết đề cập tới như một tác nhân chính dẫn đến tình trạng xâm hại quyền trẻ em).


Đối diện với những thách thức đó, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Có thể xếp thành nhóm giải pháp liên quan tới giảm thiểu tình trạng đói nghèo song song với việc đảm bảo quyền của trẻ em nghèo; và nhóm giải pháp nâng cao nhận thức của phụ huynh cũng như chính các em về quyền của mình. Trong những năm qua, những nhóm giải pháp này phần nào đó đã chứng tỏ thành tựu của mình.


Có thể thấy, việc đảm bảo quyền trẻ em không thể được đảm bảo trong một thời gian ngắn với sự nỗ lực chỉ bởi một nhóm nhỏ cơ quan hoặc cá nhân có liên quan. Nó đòi hỏi sự chung tay giúp sức của cả xã hội trong một khoảng thời gian dài, đủ để làm thay đổi nhận thức nhiều người về tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em – tương lai của nhân loại.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  

[1] Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao. Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu cá nhân của tác giả, không đại diện cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

[2] Học viện An ninh nhân dân. Bài viết thể hiện quan điểm nghiên cứu cá nhân của tác giả, không đại diện cho bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.

[3] Nguyên văn tiếng anh: “Recalling that, in the Universal Declaration of Human Rights, the United Nations has proclaimed that childhood is entitled to special care and assistance,” Xem thêm: Convention on the Rights of the Child, truy cập đường dẫn: https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/convention-rights-child. Ngày truy cập: 30/5/2024.

[4] Nguyên văn tiếng anh: “Considering that the child should be fully prepared to live an individual life in society, and brought up in the spirit of the ideals proclaimed in the Charter of the United Nations, and in particular in the spirit of peace, dignity, tolerance, freedom, equality and solidarity,” Xem thêm: Convention on the Rights of the Child, truy cập đường dẫn: https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/convention-rights-child. Ngày truy cập: 30/5/2024.

[5] Nguyên căn tiếng anh: “Recognizing that, in all countries in the world, there are children living in exceptionally difficult conditions, and that such children need special consideration,” Xem thêm: Convention on the Rights of the Child, truy cập đường dẫn: https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/convention-rights-child. Ngày truy cập: 30/5/2024.

[6] Nguyên văn Điều 1 CRC là “For the purposes of the present Convention, a child means every human being below the age of eighteen years unless under the law applicable to the child, majority is attained earlier

[7] Vũ Công Giao, Quyền trẻ em và lao động trẻ em, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, Trang 5

[8] UNICEF (2007), Implementation Handbook for the Convention on the Rights of the Child, prepared for UNICEF by Rachel Hodgkin and Peter Newell, revised third edition; tr.3

[9] UNICEF (2007), tlđd, tr.3

[10] UNICEF (2007), tlđd, tr.5

[11] UNICEF (2007), tlđd, tr.5

[12] Dù Chính phủ Hoa Kỳ đã ký kết Công ước này vào ngày 16/2/1995, nhưng cho tới nay Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Xem danh sách các quốc gia đã ký kết và phê chuẩn Công ước tại: https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=TREATY&mtdsg_no=IV-11&chapter=4&clang=_en. Ngày truy cập: 30/5/2024.

[13] World Bank, Tổng quan về Việt Nam, truy cập đường dẫn: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview#1, ngày truy cập 30/5/2024

[14] United Nations Children’s Fund (UNICEF) and World Bank Group, Ending Extreme Poverty: A Focus on Children, briefing note (October 2016), https://www.unicef.org/publications/index_92826.html, truy cập ngày 30/5/2024

[15] Chris Brazier, “Building the Future: Children and the Sustainable Development Goals in Rich Countries,” Innocenti Report Card 14 (2017), https://www.unicef-irc.org/publications/pdf/RC14_eng.pdf; Xem thêm Bea Cantillon, Yekaterina Chzhen, Sudhanshu Handa, and Brian Nolan, Children of Austerity: Impact of the Great Recession on Child Poverty in Rich Countries (Oxford: UNICEF and Oxford University Press, 2017)

[16] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội & Tổng cục thống kê & ILO, Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012 – Các kết quả chính, trang 2, Hà Nội, 2014.

[17] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội & Tổng cục thống kê & ILO, Điều tra quốc gia về lao động trẻ em 2012 – Các kết quả chính, trang 25, Hà Nội, 2014.

[18] Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội & ILO, Bạn biết gì về lao động trẻ em, trang 5, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/---asia/---ro-bangkok/---ilo-hanoi/documents/projectdocumentation/wcms_746345.pdf, truy cập ngày 30/5/2024

[19] Anh Kiệt, Vũ Minh, "Vietnam handles 8,400 child abuse cases in 2015-2019," Hanoi Times, truy cập đường dẫn: https://hanoitimes.vn/more-than-8400-child-abuse-cases-in-vietnam-detected-and-sanctioned-311912.html, truy cập ngày 30/5/2024,

[20] "Cuộc chiến" đẩy lùi hủ tục lạc hậu ở vùng cao, https://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/Cuoc-chien-day-lui-hu-tuc-lac-hau-o-vung-cao-i555553/, Công an Nhân dân, 2020, truy cập ngày 30/5/2024





80 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page