top of page
icj 1.jpeg

[38] MỐI TƯƠNG QUAN GIỮA MIỄN TRỪ QUỐC GIA VÀ VIỆC THI HÀNH PHÁN QUYẾT TRỌNG TÀI THEO CÔNG ƯỚC ICSID VÀ THỰC TIỄN HIỆN NAY

Đã cập nhật: 5 thg 7

Bài viết này được đăng tại Kỷ yếu Tập san “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID): Các vấn đề pháp lý và thực tiễn” của Dự án Sinh viên Nghiên cứu Luật Quốc tế - Juris Exploratores.


Tác giả: Ngô Gia Bảo[1], Trần Ngọc Mai[2], Hoàng Hải Vân[3]

 

Tóm tắt: Khi xem xét giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư, khả năng thi hành phán quyết là một yếu tố quan trọng. Miễn trừ quốc gia được coi là một ngoại lệ ngăn một phán quyết trọng tài có thể được thi hành nếu như phán quyết đó được cho là vi phạm các nguyên tắc về miễn trừ quốc gia. Việc Công ước ICSID không trực tiếp quy định về ngoại lệ liên quan tới miễn trừ quốc gia đã tạo ra “gót chân Asin” cho cơ chế giải quyết tranh chấp này. Chính vì vậy, việc tìm ra một giải pháp để có thể vừa cân bằng giữa lợi ích của nhà đầu tư và vấn đề về miễn trừ quốc gia vẫn luôn để lại nhiều khó khăn, thử thách bởi việc lạm dụng miễn trừ quốc gia sẽ làm giảm sức nặng của phán quyết trọng tài. Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả sẽ tập trung làm rõ các khái niệm liên quan, mối tương quan giữa việc thi hành phán quyết trọng tài và miễn trừ quốc gia theo quy định hiện hành, làm rõ xu hướng giải quyết của các án lệ có liên quan tới đề tài trên đồng thời tổng hợp một số giải pháp đề xuất để giải quyết khoảng trống pháp lý này.

 

Từ khóa: phán quyết trọng tài, thi hành phán quyết, miễn trừ quốc gia, ICSID.

 

1. Dẫn nhập

Trong bối cảnh ngày nay, khi việc đầu tư nước ngoài ngày càng phổ biến và các tranh chấp liên quan đến đầu tư giữa nhà đầu tư và quốc gia tiếp nhận trở nên phức tạp, vấn đề về khả năng thi hành phán quyết trở thành một thách thức quan trọng. Chính vì vậy, việc hiểu rõ mối quan hệ giữa nguyên tắc miễn trừ quốc gia và quy trình thi hành phán quyết trọng tài là vô cùng quan trọng để tạo ra một hệ thống pháp luật quốc tế hiệu quả và đảm bảo sự công bằng cho cả hai bên tham gia. Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư, hay ICSID, được thành lập dưới Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và công dân của quốc gia khác (hay còn gọi là ‘Công ước ICSID’). Công ước ICSID có hiệu lực vào năm 1966 và tới nay đã được ký và phê chuẩn bởi 158 quốc gia. Công ước ICSID được cho là sở hữu các quy định tương đối toàn diện trong vấn đề thi hành các phán quyết trọng tài về đầu tư nhưng lại không có bất kỳ hướng dẫn nào trong ngoại lệ về miễn trừ quốc gia. Công ước này để lại khoảng trống về quyền miễn trừ cho luật pháp quốc gia điều chỉnh và chính điều này đã gây ra trở ngại cho các nhà đầu tư khi cố gắng thi hành phán quyết trọng tài có lợi cho mình. Bài nghiên cứu này sẽ tập trung vào phân tích các khái niệm và quy định liên quan, thực tiễn xử lý có liên quan tới miễn trừ quốc gia trong quá trình thi hành phán quyết trọng tài và giải pháp cho khoảng trống về mặt quy định trong Công ước ICSID cho vấn đề trên.

 

2. Mối tương quan giữa miễn trừ quốc gia và việc thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước ICSID

2.1. Khái quát chung về quyền miễn trừ quốc gia

Quyền miễn trừ hay quyền miễn trừ quốc gia là một nguyên tắc của luật tập quán quốc tế, được coi là một thông lệ về mặt bản chất mà không cần tới sự tồn tại của các điều ước quốc tế và được áp dụng một cách phổ biến và rộng rãi[4]. Về mặt bản chất, quyền miễn trừ quốc gia là một quy định của luật pháp quốc tế nhằm hỗ trợ cho các quốc gia hay người đại diện của các quốc gia đó thực hiện các chức năng công cộng mà không bị kiện hoặc khởi tố bởi tòa án nước ngoài. Lịch sử pháp điển hóa của quyền miễn trừ quốc gia cũng được ghi nhận trong một số điều ước quốc tế, một số công ước nổi bật có thể kể đến là Công ước Liên hợp quốc về Quyền miễn trừ thẩm quyền của Quốc gia và Tài sản quốc gia năm 2004 hay Công ước Châu Âu về Quyền miễn trừ quốc gia năm 1972.


Bắt nguồn từ quyền miễn trừ gắn liền với các sứ giả khi thực hiện các chuyến thăm nước ngoài, đồng thời phản ánh trong cụm từ La-tinh ‘Par in parem non habet imperium’ (không có kẻ ngang quyền nào đứng trên kẻ ngang quyền khác)[5], quyền miễn trừ quốc gia trong Tư pháp quốc tế gồm hai nội dung: quyền miễn trừ tư pháp và quyền miễn trừ về tài sản. Cụ thể, quốc gia sẽ không bị mang ra xét xử tại tòa án, không bị áp dụng các biện pháp đảm bảo sơ bộ; không bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án; tài sản của quốc gia là bất khả xâm phạm.[6]


Quyền miễn trừ quốc gia cũng có hai cách tiếp cận khác nhau: học thuyết miễn trừ tuyệt đối (absolute immunity) và học thuyết miễn trừ tương đối (restrictive immunity). Học thuyết miễn trừ tuyệt đối xuất phát từ thế kỷ 18 và 19, theo đó chủ quyền hoàn toàn được miễn trừ khỏi quyền tài phán của nước ngoài trong mọi trường hợp và trong bất kỳ hoàn cảnh nào.[7] Học thuyết này đề cập tới đặc quyền và ngoại lệ được cấp bởi một quốc gia thông qua bộ máy tư pháp để giải quyết các thủ tục tố tụng, tịch thu tài sản hoặc thi hành phán quyết. Tuy nhiên, trên thực tế ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu tiếp cận theo hướng tương đối, cho phép thực thi quyền tài phán với các chủ thể phi nhà nước. Năm 1950, tòa án tối cao của Áo kết luận rằng trong bối cảnh các quốc gia ngày càng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực thương mại thì học thuyết cổ điển về miễn trừ tuyệt đối đã mất đi ý nghĩa và không còn là một quy tắc của luật quốc tế nữa. Ngoài ra, vào năm 1952, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong thư Tate đã tuyên bố rằng với sự tăng cường tham gia của chính phủ vào hoạt động thương mại, cùng với sự thay đổi về quan điểm của các quốc gia khác về học thuyết miễn trừ tuyệt đối thì việc thay đổi là cần thiết và Hoa Kỳ sẽ áp dụng học thuyết miễn trừ tương đối.[8]


Học thuyết miễn trừ hạn chế được ưu tiên hơn trong các giao dịch xuyên quốc gia để tạo ra một sân chơi công bằng giữa một thực thể tư nhân và một thực thể có chủ quyền. Việc này cho phép một thực thể tư nhân có được sự bảo đảm khi tham gia vào một giao dịch với nhà nước. Nếu không có ngoại lệ này, các thực thể tư nhân sẽ gần như không thể theo đuổi các yêu sách chống lại một bên có chủ quyền.[9]

 

2.2. Quyền miễn trừ quốc gia trong việc thi hành phán quyết trọng tài về đầu tư nói chung và công ước ICSID nói riêng

2.2.1. Miễn trừ quốc gia trong việc thi hành các phán quyết trọng tài về đầu tư

Quyền miễn trừ quốc gia đóng vai trò như một rào cản về mặt thủ tục nhằm bảo đảm cho các quốc gia và đại diện của họ sẽ được miễn trừ khỏi quyền tài phán của tòa án của các quốc gia khác. Các nước có thể yêu cầu quyền miễn trừ ở hai giai đoạn tố tụng: miễn trừ tài phán và miễn trừ thi hành. Câu hỏi liên quan đến quyền miễn trừ thi hành sẽ không nảy sinh trừ khi nguyên đơn (trong bối cảnh này là nhà đầu tư) nhận được phán quyết từ tòa án hoặc phán quyết trọng tài có lợi cho mình và cố gắng để thi hành phán quyết đó.[10]


Tuy nhiên, trong các hợp đồng nhượng quyền và hiệp định đầu tư, các quốc gia đã đồng ý thành lập tòa trọng tài quốc tế để các nhà đầu tư nước ngoài có thể yêu cầu sự giúp đỡ. Vì vậy, việc tách rời quyền miễn trừ tài phán khỏi quyền miễn trừ thi hành dường như trở nên thiếu phù hợp với mục đích tạo ra một diễn đàn cho nhà đầu tư nước ngoài.[11] Miễn trừ thi hành cho phép bị đơn ngay cả khi thua trong một vụ kiện giữa Nhà nước và nhà đầu tư cũng hoàn toàn có khả năng không chi trả khoản tiền đền bù trong phán quyết chống lại họ, ngay cả khi việc đó là vi phạm các nghĩa vụ quốc tế. Giáo sư Sompong Sucharitkul - Báo cáo viên đặc biệt cho dự án của Ủy ban Luật pháp quốc tế ILC về việc pháp điển hóa luật miễn trừ quốc gia, đã mô tả quyền miễn trừ thi hành của Nhà nước như “thành trì cuối cùng” của quyền miễn trừ quốc gia. Nhà đầu tư giành phần thắng trong vụ kiện với các quốc gia đang dần cảm thấy như họ mất đi vũ khí chiến đấu tại chính thành trì ấy. Trở ngại của nhà đầu tư trong việc thu hồi tài sản càng trở nên rõ rệt khi một số quốc gia từ chối việc chi trả khoản tiền đền bù trong phán quyết chống lại họ.[12]


Lý do chính để duy trì quyền miễn trừ thi hành là vì một số tài sản của Nhà nước, như dự trữ của ngân hàng trung ương hoặc tài sản quân sự và ngoại giao, là thiết yếu cho hoạt động kinh doanh của chính phủ và không thể bị tịch thu.[13] Trên thực tế, chỉ trong trường hợp khi vụ việc được xét xử tại nơi mà tòa án công nhận về quyền miễn trừ thi hành, khi đó tòa án mới xét đến tài sản mà nhà đầu tư yêu cầu tịch thu là tài sản dùng cho hành vi nhà nước hay tài sản dùng cho hành vi thương mại. Bởi nếu một hành vi được cho là hành vi nhà nước, thì tài sản được dùng để phục vụ cho hành vi ấy sẽ không thể bị tịch thu. Mặc dù vậy, trong thời đại ngày nay khi ngày càng có nhiều giao dịch thương mại giữa chính phủ và nhà đầu tư, câu hỏi đặt ra ở đây là làm thế nào để có thể phân biệt giữa hành vi nhà nước và hành vi thương mại. Bởi, dù định nghĩa của hành vi thương mại đã được ghi nhận trong văn bản pháp lý, nhưng ranh giới giữa hai loại hành vi này vẫn không quá rõ ràng và khó để xác định chắc chắn một hành vi thương mại[14], đôi khi nó còn có thể phụ thuộc vào cách lý giải của các tòa tùy thuộc vào vụ việc. 

Điều 2(1)(c)[15] của Công ước Liên hợp quốc về Miễn trừ quốc gia năm 2004 định nghĩa “hành vi thương mại” là:

(i) Bất cứ hợp đồng thương mại hay giao dịch thương mại vì mục đích mua hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ;

(ii) Bất cứ hợp đồng cho vay hoặc giao dịch có tính chất tài chính, bao gồm bất cứ nghĩa vụ bảo ẩm hoặc bồi thường nào liên quan những khoản vay hoặc giao dịch trên;

(iii) Bất cứ hợp đồng hoặc giao dịch nào khác mang tính chất thương mại, công nghiệp, buôn bán hoặc chuyên môn, nhưng không bao gồm hợp đồng lao động của các cá nhân;

Đồng thời, Điều 2(2)[16] của Công ước cũng quy định rằng: “Để xác định liệu một hợp đồng hay một giao dịch có phải là ‘một giao dịch thương mại’ theo khoản 1(c) hay không, cần xem xét chủ yếu đến bản chất của hợp đồng hay giao dịch đó, nhưng mục đích cũng nên được xem xét đến nếu các bên giao kết hợp đồng hay giao dịch đồng ý, hoặc nếu, trong thực tiễn của Quốc gia sở tại, mục đích đó là yếu tố có liên quan trong việc xác định tính chất phi-thương mại của hợp đồng hay giao dịch.”


Vậy, để xác định liệu giao dịch của nhà nước có phải là hành vi thương mại hay không còn phụ thuộc vào bản chất của hợp đồng và mục đích của hợp đồng trong trường hợp các bên ký kết đồng ý. Nếu giao dịch của nhà nước là hành vi chính phủ, vậy thì tài sản được sử dụng để phục vụ cho hành vi đó sẽ được hưởng quyền miễn trừ thi hành, nhưng nếu là hành vi thương mại, thì tài sản được dùng cho hành vi thương mại đó sẽ không được hưởng quyền miễn trừ.

Điều 10(3)[17] quy định thêm rằng:

Trường hợp doanh nghiệp nhà nước hoặc tổ chức khác được thành lập bởi một quốc gia có tư cách pháp nhân độc lập và có khả năng:

 (a) khởi kiện hoặc bị kiện; Và

 (b) có được, sở hữu hoặc chiếm hữu và định đoạt tài sản, bao gồm cả tài sản mà Quốc gia đó cho phép vận hành hoặc quản lý,  tham gia vào một thủ tục tố tụng liên quan đến một giao dịch thương mại trong đó thực thể đó được tham gia, quyền miễn trừ khỏi quyền tài phán mà Quốc gia đó được hưởng sẽ không bị ảnh hưởng.


Tức, khi một doanh nghiệp hoặc công tư có vốn đầu tư nhà nước có sai phạm trong quá trình tham gia giao dịch thương mại, quốc gia đó vẫn sẽ được hưởng quyền miễn trừ khỏi quyền tài phán, bởi nó được xem là tài sản thuộc về quốc gia và không thể bị tước đoạt. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở trên, việc xác định loại hành vi vẫn luôn gặp khó khăn bởi sự không nhất quán trong việc áp dụng. Lý do chính là do các tòa án trong nước khác nhau có cách tiếp cận khác nhau cũng dẫn đến các sự khác biệt giữa các phán quyết. Cũng chính vì sự khó phân biệt giữa những chủ thể trên và sự không nhất quán trong việc áp dụng Công ước, khả năng nhà nước viện dẫn thành công quyền miễn trừ thi hành là rất cao. Đi đôi với đó là khả năng khó có thể đòi được bồi thường của các nhà đầu tư khi tranh chấp xảy ra khi các quốc gia viện dẫn quyền miễn trừ.

 

2.2.2. Miễn trừ quốc gia trong việc thi hành phán quyết của Công ước ICSID

Nếu sự công nhận và thi hành phán quyết trọng tài dưới quy định của Công ước New York bắt nguồn từ nội luật của các quốc gia về trọng tài thì ngược lại, Công ước ICSID cung cấp một hệ thống trọng tài quốc tế có tính toàn diện và tự chủ. Mục tiêu của các nhà soạn thảo nên Công ước là thiết lập một hệ thống tài phán độc quyền và khép kín, tách biệt với luật pháp quốc gia. Đối với Công ước ICSID, chúng ta sẽ không cần bàn tới quyền miễn trừ tài phán bởi Điều 25 đã quy định rất rõ rằng các Quốc gia thành viên không thể viện dẫn quyền miễn trừ tài phán khi họ đã đồng ý với thẩm quyền giải quyết tranh chấp của ICSID.[18] Tuy nhiên, sự thật rằng các phán quyết từ thủ tục tố tụng của ICSID vẫn liên quan tới các bên thuộc các trường phái pháp luật khác nhau mà Công ước vẫn bắt buộc cần tới sự hỗ trợ tư pháp của các tòa án quốc gia trong việc công nhận và thi hành các phán quyết của nó. Về vấn đề này, chúng ta cần đặc biệt chú ý tới Điều 53, 54 và 55 trong Công ước ICSID.[19]

Điều 54(1)[20] quy định rằng “Mỗi Quốc gia ký kết sẽ công nhận phán quyết được đưa ra theo Công ước này là có tính ràng buộc và thực thi các nghĩa vụ về tài chính do phán quyết đó áp đặt trong lãnh thổ của mình như thể đó là phán quyết cuối cùng.” Điều khoản này được xem như điều khoản chứa đựng ý chí cốt lõi của Công ước ICSID vì nó mang đến tính bắt buộc thực thi của phán quyết và tôn trọng quyền tài phán của các quốc gia thành viên, giúp cho lợi ích của các bên được cân bằng. Bởi theo quy định của Điều 27(1)[21] cho phép các nhà đầu tư có thể tìm kiếm sự bảo vệ ngoại giao từ chính phủ của họ và chính phủ đó có thể đưa ra yêu sách quốc tế trước Tòa án Công lý Quốc tế, trong khi các quốc gia nhận đầu tư thì không thể làm như vậy. Nên Điều 54 được xem như là một phương thức giúp các quốc gia có thể đòi lại quyền lợi của mình khi các bên đầu tư vi phạm. Để bổ sung thêm vào đó thì Điều 54(3)[22] quy định rằng việc thi hành phán quyết của Công ước ICSID sẽ được điều chỉnh theo luật pháp địa phương và Điều 55 (theo cách giải thích của Điều 54) nêu rõ rằng Công ước ICSID sẽ không tìm cách sửa đổi luật của các quốc gia ký kết liên quan đến quyền miễn trừ khỏi việc thực thi.[23] Đây có thể xem như sự khẳng định rằng Công ước không loại bỏ quyền miễn trừ của các quốc gia mà để ngỏ cách áp dụng quyền miễn trừ quốc gia cho Tòa án của quốc gia. Cần phải nhấn mạnh, việc công nhận phán quyết trọng tài và thực thi phán quyết trọng tài là hai vấn đề khác nhau. Và thông thường, khi đề cập đến quyền miễn trừ quốc gia, các quốc gia thường viện dẫn quyền này để miễn trừ thi hành chứ hiếm khi dùng để miễn trừ xét xử.[24]


Từ Điều 54 và 55 đã đề cập ở trên, ta có thể thấy rằng Điều 55 dường như chỉ đang bổ sung thêm trường hợp cho Điều 54 rằng các quốc gia có thể viện dẫn quyền miễn trừ thi hành và không một bên nào có khả năng tước đoạt tài sản của quốc gia. Nhiều học giả cho rằng Điều 55 được tạo ra vì việc loại bỏ hoàn toàn quyền miễn trừ thi hành có thể khiến các quốc gia không muốn phê chuẩn Công ước.[25] Nhưng đồng thời, Điều 55 cũng thường được xem như một cách để các quốc gia trốn tránh việc thi hành các nghĩa vụ tài chính dẫn đến việc các phán quyết của Tòa trở nên kém hiệu quả khi không thể được thực thi. Chính hai điều khoản này đã tạo ra những khó khăn to lớn cho nhà đầu tư khi cố gắng yêu cầu thực thi phán quyết và được mệnh danh là ‘Gót chân Asin’ của cơ chế ICSID. [26]

Một hệ quả tất yếu từ các khoảng trống về quy định ở các điều ước quốc tế, các câu hỏi về quyền miễn trừ của nhà nước được để lại cho luật pháp quốc gia và cách giải thích của tòa án quốc gia. Phần tiếp theo của bài nghiên cứu sẽ đào sâu hơn về cách tiếp cận của các quốc gia trong vấn đề này và một số vụ kiện trên thực tế.

 

3. Một số thực tiễn tiếp cận tại tòa án quốc gia về áp dụng quyền miễn trừ trong thi hành phán quyết trọng tài theo Công ước ICSID

Công ước ICSID đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/10/1966 và cho đến nay đã được phê chuẩn bởi hơn 158 quốc gia.[27] Tính đến hết năm 2023, đã có tổng cộng 874 vụ án được đăng ký giải quyết tranh chấp theo Công ước, với 434 phán quyết đã được ban hành.[28] Như đã nói ở phần trước, quá trình thực thi các phán quyết ICSID trên thực tế có thể còn gặp nhiều khó khăn do sự khác nhau trong vấn đề miễn trừ quốc gia trong hệ thống pháp luật của từng quốc gia. Việc các quốc gia có các quy định khác nhau liên quan đến quyền miễn trừ, ảnh hưởng bởi các chính sách kinh tế và chính trị có thể làm giảm tính hữu hiệu trong việc thực thi các phán quyết. Ví dụ như tại Argentina, cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nghiêm trọng năm 2001 đã khiến vô số hợp đồng đầu tư tại nước này bị vi phạm. Từ năm 2002 đến năm 2007, có khoảng 40 vụ việc đã được đưa ra chống lại Argentina tại ICSID.[29] Điều này đã khiến Bộ Kinh tế Argentina vào năm 2006 phải đưa ra tuyên bố rằng hơn 30 vụ trọng tài ICSID đang chờ xử lý của nước này vẫn sẽ phải chịu sự xem xét của toà án quốc gia của Argentina nếu chúng “gây rối trật tự công cộng vì chúng vi hiến, bất hợp pháp, hoặc không hợp lý”.[30]Trong đơn nộp đình chỉ thi hành án vụ Continental Casualty Company, Argentina cho rằng để phía nguyên đơn có thể nhận được khoản thanh toán theo phán quyết thì cần phải tuân theo các thủ tục áp dụng để thi hành các phán quyết cuối cùng của tòa án Argentina tại quốc gia này.[31] Tuy nhiên, với ưu điểm của việc phán quyết ICSID sẽ được công nhận như phán quyết của tòa án địa phương tại tất cả các quốc gia thành viên, một số bên đã tìm cách tránh khỏi việc có thể gặp phải các khó khăn trong việc thi hành án tại tòa án của một quốc gia bằng việc công nhận và thi hành phán quyết đó tại các quốc gia thứ ba. Trong phần này, nhóm tác giả sẽ phân tích các quy định liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia tại một số các quốc gia bao gồm: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, và Thuỵ Sĩ.

 

3.1. Thực tiễn ở Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, Đạo luật miễn trừ quốc gia dành cho quốc gia nước ngoài được ban hành vào năm 1976. Điều 1609 quy định rằng các tài sản của một quốc gia nước ngoài sẽ được hưởng quyền miễn trừ tịch thu và thi hành án, tuy nhiên có ngoại lệ khi tài sản đó đã được sử dụng cho hành vi thương mại và kèm theo việc thi hành theo phán quyết trọng tài, hay như trong trường hợp này là phán quyết ICSID.[32] Như vậy, để có thể thực hiện việc tịch thu và thi hành án để thực thi phán quyết ICSID tại Hoa Kỳ thì bên nguyên đơn chỉ cần chứng minh yếu tố “hành vi thương mại”. 


Điều 1603(d) định nghĩa hành vi thương mại là một quá trình thương mại thông thường hoặc một giao dịch hay hành động thương mại cụ thể. Tính chất thương mại của hoạt động sẽ được xác định bằng cách xem xét đến bản chất của quá trình thực hiện hoặc giao dịch hay hành động cụ thể, thay vì xem xét đến mục đích của chúng.[33] Trong vụ Argentina v. Weltover, hành vi của một Chính phủ được coi là sẽ mang tính “thương mại” khi họ hành động không phải với tư cách là một cơ quan quản lý thị trường mà theo cách của một chủ thể tư nhân, và liệu hành động đó (bất kể mục đích) có được coi là hành động mà một chủ thể tư nhân tham gia vào giao thương và vận tải hay thương mại.[34]


Tuy nhiên, một vài tài sản dù có tính chất thương mại hay công cộng, đều sẽ được xếp vào nhóm tài sản thuộc chủ quyền quốc gia, do đó sẽ được hưởng quyền miễn trừ thi hành, bao gồm các tài sản được nắm giữ bởi ngân hàng trung ương nước ngoài, tài sản có liên quan đến hoạt động quân sự....[35] Như trong vụ LETCO v. Liberia, sau khi thành công trong việc công nhận bản án, nguyên đơn đã tìm cách thực thi phán quyết bằng việc thu giữ các khoản nợ tích luỹ tiền thuế, phí đăng ký thuộc về chính phủ Liberia. LETCO cho rằng 27% tổng số tiền đến hạn và thu được từ các công ty thuộc đăng ký của Liberia được dùng để chi trả cho chi phí hoạt động, hành chính và lợi nhuận của các công ty và công dân Hoa Kỳ cung cấp dịch vụ thu tiền, do đó thuộc vào ngoại lệ các hành vi thương mại theo Điều 1610(a).[36] Toà đã phản đối lập luận này và cho rằng phương pháp được sử dụng để thu thuế không huỷ bỏ bản chất cơ bản của việc thu thuế, đó là mục đích tạo ra nguồn thu để hỗ trợ và duy trì các chức năng của chính phủ, hay việc thực thi quyền lực của một quốc gia có chủ quyền.[37] Dù vậy, Toà cũng nêu rằng LETCO không bị cấm trong việc thực thi phán quyết đối với bất kỳ tài sản nào được sử dụng cho các hành vi thương mại và có thể thuộc vào các trường hợp ngoại lệ được nêu trong Điều 1610. Dựa trên điều này, LETCO đã tiếp tục tìm cách tiến hành bằng việc thu giữ tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán Liberia tại Washington D.C. Tuy nhiên, nỗ lực lần này của LETCO cũng thất bại do tài sản được bảo vệ dưới quyền miễn trừ ngoại giao của Công ước Viên năm 1969 mà Hoa Kỳ là một thành viên.[38] Hơn nữa, tòa cho rằng khái niệm hành vi thương mại nên được hiểu theo nghĩa hẹp do miễn trừ ngoại giao được coi là một nguyên tắc hơn là một ngoại lệ. Toà nhận thấy rằng tuy một phần của tài khoản ngân hàng có thể được sử dụng cho các hành vi thương mại, không có nghĩa rằng là toàn bộ tài khoản đó sẽ mất quyền miễn trừ, phù hợp với nghĩa hẹp của nguyên tắc chủ quyền quốc gia.[39]

 

3.2. Thực tiễn tại Anh Quốc

Tại Anh Quốc, các vấn đề liên quan đến miễn trừ quốc gia được quy định tại Đạo luật về miễn trừ quốc gia năm 1978, là kết quả của quá trình nội luật hoá các quy định của Công ước châu Âu về Quyền miễn trừ Quốc gia năm 1972. Điều 13 của Đạo luật quy định tài sản của một quốc gia sẽ không bị chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ quá trình nào để thi hành một bản án hoặc phán quyết trọng tài hay, trong một vụ kiện, để tịch thu, phong toả hoặc bán tài sản đó.[40] Tuy nhiên, quyền miễn trừ thi hành này có thể được gỡ bỏ khi quốc gia thể hiện sự đồng ý bằng văn bản (các điều khoản đưa tranh chấp ra trọng tài không thoả mãn điều kiện này), hoặc tài sản này được sử dụng hoặc được dự định sử dụng cho các mục đích thương mại.[41] Mục đích thương mại được định nghĩa rõ hơn là các giao dịch hay hành động cho các hợp đồng cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ, các khoản vay hoặc giao dịch để cung cấp tài chính và bất kỳ sự đảm bảo hoặc bồi thường cho các giao dịch hoặc nghĩa vụ tài chính, và các giao dịch hoặc hoạt động (có tính chất thương mại, công nghiệp, tài chính, chuyên môn hoặc tương tự) mà một Quốc gia không nhằm thực thi chủ quyền.[42]


Tuy nhiên, tương tự với luật pháp Hoa Kỳ, một số tài sản dù nhằm mục đích thương mại hay công cộng đều sẽ được hưởng quyền miễn trừ. Ví dụ như tài sản của ngân hàng trung ương của một quốc gia hoặc các cơ quan tiền tệ khác sẽ không được coi là tài sản được sử dụng hoặc được dự định sử dụng cho mục đích thương mại theo Đạo luật này.[43] Trong vụ AIG Capital Partners Inc. v. Kazakhstan, nguyên đơn tìm cách thực thi bằng việc yêu cầu việc thu giữ các khoản tiền và chứng khoán được một bên thứ ba giữ hộ trên danh nghĩa của ngân hàng trung ương Kazakhstan. Toà đã tập trung vào định nghĩa của tài sản trong việc xây dựng Đạo luật và định nghĩa thuật ngữ này theo nghĩa rộng, cho rằng bất kỳ tài sản nào mà ngân hàng trung ương của một quốc gia có lợi ích hợp pháp, công bằng, hoặc theo hợp đồng đều sẽ được miễn trừ khỏi các thủ tục thực thi, câu hỏi về mục đích sử dụng là không liên quan và do đó yêu cầu của phía nguyên đơn đã bị từ chối.[44]

 

3.3. Thực tiễn tại Pháp

Tại Pháp, trong một thời gian dài, việc phát triển và áp dụng các quy định liên quan đến quyền miễn trừ thuộc thẩm quyền của toà án do sự thiếu các quy định pháp lý điều chỉnh toàn diện về vấn đề này. Trong vụ Benvenuti Bonfant v. Congo, Chủ tịch tòa sơ thẩm Paris đã công nhận phán quyết ICSID có thể được thi hành, tuy nhiên không có bất kỳ biện pháp thực thi nào có thể được thực hiện nếu thiếu sự cho phép trước đó của toà, mà sau đó được giải thích nhằm đảm bảo chủ quyền của các quốc gia nước ngoài.[45] Toà phúc thẩm sau đó đã bác bỏ, cho rằng phán quyết công nhận việc thi hành không được coi là các hoạt động thực thi mà chỉ là một bước trước đó, do đó vấn đề miễn trừ chưa được xem xét đến ở giai đoạn này.[46] Sau khi nhận được phán quyết, nguyên đơn đã tìm cách thực thi phán quyết bằng cách tịch thu khối tài sản của một ngân hàng Congo được cho là được kiểm soát bởi Chính phủ nước này. Tuy nhiên, các nỗ lực này đã thất bại với lý do việc Nhà nước thực thi quyền kiểm soát là chưa đủ để coi các thực thể phụ thuộc vào Nhà nước đó là cơ sở thuộc sự sở hữu của Nhà nước và phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của quốc gia đó, bởi vì các thực thể đó và tài sản của chúng là tách biệt riêng so với Nhà nước.[47] Những nỗ lực thi hành án trong một vụ án khác, SOABI v Senegal, cũng dẫn đến kết quả tương tự.[48]


Nhược điểm này đã được khắc phục với sự xuất hiện của “Dự luật Sapin II”, được tích hợp vào Bộ luật Tố tụng thi hành án dân sự Pháp.[49] Theo đó, luật yêu cầu các biện pháp thi hành đối với tài sản thuộc sở hữu quốc gia nước ngoài chỉ được thực thi khi có sự cho phép trước đó theo quyết định của thẩm phán dựa trên yêu cầu từ phía nguyên đơn,[50] và sẽ chỉ được cho phép khi quốc gia đó đã thể hiện sự đồng ý một cách rõ ràng, hoặc đã dành hay phân bổ tài sản này để đáp ứng yêu cầu là đối tượng của thủ tục này, hoặc khi một phán quyết của tòa án hoặc hội đồng trọng tài đã được ban hành chống lại quốc gia đó và tài sản đang được xem xét phải được dùng hoặc dự định dùng riêng cho ngoài mục đích cho các dịch vụ công phi thương mại và phải có mối quan hệ với chủ thể mà thủ tục thi hành chống lại.[51]


Các tài sản vì mục đích dịch vụ công phi thương mại được định nghĩa rõ hơn là các hàng hoá (bao gồm cả tài khoản ngân hàng) được sử dụng hoặc dự định sử dụng thể thực hiện các chức năng của cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự; hàng hoá có tính chất quân sự hoặc được sử dụng hay dự định sử dụng để thực hiện các chức năng quân sự; các tài sản liên quan đến di sản văn hoá, kho dự trữ của Nhà nước; triển lãm về các hiện vật có giá trị khoa học, văn hoá, lịch sử; và các khoản thuế hoặc nợ xã hội của Nhà nước.[52] Bên cạnh đó, các biện pháp thi hành được áp dụng đối với tài sản, bao gồm tài khoản ngân hàng, đã được sử dụng hoặc dự định sử dụng để thực hiện các chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao hoặc cơ quan lãnh sự của nước ngoài, cơ quan đại diện đặc biệt hoặc cơ quan đại diện của họ tại các tổ chức quốc tế chỉ trong trường hợp Quốc gia liên quan đã thể hiện một cách rõ ràng và chi tiết sự từ bỏ.[53]

 

3.4 Thực tiễn tại Thụy Sĩ

Tại Thuỵ Sĩ, hiện chưa có một bộ luật cụ thể nào liên quan đến quyền miễn trừ quốc gia mà sẽ được phát triển dựa trên hệ thống các bản án đã được ban hành, ngoài ra quốc gia này là một thành viên của Công ước châu Âu về Quyền miễn trừ Quốc gia năm 1972 và cũng đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc tế về Quyền miễn trừ thẩm quyền của Quốc gia và Tài sản quốc gia năm 2004. Liên quan đến quyền miễn trừ thực thi phán quyết, Tòa án Liên bang Thuỵ Sĩ coi quyền miễn trừ thi hành là hệ quả trực tiếp của quyền miễn trừ thẩm quyền, do đó sự chấp thuận của quốc gia sẽ cho phép một phán quyết được tiến hành ở cả giai đoạn công nhận và thực thi.[54]Tuy nhiên, cách tiếp cận khá tự do được giới hạn bởi yêu cầu về mối quan hệ tài sản. Trong một nghị quyết của mình, Tòa án Tối cao Liên bang Thuỵ Sỹ đã xác nhận việc thi hành một phán quyết đối với tài sản một quốc gia khác cần phải đáp ứng 3 điều kiện.[55] Đầu tiên, quốc gia đó đã không hành động trên tư cách chính phủ (iure imperii) trong mối quan hệ pháp lý đối với các tài sản được yêu cầu thi hành mà phải được thực hiện trên tư cách hành vi thương mại (iure gestionis).[56] Để phân biệt hành vi của chính phủ với hành vi thương mại, Tòa án Tối cao Liên bang cho rằng phải căn cứ vào bản chất chứ không phải mục đích của chúng, và xem xét liệu, về yếu tố này, hành vi đó có thuộc thẩm quyền công hay không hoặc liệu nó có tương tự với hành vi mà bất kỳ cá nhân nào có thể thực hiện được.[57] Ví dụ như trong một vụ án, việc Nhà nước Israel thuê một toà nhà đại sứ quán ở Bern đã được coi là “act iure gestionis”.[58] Điều kiện thứ hai yêu cầu mối quan hệ pháp lý cơ bản của vụ việc phải có “mối liên hệ đầy đủ” đối với Thuỵ Sĩ. Tòa cho rằng phải có hoàn cảnh ràng buộc mối quan hệ pháp lý với Thuỵ Sĩ đến mức nó buộc nhà nước nước ngoài chịu trách nhiệm trước Thuỵ Sĩ.[59] Theo đó, mối liên hệ được cho là sẽ tồn tại nếu nghĩa vụ phải thực thi xuất phát từ tranh chấp được xác lập hoặc được dự định thực hiện ở Thuỵ Sĩ, hoặc quốc gia đó đã thực hiện các hành vi tại Thuỵ Sĩ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ đó.[60] Việc các quốc gia có tài sản đặt tại Thuỵ Sĩ hay phán quyết được ban hành bởi một hội đồng trọng tài tại Thuỵ Sĩ cũng chưa đủ để đáp ứng điều kiện này.[61] Ngoài ra, điều kiện thứ ba là những tài sản của nhà nước nước ngoài đặt tại Thuỵ Sĩ phải phục vụ cho các mục đích ngoài mục đích chủ quyền. Tiêu chí này sẽ được xác định dựa trên các quy định của luật quốc tế.[62] Theo đó, toàn bộ tài sản của các cơ quan đại diện ngoại giao sẽ được bảo vệ tuyệt đối theo Điều 22(3) của Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao 1961.[63] Mặt khác, các tài sản lưu động, bằng tiền mặt hay yêu cầu bồi thường đối với ngân hàng chỉ có thể được miễn trừ nếu chúng được phân bổ rõ ràng cho các mục đích phục vụ công ích hay chủ quyền.[64]

 

4. Một số giải pháp thúc đẩy thực thi phán quyết

4.1 Các biện pháp xử lý hiện tại trong Công ước

Việc một quốc gia viện dẫn quyền miễn trừ quốc gia đối với việc thi hành phán quyết không khiến phán quyết ấy mất đi hiệu lực pháp lý, do đó việc không tuân thủ phán quyết vẫn được coi là vi phạm các nghĩa vụ pháp lý được đặt ra theo Công ước ICSID. Hiện tại, Công ước có nêu đến 2 biện pháp các nhà đầu tư có thể sử dụng đến trong trường hợp này.


Đầu tiên, quốc gia sở tại của nhà đầu tư có thể thực hiện bảo hộ ngoại giao cho công dân của mình.[65]Bảo hộ ngoại giao là một khái niệm xuất phát từ luật tập quán quốc tế, hiện nay chưa có bất kỳ điều ước quốc tế phổ quát nào mà chỉ mới có duy nhất bản Dự thảo các điều khoản về Bảo hộ ngoại giao năm 2006 do Uỷ ban Luật pháp quốc tế soạn thảo điều chỉnh về vấn đề này.[66] Bảo hộ ngoại giao bao gồm “việc một Quốc gia thông qua hành vi ngoại giao hay các biện pháp giải quyết hòa bình khác yêu cầu một Quốc gia khác phải chịu trách nhiệm cho một thiệt hại gây ra bởi hành vi sai phạm quốc tế của Quốc gia đó đối với một thể nhân hay một pháp nhân là công dân của Quốc gia mình nhằm mục đích thực thi trách nhiệm đó.”.[67] Hiện luật tập quán quốc tế đặt ra 3 điều kiện để một quốc gia có thể thực hiện bảo hộ ngoại giao đối với công dân chịu thiệt hại: hành vi sai phạm quốc tế, quốc tịch của cá nhân, điều kiện về việc sử dụng hết các biện pháp trong nước.[68] Điều 26 Công ước ICSID có quy định về việc loại trừ các biện pháp khác có thể được coi là đã thoả mãn điều kiện về việc sử dụng hết các biện pháp trong nước.[69]


Thứ hai, quốc gia sở tại có thể tiến hành các thủ tục tố tụng với tư cách quốc gia chống lại quốc gia không thực thi phán quyết.[70] Điều 64 quy định bất kỳ tranh chấp nào phát sinh giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước có thể được đưa ra Toà án Công lý Quốc tế (ICJ).[71] Hơn nữa, việc đưa vụ tranh chấp ra đến ICJ cũng có thể được áp dụng đối với một quốc gia thành viên của Công ước ICSID mà không phải là một bên tham gia tố tụng nếu quốc gia đó từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết trái với Điều 54 của Công ước.[72]

 

4.2 Đề xuất sửa đổi

Cho đến hiện nay, tất cả các quốc gia trên thế giới khó có thể đạt được cùng đồng thuận đối với vấn đề quyền miễn trừ quốc gia, và các nhà đầu tư với tư cách là cá nhân khó có thể đem lại các ảnh hưởng to lớn đối với vấn đề này. Để ứng phó với việc này, các nhà đầu tư có thể kiên quyết trong việc thêm vào điều khoản rõ ràng liên quan đến việc từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia trong vấn đề thẩm quyền xét xử, cũng như thi hành và thực thi phán quyết vào các hợp đồng đầu tư đối với quốc gia. Trong bộ điều khoản mẫu của ICSID có gợi ý một điều khoản như “Quốc gia sở tại theo đây từ bỏ bất kỳ quyền miễn trừ chủ quyền nào đối với quốc gia đó và tài sản của quốc gia đó đối với việc thi hành và thực thi bất kỳ phán quyết nào được đưa ra bởi Toà Trọng tài được thành lập theo thỏa thuận này.”[73] Điều khoản trên chỉ là gợi ý và nên được điều chỉnh tùy theo từng hoàn cảnh của các bên, tuy nhiên các nhà đầu tư cần phải lưu ý đến một số yếu tố nhất định cần phải có trong điều khoản từ bỏ quyền miễn trừ này, bao gồm việc thể hiện một cách chi tiết, rõ ràng và dứt khoát đối với cả quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ thi hành án. Điều khoản này cũng nên được thêm vào tất cả các văn bản giao dịch để thể hiện sự từ bỏ quyền miễn trừ không thể chối bỏ đối với từng giao dịch được thực hiện.[74] Hơn nữa, điều khoản này cũng cần phải nhận được sự đồng ý từ tất cả các cơ quan nhà nước có thể tham gia vào giao dịch đầu tư, hoặc sở hữu tài sản liên quan tới việc đầu tư.[75] Nếu hợp đồng được thực hiện với cơ quan nhà nước thì cũng cần phải được nêu rõ rằng cơ quan này không thực hiện bất kỳ chức năng chủ quyền nào bằng việc ký kết hợp đồng đầu tư này.[76] Điều khoản có thể bao gồm tất cả các loại tài sản, hoặc các loại tài sản chi tiết có thể được áp dụng.[77] Điều cần lưu ý là một số loại tài sản đặc biệt như các tài sản của cơ quan ngoại giao, lãnh sự, hay ngân hàng trung ương, tài sản liên quan đến mục đích quân sự vẫn có thể không được cho phép thi hành, do đó nhà đầu tư cần tìm hiểu xem liệu điều khoản từ bỏ chủ quyền có thể được áp dụng theo pháp luật của quốc gia mà quốc gia đó định thi hành phán quyết, và pháp luật của chính quốc gia thực hiện đầu tư đó.

 

5. Kết luận

Tính tới thời điểm hiện tại, miễn trừ quốc gia vẫn là một trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi cố gắng thi hành phán quyết trọng tài của Công ước ICSID nhằm có được khoản bồi thường thỏa đáng. Đa phần các nghiên cứu đều cho thấy rất hiếm nhà đầu tư nước ngoài nào có thể thành công bác bỏ quyền miễn trừ quốc gia của các bị đơn là các quốc gia có chủ quyền. Điều này là do các quy định về việc thi hành phán quyết của Công ước ICSID không có hướng dẫn về trường hợp các quốc gia áp dụng quyền miễn trừ, mà chỉ tôn trọng luật pháp nội địa của các quốc gia thành viên về miễn trừ. Các giải pháp được đề ra để bù đắp lại cho ‘vùng xám’ này của Công ước vẫn được các nhà nghiên cứu tích cực đào sâu và đề xuất. Một số đề xuất được đưa ra cho các quốc gia của nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại như các biện pháp bảo hộ ngoại giao hoặc tiến hành khởi kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ). Bên cạnh đó, cũng có đề xuất chủ trương các bên nên làm rõ điều khoản quy định về việc từ bỏ quyền miễn trừ quốc gia nhằm làm rõ ngay từ đầu về quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ thi hành. Cuối cùng, điều này một lần nữa khẳng định cần có thêm nhiều sự cố gắng để tìm ra phương án nhằm cải thiện khả năng thi hành phán quyết trọng tài của cơ chế ICSID, đặc biệt trong trong trường hợp viện dẫn quyền miễn trừ quốc gia.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Sinh viên Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[2] Sinh viên Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[3] Sinh viên Khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[4] Xiaodong Yang, State Immunity in International Law (Nhà xuất bản Đại học Cambridge 2012), trang 1.

[5] Nguyễn Đức Việt, ‘Quá trình hình thành và phát triển của quyền miễn trừ quốc gia và một số góp ý cho Việt Nam’(2016) 9 Tạp chí Luật học 85, trang 85.

[6] Trần Minh Ngọc, Vũ Thị Phương Lan, Giáo trình Tư pháp quốc tế (Nhà xuất bản Tư pháp 2017), trang 143.

[7] Malcolm N. Shaw, International Law (Tái bản lần thứ 6, Nhà xuất bản Đại học Cambridge 2008), trang 701.

[8] Như trên, trang 704.

[9] Dewi Susanti Siagian, ‘Sovereign Immunity in Commercial Transaction Under International Law’ (2023), 20 Tạp chí Luật quốc tế Indonesia, trang 288.

[10] Phoebe D.Winch, ‘State Immunity and the execution of Investment Arbitration Award’ (2021), European Yearbook of International Economic Law, trang 59.

[11] Andrea K. Bjjorklund, State Immunity and the Enforcement of Investor - State of Arbitral Award, International Investment Law for the 21st Century (2009), trang 303.

[12] Như trên.

[13] Như trên.

[14] Faizah Badmus-Busari, “SOVEREIGN IMMUNITY AND ENFORCEMENT OF AWARDS IN  INTERNATIONAL COMMERCIAL ARBITRATION”, International Commercial Arbitration, Tulane Law School, LLM 2013, trang 29, <https://deliverypdf.ssrn.com/delivery.php?ID=452119066123070025028126101118091071116022007047022001077095106023123126121099016000107007021119049029017097089112096102027124122012004035040069064122068000064016071068046086022020019000066110099109095083124065078084093021096112111015098109115106069110&EXT=pdf&INDEX=TRUE>, truy cập ngày 24/04/2024.

[15] Công ước Liên hợp quốc về Quyền miễn trừ thẩm quyền của Quốc gia và Tài sản quốc gia, 2004, Điều 2.

[16] Như trên.

[17] Công ước Liên hợp quốc về Quyền miễn trừ thẩm quyền của Quốc gia và Tài sản quốc gia, 2004, Điều 10.

[18] Humeyra Seles, ‘The enforcement of ICSID Arbitral Awards and Sovereign Immunity’ (2015), Nhà xuất bản Đại học Maltepe.

[19]  Mees Brenninkmeijer, The Problem of Execution Immunities and the ICSID Convention (2021), The Journal of World Investment & Trade, <https://brill.com/view/journals/jwit/22/3/article-p429_4.xml#ref_FN000041>, truy cập ngày 20/4/2024.

[20] Công ước ICSID - Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và các công dân quốc gia khác, 1966, Điều 54.

[21] Như trên, Điều 29.

[22] Như trên, Điều 54.

[23] Xem chú thích số 17.

[24] Mees Brenninkmeijer, The Problem of Execution Immunities and the ICSID Convention (2021), The Journal of World Investment & Trade, <https://brill.com/view/journals/jwit/22/3/article-p429_4.xml#ref_FN000041>, truy cập ngày 22/4/2024.

[25] Như trên.

[26] Phoebe D.Winch, State Immunity and the execution of Investment Arbitration Award, European Yearbook of International Economic Law.

[28] Như trên, 2,16.

[29] Gustavo Topalian, José Alvarez, ‘The Paradoxical Argentina Cases’ [2012] 6(3) WAMR 491, trang 495.

[30] Edward Baldwin, Mark Kantor, Michael Nolan, ‘Limits to Enforcement of ICSID Awards’, [2006] 23(1) Journal of International Arbitration, trang 2.

[31] Continental Casualty Company v. The Argentine Republic, ICSID Case No. ARB/03/9, Decision on Argentina’s Application for a Stay of Enforcement of the Award 23 October 2009, đoạn 12.

[32] Foreign Sovereign Immunities Act (FSIA) 1976, 28 U.S. Code § 1609, 1610(6).

[33] Như trên, § 1603(d).

[34] Republic of Argentina v. Weltover, Inc., 504 U.S. 607 (1992), trang 614.

[35] FSIA, supra note 30, § 1611.

[36] Liberian Eastern Timber Corporation v. Republic of Liberia, Judgment of the US District Court for Southern District of New York - 12 December 1986, đoạn 13.

[37] Như trên.

[38] Liberian Eastern Timber Corporation v. Republic of Liberia, US District Court for District of Columbia Decision - 16 April 1987, đoạn 20.

[39] Như trên. đoạn 16, 18.

[40] State Immunity Act 1978, § 13(2)(b).

[41] Như trên. at § 13(3), 13(4).

[42] Như trên, § 3(3), 17(1).

[43] Như trên, § 14(4).

[44] AIG Capital Partners, Inc. and CJSC Tema Real Estate Company v. Republic of Kazakhstan, Judgment of the High Court of Justice of England and Wales [2005] EWHC 2239 - 20 Oct 2005, đoạn 45, 57, 95.

[45] Delaume, Georges R, ‘ICSID Arbitration and the Courts.’ [1983] 77(4) The American Journal of International Law 784, trang 797.

[46] SARL Benvenuti & Bonfant v. People's Republic of the Congo, Judgment of the Paris Court of Appeal - 26 June 1981, đoạn 4, 5.

[47] SARL Benvenuti & Bonfant v. People's Republic of the Congo, Judgment of the French Court of Cassation (First Civil Chamber) 85-14.843 - 21 July 1987.

[48] Mees Brenninkmeijer, Fabien Gelinas, ‘The Problem of Execution Immunities and the ICSID Convention’ (2021) 22 The Journal of World Investment & Trade 429, trang 441.

[49] Code des procédures civiles d'exécution (Code of civil enforcement procedures), § L111-1-1 - L111-1-3.

[50] Như trên, § L111-1-1.

[51] Như trên, § L111-1-2.

[52] Như trên.

[53] Như trên, § L111-1-3.

[54] August Reinisch, ‘European Court Practice Concerning State Immunity from Enforcement Measures’ [2006] 17(4) European Journal of International Law 803, trang 809.

[55] Decision 5A_406/2022.

[56] Như trên, đoạn 3.3.2

[57] BGE 86 I 23 S. 29.

[58] BGE 136 III 575, đoạn 4.2.

[59] Xem thêm tại chú thích số 54.

[60] BGE 134 III 122 (Moscow Center for Automated Traffic Control v. Geneva Supervisory Commission of the Debt Collection Office), đoạn 5.2.2.

[61] Delaume, Georges R. ‘SWITZERLAND: DECISION OF THE FEDERAL SUPREME COURT IN LIBYA v. LIBYAN AMERICAN OIL COMPANY (LIAMCO).’ [1981] 20(1) International Legal Materials 151. 

[62] Xem thêm tại chú thích số 58, đoạn 5.2.3.

[63] Như trên.

[64] Như trên, BGE 111 Ia 62, trang 65.

[65] ICSID Convention, §27.

[66] Draft articles on Diplomatic Protection (2006).

[67] Như trên, §1; được dịch bởi Trần Hữu Duy Minh ‘[185] Các quy định chung về bảo hộ ngoại giao trong luật pháp quốc tế’, https://iuscogens-vie.org/2020/04/19/185-bao-ho-ngoai-giao-trong-luat-quoc-te/.

[68] Xem tại chú thích số 40, §3, 14.

[69] Martins Paparinskis, ‘Investment Arbitration and the Law of Countermeasures’ [2008] 79(1) British Yearbook of International Law 264, trang 312.

[70] Xem tại chú thích số 63.

[71] Như trên, §64.

[72]  Christoph H Schreuer, ‘The ICSID Convention: A Commentary’ [2001] Cambridge University Press, trang 424.

[73] ICSID – Model Clauses, Clause 15 (Waiver of Immunity from Execution of the Award), https://icsidfiles.worldbank.org/icsid/icsid/staticfiles/model-clauses-en/15.htm

[74] Anastasiia Filipiuk, ‘Enforcement of ICSID Arbitration Awards and Sovereign Immunity', L.L.M Short Thesis Central European University [2016], trang 43.

[75] Như trên.

[76] Như trên.

[77] Như trên.

49 lượt xem

Comments


bottom of page