top of page
icj 1.jpeg

[39] TÀI TRỢ CỦA BÊN THỨ BA TRONG TRỌNG TÀI QUỐC TẾ VÀ QUY TẮC TRỌNG TÀI ICSID 2022

Bài viết này được đăng tại Kỷ yếu Tập san “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID): Các vấn đề pháp lý và thực tiễn” của Dự án Sinh viên Nghiên cứu Luật Quốc tế - Juris Exploratores.


Phạm Thanh Huyền[1]

 

Tóm tắt: Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hiện nay, với bối cảnh hoạt động đầu tư quốc tế diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quá trình đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể phát sinh tranh chấp. Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (International Centre for Settlement of Investment Disputes) hay ICSID là một trong những cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế được nhiều nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư lựa chọn. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, cơ chế tài trợ của bên thứ ba (third-party funding/TPF) cho phép một bên thứ ba (không là bên liên quan trực tiếp trong tranh chấp) tham gia cung cấp tài chính cho một bên nguyên đơn hoặc bị đơn không có đủ nguồn lực để theo đuổi vụ kiện. Bài viết tập trung phân tích cơ chế tài trợ của bên thứ ba trong tranh chấp đầu tư quốc tế, thực tiễn về cơ chế tài trợ của bên thứ ba (third-party funding) được quy định tại Quy tắc Trọng tài ICSID đã được sửa đổi và có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2022.

 

Từ khóa: ICSID, tài trợ của bên thứ ba, third-party funding, trọng tài quốc tế.

 

1. Dẫn nhập

Tài trợ của bên thứ ba hay third - party funding, (sau đây gọi là TPF) đã trở thành một trong những chủ đề nóng của trọng tài quốc tế và đang phát triển mạnh mẽ mỗi ngày.[2] Thị trường tài trợ cho tố tụng, tính đến năm 2018, có giá trị ước tính vào khoảng 50-100 tỷ USD và nhận được sự quan tâm của các hãng luật quốc tế, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ phòng hộ, các nhà tài phiệt và các quỹ mở với phương châm “rủi ro càng lớn - lợi nhuận càng cao”.[3] Tính đến tháng 4/2021, theo thống kê trên hệ thống giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD ISDS Navigator), có 34 vụ tranh chấp đầu tư quốc tế (ISDS) trong đó 26 vụ kiện đã hoàn thành và 8 vụ kiện chưa hoàn thành mà bên nguyên đơn có nhận tài trợ TPF.[4] Ngày càng có nhiều bên, dù đang gặp khó khăn về tài chính hay những khó khăn khác, đang khám phá khả năng sử dụng tài trợ của bên thứ ba để cung cấp vốn cần thiết nhằm chi trả cho các thủ tục tố tụng trọng tài.[5] Dù vậy, tranh chấp đầu tư thương mại quốc tế thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ bởi sức hút từ giá trị của các vụ tranh chấp là lớn, phán quyết mang tính chung thẩm và việc thi hành phán quyết trọng tài quốc tế được thừa nhận rộng rãi qua cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Công ước New York năm 1958.[6]

 

2. Định nghĩa tài trợ của bên thứ ba trong trọng tài thương mại quốc tế

Trên thực tế, mặc dù là một trong những “chủ đề nóng” của trọng tài quốc tế, nhưng các quan điểm về khái niệm TPF vẫn còn mơ hồ và chưa thống nhất.[7] Maxi C. Scherer đưa ra quan điểm chính xác về định nghĩa TPF:“Tuy nhiên, định nghĩa chính xác của tài trợ bởi bên thứ ba vẫn khó nắm bắt và ý nghĩa pháp lý, đạo đức của nó trong trọng tài quốc tế, hầu như chưa được khám phá”.[8] Định nghĩa về TPF cũng được thảo luận trong Nhóm làm việc III của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL) và dự thảo định nghĩa tại Điều E-1(3) như sau: “‘Tài trợ của bên thứ ba’ có nghĩa là bất kỳ việc cung cấp tài trợ trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc hỗ trợ tương đương cho một bên trong thủ tục tố tụng IID (“bên được tài trợ”) bởi một cá nhân hoặc pháp nhân không phải là một bên của thủ tục tố tụng (“bên tài trợ thứ ba”) để đổi lấy thù lao tùy thuộc vào kết quả của quá trình tố tụng.”[9]


Việc tài trợ cho một bên trong tranh chấp bởi một bên thứ ba là hoạt động có thể được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, vì nhiều lý do và mục đích khác nhau thông qua các cơ chế pháp lý và công cụ tài chính, điều này gây ra một số khó khăn trong quá trình định nghĩa TPF.[10] Do đó, Ban Thư ký UNCITRAL lưu ý liên quan đến định nghĩa theo nghĩa rộng và toàn diện về TPF có trong Dự thảo quy định năm 2022 về cải cách thủ tục rằng: “[Nhóm làm việc UNCITRAL III] có thể muốn xem xét liệu định nghĩa theo nghĩa rộng này có phù hợp hay không, vì nó có thể vô tình dẫn đến việc điều chỉnh các loại hỗ trợ khác (ví dụ: đệ trình amicus curiae để hỗ trợ cho một vị trí, các dịch vụ pháp lý miễn phí do một công ty luật cung cấp và tư vấn pháp lý do trung tâm tư vấn cung cấp).”[11]


Mục đích mà TPF được xác định có thể ảnh hưởng tới định nghĩa của nó, định nghĩa TPF mang tính mô tả, kinh tế - xã hội không nhất thiết phải giống định nghĩa TPF mang tính pháp lý.[12] Để phân định phạm vi điều tra của mình, Lực lượng đặc nhiệm ICCA - Queen Mary đã đưa ra định nghĩa hoạt động như sau về TPF:

“Thuật ngữ ‘TPF’ dùng để chỉ thỏa thuận của một thực thể không phải là một bên trong tranh chấp để cung cấp cho một bên, một chi nhánh của bên đó hoặc một công ty luật đại diện cho bên đó,

1.  Quỹ hoặc hỗ trợ vật chất khác để tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng, riêng lẻ hoặc như một phần của một loạt vụ việc cụ thể, và

2.  Sự hỗ trợ hoặc tài trợ đó được cung cấp để đổi lấy thù lao hoặc khoản bồi thường phụ thuộc toàn bộ hoặc một phần vào kết quả của tranh chấp hoặc được cung cấp thông qua một khoản trợ cấp hoặc để đổi lấy khoản thanh toán phí bảo hiểm.”[13]


TPF có thể bao gồm một hay nhiều thỏa thuận do các nhà tài trợ thương mại cung cấp, bao gồm quỹ hoặc hỗ trợ vật chất khác, trong đó có thể bao gồm cả việc tư vấn pháp lý trên cơ sở nhận được thù lao, bồi thường (một phần hoặc toàn bộ phụ thuộc vào kết quả vụ kiện) hoặc thông qua một khoản trợ cấp có điều kiện và một số hình thức bảo hiểm[14] nhất định cho cả nguyên đơn và bị đơn.[15]


Theo nghĩa hẹp hơn, TPF có thể biểu thị nguồn tài chính hợp pháp “không truy đòi” được cung cấp bởi một nhà tài trợ thương mại theo các điều khoản của thỏa thuận tài trợ, thường là cho nguyên đơn (hoặc đôi khi là bị đơn) để đổi lấy một phần số tiền được thu hồi trong hợp đồng tài trợ.[16] Một thỏa thuận phức tạp hơn là “tài trợ theo danh mục đầu tư”, theo đó, tài trợ được cung cấp cho một nhóm hoặc danh mục các khoản bồi thường do một hay nhiều thực thể nhất định nắm giữ hoặc cho cố vấn pháp lý giải quyết nhiều vụ việc cùng một lúc, thường dựa trên chi phí tài trợ có điều kiện.[17]


Như vậy, sự khác biệt giữa các quan điểm về định nghĩa TPF là độ rộng của các nguồn tài trợ từ bên thứ ba không phải là một bên trong tranh chấp (có thể là các loại chi phí của quá trình tố tụng trọng tài, phí tư vấn, vật chất khác) và nhóm các lợi ích mà nhà tài trợ nhận được. Trong tầm nhìn về sự phát triển của TPF, chưa có một định nghĩa rõ ràng và thống nhất ở hiện tại, các định nghĩa vẫn đang được tạo ra, điều chỉnh và ngày càng vững chắc.[18]

 

3. Một số mô hình tài trợ của bên thứ ba 

3.1. Tài trợ của bên thứ ba “sensu stricto”

Các quan điểm của TPF sensu stricto coi TPF là một phương thức tài trợ liên quan đến việc tài trợ cho các vụ kiện hoặc trọng tài bởi các nhà tài trợ có thiện chí, những người không thuộc một bên trong tranh chấp cũng như không có mối liên hệ chặt chẽ tới tranh chấp và mối quan tâm duy nhất của họ là lợi nhuận tiềm năng[19] đổi lại việc cung cấp tài chính.[20]

Mô hình TPF sensu stricto được coi là mô hình TPF truyền thống, chiếm ưu thế trong trọng tài quốc tế. Đó là một thỏa thuận giữa một bên của vụ tranh chấp và bên tài trợ (công ty, tổ chức, cá nhân không phải là một bên của tranh chấp), trong đó đồng ý rằng bên tài trợ sẽ chi trả các chi phí trong quá trình tố tụng trọng tài và phí khiếu nại pháp lý (có thể là tài trợ cho một số chi phí cụ thể như chi phí pháp lý, lệnh, phán quyết hoặc phán quyết chống lại bên đó, hoặc có thể tài trợ tất cả)[21] để đổi lấy một phần hay toàn bộ trong bất kỳ khoản bồi thường nào trong tương lai.[22] Nói cách khác, đó là quyền không truy đòi của bên tài trợ, mà việc trả các quyền lợi thỏa thuận nhận được (các khoản bồi thường) phụ thuộc vào sự thành công của yêu cầu bồi thường của bên nhận tài trợ (một bên trong tranh chấp).[23]

 

3.2. Tài trợ của bên thứ ba “sensu lato”

Mô hình TPF sensu stricto chỉ là mô hình cung cấp tài chính cho một bên trong tranh chấp, các nguồn tài trợ khác TPF sensu stricto có thể được gọi là TPF sensu lato.[24] Một định nghĩa mô tả TPF là “mọi hợp đồng có thể có mà trong đó khoản thanh toán theo hợp đồng liên quan đến số tiền thu được từ vụ kiện”.[25] Định nghĩa này cũng bao gồm thêm cả chi phí dự phòng của luật sư, các hợp đồng bảo hiểm (dù chúng được quản lý hay nắm giữ bởi các bên liên quan khác nhau). Định nghĩa này có những nét tương đồng với định nghĩa TPF của Lực lượng đặc nhiệm ICCA - Queen Mary được đề cập ở phần 1 của bài viết này. Một số hình thức của mô hình TPF sensu lato có thể kể đến như: (i) Tài trợ luật sư, (ii) Bảo hiểm chi phí pháp lý, (iii) Khoản vay, (iv) Chuyển nhượng yêu cầu bồi thường, và (v) Đóng góp hoặc hỗ trợ tài chính miễn phí được phân tích trong các phần tiếp theo của bài nghiên cứu.

 

3.2.1. Tài trợ luật sư

Tài trợ luật sư được cho là nguồn TPF rõ ràng nhất vì luật sư (trong một số trường hợp và khu vực pháp lý nhất định) có thể đồng ý với khách hàng của họ rằng chỉ một phần chi phí (hoặc không mất phí) sẽ phải thanh toán trong quá trình tố tụng trọng tài và người đó chỉ nhận được thù lao khi kết quả giải quyết tranh chấp thành công.[26] Ba loại tài trợ luật sư có thể xác định là (i) Đại diện pháp lý pro bono, (ii) Thỏa thuận chi phí theo kết quả, và (iii) Thỏa thuận chi phí có điều kiện.


Đại diện pháp lý pro bono[27] được biết đến là hình thức tài trợ chi phí luật sư miễn phí, ngoại trừ khoản hoàn trả của bên thua kiện tại các khu vực pháp lý quy định bên thua kiện trả phí luật sư cho bên thắng kiện.[28]Đại diện pháp lý pro bono không được coi là một loại hình TPF truyền thống.[29] Về thỏa thuận chi phí theo kết quả (contingency fee arrangements), được định nghĩa là “bất kỳ thỏa thuận nào trong đó phí luật sư phụ thuộc toàn bộ hoặc một phần vào sự thành công của khiếu nại”,[30] đồng nghĩa nếu không có kết quả thành công sẽ không nhận được bất kỳ khoản phí nào.[31] Thỏa thuận phí có điều kiện (conditional fee arrangements) cũng dựa vào kết quả tranh chấp, khác với thỏa thuận chi phí theo kết quả là dù khiếu nại không thành công thì vẫn nhận được một khoản phí theo thỏa thuận, nếu thành công thì ngoài khoản phí theo thỏa thuận còn nhận được khoản phí phụ cấp hay “phí thành công”.[32]

 

3.2.2. Bảo hiểm chi phí pháp lý

Bảo hiểm chi phí pháp lý là một trong những loại TPF phổ biến nhất, được sử dụng trong tranh chấp trọng tài quốc tế,[33] bao gồm bảo hiểm chi phí pháp lý mang tính chất truyền thống và bảo hiểm chi phí pháp lý mang tính chất chuyên biệt. 

Các hợp đồng bảo hiểm truyền thống sẽ chi trả cho đại diện pháp lý, phán quyết trùng với yêu cầu khiếu nại hoặc ngược lại, đôi khi là cả hai bên trong tranh chấp,[34] với đặc điểm chính là  thường có các điều khoản quy định chuyển giao một lượng đáng kể quyền kiểm soát vụ việc từ một bên của tranh chấp yêu cầu bồi thường sang công ty bảo hiểm.[35] Bên cạnh đó, còn có các hình thức bảo hiểm chuyên biệt có thể được mua trước hoặc sau khi xảy ra sự cố dẫn đến tranh chấp, gọi là bảo hiểm trước sự kiện (before-the-event) và bảo hiểm sau sự kiện (after-the-event).[36]

 

3.2.3. Khoản vay

Các khoản vay là nguồn tài chính được vay từ luật sư, công ty luật, ngân hàng hay các tổ chức tín dụng khác tài trợ cho một bên trong tranh chấp để nhận một phần trong kết quả có lợi.[37] Ưu điểm của loại hình này là người vay (một bên trong tranh chấp) giữ được quyền kiểm soát việc quản lý tranh chấp, không cần chia sẻ cho công ty bảo hiểm như đối với bảo hiểm chi phí pháp lý. Nhược điểm của khoản vay này là không giảm bớt được rủi ro thua kiện vì người vay phải trả lại số tiền đã vay bất kể quyết định cuối cùng của tranh chấp.[38]

 

3.2.4. Chuyển nhượng yêu cầu bồi thường

Việc chuyển nhượng khiếu nại có thể xảy ra với nhiều lý do, ví dụ như sáp nhập, mua lại, thanh lý sau khi phá sản.[39] Cremades đã đưa ra một quan điểm về chuyển nhượng yêu cầu bồi thường: “Trong khi chuyển nhượng vụ kiện, người chuyển nhượng bán chính vụ kiện đó, thì trong việc tài trợ của bên thứ ba, người chuyển nhượng bán những “thành quả” có thể có của vụ kiện”.[40]

 

3.2.5. Đóng góp hoặc hỗ trợ tài chính miễn phí

Cùng với các mô hình TPF với các nhà tài trợ hỗ trợ cho quá trình tố tụng trọng tài với mục đích lợi nhuận, có các quỹ, tổ chức (không là một bên trong tranh chấp) tài trợ không vì mục đích lợi nhuận cho một bên trong quá trình tố tụng trọng tài.[41] Những trường hợp này có thể được coi là quyên góp thay vì là các thỏa thuận tài trợ thông thường. Do đó, bên nhận được các khoản tài trợ, bất kể kết quả tố tụng ra sao có thể giữ lại các khoản tài trợ.[42] Ví dụ cho trường hợp này là vụ Philip Morris v. Uruguay được ICSID giải quyết, trong đó chiến dịch “Campaign for Tobacco-Free Kids” đã tài trợ về mặt tài chính cho Chính phủ Uruguay.[43]

 

4. Quy định của ICSID về tài trợ của bên thứ ba   

Vào ngày 21 tháng 3 năm 2022, các Quốc gia Thành viên của Trung tâm Giải quyết Tranh chấp Đầu tư Quốc tế đã thông qua một cuộc sửa đổi toàn diện các quy tắc và quy định của mình, bao gồm các quy tắc tố tụng trọng tài của ICSID.[44] Được soạn thảo qua quá trình tham vấn trong 5 năm với sáu tài liệu làm việc, mục đích bao quát của việc sửa đổi là “hiện đại hóa, đơn giản hóa và hợp lý hóa các quy tắc”. “Các quy tắc và quy định của ICSID 2022” (2022 ICSID Rules and Regulations) được sửa đổi có hiệu lực vào ngày 01 tháng 7 năm 2022.[45]


TPF nhận được sự quan tâm và được thảo luận sôi nổi trong những năm gần đây,[46] sự nổi lên của TPF trong tố tụng trọng tài đã gây ra nhiều mối lo ngại khác nhau, chủ yếu liên quan đến xung đột lợi ích có thể nảy sinh ra từ mối quan hệ giữa nhà tài trợ và trọng tài, luật sư hoặc các bên khác.[47] Điều này thúc đẩy các tổ chức trọng tài phát triển và làm rõ sự tồn tại của TPF. Các quy tắc, thể chế đề cập đến TPF có thể kể đến như: quy tắc trọng tài đầu tư SIAC (Điều 24(l))  và CIETAC (Điều 27) vào năm 2017, tiếp theo đó là quy tắc trọng tài HKIAC (Điều 44) vào năm 2018, quy tắc trọng tài đầu tư BAC (Điều 39) vào năm 2019, quy tắc trọng tài CAM (Điều 43) vào năm 2020, quy tắc trọng tài ICC (Điều 11(7)) và quy tắc trọng tài đầu tư VIAC (Điều 13a) vào 2021.[48] Quy định về TPF được ICSID nghiên cứu, xây dựng và bổ sung trong Các quy tắc và quy định của ICSID 2022, một phần dựa trên các tiền lệ này. [49]

 

4.1. Các điểm mới trong quy định về tài trợ của bên thứ ba trong ICSID

Quy định về TPF được quy định tại Quy tắc 14[50] về Quy tắc trọng tài ICSID (ICSID Arbitration Rules). Sự khác biệt cơ bản từ các quy tắc nêu trên là mức độ yêu cầu tiết lộ thông tin, nghĩa là loại thỏa thuận nào nên được tiết lộ và mức độ những thỏa thuận đó nên được tiết lộ. Điều 14 quy định:

Quy tắc 14(1) được trình bày có một số đặc điểm mới nổi bật chưa từng thấy ở những quy tắc trọng tài khác:

Thứ nhất, Quy tắc trọng tài ICSID đưa ra định nghĩa theo hướng rộng về TPF, phản ánh sự đa dạng các thỏa thuận TPF được sử dụng trong thực tế trong khi một số quy tắc trọng tài khác không xác định (ví dụ: quy tắc HKIAC và CAM).[51] Việc đưa ra những điều kiện của một TPF giúp ngăn chặn các vấn đề có thể phát sinh từ trong việc giải thích về TPF trong khuôn khổ ICSID.


Thứ hai, quy tắc 14(1) bao gồm các thỏa thuận trong định nghĩa TPF với đại diện các bên, chẳng hạn như thỏa thuận về phí dự phòng đối với cố vấn pháp lý (hay “thù lao phụ thuộc vào kết quả của quá trình tố tụng”), do đó mở rộng hơn phạm vi nghĩa vụ tiết lộ.[52] So với quy tắc trọng tài đầu tư của VIAC với định nghĩa chỉ bao gồm các thỏa thuận với những người không phải là một bên trong tranh chấp cũng như đại diện các bên, định nghĩa về TPF của ICSID trái ngược và có phạm vi bao quát hơn.


Thứ ba, quy tắc 14(1) yêu cầu một bên tiết lộ tên của tổ chức hoặc cá nhân cuối cùng kiểm soát nhà tài trợ (nếu nhà tài trợ là pháp nhân).[53] Điều này đã được giới thiệu trong tài liệu làm việc lần thứ sáu để đảm bảo thêm “tính minh bạch về danh tính của nhà tài trợ” và “cho phép các trọng tài xác định chính xác bất kỳ xung đột lợi ích nào” liên quan đến “chủ sở hữu cuối cùng” của tổ chức tài trợ.[54] Điều khoản này được một số quốc gia và Liên minh Châu Âu viện dẫn, ban đầu bị Ban thư ký bác bỏ (tại tài liệu làm việc lần thứ năm)[55] bởi có nguy cơ tạo ra sự nhầm lẫn giữa các phiên dịch viên và trong mọi trường hợp, không đáp ứng được những lo ngại thực sự gặp phải trong thực tế (theo đó, không có bộ quy tắc trọng tài nào khác có quy định tương tự).[56]Quy tắc 14(1) yêu cầu tiết lộ tên của tổ chức hoặc cá nhân cuối cùng kiểm soát nhà tài trợ (nếu nhà tài trợ là pháp nhân) gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, do thông tin về các nhà đầu tư của quỹ, đặc biệt là các quỹ tư nhân, là thông tin thương mại rất bí mật và nhạy cảm.[57] Quy tắc cũng yêu cầu tiết lộ nhiều thông tin từ nhà tài trợ hơn là từ chính bên nhận được tài trợ (là một bên trong tranh chấp), điều này không bắt buộc phải tiết lộ các cổ đông của họ.[58]


Thứ tư, trong khi nhiều bộ quy tắc khác (ví dụ: quy tắc HKIAC, ICC và VIAC) thường đề cập đến việc tiết lộ danh tính của nhà tài trợ, Quy tắc 14 của quy tắc trọng tài ICSID quy định rõ ràng về thông báo bằng văn bản, phải bao gồm “tên và địa chỉ” của nhà tài trợ để tránh xảy ra bất kỳ nhầm lẫn nào.[59]

 

4.2. Vấn đề tiết lộ thỏa thuận tài trợ

Theo quy định của Quy tắc 14(4): “Tòa trọng tài có thể ra lệnh tiết lộ thêm thông tin liên quan đến thỏa thuận tài trợ và bên không cung cấp tài chính theo Quy tắc 36(3)”, trong đó, Quy tắc 36(3) quy định “Tòa trọng tài có thể yêu cầu một bên xuất trình tài liệu hoặc bằng chứng khác nếu thấy cần thiết ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào”.[60] Quy định như vậy và không có thêm quy định về các trường hợp nào là cần thiết tạo ra sự mơ hồ và gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

 

Do đó, xây dựng các điều khoản, cơ chế liên quan đến việc tiết lộ các tài liệu, thông tin theo yêu cầu của tòa trọng tài một cách có hệ thống là điều cần thiết, cũng là một điểm cần cải thiện trong quy định về TPF trong quy tắc ICSID. Các đề xuất của UNCITRAL năm 2021 về TPF trong ISDS gợi ý việc tiết lộ các thông tin một cách có hệ thống về “thỏa thuận tài trợ và các điều khoản liên quan”,[61] hay Quy tắc Trọng tài Đầu tư BAC năm 2019 yêu cầu các bên chỉ tiết lộ rằng nhà tài trợ bên thứ ba có cam kết chi trả trách nhiệm pháp lý về các chi phí bất lợi hay không.[62] Các quy tắc của các tổ chức trọng tài như ICC và HKIAC không trao cho tòa trọng tài bất kỳ quyền hạn nào liên quan đến bất kỳ thỏa thuận tài trợ nào.[63] Như vậy, so với quy tắc của một số tổ chức trọng tài, quy tắc của ICSID trao cho tòa trọng tài nhiều quyền hạn hơn trong việc yêu cầu các bên cung cấp tài liệu, thông tin đến tài trợ của bên thứ ba. Điều này có ưu điểm là cho phép tòa trọng tài tiếp cận bất kỳ thông tin, tài liệu cần thiết trong quá trình tố tụng. Tuy nhiên, việc cho phép tòa trọng tài tiếp cận các tài liệu, thông tin gần như không có giới hạn do không quy định những trường hợp nào là cần thiết có thể ảnh hưởng đến việc tài trợ của bên thứ ba.


Những chính sách được cân nhắc làm tiền đề cho nghĩa vụ tiết lộ thông tin theo quy định của ICSID trong bộ quy tắc năm 2022 bao gồm giả định rằng bên được tài trợ có thể gặp khó khăn về tài chính, do đó họ có thể không tuân thủ phán quyết (bao gồm chi phí bồi thường ở trường hợp có kết quả bất lợi trong quá trình phân xử trọng tài).[64] Hơn nữa, trong trường hợp nhà tài trợ không có nghĩa vụ về trả các khoản chi phí bất lợi (đồng nghĩa với việc chỉ tài tài trợ các chi phí trong quá trình tố tụng trọng tài mà không tài trợ cho các chi phí bất lợi như bồi thường), có thể được hưởng lợi từ các điều khoản chấm dứt để tránh trách nhiệm phát sinh từ phán quyết đó.[65] Do đó, việc tiết lộ thỏa thuận tài trợ cho phép đánh giá mức độ quyền và nghĩa vụ của nhà tài trợ có thể là hợp lý để bảo vệ bên không được tài trợ.[66]

 

5. Kết luận

TPF có tiềm năng phát triển trong tương lai là vô cùng lớn, TPF cũng nhận được sự quan tâm với nhiều vấn đề còn chưa được thống nhất cùng các quan điểm khác nhau. Các điều khoản mới của Quy tắc trọng tài ICSID về TPF được đón nhận bởi chúng giải quyết điểm quan trọng của xung đột lợi ích với độ chính xác cao hơn các bộ quy tắc khác (ngoài một số vấn đề cần hoàn thiện hơn), đồng thời duy trì cách tiếp cận cân bằng và hiện đại đối với vấn đề tế nhị về tiết lộ các thông tin liên quan đến nguồn tài trợ. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến TPF vẫn cần được nghiên cứu thêm để hoàn thiện và phát triển hơn, đảm bảo quyền tiếp cận công lý trong tố tụng trọng tài.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Sinh viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[2] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014). Xem thêm tại S. Seidel, ‘Third Party Capital Funding Of International Arbitration Claims: An Awakening And A Future’ (Financier Worldwide, July 2012) <https://www.financierworldwide.com/july-2012-issue> truy cập ngày 19/4/2024; M. Rodak, ‘It’s about Time: A System Thinking Analysis of the Litigation Finance Industry and Its Effect on Settlement’ [2006] 155 U. Pa. L. Rev. 504; E. De Brabandere and J. Lepeltak, ‘Third Party Funding in International Investment Arbitration’ (Grotius Centre Working Paper Series N°2012/1, 2012) <https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2078358> truy cập ngày 19/4/2024.

[3] Châu Huy Quang, ‘Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại’ [2022] 7 Luật sư Việt Nam 23, trang 24.

[4] Châu Huy Quang, ‘Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại’ [2022] 7 Luật sư Việt Nam 23, trang 24.

[5] Bernard Hanotiau and Antonias Dimolitsa, Third-party Funding in International Arbitration - Institute Dossier X (ICC Publication 2014), trang 95.

[6] Châu Huy Quang, ‘Tài trợ của bên thứ ba trong tố tụng trọng tài và tố tụng tòa án trong tranh chấp thương mại’ [2022] 7 Luật sư Việt Nam 23, trang 24.

[7] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[8] Bernard Hanotiau and Antonias Dimolitsa, Third-party Funding in International Arbitration - Institute Dossier X (ICC Publication 2014), trang 95. Xem thêm tại Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[9] Working Group III (Investor-State Dispute Settlement Reform), Forty-third session (Vienna, 5–16 September 2022), ‘Possible reform of investor-State dispute settlement (ISDS), Draft provisions on procedural reform’, (United Nations Commission on International Trade Law (UNCITRAL), 11 July 2022) <https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/wp_219_-_draft_provisions_on_procedural_reform_.pdf>  truy cập ngày 20/4/2024.

[10] Hussein Haeri, Giacomo Gasparotti and Clàudia Baró Huelmo, ‘Third-Party Funding in International Arbitration’ (Global Arbitration Review, 30 December 2022) <https://globalarbitrationreview.com/guide/the-guide-ma-arbitration/4th-edition/article/third-party-funding-in-international-arbitration> truy cập ngày 20/4/2024.

[11] Working Group III (Investor-State Dispute Settlement Reform), Forty-third session (Vienna, 5–16 September 2022), ‘Possible reform of investor-State dispute settlement (ISDS), Draft provisions on procedural reform’, (United Nations Commission on International Trade Law (UNCITRAL), 11 July 2022) <https://uncitral.un.org/sites/uncitral.un.org/files/media-documents/uncitral/en/wp_219_-_draft_provisions_on_procedural_reform_.pdf>  truy cập ngày 20/4/2024.

[12] Hussein Haeri, Giacomo Gasparotti and Clàudia Baró Huelmo, ‘Third-Party Funding in International Arbitration’ (Global Arbitration Review, 30 December 2022) <https://globalarbitrationreview.com/guide/the-guide-ma-arbitration/4th-edition/article/third-party-funding-in-international-arbitration> truy cập ngày 20/4/2024.

[13] International Council for Commercial Arbitration, ‘Report of the ICCA-Queen Mary task force on third-party funding in International Council for Commercial Arbitration (ICCA)’ (International Council for Commercial Arbitration, April 2018) <https://cdn.arbitration-icca.org/s3fs-public/document/media_document/Third-Party-Funding-Report%20.pdf>  truy cập ngày 20/4/2024.

[14] Việc đưa bảo hiểm, phí bảo hiểm hay các hình thức khác tương đương vào định nghĩa TPF là chủ đề được tranh tranh luận cả trong và ngoài Lực lượng đặc nhiệm của ICCA - Queen Mary. Xem thêm James Clanchy, ‘Whatever happened to third-party funding in international arbitration?’ (LexisNexis, 21 October 2019), <https://www.lexisnexis.co.uk/blog/dispute-resolution/whatever-happened-to-third-party-funding-in-international-arbitration> truy cập ngày 20/4/2024.

[15] Hussein Haeri, Giacomo Gasparotti and Clàudia Baró Huelmo, ‘Third-Party Funding in International Arbitration’ (Global Arbitration Review, 30 December 2022) <https://globalarbitrationreview.com/guide/the-guide-ma-arbitration/4th-edition/article/third-party-funding-in-international-arbitration> truy cập ngày 20/4/2024.

[16] Như trên.

[17] Như trên. Xem thêm Oliver Gayner, Alistair Croft, Anna Stier and Kate Hurford, ‘Third-party funding for international arbitration claims: overview’ (Practical Law UK, 2020) <https://uk.practicallaw.thomsonreuters.com/0-521-2902?transitionType=Default&contextData=(sc.Default)&firstPage=true> truy cập ngày 20/4/2024.

[18] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[19] Có khả năng các nhà tài trợ không có một động cơ tài trợ duy nhất là các lợi ích tài chính thuần túy, ví dụ như gây tổn hại cho bên đối lập (bên không được tài trợ). Xem thêm  Bernard Hanotiau and Antonias Dimolitsa, Third-party Funding in International Arbitration - Institute Dossier X (ICC Publication 2014).

[21] Maya Steinitz, ‘Whose Claim Is This Anyway? Third-Party Litigation Funding’ [2011]  The University of Iowa College of Law Legal Studies Research Paper Series 1268, trang 1275-1276.

[22] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[23] Lisa Bench Nieuwveld, Victoria Shannon Sahani, Third-Party Funding in International Arbitration (Second Edition, Kluwer Law International 2017).

[24] Như trên.

[25] Maxi Scherer, Aren Goldsmith and Camille Fléchet, ‘Third Party Funding in International Arbitration in Europe: Part 1 – Funders’ Perspectives’ [2013] No. 164/2013 Queen Mary University of London, School of Law Legal Studies Research Paper 207, trang 209.

[26] Bernard Hanotiau and Antonias Dimolitsa, Third-party Funding in International Arbitration - Institute Dossier X (ICC Publication 2013), trang 70.

[27] Đại diện pháp lý pro bono bao gồm việc luật sư chịu mọi chi phí liên quan đến đại diện cho khách hàng của họ (một bên trong tranh chấp) mà không có kỳ vọng về việc trả thù lao.

[28]  Lisa Bench Nieuwveld, Victoria Shannon Sahani, Third-Party Funding in International Arbitration (Second Edition, Kluwer Law International 2017).

[29] Lý do đại diện pháp lý pro bono không được coi là một loại hình TPF truyền thống vì trong trường hợp này không xảy ra việc di chuyển tiền từ luật sư đại diện đến một bên trong tranh chấp là khách hàng của họ. Và cũng cần lưu ý rằng rất khó có khả năng đại diện pháp lý pro bono đóng bất kỳ vai trò nào trong một vụ tranh chấp trọng tài quốc tế. Xem thêm tại  Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[30] Jennifer A. Trusz, ‘Full Disclosure? Conflicts of Interest Arising from Third-Party Funding in International Commercial Arbitration’ (The Georgetown law journal, August 2013) <https://www.researchgate.net/publication/297330422_Full_Disclosure_Conflicts_of_Interest_Arising_from_Third-Party_Funding_in_International_Commercial_Arbitration> truy cập ngày 21/4/2024.

[31] Herbert M. Kritzer, Risks, reputations, and rewards: contingency fee legal practice in the United States (Stanford University Press 2004), trang 258-259.

[32] Clive Bowman, Kate Hurford and Susanna Khouri, ‘Third party funding in international commercial and treaty arbitration – a panacea or a plague? A discussion of the risks and benefits of third party funding’(2011) Transnational Dispute Management <https://www.transnational-dispute-management.com/article.asp?key=1747> truy cập ngày 21/4/2024.

[33] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014). Xem thêm Maya Steinitz, ‘Whose Claim Is This Anyway? Third-Party Litigation Funding’ [2011]  The University of Iowa College of Law Legal Studies Research Paper Series 1268, trang 1293-1294.

[34] Maya Steinitz, ‘Whose Claim Is This Anyway? Third-Party Litigation Funding’ [2011]  The University of Iowa College of Law Legal Studies Research Paper Series 1268, trang 1295-1296.

[35] Như trên. Xem thêm Lisa Bench Nieuwveld, Victoria Shannon Sahani, Third-Party Funding in International Arbitration (Second Edition, Kluwer Law International 2017); D. Richmond, ‘Other People’s Money: the Ethics of the Litigation Funding’ [2005] Mercer Law Review, trang 651-652, 659-664.

[36] Marco de Morpurgo, ‘A Comparative Legal and Economic Approach to Third-Party Litigation Funding’ [2011] 19 Cardozo Journal of International and Comparative Law 343, trang 353.

[37] Marco de Morpurgo, ‘A Comparative Legal and Economic Approach to Third-Party Litigation Funding’ [2011] 19 Cardozo Journal of International and Comparative Law 343, trang 356-357.

[38] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[39] Bernardo M. Cremades, ‘Third party litigation funding: investing in arbitration’, (2011) Transnational Dispute Management 12 <https://s3.amazonaws.com/cdn.curtis.com/news-attachments/TDM.pdf> truy cập ngày 21/4/2024.

[40] Như trên.

[41] Thibault De Boulle, ‘Third-Party Funding” in International Commercial Arbitration’ (Master thesis, Faculty of Law Ghent University 2014).

[42] Bernardo M. Cremades, ‘Third party litigation funding: investing in arbitration’, (2011) Transnational Dispute Management 12 <https://s3.amazonaws.com/cdn.curtis.com/news-attachments/TDM.pdf> truy cập ngày 21/4/2024.

[43] FTR Holding SA, Philip Morris Products S.A. and Abal Hermanos S.A. v. Oriental Republic of Uruguay,

ICSID Case No. ARB/10/7.

[44] International Centre for Settlement of Investment Disputes, ‘ICSID Rules and Regulations Amendment’ (International Centre for Settlement of Investment Disputes, 01 July 2022) <https://icsid.worldbank.org/resources/rules-amendments> truy cập ngày 22/4/2024.

[45] Như trên.

[47] Như trên.

[48] Như trên.

[49] Như trên.

[50] Nội dung Quy tắc 14: Thông báo về tài trợ của bên thứ ba

(1) Một bên phải gửi thông báo bằng văn bản tiết lộ tên và địa chỉ của bất kỳ bên nào không phải là bên mà bên đó, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã nhận được tiền để theo đuổi hoặc bảo vệ thủ tục tố tụng thông qua quyên góp hoặc trợ cấp, hoặc để đổi lấy thù lao phụ thuộc vào kết quả của quá trình tố tụng ("tài trợ của bên thứ ba"). Nếu bên không cung cấp tài chính là pháp nhân thì thông báo sẽ bao gồm tên của những người và tổ chức sở hữu và kiểm soát pháp nhân đó.

(2) Một bên sẽ gửi thông báo nêu tại khoản (1) cho Tổng thư ký khi đăng ký yêu cầu phân xử bằng trọng tài, hoặc ngay sau khi ký kết thỏa thuận tài trợ của bên thứ ba sau khi đăng ký. Bên đó phải thông báo ngay cho Tổng thư ký về bất kỳ thay đổi nào đối với thông tin trong thông báo.

(3) Tổng thư ký sẽ chuyển thông báo tài trợ của bên thứ ba và bất kỳ thông báo nào về những thay đổi đối với thông tin trong thông báo đó cho các bên và tới bất kỳ trọng tài nào được đề xuất bổ nhiệm hoặc chỉ định trong quá trình tố tụng nhằm mục đích hoàn thành tuyên bố của trọng tài được yêu cầu theo Quy tắc 19(3) (b).

(4) Tòa trọng tài có thể ra lệnh tiết lộ thêm thông tin liên quan đến thỏa thuận tài trợ và bên không cung cấp tài chính theo Quy tắc 36(3).”

[52] Như trên.

[53]  ICSID Arbitration Rules 2022, Quy tắc 14(1).

[55] International Centre for Settlement of Investment Disputes, ‘Working Paper #5: Proposals for Amendment of the ICSID Rules’ (International Centre for Settlement of Investment Disputes, June 2021) <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/publications/WP%205-Volume1-ENG-FINAL.pdf> truy cập ngày 22/4/2024.

[57] Kirstin Dodge, Jonathan Barnett, Lucas Macedo, Patryk Kulig and Maria Victoria Gomez, ‘Can Third-Party Funding Find the Right Place in Investment Arbitration Rules?’ [2022] Kluwer Arbitration Blog <https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2022/01/31/can-third-party-funding-find-the-right-place-in-investment-arbitration-rules/> truy cập ngày 22/4/2024.

[59] Như trên.

[60]  ICSID Arbitration Rules 2022, Quy tắc 36(3).

[62] Beijing Arbitration Commission Arbitration Rules 2019.

[64] Như trên.

[65]  Như trên. Xem thêm Jean E. Kalicki, ‘Security for Costs in International Arbitration’ [2006] Transnational Dispute Management <https://www.transnational-dispute-management.com/article.asp?key=827> truy cập ngày 23/4/2024.  

36 lượt xem

Comments


bottom of page