top of page
icj 1.jpeg

[40] THẨM QUYỀN CỦA TRUNG TÂM QUỐC TẾ VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ (ICSID) ĐỐI VỚI CÁC VẤN ĐỀ NHÂN QUYỀN PHÁT SINH TRONG TRANH CHẤP ĐẦU TƯ QUỐC TẾ

Bài viết này được đăng tại Kỷ yếu Tập san “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID): Các vấn đề pháp lý và thực tiễn” của Dự án Sinh viên Nghiên cứu Luật Quốc tế - Juris Exploratores.


Đinh Văn Khiêm[1]

 

Tóm tắt: Hoạt động đầu tư có yếu tố nước ngoài là một hiện tượng khá phổ biến trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Bên cạnh những lợi ích mà hoạt động đầu tư quốc tế mang lại đối với quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng như nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động này cũng gây ra không ít xung đột lợi ích giữa các bên trong hoạt động đầu tư. Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) ra đời với mục tiêu cung cấp những công cụ hòa giải và trọng tài đối với các tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư. Thẩm quyền của ICSID như được quy định trong Công ước ICSID phải phát sinh trực tiếp từ hoạt động đầu tư, và có sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, quốc gia tiếp nhận đầu tư hoặc nhà đầu tư nước ngoài có thể đưa một số vấn đề nhân quyền như quyền tiếp cận nguồn nước hay quyền của người bản địa vào nội dung tranh chấp. Bài viết sẽ làm rõ thẩm quyền của ICSID đối với các vấn đề nhân quyền phát sinh trong tranh chấp đầu tư. 

 

Từ khóa: Tranh chấp đầu tư quốc tế, thẩm quyền, ICSID, nhân quyền.

           

1. Dẫn nhập

Tranh chấp đầu tư quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể được giải quyết bằng hai biện pháp: (i) Các biện pháp truyền thống (bảo hộ ngoại giao và tòa án quốc gia), và (ii) Các biện pháp khác.[2] Tuy nhiên các biện pháp truyền thống lại gây ra nhiều lo ngại về việc chính trị hóa tranh chấp đầu tư, chi phí cao, và tính công bằng trong giải quyết tranh chấp.[3] Biện pháp phi truyền thống ra đời nhằm giải quyết vấn đề này,[4] đây là cơ chế giúp nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư giải quyết tranh chấp đầu tư thông qua Trọng tài quốc tế. Các Trọng tài quốc tế tiêu biểu có thể kể đến như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hong Kong (HKIAC), và đặc biệt là Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID). Hiện nay, các bên tham gia trọng tài đầu tư quốc tế ngày càng chú trọng đến các vấn đề nhân quyền trong các hiệp định đầu tư và trong yêu cầu khởi tố hoặc phản tố của mình.[5] Các Tòa trọng tài quốc tế cũng dần cởi mở hơn trong việc dựa trên Luật nhân quyền khi giải thích và áp dụng các hiệp định đầu tư quốc tế thậm chí còn giữ nguyên thẩm quyền của mình đối với các yêu cầu phản tố dựa trên nhân quyền của quốc gia đối với nhà đầu tư quốc tế.[6] Bài viết sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về thẩm quyền của Trọng tài quốc tế, cụ thể là ICSID đối với những tranh chấp đầu tư có liên quan đến nhân quyền trong hoạt động đầu tư quốc tế.

 

2. Tổng quan về ICSID và thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

2.1. Tổng quan về ICSID

ICSID là một tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập trên cơ sở Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa quốc gia và Cá nhân của quốc gia khác (Công ước ICSID) năm 1965.[7] ICSID cung cấp các công cụ giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế riêng biệt và độc lập thông qua trọng tài, hoặc hòa giải.[8] Phán quyết trọng tài của ICSID mang tính chung thẩm, ràng buộc tất cả các bên trong tố tụng, cũng như yêu cầu tất cả thành viên của Công ước ICSID công nhận và thi hành.[9] Tính đến nay, đã có 165 quốc gia ký kết Công ước ICSID, trong đó có 158 quốc gia đã phê chuẩn Công ước.[10]

 

2.2. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài được quy định tại Điều 25, Điều 26 và Điều 27 của Công ước ICSID.[11] Từ các quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài tại Công ước ICSID, có thể chia ra ba yêu cầu về thẩm quyền: (i) chủ thể, (ii) sự đồng thuận, và (iii) nội dung.[12]

 

2.2.1. Thẩm quyền chủ thể 

Điều 25 Công ước ICSID quy định các chủ thể trong tranh chấp đầu tư thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài là quốc gia ký kết (Contracting State) và công dân của một quốc gia ký kết khác (national of another Contracting State).[13] Công dân của một quốc gia ký kết khác có thể là thể nhân (natural person), cũng có thể là pháp nhân (juridical person), có quốc tịch khác với quốc gia ký kết còn lại vào ngày các bên đồng thuận đưa tranh chấp đến ICSID.[14]

Ngoài ra, trong thực tiễn đầu tư, có những pháp nhân nước ngoài khi đầu tư hay hoạt động kinh doanh tại một quốc gia khác, phải thành lập công ty theo luật pháp của quốc gia sở tại.[15] Điều 25(2)(b) Công ước ICSID quy định các bên trong tranh chấp có thể đồng thuận rằng các pháp nhân có vốn đầu tư nước ngoài, chịu sự chi phối bởi pháp nhân nước ngoài, nhưng được thành lập tại một quốc gia ký kết sẽ được coi như “công dân của một quốc gia ký kết khác”.[16]

 

2.2.2. Thẩm quyền theo sự đồng thuận

Sự đồng thuận là yếu tố nền tảng cho thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.[17] Điều 25(1) Công ước ICSID quy định các bên trong tranh chấp đầu tư phải có sự đồng thuận bằng văn bản nộp lên ICSID, và một khi các bên đã đồng thuận, không một bên nào được phép đơn phương rút lại sự đồng thuận của mình.[18] Thêm vào đó, quốc gia ký kết có thể tại thời điểm phê chuẩn hoặc chấp nhận Công ước ICSID, hoặc tại bất kỳ thời điểm nào sau đó, thông báo cho ICSID những loại tranh chấp quốc gia đó xem xét đưa ra thẩm quyền tài phán của Hội đồng Trọng tài.[19] Các tranh chấp không thuộc vào loại quốc gia ký kết xem xét đưa lên ICSID, sẽ không hình thành sự đồng thuận,[20] và Hội đồng Trọng tài sẽ không có thẩm quyền đối với những vụ việc như vậy. Sự đồng thuận cũng có thể được thể hiện dưới 1 điều khoản trong thỏa thuận đầu tư, hoặc một thỏa hiệp, đưa tranh chấp đến thẩm quyền tài phán của Hội đồng Trọng tài.[21]

 

2.2.3. Thẩm quyền nội dung

Thẩm quyền nội dung được quy định ngắn gọn trong Điều 25(1) Công ước ICSID như sau: “Thẩm quyền của Trung tâm mở rộng tới mọi tranh chấp pháp lý phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư”.[22] Như vậy, có thể thấy, đối với yêu cầu về nội dung, tranh chấp thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài phải đáp ứng 3 yêu cầu: (i) là một tranh chấp, (ii) có tính pháp lý, và (iii) phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư.

 

3. Các vấn đề nhân quyền trong tranh chấp đầu tư quốc tế

3.1. Các vấn đề nhân quyền có thể phát sinh trong tranh chấp đầu tư quốc tế

Nhân quyền hay quyền con người được Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR) định nghĩa là những quyền phổ quát, “vốn có cho tất cả con người, không kể quốc tịch, giới tính, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc, màu da, tôn giáo, ngôn ngữ hay bất kỳ địa vị nào khác”.[23] Quyền con người được ghi nhận trong nhiều điều ước quốc tế, tiêu biểu như là Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (UDHR) 1948, Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) 1966, và Công ước Quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa (ICESCR) 1976.[24] Trong bối cảnh đầu tư quốc tế, nghĩa vụ nhân quyền là một phần không thể thiếu đối với các nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư.[25] Một số vấn đề nhân quyền có thể liên quan đến tranh chấp đầu tư có thể kể đến như quyền sức khỏe, nước uống, đối xử công bằng, không bị tra tấn, hay không bị cưỡng bức lao động…[26]

 

3.2. Các trường hợp có thể viện dẫn nhân quyền trong tranh chấp đầu tư quốc tế

Các vấn đề nhân quyền có thể được viện dẫn trong tranh chấp đầu tư quốc tế theo nhiều cách khác nhau. Theo đó, nhà đầu tư quốc tế có thể viện dẫn vấn đề nhân quyền trong khiếu nại của mình, quốc gia tiếp nhận đầu tư cũng có thể dựa trên nhân quyền trong yêu cầu phản tố và bào chữa của quốc gia đó, các bên thứ ba trong tranh chấp (amicus curiae) cũng có thể sử dụng nhân quyền để đưa một yêu cầu lên thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài.[27]

           

3.2.1. Nhà đầu tư viện dẫn nhân quyền như một phần trong khiếu nại

Trong trường hợp này, nhà đầu tư nước ngoài có thể dựa trên những nghĩa vụ quốc tế liên quan đến nhân quyền hoặc tham khảo luật nhân quyền để khiếu nại hành vi vi phạm của quốc gia tiếp nhận đầu tư trong hiệp định đầu tư song phương (BIT).[28]


Vụ Strabag and others v. Ba Lan là một ví dụ để làm rõ hơn vấn đề này.[29] Nguyên đơn trong vụ việc bao gồm: Strabag, Raiffeisen Centrobank AG, và Syrena Immobilien Holding AG – ba công ty cổ phần được thành lập theo luật pháp Áo.[30] Bị đơn trong vụ kiện là Cộng hòa Ba Lan.[31] Một phần trong nội dung tranh chấp có liên quan đến nhân quyền được phía nguyên đơn đơn viện dẫn để cáo buộc bị đơn. Theo đó, các nguyên đơn cáo buộc bị đơn về việc vi phạm Điều 6 của Công ước châu Âu về Nhân quyền (ECHR) về “quyền được xét xử công bằng”, và Điều 1 của Nghị định thư thứ nhất của ECHR về “bảo vệ tài sản” khi không cho phép Khách sạn Syrena (phía nguyên đơn) tham gia vào quá trình tố tụng liên quan đến tài sản của họ và không đưa ra quyết định về tài sản của nguyên đơn trong hàng thập kỷ.[32]

 

3.2.2. Quốc gia tiếp nhận đầu tư viện dẫn nhân quyền trong yêu cầu phản tố, cũng như biện minh cho hành vi của mình

Quốc gia tiếp nhận đầu tư có thể dựa trên nhân quyền để yêu cầu bồi thường đối với nhà đầu tư vi phạm quyền con người, hoặc để bảo vệ và biện minh cho hành động của mình.[33]

Vụ Urbaser v. Argentina[34] là một ví dụ điển hình cho điều này. Phía bị đơn Argentina, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế 2001-2002, đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp và gây ra tổn hại tài chính cho phía nguyên đơn.[35] Phía nguyên đơn đã cáo buộc Cộng hòa Argentina vi phạm các quy định của BIT giữa Cộng hòa Argentina và Vương quốc Tây Ban Nha.[36]


Argentina cho rằng các biện pháp được mà mình áp dụng là cách duy nhất để bảo vệ lợi ích thiết yếu của người dân Argentina.[37] Việc tăng giá nước vào thời điểm đó không phù hợp, bởi chi phí cấp nước và cống rãnh sẽ chiếm 13,6% tổng thu nhập trung bình của một hộ gia đình, và gấp ba lần tỉ lệ hợp lý để tiếp cận với nước.[38] Thêm vào đó, việc tăng thuế như các nguyên đơn yêu cầu sẽ vi phạm các quyền cơ bản của người nghèo.[39] Từ đó, Argentina lập luận rằng các biện pháp được nước này thông qua đã đảm bảo quyền con người (quyền tiếp cận nguồn nước và quyền đối với người nghèo) không bị ảnh hưởng bất lợi.[40] Đồng thời, bị đơn đã phản tố nguyên đơn vi phạm nguyên tắc pacta sunt servanda khi không thực hiện các khoản đầu tư mà mình cam kết thực hiện trong hợp đồng nhượng quyền, làm ảnh hưởng đến các điều khoản của hợp đồng cũng như các quyền cơ bản khác của con người.[41]

 

3.2.3. Amicus curiae

Amicus curiae trong Trọng tài đầu tư quốc tế được hiểu là một bên thứ ba trong tranh chấp, tham gia vào quá trình tố tụng nhằm hỗ trợ Hội đồng Trọng tài về một số khía cạnh của vụ việc.[42] Hội đồng Trọng tài chấp nhận quan điểm của bên thứ ba để đảm bảo giải quyết công bằng cho các vấn đề nhân quyền.[43]


Các vụ liên tiếp Border Timbers Limited and others v. Republic of Zimbabwe, và Bernhard von Pezzold and others v. Republic of Zimbabwe đã được Trung tâm Hiến pháp và Nhân quyền Châu Âu (ECCHR) đệ đơn lên Hội đồng Trọng tài.[44] ECCHR cùng với các cộng đồng bản địa của Zimbabwe đã kiến nghị lên Tòa án việc cho phép nộp bản đệ trình bằng văn bản với tư cách là amici curiae và được phép tham gia các phiên điều trần bằng miệng và trả lời bất kỳ câu hỏi nào của Tòa về các văn bản đệ trình.[45] ECCHR đã tìm cách đưa ra trước Hội đồng Trọng tài thực tế tài sản (các đồn điền gỗ của các nhà đầu tư châu Âu) nằm trên lãnh thổ tổ tiên của người dân bản địa, và họ có quyền đối với đất đai đó.[46] 

 

4. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài trong giải quyết tranh chấp có liên quan đến nhân quyền

4.1. Đánh giá về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài

Như đã phân tích, ba yêu cầu về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với một tranh chấp đầu tư bao gồm: thẩm quyền chủ thể, thẩm quyền về sự đồng thuận và thẩm quyền nội dung. Đối với thẩm quyền nội dung, vụ việc phải: (i) là một tranh chấp, (ii) có tính pháp lý, và (iii) phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư.[47] Trong Báo cáo của Giám đốc điều hành ICSID năm 1965, việc sử dụng cụm “tranh chấp pháp lý” (legal dispute) không đơn thuần chỉ xung đột lợi ích mà xung đột phải liên quan đến sự tồn tại quyền hoặc nghĩa vụ pháp lý, hoặc mức độ bồi thường do hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây ra.[48] Điều này có thể mở rộng thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đến những vấn đề khác của Luật quốc tế, bao gồm cả nhân quyền, nếu như những vấn đề này thỏa mãn là một tranh chấp pháp lý và có sự đồng thuận của các bên.


Như vậy, Hội đồng Trọng tài có thể có thẩm quyền đối với một tranh chấp đầu tư liên quan đến nhân quyền. Tuy nhiên, Hội đồng trọng tài cần căn cứ trên từ ngữ và cách giải thích luật pháp cũng như các hiệp định đầu tư song phương giữa quốc gia tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài để có thể kết luận thẩm quyền của mình.[49] Điều này sẽ được làm rõ ở phần sau qua việc phân tích hai án lệ tiêu biểu về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài với những vấn đề nhân quyền trong tranh chấp đầu tư quốc tế.

 

4.2. Thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với tranh chấp đầu tư liên quan đến nhân quyền

4.2.1. Vụ Strabag v. Ba Lan

Quay trở lại với vụ Strabag v. Ba Lan, Hội đồng Trọng tài cho rằng hành vi vi phạm nhân quyền có thể liên quan đến tranh chấp đầu tư và Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền đối với những vấn đề như vậy.[50] Tuy nhiên, Hội đồng Trọng tài không thể kết luận được thẩm quyền về các nghĩa vụ của bị đơn theo ECHR.[51]


Thẩm quyền nội dung yêu cầu một tranh chấp phải có tính pháp lý, tức là có tồn tại quyền, nghĩa vụ pháp lý hoặc mức độ bồi thường do hành vi vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây ra.[52] Điều 7(1) Hiệp định đầu tư song phương (BIT) giữa Áo và Ba Lan 1988 quy định nếu một thỏa thuận trong tương lai của hai bên ký kết bổ sung cho BIT mang lại sự đối xử thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư thì thỏa thuận đó được ưu tiên.[53] Hội đồng Trọng tài cho rằng để có thể căn cứ vào Điều 7(1) của BIT nhằm cáo buộc Ba Lan vi phạm ECHR, phía nguyên đơn cần phải chứng minh được rằng “quyền được xét xử công bằng” và quy định “bảo vệ tài sản” của ECHR tạo thành một thỏa thuận mang lại sự thuận lợi hơn cho khoản đầu tư của nguyên đơn so với BIT quy định.[54] Bên cạnh đó, nguyên đơn cũng cần phải đưa ra tuyên bố về cách thức mà hành vi của Ba Lan cấu thành vi phạm nhân quyền theo Điều 6 của ECHR và Điều 1 của Nghị định thư thứ nhất ECHR.[55] Tuy nhiên, phía nguyên đơn trong phiên điều trần cũng như trong hồ sơ của mình không đưa ra bất kỳ đệ trình nào về khiếu nại vi phạm ECHR của phía bị đơn.[56] Như vậy, Hội đồng Trọng tài khó có thể kết luận các quy định của ECHR mang lại sự đối xử thuận lợi hơn so với BIT quy định, và nguyên đơn phải ưu tiên nghĩa vụ theo ECHR. Do đó, cũng không đủ cơ sở để khẳng định tranh chấp đầu tư có tồn tại trách nhiệm pháp lý của Ba Lan khi vi phạm ECHR. Vì vậy, đối với yêu cầu nội dung tranh chấp, Hội đồng Trọng tài không đủ căn cứ để khẳng định thẩm quyền của mình.  


Qua vụ Strabag v. Ba Lan, có thể rút ra được rằng Hội đồng Trọng tài được thành lập theo công ước ICSID có thẩm quyền giải quyết các vấn đề nhân quyền trong tranh chấp đầu tư. Tuy nhiên, bên khởi kiện cần cung cấp đầy đủ các căn cứ liên quan đến vi phạm của bên còn lại.

 

4.2.2. Vụ Urbaser v. Argentina

Trong vụ việc này, Hội đồng Trọng tài đã khẳng định thẩm quyền của mình trên một số cơ sở. Đầu tiên, đối với thẩm quyền về sự đồng thuận, Hội đồng Trọng Tài nhận thấy rằng sự đồng ý của nguyên đơn dựa trên Điều X của BIT có bao gồm mọi tranh chấp liên quan đến khoản đầu tư và do đó bao gồm cả yêu cầu phản tố của bị đơn.[57] Thứ hai, như đã phân tích phía trên, thẩm quyền nội dung yêu cầu một tranh chấp cần tồn tại quyền, nghĩa vụ, và trách nhiệm pháp lý khi có hành vi sai phạm. Hội đồng Trọng tài bác bỏ lập luận của phía nguyên đơn rằng về bản chất, các tập đoàn không phải là chủ thể của Luật quốc tế, và vì vậy không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ quốc tế.[58] Hội đồng Trọng tài cho rằng căn cứ trên Điều VII của BIT, quốc gia ký kết đã chấp nhận việc các nhà đầu tư có quyền yêu cầu các quyền theo Luật quốc tế, vì vậy không thể khẳng định rằng một tập đoàn có khả năng có quyền theo Luật quốc tế lại không có các nghĩa vụ theo Luật quốc tế.[59] Hội đồng Trọng tài cũng dựa trên các điều ước quốc tế quan trọng về nhân quyền như UDHR và ICESCR để khẳng định rằng không một cá nhân, tổ chức nào dù công hay tư có thể hành động đi ngược lại nhân quyền, điều này hàm ý một nghĩa vụ phải tôn trọng nhân quyền và trong trường hợp này là quyền “tiếp cận nguồn nước”.[60]Như vậy, trong yêu cầu phản tố của bị đơn dựa trên nhân quyền, có tồn tại quyền và nghĩa vụ của các bên, và do đó, thỏa mãn yêu cầu là một tranh chấp có tính pháp lý. Cuối cùng, Hội đồng Trọng tài cho rằng yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu bồi thường của nguyên đơn có mối liên hệ khá rõ ràng, bởi cả hai đều dựa trên cùng một khoản đầu tư, và liên quan đến cùng một chuyển nhượng.[61] Từ đó, Hội đồng Trọng tài kết luận mình có thẩm quyền đối với yêu cầu phản tố dựa trên Điều 25 và 46 của Công ước ICSID, và Điều X của hiệp ước đầu tư song phương.[62]


Như vậy, khác với vụ Strabag v. Ba Lan, Hội đồng Trọng Tài trong vụ Urbaser v. Argentina có đầy đủ căn cứ để xác định thẩm quyền của mình đối với vấn đề nhân quyền phát sinh trong tranh chấp đầu tư. Hội đồng Trọng Tài đã căn cứ các điều khoản của BIT cũng như luật pháp có liên quan (trong trường hợp này là các điều ước quốc tế về nhân quyền) để làm rõ từng nội dung liên quan đến thẩm quyền nội dung cũng như thẩm quyền về sự đồng thuận.

 

5. Kết luận

Như vậy, để đáp ứng yêu cầu về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài, một tranh chấp đầu tư cần phải thỏa mãn đầy đủ ba điều kiện. Thứ nhất, chủ thể trong tranh chấp phải là quốc gia ký kết và bên còn lại là nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài). Thứ hai, các chủ thể trong tranh chấp cần phải có sự đồng thuận về thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với tranh chấp đầu tư. Và cuối cùng, nội dung tranh chấp đầu tư phải là một tranh chấp pháp lý phát sinh trực tiếp từ một khoản đầu tư.


Đối với vấn đề nhân quyền phát sinh trong tranh chấp đầu tư quốc tế, nhà đầu tư quốc tế, quốc gia tiếp nhận đầu tư và bên thứ ba trong tranh chấp đều có thể viện dẫn nhân quyền trong yêu cầu khởi tố hoặc phản tố của mình. Hội đồng Trọng tài có thẩm quyền đối với các vấn đề nhân quyền trong tranh chấp đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài đối với một vụ việc sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc giải thích hiệp định đầu tư song phương và luật pháp có liên quan nhằm xác định căn cứ đồng thuận và nội dung tranh chấp.

 

 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Sinh viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[2] Tăng Minh Thanh Thảo, ‘Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia bằng trọng tài ICSID’ (Luận văn Thạc sĩ, Học viện Ngoại giao 2016.

[3] Như trên.

[4] Thái Hồng Anh, Trần Nguyễn Mỹ Anh, Đỗ Thiên Trang, ‘Những sửa đổi trong quy tắc trọng tài của Trung tâm Quốc tế về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư và tác động của chúng đến tranh chấp’ (Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học lần thứ hai: Vai trò của các cơ quan tài phán quốc tế đối với sự phát triển của Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao, 2023), trang 35.

[5] Alison FitzGerald, Jo Feldman, Alyssa Glass, ‘Human rights and international investment

arbitration: a snapshot’, từ International arbitration report Issue 18, (Norton Rose Fulbright), <https://www.nortonrosefulbright.com/-/media/files/nrf/nrfweb/publications/international-arbitration-report-issue-18.pdf?revision=68977279-ca88-4ccd-b861-42a132fcf8a4&revision=5249600099267387904>, truy cập ngày 19/04/2024.

[6] Như trên

[7] ‘GUIDE TO MEMBERSHIP IN THE ICSID CONVENTION’, (International Center for Settlement of Investment Disputes), <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/Guide_to_Membership_ICSID_Convention.pdf>, truy cập ngày 16/4/2024.

[8] ‘About ICSID’, (International Center for Settlement of Investment Disputes), <https://icsid.worldbank.org/About/ICSID>, truy cập ngày 16/04/2024. Xem thêm tại: ‘Introducing ICSID’ (International Center for Settlement of Investment Disputes, 12/2021), <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/publications/ICSID_Primer_Dec2021.pdf>, truy cập ngày 16/04/2024.

[9] ‘Introducing ICSID’ (International Center for Settlement of Investment Disputes, 12/2021), <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/publications/ICSID_Primer_Dec2021.pdf>, truy cập ngày 16/4/2024.

[10] ‘Spotlight on ICSID Membership’ (International Center for Settlement of Investment Disputes, 10/11/2022), <https://icsid.worldbank.org/news-and-events/speeches-articles/spotlight-icsid-membership#:~:text=Today%2C%20there%20are%20165%20signatories,with%20their%20own%20constitutional%20procedures.>, truy cập ngày 17/4/2024.

[11] Công ước ICSID 1966, Điều 25, 26, 27 <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/ICSID_Convention_EN.pdf>, truy cập ngày 17/4/2024.

[12] A. ŞuleAKYÜZ, ‘THE JURISDICTION OF ICSID: The Application of the Article 25 of Convention on the Settlement of Investment Disputes Between States and Nationals of Other States’, (DergiPark), <https://dergipark.org.tr/tr/download/article-file/628948>, truy cập ngày 17/4/2024. Xem thêm tại: W. Michael Tupman, ‘Case Studies in the Jurisdiction of the International Centre for Settlement of Investment Disputes’, [1986] 35 The International and Comparative Law Quarterly, trang 813 – 838, <https://www.jstor.org/stable/759876?read-now=1&seq=1>, truy cập ngày 17/4/2024.

[13] Công ước ICSID 1966, Điều 25(1)

[14] Công ước ICSID 1966, Điều 25(2)

[15] A. ŞuleAKYÜZ, ‘THE JURISDICTION OF ICSID: The Application of the Article 25 of Convention on the Settlement of Investment Disputes Between States and Nationals of Other States’, (DergiPark), <https://dergipark.org.tr/tr/download/article-file/628948>, truy cập ngày 17/4/2024.

[16] Công ước ICSID 1966, Điều 25(2)(b)

[17] Arshad Masood, ‘JURISDICTION OF INTERNATIONAL CENTRE FOR SETTLEMENT OF INVESTMENT DISPUTES’, [1972] 14(1) Journal of the Indian Law Institute, trang 119-140, <https://www.jstor.org/stable/43950123?read-now=1%3Fread-now%3D1&seq=3>, truy cập ngày 18/4/2024.

[18] Công ước ICSID 1966, Điều 25(1)

[19] Công ước ICSID 1966, Điều 25(4)

[20] Công ước ICSID 1966, Điều 25(4)

[21] ‘Report of the Executive Directors on the Convention on the Settlement of Investment Disputes between States and Nationals of Other States’, (International Centre for Settlement of Investment Disputes, 18/03/1965), đoạn 24, <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/Report_Executive_Directors.pdf>, truy cập ngày 18/4/2024.

[22] Công ước ICSID 1966, Điều 25(1)

[23] Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người, ‘What are human rights?’, (United Nations Human rights Office of the High Commissioner), <https://www.ohchr.org/en/what-are-human-rights>, truy cập ngày 18/4/2024.

[24] Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền 1948 <https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights>, truy cập ngày 18/4/2024; Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 <https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-covenant-civil-and-political-rights>, truy cập ngày 18/4/2024; Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1976 <https://www.ohchr.org/en/instruments-mechanisms/instruments/international-covenant-economic-social-and-cultural-rights>, truy cập ngày 18/4/2024.

[25] Alison FitzGerald, Jo Feldman, Alyssa Glass, ‘Human rights and international investment

arbitration: a snapshot’, từ International arbitration report Issue 18, (Norton Rose Fulbright), <https://www.nortonrosefulbright.com/-/media/files/nrf/nrfweb/publications/international-arbitration-report-issue-18.pdf?revision=68977279-ca88-4ccd-b861-42a132fcf8a4&revision=5249600099267387904>, truy cập ngày 19/04/2024.

[26] Như trên

[27] Glushchenko Iryna, ‘Human Rights in Investment Claims’, (Jus Mundi, 183/2024), <https://jusmundi.com/en/document/publication/en-human-rights-in-investment-claims#>, truy cập ngày 19/4/2024.

[28] Như trên

[29] Alison FitzGerald, Jo Feldman, Alyssa Glass, ‘Human rights and international investment

arbitration: a snapshot’, từ International arbitration report Issue 18, (Norton Rose Fulbright), <https://www.nortonrosefulbright.com/-/media/files/nrf/nrfweb/publications/international-arbitration-report-issue-18.pdf?revision=68977279-ca88-4ccd-b861-42a132fcf8a4&revision=5249600099267387904>, truy cập ngày 19/04/2024. Xem thêm tại: Strabag SE, Raiffeisen Centrobank AG and Syrena Immobilien Holding AG v. Republic of Poland, ICSID, Vụ việc số ADHOC/15/1, Phán quyết về thẩm quyền, (04/03/2020).

[30] Strabag SE, Raiffeisen Centrobank AG and Syrena Immobilien Holding AG v. Republic of Poland, ICSID, Vụ việc số ADHOC/15/1, Phán quyết về thẩm quyền, (04/03/2020), đoạn 1.2 – 1.4.

[31] Như trên, đoạn 1.9.

[32] Như trên, đoạn 5.72 – 5.73

[33] Glushchenko Iryna, ‘Human Rights in Investment Claims’, (Jus Mundi, 18/3/2024), <https://jusmundi.com/en/document/publication/en-human-rights-in-investment-claims#>, truy cập ngày 19/4/2024.

[34] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016).

[35] Như trên

[36] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016), đoạn 38.

[37] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016), đoạn 702.

[38] Như trên

[39] Như trên

[40] Như trên

[41] Như trên, đoạn 702 và 1156.

[42] Blasco Juan Pablo, Jaroslavsky Pablo, ‘Amici Curiae in Investment Arbitration’, (Jus Mundi, 19/03/2024), <https://jusmundi.com/en/document/publication/en-amici-curiae-in-investment-arbitration#:~:text=The%20term%20amicus%20curiae%20(plural,view%20of%20assisting%20the%20arbitral>, truy cập ngày 21/4/2024.

[43] Glushchenko Iryna, ‘Human Rights in Investment Claims’, (Jus Mundi, 18/3/2024), <https://jusmundi.com/en/document/publication/en-human-rights-in-investment-claims#>, truy cập ngày 19/4/2024.

[44] ECCHR, ‘Human Rights inapplicable in International Investment Arbitration?’, (European Center for Constitutional and Human Rights, 07/2012), <https://www.ecchr.eu/fileadmin/Kommentare_Konferenzberichte_Weiteres/Kommentar_ICSID_tribunal_-_Human_Rights_Inapplicable.pdf>, truy cập ngày 21/4/2024.

[45] Border Timbers Limited, Border Timbers International (Private) Limited, and Hangani Development Co. (Private) Limited v. Republic of Zimbabwe, ICSID, Vụ việc số ARB/10/25, Phán quyết, (20/12/2010), đoạn 36.

[46] ECCHR, ‘Human Rights inapplicable in International Investment Arbitration?’, (European Center for Constitutional and Human Rights, 07/2012), <https://www.ecchr.eu/fileadmin/Kommentare_Konferenzberichte_Weiteres/Kommentar_ICSID_tribunal_-_Human_Rights_Inapplicable.pdf>, truy cập ngày 21/4/2024.

[47] Xem phần 1.2

[48] ‘REPORT OF THE EXECUTIVE DIRECTORS ON THE CONVENTION ON THE SETTLEMENT OF INVESTMENT DISPUTES BETWEEN STATES AND NATIONALS OF OTHER STATES’, (International Centre for Settlement of Investment Disputes, 18/03/1965), <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/Report_Executive_Directors.pdf>, truy cập ngày 21/4/2024.

[49] Aceris Law LLC, ‘Human Rights Law and Investment Arbitration’, (Aceris Law LLC, 25/04/2021), <https://www.acerislaw.com/human-rights-law-and-investment-arbitration/>, truy cập ngày 21/04/2024.

[50] Strabag SE, Raiffeisen Centrobank AG and Syrena Immobilien Holding AG v. Republic of Poland, ICSID, Vụ việc số ADHOC/15/1, Phán quyết về thẩm quyền, (04/03/2020), đoạn 5.75.

[51] Như trên, đoạn 5.75

[52] ‘REPORT OF THE EXECUTIVE DIRECTORS ON THE CONVENTION ON THE SETTLEMENT OF INVESTMENT DISPUTES BETWEEN STATES AND NATIONALS OF OTHER STATES’, (International Centre for Settlement of Investment Disputes, 18/03/1965), <https://icsid.worldbank.org/sites/default/files/Report_Executive_Directors.pdf>, truy cập ngày 21/4/2024.

[53] Strabag SE, Raiffeisen Centrobank AG and Syrena Immobilien Holding AG v. Republic of Poland, ICSID, Vụ việc số ADHOC/15/1, Phán quyết về thẩm quyền, (04/03/2020), đoạn 5.72.

[54] Như trên, đoạn 5.75

[55] Như trên, đoạn 5.75

[56] Như trên, đoạn 5.75

[57] Stefanie Schacherer, ‘Urbaser v. Argentina’ (International Institute for Sustainable Development – Investment Treaty News, 18/10/2018), <https://www.iisd.org/itn/en/2018/10/18/urbaser-v-argentina/>, truy cập ngày 21/4/2024.

[58] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016), đoạn 1194.

[59] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016), đoạn 1194.

[60] Như trên, đoạn 1196 – 1120.

[61] Urbaser S.A. and Consorcio de Aguas Bilbao Bizkaia, Bilbao Biskaia Ur Partzuergoa v. The Argentine Republic, ICSID, Vụ việc số ARB/07/26, Phán quyết, (08/12/2016), đoạn 1151.

[62] Như trên, đoạn 1155

25 lượt xem

Comments


bottom of page