top of page
icj 1.jpeg

[44] BÀN VỀ TÍNH KHÁCH QUAN VÀ ĐỘC LẬP CỦA BIỆN PHÁP TRỌNG TÀI THEO CÔNG ƯỚC ICSID

Tác giả: Hồ Quỳnh Trang, Trịnh Minh Phương

 

Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các vấn đề pháp lý phát sinh giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia nhận đầu tư dần nhận được nhiều sự quan tâm. Một khung pháp lý chung của luật quốc tế đã được xây dựng và phát triển nhằm nỗ lực giải quyết các tranh chấp này, điển hình là Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID). Công ước quy định về hai cơ chế giải quyết tranh chấp chủ yếu, đó là hòa giải và trọng tài. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, hai cơ chế này còn ghi nhận những lỗ hổng pháp lý cần được hoàn thiện. Nhiều câu hỏi được đặt ra liệu rằng biện pháp trọng tài theo Công ước ICSID có bảo đảm được tính khách quan, độc lập khi các bên tranh chấp được quyền lựa chọn trọng tài viên hay không. Bài viết này sẽ tập trung bàn luận sâu hơn về vấn đề pháp lý còn tồn đọng của biện pháp trọng tài, cùng với đó là những trường hợp thực tiễn liên quan.

 

Từ khoá: ICSID, biện pháp trọng tài, giải quyết tranh chấp, tính khách quan, tính độc lập.

 

Môi trường đầu tư lành mạnh là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy hoạt động đầu tư quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, rất khó để tránh khỏi các tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận. Theo đó, Công ước ICSID đã đặt ra một khung pháp lý về các Quy tắc Trọng tài để đảm bảo tính khách quan và độc lập trong quá trình giải quyết tranh chấp này. Hiện nay, tính khách quan và độc lập theo Công ước ICSID vẫn là điểm nóng giữa các tranh luận về một phán quyết công bằng và hiệu quả của Hội đồng xét xử trọng tài.


Bài viết này sẽ khám phá sâu hơn vào các khía cạnh của tính khách quan và độc lập trong cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế bằng biện pháp trọng tài, đi từ khái niệm về tính khách quan và độc lập đến những thách thức và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay.

 

1. Giải quyết tranh chấp bằng phương pháp trọng tài giữa nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước ICSID 

Cơ chế giải quyết các tranh chấp đầu tư quốc tế thông qua biện pháp trọng tài được thành lập theo Khoản 2 Điều 1 Công ước ICSID: “...Trung tâm cung cấp các phương tiện hòa giải và trọng tài cho các tranh chấp đầu tư giữa các Quốc gia Ký kết và công dân của các Quốc gia Ký kết khác phù hợp với các quy định của Công ước này.”[1]

 

Quy trình tố tụng trọng tài theo Công ước bao gồm 04 bước: (i) Nộp đơn khởi kiện và thụ lý;[2] (ii) Thành lập Hội đồng trọng tài;[3] (iii) Xét xử;[4] (iv) Ra phán quyết.[5] Trong đó, Hội đồng trọng tài được thành lập tại bước thứ 02 của quy trình, và cũng là bước quan trọng nhất để quyết định tính khách quan và độc lập của các trọng tài viên. Theo quy định tại Điều 37 của Công ước, số lượng Trọng tài viên sẽ được quyết định theo 02 trường hợp khác nhau, tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên.

 

Trường hợp thứ nhất quy định các bên tranh chấp sẽ chỉ định một Trọng tài viên duy nhất hoặc bất kỳ số lượng lẻ nào mà các bên thỏa thuận.[6] Trường hợp còn lại khi các bên không thể nhất trí về số lượng thì Hội đồng Trọng tài sẽ bao gồm 03 trọng tài viên, trong đó 02 trọng tài viên sẽ do mỗi bên tranh chấp chỉ định, và Chủ tịch của Hội đồng Trọng tài sẽ được lựa chọn theo sự thống nhất của các bên.[7]

 

2. Bàn về tính khách quan và tính độc lập

Tính khách quan và độc lập được xem là nguyên tắc trung tâm của trọng tài thương mại quốc tế và có liên hệ trực tiếp đến các trọng tài viên. Nguyên tắc này quy định trọng tài viên thì “không thể vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tức là trọng tài viên không được thiên vị.[8] Đồng thời, nguyên tắc về đảm bảo tính khách quan và độc lập của trọng tài viên được đặc biệt nhấn mạnh trong Quy định Trọng tài của Ủy ban Liên Hợp Quốc về Luật Thương mại Quốc tế (UNCITRAL),[9] Tòa án Trọng tài Quốc tế (ICC),[10] các quy định của ICSID cũng như là pháp luật trọng tài của nhiều nước.[11] Điều 5 Quy tắc trọng tài của Toà án Trọng tài Quốc tế Luân Đôn 2020 (LCIA) yêu cầu tất cả các thành viên của Hội đồng trọng tài phải duy trì tính khách quan và độc lập trong suốt quá trình trọng tài, không được phép hành động với tư cách là người biện hộ cho các bên.[12] Tương tự, Khoản 1 Điều 10 Quy tắc trọng tài viên trọng tài Hà Lan cũng quy định: “Trọng tài viên phải khách quan và độc lập. Trọng tài viên không thể có quan hệ nghề nghiệp hay nhân thân gần gũi với các trọng tài khác trong hội đồng xét xử, hay với bất kỳ một bên tranh chấp nào. Trọng tài viên không thể có lợi ích nghề nghiệp hoặc lợi ích nhân thân trực tiếp nào trong kết quả giải quyết vụ việc. Trước khi được bổ nhiệm, trọng tài viên không thể tiết lộ quan điểm của mình về vụ việc với một trong các bên tranh chấp”. Nguyên tắc về tính khách quan và độc lập cũng được thể hiện tại Khoản 2 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 của Việt Nam với nội dung tương tự như pháp luật trọng tài của các nước, cụ thể: “Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật”.[13] 

 

Tuy “tính khách quan” và “tính độc lập” không có một ranh giới phân biệt rõ ràng, hai khái niệm này vẫn là hai khái niệm khác biệt và cần được phân biệt rõ nét. Mặc dù vậy, nhiều luật về trọng tài hiện nay thiếu một định nghĩa cụ thể về hai thuật ngữ này.[14] 


2.1. Tính khách quan

Tính khách quan đề cập đến khả năng của trọng tài trong việc duy trì lập trường không thiên vị hoặc không có khuynh hướng nghiêng về bất kỳ bên nào hoặc về các vấn đề nào đó trong một tranh chấp nhất định.[15] Điều này đòi hỏi trọng tài viên luôn phải hành xử trung thực, ngay thẳng, và công bằng. Một trọng tài viên bị coi là không khách quan nếu trọng tài viên đó bày tỏ định kiến chống lại một trong số các bên hoặc kết quả xét xử. Vì tính khách quan không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn chủ quan mà còn liên quan đến trạng thái tinh thần (state of mind), nên việc xác định chắc chắn liệu tiêu chuẩn này có được đáp ứng thực sự hay chỉ đơn thuần là được nhận thức bởi trọng tài viên sẽ trở nên khó khăn hơn.[16] Nhìn chung, tính khách quan của trọng tài viên được thể hiện thông qua khả năng thực hiện chức năng của họ mà không có sự thiên vị, từ đó giảm thiểu những thách thức có thể phát sinh trong quá trình tố tụng. Vì vậy, trọng tài viên coi tính khách quan là một nghĩa vụ hơn là một đặc quyền.[17]


2.2. Tính độc lập

Khái niệm độc lập yêu cầu trọng tài viên không có mối quan hệ hay liên hệ với bất kỳ bên tranh chấp nào, dù trong hiện tại hay quá khứ, trực tiếp hay gián tiếp.[18] Tính độc lập không liên quan đến trạng thái tinh thần của trọng tài mà liên quan đến vị trí hoặc mối quan hệ của họ với các bên, bao gồm cả các khía cạnh xã hội và tài chính. Một trọng tài viên được xem là độc lập nếu trọng tài viên đó không nhận được bất kỳ lợi ích tài chính nào từ kết quả giải quyết vụ việc.[19] Không giống như tính khách quan, tính độc lập liên quan đến việc thiếu quan hệ với một bên có thể ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài viên. Vì vậy trong mọi trường hợp, khi nhận ra có những yếu tố làm ảnh hưởng tới “tính độc lập” của mình, trọng tài viên có nghĩa vụ thông báo ngay cho các bên. Nếu không nhận được những thông báo kịp thời thì khi các bên phát hiện ra những yếu tố ảnh hưởng ấy, các bên có thể quyết định thay đổi trọng tài viên. Ngoài ra, để được coi là độc lập, trọng tài viên cần tránh những cuộc tiếp xúc với duy nhất một bên, chẳng hạn như các cuộc trao đổi miệng trực tiếp với một bên mà không có sự hiện diện của bên còn lại, hoặc trao đổi thông qua văn bản với một bên mà không đồng thời chuyển bản sao tới bên kia.[20]

 

Sự thiếu độc lập có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn như mối quan hệ giữa công ty luật của trọng tài viên với một bên hoặc một bên làm chứng. Một trường hợp khác cũng làm nảy sinh nhiều mối lo ngại về tính độc lập của trọng tài viên là khi công ty luật của trọng tài viên có mối quan hệ với công ty luật của luật sư đại diện cho một bên.[21] Tuy nhiên, việc đánh giá tính độc lập của trọng tài viên cần xem xét đến thời điểm và mức độ mối quan hệ giữa trọng tài viên với luật sư đại diện cũng như các công ty luật của họ. Khi công ty luật của luật sư chỉ xử lý một số vấn đề không liên quan đến một trong hai bên hoặc khi cả trọng tài viên và luật sư không hành động thay mặt cho công ty luật của họ tham gia tố tụng, tính độc lập của trọng tài viên sẽ không bị ảnh hưởng.[22]

 

Trong khi “tính khách quan” và “tính độc lập” có mối liên hệ với nhau, trọng tài viên có thể có tính khách quan nhưng không hoàn toàn độc lập và vẫn đủ tư cách để giải quyết vụ việc tranh chấp. Tuy nhiên, nếu trọng tài viên thiếu tính khách quan thì dù có tính độc lập, họ cũng sẽ không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó. Vì vậy, tiêu chuẩn vàng trong việc lựa chọn trọng tài viên do các bên chỉ định trong tố tụng trọng tài là phải ưu tiên tính khách quan.[23] 

 

3. Phân tích tính khách quan và độc lập theo Công ước ICSID

Trọng tài viên được thành lập theo Công ước ICSID cần phải đáp ứng cả tính khách quan và tính độc lập. Như được quy định trọng Khoản 1 Điều 14 của Công ước, các trọng tài viên phải là “... những người có thể tin cậy được để đưa ra phán quyết độc lập”. Tuy nhiên, trong cả bản tiếng Anh hay tiếng Pháp[24] của Công ước, Khoản 1 Điều 14 đều chỉ quy định về việc đảm bảo tính độc lập của các trọng tài viên. Mặc dù vậy, phiên bản tiếng Tây Ban Nha của Khoản 1 Điều 14 Công ước đề cập đến tính khách quan trong các phán quyết trọng tài.[25] Theo Điều 75 của Công ước, cả ba bản ngôn ngữ đều có giá trị xác thực như nhau, do đó cả hai yêu cầu về tính khách quan và độc lập đều là bắt buộc theo sự đồng thuận của các học giả[26] và những người sử dụng cơ chế trọng tài ICSID để hòa giải. Tiêu chuẩn về tính khách quan và độc lập áp dụng cho cả các trọng tài viên được chỉ định và chủ tịch của hội đồng xét xử.[27]

 

Khác với Quy tắc Trọng tài UNCITRAL và Quy tắc Trọng tài SCC quy định để hủy bỏ tư cách của trọng tài viên thì cần có những “nghi ngờ chính đáng” (justifiable doubts) liên quan đến tính độc lập và khách quan của trọng tài viên đó, những yêu cầu về hủy bỏ tư cách trọng tài viên trong Công ước ICSID dường như khó để đáp ứng hơn. Theo Điều 57 của Công ước, một bên có quyền hủy bỏ tư cách của thành viên trong Hội đồng trọng tài nếu thành viên đó không được tin cậy để “đưa ra phán quyết độc lập” (exercise independent judgements),[28] đồng thời dựa vào yếu tố “bất kỳ thực tế nào chỉ ra sự thiếu hụt rõ ràng các phẩm chất được yêu cầu bởi Khoản 1 Điều 14”.[29] 

 

Trong vụ kiện giữa Suez, Sociedad General de Aguas de Barcelona, S.A. và Interagua Servicios Integrales de Agua, S.A. với Cộng hòa Argentina, Tòa Trọng tài đã đưa ra bình luận về Điều 57 của Công ước ICSID rằng điều khoản này đặt nặng “nghĩa vụ chứng minh” (burden of proof) lên các bên liên quan. Cụ thể, các bên cần phải có chứng cứ rõ ràng chứng minh rằng “trọng tài viên đó là người không đáng tin cậy để đưa ra phán quyết một cách độc lập và khách quan”.[30] Hơn nữa, khi áp dụng các tiêu chuẩn của Điều 14 để xem xét các khiếu tố liên quan đến tính độc lập và khách quan của trọng tài viên, Tòa Trọng tài đã thống nhất rằng cần có một “tiêu chuẩn khách quan” (objective standard) để đánh giá.[31] Tiêu chuẩn khách quan để có thể hủy bỏ tư cách của một trọng tài viên được thiết lập dựa trên những căn cứ “rõ ràng” (manifest), “có khả năng cao” (highly probable), và “không chỉ dừng lại ở mức có thể” (not just possible) chỉ ra trọng tài viên đó hành động và đưa ra phán quyết một cách thiếu độc lập và khách quan.[32] 

 

4. Thách thức và thực tiễn liên quan đến tính khách quan và độc lập

Những thách thức liên quan đến tính khách quan và độc lập của trọng tài viên có xu hướng tăng dần khi các bên tranh chấp không muốn một trọng tài viên thiếu khách quan, độc lập xét xử tranh chấp giữa họ. Điều này dẫn đến gia tăng chi phí tố tụng trọng tài cũng như làm chậm đi quá trình giải quyết tranh chấp.


4.1. Mối quan hệ giữa trọng tài viên và các bên tranh chấp

Có thể thấy, các bên tranh chấp có tầm ảnh hưởng lớn trong việc lựa chọn các trọng tài viên, đồng thời Công ước ICSID chưa có quy định cụ thể về việc xác thực mối quan hệ giữa trọng tài viên và các bên tranh chấp để đảm bảo tính khách quan và độc lập. Do đó, những lo ngại về mối quan hệ giữa trọng tài viên và các bên tranh chấp là khó tránh khỏi.

 

Mối quan hệ giữa trọng tài viên và các bên có thể phát sinh trong nhiều trường hợp khác nhau. Hướng dẫn của IBA về Xung đột Lợi ích trong Trọng tài Quốc tế (Hướng dẫn IBA) đã liệt kê ra một số trường hợp trọng tài viên sẽ bị tước bỏ thẩm quyền xét xử vụ việc, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp “trọng tài viên có lợi ích tài chính hoặc lợi ích cá nhân đáng kể đối với một trong các bên, hoặc đối với kết quả của vụ việc”[33]. Trong những trường hợp như vậy, việc chỉ định trọng tài viên sẽ bị phản đối và bác bỏ.

 

Quan hệ giữa trọng tài viên và các bên tranh chấp còn có thể phát sinh dựa trên tư vấn của trọng tài viên dành cho một trong các bên.[34] Nếu vai trò tư vấn này dẫn đến “trọng tài viên hoặc công ty của họ thu được thu nhập tài chính đáng kể từ đó”[35], nó có thể ảnh hưởng đến kết quả của thủ tục tố tụng trọng tài.

 

Trong vụ kiện World Duty Free Company Ltd. v. Cộng hòa Kenya,[36] quyết định của tòa trọng tài đã bị phản đối do lo ngại về tính độc lập và khách quan của một trong các trọng tài viên.[37] Cụ thể, bên nguyên đơn là công ty World Duty Free đã nêu lên quan ngại về mối quan hệ giữa giáo sư Crawford và bên bị đơn là Cộng hòa Kenya do nhận thấy Crawford đã từng làm việc cho công ty luật Freshfields - đại diện cho bên bị đơn. Vì vậy, giáo sư Crawford đã rút khỏi hội đồng trọng tài để đảm bảo tính khách quan và độc lập. Sau đó, ông Veeder được bị đơn bổ nhiệm làm trọng tài viên cho vụ kiện này, nhưng bị nguyên đơn từ chối tiếp nhận. Tuy nhiên, sự phản đối của nguyên đơn đã được chứng minh là không có căn cứ và ông Veeder vẫn tiếp tục vai trò của mình trong hội đồng trọng tài.[38] Nhiều quan ngại dấy lên từ việc trọng tài viên đã từng đóng vai trò cố vấn trong một vấn đề liên quan đến một trong các bên đã dẫn đến nghi ngờ về khả năng giữ thái độ trung lập và không thiên vị của họ trong quá trình đưa ra phán quyết trọng tài.


4.2. Mối quan hệ giữa trọng tài viên và luật sư đại diện của các bên tranh chấp

Tính khách quan và độc lập của trọng tài viên cũng có thể bị thách thức trong trường hợp trọng tài viên có mối quan hệ với luật sư đại diện của một trong các bên tranh chấp. Một trường hợp cụ thể có thể dẫn đến mối quan hệ của trọng tài viên với luật sư đại diện của các bên là khi họ làm việc trong cùng một công ty luật.[39] Bên cạnh đó, nếu các trọng tài “đã được chỉ định nhiều hơn ba lần bởi cùng một luật sư”[40] hoặc cùng một công ty luật, điều này cũng cho thấy mối quan hệ của trọng tài viên với một trong các luật sư.[41]

 

Ngoài ra, một thách thức khác cũng được cân nhắc là mối quan hệ có khả năng nảy sinh khi trọng tài viên và luật sư đại diện đều thuộc cùng một phòng luật sư. Trong những trường hợp như vậy, Hướng dẫn IBA nhấn mạnh sự cần thiết phải tiết lộ bất kỳ khiếu nại nào khi “trọng tài và trọng tài viên khác hoặc luật sư của một trong các bên là thành viên của cùng một phòng luật sư”[42] vì điều này có thể đóng vai trò như một manh mối để xác định mối liên hệ giữa trọng tài viên và luật sư đại diện của các bên.


4.3. Quốc tịch của trọng tài viên

Vấn đề quốc tịch của trọng tài viên cũng là một thách thức trong việc đảm bảo tính khách quan và độc lập. Vấn đề này thường được nhắc tới trong trường hợp hội đồng trọng tài chỉ gồm một trọng tài viên duy nhất hoặc chủ tịch hội đồng trọng tài là trọng tài viên có cùng quốc tịch với một trong các bên tranh chấp. Một số ý kiến cho rằng nếu trọng tài có cùng quốc tịch với một trong các bên thì điều đó có thể dẫn đến sự thiên vị cho quốc gia quốc tịch của trọng tài viên. Ngược lại, ý kiến khác lại cho rằng quốc tịch của trọng tài không ảnh hưởng đến tính công bằng của họ, điều này thậm chí có thể có những tác động tích cực. Chẳng hạn, quốc tịch chung có thể cho phép trọng tài đóng vai trò là thông dịch viên và tạo điều kiện liên lạc với các bên trong trường hợp phán quyết của trọng tài được chấp nhận.[43] Ngoài ra, Luật mẫu UNCITRAL[44] quy định rằng quốc tịch của trọng tài không phải là yếu tố quyết định ngăn cản họ làm trọng tài viên trong quá trình tố tụng trọng tài, trừ khi các bên có thỏa thuận khác.[45]

 

Tuy nhiên, Công ước ICSID vẫn coi việc trọng tài viên có quốc tịch chung với một trong các bên tranh chấp có thể dẫn đến sự thiếu tính khách quan và độc lập, cụ thể được thể hiện tại Khoản 3 Điều 1 Chương 1 về Sự thành lập Hội đồng trọng tài. Theo đó, số đông các trọng tài viên trong Hội đồng trọng tài sẽ không mang quốc tịch của Quốc gia thành viên tranh chấp hoặc của Quốc gia có công dân là một bên tranh chấp, trừ khi trọng tài viên duy nhất hoặc từng thành viên riêng lẻ của Hội đồng trọng tài được chỉ định theo thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài gồm ba thành viên, công dân của một trong hai Quốc gia này không được một bên chỉ định làm trọng tài viên nếu không có sự đồng ý của bên tranh chấp kia. Trong trường hợp Hội đồng trọng tài bao gồm năm thành viên trở lên, công dân của một trong hai Quốc gia này có thể không được một bên chỉ định làm trọng tài viên nếu việc bên kia chỉ định cùng số lượng trọng tài viên của một trong hai quốc gia này sẽ dẫn đến đa số trọng tài của các quốc tịch này.

 

Tính khách quan và độc lập của biện pháp trọng tài theo Công ước ICSID đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo công bằng và minh bạch trong giải quyết tranh chấp lĩnh vực đầu tư quốc tế. Mặc dù vẫn còn tồn tại một số thách thức và tranh cãi, nhưng ICSID đã và đang nỗ lực nhằm đảm bảo tính khách quan và độc lập trong hệ thống trọng tài của mình, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các bên tham gia. Điều này không chỉ góp phần tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư, mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống pháp luật quốc tế về đầu tư.

  

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID), Điều 1.

[2] Công ước ICSID, Phần 1, Chương IV.

[3] Công ước ICSID, Phần 2, Chương IV.

[4] Công ước ICSID, Phần 3, Chương IV.

[5] Công ước ICSID, Phần 4, Chương IV.

[6] Công ước ICSID, Điểm (a), Khoản 2, Điều 37.

[7] Công ước ICSID, Điểm (b), Khoản 2, Điều 37.

[8] Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Quang Hưng, ‘Kỹ năng của luật sư trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài’ (VITAC, 08 September 2023) <https://vtac.vn/ky-nang-cua-luat-su-trong-giai-quyet-tranh-chap-bang-trong-tai> truy cập ngày 24/4/2024.

[9] Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, Điều 11-13.

[10] Quy tắc Trọng tài ICC, Điều 11, Điều 13.

[11] Trần Minh Ngọc, Vũ Thị Phương Lan (Chủ biên), Giáo trình Tư pháp Quốc tế (Nhà xuất bản Tư pháp 2017), trang 229.

[12] Quy tắc Trọng tài LCIA, Điều 5.3: “All arbitrators shall be and remain at all times impartial and independent of the parties; and none shall act in the arbitration as advocate for or authorised representative of any party. No arbitrator shall give advice to any party on the parties’ dispute or the conduct or outcome of the arbitration.”

[13] Trần Minh Ngọc, Vũ Thị Phương Lan (Chủ biên), Giáo trình Tư pháp Quốc tế, supra note 11, trang 230.

[14] Anh Thuy Dung Nguyen, ‘Standards of independence and impartiality in the context of international commercial arbitration’ (2023) 85 <https://d.vjst.vn/index.php/vmost_jossh/article/view/321> truy cập ngày 24/4/2024.

[15] Redfern.A., Hunter.M., International Arbitration (Tái bản lần thứ 6, Nhà xuất bản Đại học Oxford 2015), trang 808.

[16] Stefanie Schacherer, ‘Independence and Impartiality of Arbitrators: A Rule of Laws Analysis’ (2018) 1-6 <https://ink.library.smu.edu.sg/sol_research/3949> truy cập ngày 24/4/2024.

[17] Như trên.

[18] Redfern.A., Hunter.M., International Arbitration, supra note 15.

[19] Trần Minh Ngọc, Vũ Thị Phương Lan (Chủ biên), Giáo trình Tư pháp Quốc tế, supra note 11, trang 229.

[20] Như trên.

[21] Beimel. I. H., ‘Independence and impartiality in international commercial arbitration’ [2021]  29 International Commerce and Arbitration, 92. 

[22] Như trên.

[23] Doak Bishop, Lucy Reed, ‘Practical guidelines for interviewing, selecting and challenging party-appointed arbitrators in international commercial arbitration’ [1998] 14(4), Arbitration International, pp.395-430.

[24] Công ước ICSID, khoản 1 Điều 14 (Version française): “Les personnes désignées pour figurer sur les listes doivent … offrir toute garantie d’indépendance dans l’exercice de leurs fonctions.”

[25] Công ước ICSID, khoản 1 Điều 14 (Versión en español): “Las personas designadas para figurar en las Listas deberán … inspirar plena confianza en su imparcialidad de juicio.”

[26] “Impartiality is also regarded as an implicit requirement for independent judgment”. Rubins. N., & Lauterburg. B., Independence, Impartiality and Duty of Disclosure in Investment Arbitration (Investment and Commercial Arbitration 2010), 153; Schreuer et al., The ICSID Convention: A Commentary (Tái bản lần thứ 2, Nhà xuất bản Đại học Cambridge 2019), 5.

[27] Schreuer et al., Commentary, supra note 18, 21; Karel Daele, ‘Challenge and Disqualification of Arbitrators in International Arbitration’ [2012] 5–057.

[28] Công ước ICSID, khoản 1 Điều 14.

[29] Công ước ICSID, Điều 57.

[30] Suez, Sociedad General de Aguas de Barcelona S.A., and InterAguas Servicios Integrales del Agua S.A. v. The Argentine Republic (Suez and Interagua v. Argentina), Decision on the Proposal for the Disqualification of a Member of the Arbitral Tribunal, Judgement, ICSID Report 2007, p. 15, para. 29.

[31] Suez and Interagua v. Argentina, Decision on the Second Proposal for the Disqualification of a Member of the Arbitral Tribunal, Judgement, ICSID Report 2008, p.18, para. 39.

[32] Schreuer et al., Commentary, supra note 18, trang 1201, đoạn 17; Sheppard, A., Arbitrator Independence in ICSID Arbitration, in International Investment Law for the 21st Century: Essays in Honour of Christoph Schreuer (Nhà xuất bản Đại học Oxford 2009), trang 132.

[33] The IBA Guidelines, para 1.3 of the Non-Waivable Red List.

[34] The IBA Guidelines, para 2.1.1 of the Waivable Red List.

[35] The IBA Guidelines, para 2.3.1 of the Waivable Red List.

[36] World Duty Free Company Ltd. v. Republic of Kenya, Award, ICSID Report 2006, p.30, para. 134.

[37] Mrisho.M.I., Dung.T.T.K., Ghani.H.U., Kassim Bakari Kipanga.K.B., ‘Investor-State Dispute Settlement and the Application of the Rule of Law Under the ICSID Convention’ [2023] US-China Law Review 20(7), 301.

[38] supra note 36, para. 10-15.

[39] The IBA Guidelines, para 2.3.3 of the Waivable Red List

[40] The IBA Guidelines, para 3.3.8 of the Orange List.

[41] International Bar Association (2015), The IBA Guidelines on Conflicts of Interest in International Arbitration (adopted October 23, 2014, and updated August 10, 2015).

[42] The IBA Guidelines, para 3.3.2 of the Orange List.

[43] J.D.M. Lew, L.A. Mistelis, S. Kroll, ‘Comparative International Commercial Arbitration’ [2003] Kluwer Law International, 992.

[44] Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, supra note 9.

[45] Quy tắc Trọng tài UNCITRAL, supra note 9, Điều 11.

26 lượt xem

Comments


bottom of page