top of page
icj 1.jpeg

[45] VẤN ĐỀ MIỄN TRỪ THI HÀNH THEO CÔNG ƯỚC VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẦU TƯ GIỮA CÁC QUỐC GIA VÀ CÔNG DÂN CỦA CÁC QUỐC GIA KHÁC

Tác giả: Bùi Thị Kim Hồng[1], Ngô Vũ Anh Thư[2], Lê Thu Trang[3]


Tóm tắt: Quyền miễn trừ hướng đến hai giai đoạn chính trong tranh chấp, bao gồm miễn trừ tài phán và miễn trừ thi hành. Nhìn chung, thỏa thuận trọng tài được coi là sự từ bỏ quyền miễn trừ tài phán. Tuy nhiên, đối với miễn trừ thi hành, Điều 55 Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (“Công ước ICSID”) quy định việc đồng ý sử dụng trọng tài ICSID không cấu thành sự từ bỏ quyền này. Trong bối cảnh tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư đang ngày càng gia tăng, miễn trừ thi hành đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với việc thi hành phán quyết trọng tài. Cụ thể, miễn trừ thi hành có thể làm giảm hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp theo Công ước ICSID cũng như gây khó khăn cho nhà đầu tư thắng kiện. Từ những lý do trên, bài nghiên cứu “Vấn đề miễn trừ thi hành theo Công ước Giải quyết tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và công dân của các quốc gia khác” hướng đến việc làm rõ các khía cạnh của miễn trừ thi hành theo Công ước ICSID. Bên cạnh đó, thông qua các phương pháp phân tích, tổng hợp và so sánh, bài nghiên cứu nhận định những thách thức liên quan, đồng thời đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của Công ước ICSID.


Từ khóa: miễn trừ thi hành, ICSID, cơ chế giải quyết tranh chấp


Mở đầu

Luật đầu tư quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên quốc gia, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của các quốc gia. Tuy nhiên, tranh chấp đầu tư giữa các quốc gia và nhà đầu tư nước ngoài cũng thường xuyên xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hợp tác quốc tế. Công ước Washington năm 1965 về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa Nhà nước và công dân của Nhà nước khác (“Công ước ICSID”) là một văn bản pháp lý quốc tế quan trọng nhằm thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư hiệu quả trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế ngày càng sâu rộng và phức tạp, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, vấn đề miễn trừ thi hành đối với tài sản của quốc gia trong các vụ tranh chấp ICSID vẫn còn nhiều tranh luận và phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà đầu tư và việc thực thi pháp luật. Việc nghiên cứu và làm rõ các vấn đề liên quan đến miễn trừ thi hành trong Công ước ICSID có ý nghĩa quan trọng trong việc cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư, góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư an toàn, minh bạch và hiệu quả hơn.

 

1. Tổng quan về miễn trừ

1.1. Phân loại miễn trừ

Theo Công ước ICSID, hội đồng trọng tài ICSID có quyền giải quyết tranh chấp phải đáp ứng đủ ba điều kiện. Thứ nhất, cả quốc gia của nhà đầu tư nước ngoài và quốc gia tiếp nhận đầu tư đều phải là quốc gia thành viên của công ước.[4] Thứ hai, tranh chấp phải liên quan đến đầu tư. Thứ ba, các bên phải có thỏa thuận bằng văn bản về việc trao quyền tài phán cho Công ước ICSID.[5] Tuy nhiên, các bên liên quan là quốc gia có thể được miễn trừ khỏi thẩm quyền giải quyết của Hội đồng Trọng tài ICSID thông qua quyền miễn trừ quốc gia. Quyền miễn trừ quốc gia là quyền bảo đảm cho một quốc gia không phải chịu sự điều chỉnh thẩm quyền của một quốc gia khác. Về bản chất, quyền miễn trừ quốc gia xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Theo đó, không một quốc gia nào có quyền xét xử một quốc gia khác hay cưỡng chế thi thành các quyết định đối với một quốc gia khác, trừ khi có sự đồng ý của quốc gia đó.[6] Quyền miễn trừ quốc gia bao gồm quyền miễn trừ tài phán và quyền miễn trừ thi hành.


1.1.1. Quyền miễn trừ tài phán

Theo thuyết miễn trừ tài phán, nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì quốc gia đó không thể bị khởi kiện (trong lĩnh vực dân sự).[7] Các tranh chấp liên quan đến quốc gia phải được giải quyết bằng con đường thương lượng trực tiếp hoặc con đường ngoại giao, trừ khi quốc gia từ bỏ quyền này. Như vậy, về nguyên tắc, các chủ thể có quyền nộp đơn khởi kiện quốc gia nhưng việc vụ kiện có được thụ lý hay không lại phụ thuộc vào ý chí của quốc gia bị kiện.


1.1.2. Quyền miễn trừ thi hành

Quyền miễn trừ chủ quyền khỏi việc thi hành án là sự bảo vệ pháp lý nhằm bảo vệ một số tài sản hoặc tài sản nhất định của Nhà nước khỏi bị tịch thu hoặc tịch thu để đáp ứng yêu cầu của chủ nợ theo phán quyết của trọng tài có lợi cho họ.[8] Tài sản được sử dụng vào mục đích thương mại (trái ngược với những thứ được sử dụng cho mục đích phi thương mại hoặc công cộng) thường không được bảo vệ bởi quyền miễn trừ này. Điều 55 Công ước ICSID quy định rõ ràng rằng việc thi hành phán quyết không ảnh hưởng đến luật pháp trong nước hiện hành liên quan đến quyền miễn trừ thi hành án.


Trong nhiều trường hợp, các quốc gia cố gắng trốn tránh việc thi hành các phán quyết theo quyền miễn trừ thông qua việc phân loại lại tài sản. Trong vụ LETCO kiện Cộng hòa Liberia,[9] nguyên đơn đã thành công trong việc phong tỏa tài sản của Liberia để thu hồi giá trị của phán quyết. Tuy nhiên, một lập luận do bị đơn trình bày đã được chấp nhận nhằm lật ngược lệnh phong tỏa vì các tài khoản ngân hàng của bị đơn được bảo vệ theo Đạo luật của Hoa Kỳ về quyền miễn trừ của quốc gia nước ngoài năm 1976 (FSIA). Tòa án cũng đã bác bỏ yêu cầu thi hành đối với tài khoản Ngân hàng Trung ương Liberia để tránh vấn đề vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ Ngoại giao. Tòa án kết luận Tòa không có quyền phong tỏa và thi hành đối với các tài khoản ngân hàng vì bị đơn được hưởng quyền miễn trừ ngay cả khi một phần tài sản trong số đó được sử dụng cho các hoạt động thương mại. Có thể thấy, một quốc gia có thể trốn tránh việc thi hành phán quyết của ICSID nếu không có tài sản thương mại ở một quốc gia ký kết ICSID.  Không có quốc gia nào, dù là quốc gia ICSID hay không, có thể thi hành đối với tài sản ngoại giao của một quốc gia cho một tranh chấp thương mại theo luật quốc tế.


1.2. Phương thức tiếp cận quyền miễn trừ

Có hai học thuyết về quyền miễn trừ quốc gia là thuyết miễn trừ tư pháp tuyệt đối và thuyết miễn trừ tư pháp tương đối. Theo thuyết miễn trừ tư pháp tuyệt đối, một quốc gia có chủ quyền không thể bị khởi kiện nếu như không có sự đồng ý của quốc gia đó.[10] Ngược lại, thuyết miễn trừ tư pháp tương đối chỉ thừa nhận quyền miễn trừ quốc gia đối với các hành vi công hay có tính chủ quyền quốc gia, mà không áp dụng đối với các hành vi mang tính chất tư hay thương mại.[11] Một ví dụ cụ thể của hành vi mang tính chất tư là khi nhà nước vay tiền từ các tổ chức tín dụng để thực hiện các dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, như việc Chính phủ Việt Nam hiện đang vay vốn Ngân hàng Thế giới để xây dựng đường sắt tốc độ cao.[12] Nguyên tắc miễn trừ tư pháp tương đối dựa trên ý tưởng rằng các quốc gia không nên được phép sử dụng quyền miễn trừ của họ để che đậy các hành vi sai trái hoặc gây thiệt hại cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khác.


Một ví dụ nổi tiếng về miễn trừ tương đối là vụ kiện Rừng Chorzów giữa Đức và Ba Lan.[13] Trong vụ kiện này, Tòa án Thường trực Quốc tế đã phán quyết rằng Ba Lan phải bồi thường thiệt hại cho Đức vì đã phá hủy các nhà máy và mỏ than trên lãnh thổ Silesia trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Tòa án đã phán quyết rằng Ba Lan không thể viện dẫn quyền miễn trừ nhà nước vì các hành vi vi phạm của họ là “mang tính chất thương mại”.


Cho đến giữa thế kỷ XX, phần lớn các nước vẫn còn công nhận quyền miễn trừ tuyệt đối dành cho quốc gia nước ngoài. Tuy nhiên, từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, với thực tế các quốc gia ngày càng tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế cả trong nước lẫn nước ngoài, đã có xu hướng chuyển dịch dần dần từ miễn trừ tuyệt đối sang sang miễn trừ tương đối.[14]


2. Miễn trừ thi hành theo Công ước ICSID 

Công ước ICSID trao cho các quốc gia thành viên áp dụng nội luật của mình đối với quyền miễn trừ thi hành theo quy định tại Điều 55. Lý do là bởi có một số loại tài sản nhất định như tài sản sử dụng cho mục đích quân sự, tài sản của ngân hàng nhà nước không thể bị cưỡng chế thi hành nếu không có sự khước từ rõ ràng từ nhà nước liên quan.[15] Do đó, quyền miễn trừ thi hành là cần thiết đối với những loại tài sản không thể thiếu đối với hoạt động của một nhà nước như đã nêu trên.


Về nội dung, Điều 55 của Công ước ICSID làm rõ hơn Điều 54(3) về việc thi hành phán quyết được điều chỉnh bởi luật pháp quốc gia nơi việc thi hành án được yêu cầu. Cụ thể, Điều 55 ghi nhận “Không có nội dung nào trong Điều 54 vi phạm pháp luật hiện hành tại bất kỳ Quốc gia ký kết nào liên quan đến quyền miễn trừ của quốc gia đó hoặc của bất kỳ quốc gia nước ngoài trong việc thi hành án.” Từ nội dung quy định ở Điều 55, có thể hiểu rằng Công ước không từ bỏ quyền miễn trừ trừ quốc gia những đồng thời cũng không trao hay công nhận các quyền miễn trừ này. Ở đây, Điều 55 là một câu phủ định chỉ ra rằng Điều 54 không ảnh hưởng tới pháp luật miễn trừ thi hành.[16] Do đó, việc áp dụng và mức độ áp dụng miễn trừ thi hành của một quốc gia được điều chỉnh bởi pháp luật của chính quốc gia đó. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, miễn trừ quốc gia không thể được sử dụng để cản trở thủ tục công nhận một phán quyết hay ảnh hưởng tới một phán quyết đã được công nhận.[17] 


Ngoài ra, cần phân biệt miễn trừ thi hành với miễn trừ tài phán. Điều 55 không áp dụng miễn trừ tài phán mà chỉ điều chỉnh miễn trừ thi hành bởi lẽ vấn đề miễn trừ tài phán không phát sinh trong phạm vi của Công ước.[18] Đối với miễn trừ tài phán, việc Quốc gia chấp nhận điều khoản trọng tài đồng nghĩa với việc quốc gia đó từ bỏ các quyền miễn trừ tài phán của mình.[19] Tuy nhiên, những quy định về miễn trừ thi hành lại được bỏ ngỏ. Có ý kiến cho rằng duy trì quyền miễn trừ thi hành của Quốc gia là hợp lý bởi thủ tục tố tụng ban hành phán quyết không tạo ra sự cản trở ngay lập tức việc tiến hành các hoạt động của Nhà nước.[20] 


Điều này dẫn chiếu tới nội dung được quy định ở Điều 54 Công ước ICSID. Cụ thể, “việc thi hành phán quyết được điều chỉnh bởi pháp luật liên quan đến thi hành bản án có hiệu lực tại Quốc gia có lãnh thổ nơi việc thi hành án được yêu cầu.”[21] Văn bản tiếng Anh của Công ước sử dụng hai từ “enforcement” và “execution” ở ba khoản của Điều này với ý nghĩa “thi hành”. Tuy nhiên, bản tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha với giá trị tương đương không thay đổi thuật ngữ này ở Điều 54. Theo Điều 33(4) Công ước Viên năm 1969 về Luật điều ước quốc tế, cách phù hợp nhất để dung hòa sự khác biệt này là coi hai thuật ngữ “enforcement” và “execution” giống nhau về nghĩa.[22]


Về nội dung điều khoản, thứ nhất, Điều 54(3) không làm giảm hiệu lực nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên đối với Công ước trong việc thi hành phán quyết trọng tài. Điều này đồng nghĩa với việc luật pháp của Quốc gia thi hành án không ảnh hưởng đến tính chung thẩm của phán quyết trọng tài.[23] Thứ hai, Điều 54(3) chỉ đề cập đến việc thực hiện các phán quyết chứ không đề cập đến việc công nhận chúng. Do đó, thủ tục công nhận phán quyết trọng tài của các Quốc gia là khác nhau. Cuối cùng, việc không thể thi hành phán quyết trọng tài của ICSID do không có luật liên quan đến thi hành án ở một số Quốc gia không ảnh hưởng đến nghĩa vụ của Quốc gia đó đối với phán quyết trọng tài quy định tại Điều 53(1) về tính ràng buộc của phán quyết.[24] Đặc biệt, một Quốc gia có thể áp dụng pháp luật nước mình liên quan đến miễn trừ thi hành.


3. Các bất cập liên quan đến quy định về miễn trừ thi hành

3.1. Miễn trừ thi hành dẫn đến vi phạm nghĩa vụ theo ICSID

Vấn đề cưỡng chế thi hành phải tuân theo luật pháp của Quốc gia nơi diễn ra việc thi hành, đặc biệt là quyền miễn trừ thi hành mà Quốc gia nước ngoài có thể được hưởng theo luật nước đó.[25] Tuy nhiên, Điều 53 Công ước ICSID quy định rằng phán quyết có tính ràng buộc giữa các bên, và các bên tranh chấp “phải tuân theo và thực hiện phán quyết, trừ trường hợp việc thi hành bị hoãn lại theo các quy định liên quan của Công ước này”. Theo đó, Nhà nước Bị đơn có nghĩa vụ liên tục tuân thủ phán quyết (chỉ trừ trường hợp hoãn thi hành). Như vậy, khi Nhà nước Bị đơn đưa ra yêu cầu về miễn trừ thi hành án sẽ tạo thành vi phạm Công ước ICSID bởi lẽ các quốc gia có nghĩa vụ phải tuân thủ và thực hiện phán quyết được đưa ra theo ICSID.[26] Broches đã chỉ ra rằng nghĩa vụ của Quốc gia theo Điều 53 đối với việc tuân thủ các phán quyết không bị ảnh hưởng bởi những hạn chế về việc cưỡng chế thi hành.[27] Tương tự, quyết định trong vụ MINE v. Guinea nêu rõ rằng quyền miễn trừ của nhà nước có thể đem đến biện pháp pháp lý để chống lại việc cưỡng chế thi hành, nhưng không thể chối cãi rằng miễn trừ sẽ dẫn đến việc không tuân thủ phán quyết. Khi đó, việc không tuân thủ của Quốc gia sẽ cấu thành vi phạm nghĩa vụ quốc tế.[28]

 

Điều 54(3) của Công ước ICSID quy định việc thi hành được quy định bởi luật pháp chi phối bởi luật pháp địa phương. Mặc dù theo Công ước, các Bên có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết và các Quốc gia ký kết phải thi hành các nghĩa vụ tài chính mà phán quyết theo ICSID đưa ra, vấn đề cưỡng chế thi hành lại được quy định rõ ràng sẽ phải tuân theo luật nơi thi hành phán quyết. Những quy định này bao gồm vấn đề miễn trừ thi hành mà Quốc gia nước ngoài có thể được hưởng theo luật của nước sở tại.[29] Điều này thể hiện việc coi trọng ngang bằng các phán quyết của ICSID với các phán quyết cuối cùng của tòa án địa phương. Quy định này nhằm tôn trọng sự đa dạng về các kỹ thuật pháp lý được áp dụng ở các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các Bên có hiểu biết sâu sắc về luật địa phương. Bên cạnh đó, với các quy định khác nhau, kết quả thu được cũng có thể khác nhau giữa các hệ thống pháp lý.


3.2. Khó khăn cho nhà đầu tư thắng kiện

Mặc dù miễn trừ tương đối được công nhận rộng rãi, quyền miễn trừ thi hành có thể gây ra tổn hại cho các nhà đầu tư thắng kiện bởi họ chỉ có thể hướng đến việc thi hành đối với tài sản phục vụ mục đích thương mại. Nếu Quốc gia bị khởi kiện có quyền miễn trừ đối với tài sản tranh chấp bị thiệt hại, nhà đầu tư thắng kiện sẽ không còn khả năng được nhận bồi thường đối với tài sản đó.


Do đó, việc xác định một tài sản nhất định có nằm trong ngoại lệ đối với tài sản thương mại hay không là một yếu tố quan trọng. Về lý thuyết, để xác định tài sản được hưởng quyền miễn trừ thi hành, yêu cầu về phân biệt tài sản thương mại và tài sản phục vụ mục đích quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên trên thực tế, sự phân biệt này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Do đó, khi xem xét khả năng miễn trừ thi hành đối với một tài sản, người ta thường xem xét tính chất thương mại hay phi thương mại của tài sản bị tịch thu, hay nói cách khác là xem xét mục đích của tài sản đó.[30] Xác định mục đích của tài sản thường khá khó khăn. Nếu không có thỏa thuận hay quy định cụ thể nào, việc sử dụng vốn sẽ là vấn đề thuộc quyền quyết định của Quốc gia. Tài sản đó sẽ được coi là phục vụ mục đích công cộng trừ khi nhà đầu tư chứng minh được điều ngược lại.


Đặc biệt, mối liên hệ giữa tài sản và tranh chấp[31] và mối liên hệ với lãnh thổ của quốc gia cần thi hành phán quyết[32] là những yếu tố mà Tòa có thể xem xét trong việc cho thi hành đối với tài sản có mục đích thương mại. Tuy nhiên, yêu cầu về mối liên kết này tạo ra hạn chế đối với việc thi hành án vì rất khó có khả năng một Nhà nước Bị đơn sẽ giữ các tài sản thương mại ở một Nhà nước khác mà có thể được cho là có liên quan trực tiếp đến khoản đầu tư trên lãnh thổ của Nhà nước Bị đơn.[33]


Ngoài ra, nghĩa vụ chứng minh tài sản bị thiệt hại trên phục vụ mục đích thương mại lại đặt lên vai của thuộc về bên yêu cầu thi hành, trong trường hợp này là các nhà đầu tư.[34] Điều này tạo ra gánh nặng lớn cho các nhà đầu tư thắng kiện do những thông tin cần thiết để chứng minh bị kiểm soát bởi Nhà nước và không dễ dàng tìm kiếm hay thu thập.[35] 


Có thể thấy, miễn trừ thi hành dường như đang làm làm giảm hiệu quả của phán quyết. Việc tiếp tục duy trì miễn trừ đã bị các học giả[36] chỉ trích là trái với nguyên tắc về tính hiệu quả của phán quyết.[37]


4. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của Công ước ICSID

Từ bỏ quyền miễn trừ vẫn là một trong những cách đáng tin cậy nhất để tránh rào cản do quyền miễn trừ của quốc gia sở tại.[38] Tuy nhiên, việc từ bỏ quyền miễn trừ chỉ có thể áp dụng khi có thỏa thuận đầu tư trực tiếp giữa nhà đầu tư và quốc gia sở tại, và phụ thuộc vào kết quả đàm phán của nhà đầu tư. ICSID không thể đảm bảo quyền này cho nhà đầu tư và trong một số trường hợp, quyền từ bỏ được quy định trong Hiệp ước Đầu tư song phương (BIT). Tuy nhiên, những trường hợp như vậy lại cực kỳ hiếm do quốc gia của nhà đầu tư cũng phải từ bỏ quyền miễn trừ của mình.[39] Một điểm yếu khác của giải pháp này là không đảm bảo được khả năng thu hồi tài sản do không đảm bảo được tài sản đó thực sự có giá trị để thu hồi khoản bồi thường, hoặc quốc gia sở tại có thể chuyển đổi tài sản thương mại sang tài sản phi thương mại để tránh bị phong tỏa.[40] Trong vụ Mitchell kiện Congo, nguyên đơn  đồng ý cung cấp cho Nhà nước bị đơn địa chỉ của mình ở Nam Phi và Hoa Kỳ, kèm với danh sách tài sản có thể bị phong tỏa nếu Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) thắng kiện hủy bỏ phán quyết, với điều kiện là DRC cũng phải thực hiện điều tương tự nếu thua kiện.[41] Đây có thể được coi là một tiền lệ cho các vụ kiện sau này, nhưng phụ thuộc vào thiện chí của quốc gia sở tại. Hoặc, đưa vào thỏa thuận một điều khoản từ bỏ rõ ràng và minh bạch về cả quyền miễn trừ tài phán và thi hành án như trong trường hợp của Mô hình giải quyết tranh chấp của AIPN năm 2004 (AIPN Dispute Resolution Model 2004).[42] Thông thường các thỏa thuận như vậy xảy ra trên cơ sở qua lại với quốc gia sở tại, mặc dù trong nhiều trường hợp các quốc gia thường ngần ngại trong việc thỏa hiệp với các nhà đầu tư hoặc công ty tư nhân.[43]


Thứ hai, cần có các biện pháp trừng phạt đối với Nhà nước không tuân thủ phán quyết trọng tài.[44] Miễn trừ của nhà nước có thể là lý do hợp pháp để chống lại việc cưỡng chế thi hành án, nhưng không phải là cái cớ để không tuân thủ phán quyết trọng tài.[45] Việc Nhà nước thành viên không tuân thủ phán quyết trọng tài ICSID là vi phạm nghĩa vụ quốc tế và có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như gây thiệt hại cho nhà đầu tư hoặc gây tổn hại đến quan hệ quốc tế. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt, như cấm vận, đình chỉ việc tham gia vào các cuộc đàm phán quốc tế mới, đình chỉ các khoản viện trợ tài chính hoặc kỹ thuật, có thể tạo ra áp lực lên nhà nước không tuân thủ để buộc nhà nước đó phải quay lại thực hiện nghĩa vụ. Các biện pháp trừng phạt cũng có thể đóng vai trò răn đe đối với các quốc gia khác nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm nghĩa vụ quốc tế trong tương lai.


Thứ ba, để giải quyết vấn đề vấn đề bất lợi của nhà đầu tư khi gặp khó khăn trong việc thu hồi khoản bồi thường, một số học giả đã đề xuất giải pháp chuyển gánh nặng chứng minh sang cho quốc gia sở tại. Theo đó, Nhà nước sẽ có trách nhiệm chứng minh rằng tài sản của họ được miễn trừ, thay vì yêu cầu nhà đầu tư phải chứng minh ngược lại.[46] Giải pháp này có thể giúp cân bằng quyền lợi giữa các bên, bảo vệ nhà đầu tư tốt hơn và thúc đẩy việc tuân thủ nghĩa vụ bồi thường của quốc gia sở tại.


Nhà đầu tư cần thiết phải biết tài sản của quốc gia sở tại đặt ở đâu và liệu tài sản này có được bảo vệ theo luật miễn trừ của nơi đó hay không. Nếu được bảo vệ, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi tài sản nếu quốc gia sở tại vi phạm nghĩa vụ. Mặc dù gặp khó khăn do luật miễn trừ, nhà đầu tư vẫn có những giải pháp như, yêu cầu thi hành án tại một quốc gia khác nơi quốc gia sở tại có tài sản.[47] Ngoài ra, quốc gia của nhà đầu tư có thể tạo áp lực chính trị hoặc thương mại đối với quốc gia sở tại trong trường hợp quốc gia sở tại không tuân thủ phán quyết trọng tài, giống như trường hợp Hoa Kỳ chống lại Argentina theo hình thức tương tự như nguyên tắc bảo hộ ngoại giao.[48]


Cuối cùng là hoàn thiện và hài hòa hóa khung pháp lý về miễn trừ. Định nghĩa về hoạt động thương mại, yêu cầu trọng tài và phạm vi miễn trừ đều có thể được thực thi theo một khung pháp lý duy nhất như trường hợp của Công ước của LHQ về miễn trừ của nhà nước. Tuy nhiên, số lượng quốc gia ký kết Công ước này chưa đáng kể và hiện Công ước vẫn chưa được thi hành, do đó, trừ khi có thay đổi, lĩnh vực này sẽ ở một mức độ nào đó vẫn còn nhiều tranh cãi và không chắc chắn.


Kết luận

Quyền miễn trừ là một trong những quy tắc lâu đời, tuy nhiên, như bài nghiên cứu đã chỉ ra, miễn trừ thi hành theo Công ước ICSID còn tồn đọng những vấn đề trong lý luận và thực tiễn. Cụ thể, miễn trừ thi hành có thể dẫn đến vi phạm nghĩa vụ trong Công ước ICSID. Bên cạnh đó là những khó khăn liên quan đến xác định tính chất thương mại hay phi thương mại của tài sản, nghĩa vụ chứng minh, v.v. đã dẫn đến việc không đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư thắng kiện cũng như làm giảm hiệu quả của Công ước ICSID. Từ đó, bài nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị cho các vấn đề trên, góp phần cân bằng lợi ích của nhà đầu tư và đảm bảo tính hiệu quả của Công ước ICSID.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Sinh viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[2] Sinh viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[3] Sinh viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao.

[4] Mặc dù quốc gia thành viên và quốc gia không phải thành viên có thể đồng ý giải quyết tranh chấp giữa hai bên theo cơ chế bổ sung của ICSID.

[5] Công ước ICSID 1965, Điều 25 & 26.

[6] Malanczuk P., Akerhurst’s Modern Introduction to International Law (Tái bản lần thứ 7, Nhà xuất bản Routledge 1997), trang 118.

[7] Như trên.

[8] Như trên.

[9] LETCO v. Liberia (Liberian Eastern Timber Corporation v. Republic of Liberia), ICSID Case No.(ARB/83/2).

[10] Malanczuk P. (như chú thích 3), trang 119.

[11] Như trên.

[12] Trang P., “Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam xây đường sắt tốc độ cao” (Báo Điện tử Chính phủ 15/11/2023) <https://baochinhphu.vn/ngan-hang-the-gioi-se-ho-tro-viet-nam-xay-duong-sat-toc-do-cao-102231115073914943.htm> truy cập ngày 20/6/2024.

[13] Factory At Chorzów (Germany v Poland), PCIJ Series A No 17.

[14]Malcom N. Shaw, International Law (Tái bản lần thứ 6, Nhà xuất bản Cambridge University Press 2008), trang 708.

[15] Như chú thích 5, Điều 21.

[16] Christoph H. Schreuer et al, The ICSID Convention: A Commentary (Tái bản lần thứ 2, Nhà xuất bản Cambridge University Press 2009), trang 1155.

[17] Sutherland, P. F., ‘The World Bank Convention on the Settlement of Investment Disputes’ [1979] 28 International and Comparative Law Quarterly 398, trang 367.

[18] Broches, A., ‘The Convention on the Settlement of Investment Disputes between States and Nationals of Other States’, [1972] 136 Recueil des Cours 403, trang 331; Delaume, G. R., ‘Judicial Decisions Related to Sovereign Immunity and Transnational Arbitration’ [1987] 2 ICSID Review – FILJ 404, trang 403; Delaume, G. R., ‘Contractual Waivers of Sovereign Immunity: Some Practical Considerations’, [1990] 5 ICSID Review – FILJ 252, trang 232, 250.

[19] Brenninkmeijer, Gélinas, ‘The problem of Execution Immunities and the ICSID Convention’, [2021] 429 The Journal of World Investment & Trade 458, trang 432.

[20] Như trên, trang 433.

[21] Như chú thích 2, Điều 54(3).

[22] Như chú thích 13, trang 1135.

[23] Như chú thích 13, trang 1149.

[24] Như chú thích 13, trang 1149.

[25] MINE v. Guinea (II) (Maritime International Nominees Establishment (MINE) v Republic of Guinea), ICSID Case No ARB/84/4, Interim Order No 1 on Guinea’s Application for Stay of Enforcement of the Award of 12 August 1988, para 24 [attached to Decision on the Application by Guinea for Partial Annulment of the Arbitral Award dated 6 January 1988 (14 December 1989) as Annex II, (1990) 4 ICSID Rep 129].

[26] Như chú thích 13, trang 1150.

[27] Aron Broches, ‘Awards Rendered Pursuant to the ICSID Convention: Binding Force, Finality, Recognition, Enforcement, Execution’ [1987] 2 ICSID Rev—FILJ 302, trang 287.

[28] Như chú thích 22.

[29] Như trên.

[30] Như chú thích 13, trang 1168.

[31] August Reinisch, European Court Practice Concerning State Immunity from Enforcement Measures, (2006) 17 Eur J Intl L 803.

[32] Sun Jin, ‘The Linkage Requirement in Enforcement Immunity’ [2010] 9 Chinese Journal of International Law, Volume 9, Issue 4 699 <https://doi.org/10.1093/chinesejil/jmq029> truy cập ngày 29/03/2024.

[33] Như chú thích 13, trang 1166.

[34] Michael Waibel, ‘Two Worlds of Necessity in ICSID Arbitration: CMS and LG&E’ (2007) 20 Leiden JIL 646, trang 637; Crina Baltag, ‘Special Section on the 2008 Survey on Corporate Attitudes Towards Recognition and Enforcement of International Arbitral Awards: Enforcement of Arbitral Awards against States’ (2008) 19 Am Rev Intl Arb 407, trang 407.

[35] ‘Sovereign Immunity as a Barrier to the Enforcement of Investor–State Arbitral Awards: The Re-politicization of International Investment Disputes’ [2010] 21 Am Rev Intl Arb 306, trang 229.

[36] Albert Jan van den Berg, ‘Some Recent Problems in the Practice of Enforcement Under the New York and ICSID Conventions’ [1987] 2 ICSID Rev—FILJ 449, trang 439; Andrea Bjorklund, như chú thích 32, trang 211;  như chú thích 13 trang 1154.

[37] Emmanuel Gaillard, ‘Effectiveness of Arbitral Awards, State Immunity from Execution and Autonomy of State Entities: Three Incompatible Principles’ [2008] 4 International Arbitration Institute 191, trang 179.

[38] Như chú thích 30, trang 23.

[39] Alexis Blane, ‘Sovereign Immunity as a Bar to the Execution of International Arbitral Awards’ [2009] New York University Journal of International Law and Politics, Vol. 41, No. 2, trang 498 <http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.1522244> truy cập ngày 12/04/2024.

[40] Uchkunova1 I. & Temnikov O., ‘Enforcement of Awards Under the ICSID Convention—What Solutions to the Problem of State Immunity?’ [2013] ICSID Review, Vol. 29, No. 1, 203 <https://doi.org/10.1093/icsidreview/sit038> truy cập ngày 16/04/2024.

[41] Mitchell v. DR Congo (Patrick Mitchell v Democratic Republic of the Congo), ICSID Case No ARB/99/7, Decision on the Stay of Enforcement of the Award of 30 Nov 2004, para 17.

[42] Claude Duval et al, International petroleum exploration and exploitation agreements : legal, economic and policy aspects (Tái bản lần thứ 2, Nhà xuất bản New York: Barrows 2009) trang 350.

[43] Krishnan, A., ‘Obstacles to the Enforcement of arbitral awards against states- an international perspective’ Critical Twenties (Law & The Judiciary, 16/03/ 2011) <http://www.criticaltwenties.in/lawthejudiciary/obstacles-to-the-enforcement-of-arbitral-awards-against-states-an-international-perspective> truy cập ngày 17/04/2024.

[44] Như chú thích 22, para 25.

[45] Như trên.

[46] Như chú thích 36, trang 509.

[47] Abdulrahman Saleem, ‘To what extent do states have the right to use its Sovereign Immunity defence against ICSID awards?’ (SSRN, 25/01/2013) <http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.2311818> truy cập ngày 17/04/2024.

[48] Matt Moffett, ‘Besting Argentina in Court Doesn’t Seem to Pay’ (The Wall Street Journal, 20/04/2012) <http://online.wsj.com/article/SB10001424052702303425504577356262654410468.html> truy cập ngày 17/04/2024.

35 lượt xem

Comments


bottom of page