top of page
icj 1.jpeg

[46] AN NINH LƯƠNG THỰC TRONG XUNG ĐỘT VŨ TRANG: TIẾP CẬN TỪ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ

Tác giả: Tăng Bảo Đan, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi, Nguyễn Vũ Khôi Việt


Tóm tắt: Chỉ trong hai năm qua, thế giới đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột vũ trang như xung đột Nga-Ukraine, các cuộc nội chiến tại Afghanistan, Myanmar và gần đây nhất là tại dải Gaza. Đối với mọi cuộc xung đột vũ trang, việc áp dụng và thực thi Luật Nhân đạo Quốc tế luôn là yếu tố được đề cao hàng đầu, trong đó không thể không nhắc tới quy định về an ninh lương thực và cấm sử dụng việc bỏ đói như một phương tiện chiến tranh. Việc dân thường không thể tiếp cận tới nguồn lương thực có thể dẫn tới một hành vi vi phạm luật Nhân đạo Quốc tế, khiến việc đảm bảo an ninh lương thực trở thành yếu tố vô cùng quan trọng trong xung đột vũ trang.[1] Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ giới thiệu về an ninh lương thực trong xung đột vũ trang, các quy định hiện hành của pháp luật quốc tế cũng như đi sâu vào phân tích thực tiễn áp dụng của Luật Nhân đạo Quốc tế. Cùng với đó, nhân dịp ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7, bài viết cũng hướng tới tri ân, tưởng niệm sự hy sinh và cống hiến của các vị thương binh liệt sĩ trong quá trình kháng chiến chống giặc ngoại xâm đầy anh dũng của dân tộc ta.


Từ khoá: an ninh lương thực, xung đột vũ trang, Luật Nhân đạo Quốc tế.

 

1. Những vấn đề cơ bản về an ninh lương thực

1.1. Khái niệm chung về an ninh lương thực

Trên thực tế, định nghĩa cùng các tiêu chuẩn về an ninh lương thực tồn tại nhiều cách tiếp cận. Nhìn chung, an ninh lương thực cơ bản là việc một quốc gia có khả năng cung cấp lương thực cho tất cả người dân của mình, cùng với đó phải đảm bảo người dân tiêu thụ đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể.[2] An ninh lương thực có thể được đánh giá theo bốn yếu tố sau đây: lương thực (1) có sẵn cho số lượng cần thiết với chất lượng tương đối, (2) có thể tiếp cận được bởi các cá nhân sao cho đủ với liều lượng dinh dưỡng của từng bữa ăn, (3) được sử dụng với lượng đủ, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn dinh dưỡng và (4) trong trạng thái ổn định, cá nhân và các hộ gia đình có thể sử dụng trong thời gian lâu dài, không đột ngột mất đi khả năng tiếp cận kể cả trong các sự kiện bất ngờ xảy ra.[3]

 

1.2. An ninh lương thực trong bối cảnh xung đột vũ trang

Về mặt lý thuyết, an ninh lương thực không còn được đảm bảo trong xung đột vũ trang khi bốn yếu tố được nêu trên đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.[4] Xét trên bối cảnh khi các cuộc xung đột vũ trang nổ ra, tác động lâu dài và trực tiếp nhất chúng gây ra là sự ngưng trệ về nguồn cung lương thực trong nước và các nguồn tiếp ứng bên ngoài thông qua thị trường,[5] hay chính là yếu tố đảm bảo cho nguồn lương thực ở số lượng và chất lượng cần thiết. Vấn đề nguồn cung lương thực không thể nhanh chóng được giải quyết, đặc biệt khi xung đột vũ trang tàn phá môi trường, đất đai, các nguồn lực địa phương và nguồn lực quốc gia để đưa nguồn cung ổn định trở lại. Bên cạnh đó, sự di tản liên tục của người dân qua lại các khu dân sự là nguyên nhân lớn khiến cho việc xác định lượng thức ăn cần cung cấp trở nên vô cùng khó khăn, khiến cho trạng thái sử dụng lương thực lâu dài và ổn định của người dân bị đột ngột mất đi.[6] Thêm vào đó, do khả năng tiếp cận nguồn lương thực giảm, người dân có xu hướng chấp nhận giảm lượng tiêu thụ thức ăn, làm cho thang đo tiêu chuẩn dinh dưỡng thay đổi.[7] Như vậy, nếu theo thang đo thông thường, bốn yếu tố nêu ở phần 1.1 đều bị ảnh hưởng và an ninh lương thực không còn được đảm bảo.

 

Việc đó dẫn tới câu hỏi lớn được đặt ra là làm sao để các bên tham chiến không làm mất đi nguồn lương thực của dân thường trong xung đột vũ trang[8] hay không gây ra một nạn đói có chủ đích - điều có thể coi là hành vi bỏ đói như một phương tiện chiến tranh theo Điều 54 của Nghị định thư Bổ sung I. Điều 14 của Nghị định Bổ sung II, Quy định 53 và 54 của tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế cũng nhấn mạnh nguyên tắc cấm bỏ đói dân thường như một phương tiện chiến tranh hoặc phương tiện chiến đấu (dựa vào thuật ngữ của xung đột vũ trang quốc tế hoặc phi quốc tế). Nội dung nguyên tắc này nêu rõ việc cấm tấn công, phá hủy, di dời và vô hiệu vật chất cần thiết cho sự sống còn của dân thường, bao gồm nguồn cung lương thực, khu vực sản xuất nông nghiệp gồm có nguồn nước sạch, gia súc, v.v. nhằm mục đích bỏ đói dân thường, khiến họ phải rời đi hoặc bất kỳ mục đích khác.[9] Nguyên tắc không được sử dụng nạn đói như một phương tiện chiến tranh hay phương tiện chiến đấu không bị giới hạn trong bối cảnh của xung đột vũ trang quốc tế[10] (xảy ra giữa các Quốc gia)[11] hay xung đột vũ trang phi quốc tế[12] (xảy ra giữa các nhóm vũ trang, hoặc giữa nhóm vũ trang với Quốc gia).[13]


2. Các quy định của Luật Nhân đạo Quốc tế về an ninh lương thực trong xung đột vũ trang

Mặc dù cụm từ “an ninh lương thực” không được sử dụng trực tiếp trong các quy định của Luật Nhân đạo Quốc tế, song, nhiều quy định của Luật vẫn đảm bảo rằng mọi người không bị từ chối quyền tiếp cận lương thực trong xung đột vũ trang.[14] Từ đó, bài viết sẽ phân tích vào hai quy định chính có liên quan tới an ninh lương thực. Một là cấm sử dụng nạn đói như phương tiện chiến tranh. Hai là cấm tấn công, phá hủy, lấy đi hoặc vô hiệu hóa các đối tượng thiết yếu cho sự sống còn của dân thường.

2.1. Cấm sử dụng nạn đói như phương tiện chiến tranh

Luật Nhân đạo Quốc tế nghiêm cấm việc sử dụng nạn đói đối với dân thường như phương tiện chiến tranh, được quy định tại Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế và các Nghị định thư Bổ sung năm 1977 sẽ được phân tích dưới đây.

 

Theo Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế, việc cố ý sử dụng nạn đói như phương tiện chiến tranh bằng cách tước đoạt các đối tượng thiết yếu cho sự sống còn của dân thường được coi là tội ác chiến tranh trong xung đột vũ trang quốc tế.[15]

 

Còn theo các Nghị định thư Bổ sung năm 1977, nghiêm cấm sử dụng nạn đói đối với dân thường là điều bắt buộc. Cụ thể, theo Nghị định thư Bổ sung I về xung đột quốc tế, Điều 54(1) nêu rằng: “Nghiêm cấm sử dụng nạn đói đối với dân thường như phương tiện chiến tranh”.[16] Điều 14 của Nghị định thư Bổ sung II về xung đột phi quốc tế cũng nêu điều tương tự: “Sử dụng nạn đói đối với dân thường như phương tiện chiến đấu bị nghiêm cấm”.[17] Vì vậy, có thể nói việc nghiêm cấm sử dụng nạn đói đối với dân thường như phương tiện chiến tranh được áp dụng cả trong xung đột quốc tế và phi quốc tế.

 

Có thể nhận thấy rằng trong Nghị định thư Bổ sung II, từ “phương tiện chiến đấu” (method of combat) được sử dụng thay vì từ “phương tiện chiến tranh” (method of warfare) (được sử dụng trong Nghị định thư Bổ sung I). Thuật ngữ này được đánh giá là phù hợp hơn đối với một văn bản pháp lý liên quan đến xung đột vũ trang phi quốc tế.[18] Ngược lại, thuật ngữ “phương tiện chiến tranh” được coi là thích hợp hơn trong bối cảnh xung đột vũ trang quốc tế.[19] Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) bình luận rằng: “việc trực tiếp làm cho dân thường chết đói, hoặc có hành vi cố ý bỏ đói cho dân thường, (ví dụ bằng cách tước đoạt nguồn cung cấp lương thực của họ) được coi là sử dụng nạn đói như phương tiện chiến tranh.[20]

 

Việc sử dụng từ “nghiêm cấm” cho thấy rằng không tồn tại bất kỳ ngoại lệ nào cho nguyên tắc này kể cả trong trường hợp cần thiết vì lý do quân sự.[21] Như vậy cũng có nghĩa là phong tỏa (blockade) và vây hãm (siege)[22] chỉ được coi là các phương pháp chiến đấu hợp pháp nếu chúng hướng trực tiếp tới người tham chiến.[23]

 

Để giải thích thêm, việc vây hãm chỉ đúng một pháo đài quân sự sẽ khác nhiều với việc vây hãm một thành phố (nơi có thể có cả chiến binh và dân thường). Trong trường hợp thứ nhất, sử dụng nạn đói như một phương tiện chiến đấu sẽ được coi là hợp pháp, vì những hành động này chỉ nhằm vào các chiến binh.[24] Trong khi ở trường hợp thứ hai, do dân thường cũng trực tiếp bị ảnh hưởng, nên gây ra nạn đói và phá hủy các tài sản thiết yếu cho sự sống còn của người dân sẽ bị nghiêm cấm.[25] Nếu quy định nghiêm cấm như trên bị vi phạm, Điều 18(2) của Nghị định thư Bổ sung II nêu rằng các hoạt động cứu trợ vì lợi ích của người dân sẽ được cho phép khi họ phải chịu sự thiếu hụt nặng nề do thiếu các nguồn cung cấp thiết yếu cho sự sống còn của họ.[26]

 

2.2. Cấm tấn công, phá hủy, lấy đi hoặc vô hiệu hóa các hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của dân thường

Trong Nghị định thư Bổ sung I về xung đột vũ trang quốc tế, Điều 54(2) nghiêm cấm tước đoạt của dân thường những tài sản cần thiết cho sự sống còn của họ, và đưa ra ví dụ như là khu vực nông nghiệp để sản xuất lương thực, cây trồng, gia súc, các công trình và nguồn cung cấp nước uống và hệ thống tưới tiêu…[27] Tuy nhiên, các ví dụ về những đối tượng thiết yếu cần được bảo vệ nên được coi là danh sách mở,[28] vì mục đích chính của điều khoản này là minh hoạ cho các đối tượng và hàng hóa thiết yếu cho sự sống còn của dân thường nói chung.[29]

 

Tuy nhiên, điều khoản nói trên cũng có ngoại lệ, được quy định tại Điều 54(3) Nghị định thư Bổ sung I.[30] Cụ thể, ngoại lệ đầu tiên là hành vi tấn công và phá hủy hợp pháp các nguồn cung cấp lương thực chỉ dành riêng cho lực lượng vũ trang có thể coi là hợp pháp.[31] Ngoại lệ thứ hai là, khi các nguồn cung cấp được sử dụng với mục đích hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động quân sự, các cuộc tấn công vào những đối tượng trên bởi bên đối địch sẽ được coi là hợp pháp. Điều kiện là những cuộc tấn công không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung cấp cho dân thường dẫn đến nạn đói hoặc bắt họ phải di dời.[32]

 

Còn trong Nghị định thư Bổ sung II về xung đột vũ trang phi quốc tế, Điều 14 cũng nêu điều tương tự, nghiêm cấm tấn công, phá hủy, lấy đi hoặc vô hiệu hóa các đối tượng thiết yếu cho sự sống còn của dân thường với mục đích chiến đấu.[33] Điều 14 Nghị định thư Bổ sung II đã làm rõ sự bảo vệ dân thường được nêu trong Điều 13 Nghị định thư Bổ sung II, theo đó “dân thường và từng cá nhân dân thường sẽ được bảo vệ chung khỏi những nguy hiểm phát sinh từ các hoạt động quân sự.”[34]

 

Việc tấn công, phá hủy, lấy đi hoặc vô hiệu hóa các đối tượng hoặc tài sản thiết yếu cho sự sống còn chỉ bị cấm nếu những hành động này được thực hiện với ý định gây ra nạn đói cho dân thường, và điều này khó có thể chứng minh.[35] Theo nhiều học giả, ý định này có thể được suy ra từ những tuyên bố rõ ràng của bên tham chiến, hoặc từ những hoàn cảnh thực tế của cuộc tấn công (ví dụ: liệu người tấn công có cố gắng phân biệt giữa mục tiêu dân sự và quân sự hay không, liệu họ có cho phép các đoàn xe cứu trợ tiếp cận với dân số bị ảnh hưởng hay không, v.v.).[36]


3. Một số vấn đề pháp lý về an ninh lương thực trong các cuộc xung đột vũ trang nổi bật hiện nay

Trong thời bình, đối với hầu hết các quốc gia, việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân tương đối dễ dàng vì nền kinh tế vẫn vận hành và các hoạt động nông nghiệp được thực hiện mà ít gặp gián đoạn.[37] Tuy nhiên, trong xung đột, an ninh lương thực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hành động quân sự có thể hạn chế việc sản xuất, lưu trữ và vận chuyển thực phẩm trong khu vực xung đột, cũng như chịu gián đoạn do các hoạt động quân sự ở các khu vực khác gây ra.[38] Chẳng hạn như trong xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine, tuyến đường vận chuyển ngũ cốc từ Biển Đen đến các nước Châu Phi và Trung Đông đã bị đóng lại do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn hoạt động thương mại và phá hủy các cơ sở vật chất cần thiết cho việc vận chuyển lương thực.[39] Như vậy, dù xung đột chỉ xảy ra ở Ukraine, nhưng lại ảnh hưởng đến an ninh lương thực trên diện rộng ở một số quốc gia vốn đã ở trong tình trạng phức tạp.[40] Từ những yếu tố trên, có thể thấy, xung đột vũ trang để lại tác động tiêu cực tới an ninh lương thực. Điều này càng nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của Luật Nhân đạo Quốc tế trong việc giảm thiểu tối tác động của xung đột vũ trang lên đời sống của người dân.

 

Mặc dù đã có quy định của Luật Quốc tế về an ninh lương thực trong xung đột vũ trang,[41] nhưng đa số các quốc gia hiện nay sử dụng việc bỏ đói làm vũ khí để tạo sức ép.[42] Các bên trong xung đột vũ trang thường cố tình giữ lại lương thực;[43] áp đặt lệnh phong tỏa;[44] cản trở tiếp cận nhân đạo của cả dân thường và các cơ quan cứu trợ; ép buộc nông dân di dời và phá hủy đất nông nghiệp hoặc nguồn thực phẩm;[45] v.v. ​​trong Chiến tranh Tigray tại Ethiopia, các cơ quan cứu trợ không thể tiếp cận khu vực xung đột để cung cấp thực phẩm và các vật liệu cứu trợ thiết yếu khác cho dân thường do lệnh phong tỏa do chính phủ Ethiopia áp đặt.[46] Hay trong cuộc xung đột hiện nay giữa các bên tại Sudan, chuyên gia của Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên liên quan trong cuộc xung đột này ngừng sử dụng hành vi bỏ đói như một vũ khí để bỏ đói người dân.[47]

 

Thực trạng này đặt ra hai vấn đề pháp lý nổi bật liên quan tới vấn đề an ninh lương thực trong các cuộc xung đột vũ trang hiện nay. Một là sự chồng chéo của Luật Nhân quyền Quốc tế và Luật Nhân đạo Quốc tế. Hai là vấn đề về đảm bảo sự tuân thủ của các chủ thể phi Nhà nước.

 

3.1. Sự chồng chéo của Luật Nhân đạo Quốc tế và Luật Nhân quyền Quốc tế

Sự kết hợp giữa Luật Nhân đạo Quốc tế và Luật Nhân quyền Quốc tế đã góp phần nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ dân thường trong các cuộc xung đột vũ trang.[48] Ủy ban Pháp luật Quốc tế (International Law Commission - ILC) nhận xét sự kết hợp này là “mối quan hệ diễn giải” (relationships of interpretation) và giải thích rằng các quy phạm liên quan có thể hỗ trợ việc giải thích, làm rõ hoặc thậm chí sửa đổi một quy phạm khác.[49]

 

Trên thực tế, một trong những mục tiêu cơ bản của Luật Nhân đạo Quốc tế là cân bằng giữa mục tiêu quân sự và cân nhắc về các vấn đề nhân đạo.[50] Trong các cuộc xung đột vũ trang, cứu trợ nhân đạo là hoạt động vô cùng quan trọng để cân bằng các các hành động quân sự chiến lược và khắc phục hậu quả đối với dân thường.[51]Luật Nhân đạo Quốc tế yêu cầu các quốc gia cho phép và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng cứu trợ một cách nhanh chóng và không bị cản trở, đồng thời không được từ chối một cách tùy tiện hoạt động cứu trợ nhân đạo.[52] Tuy nhiên, Luật Nhân đạo Quốc tế không quy định nghĩa vụ đối với Nhà nước trong việc cung cấp cứu trợ nhân đạo cho dân thường trong các tình huống khác ngoài trường hợp chiếm đóng.[53] Do đó, đối với trường hợp dân thường không cư trú trong khu vực chiếm đóng nhưng chịu sự ảnh hưởng có thể được bảo vệ thông qua Luật Nhân quyền Quốc tế.[54]

 

Mặc dù hai ngành luật này bổ trợ cho nhau nhằm nâng cao sự bảo vệ đối với dân thường, nhưng các quy định của Luật Nhân quyền Quốc tế không đồng thời tương tự đối với Luật Nhân đạo Quốc tế. Chẳng hạn như Liên minh Châu Âu (EU) đã tăng cường giám sát các khu vực nơi Luật Nhân đạo Quốc tế có thể được áp dụng, và công khai chỉ trích các hành vi sử dụng an ninh lương thực làm vũ khí.[55] Tuy nhiên, các biện pháp này là chưa đủ, vì hiện nay, chỉ có các cơ quan tư pháp hoặc bán tư pháp chuyên trách chỉ xem xét các khiếu nại về hành vi vi phạm nhân quyền, và đưa ra hướng dẫn về cách giải thích luật; trong khi đó, Luật Nhân đạo Quốc tế chưa có cơ chế nào như vậy.[56]

 

Tuy nhiên, các cơ quan nhân quyền chủ yếu xem xét các tình huống xung đột vũ trang với tần suất, phạm vi và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng, nhằm xác định xem có vi phạm nhân quyền hay không.[57] Cách tiếp cận này không bao gồm việc xem xét việc tuân thủ đối với Luật Nhân quyền Quốc tế của các nhóm vũ trang phi nhà nước, nên không thể được coi là biện pháp thay thế cho cơ chế dành riêng cho Luật Nhân quyền Quốc tế.[58]Điều này cũng đồng nghĩa với việc đa số các trường hợp đe dọa tới an ninh lương thực sẽ chỉ được can thiệp khi có hậu quả xảy ra, chẳng hạn như khi đã có thống kê và chứng minh rõ ràng về mối quan hệ giữa hành vi bỏ đói và số người thiệt mạng.[59]

 

3.2. Đảm bảo sự tuân thủ của các chủ thể phi Nhà nước

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm hiện nay là đảm bảo sự tuân thủ của các chủ thể phi Nhà nước (non-state armed groups).[60] Cho tới hiện tại, khái niệm của cụm từ “chủ thể phi Nhà nước” vẫn chưa được thống nhất.[61] Tuy nhiên, nhìn chung, chủ thể này được nhiều học giả nhận định có khả năng thực thi pháp luật trên một vị trí địa lý cụ thể, và do đó họ là đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Nhân đạo Quốc tế.[62]

Mặc dù nhiều chủ thể phi Nhà nước nhận thức rằng Luật Nhân đạo Quốc tế có thể mang lại cho họ một số lợi ích, chẳng hạn như giảm thiểu số người bị thương, nhưng việc tuân thủ pháp luật vẫn chưa được đầy đủ.[63]Nguyên nhân dẫn tới thực trạng này xuất phát từ việc các chủ thể phi Nhà nước thường có cơ cấu tổ chức chưa hoàn thiện, chưa hiểu biết đầy đủ về các quy định của Luật Nhân đạo Quốc tế, cũng như thiếu tiếp cận tới cơ quan tư pháp phù hợp.[64] Do đó, ICRC đóng vai trò quan trọng khi trở thành cơ quan tư vấn về Luật Nhân đạo Quốc tế đối với các chủ thể này.[65] ICRC đã tích cực hợp tác với các chủ thể phi Nhà nước để giúp các chủ thể này hoàn thiện nghĩa vụ pháp lý quy định trong Luật Nhân đạo Quốc tế.[66] Tuy nhiên, do hoạt động của các chủ thể phi Nhà nước không đóng vai trò xây dựng pháp luật, nên quy trình làm việc giữa ICRC và chủ thể này thường được giữ bí mật.[67]

 

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng, đảm bảo việc tuân thủ của các chủ thể phi Nhà nước đối với nghĩa vụ trong Luật Nhân đạo Quốc tế là chưa đủ, mà cần phải đảm bảo sự tuân thủ với tất cả các nghĩa vụ và chuẩn mực trong Luật Quốc tế nói chung, bao gồm cả chuẩn mực Nhân quyền Quốc tế.[68] Đây là một đề xuất tương đối thiết thực do nghĩa vụ trong Luật Nhân đạo Quốc tế không đứng độc lập mà đi kèm với các nghĩa vụ quốc tế khác.[69] Hơn nữa, việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế nói chung cũng đảm bảo các yêu cầu của Nghị định thư Bổ sung II của các Công ước Geneva về biện pháp bảo vệ, hạn chế xung đột vũ trang.[70] Mặc dù vậy, biện pháp này mới chỉ dừng lại ở mức đề xuất, bởi vấn đề quan trọng là cần tăng cường các quy định trừng phạt đối với các hành động vi phạm Luật Nhân đạo Quốc tế nói riêng và Luật Quốc tế nói chung.[71]

 

KẾT LUẬN

Luật Nhân đạo Quốc tế đã có những quy định cần thiết liên quan tới hành vi sử dụng nạn đói trong xung đột vũ trang, tiêu biểu là trong bốn Công ước Geneva năm 1949 và hai Nghị định thư Bổ sung năm 1977. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi bỏ đói vẫn được sử dụng để tạo sức ép và lợi thế trong các cuộc xung đột. Mặc dù ICRC đã có những nỗ lực trong việc hỗ trợ các bên trong xung đột áp dụng các quy định của Luật Nhân đạo Quốc tế, bao gồm quy định ngăn cấm sử dụng nạn đói, nhưng vẫn còn một số vấn đề còn tồn đọng, tiêu biểu là vấn đề đảm bảo tính tuân thủ của các bên trong xung đột vũ trang đối với Luật Nhân đạo Quốc tế, và đảm bảo an ninh lương thực đối với nhóm người dễ bị tổn thương. Thực trạng này đòi hỏi không chỉ ICRC cần phải tích cực hơn trong việc hỗ trợ các bên liên quan, mà bản thân các bên trong xung đột phải có thức rõ ràng hơn về Luật Nhân đạo Quốc tế, và những cá nhân dễ bị tổn thương phải chủ động thích nghi hơn trong bối cảnh thế giới không ngừng biến đổi.

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] [10] Điều 54 Nghị định thư Bổ sung I. Xem thêm: Điều 53, Customary International Humanitarian Law, Volume I: Rules, Cambridge University Press, International Committee of Red Cross, 2005.

[2] Pinstrup-Andersen, P. (2009), “Food security: definition and measurement, Food Sec,” tr. 1.

[3] [4] [7] [8] World Development Report 2011 (2010), “Food Security And Conflict: Agriculture and Rural Development Department World Bank,” tr. 2.

[5] [6] Teodosijevic, Slobodanka B, ESA Working Paper 03-11, “Armed conflicts and food security,” tr. 19.

[9] Commentary on the Additional Protocols of 8 June 1977 to the Geneva Conventions of 12 August 1949, International Committee of the Red Cross, 1987, tr. 651.

[11] Điều 2 chung Công ước Geneva 1949, Điều 1 Nghị định thư Bổ sung I.

[12] Điều 14 Nghị định thư Bổ sung II.

[13] Điều 3 chung Công ước Geneva 1949, Điều 1 Nghị định thư Bổ sung II.

[14] Jelena Pejic (2001), International Review of the Red Cross, vol. 83, no 844, pp.1097-1109, “The right to food in situations of armed conflict: The legal framework”, tr. 1098.

[15] Điều 8.2 (b)(XXV) Quy chế Rome Toà án Hình sự Quốc tế.

[16] [17] Nguyên văn: “Starvation of civilians as a method of warfare is prohibited.”

[18] [19] Adriana Fillol Mazo (2020), The Age of Human Rights Journal, 14, 181-209, “The Protection of Access to Food for Civilians under International Humanitarian Law: Acts Constituting War Crimes,” tr.186.

[20] ICRC (1987), Comment of the International Committee of the Red Cross, Additional Protocol I, Article 54, para. 1, section 2089,

[21] Adriana Fillol Mazo (2020), The Age of Human Rights Journal, 14, 181-209, “The Protection of Access to Food for Civilians under International Humanitarian Law: Acts Constituting War Crimes,” tr.186.

[22] “Phong tỏa là ngăn chặn thiết bị quân sự đến tay lực lượng địch, ví dụ như cản trở thương mại hàng hải hoặc một trong những tỉnh ven biển của họ, còn vây hãm bao gồm việc bao quanh một vị trí địch bằng cách cô lập những người bên trong khỏi bất kỳ liên lạc nào để buộc họ đầu hàng”, Adriana Fillol Mazo (2020), The Age of Human Rights Journal, 14, 181-209, “The Protection of Access to Food for Civilians under International Humanitarian Law: Acts Constituting War Crimes,” tr.187, chú thích 15.

[23] [24] [25] [28] [29] Adriana Fillol Mazo (2020), The Age of Human Rights Journal, 14, 181-209, “The Protection of Access to Food for Civilians under International Humanitarian Law: Acts Constituting War Crimes,” tr.187.

[26] Nguyên văn: “If the civilian population is suffering undue hardship owing to a lack of the supplies essential for its survival, such as foodstuffs and medical supplies, relief actions for the civilian population which are of an exclusively humanitarian and impartial nature and which are conducted without any adverse distinction shall be undertaken subject to the consent of the High Contracting Party concerned”.

[27] Nguyên văn: “It is prohibited to attack, destroy, remove or render useless objects indispensable to the survival of the civilian population, such as foodstuffs, agricultural areas for the production of foodstuffs, crops, livestock, drinking water installations and supplies and irrigation works, for the specific purpose of denying them for their sustenance value to the civilian population or to the adverse Party, whatever the motive, whether in order to starve out civilians, to cause them to move away, or for any other motive”.

[30] Nguyên văn: “The prohibitions in paragraph 2 shall not apply to such of the objects covered by it as are used by an adverse Party: (a) as sustenance solely for the members of its armed forces; or (b) if not as sustenance, then in direct support of military action, provided, however, that in no event shall actions against these objects be taken which may be expected to leave the civilian population with such inadequate food or water as to cause its starvation or force its movement”.

[31] [32] [35] Adriana Fillol Mazo (2020), The Age of Human Rights Journal, 14, 181-209, “The Protection of Access to Food for Civilians under International Humanitarian Law: Acts Constituting War Crimes.”, tr.188.

[33] Nguyên văn: “It is prohibited to attack, destroy, remove or render useless, for that purpose (starvation of civilians as a method of combat), objects indispensable to the survival of the civilian population, such as foodstuffs, agricultural areas for the production of foodstuffs, crops, livestock, drinking water installations and supplies and irrigation Works”.

[34] Nguyên văn: “The civilian population and individual civilians shall enjoy general protection against the dangers arising from military operations.”

[36] López-Almansa Beaus (2006), “Crisis alimentarias y Derecho Internacional Humanitario”, trong Gutiérrez Espada, C., and Ramón Chornet, C. (Eds.), Uso de la fuerza y protección de los Derechos Humanos en un nuevo orden internacional, Tirant lo Blanch, Valencia, tr.255.

[37] [38] Elisabeta-Emilia Halmaghi, Alin Cîrdei, Ileana-Gentilia Metea (2023), Land Forces Academy Review Vol. XXVIII, No. 4(112), “Food Security and Armed Conflicts”, tr.333.

[39] [40] Turker, H. (2023), “Behind the Demise of the Black Sea Grain Deal.” <https://www.geopoliticalmonitor.com/behind-the-demise-of-the-black-sea-grain-deal/>. truy cập ngày 25 tháng 07 năm 2024.

[41] Điều 54(1) Nghị định thư Bổ sung năm 1977, Điều 14 của Nghị định thư Bổ sung II.

[42] In DeRose, L., Messer, E. and Millman, S. (1998). United Nations University Press, New York, “Who’s Hungry? And how Do We Know? Food, Shortage, Poverty and Deprivation.”

[43] Rodney Muhumuza (2021), AP News, “In Tigray, Food is Often a Weapon of War as Famine Looms.”

[44] [46] The Guardian (2022), “Trying to Survive: Millions in Tigray face Hunger as they wait in vain for Aid.”

[45] IIEA (2022), “The Rome Statute and Hunger as a Weapon of War- The Journey Towards Ending Impunity for Starvation Tactics.”

[47] Nguyên văn: “Both the SAF and the RSF are using food as a weapon and starving civilians,” tại United Nations Human Rights (2024), “Using starvation as a weapon of war in Sudan must stop: UN experts.”

[48] [49] ILC Study Group on the Fragmentation of International Law: Difficulties arising from the Diversification and Expansion of International Law, 2006, submitted to the General Assembly (UN Doc. A/61/10, x 251).

[50] [51] Simone Hutter (2019), Journal of International Criminal Justice 17, 723-752, doi:10.1093/jicj/mqz056,“Starvation in Armed Conflicts: An Analysis Based on the Right to Food,” tr. 745.

[52] Điều 23, 59-61 Công ước Geneva IV; Điều 70(2) Nghị định thư Bổ sung I; Điều 18(2) Nghị định thư Bổ sung II.

[53] [54] Simone Hutter (2019), Journal of International Criminal Justice 17, 723-752, doi:10.1093/jicj/mqz056,“Starvation in Armed Conflicts: An Analysis Based on the Right to Food,” tr. 745.

[55] Liên minh Châu Âu (2023), “Eu Guidelines On Promoting Compliance With International Humanitarian Law (IHL)”, tr.5.

[56] [57] [58] [59] Emanuela-Chiara Gillard (2016), “Promoting Compliance with International Humanitarian Law”, tr.2.

[60] [61] [62] [67] Cedric Ryngaerty and Anneleen Van de Meulebroucke (2012), Journal of Conflict & Security Law, 10.1093/jcsl/krr018, “Enhancing and Enforcing Compliance with International Humanitarian Law by Non-State Armed Groups: an Inquiry into some Mechanisms”, tr.456.

[63] [64] [65] Geneva Call (2010), “In their words: Perspectives of armed non-state actors on the protection of children from the effects of armed conflict” 6, tr.478.

[66] ICRC (2021), International Review of the Red Cross (2020), 102 (915), 1087–1098, “ICRC Engagement with Non-State Armed Groups”, tr.1088.

[68] [69] [70] A Bellal, G Giacca and S Casey-Maslen (2011), 93 Intl Rev Red Cross 47, “International Law and Armed Non-State Actors in Afghanistan.”

[71] Report of the International Law Commission on the work of its Fifty-third session, Official Records of the General Assembly, Fifty-sixth session, Supplement No 10 (A/56/10), ch IV.E.1; ILC Draft Articles on the Responsibility of International Organizations for Internationally Wrongful Acts (DARIO), UN DOC A/CN.4/L.778 (2011).


128 lượt xem

1 Comment


Phạm Quốc Hào
Phạm Quốc Hào
Jul 29

Bài viết rất hay và ý nghĩa

Like
bottom of page