top of page
icj 1.jpeg

[26] JUS IN REM (VẬT QUYỀN) VÀ JUS AD REM (TRÁI QUYỀN)

Tác giả: Hoàng Hải Vân


Học thuyết “vật quyền” và “trái quyền” từ lâu đã được coi là một cơ sở vững chắc để xây dựng các quy định pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích toàn diện cho các cá nhân sở hữu tài sản[1] và trở thành một tiền đề quan trọng trong lịch sử phát triển của pháp luật dân sự thế giới nói chung và các chế định liên quan tới tài sản nói riêng.


Vật quyền, hay Jus in rem là một thuật ngữ, được dùng để chỉ quyền có thể được thi hành trực tiếp và ngay lập tức lên vật.[2] Ngược lại, trái quyền, hay Jus ad rem, là quyền đối với vật, hay nói cách khác, là quyền được thực thi bởi một người đối với một tài sản cụ thể theo hợp đồng hoặc nghĩa vụ mà người khác phải chịu trách nhiệm.[3]


Quan hệ vật quyền cấu thành từ hai yếu tố: chủ thể của quyền (con người) và đối tượng của quyền (vật). Sự khác biệt chủ yếu giữa vật quyền và trái quyền đó chính là tính tuyệt đối trong việc thực thi quyền: vật quyền thể hiện sự thống trị hoàn toàn và tuyệt đối của chủ thể đối với một vật[4], trong khi trái quyền được thiết lập giữa hai chủ thể và chỉ có thể được thực hiện suôn sẻ dựa trên cơ sở hợp tác tích cực giữa hai chủ thể đó[5]. 


Ngược lại, trong một vài trường hợp thì vật quyền và trái quyền lại có những nghĩa vụ tương đồng liên quan tới nghĩa vụ của người thứ ba. Cụ thể, người thứ ba cần tôn trọng việc một người thực hiện quyền đối vật của người này và đồng thời tôn trọng việc một người yêu cầu một người khác thực hiện một nghĩa vụ tài sản.[6]


Lịch sử đã ghi nhận sự xuất hiện của học thuyết “vật quyền” từ hơn 2000 năm trước trong thời kỳ La Mã cổ đại. Pháp điển Dân sự (Corpus Juris Civilis) - công trình pháp lý vĩ đại của Hoàng đế Đông La Mã Justinian có sức ảnh hưởng to lớn tới lịch sử pháp luật châu Âu lục địa nói chung và lịch sử Luật La Mã nói riêng - nơi mà học thuyết “vật quyền” lần đầu được định hình và phát triển. Quyển thứ hai và ba của Institutiones (Sách giáo khoa Luật La Mã) - một trong bốn bộ phận cấu thành Pháp điển Dân sự - đề cập tới các quy định liên quan tới vật và quan hệ tài sản. Công trình ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (Civil Law) mà nổi bật là hai hệ thống pháp luật dân sự tại Pháp và Đức.[7]


Bộ luật Dân sự của Pháp và Đức - hai quốc gia cùng thuộc hệ thống pháp luật châu Âu lục địa - đều xây dựng dựa trên tư duy phân biệt giữa vật quyền và trái quyền do những lợi ích mà nó mang lại cho hệ thống pháp luật.[8] Tuy nhiên, cách tiếp cận vật quyền của hai quốc gia này cũng có những đặc trưng nhất định. Luật vật quyền của Đức chịu sự chi phối của bốn nguyên tắc cơ bản: trừu tượng và tách bạch; tuyệt đối; công khai; luật định còn hệ thống pháp luật dân sự của Pháp chỉ ghi nhận nguyên tắc công khai, nguyên tắc tuyệt đối, nguyệt tắc luật định.[9] Bộ luật Dân sự của Đức ghi nhận các quy định về vật và tài sản trong Quyển 3[10] còn Bộ luật Dân sự của Pháp được ghi nhận tại Quyển 2 và Quyển 4[11]. 


Hiện tại, Bộ luật Dân sự Việt Nam 2015 chưa có khái niệm “vật quyền” mà mới chỉ ghi nhận một số quy định liên quan tới quyền sở hữu hoặc quyền đối với tài sản. Cụ thể, Điều 158 quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật. Quyền khác đối với tài sản được quy định tại Điều 159 là quyền chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng và quyền bề mặt.[12] Việc có hay không vận dụng khái niệm vật quyền để xây dựng Phần II của Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện vẫn còn là một vấn đề được các nhà làm luật thảo luận sôi nổi. Một số ý kiến cho rằng Việt Nam nên bổ sung thêm khái niệm vật quyền để xác định đúng bản chất pháp lý của quyền đối với tài sản, đồng thời củng cố cơ sở pháp lý cho việc sử dụng một cách hiệu quả nguồn tài sản, tài nguyên thiên nhiên của đất nước.[13] Ngược lại, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc đưa quy định về vật quyền vào Bộ luật Dân sự hiện hành có thể gây khó hiểu trong khi nội hàm không có nhiều sự khác biệt so với các quy định hiện tại.[14]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Trịnh Tuấn Anh, Nguyễn Văn Phúc, Học thuyết vật quyền và việc xây dựng chế định vật quyền theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa (2018) 4 Tạp chí Luật học, trang 18.

[2] Ngô Thu Trang, Lý thuyết về vật quyền bảo đảm và vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam (2018) (Bộ Tư pháp), <https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2326>, truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.

[3][4] Black Law’s Dictionary, Jus ad rem definition and Legal Meaning, <https://thelawdictionary.org/jus-ad-rem/>, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.

[5][6] Nguyễn Ngọc Điện, Lợi ích của việc xây dựng chế định vật quyền đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật tài sản (Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử).

[7] Phạm Trí Hùng, Corpus Juris Civilis - Nguồn quan trọng của Luật La Mã,

[8] Nguyễn Ngọc Điện, Sự cần thiết của việc xây dựng các chế định vật quyền và trái quyền trong luật dân sự (2010)  Tạp chí nghiên cứu lập pháp điện tử, <http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207357>, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.

[9] Bùi Thị Thanh Hằng, Đề xuất mô hình chế định tài sản cho Bộ luật Dân sự Việt Nam tương lai (2014) 4 Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Luật học, Tập 30.

[10] Bộ luật Dân sự Đức, Quyển 3: Luật về tài sản, <https://www.gesetze-im-internet.de/englisch_bgb/index.html>, truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.

[11] Bộ luật Dân sự Pháp, Quyển 2: Tái sản và những thay đổi về quyền sở hữu; Quyển 4: Các biện pháp bảo đảm, <https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000006070721/>, truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2023.

[12] Bộ luật Dân sự 2015, Điều 158 và 159.

[13] Dương Đăng Huệ, Nên sử dụng khái niệm vật quyền trong Bộ luật Dân sự (2015) Tạp chí nghiên cứu lập pháp, <http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210180>, truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2023.

[14] Trương Thị Diệu Thúy, Một số suy nghĩ liên quan đến vật quyền trong Bộ luật Dân sự 2015 (Tạp chí nghiên cứu lập pháp, 2017)


131 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page