top of page
icj 1.jpeg

[16] CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG LUẬT VŨ TRỤ QUỐC TẾ

Đã cập nhật: 5 thg 10, 2023

Tác giả: Chu Trang Anh, Phạm Quốc Hào.


Lịch sử phát triển của Luật vũ trụ quốc tế gắn liền với sự ra đời của các điều ước quốc tế về vũ trụ, tiêu biểu là Hiệp ước về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 (Hiệp ước Thượng tầng không gian năm 1967) và Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972 (Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972). Những điều ước quốc tế này có tầm quan trọng lịch sử đối với việc định hình quan hệ quốc tế trong lĩnh vực vũ trụ, quy định việc sử dụng hòa bình và đặt tiền đề cho văn kiện pháp lý liên quan đến không gian vũ trụ. Tuy nhiên, các điều ước quốc tế điều chỉnh hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ đều thiếu vắng cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả và không thể đáp ứng đầy đủ với sự tham gia ngày càng lớn của các thực thể tư nhân và tổ chức liên chính phủ trong quá trình khai thác không gian vũ trụ. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung phân tích các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của Luật vũ trụ quốc tế hiện nay và các tranh chấp có thể xảy ra trong tương lai.


1. Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế

Hiện nay, các tranh chấp quốc tế đến các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ có thể được chia làm ba nhóm tương ứng với từng chủ thể của Luật vũ trụ quốc tế: (i) tranh chấp giữa các quốc gia; (ii) tranh chấp liên quan đến các tổ chức liên chính phủ; và (iii) tranh chấp liên quan đến các thực thể tư nhân.[1]


a. Tranh chấp giữa các quốc gia

Tranh chấp liên quan đến khoảng không vũ trụ giữa các quốc gia là một trong các tranh chấp của luật quốc tế và vì vậy có thể được giải quyết thông qua phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) nếu cả hai bên tranh chấp nhận thẩm quyền của tòa trên cơ sở Điều 36(1) Quy chế ICJ.[2] Hiện nay đã có một số điều ước quốc tế điều chỉnh các hoạt động trong khoảng không vũ trụ ghi nhận ICJ như một cơ quan tài phán tiềm năng, tiêu biểu như Công ước quốc tế về tổ chức vệ tinh hàng hải (INMARSAT), Công ước về Bảo vệ tầng ôzôn năm 1985 và quyết định của Hội nghị toàn quyền Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) năm 1994 tại Kyoto ủy quyền cho Hội đồng Điều hành xin ý kiến tư vấn từ ICJ.[3] Tuy nhiên, cần phải lưu ý ICJ chưa từng đưa ra bất cứ phán quyết, ý kiến tư vấn đối với tranh chấp về các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ giữa các quốc gia.


Năm Công ước về vũ trụ của Liên hợp quốc đã xây dựng những nguyên tắc, và định nghĩa cơ bản đối với Luật vũ trụ quốc tế và thậm chí đặt ra cơ chế cụ thể nhằm giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể đối với trường hợp của Công ước về Trách nhiệm Bồi thường thiệt hại năm 1972.[4] Theo đó, Điều 9 của Công ước quy định việc tranh chấp cần trước hết được giải quyết theo con đường đàm phán ngoại giao, cụ thể, việc yêu cầu bồi thường thiệt hại “phải được đưa ra đối với quốc gia phóng hành qua các kênh ngoại giao”. Ngoài ra, Điều 14 của Công ước cũng quy định “nếu một quốc gia không duy trì quan hệ ngoại giao đối với quốc gia phóng hành, quốc gia đó có thể yêu cầu quốc gia khác đại diện cho lợi ích của mình theo Công ước này”.[5] Trường hợp không thể giải quyết tranh chấp thông qua con đường ngoại giao thì Điều 14 và 15 của Công ước này quy định thành lập Uỷ ban chuyên biệt theo yêu cầu của các bên liên quan bao gồm đại diện của quốc gia nguyên đơn và đại diện của quốc gia bị đơn.[6] Căn cứ vào Điều 18 và 19 của Công ước, Uỷ ban chuyên biệt này sẽ có nhiệm vụ xác định số tiền bồi thường nếu có và đưa ra quyết định cuối cùng mang tính ràng buộc đối với các bên tranh chấp.[7]


Bên cạnh một số biện pháp giải quyết tranh chấp được ghi nhận trong 05 Công ước về vũ trụ của Liên hợp quốc liên quan đến hoạt động vũ trụ hiện nay, các quốc gia ngày càng có xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài. Một ví dụ tiêu biểu là Công ước về Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 1992 cũng có quy định về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong phạm vi điều chỉnh của Công ước. Theo đó, tại Điều 57, Công ước này quy định các quốc gia thành viên có thể giải quyết tranh chấp của mình về các vấn đề liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước “thông qua các kênh ngoại giao hoặc theo các thủ tục được thiết lập bởi các hiệp ước song phương hoặc đa phương được ký kết giữa các quốc gia đó để giải quyết tranh chấp quốc tế”.[8] Trường hợp không thể giải quyết thông qua con đường ngoại giao thì “bất kỳ quốc gia thành viên nào đều có thể nhờ đến trọng tài theo thủ tục được xác định trong Công ước.”[9] Bên cạnh đó, Công ước về Cơ quan Vũ trụ châu u (EAS) cũng đồng thời có điều khoản ghi nhận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Cụ thể, Điều 17 của Công ước này quy định tranh chấp về việc áp dụng Công ước giữa các quốc gia sẽ được giải quyết thông qua một Tòa Trọng tài ba thành viên, trong đó mỗi bên tranh chấp được chỉ định một trọng tài viên. Hai trọng tài viên đầu tiên sẽ chỉ định trọng tài viên thứ ba và người này cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng trọng tài.[10]


b. Tranh chấp liên quan đến các tổ chức quốc tế liên chính phủ

Trước xu hướng tự do hóa và toàn cầu hóa của thế giới, các tổ chức quốc tế liên chính phủ (IGO) đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực vũ trụ.[11] Tranh chấp liên quan đến chủ thể này có thể được chia thành ba loại chính: (i) tranh chấp giữa các IGO và các quốc gia (nhà nước); (ii) tranh chấp giữa các IGO với nhau; và (iii) tranh chấp giữa các IGO và các thực thể tư nhân.[12]


Với tranh chấp giữa các IGO và các quốc gia, tồn tại hai trường hợp: (i) quốc gia trong tranh chấp là thành viên của IGO đó; và (ii) quốc gia trong tranh chấp không phải là thành viên của IGO đó.[13] Đối với trường hợp thứ nhất, tranh chấp thường được giải quyết bởi các thỏa thuận nội bộ trong khuôn khổ của IGO. Đối với trường hợp thứ hai, tranh chấp có thể được giải quyết bằng các biện pháp giải quyết tranh chấp trong luật quốc tế nói chung.[14] Có thể thấy rằng trong cả hai trường hợp, không có sự tách biệt rõ ràng giữa luật quốc tế nói chung và Luật vũ trụ nói riêng.


Xuất phát từ việc không có nhiều IGO trong lĩnh vực vũ trụ, các tranh chấp giữa các IGO với nhau ít khi xảy ra.[15] Tuy nhiên, loại tranh chấp này lại rất phức tạp và quan trọng, bởi tồn tại khả năng các IGO khác nhau có các quốc gia thành viên như nhau và thiết lập các cơ chế giải quyết khác nhau. Về lý thuyết, các tranh chấp như vậy thường sẽ được giải quyết bởi luật quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, các quốc gia là thành viên của cả hai IGO thường ưu tiên giải quyết tranh chấp tại các tòa án quốc gia và/hoặc dựa trên luật quốc gia.[16]

Tranh chấp giữa các IGO và các thực thể tư nhân cũng là trường hợp tương đối phức tạp, trong đó các bên thường có xu hướng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc gia và theo luật quốc gia. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc liệu thực thể tư nhân đó có thuộc phạm vi thẩm quyền của quốc gia là thành viên của IGO trong tranh chấp hay không.[17]


Hai thiết chế giải quyết tranh chấp tư pháp phổ biến trong luật quốc tế là thông qua Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) và Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA), về nguyên tắc cũng được áp dụng đối với các tranh chấp trong lĩnh vực vũ trụ. Tuy nhiên, ICJ chỉ có thể giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia hữu quan, và chỉ khi các quốc gia đó đã công nhận thẩm quyền của ICJ.[18] Trong một số trường hợp, ICJ chỉ có thể đưa ra ý kiến tư vấn (không có giá trị ràng buộc pháp lý) cho các IGO, nếu được ủy quyền hợp lệ theo Điều 65 của Quy chế Toà án Công lý Quốc tế.[19] Thiết chế giải quyết tranh chấp thứ hai là PCA vốn cũng chỉ giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, nhưng trong những năm trở lại đây đã chấp nhận giải quyết tranh chấp liên quan đến các IGO ở mức độ hạn chế.[20] Cụ thể, từ năm 1993 đến năm 1996, PCA đã thông qua ba Quy tắc Tùy chọn của Tòa án Trọng tài Thường trực.[21] Theo đó, PCA hiện có thể cung cấp biện pháp trọng tài cho tranh chấp giữa hai bên mà chỉ có một bên là quốc gia,[22] tranh chấp giữa một bên là IGO và một bên là quốc gia,[23] và tranh chấp giữa một bên là IGO và một bên là thực thể tư nhân.[24] Có thể thấy, trước sự tham gia ngày càng sâu rộng của các IGO và các thực thể tư nhân vào hoạt động vũ trụ, vai trò của tòa PCA trong việc giải quyết các tranh chấp trong lĩnh vực này cũng được nâng cao.


c. Tranh chấp liên quan đến các thực thể tư nhân

Vào tháng 4 năm 1990, tên lửa Pegasus của Tập đoàn Khoa học Quỹ đạo được phóng vào vũ trụ, đánh dấu lần đầu tiên một công ty tư nhân đưa thành công một vật thể vũ trụ vào quỹ đạo.[25] Từ những năm 1990 trở đi, sự nới lỏng kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động thương mại vũ trụ cũng đã tạo điều kiện cho các chủ thể phi nhà nước này tham gia vào các hoạt động thương mại vũ trụ,[26] từ đó việc phát sinh tranh chấp liên quan đến các thực thể tư nhân là điều khó tránh khỏi. Tranh chấp liên quan đến các thực thể tư nhân có thể được chia thành ba loại chính: (i) tranh chấp giữa các quốc gia (nhà nước) và các thực thể tư nhân; (ii) tranh chấp giữa các IGO và các thực thể tư nhân; và (iii) tranh chấp giữa các thực thể tư nhân với nhau.[27] Trong đó, loại tranh chấp thứ hai đã được phân tích ở mục 2.b. phía trên.


Trường hợp tranh chấp giữa các quốc gia và các thực thể tư nhân lần đầu tiên xảy ra vào ngày 10 tháng 2 năm 2009, khi một vệ tinh Cosmos 2251 đã qua sử dụng của Nga va chạm với vệ tinh Iridium 33 còn hoạt động của một công ty tư nhân Mỹ, khiến hai vệ tinh bị phá hủy ngay lập tức.[28] Tại thời điểm đó, hai văn kiện pháp lý quốc tế được áp dụng để giải quyết vụ việc này là Hiệp ước Thượng tầng không gian năm 1967 và Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972.[29] Theo đó, quốc gia phóng hành (“launching State”) sẽ phải chịu trách nhiệm nhiệm bồi thường thiệt hại do vật thể vũ trụ của mình gây ra.[30] Tuy nhiên, trong khi có thể dễ dàng xác định vệ tinh Cosmos 2251 được phóng bởi Nga, thì việc xác định quốc gia phóng vệ tinh Iridium lại phức tạp hơn. Điều 1(c) của Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972 quy định quốc gia phóng hành: (i) là quốc gia phóng hay được quốc gia khác chuẩn bị cho việc phóng vật thể vào vũ trụ; hoặc (ii) là quốc gia có lãnh thổ hay cơ sở mà vật thể được phóng lên.[31] Trong trường hợp của vệ tinh Iridium, dù công ty tư nhân Mỹ đã thực hiện công tác chuẩn bị cho việc phóng, nhưng Nga lại cung cấp cơ sở cho vệ tinh được phóng lên lại lãnh thổ của Kazakhstan.[32] Đồng thời, vệ tinh Iridium cũng không được đăng ký tại Liên hợp quốc, theo Điều 1 của Công ước về đăng ký các vật thể được phóng vào không gian vũ trụ 1974.[33] Do đó, rất khó để xác định liệu quốc gia phóng vệ tinh Iridium là Mỹ, Nga hay Kazakhstan. Đồng thời, mặc dù Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972 quy định rằng cần phải xác định yếu tố “lỗi” (“fault”) khi thiệt hại xảy ra,[34] nhưng Công ước lại chưa có quy định cụ thể thế nào là yếu tố “lỗi”.[35] Sau cùng, tranh chấp giữa Iridium-Cosmos dường như đã được giải quyết bởi thỏa thuận của các bên, thay vì áp dụng Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1972.[36]


Tuy tranh chấp giữa các thực thể tư nhau với nhau là loại tranh chấp phổ biến nhất được giải quyết bằng biện pháp trọng tài, PCA lại đóng vai trò rất hạn chế trong việc giải quyết tranh chấp giữa hai bên đều là tư nhân. Trên thực tế, trong các hợp đồng thương mại quốc tế, Quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) thường được ưu tiên lựa chọn.[37] Theo đó, nếu các bên tranh chấp không đồng ý với tổ trọng tài được chỉ định bởi PCA, bất kỳ bên nào trong tranh chấp cũng có thể yêu cầu Tổng Thư ký PCA thành lập một “cơ quan có thẩm quyền được chỉ định” (“appointing authority”), cơ quan này sau đó sẽ tiến hành lựa chọn các trọng tài thay thế.[38]

Một điều cần lưu ý là tranh chấp giữa các thực thể tư nhân với nhau, về bản chất, là vấn đề của luật quốc gia và các tòa án quốc gia ngay cả khi các thực thể này thuộc phạm vi thẩm quyền của các quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực quốc tế như hoạt động vũ trụ, với sự tham gia và phối hợp giữa nhiều thành phần công và tư khác nhau thì việc áp dụng luật quốc gia để giải quyết tranh chấp vẫn là một vấn đề gây tranh cãi.[39] Hạn chế của việc áp dụng luật quốc gia xuất phát từ việc hiện nay có rất nhiều cơ chế giải quyết bằng luật quốc gia, nhưng chỉ có số ít cơ chế hoàn toàn giống nhau, dẫn đến việc kết quả đạt được cũng khác nhau.[40] Từ đó, các rủi ro như không nhất thể hóa luật tư, vấn đề chọn tòa án (“forum shopping”), hay vấn đề về quyền miễn trừ nhà nước (“sovereign immunity”) đều có khả năng phát sinh.[41]


2. Hạn chế của khung pháp lý quốc tế hiện nay trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến vũ trụ

Trong năm điều ước quốc tế về vũ trụ của Liên hợp quốc, Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972 là văn kiện pháp lý duy nhất đặt ra cụ thể vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của Luật vũ trụ quốc tế.[42] Như đã đề cập ở phần đầu tiên của bài viết, Công ước này quy định tranh chấp được giải quyết theo con đường đàm phán ngoại giao hoặc thành lập Uỷ ban chuyên biệt theo yêu cầu của các bên liên quan bao gồm đại diện của quốc gia nguyên đơn và đại diện của quốc gia bị đơn.[43]


Mặc dù Công ước đã thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra, song, những cơ chế trên chưa từng một lần được áp dụng trong thực tiễn. Điều này đến từ việc phạm vi điều chỉnh của Công ước chỉ hạn chế trong việc bồi thường đối với các thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra trên mặt đất hay với tàu bay đang bay đáp ứng định nghĩa về “thiệt hại”, quy định tại Điều 1(a) và bất kỳ loại tranh chấp nào liên quan đến các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ mới được hình thành đều nằm ngoài phạm vi của Công ước.[44] Hơn nữa, cần phải lưu ý rằng Điều 22(4) của Công ước đã quy định “bất kỳ yêu cầu bồi thường nào liên quan đến thiệt hại gây ra đối với một tổ chức liên chính phủ quốc tế đã đưa ra tuyên bố chấp nhận các nguyên tắc được ghi nhận tại khoản 1 của Điều này phải được đệ trình bởi một Quốc gia thành viên của tổ chức đó và [cũng đồng thời] là Quốc gia thành viên của Công ước này”.[45] Như vậy, các tổ chức liên chính phủ không có địa vi pháp lý độc lập khi áp dụng Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972 và vì thế không thể yêu cầu thành cầu thành lập Uỷ ban chuyên trách nhằm giải quyết tranh chấp nếu không được một quốc gia thành viên đại diện.[46]


Bên cạnh Công ước trên, UNCITRAL, cùng một số các Điều ước quốc tế điều chỉnh các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ như Công ước về Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 1992, EAS đồng thời ghi nhận giải quyết tranh chấp giữa các chủ thể của Luật vũ trụ quốc tế bằng trọng tài.[47] Tuy nhiên, tương tự như Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại năm 1972, điểm yếu lớn nhất của những cơ chế trọng tài này là phạm vi giải quyết tranh chấp chỉ giới hạn trong khuôn khổ của các Điều ước quốc tế trên và chưa ghi nhận địa vị pháp độc lập của các tổ chức liên chính phủ và các thực thể tư nhân.[48]


3. Kết luận Như vậy, từ việc nghiên cứu các cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế, chúng ta đã hiểu rõ hơn về các khung pháp lý quốc tế hiện nay trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến vũ trụ và các hạn chế của khung pháp lý đó. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của các tổ chức quốc tế liên chính phủ và các thực thể tư nhân trong hoạt động hàng không vũ trụ đã đặt ra yêu cầu trọng yếu về một cơ chế giải quyết tranh chấp thống nhất, hiệu quả và có thể áp dụng cho cả các thực thể phi chính phủ. Việc sớm thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp nêu trên sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý quốc tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để tất cả các chủ thể được tham gia và cạnh tranh công bằng trong hoạt động thăm dò và khai thác khoảng không vũ trụ trong tương lai.

Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1], [12], [26], [41] Đồng Thị Kim Thoa, Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Luật vũ trụ quốc tế, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 10(195), (2011) <http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207564> truy cập ngày 14 tháng 04 năm 2023.

[2], [48] Theo Peter P.C. Haanappel, Dr. Frans G. von der Dunk, Dr. Stephan Hobe, Dispute Settlement in International Space Law A Multi-Door Courthouse for Outer Space, G´erardine Meishan Goh Leiden, (2006), <https://scholarlypublications.universiteitleiden.nl/handle/1887/11860> Truy cập ngày 05 tháng 04 năm 2023.

[3], [11], [13], [14], [15], [16], [17], [19], [20], [27], [39], [40] Frans G. von der Dunk, SPACE FOR DISPUTE SETTLEMENT MECHANISMS - DISPUTE RESOLUTION MECHANISMS FOR SPACE? A few legal considerations, Space, Cyber, and Telecommunications Law Program Faculty Publications, (2001)

[4] Năm Điều ước vũ trụ của Liên hợp quốc bao gồm: Hiệp ước về các nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967 (Hiệp ước Thượng tầng không gian năm 1967), Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972 (Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1972), Công ước về Đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ (Công ước về đăng ký 1975), Hiệp ước điều chỉnh các hoạt động của các quốc gia trên Mặt trăng và các thiên thể khác (Hiệp ước Mặt trăng 1979), Hiệp ước về cứu hộ nhà du hành vũ trụ, trao trả nhà du hành vũ trụ và các vật thể được phóng vào vũ trụ (Hiệp ước về cứu hộ 1968).

[5] Điều 14 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[6] Điều 14, Điều 15 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[7] Điều 18, Điều 19 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[8], [9] Điều 57 Công ước về Liên minh Viễn thông Quốc tế năm 1992.

[10] Điều 17 Công ước về cơ quan vũ trụ Châu Âu.

[18] Điều 36 Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế.

[21], [37] Lotta Viikari, Law and Language in Partnership and Conflict: Towards More Effective Settlement of Disputes in the Space Sector, A Special Issue of the Lapland Law Review (2011), 243.

[22] Optional Rules for Arbitrating Disputes between Two Parties of Which Only One is a State (1993).

[23] Optional Rules for Arbitration Between International Organizations and States (1996).

[24] Optional Rules for Arbitration Between International Organizations and Private Parties (1996).

[25] Space, 'New Space Frontiers' (US 2014): Book Excerpt, (18/12/2014) <https://www.space.com/28052-new-space-frontiers-book-excerpt.html> truy cập ngày 15 tháng 04 năm 2023.

[28], [42] Fabio Tronchetti, The PCA Rules for dispute settlement in outer space: A significant step forward, Space Policy, (2013), 29(3), 181-189.

[29], [33], [35], [36] Brian Weeden, 2009 Iridium-Cosmos Collision Fact Sheet, (10/11/2010) <https://swfound.org/media/6575/swf_iridium_cosmos_collision_fact_sheet_updated_2012.pdf> truy cập ngày 15 tháng 04 năm 2023.

[30] Điều 7 Hiệp ước quốc tế về những nguyên tắc điều chỉnh hoạt động của các quốc gia trong lĩnh vực thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ bao gồm Mặt trăng và các thiên thể khác năm 1967. Điều 2 và Điều 3 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[31] Điều 1(c) Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[32] Ram S. Jakhu, Iridium-Cosmos collision and its implications for space operations, Yearbook on Space Policy 2008/2009, 255.

[34] Điều 3 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[38] Điều 6 Quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế.

[43] Điều 9, Điều 14 và Điều 15 Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[44] Điều 1(a) Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[45] Điều 22(4) Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra năm 1972.

[46], [47] Fabio Tronchetti, Fundamentals of Space Law and Policy, (2013), 81-84 <Fundamentals of Space Law and Policy | SpringerLink> truy cập ngày 01 tháng 4 năm 2023.

152 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page