top of page
icj 1.jpeg

[5] CUỘC KHỦNG HOẢNG IRAN 1979 DƯỚI GÓC ĐỘ CÔNG ƯỚC VIÊN 1961 VÀ CÔNG ƯỚC VIÊN 1963

Đã cập nhật: 27 thg 2

Tác giả: Phan Nguyễn Quỳnh Nhi, Dương Hải Anh.


Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về quan hệ ngoại giao và quan hệ lãnh sự. Mặc dù Công ước Viên 1961 về Quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về Quan hệ lãnh sự đã có những quy định tương đối rõ ràng về các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào quan hệ ngoại giao lãnh sự, nhưng trên thực tế, do các yếu tố về chính trị hay xã hội, quyền của những nhà ngoại giao đã bị xâm phạm. Một trong những sự kiện tiêu biểu đó là cuộc khủng hoảng con tin Iran 1979.


1. Sơ lược về cuộc khủng hoảng con tin Iran 1979

Vào năm 1953, nhằm lật đổ Thủ tướng dân cử Mohammad Mossadeq và củng cố quyền lực của Quốc vương Shah - Mohammad Reza Pahlavi, Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã tiến hành một cuộc đảo chính tại Iran. Các chính sách cứng rắn và cấm tự do chính trị của Shah Reza đã dẫn tới cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran, bắt đầu từ tháng 02/1979.[1] Trong giai đoạn này, dù đã nhận thấy nguy hiểm, Tổng thống Jimmy Carter vẫn cho phép Shah rời Cairo tới New York để chữa căn bệnh hiểm nghèo. Điều này đã kích động tới một nhóm sinh viên ở Iran. Nhóm sinh viên này sau đó đã đột kích vào Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Tehran và bắt giữ hơn 66 người, chủ yếu là các nhà ngoại giao Hoa Kỳ làm con tin trong khoảng 444 ngày.[2]


Mặc cho lời kêu gọi trả tự do cho con tin của người dân Mỹ hay cả khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu chấm dứt cuộc khủng hoảng, Đại giáo chủ Khomeini - người kiểm soát tình hình con tin - không đồng ý. Hai tuần sau đó, ông Khomeini mới bắt đầu trả tự do cho những người không phải người Mỹ, toàn bộ phụ nữ và người mang quốc tịch Mỹ song thuộc dân tộc thiểu số với lý do họ thuộc nhóm những người bị Chính phủ Mỹ áp bức. 52 con tin còn lại vẫn nằm trong tay Khomeini 14 tháng sau đó.[3] Trong quá trình bị bắt làm con tin, mặc dù không bị thương nặng, các các nhà ngoại giao đã phải chịu nhiều đối xử khủng khiếp. Họ bị bịt mắt, diễu hành trước máy quay TV và bị đám đông chế giễu. Họ không được phép nói hoặc đọc, và hiếm khi được phép thay quần áo. Điều đáng sợ nhất đó là, các con tin không bao giờ biết liệu mình sẽ bị tra tấn, sát hại hay được trả tự do.[4]


2. Cuộc khủng hoảng dưới góc nhìn Công ước viên 1961 về Quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về Quan hệ lãnh sự

Diễn biến pháp lý nổi bật xoay quanh sự kiện là việc Mỹ khởi kiện Cộng hòa Hồi giáo Iran lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ).[5] Thực hiện một trong hai vai trò của mình - giải quyết xung đột,[6] ICJ xét xử vụ việc chủ yếu dựa trên Công ước Viên 1961 về Quan hệ ngoại giao (Công ước Viên 1961) và Công ước Viên 1963 về Quan hệ lãnh sự (Công ước Viên 1963) và Hiệp ước Thân thiện, Quan hệ kinh tế và Quyền lãnh sự giữa Hoa Kỳ và Iran năm 1955.[7] Trong đó, Toà đã chia diễn biến vụ án trên thành hai giai đoạn: (i) cuộc tấn công vũ trang vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ngày 04 tháng 11 năm 1979 và (ii) toàn bộ chuỗi sự kiện xảy ra sau việc chiếm đóng Đại sứ quán Hoa Kỳ kèm theo việc chiếm giữ Lãnh sự quán tại Tabriz và Shiraz.[8] Qua phán quyết của mình, Toà đã xác định Iran vi phạm rõ ràng, nghiêm trọng và nhiều lần nghĩa vụ quốc tế ràng buộc bởi các điều ước quốc tế có cả Mỹ và Iran là quốc gia thành viên.[9]


Dưới đây, hai giai đoạn của cuộc khủng hoảng sẽ được tiếp cận dưới góc nhìn pháp lý từ Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963. Đồng thời, vai trò và ý nghĩa từ phán quyết của ICJ trong vụ việc cũng sẽ được đề cập.


2.1. Giai đoạn tấn công vũ trang vào Đại sứ quán Hoa Kỳ ngày 4 tháng 11 năm 1979

Cơ quan đại diện ngoại giao và viên chức ngoại giao được hưởng một số quyền lợi và ưu đãi nhất định theo quy định của Công ước Viên 1961, bao gồm quyền bất khả xâm phạm về trụ sở (Điều 22), quyền bất khả xâm phạm về thân thể (Điều 29), quyền miễn trừ xét xử về hình sự của Nước tiếp nhận (Điều 31). Thậm chí, Điều 44 Công ước Viên 1961 cũng nêu rõ về ngay cả khi có xung đột vũ trang, Nước nhận không chỉ có nghĩa vụ cho phép viên chức ngoại gia và người nhà của họ rời khỏi lãnh thổ Nước tiếp nhận trong thời hạn sớm nhất, mà còn có nghĩa vụ cung cấp cho họ các phương tiện vận chuyển cần thiết cho bản thân họ và tài sản của họ nếu cần thiết. Các quyền nói trên còn là các quyền theo tập quán quốc tế, đã được đưa vào các điều ước quốc tế song phương và đa phương.[10]


Tuy nhiên, tại thời điểm cuộc biểu tình diễn ra bên ngoài khuôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Tehran, không có lực lượng an ninh Iran nào can thiệp hoặc được cử đến để giải tỏa tình hình, mặc dù Đại sứ quán đã nhiều lần kêu cứu tới chính quyền Iran.[11] Theo thông tin Hoa Kỳ cung cấp cho Tòa, những người bị bắt làm con tin trong khuôn viên của Đại sứ quán Hoa Kỳ bao gồm ít nhất 28 người có tư cách, được Chính phủ Iran công nhận hợp lệ, là “thành viên của nhân viên ngoại giao” theo định nghĩa tại Điều 1(d) Công ước Viên 1961; ít nhất 20 người có tư cách, được công nhận tương tự, của “các thành viên của đội ngũ nhân viên hành chính và kỹ thuật” theo định nghĩa tại Điều 1(1) Công ước Viên 1961; và hai người khác có quốc tịch Hoa Kỳ không có tư cách ngoại giao hoặc lãnh sự. Trong số những người có tư cách là thành viên của nhân viên ngoại giao, bốn người là thành viên của Bộ phận Lãnh sự của Đại sứ quán.


Tòa ICJ đã đưa ra kết luận rằng việc không hành động này của Chính phủ Iran đã vi phạm nghiêm trọng các nghĩa vụ của Iran đối với Hoa Kỳ theo quy định tại Điều 22(2) và các Điều 24, 25, 26, 27 và 29 Công ước Viên 1961, Điều 5 và 36 Công ước Viên 1963. Ngoài các nghĩa vụ của Iran hiện có theo luật quốc tế, Tòa cũng yêu cầu các bên bảo đảm “sự bảo vệ và an ninh nhất quán” cho công dân của nhau trên lãnh thổ của mình.[12]


2.2.Toàn bộ chuỗi sự kiện xảy ra sau việc chiếm đóng Đại sứ quán Hoa Kỳ kèm theo việc chiếm giữ Lãnh sự quán tại Tabriz và Shiraz

Diễn biến giai đoạn thứ hai thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi Chính phủ Iran không những không thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm khôi phục lại những quyền, nghĩa vụ, cơ sở ngoại giao đã bị xâm phạm mà còn giữ các viên chức ngoại giao và lãnh sự của Hoa Kỳ làm con tin.[13] Trong một diễn biến liên quan, Khomeini khẳng định Đại sứ quán Hoa Kỳ là “một trung tâm gián điệp và âm mưu” và rằng “những người đó âm mưu ấp ủ chống lại phong trào Hồi giáo của chúng tôi và không xứng đáng nhận sự tôn trọng ngoại giao quốc tế”.[14]


Về căn cứ xác định việc Chính phủ Iran tham gia chủ đạo vào vụ việc, các động thái của Chính phủ Iran được đưa ra như: việc Khomeini từ chối ra lệnh cho nhóm học sinh chiếm giữ đại sứ quán rút lui hay tuyên bố “những người đó âm mưu ấp ủ chống lại phong trào Hồi giáo của chúng tôi và không xứng đáng nhận sự tôn trọng ngoại giao quốc tế" và cả tuyên bố rõ ràng của ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ebrahim Yazdi: “Đất nước Iran cao quý sẽ không cho phép phóng thích họ. Vì vậy, những người đó sẽ bị bắt giữ cho đến khi Chính phủ Mỹ hành động theo mong muốn của dân tộc” (yêu cầu giao nộp Shah).[15] Hơn nữa, việc Chính phủ Iran thả các con tin khác, nếu được chứng minh không phải gián điệp, càng củng cố việc này nhắm đến Mỹ. Mặt khác, các nhân sự của Chính phủ Iran chiếm đóng Đại sứ quán Hoa Kỳ liên tục tuyên bố về việc sở hữu các tài liệu từ lưu trữ của Mỹ và tỏ ra như đang xác định nội dung của các giấy tờ đó.


Với những căn cứ trên, Tòa ICJ phán quyết Iran vi phạm điều 22, 24, 25, 26, 27 và 29 Công ước Viên 1961 và điều 24 và 33 Công ước Viên 1963. Cụ thể, Điều 22 Công ước Viên 1961 ràng buộc Iran có nghĩa vụ bảo vệ, cấm các nhân viên chính phủ tiếp cận hoặc tiến hành bất kỳ cuộc tìm kiếm, tịch thu, đính chính hoặc biện pháp tương tự Đại sứ quán Hoa Kỳ. Thêm vào đó, vi phạm tiếp diễn của Điều 29 Công ước Viên 1961 cấm bất kỳ sự bắt giữ hoặc giam giữ nào đối với một đại sứ và bất kỳ cuộc tấn công nào đối với sự tự do, nhân phẩm hoặc phẩm giá của họ. Cuối cùng, các cơ quan chức năng của Iran không nghi ngờ gì vi phạm tiếp diễn các quy định của Điều 25, 26 và 27 Công ước Viên 1961 và các quy định liên quan Công ước Viên 1963 về cơ sở vật chất cho việc thực hiện chức năng, tự do di chuyển và giao tiếp cho nhân viên ngoại giao và lãnh sự, cũng như Điều 24 Công ước Viên 1961 và Điều 33 Công ước Viên 1963, quy định về sự không xâm phạm tuyệt đối của các tài liệu lưu trữ và tài liệu của các sứ quán và lãnh sự quán.[16]


3. Vai trò phán quyết của ICJ đối với luật quốc tế nói chung và Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 nói riêng

Có thể nói, đây là một trong những vụ việc có tính chất phức tạp và khó khăn trong lịch sử luật quốc tế mặc dù việc Iran sai phạm các điều khoản được ký kết trong điều ước quốc tế khá rõ ràng. Điều này là bởi vụ việc mang tính chất chính trị phức tạp cũng như khoảng cách trong việc thực thi luật quốc tế với chính trị quốc tế. Do đó, vai trò và phán quyết của Tòa ICJ là quan trọng đối với luật quốc tế, đặc biệt giúp làm rõ và giải quyết một số vấn đề về luật quốc tế, đặc biệt là những vấn đề liên quan án lệnh bảo vệ (interim protection) và các chức năng của Liên hợp quốc.[17] Đồng thời, câu hỏi quan trọng về ranh giới giữa luật pháp và chính trị trong cộng đồng thế giới và đặc biệt là vai trò của Tòa án với tư cách là cơ quan tư pháp của Liên hợp quốc trong việc xác định và điều chỉnh ranh giới này được đặt ra.[18]


Đối với riêng Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963, thông qua phán quyết, Tòa ICJ đã khẳng định vai trò quan trọng của hai văn kiện này trong quan hệ ngoại giao, lãnh sự và đồng thời, Toà cũng đặt ra cách giải quyết rõ ràng cho những trường hợp tương tự. Cụ thể, Toà đã khẳng định trong mọi trường hợp, ngay cả khi các hoạt động tội phạm được cho là của Hoa Kỳ tại Iran có thể được coi là đã được xác định, thì chúng cũng không thể là chứng cứ bào chữa cho hành vi của Iran. Điều này là vì luật ngoại giao lãnh sự cung cấp các phương tiện bảo vệ cần thiết chống lại và trừng phạt các hoạt động bất hợp pháp gây bởi các thành viên của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.”.[19]


4. Kết luận

Cuộc khủng hoảng Iran năm 1979 đã để lại nhiều bài học quan trọng trên phương diện luật pháp quốc tế. Theo phán quyết của Tòa ICJ, những vi phạm nghiêm trọng của Iran đối với các điều ước quốc tế mà quốc gia này và Mỹ cùng là thành viên, đặc biệt là Công ước Viên 1961 về Quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về Quan hệ lãnh sự không chỉ tác động tích cực đến vụ việc mà còn củng cố những vấn đề pháp lý trong quan hệ ngoại giao, lãnh sự. Cụ thể, phán quyết là cơ sở pháp lý để giải quyết cuộc xung đột cũng như thể hiện, khẳng định vai trò quan trọng Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 trong vấn đề duy trì, phát triển quan hệ ngoại giao quốc tế.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Cuộc sống ở Iran trước cuộc cách mạng Hồi giáo 1979, Phúc Long (2020), Báo Tuổi trẻ <https://tuoitre.vn/cuoc-song-o-iran-truoc-cuoc-cach-mang-hoi-giao-1979-20200103215637149.htm> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[2] Ngày này năm xưa: Khủng hoảng con tin chấn động toàn cầu, Thanh Hảo (2018), Báo Thế giới <https://vietnamnet.vn/ngay-nay-nam-xua-khung-hoang-con-tin-chan-dong-toan-cau-486641.html> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[3]Nhìn lại 40 năm cuộc khủng hoảng con tin Iran, Báo quốc tế <https://baoquocte.vn/nhin-lai-40-nam-cuoc-khung-hoang-con-tin-iran-104142.html> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[4] Iran Hostage Crisis, A&E Television Networks (2022), History <https://www.history.com/topics/middle-east/iran-hostage-crisis> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[5] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (US memorial) [1980], ICJ tr.190, 191

[6] UN Documentation: International Court of Justice, UN Research Guides <https://research.un.org/en/docs/icj> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[7] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980], ICJ tr.3

[8] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 46, tr.29, 30.

[9] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 67, rep 76, tr.33, 36, 37

[10] International Law and the American Hostages in Iran, Walter L. Williams Jr., College of William & Mary Law School, William & Mary Law School Scholarship Repository

[11] The Case Concerning United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran: Phase of Provisional Measures, Leo Gross (2017) Cambridge University Press <https://www.cambridge.org/core/journals/american-journal-of-international-law/article/abs/case-concerning-united-states-diplomatic-and-consular-staff-in-tehran-phase-of-provisional-measures/CF00D29D7226A918F867F8A6B3D9033D> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[12] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 67, tr.33.

[13]United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 70, tr.34.

[14] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 71, 72, tr.34, 35.

[15] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 73, tr.35.

[16] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 77, tr.37.

[17] The Iran Hostage Crisis and the International Court of Justice: Aspects of the Case Concerning United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran, Amir Rafat, Denver Journal of International Law & Policy <https://drive.google.com/file/d/14_f58st52S2JqPcbMtN8eqfs2-P0yZDk/view?usp=share_link> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[18] The Iran Hostage Crisis and the International Court of Justice: Aspects of the Case Concerning United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran, Amir Rafat, Denver Journal of International Law & Policy <https://drive.google.com/file/d/14_f58st52S2JqPcbMtN8eqfs2-P0yZDk/view?usp=share_link> truy cập ngày 20 tháng 02 năm 2023

[19] United States Diplomatic and Consular Staff in Tehran (United States of America v. Iran) (Judgment) [1980] ICJ rep 83, tr.39.


86 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

댓글


bottom of page