top of page
icj 1.jpeg

[2] CÁC CHỦ THỂ CÓ QUYỀN NĂNG KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Tác giả: Nguyễn Khánh Linh, Dương Hải Anh


Điều ước quốc tế, một trong những nguồn cơ bản của luật quốc tế, chứa đựng các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế giữa các bên tham gia quan hệ quốc tế trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm xác lập các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Chính bởi vậy, việc làm rõ các chủ thể, thực thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế là quan trọng và cần thiết để làm cơ sở nền tảng cho việc tiếp cận ĐƯQT nói riêng và luật quốc tế nói chung.


1. Chủ thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế


Để xác định các chủ thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế, ba thuật ngữ sau cần được phân tích, bao gồm (i) điều ước quốc tế; (ii) quyền năng ký kết điều ước quốc tế và (iii) các chủ thể có quyền năng.


Về điều ước quốc tế, đây là một vấn đề có rất nhiều định nghĩa khác nhau dựa trên các cách tiếp cận. Nhưng về cơ bản, điều ước quốc tế chính là hiệp ước, hiệp định ràng buộc chính thức, hoặc văn kiện khác phù hợp với luật quốc tế thiết lập nghĩa vụ giữa hai hoặc nhiều chủ thể của luật quốc tế,[1] song điều ước quốc tế có thể có rất nhiều tên gọi khác nhau.[2] Điểm đặc biệt của điều ước quốc tế so với các thỏa thuận quốc tế khác là chúng có tính ràng buộc dựa trên nguyên tắc pacta sunt servanda (Tạm dịch: tận tâm, thiện chí thực hiện các cam kết quốc tế). [3] Như vậy, điều ước quốc tế là một thỏa thuận quốc tế nhưng không phải thoả thuận quốc tế nào cũng là điều ước quốc tế. Do đó, những chủ thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế là chủ thể có năng lực pháp lý để xác lập một điều ước quốc tế ràng buộc chính chủ thể đó theo luật pháp quốc tế. Trong đó, từ “ký kết” nên được hiểu theo nghĩa rộng là việc xác lập một điều ước quốc tế (to conclude a treaty), bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.[4]


Về vấn đề xác định chủ thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế, trong khi Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế năm 1969 (Công ước Viên 1969) chỉ ghi nhận chủ thể ký kết là quốc gia thì Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế giữa các Quốc gia và các Tổ chức Quốc tế năm 1986 (Công ước Viên 1986) mở rộng sự ghi nhận đối với các tổ chức quốc tế. Hay như Luật điều ước quốc tế 2016 của Việt Nam ghi nhận bên ký kết nước ngoài là quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế.[5] Tuy nhiên, các định nghĩa nêu trên không hề mâu thuẫn nhau mà trái lại, bổ sung, làm rõ cho nhau. Điều 3 Công ước Viên 1969 cũng quy định rõ việc các chủ thể khác không có trong phạm vi điều chỉnh không ảnh hưởng đến giá trị pháp lý của các điều ước đó.[6] Vì vậy, bài viết sẽ phân tích các chủ thể của luật quốc tế mà có quyền năng ký kết điều ước quốc tế, bao gồm quốc gia, các tổ chức liên chính phủ và các thực thể khác có quyền chủ thể hạn chế.[7]


2. Quốc gia


Điều 6 Công ước Viên 1969 quy định rằng “Mọi quốc gia đều có quyền năng ký kết điều ước quốc tế”,[8] nhưng không giải thích thêm về các tiêu chí hay định nghĩa của “một quốc gia”. Mặc dù quốc gia là chủ thể chính yếu nhất của luật pháp quốc tế,[9] nhưng nội hàm của “quốc gia” hay các tiêu chí của một quốc gia chưa được thống nhất và ghi nhận trong bất cứ điều ước quốc tế đa phương phổ quát nào. Vì vậy, để xác định một thực thể có phải là một Quốc gia hay không và có quyền năng ký kết điều ước quốc tế hay không, cần xem xét đến các quy định trong luật pháp quốc tế nói chung.[10]


Theo đó, định nghĩa Quốc gia với bốn tiêu chí trong Công ước Montevideo năm 1933 thường được viện dẫn vì các tiêu chí này có mức độ công nhận rộng rãi.[11] Cụ thể, Điều 1 Công ước quy định “Một quốc gia với tư cách là chủ thể của luật pháp quốc tế nên có các tiêu chí sau (i) dân cư thường trú, (ii) lãnh thổ xác định, (iii) chính quyền, và (iv) khả năng tham gia vào quan hệ với các quốc gia khác.” Tuy nhiên, Công ước này không phải là một điều ước đa phương phổ quát, mà chỉ là một điều ước quốc tế với thành viên là 16 quốc gia ở khu vực châu Mỹ. Vì vậy, Công ước chỉ nên được tiếp cận như tiền đề của các cuộc thảo luận về quốc gia, thay vì như một bộ tiêu chí “cần và đủ”.[12] Hơn thế nữa, trong từng trường hợp cụ thể, mỗi tiêu chí sẽ có sức nặng khác nhau; do đó, việc xác định một thực thể có phải là một Quốc gia thường phụ thuộc vào quyền và nghĩa vụ của thực thể đó trong hệ thống luật pháp quốc tế, hoặc được tiếp cận như những chủ thể hạn chế của luật quốc tế.[13] Luật quốc tế nhìn nhận mỗi quốc gia như một thực thể có chủ quyền,[14] đồng nghĩa với việc có toàn bộ quyền năng để tham gia ký kết các điều ước quốc tế.


3. Tổ chức quốc tế liên chính phủ


Song song với quốc gia, tổ chức quốc tế liên chính phủ cũng là chủ thể quan trọng của luật quốc tế, thể hiện trên bốn mặt: tạo ra bởi điều ước quốc tế, tất yếu có tư cách pháp nhân quốc tế, là chủ thể của luật quốc tế và là nơi đa phương hóa nhất hiện nay với điều ước được đàm phán và ký kết trong các tổ chức quốc tế hoặc tại các hội nghị do họ triệu tập.[15] Hiện tại, tuy chưa có định nghĩa chính xác về các tổ chức quốc tế liên chính phủ song các học giả đưa ra ba tiêu chí để một thực thể được coi là tổ chức quốc tế liên chính phủ như sau[16]: (i) được thành lập bởi các quốc gia và có thành viên là các quốc gia, (ii) có ý chí riêng biệt với các quốc gia thành viên và (iii) hoạt động dựa trên cơ sở một điều ước quốc tế.[17] Về quyền năng ký kết, quyền năng chủ thể luật quốc tế của từng tổ chức quốc tế liên chính phủ dựa vào điều lệ (hiến chương, quy chế,…) của tổ chức đó.[18] Cụ thể, các điều ước quốc tế này có nhiều tên gọi khác nhau: Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên bố Bangkok thành lập ASEAN… Tuy nhiên về bản chất các văn kiện này đều có ý nghĩa là điều lệ của tổ chức quốc tế đó, trong đó mục đích, nguyên tắc, cơ cấu tổ chức và hoạt động của tổ chức quốc tế đó.[19] Do vậy, các tổ chức khác nhau sẽ có những phạm vi quyền năng ký kết khác nhau dựa vào sự thoả thuận của các bên thành lập tổ chức quốc tế đó[20]. Tựu chung, có sự khác biệt giữa quyền năng chủ thể luật quốc tế giữa các tổ chức quốc tế liên chính phủ khác nhau.


4. Các thực thể đặc biệt


Cả hai Công ước Viên 1969 và 1986 đều không quy định về “các chủ thể khác của Luật quốc tế”, ngoại trừ việc đề cập đến thuật ngữ này tại Điều 3 Công ước Viên 1969 khi quy định về “Những hiệp định quốc tế không thuộc phạm vi của Công ước”.[21] Trước đó, vào năm 1959, dự thảo mà Ủy ban Luật pháp Quốc tế Liên hợp quốc (ILC) thông qua có ghi nhận quyền năng ký kết của các chủ thể khác của luật quốc tế, bao gồm các chủ thể đặc biệt như Vatican.[22] Tuy nhiên, bản dự thảo với thuật ngữ trên đã không được thông qua.


Có thể nhận thấy rằng pháp luật Việt Nam ghi nhận tương tự bản dự thảo trên của ILC khi quy định “các chủ thể khác của Luật quốc tế” hay “chủ thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế” là các chủ thể ký kết điều ước Quốc tế, lần lượt tại Điều 2(1) của Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước Quốc tế 2005 và Điều 2(3) của Luật Điều ước Quốc tế 2016. Luật Việt Nam không quy định nội hàm của thuật ngữ “các chủ thể khác” hay “các chủ thể khác được công nhận” của luật quốc tế. Song trong một bản dự thảo của Luật Điều ước Quốc tế năm 2016, Ban soạn thảo đã ghi nhận nội hàm của thuật ngữ trên bao gồm “phong trào giải phóng dân tộc, vùng lãnh thổ hoặc thực thể khác được công nhận là chủ thể của pháp luật quốc tế”.[23] Nội dung trên sau đó đã bị loại bỏ, và tương tự trong thực tế, các “chủ thể khác” luôn là một chủ đề gây tranh cãi của luật quốc tế. Vì vậy, bài viết sẽ phân tích các thực thể trên dưới góc độ của một chủ thể hạn chế của Luật Quốc tế, bao gồm (i) Các phong trào đấu tranh giành độc lập, (ii) Các bên trong nội chiến, (iii) Các đơn vị cấu thành quốc gia.[24]


a. Các phong trào đấu tranh giành độc lập


Các cuộc đấu tranh giành độc lập, hay chiến tranh giải phóng dân tộc, trước đây được luật quốc tế phân loại là nội chiến nhưng hiện được coi là xung đột vũ trang quốc tế và do đó được quy định bởi luật nhân đạo quốc tế.[25] Phong trào giải phóng dân tộc là những cuộc xung đột vũ trang trong đó các dân tộc đấu tranh chống lại sự thống trị và chiếm đóng của thực dân cũng như chống lại các chế độ phân biệt chủng tộc hay phân biệt đối xử trong việc thực thi quyền tự quyết của mình.[26] Các Phong trào này có quyền và nghĩa vụ theo Luật Nhân đạo Quốc tế[27] có thể ký kết các thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc với các chủ thể của luật quốc tế; được tham gia vào các tiến trình tại Liên hợp quốc, và có một số quyền với tư cách là các dân tộc chưa tự chủ.[28]


Một số sự ghi nhận về Phong trào giải phóng dân tộc có thể được đối chiếu tại Điều 1(4) Nghị định thư Bổ sung I năm 1977 cho Công ước Geneva năm 1949, nhưng không có sự giải thích về định nghĩa của phong trào.[29] Tuy nhiên, khả năng áp dụng Nghị định thư này đối với các phong trào giải phóng chỉ có thể thực hiện được thông qua cơ chế tại Điều 96(3) của văn kiện này.[30] Theo đó, cơ quan đại diện (ở đây là đại diện cho người dân tham gia phong trào giải phóng) có thể, bằng một tuyên bố đơn phương gửi tới cơ quan lưu chiểu, để tham gia vào quan hệ hiệp ước với các quốc gia thành viên của Nghị định thư.[31] Điều này cho thấy khả năng tham gia vào các Điều ước quốc tế của các Phong trào giải phóng dân tộc.


Ngoài ra, khả năng ký kết điều ước quốc tế của các phong trào đấu tranh giành độc lập còn dựa trên hiệu quả của sự công nhận, một cách gián tiếp, trong việc tồn tại quan hệ song phương giữa các quốc gia và các phong trào giải phóng dân tộc.[32] Một ví dụ điển hình là sự tham gia của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) trong việc ký kết các Điều ước đa phương với Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC).[33] PLO sau đó cũng trở thành thành viên của OIC vào năm 1969, và là thành viên của Liên đoàn Ả Rập (AL) vào năm 1976.[34] Điều đó cho thấy một chủ thể có quyền năng hạn chế, về mặt thực tế (de facto) có thể ký kết ĐƯQT và tham gia vào các tổ chức quốc tế liên chính phủ.


b. Các bên trong nội chiến


Các bên trong nội chiến có quyền kiểm soát một phần lãnh thổ của một quốc gia, từ đó phát sinh các quyền và nghĩa vụ theo luật quốc tế và các bên trong nội chiến có thể được coi là một chủ thể hạn chế.[35] Tương tự với các phong trào đấu tranh giành độc lập, các bên trong nội chiến cũng được quy định trong Luật Nhân đạo Quốc tế. Theo đó, các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế (bao gồm nội chiến) được quy định và điều chỉnh bởi Điều 3 chung của bốn Công ước Geneva năm 1949 và Nghị định thư Bổ sung II năm 1977 của Công ước Geneva. Dựa trên quyền dân tộc tự quyết và quyền ly khai, một bên trong nội chiến khi chiếm đóng và kiểm soát một vùng lãnh thổ có thể có chủ quyền nhất định như một quốc gia, từ đó, tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, việc xác định liệu rằng các bên trong nội chiến có thực sự có quyền năng ký kết điều ước quốc tế hay không còn gặp nhiều khó khăn, do các thỏa thuận ký kết bởi các bên trong nội chiến có thể chưa thỏa mãn định nghĩa và tính ràng buộc của điều ước quốc tế. Dù được coi là chủ thể hạn chế của luật quốc tế, song các bên trong nội chiến cần được đánh giá về một cách cẩn trọng trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia.[36] Khi dự thảo Các Điều khoản về Trách nhiệm Quốc gia năm 2001, ILC cũng chỉ giới hạn ở việc xem xét vấn đề quy trách nhiệm của các hành vi sai phạm của một phong trào nổi dậy trong trường hợp phong trào này thành công trong việc giành chính quyền hoặc thành lập một quốc gia mới.[37]


c. Các đơn vị cấu thành quốc gia


Trong một bản dự thảo của ILC được trình trước Hội nghị Viên về Luật Điều ước Quốc tế năm 1968 – 1969,[38] Điều 2(2) có quy định về quyền năng ký kết điều ước quốc tế của các bang thành viên trong quốc gia liên bang, cụ thể “Các bang của quốc gia liên bang có thể có quyền năng ký kết điều ước nếu quyền năng đó được thừa nhận theo hiến pháp liên bang và nằm trong giới hạn được đặt ra”.[39] Theo biên bản tóm tắt thảo luận tại Hội nghị,[40] Khoản 2 liên quan đến các bang của quốc gia liên bang gây chia rẽ giữa các nước tham gia Hội nghị. Một bên gồm các nước như Canada, Mỹ, Italy và Tanzania đề nghị loại bỏ khoản 2 này vì điều khoản này có nguy cơ mở ra khả năng một quốc gia khác hay một tòa án quốc tế có quyền giải thích hiến pháp của một quốc gia liên bang.[41] Một nhóm các quốc gia khác bao gồm Liên Xô, Ukraine và Ba Lan, phản đối lo ngại trên vì các quốc gia khác không giải thích hiến pháp của quốc gia liên bang mà chỉ ghi nhận lại giải thích của chính quốc gia liên bang về chính hiến pháp của mình.[42] Do thời gian của Hội nghị không cho phép, nên sau cùng điều khoản trên liên quan đến các bang cũng bị loại bỏ.[43]


Xét từ góc độ luật quốc tế, các bang hoặc địa phương trong một quốc gia không phải là chủ thể của luật quốc tế, song có thể ký kết các điều ước quốc tế nếu thỏa mãn hai điều kiện là (i) hiến pháp và pháp luật của chính quốc gia đó cho phép việc ký kết của bang/địa phương, và (ii) các quốc gia khác chấp nhận tham gia ký kết điều ước quốc tế với các bang/địa phương đó.[44] Quyền lực của các bang trong quốc gia liên bang thường rộng rãi hơn so với các địa phương của quốc gia đơn nhất, vì vậy việc trao quyền năng ký kết điều ước quốc tế thường được thấy ở các quốc gia liên bang; ví dụ như Đức, Thụy Sĩ và Bỉ.[45]


Nhìn chung, phạm vi của quyền năng ký kết điều ước quốc tế phụ thuộc vào bản chất của thực thể và liệu các thực thể này có đủ tư cách là một chủ thể của luật quốc tế hay không.[46] Do đó, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã phân biệt giữa sự tồn tại của trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể quốc tế và việc thực thi các quyền của các chủ thể này.[47] Việc sở hữu những quyền năng nhất định có thể thỏa mãn điều kiện để các thực thể phi quốc gia (non-state) trở thành chủ thể của luật pháp quốc tế,[48] tuy nhiên, chính sự công nhận tập thể của các Quốc gia về tư cách pháp lý quốc tế của các chủ thể phi quốc gia đã xác lập vị thế của họ trên bình diện quốc tế.[49]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1].Definition of key terms used in the UN Treaty Collection. United Nations. United Nations <https://treaties.un.org/Pages/overview.aspx?path=overview%2Fdefinition%2Fpage1_en.xml>, truy cập ngày 28/01/2023.

[2][6][20] United Nations. 1969. “Vienna Convention on the Law of Treaties.” Treaty Series 1155 (May): 331.

[3] https://legal.un.org/avl/pdf/ls/greenwood_outline.pdf

[4] Luật Điều Ước Quốc Tế, Khoản 5 Điều 2.

[5] Luật Điều Ước Quốc Tế, Khoản 1 Điều 2.

[7][11][40][43][44][45] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.89.

[8] United Nations, (1969). Vienna Convention on the Law of Treaties, Treaty Series, 27 January 1980, 1155, pg 4.

[9] Malcom N.Shaw, International Law, 6th ed. (Cambridge University Press 2008) tr.196

[10][41][42] Trần Hữu Duy Minh, Công ước Viên 1969: Quyền năng và thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế (08/07/2018), <https://iuscogens-vie.org/2018/07/08/86/#_ftn1> Truy cập ngày 10/01/2023.

[12] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.69.

[13] Reparation for Injuries Suffered in the Service of the United Nations (AdvisoryOpinion) [1949] ICJ Rep 174, 178.

[14] James Crawford, “Sovereignty as a Legal Value”, in trong J Crawford & M Koskenniemi (eds.) Cambridge Companion to International Law (Cambridge University Press 2012)

[15] Aust, A. (2007). Modern Treaty Law and Practice (2nd ed.), pg 392-393. Cambridge: Cambridge University Press.

[16] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.84.

[17] Jan clabber, An introduction to international law (Cambridge university press 2002 ) 9-13.

[18] Nguyen HVT, “TỔ Chức Liên Chính Phủ (IGOS)” (Nghiên cứu quốc tế) July 16, 2016)

[19] Nguyen HVT, “TỔ Chức Liên Chính Phủ (IGOS)” (Nghiên cứu quốc tế) July 16, 2016) <https://nghiencuuquocte.org/2016/08/06/to-chuc-lien-chinh-phu-igos/> accessed January 27, 2023

[20] United Nations. 1969. “Vienna Convention on the Law of Treaties.” Treaty Series 1155 (May): 331.

[21] United Nations, (1969). Vienna Convention on the Law of Treaties, Treaty Series, 27 January 1980, 1155, pg 5.

[22] ILC, Report of the Commission to the General Assembly on its 11th session, 1959 (1959) Doc. A/4169, in trong ILC, Yearbook of the International Law Commission, 1959, vol. II (United Nations 1960) 87, 95 – 96, truy cập tại <http://legal.un.org/docs/?path=../ilc/documentation/english/reports/a_cn4_122.pdf&lang=EF>

[23] Bảng so sánh Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 với dự thảo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi), Ủy ban Đối ngoại, Danh sách tư liệu, Quốc hội Việt Nam, 25 08 2015, truy cập tại <https://quochoi.vn/uybandoingoai/tulieu/Pages/tu-lieu.aspx?ItemID=3>

[24] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.87.

[25] Lafrance, L., 2018. Fundamentals of IHL | How does law protect in war? - ICRC casebook. Casebook.icrc.org. Available at: (https://casebook.icrc.org/law/fundamentals).

[26] See generally A. Rigo-Sureda,The Evolution of the Right of Self-Determination, Leiden, Sijthoff, 1973 and M. Pomerance,Self-Determination in Law and Practice, The Hague, Nijhoff, 1982.

[27] Ranee Khooshie Lal Panjabi, International Law and the Use of Force by National Liberation Movements.

[28] James Crawford, chú thích số 2, tr. 113-114; Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.87.

[29] Protocol Additional to the Geneva Conventions of 12 August 1949, and relating to the Protection of Victims of International Armed Conflicts (adopted 8 June 1977, entered into force 7 December 1978) [hereinafter API], Article 1.

[30][32] Protocol Additional to the Geneva Conventions of 12 August 1949, and relating to the Protection of Victims of International Armed Conflicts (adopted 8 June 1977, entered into force 7 December 1978) [hereinafter API], Article 96(3).

[31] UNGA Res. 3237 (XXIX) (Nov. 22 1974); UNGA Res. 31/152 (Dec. 20, 1976). UNGA Res. 2621 (XXV), 6c (Oct. 12, 1970) (“[R]epresentatives of liberation movements shall be invited . . . to participate . . . in the proceedings of those [UN] organs relating to their countries”); UNGA Res. 3280 (XXIX) (Dec. 10, 1974).

[33] Xem tại Hiến chương Hội nghị của Các quốc gia Hồi giáo (Organization of Islamic Conference), điều 1(8) (một trong những mục tiêu và nguyên tắc của tổ chức là “hỗ trợ và trao quyền cho nhân dân Palestine thực hiện quyền tự quyết và thành lập Nhà nước có chủ quyền với Al-Quds Al-Sharif làm thủ đô”).

[34] Annex Regarding Palestine to the Pact of the League of Arab States in Houssein Hassouna, The League of Arab States and Regional Disputes 409–10 (1975).

[35] Peter Malanczul, Akehurst's Modern Introduction to International Law (7th ed.). Routledge 1997, tr. 104;. https://doi.org/10.4324/9780203427712.

[36] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.88.

[37] Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC), “Draft Articles on Responsibility of States for International Wrongful Acts” Điều 10, in trong International Law Commission Yearbook of the International Law Commission 2001, Vol. II (Part Two) (United Nations 2007) tr 76-77. Đồng thời xem tại Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới. tr.88.

[38] Summary records of the 7th and 8th plenary meetings, Second Session of the Vienna Convention on the Law of Treaties 1969, Doc. A/CONF.39/SR.7 và A/CONF.39/SR.8, truy cập tại <http://legal.un.org/diplomaticconferences/1968_lot/sess2.shtm>

[39] ILC, ‘Report of the Commission to the General Assembly on its 14th session 1962’ (1962) Doc. A/CN.4/148, in trong ILC, Yearbook of the International Commission, 1962, vol. II (United Nations 1964) 159, 164, truy cập tại <http://legal.un.org/docs/?path=../ilc/documentation/english/reports/a_cn4_148.pdf&lang=EF>.

[46] A Roberts & S Sivakumaran, ‘Lawmaking by Non-state Actors: Engaging Armed Groups in the Creation of International Humanitarian Law’, 37(1) Yale Journal Of International Law [2012] 125.

[47] Reparation for Injuries Suffered in the Service of the United Nations (AdvisoryOpinion) [1949] ICJ Rep 174, 178.

[48] Jurisdiction of the Courts of Danzig (Advisory Opinion) 1928 PCIJ (Series B) No.15, para. 17.

[49] Sukayna Khalid, ‘Recognising the (Rightful) Subjects of International Law’, International Law Coursework.


47 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page