top of page
icj 1.jpeg

[3] CÁC YẾU TỐ HÌNH THÀNH TẬP QUÁN QUỐC TẾ

Tác giả: Tăng Bảo Đan, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi


Ở bài viết trước, nhóm tác giả đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức tổng quan, cơ bản về các loại nguồn của luật quốc tế. Để tiếp nối chủ đề của tháng, bài viết này sẽ đi tới phân tích chi tiết hơn về một trong những nguồn chính của luật quốc tế, đó chính là tập quán quốc tế.


Tập quán quốc tế là một trong những nguồn của luật quốc tế, được ghi nhận tại Điều 38(1)(b) của Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ):“Tập quán quốc tế, như là bằng chứng về một thực tiễn chung được chấp nhận như luật.”. Từ định nghĩa trên, có thể thấy rằng tập quán quốc tế được hình thành bởi hai yếu tố: “thực tiễn chung” và “được chấp nhận như luật.”


1. Thực tiễn chung (State practice)

Thực tiễn chung là các hành vi, hoạt động của các quốc gia trên thực tế, và các hành vi, hoạt động đó hình thành một mô-típ ứng xử của các quốc gia khi gặp cùng một vấn đề.[1] Những thực tiễn này được xác định dựa trên tổng hợp thực tiễn của các quốc gia, bao gồm tập hợp các hành vi và tuyên bố của các quốc gia.[2] Bằng chứng về thực tiễn chung của các quốc gia thường được đánh giá dựa trên nhiều nguồn, phổ biến nhất bao gồm các hình thức chính thức như văn bản, tuyên bố, phát biểu của chính phủ, cơ quan đại diện quốc gia, cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan phát ngôn của Bộ Ngoại giao quốc gia đó.[3]


Thực tiễn chung cấu thành một tập quán quốc tế cần thỏa mãn hai yếu tố: tính phổ quát đại diện và tính nhất quán.[4] Tính phổ quát đại diện ở đây nhằm chỉ số lượng quốc gia có chia sẻ cùng thực tiễn chung, trong đó tính nhất quán đề cập tới sự tương thích trong thực tiễn của các quốc gia đó. Tuy nhiên, thực tiễn chung không yêu cầu sự phổ quát hoàn toàn và sự nhất quán tuyệt đối, tức là không yêu cầu việc thực tiễn đó phải xuất hiện tất cả các quốc gia trên thế giới và thực tiễn đó không cần thiết phải giống nhau tuyệt đối.[5] Từ đó có thể rút ra kết luận rằng: hầu hết các trường hợp một số quốc gia không chia sẻ cùng một thực tiễn chung không cản trở việc một tập quán quốc tế ra đời. Tuy nhiên, trên thực tế, một số tình huống khi thực tiễn chung thiếu vắng tại một số quốc gia có lợi ích bị ảnh hưởng đặc biệt có thể ngăn cản một quy định tập quán quốc tế hình thành. Trường hợp này là việc cấm vũ khí hạt nhân khi các quốc gia sở hữu chúng ngăn chặn việc hình thành tập quán quốc tế có nội dung liên quan như Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ, Triều Tiên.[6]


2. Được chấp nhận như luật (Opinio juris)

Khi được đặt trong cùng câu chữ với “thực tiễn chung”, cụm từ này có thể được hiểu rằng các quốc gia tuân theo với niềm tin thực tiễn này là bắt buộc theo một quy định pháp lý của luật quốc tế.[7] Yếu tố này thường được gọi bằng thuật ngữ latinh - opinio juris sive necessitatis, gọi tắt là opinio juris. Một quốc gia không phải là một cá nhân nên nếu hiểu theo nghĩa đen, một quốc gia không thể có “niềm tin.” Theo Nguyên tắc 4 trong tài liệu Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia của Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) năm 2001, hành động của một quốc gia thường được thể hiện qua những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền như Nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính Phủ, hoặc Quốc hội.[8] Opinio juris giúp chúng ta phân biệt với các quy tắc lễ nghi, bởi yếu tố này giúp đảm bảo các thực tiễn chung cấu thành một tập quán quốc tế được hình thành không phải vì thuận tiện, xã giao, nghi thức hay xuất phát từ quan điểm đạo đức, quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, mà xuất phát từ niềm tin rằng họ có nghĩa vụ phải thực hiện một hành vi pháp lý nào đó theo luật quốc tế.[9]


Từ định nghĩa nêu trên, có thể hiểu rằng, chỉ bằng việc các quốc gia ứng xử theo một mô-típ nhất định không đủ để chứng minh thực tiễn đó là tập quán quốc tế. Yếu tố opinio juris vô cùng quan trọng trong việc xác định liệu một quy tắc đã trở thành một tập quán quốc tế hay chưa. Tuy nhiên, việc xác định này không hề dễ dàng, bởi vì hành động của các quốc gia khi tham gia vào quan hệ quốc tế thường xuất phát từ rất nhiều lý do khác nhau, và không phải hành động nào cũng xuất phát từ một lý do pháp lý. Yếu tố opinio juris thường được thể hiện qua hành vi của các quốc gia trên diễn đàn đa phương, ví dụ như thái độ của các quốc gia đối với nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc.[10] Sở dĩ như vậy vì một nghị quyết được thông qua theo cơ chế đồng thuận hoặc nhận được sự nhất trí của tuyệt đại đa số, và sau đó những quy định trong bản nghị quyết này lại được xác nhận lại trong bản nghị quyết khác.


Một cách khác để tìm thấy opinio juris đó là thông qua việc các quốc gia tham gia vào điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương. [11] Trong Vụ Thềm lục địa (Libya v. Malta) 1985, Tòa ICJ đã khẳng định: “Các công ước đa phương có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ghi lại và xác định các quy tắc có nguồn gốc từ tập quán quốc tế, hoặc thậm chí là phát triển lên tập quán đó.”[12] Có hai lý do để giải thích cho điều này. Thứ nhất, điều ước quốc tế quy định các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, qua đó thể hiện được quan điểm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Thứ hai, việc ký, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt, gia nhập thường trải qua quá trình lấy ý kiến tư vấn giữa những người đứng đầu Nhà nước. Do đó, nếu muốn chứng minh một quy định của các điều ước quốc tế đa phương đồng thời là quy định của tập quán quốc tế, điều ước quốc tế đa phương có thể là một công cụ hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên, bằng chứng opinio juris cần tập trung vào các quốc gia không phải là thành viên của các điều ước đó, bởi việc các quốc gia tuân thủ theo một điều ước quốc tế có thể bị nhầm lẫn với nguyên tắc thiện chí thực hiện, pacta sunt servanda.[13]


3. Xác định tập quán quốc tế thông qua các yếu tố khác

Trên thực tế, việc xác định một tập quán quốc tế dựa theo hai yếu tố “thực tiễn chung” và “được chấp nhận như luật” (opinio juris) rất khó để được thực hiện vì tính phức tạp của cả hai yếu tố này. Thay vì vậy, các tập quán quốc tế thường được chứng minh và xác định thông qua hai nguồn bổ trợ: án lệ, hay cụ thể là các quyết định tư pháp của cơ quan tài phán quốc tế và công trình nghiên cứu của các học giả có uy tín. Thông thường, các cơ quan tài phán chỉ tuyên bố sự tồn tại của một tập quán quốc tế, tiêu biểu là trong Vụ Hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua (1986) khi Tòa ICJ tuyên bố nguyên tắc không đe dọa hay sử dụng vũ lực là một quy định tập quán quốc tế.[14] Một thực tiễn nữa của việc xác định tập quán quốc tế thông qua nguồn bổ trợ là danh sách các tập quán quốc tế trong luật nhân đạo quốc tế được các học giả thuộc Hội Chữ Thập đỏ nghiên cứu và công bố với hai cuốn riêng về thực tiễn chung và opinio juris.


4. So sánh tập quán quốc tế và tập quán địa phương, khu vực

Bên cạnh tập quán chung, tồn tại các tập quán chỉ hình thành trong quan hệ của một số quốc gia như trường hợp Vụ Quyền qua lại trên lãnh thổ Ấn Độ (1960). Trong vụ việc này, Tòa ICJ đã công nhận giữa Bồ Đào Nha và Ấn Độ tồn tại tập quán cho phép Bồ Đào Nha qua lại trên lãnh thổ Ấn Độ nhằm tới hai thuộc địa của mình nằm trong đó.[15] Những tập quán này được gọi là tập quán khu vực. Yếu tố cấu thành tập quán khu vực giống như tập quán quốc tế, bao gồm thực tiễn chung và opinio juris, nhưng tiêu chuẩn thỏa mãn hai yếu tố này của tập quán khu vực này cao hơn so với tập quán quốc tế.[16] Sự hình thành của các tập quán khu vực này về bản chất rất phụ thuộc vào việc hành vi cụ thể của một bên có được đồng thuận bởi (các) quốc gia khác như một biểu hiện của chấp hành luật hay không.[17] Tóm lại, tập quán khu vực là một trường hợp ngoại lệ xuất phát từ sự hình thành tự nhiên của tập quán quốc tế, vì vậy các nhà làm luật thường linh hoạt tiếp cận nó thay vì thực sự cấu thành một lý thuyết rập khuôn về sự đồng tình của các quốc gia bị ràng buộc bởi loại tập quán này.[18]


5. Kết luận

Là một nguồn chính của luật quốc tế, tập quán quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính ràng buộc của một hành vi pháp lý đối với các quốc gia. Tuy nhiên, việc xác định tập quán quốc tế không hề dễ dàng, bởi mỗi yếu tố có những yêu cầu và tranh cãi khác nhau, nên nơi chúng ta có thể tìm thấy các tập quán hiệu quả nhất là thông qua phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Cần lưu ý rằng, việc tồn tại một tập quán không có nghĩa là tập quán đó ràng buộc tất cả các quốc gia, mà cần phải xác định xem đó là tập quán quốc tế, tập quán địa phương hay tập quán khu vực.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1], [2], [4], [5], [9], [10], [11]: Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới.

[3], [16], [17], [18]: Malcolm N. Shaw (2017), Cambridge University Press, 8th ed, p60, 68, 69.

[5], [13]: Vụ Các hoạt động quân sự và bán quân sự tại Nicaragua và chống lại Nicaragua (Nicaragua/Mỹ) (Phán quyết) [1986] ICJ Rep 92, [186] [188], tr. 88-89.

[6] H Thurlway, The Sources of International Law, in trong MD Evans International Law, 4th ed. (Oxford University Press 2014) 91, tr.103.

[7] Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Cộng hòa Liên bang Đức/ Đan Mạch; Cộng hòa Liên bang Đức/ Hà Lan) (Phán quyết) [1969] ICJ Rep 3, tr.20, 45 [27][77]

[8] ILC, Trách nhiệm pháp lý quốc tế của Quốc gia của Ủy ban Luật pháp quốc tế.

[10] Ronald Alcala, The Lieber Institute, Opinio juris and the essential role of States <https://lieber.westpoint.edu/opinio-juris-essential-role.../ >truy cập ngày 11 tháng 01 năm 2023.

[12] Vụ thềm lục địa (Libya v. Malta) (Phán quyết) [1985] ICJ Rep 27, tr.20.

[13] Brian D. Lepard, Customary international law: A new theory with practical applications, Chapter 13.

[15] Vụ Quyền qua lại trên lãnh thổ Ấn Độ (Bồ Đào Nha/ Ấn Độ) (Phán quyết) [1960] ICJ Rep 125, tr.60.



130 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page