top of page
icj 1.jpeg

[20] CƠ CHẾ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG WTO

Đã cập nhật: 16 thg 10, 2023

Tác giả: Chu Trang Anh, Phạm Quốc Hào


Kể từ khi thành lập vào ngày 01/01/1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) giữ vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa các quốc gia thành viên thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định tự do hoá thương mại và rà soát chính sách thương mại của quốc gia thành viên. Với mục tiêu xây dựng môi trường thương mại toàn cầu ổn định, minh bạch cũng như giải quyết công bằng các tranh chấp thương mại, WTO đã xây dựng thành công một hệ thống giải quyết tranh chấp toàn diện nhằm đảm bảo tất cả thành viên tuân thủ luật thương mại quốc tế. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO được coi là một trong những thành tựu lớn nhất của hệ thống thương mại đa phương, góp phần duy trì sự ổn định, công bằng và tính dễ dự đoán trong quan hệ thương mại quốc tế. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết tranh chấp này cũng đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các cuộc chiến thương mại cũng như sự phát triển của các hiệp định thương mại khu vực và quá trình cải cách, cập nhật chậm trễ các quy tắc của WTO. Do đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO giữa các quốc gia thành viên và những lãnh thổ thuế quan riêng biệt, từ đó đưa nhận xét ưu và nhược điểm của cơ chế này.[1]


I. Lịch sử phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO

Hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO được xây dựng trên cơ sở Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) và kế thừa các quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1947).[2] Trước khi WTO ra đời vào tháng 01/1995, GATT 1947 đã xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp trong suốt gần 50 năm với nền tảng là Điều XXII, Điều XXIII GATT 1947 và các quy tắc và thủ tục chuyên biệt được hệ thống hoá trong khuôn khổ của Hiệp định này.[3] Theo đó, Điều XXII GATT 1947 đặt ra yêu cầu về thủ tục tham vấn (“consultation”) giữa các thành viên Hiệp định này và thiết lập các nhóm làm việc để giải quyết các tranh chấp cụ thể.[4] Điều XXIII quy định quy trình giải quyết tình trạng quyền lợi thương mại của một quốc gia thành viên bị vô hiệu hóa (“nullification") hoặc bị suy yếu (“impairment”) do một Bên ký kết không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thương mại.[5] Ban đầu, tranh chấp trong khuôn khổ GATT 1947 được giải quyết thông qua Phán quyết của Chủ tịch Hội đồng GATT, sau này nhiệm vụ hoà giải tranh chấp được chuyển sang cho các ban hội thẩm (“panel”).[6] Những ban hội thẩm này bao gồm từ 03 đến 05 chuyên gia độc lập có nhiệm vụ đưa ra báo cáo cùng phán quyết giải quyết tranh chấp để chuyển đến Hội đồng GATT.[7] Báo cáo của ban hội thẩm có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên tranh chấp trên cơ sở chấp thuận của Hội đồng GATT.


Hạn chế lớn nhất của cơ chế này xuất phát từ việc hệ thống giải quyết tranh chấp GATT 1947 hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, đòi hỏi sự đồng ý giữa các bên ký kết để thành lập ban hội thẩm, thông qua báo cáo của ban hội thẩm và cho phép áp dụng các biện pháp tạm thời với các bên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.[8] Hơn nữa, quá trình giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ GATT 1947 thường bị trì hoãn hoặc chậm trễ dẫn đến việc bên thắng kiện chịu thiệt hại nghiêm trọng do sản phẩm hoặc lĩnh vực sản xuất mất khả năng cạnh tranh trong quá trình giải quyết tranh chấp.[9] Ngoài ra, việc thông qua các thỏa thuận nhiều bên của Vòng đàm phán Tokyo (thường được gọi là Bộ quy tắc Vòng đàm phán Tokyo), bao gồm các thủ tục giải quyết cho từng tranh chấp mới cụ thể đã dẫn đến việc hệ thống giải quyết tranh chấp của GATT 1947 chồng chéo, không thống nhất và làm gia tăng các biện pháp trừng phạt đơn phương với các quốc gia đang phát triển.


Những hạn chế này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia phát triển, đang phát triển về việc xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp mới trong Vòng đàm phán Uruguay. Kết quả là các bên đã thông qua Quyết định ngày 12 tháng 4 năm 1989, đưa ra những cải tiến sơ bộ đối với quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp của GATT, bao gồm các điều khoản về ban hội thẩm, khung thời gian giải quyết tranh chấp, và cải tiến thủ tục thông qua báo cáo của ban hội thẩm và xem xét phúc thẩm. Hơn nữa, trong khuôn khổ Vòng đàm phán Uruguay, các quốc gia đã thông qua Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp (DSU) nhằm xây dựng một hệ thống giải quyết tranh chấp mới trong WTO trên cơ sở kế thừa hệ thống GATT 1947.[10] DSU đặt ra một hệ thống giải quyết tranh chấp cho các Hiệp định trong khuôn khổ WTO được liệt kê tại Phụ lục 1 của Thỏa thuận này, bao gồm Hiệp định Marrakesh, các Hiệp định Thương mại Đa phương và thương mại tuỳ nghi của một số Thành viên.[11] Một trong những thay đổi quan trọng nhất của hệ thống giải quyết tranh chấp mới là việc DSU đặt ra 03 nguyên tắc giải quyết tranh chấp: (i) cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của các Bên ký kết, (ii) giải quyết tích cực tranh chấp và (iii) cấm áp dụng các biện pháp trả đũa đơn phương khi chưa có sự cho phép của WTO.[12] Bên cạnh đó, cơ sở pháp lý của hệ thống giải quyết tranh chấp WTO còn được mở rộng và bao gồm các điều khoản về thủ tục giải quyết tranh chấp đặc biệt tại một số Hiệp định trong khuôn khổ WTO, tiêu biểu như Điều 11 Hiệp định về các Biện pháp Kiểm dịch Thực vật (SPS).[13]


II. Các cơ quan của WTO tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp

Trong cơ cấu tổ chức của WTO hiện nay có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp, bao gồm: Tổng giám đốc và Ban thư ký của WTO, Cơ quan giải quyết tranh chấp, Ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm, trọng tài viên, chuyên gia độc lập và các cơ quan khác. Tuy nhiên, với mục tiêu giới thiệu những nét tiêu biểu về hệ thống giải quyết tranh chấp trong WTO, bài viết này sẽ chỉ tập trung vào ba cơ quan có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống này là: (i) cơ quan giải quyết tranh chấp; (ii) ban hội thẩm và (iii) cơ quan Phúc thẩm.


1. Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB)

Được thành lập trên cơ sở DSU, thành viên của DSB bao gồm đại diện từ tất cả các thành viên WTO tương tự như Đại Hội đồng WTO với nhiệm vụ chính là “quản lý những quy tắc và thủ tục của DSU này và các điều khoản về tham vấn và giải quyết tranh chấp của các hiệp định có liên quan, trừ khi trong hiệp định có liên quan có quy định khác”.[14] Căn cứ theo Điều 2.1 DSU, DSB có quyền thành lập ban hội thẩm, thông qua các báo cáo từ ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, giám sát việc thực hiện các phán quyết và khuyến nghị, đồng thời cho phép tạm dừng các nghĩa vụ theo các hiệp định có liên quan.[15] Điều đáng lưu ý là DSB không trực tiếp xem xét giải quyết tranh chấp mà chỉ là cơ quan thông qua quyết định.[16] Để thông qua các quyết định tại DSB, nguyên tắc đồng thuận sẽ được áp dụng. Trong chú thích số 1 Điều 2.4 DSU giải thích quyết định sẽ được DSB thông qua “nếu không có thành viên nào tại cuộc họp của DSB quyết định về vấn đề này chính thức phản đối quyết định đã được đề xuất.”[17] Tuy nhiên, đối với quyết định thành lập ban hội thẩm, thông qua báo cáo của ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm, DSB sẽ áp dụng nguyên tắc đồng thuận phủ quyết hay đồng thuận tiêu cực. Điều này có nghĩa là quyết định của DSB gần như được tự động thông qua với chỉ một ngoại lệ là tất cả thành viên DSB bỏ phiếu chống.[19] Nguyên tắc đồng thuận phủ quyết đã khắc phục được hạn chế lớn nhất của hệ thống giải quyết tranh chấp GATT 1947, nơi áp dụng nguyên tắc đồng thuận truyền thống (quyết định chỉ được thông qua nếu tất cả thành viên đều bỏ phiếu thuận), giảm thiểu tình trạng đình trệ trong quá trình đưa ra quyết định.


2. Ban hội thẩm (Panel)

Tương tự như ban hội thẩm của hệ thống GATT 1947, ban hội thẩm trong cơ chế giải quyết của WTO sẽ bao gồm từ 03 đến 05 thành viên có nhiệm vụ xem xét các khía cạnh pháp lý của vụ việc và đệ trình báo cáo lên DSB, trong đó đưa ra kết luận về việc liệu các khiếu nại của bên nguyên đơn có cơ sở pháp lý vững chắc hay không.[20] Nếu ban hội thẩm nhận thấy rằng các khiếu nại thực sự có cơ sở pháp lý và hành vi của quốc gia bị đơn cấu thành vi phạm các nghĩa vụ của WTO, ban hội thẩm sẽ đưa ra khuyến nghị mang tính ràng buộc đối với các Bên tranh chấp. Tựu chung lại, ban hội thẩm có nhiệm vụ chịu trách nhiệm xét xử sơ thẩm các tranh chấp giữa các Thành viên WTO. Điều này có nghĩa là không có ban hội thẩm thường trực tại WTO, thay vào đó, một ban hội thẩm sẽ được thành lập để giải quyết từng tranh chấp cụ thể.


3. Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body)

Khác với ban hội thẩm, Cơ quan Phúc thẩm là một trong những sáng kiến mới của Vòng Đàm phán Uruguay và không tồn tại trong hệ thống giải quyết tranh chấp cũ theo GATT 1947. Cơ quan này gồm 07 thành viên có chuyên môn cao về luật pháp, thương mại quốc tế và những vấn đề trong khuôn khổ các hiệp định có liên quan đến WTO, được bầu trên cơ sở đồng thuận giữa thành viên WTO tại DSB với nhiệm kỳ kéo dài 04 năm (tối đa 02 nhiệm kỳ).[21] Cơ quan phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai và cấp cuối cùng của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Đối với điều kiện kháng cáo, Điều 17.4 DSU quy định “chỉ các bên có tranh chấp, chứ không phải các bên thứ ba, mới có quyền kháng cáo báo cáo của ban hội thẩm [trừ trường hợp] bên thứ ba đã thông báo cho DSB về quyền lợi đáng kể đối với vấn đề tranh chấp theo khoản 2 Điều 10”.[22] Sau khi nhận được đơn kháng cáo, Cơ quan phúc thẩm sẽ xét lại các vấn đề pháp lý còn tranh cãi trong báo cáo của ban hội thẩm và đi đến quyết định duy trì, bãi bỏ hoặc điều chỉnh hợp lý các kết luận pháp lý ban đầu của Ban hội thẩm.[23] Cần chú ý rằng, Ban hội thẩm và Cơ quan phúc thẩm không có quyền tạo ra hoặc hạn chế các quyền và nghĩa vụ của các thành viên WTO theo các hiệp định liên quan.


III. Trình tự giải quyết tranh chấp

Quy trình giải quyết tranh chấp của WTO gồm 03 giai đoạn chính: (i) tham vấn giữa các bên; (ii) xét xử bởi Ban hội thẩm hoặc bởi Cơ quan Phúc thẩm; và (iii) thực thi phán quyết, bao gồm khả năng áp dụng các biện pháp trả đũa trong trường hợp bên thua kiện không thực thi phán quyết.[24]


Sơ đồ trình tự giải quyết tranh chấp trong WTO (Nguồn: The World Trade Organization)


1. Giai đoạn Tham vấn

1.1. Tham vấn (Consultation)

Theo Điều 3.7 DSU, mục tiêu mà DSU ưu tiên hướng đến là một giải pháp phù hợp với các hiệp định của WTO và được các bên liên quan thống nhất.[25] Vì vậy, tham vấn song phương là giai đoạn giải quyết tranh chấp chính thức đầu tiên.[26] Trước hết, Bên có khiếu nại phải đưa ra yêu cầu tham vấn Bên kia, đồng thời thông báo yêu cầu đó đến DSB cũng như các Hội đồng và Ủy ban có liên quan.[27] Bên được tham vấn phải trả lời trong thời hạn 10 ngày và phải thiện chí tiến hành tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu tham vấn.[28] Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp, như trường hợp hàng hoá liên quan có nguy cơ hư hỏng, thời hạn để tiến hành tham vấn có thể được rút ngắn còn 20 ngày.[29] Việc tham vấn được bảo mật và không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền nào của các Bên trong các thủ tục tố tụng sau đó.[30] Sau khi các cuộc tham vấn không đem lại được một giải pháp thỏa đáng cho các bên trong vòng 60 ngày thì Bên có khiếu nại có thể đề nghị được xét xử bởi Ban hội thẩm.[31] Trường hợp chưa kết thúc 60 ngày tham vấn mà các bên thống nhất cho rằng tham vấn sẽ không đem lại một giải pháp thỏa đáng cho tranh chấp thì Bên có khiếu nại vẫn có thể tiến hành đề nghị thành lập một Ban hội thẩm trước thời hạn trên.[32] Thông thường các quốc gia đều mong muốn giải quyết các bất đồng ở giai đoạn tham vấn nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại về lợi ích cho tất cả các bên, đồng thời đảm bảo tính bảo mật của các thông tin liên quan đến tranh chấp. Vì lý do đó, đến nay, đa số các tranh chấp trong WTO thường chỉ dừng lại ở bước tham vấn này.[33]


1.2. Môi giới, Trung gian, Hoà giải (Good Office, Mediation, Consultation)

Cùng với tham vấn, môi giới, trung gian, và hòa giải là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp phi tư pháp trong hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Môi giới, trung gian, và hòa giải có thể bắt đầu và chấm dứt vào bất kỳ thời điểm nào kể từ khi yêu cầu tham vấn được đệ trình, kể cả khi Ban Hội thẩm đã được thành lập và tiến hành hoạt động.[34] Tương tự tham vấn, các thủ tục này được tiến hành trên cơ sở tự nguyện, bảo mật và không ảnh hưởng đến bất kỳ quyền nào của các Bên trong các thủ tục tố tụng sau đó.[35]


2. Giai đoạn Hội thẩm và Phúc thẩm

2.1. Thành lập Ban hội thẩm (Panel Establishment)

Như đã đề cập ở Mục 1, nếu các cuộc tham vấn không giải quyết được tranh chấp thì các bên sẽ tiến vào giai đoạn Hội thẩm. Việc thành lập Ban hội thẩm là bước đầu tiên của giai đoạn này.[36] Yêu cầu thành lập Ban hội thẩm phải được trình bày dưới dạng văn bản và gửi tới DSB để cơ quan này ra quyết định thành lập Ban hội thẩm.[37] Đồng thời, yêu cầu này phải nêu rõ quá trình tham vấn, xác định cụ thể các biện pháp trong tranh chấp (“measures at issue”), và tóm tắt các cơ sở pháp lý cho việc khiếu nại.[38] Ban hội thẩm sẽ bao gồm 03 thành viên, trừ khi các bên trong tranh chấp thống nhất trong vòng 10 ngày kể từ quyết định thành lập Ban hội thẩm rằng Ban hội thẩm sẽ gồm 05 thành viên.[39] Ngoài ra, trong vòng 20 ngày kể từ quyết định thành lập Ban hội thẩm, nếu các bên trong tranh chấp không thống nhất chỉ định được thì thành viên Ban hội thẩm sẽ do Tổng Giám đốc WTO chỉ định trong số các quan chức chính phủ/phi chính phủ, hoặc các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực luật, chính sách thương mại quốc tế đáp ứng các yêu cầu về tính chuyên môn và tính độc lập.[40]


2.2. Hoạt động của Ban hội thẩm (Panel Procedures)

Quá trình xét xử thực chất (“substantive”) có thể bắt đầu bằng việc các bên trao đổi văn bản đệ trình về bất kỳ vấn đề sơ bộ (“preliminary issue”) nào mà Bên bị đơn đưa ra.[40] Trường hợp không có vấn đề sơ bộ nào được đưa ra, Ban hội thẩm sẽ ấn định một thời gian biểu cụ thể cho phiên xét xử đầu tiên, trong đó các bên trình bày các văn bản giải trình tình tiết vụ việc và các lập luận liên quan trong bản đệ trình (written submission), và phiên xét xử thứ hai, trong đó đại diện của các Bên lần lượt trình bày ý kiến và trả lời các câu hỏi của Ban hội thẩm trong phiên xét xử (oral hearings).[42] Sau phiên xét xử thứ hai, Ban hội thẩm soạn thảo và chuyển đến các bên phần Tóm tắt nội dung tranh chấp của báo cáo để họ cho ý kiến trong một thời hạn nhất định. Trên cơ sở các ý kiến này, Ban hội thẩm đưa ra Báo cáo tạm thời, trong đó trình bày mô tả vụ việc, các lập luận, và kết luận của Ban hội thẩm để các bên cho ý kiến về bản Báo cáo tạm thời này.[43] Ban hội thẩm có thể tổ chức thêm một phiên họp bổ sung để xem xét lại tổng thể các vấn đề liên quan nếu các bên có yêu cầu.[44] Sau đó Ban hội thẩm soạn thảo Báo cáo chính thức để gửi đến tất cả các thành viên WTO và chuyển cho DSB thông qua.[45]


2.3. Thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm (Adoption of Panel Report)

Báo cáo của Ban hội thẩm được gửi tới tất cả các thành viên WTO. Trong vòng 60 ngày kể từ thời điểm Báo cáo được gửi tới các thành viên WTO, Báo cáo sẽ được DSB thông qua, trừ khi một trong các bên tranh chấp thông báo đến DSB về ý định kháng cáo hoặc DSB thống nhất không thông qua Báo cáo.[46]


2.4. Trình tự Phúc thẩm (Appellate Review)

Nếu một trong các bên tranh chấp thông báo đến DSB về ý định kháng cáo trước khi Báo cáo của Ban hội thẩm được DSB thông qua, tranh chấp sẽ được chuyển đến Cơ quan Phúc thẩm xem xét, với những trình tự và thủ tục riêng cho giai đoạn phúc thẩm.[47] Tuy nhiên, thủ tục xét xử phúc thẩm nhìn chung phải hoàn tất trong vòng 60 ngày và trong mọi trường hợp không được vượt quá 90 ngày kể từ ngày một trong các bên tranh chấp nộp thông báo kháng cáo.[48]


3. Giai đoạn Thi hành

3.1. Thi hành (Implementation)

Sau khi DSB thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm (và Cơ quan phúc thẩm), DSB sẽ gửi các khuyến nghị hoặc phán quyết (“recommendations or rulings”) đến (i) Bên thua kiện (trong trường hợp Bên khiếu nại khiếu nại thành công) để Bên thua kiện tự điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với các quy định của WTO; hoặc (ii) các bên (trong trường hợp Bên khiếu nại khiếu nại không thành công) để tìm ra sự điều chỉnh thỏa đáng cho cả hai bên.[49] Bên thua kiện phải thông báo ý định thực hiện các khuyến nghị của mình tại cuộc họp DSB được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ ngày Báo cáo được thông qua.[50] Nếu Bên thua kiện cho rằng Bên đó không thực hiện được ngay các khuyến nghị trên, Bên đó có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian hợp lý (“reasonable”) được DSB chấp nhận theo yêu cầu của Bên đó, hoặc theo thỏa thuận của các bên tranh chấp.[51] Trên thực tế, các quốc gia thành viên WTO rất ít khi tuyên bố không thể thực hiện được các khuyến nghị của DSB.[52] DSB cũng là cơ quan giám sát việc thực hiện các khuyến nghị hoặc phán quyết của các bên.[53]


3.2. Bồi thường và Trả đũa (Compensation and Retaliation)

Nếu Bên thua kiện không thể thực hiện các khuyến nghị của DSB trong một khoảng thời gian hợp lý, Bên thắng kiện có quyền yêu cầu Bên thua kiện tham gia đàm phán nhằm thỏa thuận một mức bồi thường cho Bên thắng kiện. Việc bồi thường phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với các hiệp định có liên quan.[54] Nếu các bên không thống nhất được mức bồi thường thỏa đáng trong vòng 20 ngày kể từ khi hết hạn thực hiện khuyến nghị, Bên thắng kiện có thể yêu cầu DSB cho phép áp dụng các biện pháp trả đũa thương mại đối với Bên thua kiện.[55] Ví dụ, Bên thắng kiện có thể không thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan có hiệu lực ràng buộc theo Điều II của GATT 1994 đối với Bên thua kiện.[56] Mức độ của các biện pháp trả đũa được DSB quyết định căn cứ trên mức độ ảnh hưởng mà hành vi của Bên thua kiện gây ra cho Bên thắng kiện.[57] Cần lưu ý rằng bồi thường và trả đũa chỉ là các biện pháp giải quyết tạm thời được sử dụng nhằm đảm bảo lợi ích của Bên thắng kiện trong thời gian Bên thua kiện không thể thực hiện được khuyến nghị của DSB. Các biện pháp này không làm chấm dứt nghĩa vụ thực hiện khuyến nghị của Bên thua kiện.[58]


IV. Kết luận

Có thể thấy, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO là một hệ thống giải quyết tranh chấp toàn diện nhằm đảm bảo tất cả thành viên tuân thủ luật thương mại quốc tế. Tuy nhiên, vì bao gồm nhiều giai đoạn thực hiện mà mỗi vụ tranh chấp được xét xử bởi WTO thường sẽ kéo dài và đôi khi còn đi vào bế tắc, từ đó gây ra những thiệt hại kinh tế đáng kể cho Bên có khiếu nại. Trước bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát triển ngày càng mạnh mẽ, WTO cần có các giải pháp để nâng cao hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp của tổ chức này, từ đó củng cố vai trò của WTO trong hệ thống thương mại quốc tế hiện nay.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Những lãnh thổ thuế quan riêng biệt được hiểu là những vùng lãnh thổ (không phải quốc gia) có quyền tự quyết trong quan hệ thương mại quốc tế và những vấn đề khác trong phạm vi điều chỉnh của WTO (Ví dụ: Liên minh Châu Âu (EU), Đài Loan, Hồng Kông,...).

[2] [6] [7] World Trade Organization Secretariat, A Handbook on the WTO Dispute Settlement System (1st edn, Cambridge University Press 2004).

[3][28][43][45] VCCI, Văn Bản Điều Chỉnh Hoạt Động Giải Quyết Tranh Chấp Trong WTO, Trung tâm WTO và Hội nhập, (26/10/2010) <https://trungtamwto.vn/chuyen-de/176-van-ban-dieu-chinh-hoat-dong-giai-quyet-tranh-chap-trong-wto> truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.

[4] Điều XXII, GATT 1947.

[5] Nguyễn Anh Tuấn, Giáo trình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO-OMC), Học viện Quan hệ quốc tế (4/2008) tr 38.

[8] Nguyễn Anh Tuấn, Giáo trình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO-OMC), Học viện Quan hệ quốc tế (4/2008) tr 39, xem thêm tại World Trade Organization Secretariat, A Handbook on the WTO Dispute Settlement System (1st edn, Cambridge University Press 2004).

[9] Nguyễn Anh Tuấn, Giáo trình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO-OMC), Học viện Quan hệ quốc tế (4/2008) tr 39.

[10] Phụ lục 2 Hiệp định Marrakesh thành lập WTO.

[11] Phụ lục 1, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[12] Nguyễn Anh Tuấn, Giáo trình Tổ chức Thương mại thế giới (WTO-OMC), Học viện Quan hệ quốc tế (4/2008) tr 39-40.

[13] Điều XXIII, GATT 1947, xem thêm tại Nguyễn Thị Thu Trang, Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO (19/10/2008) <https://phapluatdansu.edu.vn/2008/10/19/06/41/c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-tranh-ch%E1%BA%A5p-trong-wto/> truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.

[14] [15] Điều 2.1, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[16] Nguyễn Thị Thu Trang, Cơ chế giải quyết tranh chấp trong WTO (19/10/2008) <https://phapluatdansu.edu.vn/2008/10/19/06/41/c%C6%A1-ch%E1%BA%BF-gi%E1%BA%A3i-quy%E1%BA%BFt-tranh-ch%E1%BA%A5p-trong-wto/> truy cập ngày 02 tháng 08 năm 2023.

[17] Chú thích số 1; Điều 2.4, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[18] Điều 6.1, 16.4, 17.14 và 22.6, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[19] Điều 11 và Điều 19, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[20] Điều 2.4, Điều 17.2 và Điều 17.3 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[21] Điều 17.4 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[22] Điều 17.13 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[23] World Trade Organization, The process — Stages in a typical WTO dispute settlement case: Flow chart of the Dispute Settlement Process <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c6s1p1_e.htm> truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

[24] Điều 3.7 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[25] Điều 4 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[26] Điều 4.4 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp. Các Hội đồng và Ủy ban có liên quan (“relevant Councils and Committees”) là các Hội đồng và Ủy ban có quyền giám sát các hiệp định có liên quan đến tranh chấp.

[27] Điều 4.3 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[29] Điều 4.6 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[30] Điều 4.7 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[31] Điều 4.7 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[32] World Trade Organization, The process — Stages in a typical WTO dispute settlement case: Consultations <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c6s2p1_e.htm#fnt2> truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

[33] Điều 5.3 và Điều 5.5 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[34] Điều 5.1 và Điều 5.2 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[35] [40] World Trade Organization, The process — Stages in a typical WTO dispute settlement case: The Panel Stage <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c6s3p3_e.htm> truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

[36] Điều 6.1 và Điều 6.2 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[37] Điều 6.2 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[38] Điều 8.5 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[39] Điều 8.1, Điều 8.2 và Điều 8.7 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[41] Điều 12.6 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[42][44] Phụ lục 3, Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[46][47] Điều 16.4 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[48] Điều 17.5 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[49] [52] World Trade Organization, The process — Stages in a typical WTO dispute settlement case: Implementation by the “losing” Member <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c6s7p1_e.htm> truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

[50] Điều 21.3 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[51] Điều 21.3.a và Điều 21.3.b Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[53] Điều 2 và Điều 21.6 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[54] Điều 22.1 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.

[55] Điều 22.2 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp. Điều 22.2 DSU quy định các biện pháp trả đũa này dưới tên gọi “việc tạm dừng các nhượng bộ hoặc các nghĩa vụ khác theo các hiệp định có liên quan”.

[56] World Trade Organization, The process — Stages in a typical WTO dispute settlement case: Countermeasures by the prevailing Member (suspension of obligations) <https://www.wto.org/english/tratop_e/dispu_e/disp_settlement_cbt_e/c6s10p1_e.htm> truy cập ngày 11 tháng 08 năm 2023.

[57] Điều 22.4 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp. Nguyên văn: “The level of the suspension of concessions or other obligations authorized by the DSB shall be equivalent to the level of the nullification or impairment.”

[58] Điều 22.1 Thỏa thuận về các Quy tắc và Thủ tục điều chỉnh việc giải quyết tranh chấp.


1.339 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Bình luận


bottom of page