top of page
icj 1.jpeg

[15] HIỆP ƯỚC THƯỢNG TẦNG KHÔNG GIAN - VĂN KIỆN PHÁP LÝ QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN VỀ VŨ TRỤ

Tác giả: Lê Nhật Quỳnh, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi


Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Hoa Kỳ và Liên Xô cùng các đồng minh của mình đã bắt đầu một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ, phân chia thế giới thành hai cực. Cuộc chiến này tuy không gây ra đối đầu trực tiếp nhưng lại là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử được biết đến với tên gọi “Chiến tranh Lạnh”. Để chiến thắng trong cuộc chiến tranh đặc biệt này, bên cạnh những âm mưu chính trị, quân sự, kinh tế, cả hai bên đều tin rằng cần phải tập trung vào thúc đẩy phát triển công nghệ, một trong số đó là công nghệ liên quan tới vũ trụ.[1]


Năm 1957, Liên Xô phóng thành công vệ tinh Sputnik vào vũ trụ, khởi đầu cho “Cuộc chạy đua vào không gian”. Hai năm sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ Eisenhower đã khởi xướng Dự án Mercury với mục tiêu đưa tàu vũ trụ có người lái vào quỹ đạo. Ngày 12/04/1961, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Ngay sau đó, vào ngày 25/05/1961, Tổng thống Kennedy đã kêu gọi khoản đầu tư lên đến 9 tỷ đô la trong 5 năm cho chương trình không gian nhằm bảo vệ danh dự của Hoa Kỳ.[2]


Trước cuộc chạy đua căng thẳng này của Hoa Kỳ và Liên Xô, Hiệp ước Thượng tầng Không gian (OST) đã được ra đời nhằm ngăn chặn cuộc đua vào không gian và xung đột vũ trang xảy ra tại khu vực rộng lớn này. [3] Do đó, bài viết này sẽ tập trung phân tích vai trò quan trọng của Hiệp ước này đối với sự phát triển của các hoạt động bên ngoài không gian.


1. Hoàn cảnh ra đời

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và cuộc chạy đua căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Liên Xô đã đặt ra nhu cầu về một văn kiện pháp lý điều chỉnh việc khám phá không gian, thử nghiệm vũ khí và yêu sách lãnh thổ dựa trên nguyên tắc khoảng không vũ trụ là của toàn nhân loại và nghiêm cấm các quốc gia thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay vũ khí huỷ diệt hàng loạt (Weapons of Mass Destruction - WMD) tại đây.


Chủ đề về bảo tồn không gian vũ trụ đã được đề cập từ những năm 1950 tại Liên hợp quốc. Năm 1963, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua hai nghị quyết về không gian vũ trụ mà sau đó trở thành cơ sở cho Hiệp ước Thượng tầng Không gian. Nghị quyết số 1884 của Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia kiềm chế không lắp đặt WMD ngoài vũ trụ. Nghị quyết số 1962 của Liên hợp quốc đặt ra các nguyên tắc pháp lý về thăm dò vũ trụ, trong đó quy định tất cả các quốc gia đều có quyền tự do khám phá và sử dụng không gian.[4]


Hoa Kỳ và Liên Xô đã đệ trình các dự thảo hiệp ước ngoài không gian riêng biệt lên Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng 06/1966. Tháng 12 cùng năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã soạn thảo và thông qua bản văn kiện soạn thảo về Hiệp ước thượng tầng không gian. Hiệp ước được mở để ký tại Washington, Moscow, London vào ngày 27/01/1967 và chính thức có hiệu lực vào ngày 10/10/1967.[5]


2. Nội dung chính của Hiệp ước

Nguyên tắc pháp lý cốt lõi của Hiệp ước Thượng tầng Không gian 1967 là res communis, nghĩa là không gian là lãnh thổ thuộc sở hữu chung của nhân loại. Như vậy, khoảng không vũ trụ không phải là lãnh thổ vô chủ (res nullius); các quốc gia không thể tự tuyên bố chủ quyền ở bất kỳ khu vực nào trong không gian.[6] Nội dung chính của Hiệp ước được điều chỉnh xung quanh nguyên tắc này, cụ thể như sau:


Thứ nhất, về các quyền tự do.[7] Hai quyền tự do quan trọng đã được nêu ra ở Điều I của Hiệp ước, cụ thể:

1. Quyền tự do khai thác và sử dụng khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác, không phân biệt đối xử ở bất kỳ hình thức nào, dựa trên cơ sở bình đẳng và phù hợp với luật pháp quốc tế;

2. Quyền nghiên cứu khoa học được tiến hành tự do trong khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác.


Thứ hai, về nguyên tắc res communis. Khoảng không vũ trụ, kể cả Mặt trăng và các thiên thể khác, không thuộc lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào bằng bất kỳ hình thức chiếm hữu lãnh thổ nào. Nguyên tắc này được thể hiện rõ nhất ở Điều II của Hiệp ước.


Thứ ba, về hoạt động khai thác, thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ. Quy định tại Điều III, các hoạt động khai thác, thăm dò và sử dụng khoảng không vũ trụ cần phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc, và khẳng định sự cần thiết giữ gìn yếu tố hoà bình trong các hoạt động này.[8] Điều IV quy định một số biện pháp phi quân sự hóa cũng như quy định việc sử dụng khoảng không vũ trụ phải nhằm mục đích hòa bình. Các hoạt động quân sự đều bị cấm, trừ khi cho mục đích nghiên cứu khoa học, khám phá hòa bình và các mục đích hòa bình khác.


Thứ tư, về hoạt động trợ giúp, hợp tác quốc tế và trách nhiệm của các quốc gia thành viên.[9] Với các nhà du hành vũ trụ, những người được coi là “sứ giả của loài người trong khoảng không vũ trụ”, cần được các quốc gia hỗ trợ trong các trường hợp tai nạn, gặp sự cố hoặc hạ cánh khẩn cấp (Điều VI). Các quốc gia chịu trách nhiệm quốc tế cho các hoạt động quốc gia ở khoảng không vũ trụ (Điều VI); có trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều VI) và có quyền đăng ký vật thể vũ trụ và quyền tài phán với các vật thể đó (Điều VII, VIII). Ngoài ra, các quốc gia phải tránh gây ô nhiễm có hại cho không gian bên ngoài, đồng thời tham khảo ý kiến của các quốc gia khác liên quan đến các thí nghiệm có hại tiềm ẩn (Điều IX). Bên cạnh đó, các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác và hiểu biết, hỗ trợ đa phương trong hoạt động thăm dò, khai thác khoảng không vũ trụ (Điều III, IX, X) và cần thông báo cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về các hoạt động trong không gian (Điều V, IX).


3. Thành công và thách thức trong việc thực thi Hiệp ước

a. Thành công

Kể từ khi có hiệu lực pháp lý, Hiệp ước đã đạt được một số thành công nhất định. Xét mục đích ra đời của văn kiện này, Hiệp ước đã thành công ngăn chặn hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân hay WMD tại khu vực vũ trụ của Liên Xô và Hoa Kỳ. Được đông đảo cộng đồng quốc tế xem như “Bản Hiến chương” của vũ trụ,[9] Hiệp ước là văn kiện pháp lý quốc tế đầu tiên điều chỉnh các hoạt động trong khoảng không vũ trụ đưa ra các quyền tự do khai thác và sử dụng, quyền tự do nghiên cứu khoa học khoảng không vũ trụ. Các nguyên tắc nền tảng nhằm thiết lập một khuôn khổ cơ bản cho hoạt động sử dụng và khám phá không gian vì mục đích hòa bình của các quốc gia cũng được quy định trong Hiệp ước. Bên cạnh đó, Hiệp ước cũng khẳng định khoảng không vũ trụ là của nhân loại, không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào.


Bên cạnh đó, Hiệp ước là tiền đề để cộng đồng quốc tế xây dựng những văn kiện pháp lý khác liên quan tới các hoạt động ở vũ trụ, đóng góp vào quá trình hoàn thiện luật pháp quốc tế về vũ trụ. Một số Hiệp ước được đưa ra sau khi Hiệp ước Thượng tầng Không gian có giá trị, có thể kể đến như: Hiệp ước về cứu hộ nhà du hành vũ trụ, trao trả nhà du hành vũ trụ và các vật thể được phóng vào vũ trụ (Hiệp ước về cứu hộ 1968) - được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết 2345; Công ước về trách nhiệm quốc tế về bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ gây ra (Công ước về trách nhiệm bồi thường thiệt hại 1972) - được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết 2777; Công ước về Đăng ký các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ (Công ước về đăng ký 1975) - được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua bằng Nghị quyết 3235, v.v.


Ngoài ra, Hiệp ước cũng có tác động quan trọng đến hoạt động hoàn thiện nội luật quốc gia về khoảng không vũ trụ. Một số các quốc gia đã ban hành luật khoảng không vũ trụ, như Anh (Luật khoảng không vũ trụ 1986), Thụy Điển (Luật về Hoạt động vũ trụ số 9 1982), Australia (Luật Hoạt động vũ trụ 1998, sửa đổi năm 2002), v.v.

Cho tới thời điểm hiện tại, đa phần các quốc gia trên thế giới đều là thành viên của Hiệp ước. Như vậy, với nhân loại nói chung, Hiệp ước là khởi đầu của hoạt động khám phá và sử dụng khoảng không vũ trụ một cách hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế. Hiệp ước là nền tảng cho tiến trình hình thành và phát triển của pháp luật về khoảng không vũ trụ; là điều ước quốc tế quan trọng đối với hoạt động xây dựng hệ thống pháp luật quốc tế đương đại thể.[11]


b. Thách thức

Các quốc gia phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng và thực thi Hiệp ước là do văn kiện này không có những quy định cụ thể liên quan tới vấn đề an ninh và tư hữu hoá khoảng không vũ trụ. Một trong những mục đích và nguyên tắc quan trọng của Hiệp ước này đó là “sử dụng vì mục đích hòa bình.” Trải qua nhiều năm, yếu tố cấu thành của việc sử dụng vì mục đích hòa bình vẫn đối mặt với nhiều tranh cãi, bởi bản thân từ “hoà bình” có nhiều cách giải thích khác nhau. “Hòa bình” có thể được hiểu là không có bạo lực hoặc vũ lực hay việc không tham gia vào chiến tranh hoặc bạo lực.[12] “Sử dụng vì mục đích hòa bình” được hiểu là các hành động “không gây hấn,” và loại trừ các hành vi liên quan tới quân đội.” Như vậy, việc sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình không hoàn toàn loại trừ các mục đích sử dụng quân sự, mặc dù điều này đã phần nào không được khuyến khích bởi Hiệp ước này.[13] Tuy Liên hợp quốc cho phép Hội đồng Bảo an thiết lập đội quân gìn giữ hòa bình, và đội quân này được phép sử dụng vũ lực trong một số trường hợp.[14] Thế nhưng, điều này chứng minh rằng việc sử dụng vũ lực hoặc quân đội để bảo vệ hoà bình là một điều cần thiết và không thể tránh khỏi. Do đó, thách thức đầu tiên mà Hiệp ước này cần giải quyết đó là việc hợp pháp hóa việc thực hiện các hoạt động gìn giữ hòa bình trong đó việc sử dụng lực lượng quân sự, nếu không thể thiết lập các căn cứ quân sự và thực hiện các cuộc diễn tập quân sự để đối phó với những quốc gia chọn không tôn trọng các nghị quyết của Liên hợp quốc.


Hiệp ước cũng không loại trừ các lợi ích vượt ra ngoài lãnh thổ của các quốc gia, tức là lợi ích của doanh nghiệp tư nhân.[15] Ngày nay, việc sử dụng và thăm dò không gian bên ngoài hiện đang ngày càng được cung cấp nguồn lực và thúc đẩy bởi nguồn vốn tư nhân. Hoa Kỳ có kế hoạch tư nhân hóa hoàn toàn Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vào năm 2024.[16] Đồng thời, không gian vũ trụ đang trở thành nơi cạnh tranh của các chủ thể thương mại cung cấp dịch vụ du lịch vũ trụ, kết nối vệ tinh và giám sát khí hậu, chưa kể đến việc khai thác các hành tinh.[17] Cho tới thời điểm hiện tại, Hiệp ước cần trả lời được hai câu hỏi: (i) Các quốc gia có quyền được hưởng và chia sẻ lợi ích từ những hoạt động của chủ thể thương mại không, và (ii) chủ thể thương mại trong lĩnh vực này có được thực hiện các hoạt động thương mại về hoạt động vũ trụ nhân danh quốc gia không.[18] Như vậy, thách thức tiếp theo đối với Hiệp định đó là phải ứng phó kịp thời với sự phát triển của thương mại và tư nhân hoá hoạt động ngoài vũ trụ.


Nhằm mục đích hạn chế việc chạy đua vũ trang và đảm bảo hoà bình tại khoảng không vũ trụ, Hiệp ước Thượng tầng Không gian là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng đầu tiên trong việc quy định những nguyên tắc cơ bản của các quốc gia trong việc sử dụng và khai thác không gian này. Trải qua hơn 50 năm áp dụng, Hiệp ước này đã góp phần góp phần thúc đẩy các quốc gia phát triển và đẩy mạnh các hoạt động ngoài vũ trụ trên cơ sở bảo vệ môi trường hoà bình bên ngoài khoảng không. Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của khoa học công nghệ và sự bất ổn của tình hình thế giới hiện nay, Hiệp ước cần có những quy định cụ thể hơn để đáp ứng kịp thời với sự phát triển của nhân loại.


Để trình bày các vấn đề trên, nhóm tác giả đã tham khảo quan điểm từ nhiều nguồn khác nhau tuy nhiên không thể tránh khỏi các sai sót. Nhóm tác giả rất mong nhận được các nhận xét, đóng góp từ thầy/cô và các bạn đọc.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Department of Education and Public Programs, John F. Kennedy Presidential Library and Museum, ‘Kennedy’s Quest: Leadership in Space’

[2] JFK Library, ‘President Kennedy’s special message to the Congress on urgent national needs’ (May 25, 1961)

[3] Annette Froehlich (eds.), ‘A Fresh View on the Outer Space Treaty’ Springer International Publishing (2018), vii.

[4] ‘The Outer Space Treaty at a Glance’ Ams Control Association (10/2020)

<https://www.armscontrol.org/factsheets/outerspace> truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2023.

[5] Paul G. Dembling, Daniel M. Arons, ‘The Evolution of the Outer Space Treaty’ (1967) <https://core.ac.uk/download/pdf/188046313.pdf> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023.

[6] John Hickman, ‘Still crazy after four decades: The case for withdrawing from the 1967 Outer Space Treaty’ (2007) <https://www.thespacereview.com/article/960/1> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023.

[7] [8] [11] Hoàng Trung Kiên, ‘Pháp luật về khoảng không vũ trụ - tiếp cận từ góc độ luật học so sánh’ (2009)

[9]. [10] He Qizhi, ‘The Outer Space Treaty in Perspective’ Volume 25, Number 2, page 93 Journal Of Space Law (1997)

<https://airandspacelaw.olemiss.edu/pdfs/jsl-25-2.pdf> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023; Hoàng Trung Kiên, Pháp luật về khoảng không vũ trụ - tiếp cận từ góc độ luật học so sánh (2009)

[12] Annette Froehlich, ‘A Fresh View on the Outer Space Treaty-Springer International Publishing’ (2018), trang 41.

[13],[15],[17] Ann Deslandes, ‘The Bold Future of the Outer Space Treaty’ (2018), Daily Jstor <https://daily.jstor.org/the-bold-future-of-the-outer-space-treaty/> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023.

[14] United Nations Peacekeeping, ‘Mandates and the legal basis for peacekeeping’ <http://www.un.org/en/peacekeeping/operations/pkmandates.shtml> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023.

[16] Christian Davenport, ‘The Trump administration wants to turn the International Space Station into a commercially run venture’ NASA document shows (2018), The Washington Post

[18] Gbenga Oduntan, ‘Aspects of the International Legal Regime concerning Privatization and Commercialization of Space Activities’ (2016) <https://www.jstor.org/stable/26396156> truy cập ngày 15 tháng 05 năm 2023.

94 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

3 Comments


Linh Nguyen Phuong
Linh Nguyen Phuong
Aug 18, 2023

Thông tin rất hữu ích. Cảm ơn nhóm tác giả!

Like
Juris Exploratores
Juris Exploratores
Aug 18, 2023
Replying to

Cảm ơn bạn nhiều. Chúc bạn một ngày vui vẻ!

Like

Phạm Quốc Hào
Phạm Quốc Hào
Aug 17, 2023

Bài viết rất hay và ý nghĩa

Like
bottom of page