top of page
icj 1.jpeg

[11] NGUỒN VÀ CÁC NGUYÊN TẮC CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ

Tác giả: Nguyễn Quỳnh Diệp, Lương Vũ Khánh Ly


Luật Nhân đạo Quốc tế là một ngành luật thuộc Công pháp Quốc tế, được ra đời với mục đích hạn chế những tác động khủng khiếp của các cuộc xung đột vũ trang. Đồng thời, ngành luật này còn đề ra trách nhiệm của các quốc gia và các nhóm vũ trang phi quốc gia trong một cuộc xung đột vũ trang. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu về nguồn và các nguyên tắc cơ bản của Luật Nhân đạo Quốc tế.


I. Nguồn của Luật Nhân đạo Quốc tế

1. Điều ước quốc tế

a. Công ước Geneva (I) về Cải thiện điều kiện của Thương binh, Bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang trên bộ

Công ước Geneva I đại diện cho bốn Công ước Geneva về Thương binh và Bệnh binh. Công ước được ký kết vào năm 1864, sửa đổi vào năm 1906 và chính thức thông qua vào năm 1949. Công ước bao gồm 39 điều về việc bảo vệ thương binh, bệnh binh cũng như các nhân viên y tế và tôn giáo, các đơn vị y tế và phương tiện vận chuyển y tế. Ngoài ra, văn kiện này còn bao gồm hai Phụ lục về Khu vực Bệnh viện và Quy định Minh chứng (“model regulations”) cho nhân viên y tế và tôn giáo.


b. Công ước Geneva (II) về Cải thiện điều kiện của Thương binh, Bệnh binh và Những người bị đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển

Công ước Geneva II là văn kiện thay thế cho Công ước Hague 1907 về Thích ứng với Chiến tranh Hàng hải dựa trên các Nguyên tắc của Công ước Geneva I và được thông qua vào năm 1949. Công ước Geneva II theo sát các quy định của Công ước Geneva I về mặt nội dung và cấu trúc. Nội dung của Công ước bao gồm các quy định về chiến tranh trên biển, bao gồm 63 điều và một Phụ lục về minh chứng cho nhân viên y tế và tôn giáo.


c. Công ước Geneva (III) về Đối xử với Tù binh trong Chiến tranh

Công ước Geneva III là văn kiện thay thế cho Công ước về Tù binh Chiến tranh năm 1929,[1] và được thông qua vào năm 1949. Công ước bao gồm 143 điều và năm phụ lục. Công ước Geneva III đã mở rộng phạm vi quy chế về tù binh chiến tranh phù hợp với Công ước Geneva I và Công ước Geneva II. Các quy định này được thể hiện chính xác hơn, đặc biệt là về vấn đề lao động của tù binh chiến tranh, nguồn tài chính và việc bảo vệ tù binh chiến tranh. Công ước thiết lập nguyên tắc rằng các tù binh chiến tranh sẽ được trả tự do và hồi hương ngay lập tức sau khi chấm dứt các hoạt động chiến sự.


d. Công ước Geneva (IV) về Bảo hộ Dân thường trong Chiến tranh

Công ước Geneva IV quy định các vấn đề liên quan đến lực lượng tham chiến và được thông qua trước năm 1949 trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ hai. Công ước bao gồm 159 điều và ba Phụ lục về mẫu thỏa thuận cơ sở chữa bệnh và vùng an toàn, quy chế mẫu về cứu trợ nhân đạo và mẫu thẻ. Phần lớn Công ước đề cập đến tình trạng và cách đối xử với các những người được bảo vệ, phân biệt giữa hoàn cảnh của người nước ngoài trên lãnh thổ của một trong các bên xung đột và thường dân trên lãnh thổ bị chiếm đóng, trong đó, nêu rõ các nghĩa vụ của Quốc gia chiếm đóng đối với dân thường và có các điều khoản chi tiết về cứu trợ nhân đạo cho dân cư trên lãnh thổ bị chiếm đóng.


e. Nghị định thư bổ sung về Bảo vệ Nạn nhân của các xung đột vũ trang

Nghị định thư I được thông qua vào năm 1977. Nghị định thư I bổ sung định nghĩa về xung đột vũ trang quốc tế (“International Armed Conflict” sau đây gọi là “IAC”), phát triển những quy định của Công ước Geneva I và Công ước Geneva II và một số nội dung khác.


f. Nghị định thư bổ sung về Bảo vệ Nạn nhân của các xung đột vũ trang phi quốc tế

Nghị định thư II được thông qua vào năm 1977. Nghị định thư II đã phát triển và bổ sung cho Điều 3 chung của bốn Công ước Geneva, và là những quy định duy nhất của Luật Nhân đạo Quốc tế áp dụng với xung đột vũ trang phi quốc tế (“Non-international armed conflict” sau đây gọi là “NIAC”).


g. Nghị định thư bổ sung liên quan đến việc thông qua một biểu tượng đặc biệt bổ sung

Nghị định thư III được thông qua vào năm 2005. Nghị định thư III bao gồm những quy định mới về biểu tượng chữ thập đỏ, đồng thời văn kiện này cho phép sử dụng biểu tượng chữ thập đỏ như một phương tiện bảo vệ (“protective device”) và như một thiết bị chỉ thị với các biểu tượng được công nhận khác nhằm tăng cường bảo vệ các dịch vụ y tế của lực lượng vũ trang cũng như nhằm mục đích ngăn chặn sự phổ biến của các biểu tượng khác.[2]


h. Tập quán quốc tế

Sự phát triển vượt bậc của tập quán quốc tế trong Luật Nhân đạo Quốc tế được đánh dấu qua việc Tòa án Hình sự quốc tế Nam Tư Cũ (“ICTY”) đã áp dụng tập quán và đưa ra phán quyết khẳng định tập quán quốc tế đối với xung đột IAC và NIAC.[3] Việc soạn thảo và tổng hợp các tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế đã được bắt đầu với sự ra đời của bản dự thảo của Tiến sĩ Francis Lieber trong Bản hướng dẫn cho Chính phủ Quân đội Hoa Kỳ trên chiến trường.[4] Văn bản này được Tổng thống Lincoln ban hành dưới dạng Sắc lệnh chung số 100 (Decree No.100) vào năm 1863 trong Cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.[5] Với số lượng gồm 161 nguyên tắc tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế áp dụng cho cả IAC và NIAC.[6] Tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế cũng được hình thành từ thực tiễn chung (state practice) được chấp nhận như là luật (opinio juris), xác định trong các báo cáo của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (“ICRC”).[7] Tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế có tính ràng buộc đối với tất cả các chủ thể của luật quốc tế. Theo đó, các tập quán Luật Nhân đạo Quốc tế có thể kể tên như: nguyên tắc cấm sử dụng vũ khí sinh học,[8] nguyên tắc cấm sử dụng đạn nổ trong cơ thể con người để chống lại con người,[9] và nguyên tắc cấm các hành vi hoặc đe dọa bạo lực nhằm rắc nỗi kinh hoàng trong dân chúng.[10]


2. Các nguyên tắc pháp luật chung

a. Yêu cầu cơ bản về nhân đạo

Yêu cầu cơ bản về nhân đạo được phản ánh trong Điều 3 chung của bốn Công ước Geneva. Các Yêu cầu cơ bản tạo thành các “tiêu chuẩn tối thiểu” (“minimum yardstick”) được áp dụng cho tất cả các xung đột vũ trang,[11] và được thừa nhận là nguyên tắc pháp luật chung của Luật Nhân đạo Quốc tế.[12] Các Yêu cầu cơ bản về nhân đạo đã xuất hiện trong một số án lệ Luật Nhân đạo Quốc tế nổi tiếng. Ví dụ, trong Vụ Prosecutor v. Dusko Tadic aka "Dule" (1995), ICTY cho rằng hành vi sử dụng vũ khí của quốc gia bị cấm trong xung đột vũ trang nhưng được cho phép khi quốc gia đó đàn áp các cuộc nổi loạn xảy ra trên lãnh thổ của Quốc gia đó, và thông qua người của quốc gia đó, được thể hiện qua các Yêu cầu cơ bản về nhân đạo và lẽ thông thường.[13]


b. Điều khoản Martens

Điều khoản Martens được đặt theo tên của Fyodor Fyodorovich Martens, người đã đưa ra điều khoản này lần đầu tiên trong Lời nói đầu của Công ước Hague năm 1899.[14] Mặc dù có nhiều cách diễn giải khác nhau, Điều khoản Martens được hiểu rằng nếu một hành vi không bị cấm một cách rõ ràng thì hành vi này không được tự động cho phép trên thực tế. Cách hiểu rộng nhất của Điều khoản Martens là hành vi trong xung đột vũ trang không chỉ được xét xử theo các hiệp ước và tập quán mà còn theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.[15]


3. Nguồn bổ trợ

a. Án lệ

Án lệ được sử dụng như một loại nguồn bổ trợ phổ biến trong Luật Nhân đạo Quốc tế. Theo đó, các án lệ có vai trò giải thích, và thường được công bố bởi các tòa hình sự quốc tế, ví dụ như Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Tòa ICTY.


b. Học thuyết của các học giả nổi tiếng

Học thuyết của các học giả nổi tiếng được sử dụng như một loại nguồn bổ trợ phổ biến trong Luật Nhân đạo Quốc tế. Một số ấn phẩm nổi tiếng có thể kể tên như cuốn “Sổ tay Luật Nhân đạo Quốc tế” ("The Handbook of International Humanitarian Law") viết bởi Dieter Fleck, cuốn “Luật Nhân đạo Quốc tế: Quy tắc, Tranh cãi và Giải pháp cho các Vấn đề Phát sinh trong Chiến tranh" (“International Humanitarian Law: Rules, Controversies, and Solutions to Problems Arising in Warfare”) của Marco Sassòli và Antoine A. Bouvier.


c. Luật mềm

Luật mềm tuy không có giá trị ràng buộc nhưng lại được coi là nguồn giải thích có giá trị trong Luật Nhân đạo Quốc tế. Luật mềm bao gồm các hướng dẫn, bình luận của các tổ chức quốc tế có chuyên môn về Luật Nhân đạo Quốc tế, bình luận chung của ICRC. Một số văn kiện được coi là luật mềm trong Luật Nhân đạo Quốc tế như Bộ quy tắc ứng xử của Liên hợp quốc dành cho các quan chức thực thi pháp luật 1979 (“CCLEO”) và Các nguyên tắc cơ bản về Việc sử dụng vũ lực và vũ khí của các quan chức thực thi pháp luật 1990 (“BPUFF”).


II. Các nguyên tắc cơ bản của Luật Nhân đạo Quốc tế

1. Nguyên tắc phân biệt

Theo Điều 48 Nghị định thư bổ sung I, các bên tham gia xung đột chỉ được tấn công trực tiếp vào các mục tiêu quân sự,[16] được xác định là những mục tiêu có đóng góp hiệu quả cho hành động quân sự và việc phá hủy hoặc vô hiệu hóa mục tiêu đó mang lại lợi thế quân sự nhất định. Các cuộc tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào, ngoài các mục tiêu kể trên, đều trái với Luật Nhân đạo Quốc tế.


2. Nguyên tắc tương xứng

Điều 51(5)(b) Nghị định thư bổ sung I chứa đựng quy định cấm các cuộc tấn công có khả năng gây thương vong ngẫu nhiên cho dân thường, thiệt hại cho các mục tiêu dân sự, hoặc cả hai tới mức vượt quá lợi thế quân sự trực tiếp và cụ thể đã được dự tính.[17] Nguyên tắc này nhằm giảm thiểu tác hại gây ra cho thường dân và các đối tượng dân sự trong xung đột vũ trang.


Do không được quy định cụ thể trong Luật Nhân đạo Quốc tế, việc xác định tính tương xứng khi tấn công vẫn gặp nhiều thách thức trên thực tế khi người tấn công phải đánh giá tính tương xứng trước khi thực hiện tấn công, trong khi đó, thiệt hại của tấn công lại chỉ được biết sau khi tấn công xảy ra.[18]


3. Nguyên tắc nhân đạo

Nguyên tắc nhân đạo là một nền tảng cho luật nhân đạo quốc tế. Nguyên tắc này bảo vệ các chiến binh đã hạ vũ khí, bị loại khỏi cuộc chiến vì ốm đau, vết thương và những dân thường không tham gia vào cuộc chiến bằng cách quy định rằng họ phải luôn được đối xử nhân đạo mà không bị phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo hoặc đức tin, giới tính, dòng dõi hoặc sự giàu có hoặc bất kỳ tiêu chí tương tự nào khác.[19]


4. Nguyên tắc cần thiết quân sự

Nguyên tắc về sự cần thiết quân sự chỉ cho phép sử dụng lực lượng cần thiết để đạt được mục tiêu hợp pháp của một cuộc xung đột. Điều 35 Nghị định Thư bổ sung I nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí, đạn dược, vật liệu và phương pháp chiến tranh gây thương tích quá mức hoặc gây ra đau khổ không cần thiết, cũng như các phương pháp hoặc phương tiện chiến tranh có mục đích hoặc có thể gây ra thiệt hại rộng rãi, lâu dài và nghiêm trọng cho môi trường tự nhiên.

5. Nguyên tắc cẩn trọng

Nguyên tắc cẩn trọng đề ra quy tắc dù cuộc tấn công có nhằm vào mục tiêu quân sự và đảm bảo tính tương xứng, các bên vẫn có nghĩa vụ cẩn trọng để tránh và giảm thiểu thiệt hại đối với dân thường và các mục tiêu dân sự.[20] Nguyên tắc cẩn trọng cần được áp dụng độc lập với nguyên tắc tương xứng, nghĩa là, kể cả khi những tổn thất có thể xảy ra không vượt quá mức so với lợi thế quân sự dự kiến đạt được thì các bên vẫn có nghĩa vụ lựa chọn phương tiện và phương thức chiến tranh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với dân thường.[21]


Nghĩa vụ này đặt ra nghĩa vụ cho cả hai bên tham chiến. Bên tấn công có nghĩa vụ chính là đảm bảo đã thực hiện mọi biện pháp khả thi để phân biệt mục tiêu dân sự và mục tiêu quân sự. Còn bên bị tấn công có nghĩa vụ chính là nỗ lực di dời dân thường và các mục tiêu dân sự ra khỏi khu vực lân cận của mục tiêu quân sự.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] ICRC, ‘Convention relative to the Treatment of Prisoners of War. Geneva, 27/07/192 <https://ihl-databases.icrc.org/en/ihl-treaties/gc-pow-1929> truy cập ngày 20/05/2023.

[2] ICRC, ‘Protocol additional to the Geneva Conventions of 12 August 1949, and relating to the Adoption of an Additional Distinctive Emblem (Protocol III), 8 December 2005’ <https://ihl-databases.icrc.org/en/ihl-treaties/apiii-2005> truy cập ngày 20/05/2023.

[3] [18] Marco Sassòli,’ International Humanitarian Law: Rules, controversies, and solutions to problems arising in warfare’ (Edward Elgar Publishing Limited, 2019), p.46, p.362.

[4] The Instructions for the government of armies of the United States in the field 1863 (USA).

[5] Jean-Marie Henckaerts and others, ‘Customary International Humanitarian Law’, Vol. 1 (Cambridge University Press, 2005) xxxi.

[6] [21] Nils Melzer, ‘International Humanitarian Law : A Comprehensive Introduction’ (ICRC Publications 2019), p.17, p.120.

[7] Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế, Điều 38(1)(b).

[8] Jean-Marie Henckaerts and others, ‘Customary International Humanitarian Law’, Vol. 1 (Cambridge University Press 2005) 256 - 258.

[9] Như trên 272 - 274.

[10] Như trên 8 - 11.

[11] Case concerning Military and Paramilitary Activities in and against Nicaragua (Nicaragua v. United States) [1986] ICJ Rep 114 § 218.

[12] Corfu Channel (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland v. Albania) [1949] ICJ Rep 4 § 22.

[13] The Prosecutor v. Dusko Tadíc aka “Dule” [1995], ICTY § 119.

[14] Pustogarov V, ‘Fyodor Fyodorovich Martens (1845–1909) a Humanist of Modern Times’ (1996) International Review of the Red Cross (1961 - 1997), 300-314.

[15] Pilloud C and others, ‘Commentary on the Additional Protocols of 8 June 1977’ (Nijhoff; Lancaster 1987), 39; N.Singh and E. McWhinney, ‘Nuclear Weapons and Contemporary International Law’ (2nd ed., Nijhoff, 1989) 46-47.

[16][19][20] Nghị định thư bổ sung I liên quan đến việc bảo vệ các nạn nhân dân sự của chiến tranh quốc tế, 12/08/1949, Điều 48, Điều 3(1), Điều 57.

[17] Luật Tập quán Nhân đạo Quốc tế, Quy tắc số 14 <https://ihl-databases.icrc.org/en/customary-ihl> truy cập ngày 15/05/2023.



919 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page