top of page
icj 1.jpeg

[12] PHẠM VI ÁP DỤNG CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ

Tác giả: Lê Nhật Quỳnh, Dương Duy Khang

Vì các mục đích nhân đạo, Luật Nhân đạo quốc tế (LNĐQT) được xây dựng nhằm hạn chế các tác động của chiến tranh. Trong đó, các chế định về phạm vi áp dụng có ý nghĩa quan trọng đối với việc áp dụng các quy định của LNĐQT.


Phạm vi áp dụng của LNĐQT có thể được tìm thấy trong Điều 2(1) chung của bốn Công ước Geneva 1949.[1] Theo đó, các quy định của Công ước phải được áp dụng trong những trường hợp mà chiến tranh xảy ra do có tuyên chiến, dù được thể hiện qua các hành động thù địch hay bằng một tuyên bố chính thức.[2] Bên cạnh đó, sự chiếm đóng một phần hay toàn bộ lãnh thổ của một Bên ký kết cũng thuộc phạm vi áp dụng của LNĐQT, bất kể có sự kháng cự bằng vũ trang hay không.[3] Các quy định của LNĐQT cũng cần được tuân thủ bởi các Bên ký kết, kể cả khi một Bên trong xung đột vũ trang không phải thành viên của Công ước Geneva 1949. Ngoài ra, bên đó sẽ bị ràng buộc bởi Công ước khi họ chấp nhận và áp dụng các điều khoản trong Công ước.[4] Các điều khoản của Công ước có thể được áp dụng mà không cần thiết phải có sự công nhận tình trạng chiến tranh của các Bên ký kết.[5] Bên ngoài các cuộc xung đột vũ trang, các quy định khác của LNĐQT như các hiệp ước về cấm phát triển, tàng trữ, sản phẩm và bán một số loại vũ khí nhất định vẫn ràng buộc các quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình.[6]


Như vậy, có thể thấy, phạm vi áp dụng của LNĐQT là rất rộng; LNĐQT được áp dụng với mọi xung đột vũ trang bất kể hình thức tuyên chiến, công nhận hay mức độ chiếm đóng. Đối với các trường hợp chưa đạt đến ngưỡng xung đột vũ trang, ví dụ như việc sử dụng vũ lực đối với các nhóm và các nhóm thuộc thẩm quyền một chính phủ, các quy định của LNĐQT sẽ không được áp dụng mà các quy định của luật nhân quyền quốc tế sẽ điều chỉnh các vấn đề trên.[7]


Các Công ước Geneva 1949 và các Nghị định thư bổ sung không có định nghĩa cụ thể về “xung đột vũ trang”.[8] Vì thế, thực tiễn quốc gia và ý kiến học giả có vai trò quan trọng khi xác định ý nghĩa pháp lý và nội dung của khái niệm này.[9] Dù vậy, LNĐQT phân biệt hai loại xung đột vũ trang là xu đột vũ trang quốc tế (IAC) giữa hai hay nhiều quốc gia và xung đột vũ trang không mang tính quốc tế (NIAC) giữa lực lượng chính phủ và các lực lượng phi chính phủ hay giữa những lực lượng đó.


1. Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế (IAC)

Sự tồn tại của IAC được xác định dựa vào tư cách pháp lý của các bên xung đột và bản chất xung đột giữa các bên này.[11] Điều 1(4) Nghị định thư bổ sung về bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang quốc tế (Nghị định thư I) quy định LNĐQT không chỉ áp dụng với các quốc gia mà còn áp dụng với các dân tộc đấu tranh chống lại sự đô hộ của thực dân, sự chiếm đóng của nước ngoài và các chế độ phân biệt chủng tộc nhằm thực hiện quyền dân tộc tự quyết.[12] Như vậy, các chủ thể trên vẫn có tư cách pháp lý là chủ thể của luật quốc tế và có thể được xem là “Bên ký kết” trong IAC nhằm áp dụng các quy định của LNĐQT. Mặc dù ít được đề cập trong các án lệ và công trình của học giả, một ý định gây chiến có thể ngầm hiểu là điều kiện cần để một IAC xảy ra.[13] Như thế, các hành vi không ngầm mang ý định gây chiến như hành vi gây hại vô ý hay việc sử dụng vũ lực của các cá nhân ngoài sự cho phép của quốc gia họ đại diện mà có khả năng quy kết trách nhiệm quốc gia không thể dẫn đến một IAC.


Phạm vi áp dụng của LNĐQT đối với IAC rất rộng và vì thế, một IAC tồn tại còn phụ thuộc vào thực tế của tình huống xung đột.[14] Một số trường hợp IAC được xác định là hành động sử dụng vũ lực chống lại một quốc gia khác, đối với lực lượng vũ trang hay dân thường và/hoặc mục tiêu dân sự của quốc gia thù địch.[15]


Hiện nay, do bản chất của IAC có thể thay đổi nhanh chóng nên sẽ có nhiều khó khăn khi xác định sự tồn tại của một IAC.[16] Một số ví dụ dẫn đến sự thay đổi của IAC là sự tham gia của các lực lượng đa quốc gia hay tấn công mạng.[17] Ngoài ra, vấn đề liệu hành động vũ lực đối với một nhóm vũ trang phi chính phủ trên lãnh thổ của quốc gia khác có dẫn đến IAC và áp dụng LNĐQT hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi.[18]


2. Xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế (NIAC)

Xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế (NIAC) được đề cập trong Điều 3 chung của các Công ước Geneva mà không có định nghĩa cụ thể. Theo đó, NIAC là một xung đột vũ trang “không mang tính chất quốc tế” và “xảy ra trên lãnh thổ của một Bên ký kết”.[19] Như vậy, xung đột giữa lực lượng vũ trang của một quốc gia với các nhóm vũ trang phi nhà nước hay giữa các nhóm đó với nhau đều được xem là NIAC.[20] Ngày nay, khi các Công ước Geneva đã được phê chuẩn trên phạm vi gần như toàn cầu (196 quốc gia thành viên), điều kiện về lãnh thổ ít có ý nghĩa hơn.[21] Ngoài ra, Điều 3 chung cũng không đặt ra điều kiện cần phải có sự công nhận tình trạng tham chiến hay sự ủng hộ, kiểm soát lãnh thổ hay động cơ chính trị để được xem là một bên xung đột của NIAC.[22]


Điều 1(1) Nghị định thư bổ sung về tăng cường việc bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế (Nghị định thư II) đã mô tả chi tiết các điều kiện áp dụng đối với NIAC. một NIAC tồn tại khi: (i) xung đột vũ trang diễn ra trên lãnh thổ một Bên ký kết; (ii) xung đột vũ trang giữa lực lượng vũ trang của Bên ký kết và các nhóm vũ trang ly khai hay với các nhóm vũ trang có tổ chức khác; (iii) các nhóm vũ trang phải có: (a) sự chỉ huy trách nhiệm và (b) sự kiểm soát đối với một phần lãnh thổ nhằm tiến hành các hoạt động quân sự phối hợp và thường xuyên và áp dụng Nghị định thư này.[23] Khác với IAC, NIAC được xác định bởi các tiêu chí cụ thể và khách quan.[24] Bên cạnh đó, các trường hợp không phải xung đột vũ trang cũng được xác định, gồm các hỗn loạn và căng thẳng nội bộ, như là bạo loạn và hành vi bạo lực đơn lẻ và tự phát và các hành vi khác có tính chất tương tự.[25] Mặt khác, việc đặt ra các tiêu chuẩn quá cao đối với các nhóm vũ trang phi nhà nước có thể khiến các quy định của LNĐQT khó được áp dụng và từ đó làm giảm giá trị của LNĐQT.


Nhìn chung, LNĐQT thừa nhận hai điều kiện để xác định một xung đột là NIAC: (i) việc sử dụng vũ lực phải đạt đến một cường độ nhất định; và (ii) các nhóm vũ trang phải có mức độ tổ chức nhất định.[26] Một số tiêu chí được sử dụng để xác định cường độ sử dụng vũ lực là số lượng, thời gian và tần suất các cuộc đối đầu, các loại vũ khí, mức độ thương vong, mức độ phá hủy, sự tham gia của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, v.v.[27] Một số tiêu chí được sử dụng để đánh giá mức độ tổ chức là hệ thống chỉ huy, cơ chế và quy định kỷ luật, việc tồn tại trụ sở, sự kiểm soát một phần lãnh thổ, khả năng tiếp cận nguồn vũ khí, trang bị quân sự, xây dựng quân đội, tiền hành chiến dịch quân sự, v.v.[28]


Cũng như IAC, tính chất của NIAC cũng thay đổi theo tình hình thực tế. Khi một IAC liên quan đến một hành vi tấn công vào lãnh thổ bên ngoài mà có sự đồng thuận của quốc gia láng giềng, các cuộc tấn công đó được xem như là một phần của NIAC ban đầu.[29] Khi không có sự đồng thuận, các chiến dịch ở lãnh thổ nước ngoài có thể khiến một NIAC trở thành IAC.[30] Trong trường hợp có sự can thiệp của quốc gia bên ngoài đối với vùng lãnh thổ đặc biệt, IAC và NIAC có thể đồng thời diễn ra.[31]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Điều 2(1) chung: “Ngoài những quy định phải được thi hành ngày trong thời bình, Công ước này sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp chiến tranh có tuyên chiến, hoặc bất kỳ xung đột vũ trang nào khác có thể nổ ra giữa hai hay nhiều Bên ký kết, cho dù một trong một trong các Bên đó không công nhận tình trạng chiến tranh; [...]”.

[2], [15] Jean-Marie Henckaerts et al. (eds), Commentary on the First Geneva Convention: Convention (I) for the Amelioration of the Condition of the Wounded and the Sick in Armed Forces in the Field, 2016, Art. 2, para. 204 ( Hereinafter “ICRC Commentary on the First Geneva Convention'') in Phạm Lan Dung, Textbook on International Law, p 330.

[3] Điều 2(1) chung: “[...] Công ước này được áp dụng đối với mọi trường hợp chiếm đóng một phần hay toàn bộ lãnh thổ của Bên ký kết, kể cả sự chiếm đóng đó không đối mặt với bất kỳ sự kháng cự bằng vũ trang nào [...].”.

[4] Điều 2(1) chung: “[...] Mặc dù một trong các Bên xung đột không phải là thành viên của Công ước này, các Bên là thành viên của Công ước này vẫn sẽ bị ràng buộc bởi Công ước này trong mối quan hệ qua lại giữa họ. Các Bên đó cũng sẽ bị ràng buộc bởi Công ước trong mối quan hệ với Bên xung đột không phải là thành viên, nếu như Bên này chấp nhận và áp dụng các điều, khoản trong Công ước này.”.

[5], [6], [7], [9], [11], [20], [24], [27], [29], [30] Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law.

[8]. Kkienerm, ‘Counter-Terrorism Module 6 Key Issues: Categorization of Armed Conflict’ (United Nations Office on Drugs and Crime, July 2018), <https://www.unodc.org/e4j/zh/terrorism/module-6/key-issues/categorization-of-armed-conflict.html> truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2023.

[10] ‘How Is the Term “Armed Conflict” Defined in International Humanitarian Law?’ (ICRC, 17 March 2008), <https://www.icrc.org/en/doc/resources/documents/article/other/armed-conflict-article-170308.htm#:~:text=International%20humanitarian%20law%20distinguishes%20two,or%20between%20such%20groups%20only> truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2023.

[12] Điều 1(4) Nghị định thư I.

[13], [21], [22], [31] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 332.

[14] ICTY, The Prosecutor v. Fatmir Limaj et al., Trial Chamber II (Judgment), 30 November.

[16], [17] ICRC Commentary on First Geneva Convention paras. 245-256, in Pham Lan Dung, Textbook on International Law p 333.

[18] Marco Sassòli, International Humanitarian Law: Rules, controversies, and solutions to problem arising in warfare (Edward Elgar Publishing Limited 2019), p 171 in Pham Lan Dung, Textbook on International Law, p 334.

[19] Điều 3 chung: “Trong trường hợp một cuộc xung đột vũ trang không có tính chất quốc tế xảy ra trên lãnh thổ của một Bên ký kết, các Bên xung đột bị ràng buộc phải áp dụng, như là cấp độ tối thiểu, các điều khoản, sau đấy [...]”.

[23] Điều 1(1) Nghị định thư II: “Nghị định thư này [...] áp dụng đối với các cuộc xung đột vũ trang [...] diễn ra trong lãnh thổ của một Bên ký kết giữa lực lượng vũ trang ly khai hoặc các nhóm vũ trang có tổ chức khác dưới sự chỉ huy có trách nhiệm, thực hiện được việc kiểm soát một phần lãnh thổ đủ để cho phép các nhóm này tiến hành các hoạt động quân sự thường xuyên và có tính phối hợp và để thực thi Nghị định thư này [...].”.

[25] Điều 1(1) Nghị định thư II: “[...] Nghị định thư này sẽ không được áp dụng đối với các trường hợp hỗn loạn hay căng thẳng nội bộ, như là bạo loạn, các hành vi bạo lực đơn lẻ và tự phát và các hành vi khác có tính chất tương tự, vì không phải là xung đột vũ trang.”.

[26] The Prosecutor v. Dusko Tadic, (Judgement) [1997] ICTY IT-94-1-T paras. 561-568; The Prosecutor v. Fatmir Limaj, (Judgement) [2005] ICTY IT-03-66-T, para. 84; Marco Sassòli, xem chú thích số 20, tr 181; Nils Melzer, Etienne Kuster, xem chú thích số 5, tr 69; ICRC, xem chú thích số 10 trong Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 334.

[28] ICTY, The Prosecutor v. Ramush Haradinaj et al., Trial Chamber I (Judgment), Case No.

IT-04-84-T, 3 April 2008, para. 60. See also ICRC, Opinion Paper, op. cit. (note 70), p. 3 in Nils Melzer, Etienne Kuster, supra note 5, p 69.


66 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

コメント


bottom of page