top of page
icj 1.jpeg

[50] QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO VÀ ĐÁ THEO CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ LIÊN HỆ VỚI CÁC THỰC THỂ Ở QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM

Đã cập nhật: 9 thg 4

Tác giả: Lê Hoàng Dũng, Hoàng Hải Vân


Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu quy chế pháp lý của đảo và đá theo Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và liên hệ với thực trạng các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích chi tiết Điều 121 UNCLOS, bài viết xác định rõ các điều kiện để một thực thể được coi là đảo. Đồng thời, nhóm tác giả phân biệt rõ đảo tự nhiên với đảo nhân tạo, làm rõ các quy chế pháp lý và vùng biển tương ứng mà đảo có thể tạo ra, cũng như điều kiện để phân biệt đảo đá với đảo có đầy đủ vùng biển. Từ các phân tích này, bài viết tóm tắt kết luận của tòa đối với quy chế pháp lý của các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong Phán quyết Biển Đông năm 2016. Từ đó, nhóm tác giả khẳng định tầm quan trọng của việc xác định rõ quy chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, đồng thời phân tích các hệ quả pháp lý và chính trị của phán quyết đối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay.


Từ khóa: UNCLOS, đảo, đá, Biển Đông, quần đảo Trường Sa, Vụ kiện Biển Đông 2016


1. Quy chế pháp lý của đảo và đá theo UNCLOS 1982

1.1 Đảo 

1.1.1 Định nghĩa/Điều kiện để được coi là đảo

Theo định nghĩa tại Điều 121(1) UNCLOS, đảo nói chung là vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thủy triều lên.[1] Tuy nhiên, nhìn vào tổng quan quy định tại Điều 121, đảo sẽ được chia làm hai loại: đảo có đầy đủ vùng biển và đảo đá.[2] Khi UNCLOS sử dụng thuật ngữ “đảo” tức là nó sẽ bao gồm cả đá.[3] Điểm chung của hai loại đảo này đó là đều phải đáp ứng điều kiện tại Điều 121(1). Dựa vào câu chữ của Điều 121(1), để được coi là đảo thì có 04 điều kiện: (i) là vùng đất; (ii) hình thành tự nhiên; (iii) bao bọc bởi nước và (iv) nằm cao hơn nước khi thủy triều lên.[4] Tại phần này, nhóm tác giả sẽ phân tích các điều kiện chung để một thực thể được coi là đảo và quy chế pháp lý của các đảo có đầy đủ vùng biển.


(i) vùng đất

Đảo được định nghĩa là một khu vực đất liền, bất kể thành phần địa chất hay hình thái địa lý của nó. Các đảo có thể được hình thành từ đá, cát, bùn, sỏi, san hô hoặc trầm tích, miễn là chúng có vật liệu rắn gắn với nền đáy biển.[5] Luật quốc tế không quy định kích thước tối thiểu để một vùng đất được công nhận là đảo, ngay cả những mảnh đất nhỏ bé vẫn có thể có quy chế này.[6] Tuy nhiên, kích thước có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự sống của con người và tác động đến việc phân định ranh giới biển.[7]


(ii) hình thành tự nhiên

Ban đầu, thuật ngữ “đảo” bao gồm cả đảo tự nhiên và đảo nhân tạo. Tại Hội nghị Pháp điển hóa Luật Quốc tế năm 1930 ở The Hague, tiểu ban 02 thảo luận về vấn đề lãnh hải đã định nghĩa đảo là “một khu vực đất liền, được bao quanh bởi nước, và luôn nổi trên mực nước cao nhất”.[8] Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận sau đó, đã có quan điểm cho rằng nên loại trừ các đảo nhân tạo khỏi định nghĩa này.[9] Hoa Kỳ đã đề xuất rằng chỉ những phần đất được hình thành tự nhiên mới được coi là đảo hợp pháp, và quan điểm này sau đó được đưa vào Điều 10 của Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp.[10]


Những hòn đảo do con người tạo ra từ vật liệu tự nhiên hoặc được nạo vét, di chuyển để tạo thành một khu vực đất liền không được coi là đảo theo Điều 121(1) của UNCLOS, mà được điều chỉnh bởi quy định về “đảo nhân tạo”. Việc phân biệt giữa đảo nhân tạo và đảo tự nhiên không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một khu vực đất hình thành do sự bồi tụ của trầm tích từ dòng chảy hoặc thủy triều thường được coi là đảo tự nhiên. Tuy nhiên, nếu quá trình này bị tác động bởi công trình nhân tạo, chẳng hạn như việc xây dựng hải đăng, thì khu vực đất mới hình thành có thể bị coi là đảo nhân tạo.[11] Quy chế pháp lý của đảo nhân tạo hiện tại được quy định riêng tại Điều 60[12] của Công ước còn Điều 121 chỉ quy định quy chế pháp lý cho các loại đảo được hình thành tự nhiên.


(iii) bao bọc bởi nước

Để một khu vực đất liền được coi là đảo, nó phải được bao quanh bởi nước khi thủy triều xuống thấp nhất. Nếu không, nó sẽ được kết nối với một lãnh thổ đất liền khác và do đó thuộc về hoặc trở thành một phần của đường mực nước thấp của lãnh thổ đất liền đó. Nói cách khác, một đảo chỉ có thể có các vùng biển riêng nếu đường mực nước thấp của nó hoàn toàn tách biệt khỏi đường mực nước thấp của bất kỳ lãnh thổ đất liền nào khác. Một con kênh nhân tạo nối giữa đất liền và một khu vực đất không đủ điều kiện để khu vực đó trở thành đảo, vì đảo phải được hình thành một cách tự nhiên.[13]


(iv) nằm cao hơn nước khi thủy triều

Theo luật quốc tế, để một khu vực đất liền được coi là đảo, nó phải luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất. Điều này giúp phân biệt đảo với các thực thể chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp. Sự phân biệt giữa đảo tự nhiên và đảo nhân tạo cũng rất quan trọng. Những vùng đất được con người bồi đắp hoặc nâng cao bằng phương pháp nhân tạo không được coi là đảo theo UNCLOS.[14] Nếu một thực thể chỉ nổi trên mặt nước khi triều xuống thấp nhưng bị chìm khi triều lên cao, nó chỉ được coi là bãi lúc nổi lúc chìm, không có vùng biển riêng. Hơn nữa, luật pháp quốc tế không quy định độ cao tối thiểu để một thực thể được coi là đảo, miễn là nó luôn nổi trên mặt nước khi triều cao.[15]


Các đảo tự nhiên có thể được mở rộng hoặc bảo vệ trước xói mòn bằng các công trình nhân tạo mà không làm mất đi quy chế pháp lý của chúng. Tuy nhiên, nếu một thực thể bị nâng cao bằng cách bồi đắp nhân tạo thì nó sẽ bị coi là đảo nhân tạo, không có vùng biển riêng. Đồng thời, nếu một thực thể bị xói mòn và chìm xuống dưới mặt nước khi triều cao, nó sẽ mất đi quy chế đảo.[16]


1.1.2 Quy chế pháp lý của đảo/Các vùng biển tạo ra

Ngoại trừ đảo đá thì theo Điều 121(2), đảo có khả năng tạo ra đầy đủ vùng biển như đất liền từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo quy định của Điều 121(2) UNCLOS, vùng biển của một hòn đảo được xác định theo cùng nguyên tắc như đối với lãnh thổ đất liền. Điều này thể hiện nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tức là đảo cũng có quyền thiết lập các vùng biển tương tự như đất liền.[17]


Dù không được nêu rõ trong Điều 121(2), các hòn đảo cũng có thể có nội thủy và có thể tạo ra thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý. Một tiểu ban thuộc Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa từng tuyên bố rằng việc xác định vùng biển xung quanh đảo phải tuân theo các quy định áp dụng cho lãnh thổ đất liền. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia có đảo đều có thể yêu cầu thềm lục địa mở rộng dựa trên Điều 76 của UNCLOS.[18]


1.2 Đá

1.2.1 Định nghĩa/Điều kiện

UNCLOS định nghĩa “đảo đá” (rocks) là các thực thể trên biển thuộc dạng đảo, mà không có khả năng cho con người cư trú hay có một đời sống kinh tế riêng.[19] Tuy nhiên, UNCLOS không có bất kỳ giải thích nào khác liên quan đến định nghĩa về đảo đá các yếu tố trên, điều này dẫn đến việc hai yếu tố này có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau.


Về vấn đề đảo đá có phải các đảo được cấu tạo bởi đá hay không, Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016 cho rằng, Điều 121(3) UNCLOS, không giới hạn đảo đá phải là các đảo được cấu tạo từ đá cứng, bởi ý nghĩa thông thường của từ “rock” đặt ra giới hạn trên, mà đá hoàn toàn có thể “bao gồm các chất hữu cơ… đôi khi khác nhau về độ cứng… và có thể chứa đất sét”.[20] Bên cạnh đó, việc định nghĩa đảo đá chỉ bao gồm các đảo có cấu tạo là đá cứng không phù hợp với thực tiễn xét xử của tòa ICJ, và dẫn đến một định nghĩa kỳ cục (absurd meaning).[21] Tuy nhiên, Giáo sư Stefan Talmon có quan điểm ngược lại so với cách giải thích trên. Ông bảo vệ quan điểm cho rằng đảo đá phải có cấu tạo từ đá, bởi theo cách định nghĩa quá rộng của Tòa, lợi ích của các quốc đảo sẽ bị ảnh hưởng khi các đảo cấu tạo từ cát, bùn, hay san hô cũng sẽ không tạo ra vùng biển nếu như chúng không thể duy trì sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng.[22]


1.2.2 Quy chế pháp lý của đảo/Các vùng biển tạo ra

Theo quy định tại Điều 121(2) UNCLOS, các vùng biển mà đảo có thể tạo ra sẽ áp dụng cách xác định giống như đối với đất liền. Tuy nhiên, đối với đảo đá, Điều 121(3) quy định rằng các đảo đá “không thể duy trì việc cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của riêng nó” sẽ không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải và vùng tiếp giáp theo quy định tại Công ước. Khi xem xét điều khoản trên, Tòa Trọng tài cho rằng ý nghĩa thông thường của thuật ngữ “duy trì” bao gồm ba yếu tố: sự hỗ trợ và cung cấp các yếu tố thiết yếu, nó phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, không phải chỉ xảy ra một lần hoặc mang tính chất tạm thời và số lượng phải đạt đến một “mức độ hợp lý”.[23] Tòa Trọng tài không đưa ra giải thích cụ thể về mức độ hợp lý, mà chỉ xác định rằng sự cung cấp này phải đủ để duy trì một cuộc sống lành mạnh của con người. Việc xem xét các yếu tố trên của thực thể sẽ dựa trên năng lực tự nhiên của nó.[24]


Về yếu tố cư trú của con người, Tòa cho rằng, để thoả mãn yếu tố trên, một thực thể phải có sự hiện diện ổn định, không mang tính tạm thời của một nhóm người người đã lựa chọn ở lại và sinh sống tại đó. Việc một nhóm nhỏ người hiện diện trên thực thể không thể được xem là thỏa mãn, bởi ý nghĩa thông thường của Điều 121(3) không thể được hiểu theo cách rằng chỉ cần có một người sinh sống tại đó.[25] Điều này xuất phát từ thực tế rằng con người cần một cộng đồng để duy trì sự sống.[26] Tương tự, việc cư trú tạm thời của ngư dân hoặc người lao động, binh lính hoặc nhân viên chính phủ sẽ không được coi là thỏa mãn điều kiện về cư trú theo quy định của UNCLOS.[27] Về điều kiện sống, bởi các hình thức sinh kế của con người là đa dạng, vậy nên Toà cho rằng UNCLOS không thể đặt ra một hình thức hay điều kiện sống cụ thể nào. Tuy nhiên, các yếu tố tối thiểu cần phải có là khả năng hỗ trợ, duy trì và cung cấp lương thực, nước uống và nơi ở cho một số người, cho phép họ cư trú lâu dài hoặc thường xuyên trong thời gian dài.[28]


Về cụm từ “đời sống kinh tế riêng” (economic life of their own), có hai yếu tố chính cần được giải thích là “đời sống kinh tế”  và “riêng”. “Đời sống kinh tế” được hiểu là sự tồn tại của các hoạt động kinh tế (bao gồm việc phát triển và quản lý tài nguyên) diễn ra một cách liên tục.[29] “Riêng” nhấn mạnh rằng hoạt động kinh tế này phải mang tính độc lập và có khả năng tự duy trì, không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.[30] Ngoài ra, các hoạt động kinh tế xuất phát từ lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế mà thực thể có thể tạo ra sẽ không được xem xét.[31]


Tòa Trọng tài cho rằng, để bị coi là đá theo khoản 3 Điều 121 của UNCLOS, một thực thể phải không đáp ứng cả hai yếu tố về cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Điều này có nghĩa là nếu một thực thể đáp ứng được ít nhất một trong hai yếu tố, thì nó vẫn được coi là một đảo theo định nghĩa tại UNCLOS và có quyền có lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế. Tòa cho rằng, cụm từ “không thể duy trì cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế” có ý nghĩa tương đương với “không thể duy trì cư trú của con người và không thể duy trì đời sống kinh tế”.[32] Nếu giải thích theo lập luận của Philippines rằng một thực thể chỉ cần thỏa mãn một trong hai yếu tố thì sẽ bị coi là đá, thì cách hiểu này sẽ không nhất quán với phần còn lại của Điều 121(3), rằng một thực thể có thể sẽ chỉ có vùng đặc quyền kinh tế hoặc chỉ có thềm lục địa, nhưng không có cả hai, và đây là một kết luận phi lý.[33]


2. Vụ kiện Biển Đông 2016 và quy chế pháp lý với các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Nêu và đánh giá một số thực thể nổi bật ở quần đảo Trường Sa

Nhóm tác giả sẽ tóm tắt lập luận của Tòa Trọng tài đối với sáu thực thể lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, bởi nếu sáu thực thể này đều bị phân loại là đá theo Điều 121(3) UNCLOS, thì kết luận tương tự cũng sẽ áp dụng cho tất cả các thực thể nổi khi thủy triều lên cao khác trong quần đảo Trường Sa.[34]


Tòa Trọng tài đã xem xét sáu thực thể lớn nhất tại quần đảo Trường Sa và kết luận rằng tất cả đều là “đá” theo Điều 121(3) UNCLOS, tức là không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa riêng.


Thứ nhất, bãi cạn Scarborough bao gồm năm đến bảy khối đá lộ ra khi thủy triều lên, tuy nhiên, chúng có kích thước rất nhỏ, không có nước ngọt, thảm thực vật hay không gian sống.[35] Mặc dù ngư dân từ nhiều quốc gia sử dụng khu vực này làm ngư trường, Tòa nhấn mạnh rằng hoạt động đánh bắt cá không đủ để cấu thành “đời sống kinh tế riêng” của thực thể nếu không có sự kết nối hữu hình với phần nổi trên mặt nước.[36] Do đó, bãi cạn Scarborough không đáp ứng tiêu chí để được coi là một đảo có đầy đủ quyền pháp lý.


Thứ hai, đá Gạc Ma (Johnson Reef) hoàn toàn khô cằn, không có khả năng duy trì sự sinh sống của con người. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng công trình trên bãi san hô ngập nước khi thủy triều lên, nhưng sự hiện diện này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ bên ngoài và không có dấu hiệu hoạt động con người trước khi Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988.[37] Bởi Toà đã kết luận ở phần trên rằng cần phải xem xét trạng thái tự nhiên của đảo, loại bỏ các can thiệp của con người, vậy nên Tòa kết luận rằng đá Gạc Ma không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Tương tự, đá Châu Viên (Cuarteron Reef) là một thực thể nhỏ, khô cằn, không thể duy trì sự sống con người hay một nền kinh tế độc lập. Các công trình xây dựng của Trung Quốc tại đây dựa vào việc bồi đắp phần rạn san hô ngập nước khi thủy triều lên và không làm thay đổi bản chất pháp lý của thực thể.[38]


Đối với đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), trước khi có các công trình cải tạo của Trung Quốc, thực thể này chỉ có một khối đá nhô cao khoảng 1 mét trên mực nước biển, với diện tích mặt trên chỉ khoảng 2 m2.[39] Do không có đủ điều kiện duy trì sự sống, Tòa kết luận rằng đá Chữ Thập chỉ là đá theo Điều 121(3).[40]


Với đá Ga Ven (Gaven Reef), Tòa xác định rằng đá Ga Ven là một thực thể nhỏ, khô cằn, không có khả năng duy trì sự sống con người hoặc một nền kinh tế độc lập.[41]

Cuối cùng, đá Ken Nan (McKennan Reef) có một phần lộ ra khi thủy triều lên, nhưng Tòa nhận định rằng phần này có thể chỉ là một khối san hô bị đẩy lên do tác động của bão. Không có dấu hiệu hoạt động con người tại thực thể này, cũng không có bất kỳ quốc gia nào thiết lập sự hiện diện lâu dài. Vì vậy, đá Ken Nan cũng được xếp vào loại đá.[42]

3. Tình hình tại Biển Đông sau vụ kiện năm 2016

Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, tính phi lý của yêu sách này đã được nhiều học giả quốc tế chỉ ra và nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế chính thức ra phán quyết có giá trị ràng buộc pháp lý, khẳng định rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo UNCLOS. Phán quyết được đưa ra bởi một cơ quan tài phán thành lập đúng quy định của Công ước và có giá trị chung thẩm, ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc, bất kể Trung Quốc có công nhận hay không.[43]


Bên cạnh việc bác bỏ đường chín đoạn, phán quyết cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ những nguyên tắc trong UNCLOS vốn trước đây chưa được xác định rõ ràng, hoặc còn gây tranh cãi. Một trong những vấn đề nổi bật là tiêu chí xác định một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng theo Điều 121(3) UNCLOS. Trước đây, các tòa án quốc tế thường né tránh đưa ra kết luận cụ thể về vấn đề này, nhưng trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng tài đã buộc phải đưa ra phán quyết rõ ràng.[44]


Tuy nhiên, ngay từ thời điểm phán quyết được công bố, Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn và không công nhận giá trị pháp lý của nó. Trung Quốc tuyên bố rằng vụ kiện vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cho rằng Philippines đã cố tình biến tranh chấp chủ quyền thành vấn đề liên quan đến UNCLOS. Bắc Kinh khẳng định rằng chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này, đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu sách hay hành động nào dựa trên nó.[45]


Lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi kể từ năm 2016. Nhân dịp kỷ niệm 7 năm phán quyết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, tiếp tục tái khẳng định quan điểm này: “Trung Quốc tuyên bố rằng Tòa Trọng tài đã vượt quá thẩm quyền, vi phạm UNCLOS và luật quốc tế, khiến phán quyết trở nên vô hiệu, bất hợp pháp. Trung Quốc không chấp nhận hay công nhận phán quyết này và bác bỏ mọi yêu sách dựa trên nó. Trung Quốc khẳng định chủ quyền và quyền lợi ở Biển Đông có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý, không bị ảnh hưởng bởi phán quyết.”[46]


Như vậy, dù phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ các nguyên tắc pháp lý quốc tế và bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng do sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc và các hoạt động thực địa của nước này nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế giới, 2022) tr. 252.  

[2] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Điều 121.  

[3] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) đoạn 8, tr. 862.  

[4] UNCLOS, Điều 121.

[5] Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua v Colombia),  Judgment, ICJ Reports (2012) 645 [37].  

[6] Maritime Delimitation between Qatar and Bahrain (n 16) 97 [185]; SCS Arbitration Award (n 19) 538.  

[7] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) đoạn 12, tr. 863.  

[8] ibid para 14, 863.  

[9] UNCLOS I, Đề xuất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, UN Doc A/CONF.13/C.1/L.112 (1958), OR III, 242.  

[10] Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958, Điều 10(1)

[11] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) tr. 864–865.  

[12] UNCLOS, Điều 60.  

[13] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) tr. 865.  

[14] ibid.  

[15] ibid.  

[16] ibid.  

[17] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế giới, 2022) tr. 252.   

[18] Commission on the Limits of the Continental Shelf, Summary of Recommendations of the Commission on the Limits of the Continental Shelf in Regard to the Submission Made by the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland in Respect of Ascension Island on 9 May 2008, adopted by the Commission, with amendments, on 15 April 2010 (2010) 6 [22].  

[19] UNCLOS, Điều 121(3).  

[20] Vụ kiện Biển Đông, [480].  

[21] ibid 480–481.  

[22] Trần H. D. Minh, ‘Giải thích Điều 121(3) UNCLOS trong Vụ kiện Biển Đông: Đánh giá (phản biện) của Stefan Talmon’ <https://iuscogens-vie.org/2017/12/03/49/> truy cập ngày 05 tháng 3 năm 2025.  

[23] Vụ kiện Biển Đông [487].  

[24] ibid [483].  

[25] ibid [489].  

[26] ibid.  

[27] Trần H. D. Minh, ‘Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Giải thích Điều 121(3) về “đảo đá”’ <https://iuscogens-vie.org/2017/07/10/24/> truy cập ngày 05 tháng 3 năm 2025. 

[28] Vụ kiện Biển Đông [490].  

[29] ibid [499].  

[30] ibid [500].  

[31] ibid [502].  

[32] ibid [494].  

[33] ibid [495].  

[34] ibid [407].  

[35] ibid [555].  

[36] ibid [556]. 

[37] ibid [559].  

[38] ibid [562].  

[39] ibid [564].  

[40] ibid [565].  

[41] ibid [568].  

[42] ibid [570].  

[43] Trần H. D. Minh, ‘Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc: Nội dung, tác động và gợi mở cho Việt Nam’ <https://iuscogens-vie.org/2017/03/16/06/> truy cập ngày 06 tháng 3 năm 2025.  

[44] Shannon Tiezzi, ‘Why the South China Sea Arbitration Case Matters, Even If China Ignores It’ The Diplomat (12 July 2016) <https://thediplomat.com/2016/07/why-the-south-china-sea-arbitration-case-matters-even-if-china-ignores-it/> truy cập ngày 03 tháng 3 năm 2025.  

[45] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, ‘Foreign Ministry Spokesperson's Remarks on South China Sea Arbitration’ (5 May 2020) <https://www.mfa.gov.cn/eng/zyxw/gb/202405/t20240531_11367334.html> truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2025.  

[46] Chinese Embassy in Ghana, ‘China's Position on the South China Sea Arbitration’ (12 July 2023) <http://gh.china-embassy.gov.cn/eng/fyrth/202307/t20230712_11112244.htm> truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2025.  


Comments


bottom of page