top of page
icj 1.jpeg

[9] QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA EO BIỂN QUỐC TẾ VÀ VẤN ĐỀ EO BIỂN ĐÀI LOAN

Đã cập nhật: 20 thg 9, 2023

Tác giả: Dương Hải Anh, Dương Duy Khang.


Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng hải thế giới, eo biển quốc tế đã và đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng khi là tuyến giao thông nối liền các quốc gia và châu lục lại với nhau. Trong số các eo biển, eo biển Đài Loan luôn thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi vừa là tuyến đường hàng hải tấp nập liên kết nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, vừa là nơi xảy ra những căng thẳng chính trị giữa nhiều bên. Trước bối cảnh xung đột liên quan đến eo biển Đài Loan ngày một leo thang, có cái nhìn tổng quan về quy chế pháp lý của eo biển nói chung và eo biển Đài Loan nói riêng là cần thiết cho tất cả các bên liên quan.


1. Quy chế pháp lý của eo biển quốc tế

a. Các điều khoản chung theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) đã phát triển Phần III về “Quy chế pháp lý của eo biển dùng cho hàng hải quốc tế”. Tuy vậy, mục “Những điều khoản chung” lại chưa hề đề cập một định nghĩa hay mô tả nào về “eo biển dùng cho hàng hải quốc tế”, mà chỉ nhắc đến phạm vi áp dụng của các quy định này. Điều 34(1) UNCLOS 1982 quy định về “Quy chế pháp lý của vùng nước hình thành eo biển dùng cho hàng hải quốc tế” như sau: “Quy chế của việc qua lại các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế được quy định ở Phần này không ảnh hưởng về bất kỳ phương diện nào đến quy chế pháp lý của các vùng nước hình thành nên eo biển đó, cũng như đến việc thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với những vùng nước đó và vùng trời, vùng đáy biển và vùng lòng đất dưới đáy biển tương ứng của các quốc gia ven eo biển đó.” Hơn nữa, việc thực hiện chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven eo biển quốc tế cần phải tuân theo các quy định của Phần này và cả những quy định khác trong luật quốc tế.[1] Đáng chú ý là, các quy định trong Phần này không được đụng chạm đến: (i) nội thủy thuộc một eo biển, trừ khi việc vạch ra một tuyến đường cơ sở thẳng theo đúng với phương pháp nói ở Điều 7 đã gộp vào trong nội thủy những vùng nước trước đây không được coi là nội thủy; (ii) chế độ pháp lý của các vùng nước nằm ngoài lãnh hải của các quốc gia ven eo biển, dù chúng thuộc vùng quốc tế hay thuộc biển cả.[2] Ngoài ra, một số trường hợp khác cũng được đề cập trong mục về quy chế quá cảnh.


b. Quyền quá cảnh

Điều 37 UNCLOS 1982 quy định về phạm vi áp dụng quyền quá cảnh có đề cập tới eo biển quốc tế. Quy định về eo biển quốc tế đã được thay đổi cơ bản so với quy định tại Công ước Geneva 1958 về Lãnh hải và Tiếp giáp lãnh hải (vốn quy định eo biển quốc tế là phần ‘giữa một bộ phận của biển cả với một bộ phận khác của hoặc vùng biển lãnh hải của một quốc gia khác)[3]: “Mục này được áp dụng đối với các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và giữa một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế.”[4]


Như tên gọi của Phần này, các điều khoản ở đây quy định một quyền khác so với quyền qua lại vô hại - quyền quá cảnh của các quốc gia. Các quy định về quá cảnh có thể xem là giải pháp thỏa hiệp ở giữa hai nhóm quốc gia trong vòng đàm phán UNCLOS thứ III: (i) các cường quốc hàng hải muốn thực hiện quyền tự do hàng hải qua eo biển; (ii) các quốc gia ven eo biển quan tâm đến bảo vệ an ninh và các lợi ích khác trong vùng nước lãnh hải.[5] Thuật ngữ “quá cảnh” được định nghĩa ở Điều 38(1) như sau: “Quá cảnh có nghĩa là việc thực hiện quyền tự do hàng hải và tự do hàng không theo quy định của Phần này với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền về kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, đòi hỏi quá cảnh liên tục và nhanh chóng không ngăn cấm việc đi qua eo biển để đến lãnh thổ của một quốc gia ven eo biển, để rời khỏi hoặc lại đến lãnh thổ đó, theo các điều kiện cho phép đến lãnh thổ của quốc gia đó.” Với quyền quá cảnh, các quốc gia hàng hải được hưởng quyền qua lại rộng hơn so với quyền qua lại không gây hại nhưng hẹp hơn các quyền được hưởng trong biển cả; các quốc gia ven eo biển bị thu hẹp thẩm quyền đối với việc quản lý tàu thuyền được hưởng quy chế quá cảnh so với tàu thuyền dưới quy chế qua lại không gây hại.[6] Đặc biệt, quy chế quá cảnh cho phép sự qua lại của máy bay và có thể là tàu ngầm, với ít giới hạn hơn đối với hành vi qua lại và ít sự kiểm soát hơn của quốc gia ven eo biển.[7] Quá cảnh không thể bị đình chỉ vì an ninh hay vì lý do nào khác [8], đồng thời các quốc gia ven eo biển phải thông báo về nguy hiểm hàng hải và hàng không trên eo biển mà các quốc gia này có sự hiểu biết về.[9]


Tuy nhiên, quy chế quá cảnh sẽ không được áp dụng trong các trường hợp sau: (i) các eo biển mà việc qua lại được điều chỉnh một phần hay toàn bộ bởi công ước quốc tế lâu dài và có hiệu lực đặc biệt đối với các eo biển này;[10] (ii) các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế, nếu như có thể vượt qua eo biển đó bằng một con đường ở biển cả hay một con đường qua một vùng đặc quyền kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn;[11] (iii) các eo biển do lãnh thổ đất liền của một quốc gia và một hòn đảo thuộc quốc gia này tạo thành, khi ở ngoài khơi hòn đảo đó có một con đường đi trên biển cả, hay có một con đường đi qua một vùng đặc quyền về kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn;[12] (iv) các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế nối liền lãnh hải của một quốc gia với một bộ phận của biển cả hay với một vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác.[13]


2. Liệu eo biển Đài Loan có đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý để trở thành eo biển quốc tế?

a. Chế độ pháp lý của eo biển Đài Loan

Dưới góc độ pháp lý, để đánh giá chế độ pháp lý của eo biển Đài Loan, các điều khoản liên quan của UNCLOS 1982 sẽ được viện dẫn. Do các đặc điểm địa lý và chức năng, eo biển Đài Loan là “eo biển dùng cho hàng hải quốc tế”[14], vì vậy được điều chỉnh trực tiếp bởi Phần III của UNCLOS 1982. Tuy nhiên, Điều 34 Phần III UNCLOS 1982 cũng chỉ rõ “Chế độ đi qua các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế mà phần này quy định không ảnh hưởng gì về bất cứ phương diện nào khác đến chế độ pháp lý của vùng nước các eo biển này, cũng như đến việc quốc gia ven eo biển thực hiện chủ quyền hay quyền tài phán của mình ở các vùng nước ấy, ở đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển, cũng như vùng trời trên các vùng nước đó”[15] và bởi thế, việc phân chia các vùng nước trên eo biển, với căn cứ là đường cơ sở, được thực hiện như luật định.


Với đặc điểm rộng 70 đến 220 hải lý, nằm giữa Trung Quốc và Đài Loan, dựa trên UNCLOS 1982, eo biển Đài Loan được tạo thành từ nhiều vùng nước như: nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế.[16] Cụ thể hơn, để xác định vị trí của từng vùng nước, phải tiến hành xác định đường cơ sở của hai phía Đài Loan và Trung Quốc, từ đó xác định các vùng nước theo luật định.


Về đường cơ sở của Trung Quốc, theo công bố, nước này có hai hệ thống đường cơ sở thẳng, một gồm 49 điểm cơ sở dọc theo bờ biển lục địa nước này và đường còn lại gồm 28 điểm nằm ở phía bắc Biển Đông.[17] Trong đó, đáng lưu ý ở điểm mặc dù tuyên bố chủ quyền với Đài Loan, Trung Quốc không công bố bố đường cơ sở đối với thực thể này.[18]


Về phía Đài Loan, mặc dù không phải là thành viên của UNCLOS 1982, Đài Loan tuyên bố tuân thủ theo quy định của văn kiện này để thực thi quyền tài phán trên biển và các vấn đề hàng hải liên quan.[19] Vào ngày 10/3/1999, Đài Loan công bố hệ thống đường cơ sở thẳng bao quanh hầu hết bờ biển của mình.[20]


Xoay quanh góc nhìn của các bên liên quan tới vấn đề này, Trung Quốc, Đài Loan và Hoa Kỳ đưa ra những quan điểm khác nhau. Vào ngày 13/6/2022, khi được hỏi về eo biển Đài Loan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin đã phát biểu như sau: “Trung Quốc có chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan. Đồng thời tôn trọng các quyền hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng biển liên quan. Không có cơ sở pháp lý nào về vùng biển quốc tế (international water) trong luật biển quốc tế. Việc một số quốc gia gọi eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế để kiếm cớ thao túng các vấn đề liên quan đến Đài Loan, đe dọa chủ quyền và an ninh của Trung Quốc là một luận điệu sai lầm.


Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này.”[21] Đáp trả phát ngôn này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Joanne Ou cho rằng Trung Quốc đang ngụy biện và rằng:“Eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và vùng biển bên ngoài lãnh hải của chúng tôi tuân theo nguyên tắc tự do hàng hải của luật pháp quốc tế.[22] Về phía Hoa Kỳ, trong một email gửi cho Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói rằng: “Eo biển Đài Loan là một tuyến đường thủy quốc tế, có nghĩa là eo biển Đài Loan là khu vực mà các quyền tự do trên biển, bao gồm tự do hàng hải và hàng không, được đảm bảo theo luật pháp quốc tế.”[23]


Tuy nhiên, tất cả phát ngôn trên đều không thay đổi bản chất pháp lý rằng eo biển Đài Loan, dựa trên đặc điểm về địa lý và chức năng, là eo biển dùng cho hàng hải quốc tế. Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trên eo biển Đài Loan sẽ khác nhau dựa trên chế độ pháp lý của từng vùng nước. Hơn nữa, do có chiều rộng từ 70 đến 220 hải lý mà vùng lãnh hải của cả hai bên chỉ rộng tối đa 24 hải lý nên eo biển Đài Loan luôn tồn tại một vùng đặc quyền kinh tế ở giữa.


b. Tranh chấp về quyền qua lại của các quốc gia

Tranh chấp trên eo biển Đài Loan không chỉ dừng lại ở câu hỏi liệu Đài Loan có phải “eo biển quốc tế” hay không, mà trọng tâm của vấn đề còn bao gồm quyền quá cảnh và qua lại của tàu thuyền nước ngoài tại eo biển này.[24] Như đã đề cập ở trên, trong khi phía Hoa Kỳ nhấn mạnh các quyền tự do,[25] phía Trung Quốc lại khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển Đài Loan, và tuyên bố tên gọi “vùng nước quốc tế” được gán cho eo biển Đài Loan là không có cơ sở pháp lý.[26] Như vậy, có thể cho rằng mối liên hệ ở đây là liệu có quyền tự do hàng hải và hàng không trên eo biển Đài Loan theo luật quốc tế và liệu nếu có, việc thực hiện các quyền này có xâm phạm đến chủ quyền của Trung Quốc hay không.


Trước tiên, có thể thấy phía Trung Quốc đã đúng ở điểm rằng “không có cơ sở pháp lý dành cho vùng nước quốc tế”[27] khi Phần III UNCLOS 1982 chỉ quy định về “Eo biển dùng cho hoạt động hàng hải quốc tế”. Hơn nữa, việc quy định lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý, cùng với yếu tố địa lý của Đài Loan (dài 245 hải lý, rộng từ 85 đến 105 hải lý),[28] khiến eo biển Đài Loan trở nên gần bờ và là một phần của lãnh hải Trung Quốc (mặc dù không phải toàn bộ).[29] Điều này cũng khiến cho eo biển Đài Loan phân thành nhiều vùng nước khác nhau và tạo ra quy chế pháp lý riêng cho các tuyến đường hàng hải thuộc các vùng nước khác nhau.[30] Mặt khác, quy chế quá cảnh có thể không được áp dụng cho eo biển Đài Loan vì Điều 35(b) Phần III UNCLOS 1982 đã quy định quy chế này không ảnh hưởng đối với “quy chế pháp lý của vùng nước nằm ngoài vùng lãnh hải của quốc gia ven biển như là vùng đặc quyền kinh tế hay vùng biển cả”.[31] Hơn nữa, Điều 36 Phần III UNCLOS 1982 cũng quy định quy chế quá cảnh cũng không được áp dụng “khi qua eo biển đó, có một con đường đi trên biển cả, hay có một con đường đi qua một vùng đặc quyền về kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn”. Với vị trí địa lý của mình, như đã đề cập ở trên, eo biển Đài Loan luôn tạo thành một tuyến đường qua vùng biển cả hay vùng đặc quyền kinh tế,[32] và quy chế quá cảnh chỉ được áp dụng trong vùng lãnh hải của eo biển khi không có “sự thuận tiện” tương tự.[33] Như vậy, có thể hiểu rằng, Điều 35 và Điều 36 UNCLOS 1982 cùng với các quy định ở những Phần khác, kể cả quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, có thể được áp dụng nếu như eo biển Đài Loan không thuộc phạm vi áp dụng của các quy định về eo biển dùng cho hàng hải quốc tế. Theo đó, eo biển Đài Loan có thể được xem là eo biển địa lý với “tuyến đường thủy” (international waterways) rộng hơn 24 hải lý; các quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các quyền hợp pháp khác liên quan có thể được thực hiện ở vùng biển cả, vùng đặc quyền kinh tế và tuyến đường phù hợp cho hàng hải; và quy chế quyền qua lại vô hại sẽ được áp dụng trong vùng nước của eo biển dọc theo bờ biển của Trung Quốc và Đài Loan trong phạm vi 12 hải lý của vùng nước lãnh hải.[34]


Phía Trung Quốc xem việc tàu thuyền Hoa Kỳ, đặc biệt là tàu chiến, là mối đe dọa đến chủ quyền của mình. Theo CGTN, một hãng tin được hỗ trợ bởi chính phủ Trung Quốc, việc tàu chiến của Hoa Kỳ thường xuyên qua lại eo biển Đài Loan gần như một lần mỗi tháng là hành động có ý đồ chính trị nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với lực lượng ủng hộ sự độc lập của Đài Loan.[35] Trên bài viết ở tờ Thời báo hoàn cầu, ông Hu Xijin cho rằng việc Hoa Kỳ cho tàu chiến qua lại thường xuyên như thế là một hành động can thiệp vào quan hệ hai bên bờ và cố gắng làm thay đổi “tình trạng hiện tại” ở Đài Loan.[36] Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Li Huan cũng cho rằng việc Hoa Kỳ không gia nhập UNCLOS 1982 là nhằm mục đích duy trí “bá quyền hàng hải”, một mặt có thể thực hiện các quyền tự do hàng hải và hàng không, mặt khác có thể không chịu ràng buộc bởi các nghĩa vụ yêu cầu bời quốc gia ven biển.[37]


c. Quan điểm của Việt Nam

Về quan điểm, Việt Nam luôn bày tỏ ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” và phản đối các hành động chia rẽ “Đài Loan độc lập”. Thêm vào đó, Việt Nam cũng khẳng định không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Do vậy, Việt Nam không phát triển bất kỳ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan.[38] Đồng thời, xoay quanh vấn đề eo biển, vào ngày 03/8/2022, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “một Trung Quốc” và mong muốn các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.[39]


Tổng hợp lại các phân tích ở trên, có thể thấy rằng các quy định về eo biển dùng cho hàng hải quốc tế là một giải pháp hài hòa lợi ích giữa các quốc gia. Đối với vấn đề eo biển Đài Loan, vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh đối với quy chế của eo biển này cũng như các quyền và nghĩa vụ hợp pháp liên quan của các quốc gia. Việc giải quyết các tranh chấp này cần thông qua đàm phán và thỏa thuận về lợi ích giữa các bên phù hợp với pháp luật quốc tế.


Để trình bày các vấn đề trên, nhóm tác giả đã tham khảo quan điểm từ nhiều nguồn khác nhau tuy nhiên không thể tránh khỏi các sai sót. Nhóm tác giả rất mong nhận được các nhận xét, đóng góp từ thầy/cô và các bạn đọc.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] [15] Điều 34(2) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[2] Điều 35(a)(b) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[3] Điều 16(4) Công ước Geneva 1958 về Lãnh hải và vùng Tiếp giáp lãnh hải.

[4] Điều 37 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[5] Abdul Ghafur Hamid, ‘The legal regimes of straits used for international navigation’ (Institute of Diplomacy and Foreign Relations - IDFR, IDFR Maritime Seminar Series - Straits of Malacca Kuala Lumpur, 10/11/2009)

[6] Nilufer Oral, ‘Straits used for international navigation and protection of the marine environment under the 1982 UN Convention on the law of the sea’ (British Institute of International and Comparative Law International Conference “UNCLOS at 30”)

<https://www.biicl.org/files/6222_oral.pdf> truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2023.

[7] Malcolm N Shaw, International Law 6th Edition, p.577; Điều 38 đến Điều 42 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[8] Malcolm N Shaw, International Law 6th Edition, p.577; Điều 44 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[9] Điều 44 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[10] Điều 35(c) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[11] Điều 36 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[12] Điều 38(1) Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[13] Điều 45 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[14] [18] [37] Li Huan, ‘Legal status of the Taiwan Strait’ (China-US Focus, 28/06/2022)

[16] Tran Dinh Hoanh, ‘China Cannot Hinder International Navigation through Taiwan Strait’ (Pacific Forum, 21/06/2022)

[17] United States Department of State Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs, ‘Straight Baseline Claim: China’ (Limits in the Seas, vol 117).

[19] [30] [31] [33] Zou Keyuan, ‘Redefining the Legal I Status of the Taiwan Strait’

[20] United States Department of State Bureau of Oceans and International Environmental and Scientific Affairs, ‘Taiwan’s maritime claims’ (Limits in the Seas, vol 127).

[21] [26] [27] (Ministry of Foreign Affairs of People Republic of China, ‘Foreign Ministry Spokesperson Wang Wenbin’s Regular Press Conference’ (13/06/2022)

[22] [23] [25] [29] [32] ‘US rebuffs China by calling Taiwan Strait an international waterway’ (Reuters, 15/6/2022)

[24] Lynn Kuok, ‘Narrowing the differences between China and the US over the Taiwan Strait’

(IISS, 13/07/2022)

[28] Zhang Xinjun, ‘International Law and the Passage of Foreign Warships through the

Taiwan Strait’ (SCSPI, 08/11/2021)

[34] Office of the Staff Judge Advocate - U.S. Indo-Pacific Command, International Straits (International Law Studies, Volume 97), p 41.

[35] Kong Qingjiang, ‘Why is the Taiwan Straits not 'international waters'?’ (CGTN,

17/06/2022)

<https://news.cgtn.com/news/2022-06-17/Why-is-the-Taiwan-Straits-not international-waters--1aUCizRo59e/index.html> truy cập ngày 29 tháng 3 năm 2023.

[36] Hu Xijin, ‘China stresses legal status of Taiwan Straits to deter US provocation’

(Global Times, 14/06/2022) <https://www.globaltimes.cn/page/202206/1268098.shtml> truy cập ngày 30 tháng 3 năm 2023.

[38] Báo Điện tử Chính phủ, Toàn Văn Tuyên Bố Chung Việt Nam - Trung Quốc (01/11/2022)

[39] Trần Hiếu, ‘Việt Nam Lên Tiếng Về Tình Hình Eo Biển Đài Loan Hiện Nay’

(vietnamplus, 03/08/2022)

181 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

1 Comment


Ngọc Tâm Nguyễn
Ngọc Tâm Nguyễn
Aug 17, 2023

Bài viết này hay quá

Like
bottom of page