top of page
icj 1.jpeg

[10] QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA THỀM LỤC ĐỊA

Đã cập nhật: 8 thg 6


Tác giả: Phạm Quốc Hào


Trong lịch sử phát triển của Luật biển quốc tế kể từ giữa thế kỷ XX đến nay, vai trò của thềm lục địa với tư cách là một khái niệm khoa học pháp lý quốc tế quan trọng được thể hiện thông qua những quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ngoài lãnh hải, đặc biệt là những lợi ích về thăm dò và khai thác các tài nguyên thiên nhiên, dầu khí, khoáng sản và sinh vật biển. Tuy nhiên, cũng chính về tiềm năng to lớn về kinh tế, chính trị này mà thềm lục địa luôn là trung tâm trong những tranh chấp về khai thác tài nguyên thiên nhiên và phân định biển. Chính vì vậy, bài viết này sẽ tập chung nghiên cứu về khái niệm và quy chế pháp lý của thềm lục địa được quy định bởi UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế khác.


I. Khái niệm thềm lục địa và quy định xác định ranh giới ngoài thềm lục địa

1. Khái niệm pháp lý của thềm lục địa

Trong lịch sử phát triển của Luật biển quốc tế, ý tưởng về quyền tài phán của quốc gia ven biển tại vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải đã nhen nhóm kể từ đầu thế kỉ XIX với việc chính quyền Anh ban hành quy định đối với khai thác ngọc trai tại đáy biển tại thuộc địa Ceylon vào năm 1811 và Venezuela xây dựng luật đối với khai thác tài nguyên tại khu vực lòng đất dưới đáy biển vào năm 1936.[1] Tuy vậy, lịch sử của thuật ngữ pháp lý thềm lục địa chỉ thực sự bước sang chương mới với Tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman vào ngày 28 tháng 9 năm 194, đánh dấu lần đầu tiên một văn kiện pháp lý quy định cụ thể về quyền chủ quyền, quyền tài phán tại thềm lục địa. Theo đó, Tuyên bố này khẳng định: "Chính phủ Hoa Kỳ công nhận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phạm vi thềm lục địa, nằm dưới biển cả và tiếp giáp với bờ biển của Hoa Kỳ, thuộc quyền tài phán và đặt dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ".[2] Trong khoảng thời gian năm năm kể từ Tuyên bố Truman, nhiều quốc gia cũng đưa ra tuyên bố tương tự, khẳng định quyền tài phán tại đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, và tài nguyên tại khu vực này, trong đó tiêu biểu là Tuyên bố của Mexico, Argentina, Ả Rập Xê Út, Philippines, Pakistan và Brazil.[3]


Chính những Tuyên bố đơn phương của hàng loạt quốc gia sau năm 1945 đã góp phần vào sự ra đời của Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958, lần đầu quy định khái niệm và quy chế pháp lý của thềm lục địa.[4]Trong đó, Điều 1 của Công ước này định nghĩa thềm lục địa là “vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển tiếp liền bờ biển nằm bên ngoài lãnh hải, đến độ sâu 200 mét hoặc vượt qua mức đó, đến nơi mà độ sâu của vùng nước phía trên cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên”.[5] Trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Đan Mạch/Đức v. Hà Lan) năm 1969, Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) khẳng định Điều 1 của Geneva về Thềm lục địa năm 1958 là một tập quán quốc tế, và giải thích thêm rằng thềm lục địa "tạo thành sự kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền [của một quốc gia ven biển] dưới đáy biển".[6]


Vào đầu những năm 1970, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cùng với yêu sách mới của quốc gia ven biển liên quan vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đã đặt ra yêu cầu xây dựng một khung pháp lý hiệu quả và chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp trên đại dương. Trên cơ sở đó, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ III về Luật biển đã được triệu tập và diễn ra từ năm 1973 đến năm 1982. Đối với tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến thềm lục địa, những cường quốc hàng hải có triển vọng mở rộng thềm lục địa như Hoa Kỳ, Liên Xô, Argentina, Úc ủng hộ quy định cho phép các quốc gia ven biển mở rộng thềm lục địa ra ngoài 200 hải lý, trong khi các quốc gia còn ủng hộ giới hạn chiều rộng 200 hải lý của thềm lục địa.[7] Đến phiên họp thứ mười của Hội nghị lần thứ ba vào năm 1980, các quốc gia đã đi đến thống nhất về quy định thềm lục địa trong UNCLOS, cho phép quốc gia ven biển có thể mở rộng quyền tài phán thềm lục địa ra bên ngoài 200 hải lý tùy thuộc vào điều kiện cụ thể.[8] Theo đó, Điều 76(1) của Công ước quy định: “Thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải của quốc gia đó, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, hoặc đến cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải 200 hải lý, khi bờ ngoài của rìa lục địa của quốc gia đó ờ khoảng cách gần hơn”.[9] Trong Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia) vào năm 2012, ICJ công nhận định nghĩa trong Điều 76(1) của UNCLOS như một tập quán quốc tế và được áp dụng để xác định ranh giới thềm lục địa.[10]


2. Quy định của UNCLOS về việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa

Đối với vấn đề xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, Điều 76 UNLCOS quy định các quốc gia ven biển có tối thiểu 200 hải lý thềm lục địa “tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải nếu rìa lục địa không mở rộng đến khoảng cách đó”.[11] Nếu ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý thì Điều 76(5) UNCLOS quy định thềm lục địa của quốc gia ven biển“không vượt quá 350 hải lý” tính từ đường cơ sở hoặc “nằm cách đường đẳng sâu 2500m là đường nối liền các điểm có chiều sâu 2500m, một khoảng cách không quá 100 hải lý”.[12] Trong trường hợp này, Điều 76(4) UNCLOS quy định hai phương pháp xác định ranh giới ngoài thềm lục địa đó là: (i) theo bề dày trầm tích và (ii) hoặc vạch một đường bằng các nối các điểm cố định ở cách chân dốc lục địa nhiều nhất không quá 60 hải lý.[13] Đối với phương pháp bề dày trầm tích, ranh giới ngoài thềm lục địa được xác định bằng vạch nối các điểm cố định tận cùng (“outermost fixed point”) mà độ dày ít nhất của lớp đá trầm tích là 1% khoảng cách ngắn nhất từ ​​điểm đó đến chân dốc lục địa (“foot of slope”).[14] Bên cạnh việc xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, phương pháp này cũng được các quốc gia ven biển sử dụng nhằm đánh giá trữ lượng hydrocarbon và tiềm năng khai thác dầu khí.[15] Đối với phương pháp thứ hai, ranh giới ngoài thềm lục địa được xác định bằng một đường vạch bởi các điểm cố định (“fixed point”) cách chân dốc lục địa không quá 60 hải lý. Các điểm cố định tạo thành đường giới hạn ranh giới ngoài thềm lục địa không được vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải hoặc không được vượt quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2500m. Trường hợp không có bằng chừng khác, chân dốc lục địa sẽ được xác định là điểm thay đổi lớn nhất của độ dốc tại đáy biển theo Điều 76(4)(b) UNCLOS[16]. Đối với việc xác lập thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý, Điều 76(8) UNCLOS quy định quốc gia ven biển có nghĩa vụ đệ trình phương pháp xác định ranh giới thềm lục địa lên Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS).[17] Điều này có nghĩa là quốc gia ven biển chỉ được xác lập thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý trên cơ sở khuyến nghị cụ thể của CLCS về ranh giới ngoài thềm lục địa. Theo quy định của Điều 4, Phụ lục II của Công ước, thời hạn để quốc gia ven biển đệ trình là trong vòng 10 năm kể từ ngày 16/11/1994 (ngày UNCLOS chính thức có hiệu lực). Tuy nhiên, căn cứ Đoạn (a) Quyết định SPLOS/72, thời hạn đệ trình này sau đó đã được thay đổi thành 10 năm kể từ ngày 13 tháng 5 năm 2009 với các quốc gia thành viên gia nhập UNCLOS trước ngày 13 tháng 5 năm 1999.[18]

II. Quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển và quốc gia khác tại thềm lục địa

1. Quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển

Trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Đan Mạch/Đức v. Hà Lan) năm 1969, ICJ kết luận quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa và đây là các quyền đương nhiên (“inherent right”), ngay từ đầu không phụ thuộc chiếm hữu thực sự hay danh nghĩa và không cần phải tuyên bố.[19] Trên cơ sở phán quyết trên, UNCLOS đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển từ Điều 77 đến Điều 85 của Công ước, tập trung vào lợi ích kinh tế từ tài nguyên thiên nhiên.[20] Cụ thể, Điều 77 của UNCLOS quy định quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên sinh vật và phi sinh vật tại thềm lục địa, và Điều 246(1) đồng thời ghi nhận thêm quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển trên thềm lục địa.[21] Tuy nhiên, cần phải lưu ý Điều 77(2) của Công ước khẳng định quyền thăm dò hoặc khai thác này của quốc gia ven biển không được “dẫn đến bất kỳ sự can thiệp phi lý nào đối với tự do hàng hải hoặc đánh bắt cá”.[22] Ngoài ra, đặc quyền khai khai thác và thăm dò tài nguyên thiên nhiên của quốc gia ven biển vẫn tồn tại một ngoại lệ. Đó là việc các quốc gia khác có thể thăm dò và khai thác tài nguyên trên cơ sở cho phép và tuân thủ thiết các điều kiện thăm dò và khai thác của quốc gia ven biển. Đối với vấn đề khoan tại thềm lục địa, Điều 81 UNCLOS quy định quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép việc khoan ở thềm lục địa và mọi hoạt động khoan vì bất kỳ mục đích nào của các quốc gia khác đều trái phép nếu không có sự đồng ý của quốc gia ven biển.[23]


Hơn nữa, căn cứ theo Điều 80 và Điều 60 của Công ước, quốc gia ven biển có đặc quyền cho phép và điều chỉnh việc xây dựng đảo nhân đạo, bố trí và vận hành các thiết bị và công trình liên quan đến việc thực hiện các quyền khoáng sản ở thềm lục địa của mình, và bao gồm“quyền tài phán liên quan đến hải quan, tài chính, y tế, và nhập cư”.[24] Ngoài ra, Điều 60(4) và Điều 60(5) đồng thời cho phép quốc gia ven biển thiết lập các vùng an toàn lên tới 500 mét xung quanh các công trình, và trong vùng này, quốc gia ven biển “có thể áp dụng các biện pháp thích hợp để bảo đảm an toàn hàng hải, cũng như an toàn của các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình đó”.[25]


Căn cứ theo Điều 82 của UNCLOS, quốc gia ven biển có nghĩa vụ trả tiền hoặc đóng góp bằng hiện vật đối với các nguồn tài nguyên phi sinh vật trong quá trình khai thác tại thềm lục địa mở rộng ngoài 200 hải lý. Các khoản thanh toán và đóng góp sẽ được thực hiện hàng năm đối với tất cả hoạt động khai thác sau 05 năm đầu tiên.[26] Đối với năm thứ sáu trở đi, tỷ lệ thanh toán hoặc đóng góp là 1% giá trị hoặc khối lượng khai thác tài nguyên và tỷ lệ sẽ tăng 1 phần trăm cho mỗi năm tiếp theo cho đến năm thứ mười hai và sẽ duy trì ổn định ở mức 7% sau đó theo Điều 82(2).[27] Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 82(3), Công ước vẫn cho phép một ngoại lệ đối với nghĩa vụ đóng góp trên:“một quốc gia đang phát triển là nước chuyên nhập khẩu một khoáng sản được khai thác từ thềm lục địa của mình được miễn thực hiện các khoản thanh toán đối với loại tài nguyên khoáng sản đó”.[28]


2. Quyền và nghĩa của quốc gia khác

Bên cạnh những đặc quyền của quốc gia ven biển được đề cập tại Mục 1.2.1, UNCLOS cũng đồng thời đặt ra quy định về quyền và nghĩa cụ của các quốc gia khác tại thềm lục địa. Cụ thể, Điều 79 khẳng định tất quốc gia đều có quyền lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm ở thềm lục địa, miễn là việc lắp đặt này không ảnh hưởng đến quyền tài phán của quốc gia đó đối với việc thăm dò thềm lục địa, khai thác tài nguyên và các hoạt động hợp pháp khác.[29] Ngoài ra, Điều 79(4) cho phép quốc gia ven biển thiết lập các điều kiện đối với lắp đặt dây cáp hoặc đường ống đi vào lãnh thổ hoặc lãnh hải của mình.[30]


Tương tự như vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải, hàng không trong vùng nước phía trên của thềm lục địa. Điều này xuất phát từ việc Điều 78(1) quy định các quyền của quốc gia ven biển đối với thềm lục địa không ảnh hưởng đến “quy chế pháp lý của các vùng nước phía trên hoặc của vùng trời phía trên các vùng nước đó”.[31] Theo đó, nếu quốc gia ven biển không tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế, thì vùng nước phía trên thềm lục địa là biển cả. Trong trường hợp quốc gia ven biển đã thiết lập vùng đặc quyền kinh tế, vùng nước phía trên thềm lục địa ngoài 200 hải lý luôn là biển cả theo UNCLOS. Do đó, tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và đánh bắt cá trong vùng nước phía trên của thềm lục địa và quyền tự do bay qua vùng trời bên trên các vùng nước đó. Ngoài ra, Điều 257 của UNCLOS quy định tất cả các quốc gia đều có quyền tiến hành nghiên cứu khoa học biển trong vùng nước vượt ra ngoài giới hạn của vùng đặc quyền kinh tế “phù hợp với Công ước này”.[32]


III. Kết luận

Như vậy, có thể thấy vai trò của thềm lục địa với tư cách là một khái niệm khoa học pháp lý quốc tế quan trọng được thể hiện thông qua những quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển đối với vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ngoài lãnh hải. Tuy nhiên, cũng chính về tiềm năng to lớn về kinh tế, chính trị này mà thềm lục địa luôn là trung tâm trong những tranh chấp về khai thác tài nguyên thiên nhiên và phân định biển. Để giải quyết những thách thức pháp lý này, các quốc gia ven biển cần phải tăng cường sự cộng tác và phối hợp trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ, tránh làm phức tạp hoá những tranh chấp tại thềm lục địa.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bjarni Már Magnússon , The Continental Shelf Beyond 200 Nautical Miles (1st edn, Brill 2015) tr. 9.

[2] Tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ số 2667, Chính sách của Hoa Kỳ đối với Tài nguyên thiên nhiên của lòng đất và đáy biển của Thềm lục địa (28 tháng 9 năm 1945).

[3] Bjarni Már Magnússon , The Continental Shelf Beyond 200 Nautical Miles (1st edn, Brill 2015) tr. 11.

[4] John P. Rafferty, ‘Continental Shelf | Geology, Marine Biology & Coastal Ecosystems’ (Encyclopedia Britannica, 1998) <https://www.britannica.com/science/continental-shelf> truy cập ngày 29 tháng 05 năm 2023

[5] Công ước Geneva về Thềm lục địa năm 1958, Điều 1.

[6] Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Hà Lan) (Đức v. Đan Mạch) [1969] (Phán quyết) ICJ Report 1969, Đoạn 63.

[7] Robert Krueger , The Background of the Doctrine of the Continental Shelf and the Outer Continental Shelf Lands Act Outer Continental Shelf Lands Act (1970) 10 Natural Resources Journal.

[8] Bjarni Már Magnússon , The Continental Shelf Beyond 200 Nautical Miles (1st edn, Brill 2015) tr. 14.

[9] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76(1).

[10] Vụ tranh chấp lãnh thổ và biển (Nicaragua v. Colombia) [2012] (Phán quyết) ICJ Reports 2012, Đoạn 118.

[11] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76.

[12] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76(5).

[13] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76(4).

[14] Phạm Lan Dung, Giáo Trình Luật Quốc Tế (1st edn, Nhà xuất bản Thế giới 2022) tr. 246.

[15] Yoshifumi Tanaka, The International Law of the Sea (3rd edn, Cambridge University Press 2019) tr. 14.

[16] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76(4)(b).

[17] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 76(8).

[18] Phạm Lan Dung, Giáo Trình Luật Quốc Tế (1st edn, Nhà xuất bản Thế giới 2022) tr. 247.

[19] Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức v. Hà Lan) (Đức v. Đan Mạch) [1969] (Phán quyết) ICJ Report 1969, Đoạn 19.

[20] Gian Pierre Campos Maza, “The Legal Regime of the Continental Shelf and the Establisment of the Outer Limits of the Continental Shelf Beyond the 200 nautical mile” (2012) <https://www.un.org/oceancapacity/sites/www.un.org.oceancapacity/files/campos_1112_peru.pdf> truy cập ngày 01 tháng 06 năm 2023.

[21] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 77 và Điều 246(1).

[22] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 77(2).

[23] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 81.

[24] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 80 và Điều 60.

[25] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 60(4) và Điều 60(5).

[26] Bjarni Már Magnússon, The Continental Shelf Beyond 200 Nautical Miles (1st edn, Brill 2015) tr. 38.

[27] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 82(2).

[28] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 82(3).

[29] Robert Beckman, “Submarine Cables – A Critically Important but Neglected Area of the Law of the Sea” (Centre for International Law National University of Singapore, 2010) <https://cil.nus.edu.sg/wp-content/uploads/2010/01/Bec> truy cập ngày 22 tháng 05 năm 2023.

[30] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 79(4).

[31] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 78(1).

[32] Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Điều 257.



32 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page