top of page
icj 1.jpeg

[7] QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐƯỜNG CƠ SỞ VÀ VẤN ĐỀ ĐƯỜNG CƠ SỞ THẲNG TRONG YÊU SÁCH TỨ SA CỦA TRUNG QUỐC

Đã cập nhật: 13 thg 10, 2023

Tác giả: Nguyễn Khánh Linh, Tăng Bảo Đan


Việc xây dựng đường cơ sở của các quốc gia trên biển là yếu tố quan trọng bậc nhất vì từ đó các vùng biển và quy chế pháp lý của chúng mới được xác định. Mặc dù đã tồn tại ba loại đường cơ sở theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), thực tế vẫn tồn tại những tranh chấp liên quan đến việc xây dựng đường cơ sở, đặc biệt là xác lập đường cơ sở của các thực thể nổi trên biển thuộc các quốc gia lục địa, tiêu biểu không thể không nhắc tới yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc đối với bốn “quần đảo” tại Biển Đông.


1. Quy chế pháp lý về đường cơ sở

Điều 5 của UNCLOS 1982 đưa ra định nghĩa về đường cơ sở thông thường, trong khi Điều 6 và Điều 13 quy định về các trường hợp đặc biệt của đường cơ sở, gắn với các đảo, rặng san hô và bãi cạn lúc nổi lúc chìm. Điều 46 và 47 quy định thêm về đường cơ sở quần đảo áp dụng đối với các quốc gia quần đảo. Đường cơ sở là căn cứ để xác định chiều rộng của lãnh hải, từ đó xác định được hầu hết các vùng biển như nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, biển cả và trong một số trường hợp là thềm lục địa và vùng.[1] Theo đó, đường cơ sở được nối dựa trên các điểm cơ sở (basepoints) được xác định.[2]


a. Đường cơ sở thông thường

Đường cơ sở thông thường được quy định “là đường ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc theo bờ biển như được vạch trên bản đồ có tỷ lệ lớn được quốc gia ven biển công nhận chính thức.”[3] Theo đó, để xác định ngấn nước thủy triều thấp nhất thì các thực tế các quốc gia thường sử dụng hai phương pháp (i) Trung bình nước ròng triều cường (Mean Low-Water Springs), Trung bình của hai triều thấp trong những ngày xảy ra triều cường, và (ii) Thủy triều thiên văn thấp nhất (Lowest Astronomical Tide), Thủy triều thấp nhất dự đoán xảy ra.[4] Và do đường ngấn nước cần được vạch trên bản đồ với tỷ lệ lớn, nên các đặc tính tự nhiên không ổn định sẽ được đơn giản hóa dựa trên những nét chính.[5] Cuối cùng, đường cơ sở thông thường phải được chính quốc gia ven biển đó công nhận một cách chính thức, và không loại trừ khả năng đường cơ sở này có thể bị phản đối bởi các quốc gia không ven biển.[6]


b. Đường cơ sở thẳng

Theo UNCLOS 1982, đường cơ sở thẳng là đường được vẽ dọc theo bờ biển, theo “hướng chung của bờ biển”. Đường cơ sở này được dùng để đo chiều rộng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Đường cơ sở thẳng có thể được vẽ trong những trường hợp cụ thể, khi (i) đường bờ biển khúc khuỷu, lồi lõm; (ii) đường bờ biển có chuỗi đảo chạy dọc và gần bờ, và (iii) đường bờ biển không ổn định do có đồng bằng châu thổ hay các điều kiện tự nhiên khác.[7] Trong những trường hợp như vậy, các quốc gia ven biển sẽ lựa chọn các điểm cơ sở (basepoints) và nối các điểm cơ sở đó lại tạo thành đường cơ sở thẳng theo "những chỗ khúc khuỷu của bờ biển" và không quá dài.[8] UNCLOS 1982 cũng quy định rõ rằng các đường cơ sở thẳng không được vẽ "chênh lệch ở bất kỳ mức độ đáng kể nào so với hướng chung của bờ biển", trừ những trường hợp cụ thể.[9]


Phương pháp đường cơ sở thẳng trong UNCLOS 1982 được pháp điển hóa từ một vụ việc thực tiễn với phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) [10] - Vụ Ngư trường Na Uy năm 1951.[11] Theo đó, với điều kiện tự nhiên là đường bờ biển khúc khuỷu, khoét sâu và lồi lõm, Na Uy đã sáng tạo ra phương pháp đường cơ sở thẳng bằng việc nối những điểm lồi hoặc lõm nhất trên bờ biển và chuỗi đảo chạy dọc bờ biển để tạo nên đường cơ sở.[12] Anh cho rằng phương pháp đường cơ sở do Na Uy xác lập năm 1939 không dựa trên các nguyên tắc và tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế, mà vốn dĩ vẫn chưa tồn tại quy định về đường cơ sở thẳng vào thời điểm bấy giờ.[13] Tuy nhiên, Tòa ICJ công nhận đường cơ sở của Na Uy và cho rằng các quốc gia ven biển có thể linh hoạt trong trường hợp bờ biển có các đặc điểm địa lý khác thường.[14]


Việc sử dụng đường cơ sở thẳng là công cụ cần thiết để các quốc gia ven biển bảo vệ các lợi ích và tài nguyên biển của mình, đặc biệt trong trường hợp đường bờ biển bị thụt vào sâu hoặc có các đảo ven biển.[15] Lưu ý rằng các trường hợp sử dụng các đường cơ sở thẳng có thể được xem xét bởi các tòa án quốc tế, đảm bảo rằng việc vẽ đường cơ sở thẳng này phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.[16]

c. Đường cơ sở quần đảo

Cơ chế xây dựng đường cơ sở quần đảo được áp dụng dành riêng cho các quốc đảo (archipelago state), quy định tại Điều 47 của UNCLOS 1982. Về cơ bản, cách xây dựng đường cơ sở này là nối liền các điểm ngoài cùng xa bờ nhất của các đảo, các thực thể lúc chìm lúc nổi của quốc đảo.[17] Tuy nhiên khi so sánh về mặt bản chất, đường cơ sở quần đảo là một trường hợp phái sinh từ đường cơ sở thẳng dựa trên thực tế các quốc đảo sẽ thỏa mãn điều kiện vẽ đường cơ sở thẳng vì có (i) bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm, (ii) chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, và (iii) bờ biển cực kỳ không ổn định do địa hình châu thổ hay đặc điểm tự nhiên khác.[18]


Thế nhưng một quốc gia không thể tự tiện sử dụng đường cơ sở quần đảo cho quốc gia của mình hay các thực thể xa bờ. Điều đặc biệt cần lưu ý là để áp dụng đường cơ sở này, quốc gia ấy cần phải là một quốc đảo đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 46 của UNCLOS 1982. Đường cơ sở quần đảo tạo ra các vùng biển như nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế,… Những vùng biển này có quy chế pháp lý giống như những vùng biển được tạo ra khi phân định bằng hai loại đường cơ sở thông thường và đường cơ sở thẳng.[19]


2. Phân tích yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc

a. Lập luận của Trung Quốc

Việc Trung Quốc xác lập đường cơ sở quanh bốn “quần đảo” tại Biển Đông đã gây nên nhiều tranh cãi, khi từ các quần đảo này Trung Quốc xác lập các vùng biển của mình theo quy chế pháp lý của UNCLOS 1982.


Về cơ bản, yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc là yêu sách yêu cầu chủ quyền đối với bốn nhóm đảo tại Nam Hải (biển Đông): quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa, Nam Sa (Trường Sa) và các vùng nước xung quanh các quần đảo.[20] Yêu sách này được đưa ra lần đầu vào năm 2017,[21] dần được phát triển và được công bố trong các công hàm của Trung Quốc, tiêu biểu là Công hàm số CML/14/2019 và Công hàm số CML/11/2020 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tuy nhiên trên thực tế “Tứ Sa” chỉ là một cách diễn đàn khác của yêu sách “Đường lưỡi bò” (hay còn có các tên gọi khác là yêu sách đường chữ U, yêu sách đường chín đoạn) - bản yêu sách đã bị phản bác và từ chối thông qua Vụ kiện Biển Đông với Phillipines vào năm 2016. Có thể thấy, ngay sau khi Trung Quốc bị khước từ yêu cầu được công nhận chủ quyền của mình, yêu sách “Tứ Sa” ra đời với lập luận khôn khéo với đối tượng cụ thể là bốn quần đảo và các vùng biển liên quan, nhưng bản chất của yêu sách này vẫn bao quát hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông.[22] Một điểm đặc biệt nữa ở yên sách Tứ Sa là yêu sách này chưa bao giờ được Trung Quốc chính thức tuyên bố mà chỉ xuất hiện qua những công hàm của mình.


Căn cứ pháp lý của Trung Quốc để đưa ra yêu sách này, theo như Công hàm số CML/42/2020 vào ngày 17/4/2020, bao gồm: (i) Trung Quốc đã có thực tiễn lịch sử lâu đời tại đây và được duy trì liên tục bởi chính phủ Trung Quốc, (ii) dựa vào Hiến chương Liên hợp quốc, và (iii) UNCLOS 1982.[23] Song, từ góc độ pháp lý của luật pháp quốc tế đều chứng minh rằng những lập luận và căn cứ của Trung Quốc là phi lý và đang đánh tráo khái niệm đối với vấn đề xác định đảo và các thực thể trên biển.


b. Lập luận phản biện pháp lý của Việt Nam và thế giới

Trước hết, việc Trung Quốc yêu cầu chủ quyền đối với bốn nhóm đảo không dựa trên các chứng cứ lịch sử mang tính thuyết phục. Tại Phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực thành lập theo Phụ lục VII, khi đề cập tới yêu sách đường chữ U, Phán quyết đã chỉ rõ: “Trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong Công ước”.[24] Bên cạnh đó, Tòa cũng nhận thấy các bằng chứng về việc Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước và tài nguyên ở Biển Đông là không rõ ràng, vì có rất nhiều đệ trình từ các quốc gia khác cho thấy rằng những hoạt động đi biển cũng như cư dân của các quốc gia này cũng đã sử dụng các đảo tại Biển Đông.[25] Tòa kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử này đối với các vùng biển phía bên trong “Đường 9 đoạn”.


Thứ hai, các thực thể thuộc bốn nhóm đảo không thỏa mãn các quy định của luật pháp quốc tế để Trung Quốc yêu sách chủ quyền. Phán quyết của Tòa Trọng tài cho rằng, theo Điều 121(3) của UNCLOS 1982 thì “không có thực thể nào thuộc quần đảo Trường Sa đáp ứng điều kiện là đảo.[26] Trung Quốc đồng thời quy định bãi ngầm Trung Sa (Macclesfield) thuộc quần đảo Hoàng Sa, vì vậy Trung Quốc có chủ quyền với Trung Sa. Tuy nhiên, theo UNCLOS 1982 thì các cấu trúc lúc nổi lúc chìm và bãi ngầm không thể được dùng để xác định lãnh hải của riêng nó khi các cấu trúc này có vị trí rất xa so với lãnh hải của lục địa hay đảo.[27] Ngoại lệ duy nhất khi chủ quyền có thể được quy định đối với bãi cạn lúc nổi lúc chìm là khi bãi cạn nằm trong lãnh hải của một đảo, từ đó quốc gia có chủ quyền đối với lãnh hải và đối với bãi cạn nằm trong nó.[28] Bên cạnh đó, các bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các bãi ngầm đã được quy định rõ ràng trong luật pháp quốc tế theo UNCLOS 1982 và các tập quán quốc tế, vì vậy không thể được quy định dựa trên các luật và nguyên tắc của thụ đắc lãnh thổ như Trung Quốc lập luận. Điều này dẫn đến kết luận rằng vẽ phương pháp vẽ đường cơ sở thông thường dựa trên các thực thể riêng lẻ là phương pháp hợp pháp duy nhất có thể áp dụng cho các thực thể ở Biển Đông.[29] Bên cạnh đó, theo phán quyết của Trọng tài về vụ việc tại Biển Đông, khả năng cao là các thực thể này chỉ có thể tạo ra lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) như các tuyên bố của Trung Quốc.[30]


Thứ ba, bằng cách sử dụng đường cơ sở quần đảo, Trung Quốc tiếp tục những yêu sách phi lý đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển, trái ngược với UNCLOS 1982 và các tập quán quốc tế.[31] Với việc vẽ đường cơ sở quần đảo, Trung Quốc cũng đã ngang nhiên tự vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh các đá ở khu vực Hoàng Sa (vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào năm 1996 trong khi nước này không phải là quốc gia quần đảo (theo quy định về đường cơ sở quần đảo được phân tích bên trên). Đường cơ sở quần đảo được thiết lập bởi việc nối các điểm ngoài cùng của các đảo và các rặng san hô khô chỉ dành riêng cho các quốc gia quần đảo,[32] và tất cả các bên tham gia UNCLOS 1982 đã đồng ý với điều đó. Trên thực tế, trong quá trình đàm phán UNCLOS 1982, các quốc gia đã nhất trí loại bỏ việc áp dụng đường cơ sở quần đảo và đường cơ sở thẳng đối với các quần đảo phụ thuộc của các quốc gia lục địa.[33] Trung Quốc nằm trong số các quốc gia đó và sau này thậm chí còn thừa nhận UNCLOS 1982 không điều chỉnh vấn đề về quần đảo xa xôi của các quốc gia lục địa.[34] Do đó, Trung Quốc giờ đây lập luận rằng các quốc gia lục địa đã bảo lưu một cách hiệu quả việc xem xét các quần đảo xa xôi như một đơn vị, và rằng luật tập quán quốc tế cho phép các quốc gia lục địa tạo ra đầy đủ quyền đối với các vùng biển từ các đơn vị quần đảo bên ngoài.[35]


Nhìn chung, “Tứ Sa” là một trong những phép thử của Trung Quốc với thế giới, nhằm tuyên bố tham vọng dài hạn của Trung Quốc là được bành trướng lãnh thổ và quyền lực tại khu vực Biển Đông. Bất kể tên gọi của các yêu sách này là gì, thì các quốc gia ven biển cũng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là với Việt Nam - một quốc gia ven Biển Đông, có đường bờ biển trải dài hàng nghìn km, có nhiều đảo đá thuộc Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, rất quan trọng để Việt Nam và các quốc gia trên thế giới phân tích và phản biện về các tuyên bố pháp lý của Trung Quốc đối với các vùng biển này, nếu các tuyên bố đó đi ngược lại với luật pháp quốc tế và gây phương hại đến sự ổn định khu vực.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật quốc tế (NXB. Thế giới 2021) 238.

[2], [5], [6] United Nations, Office for Ocean Affairs and the Law of the Sea, Baselines: An examination of the Relevant Provisions of the UNCLOS (1989) Chapter 1, Page 3.

[3] Điều 5 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[4] Sam Bateman and Clive Schofield, ‘State practice regarding straight baselines in East Asia – Legal, technical and political issues in a changing environment, paper presented for the international conference on Difficulties in Implementing the Provisions of UNCLOS, Monaco’ (2008) <https://www.iho.int/mtg_docs/com_wg/ABLOS/ABLOS_Conf5/Papers/Session7-Paper1-Bateman.pdf> truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2023.

[7], [8], [9] Điều 7 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[10] Sands, ‘Frameworks, Standards and Implementation – Principles of International Environmental Law’ (1995) Manchester University Press Vol.1.

[11], [12], [13], [14] Fisheries case, Judgement of December 18th, I951 ICJ Reports, 1951, p.116.

[15], [16] Soyer, B., & Tekin, S., ‘Straight Baselines in the Law of the Sea: Concept and Implications’ (2017) 32(4) International Journal of Marine and Coastal Law, p.613-638.

[17] Điều 47(1) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[18] Điều 7(2) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[19] Điều 48, Điều 49 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[20] Bùi Thị Thu Hiền, ‘Quá trình hình thành và phát triển yêu sách “Tứ Sa” của Trung Quốc ở biển Đông nhìn từ góc độ luật pháp quốc tế’ (2022) 7 Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc <https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/349939/CVv180S72022057.pd> truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2023.

[21], [29], [31] Nguyen Thi Lan Anh, ‘The “Four-Sha” Claim: Signalling a Post Covid-19 Global Order’ Maritime Issues (April 29, 2020)

[22] Đại sứ Nguyễn Hồng Thao chia sẻ quan điểm với Tuần Việt Nam, ‘Đường 9 đoạn và yêu sách Tứ Sa của Trung Quốc’ (22/6/2020) <https://vietnamnet.vn/duong-9-doan-va-yeu-sach-tu-sa-cua-trung-quoc-650587.html>, truy cập ngày 14 tháng 3 năm 2023.

[23] Official Letter CML/14/2019 of December 12, 2019 in response to Malaysia's same-day submission to the Continental Shelf Boundary Commission and Official Letter CML/11/2020 of March 23, 2020 of the Delegation of the People's Republic of China to the United Nations to the Secretary-General of the United Nations, <https://www.un.org/Depts/los/clcs_new/submissions_files/mys85_2019/CML_14_2019_E.pdf>; xem thêm: Nguyen Thi Lan Anh, ‘The “Four-Sha” Claim: Signalling a Post Covid-19 Global Order’ Maritime Issues (April 29, 2020).

[24], [25], [26] South China Sea Arbitration, ‘An Arbitral Tribunal Constituted under Annex VII to the 1982 UNCLOS’ (12 July 2016) Registry PCA.

[27] Điều 13 Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[28] Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua v. Colombia), Judgment, ICJ Reports 2012, p. 624.

[30], [34], [35] Chinese Society of International Law, ‘The South China Sea Arbitration Awards: A Critical Study’ (2018) 17 Chinese Journal of International Law, 207.

[32] Điều 47 và Điều 46(a) Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

[33] Ashley Roach, ‘Offshore Archipelagoes enclosed by Straight Baselines: An Accessive Claim?’ (2018) 49(2) ODIL p.176 - 178.



469 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page