top of page
icj 1.jpeg

[8] QUYỀN QUA LẠI KHÔNG GÂY HẠI CỦA TÀU CHIẾN NƯỚC NGOÀI TRONG LÃNH HẢI

Đã cập nhật: 20 thg 9, 2023

Tác giả: Phạm Quốc Hào, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi


Vào những năm đầu của thế kỷ 17, quan hệ sản xuất tư bản ngày càng phát triển, cùng với sự phát hiện những lục địa mới đã giúp cho sản xuất thương nghiệp về biển dần được thúc đẩy. Tuy nhiên, cũng từ đây mà những mâu thuẫn xung quanh các nguyên tắc về tự do biển cả trở nên gay gắt hơn, dẫn đến sự thiết lập các quy chế lãnh hải cũng như quy chế biển cả. Để thuận tiện cho thương mại, các quốc gia đã thỏa hiệp rằng những quyền qua lại trên biển cần được bảo vệ trong vùng lãnh hải. Chính vì vậy, khái niệm về qua lại không gây hại đã ra đời và sau đó hình thành nên một phần của chế độ lãnh hải, và được ghi nhận trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).[1]


Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, có nhiều vấn đề liên quan tới quyền qua lại không gây hại, đặc biệt là quyền qua lại không gây hại của tàu chiến nước ngoài. Bài viết này sẽ giải đáp các quy định của UNCLOS 1982 về quyền qua lại không gây hại và đưa ra một số thực tiễn áp dụng của quốc gia về quyền qua lại không gây hại của tàu chiến nước ngoài.


I. Tổng quan về sự ra đời và phát triển quyền qua lại không gây hại trong Luật Biển Quốc tế

Lịch sử phát triển của quyền qua lại không gây hại gắn liền với sự phát triển của các lý thuyết về nguyên tắc tự do biển cả. Mãi cho đến những năm đầu thế kỷ 17, quyền qua lại không gây hại mới trở thành một chủ đề được tranh luận nhiều do bị ảnh hưởng trực tiếp bởi nguyên tắc “Tự do Biển cả" (Mare Liberum), được đề cập tới trong cuốn sách cùng tên của Hugo Grotius năm 1609. Grotius cho rằng biển nên được để mở để các quốc gia được tự do đi lại và giao thương, với lập luận rằng Chúa tạo ra ánh nắng, không khí, sóng vì mục đích chung mà không dành riêng cho bất kỳ quốc gia nào.[2] Tuy nhiên, quan điểm này của Grotius nhanh chóng bị phản đối bởi những người ủng hộ lý thuyết “Biển Đóng” (Mare Clausum), tiêu biểu là hai học giả người Anh Scotsman William Wellwood và John Selden. Cuộc tranh luận tiếp diễn cho tới đầu thế kỷ thứ 18, với sự phát triển của công nghệ đã đe dọa tới an ninh của quốc gia. Trong một cuốn sách được viết bằng Tiếng Ý xuất bản vào năm 1782, nhà kinh tế học Ferdinando Galiani đã đề xuất lãnh hải sẽ có chiều dài cố định là ba dặm, vì ông cho rằng đây là giới hạn tối đa mà pháo binh có thể đạt tới vào thời điểm đó. Ngay sau đó, quyền qua lại không gây hại của tàu nước ngoài trong vùng lãnh hải cũng đã được ghi nhận.[3]


Vào đầu thế kỷ 20, khi luật biển đã đạt được mức độ ổn định với một số quy tắc tập quán quy định việc công nhận hai vùng biển riêng biệt: lãnh hải và biển cả trong Công ước Geneva 1958 về Luật Biển. Theo đó, trong lãnh hải, các quốc gia ven biển thực hiện chủ quyền, và có nghĩa vụ công nhận quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài.[4] Hội nghị Lahay 1893 đã đưa ra giải pháp cho những vấn đề xung quanh các quy định lúc bấy giờ, trong đó có quy định về quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài, bao gồm cả tàu chiến trong lãnh hải của một quốc gia.[5] Tại Hội nghị, rất nhiều quốc gia đã bày tỏ sự không hài lòng của mình đối với Điều 16 Công ước Geneva 1958, khi Điều này cho phép tất cả các loại tàu nước ngoài được quyền qua lại không gây hại qua vùng lãnh hải của một quốc gia mà không tính đến trường hợp tàu chiến.[6] Tuy nhiên, cho đến khi UNCLOS 1982 ra đời, Công ước này cũng không tạo ra nhiều thay đổi đối với Điều khoản trên, nhưng đã bổ sung thêm các Điều khoản khác để làm rõ hơn những quy định liên quan tới tàu chiến.[7]


II. Quyền qua lại không gây hại của tàu chiến trong Luật Quốc tế

1. Thuật ngữ “tàu chiến”, “qua lại”, “qua lại không gây hại” và “lãnh hải”

“Tàu chiến” hay có thể gọi là tàu quân sự (warship) được định nghĩa tại Điều 29 của UNCLOS 1982. Theo đó, tàu chiến hay tàu quân sự là “mọi loại tàu thuyền thuộc lực lượng vũ trang của một quốc gia và mang dấu hiệu bên ngoài đặc trưng của các tàu thuyền quân sự thuộc quốc tịch nước đó; do một sĩ quan hải quân phục vụ quốc gia đó chỉ huy, người chỉ huy này có tên trong danh sách các sĩ quan hay trong một tài liệu tương đương và đoàn thủy thủ phải tuân theo các điều lệnh kỷ luật quân sự.”[8] Từ định nghĩa này, ta có thể hiểu rằng tất cả các tàu thuyền thuộc biên chế của quân chủng Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển mới được coi là tàu chiến theo quy chế hoạt động đã được quy định tại Điều 30 và Điều 31 của UNCLOS 1982. Điều 18(1) của UNCLOS 1982 cũng đưa ra định nghĩa về “qua lại” là “đi ở trong lãnh hải” với một trong hai mục đích sau: (i) Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy, không đậu lại trong một vũng tàu hoặc một công trình cảng ở bên ngoài nội thủy; hoặc (ii) Đi vào hoặc rời khỏi nội thủy, hoặc đậu lại hay rời khỏi một vũng tàu hay một công trình cảng trong nội thủy.[9]


Theo quy định tại Điều 18(2) của UNCLOS 1982, để được coi là qua lại không gây hại hay quyền qua lại vô hại (innocent passage), cần thỏa mãn hai điều kiện: (i) qua lại nhanh chóng, liên tục, và (ii) phải không ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự và an ninh của quốc gia ven biển.[10] Như vậy, việc qua lại không gây hại phải được thực hiện theo đúng với các quy định của UNCLOS 1982 và các quy tắc khác của luật pháp quốc tế. Điều khoản này cũng đưa ra ba trường hợp ngoại lệ mà tàu có thể dừng lại, đó là: (i) sự cố thông thường về hàng hải, (ii) vì lý do bất khả kháng mà bị mắc nạn, hoặc (iii) vì mục đích cứu người hoặc phương tiện tàu thuyền, phương tiện bay gặp nạn.[11]


Điều 3 của UNCLOS 1982 quy định: “Mọi quốc gia đều có quyền ấn định chiều rộng lãnh hải của mình; chiều rộng này không vượt quá 12 hải lý kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước.”[12] Điều 2 của UNCLOS 1982 cho phép quốc gia ven biển có chủ quyền đối với lãnh hải, bao gồm cả vùng nước, vùng trời phía trên và vùng đáy biển, lòng đất dưới đáy biển. Với những quy định về quyền qua lại không gây hại và quyền miễn trừ của tàu chiến, chủ quyền của quốc gia ven biển là không tuyệt đối trong khu vực này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là quốc gia không có bất kỳ thẩm quyền nào liên quan tới hai quyền này.[13]


2. Quyền qua lại không gây hại của tàu chiến trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)

Quyền qua lại không gây hại được ghi nhận tại Điều 17 của UNCLOS 1982, trong đó quy định “với điều kiện phải chấp hành Công ước, tàu thuyền của tất cả các quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải”.[14] Tuy nhiên, UNCLOS 1982 không có điều khoản nào quy định cụ thể về quyền qua lại không gây hại của tàu chiến mà chỉ đặt ra nghĩa vụ đối với tàu ngầm và phương tiện đi ngầm trong lãnh hải tại Điều 20: “Ở trong lãnh hải, tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác buộc phải đi nổi và phải treo cờ quốc tịch.” và tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất vốn nguy hiểm hoặc độc hại tại Điều 23: “Các tàu thuyền nước ngoài có động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng như các tàu thuyền chuyên chở các chất phóng xạ hay các chất khác vốn nguy hiểm hay độc hại, khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải, buộc phải mang đầy đủ các tài liệu và áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt theo quy định của các điều ước quốc tế đối với loại tàu thuyền đó.”[15] Sự thiếu vắng quy định trực tiếp về quyền qua lại không gây hại của tàu chiến đã dẫn đến nhiều quan điểm khác nhau của các quốc gia khi áp dụng và giải thích UNCLOS 1982.


Quan điểm đầu tiên được ủng hộ bởi Hoa Kỳ và các cường quốc hàng hải như Đức, Hà Lan, khẳng định tàu chiến được hưởng quyền qua lại không gây hại như mọi loại tàu khác trong lãnh hải mà không phải xin phép hay thông báo trước các quốc gia ven biển.[16] Cách tiếp cận này trước hết dựa trên cơ sở Điều 17 được đặt dưới phần tiêu đề Tiểu Mục A, Mục 3 của UNCLOS 1982 về “qua lại không gây hại trong lãnh hải” trong đó nhấn mạnh “các quy tắc áp dụng cho tất cả các loại tàu thuyền”.[17] Điều này cùng với việc UNCLOS 1982 không có điều khoản quy định tàu chiến nước ngoài phải xin phép hay thông báo trước cho các quốc gia ven biển trong lãnh hải, phần nào đó khẳng định quyền qua lại không gây hại được áp dụng cho tàu chiến, tương tự như mọi loại tàu thuyền khác.


Bên cạnh đó, trong Vụ Kênh Corfu (Anh v. Albania), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đã làm sáng tỏ nguyên tắc quyền qua lại không gây hại qua eo biển quốc tế. Tòa cho rằng các quốc gia trong thời bình có quyền gửi tàu chiến của mình qua lại eo biển được sử dụng cho hàng hải quốc tế mà không phải báo trước và quốc gia ven biển không được cản trở quyền này nếu việc qua lại eo biển quốc tế không làm ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, chủ quyền, các quyền tài phán khác của các quốc gia ven biển.[18] Mặc dù phán quyết của Tòa ICJ trong Vụ Kênh Corfu có trước UNCLOS 1982 và eo biển Corfu là một eo biển chồng lấn với lãnh hải Albania, song quan điểm của Tòa trong trường hợp này là cũng là căn cứ pháp lý quan trọng ủng hộ quyền qua lại không gây hại của tàu chiến trong lãnh hải.[19]


Trên thực tế, bằng chứng về thực tiễn chung đối với việc thực thi quyền qua lại không gây hại của tàu chiến cũng có thể được phản ánh qua sự cố va chạm trên Biển Đen, khi tàu tuần dương USS Yorktown và tàu khu trục USS Caron của Hải quân Hoa Kỳ đã đi vào lãnh hải của Liên Xô và va chạm với hai tàu chiến của nước này.[20] Vào năm 1989, hai cường quốc hàng hải Hoa Kỳ và Liên Xô đã đưa ra tuyên bố chung về “giải thích thống nhất các quy tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quyền qua lại không gây hại”, trong đó khẳng định “tất cả các tàu, kể cả tàu chiến, bất kể chở hàng hóa, vũ khí, đều được hưởng quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải theo luật pháp quốc tế mà không cần phải thông báo trước hay xin phép”.[21]


Quan điểm thứ hai được ủng hộ bởi hơn 40 quốc gia, tiêu biểu là Trung Quốc và Ấn Độ, cho rẳng quốc gia ven biển có quyền yêu cầu tàu chiến nước ngoài phải thông báo hoặc xin phép trước khi vào lãnh hải của quốc gia đó.[22] Các quốc gia ủng hộ quan điểm trên viện dẫn Điều 21(1) của UNCLOS 1982 về “Các luật và quy định của quốc gia ven biển liên quan đến việc qua lại không gây hại”, trong đó cho phép “các quốc gia ven biển có thể định ra, phù hợp với các quy định của Công ước và các quy tắc khác của pháp luật quốc tế, các luật và quy định liên quan đến việc qua lại không gây hại ở trong lãnh hải của mình”.[23] Ngoài ra, Điều 25(3) của UNCLOS 1982 cũng cho phép các “quốc gia ven biển có thể tạm thời đình chỉ việc thực hiện quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài tại các khu vực nhất định trong lãnh hải của mình, nếu biện pháp này là cần thiết để bảo đảm an ninh của mình”.[24]


Do đó, nhóm các quốc gia ủng hộ quan điểm thứ hai cho rằng việc quốc gia ven biển yêu cầu tàu chiến nước ngoài phải xin phép hoặc thông báo trước là biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia và phù hợp với UNCLOS 1982 bởi Công ước này không cấm những yêu cầu trên. Hơn nữa, cần phải lưu ý Điều 38 về “quyền quá cảnh” và Điều 53 về “quyền qua lại vùng nước quần đảo” đều sử dụng thuật ngữ “tất cả các tàu”, trong khi Điều 17 về “quyền qua lại không gây hại” sử dụng thuật ngữ “tàu”.[25] Nhóm quốc gia ủng hộ quan điểm thứ hai cho rằng điều này có thể ngầm định tàu chiến không nằm trong Điều 17 và từ đó không thể hưởng quyền qua lại không gây hại như các loại tàu khác.


III. Quyền qua lại không gây hại của tàu chiến theo quy định của pháp luật Việt Nam

Nghị định 30/CP năm 1980 về “Quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hoà xã hôi chủ nghĩa Việt Nam” đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam đặt ra quy định đối với tàu chiến nước ngoài đi vào lãnh hải. Theo đó, tại Điểm c, Điều 3 quy định “tàu thuyền quân sự (bao gồm cả tàu chiến và tàu bổ trợ) muốn vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam phải xin phép Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (qua đường ngoại giao) ít nhất ba mươi ngày trước, và sau khi được phép vào, phải thông báo cho các nhà đương cục quân sự Việt Nam (qua Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) bốn mươi tám giờ trước khi bắt đầu đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải Việt Nam”.[26] Tiếp đó, tại Khoản 2 Điều 6 của Nghị định số 55 của Chính phủ ban hành năm 1996 về “hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định: “việc xin phép vào thăm của tàu quân sự (trừ tàu thăm chính thức) thực hiện qua đường ngoại giao chậm nhất là 30 ngày trước ngày dự kiến tàu vào cảng (trừ khi có thủ tục khác đã được quy định trong Hiệp định hoặc thoả thuận giữa hai Chính phủ).”[27] Như vậy, tính đến thời điểm trước khi Luật Biển Việt Nam năm 2012 có hiệu lực, Việt Nam vẫn yêu cầu tàu chiến của quốc gia khác khi đi vào lãnh hải phải thông báo, xin phép trước.[28] Những quy định có thể xuất phát từ việc sức mạnh hải quân của Việt Nam ở thời điểm đó còn hạn chế và chưa thể kiểm soát các tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải, đặc biệt là tàu chiến tàu chiến.[29]


Tuy nhiên, khi Luật Biển Việt Nam năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, quy chế pháp lý đối với tàu chiến nước ngoài đã có sự thay đổi. Theo đó, tại Khoản 2, Điều 12 của Luật này quy định “Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải Việt Nam, thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.”[30] Điều này có nghĩa là quy định về việc tàu chiến nước ngoài phải xin phép trước Chính phủ Việt Nam và thông báo Bộ Giao thông vận tải sau khi được cho phép tại Nghị định 30/CP năm 1980 đã bị huỷ bỏ và tàu quân sự nước ngoài chỉ cần thông báo trước cho Việt Nam khi thực thi quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải.[31]


Quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền nước ngoài không phải là một đề tài mới. Có thể thấy, quyền qua lại không gây hại trong lãnh hải là một quyền quan trọng trong việc thúc đẩy tự do thương mại giữa các quốc gia. Song, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, vấn đề về quyền qua lại của tàu chiến vẫn là mối lo ngại đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Theo sự phát triển của lịch sử, mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về quyền qua lại không gây hại của tàu chiến khi tiến vào vùng lãnh hải của mình. Do đó, các quốc gia cần có quy định nội luật rõ ràng, minh bạch để tránh những hiểu lầm và xung đột trong tương lai.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] [22] [29] Nguyễn Bá Diến, Nguyễn Hùng Cường, ‘Quyền đi qua không gây hại của tàu quân sự nước ngoài trong lãnh hải theo quy định của pháp luật quốc tế và Việt Nam’ (2012) 28 Tạp chí Luật học 8

[2] U.S. Naval War College Digital Commons, ‘U.S. Naval War College Research’ <https://digital-commons.usnwc.edu/> truy cập 15 tháng 03 năm 2023.

[3] Donald Rothwell, Alex Oude Elferink, Karen Scott, Tim Stephens,, De’ doveri dei principi neutrali verso i principi guerreggianti e di questi verso i Neutrali, (Oxford University Press 2017).

[4] [6] [7] Donald Rothwell, Alex Oude Elferink, Karen Scott, Tim Stephens, The Oxford Handbook of the Law of the Sea (Oxford University Press) (2017) Oxford University Press

[5] International institute for Law of the Sea Studies, ‘The Hague Conference for the Codification of International Law (1930)’ (2021) <http://iilss.net/the-hague-conference-for-the-codification-of-international-law-1930/> truy cập ngày 15 tháng 03 2023.

[8] Điều 29 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[9] Điều 18(1) Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[10] [13] [28] [31] Trần Hữu Duy Minh, ‘UNCLOS: Lãnh Hải (Territorial Sea)’ (Luật pháp Quốc tế, 2017), <https://iuscogens-vie.org/2017/04/19/17/> truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2023.

[11] Điều 18(2) Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[12] ‘Lãnh hải là gì? Chiều rộng của lãnh hải? Chế độ pháp lý của lãnh hải?’ (Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau, 2014) <https://www.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=gioithieu.chitiet&urile=wcm%3Apath%3A/camaulibrary/camauofsite/gioithieu/chuyende/biendaoquehuong/tulieuvanban/fdgty346346> truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2023.

[14] Điều 17 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[15] Điều 20 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[16] [19] Tôn Anh Đức, ‘Innocent Passage of Warships, Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy’ (2016) Asia-Pacific Journal of Ocean Law and Policy

[17] Tiểu Mục A, Mục 3 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[18] Corfu Channel Case (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland v. Albania), Judgement of April 9th, I949 ICJ Reports, 1949 <https://www.icj-cij.org/sites/default/files/case-related/1/001-19490409-JUD-01-00-EN.pdf> truy cập ngày 14 tháng 03 năm 2023.

[20] John Broder, 2 Soviet Vessels Bump U.S. Navy Warships in Black Sea (1988) Los Angeles Times

[21] Kari Hakapää, ‘Innocent Passage’ (2013) Oxford Public International Law. <https://www.ilsa.org/Jessup/Jessup18/Second%20Batch/OPIL_Innocent_Passage.pdf> truy cập ngày 14 tháng 03 năm 2023.

[23] Điều 21(1) Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[24] Điều 25(3) Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[25] Điều 25 Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

[26] Điểm c, Điều 3 Nghị định số 30/CP 1980 về quy chế cho tàu thuyền nước ngoài hoạt động trên các vùng biển của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[27] Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 55/CP 1996 về hoạt động của tàu quân sự nước ngoài vào thăm Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[30] Khoản 2 Điều 12 Luật Biển Việt Nam 2012.



355 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page