top of page
icj 1.jpeg

[14] SƠ LƯỢC CHẾ ĐỘ PHÁP LÝ CỦA KHOẢNG KHÔNG VŨ TRỤ

Đã cập nhật: 20 thg 9, 2023

Tác giả: Dương Hải Anh, Tăng Bảo Đan


Kể từ nửa sau của thế kỷ 20, với sự phát triển của khoa học công nghệ, loài người chúng ta đã bắt đầu quá trình khám phá khoảng không vũ trụ. Bước sang thế kỷ 21, thế giới chứng kiến nhiều thách thức, xu hướng mới trong vũ trụ, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới du lịch vũ trụ, vệ tinh và biến đổi khí hậu.[1] Trong bối cảnh như vậy, các quốc gia trên thế giới đã tiến hành xây dựng nhiều văn kiện pháp lý cùng với một số tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh những hoạt động diễn ra trong khoảng không vũ trụ. Để tiếp nối chủ đề về Luật vũ trụ quốc tế, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả bài viết “Sơ lược chế độ pháp lý của khoảng không vũ trụ”. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ đi tới cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để người đọc có cái nhìn tổng quan về chế độ pháp lý của khoảng không vũ trụ.


1. Định nghĩa về khoảng không vũ trụ và vấn đề phân định

a. Tổng quan định nghĩa về khoảng không vũ trụ và vấn đề phân định

Thông thường, chúng ta hiểu khoảng không vũ trụ là không gian nằm ngoài bầu khí quyển trái đất, nơi có sự xuất hiện của các hành tinh, vệ tinh và phương tiện không gian. Thế nhưng, một điểm thú vị là dưới góc độ Luật pháp quốc tế thì câu chuyện không đơn giản như vậy.


Nhìn chung, đa số các chuyên gia cho rằng khoảng không vũ trụ bắt đầu tại điểm mà động lực học quỹ đạo trở nên quan trọng hơn khí động lực học, hoặc từ điểm mà khí quyển không đủ để hỗ trợ một phương tiện bay ở tốc độ dưới quỹ đạo (suborbital speeds).[2] Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, con người vẫn chưa thể đưa ra một định nghĩa, phân định rõ ràng, thống nhất và mang tính pháp lý về khoảng không vũ trụ. Cụ thể hơn, con người vẫn chưa thống nhất được ranh giới giữa khoảng không vũ trụ và bầu khí quyển. Sự chưa rõ ràng này thể hiện qua nhiều định nghĩa khác nhau về khoảng không vũ trụ. Điển hình theo Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA), khoảng không vũ trụ là phần nằm ngoài giới hạn của khí quyển trái đất.[3] Cũng liên quan tới vấn đề này, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lại cho rằng: “Không gian khí quyển kết thúc ở đâu và khoảng không vũ trụ bắt đầu ở đâu? Đây không phải chỉ là một vấn đề thống kê”.[4] Tính đến nay, chưa có một sự phân định pháp lý chính thức về “khoảng không vũ trụ” trên toàn thế giới, mặc dù ngày càng có nhiều quy tắc và hiệp ước điều chỉnh các hoạt động ở khu vực này.


Do chưa có sự phân định thống nhất mang tính pháp lý, hiện nay xuất hiện nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Các quan điểm về phân định điểm bắt đầu của khoảng không vũ trụ đều dựa trên các mức chiều cao so với mực nước biển khác nhau. Hiện nay, có năm mốc chiều cao thường được tham khảo để xác định ranh giới vũ trụ: 80 km, 100 km, 118 km, 122 km và 129-150 km.[5] Trong các cách phân định, cách phổ biến nhất được sử dụng là đường Karman - đường có độ cao 100km so với mặt nước biển được Liên đoàn Thể thao hàng không Thế giới (FAI) đưa ra.[6] Trong số các quốc gia trên thế giới, Đan Mạch đã tuyên bố rõ rằng đường Karman là ranh giới giữa khí quyển của nước này và khoảng không vũ trụ vào năm 2016.[7]


b. Tầm quan trọng của vấn đề phân định khoảng không vũ trụ

“Không gian của một quốc gia dừng lại ở đâu và khoảng không vũ trụ bắt đầu ở đâu?” đó là câu hỏi của Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian. Ông cho rằng “một khi có sự thống nhất về ranh giới của khoảng không vũ trụ, thế giới sẽ có sự thống nhất về ranh giới áp dụng luật vũ trụ” [8]. Một số bên khác cũng cho rằng việc có một ranh giới là cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh gia các quốc gia gia tăng số lượng các chương trình vũ trụ và các chủ thể tư nhân tăng cường tham gia vào hoạt động vũ trụ khiến cho lưu lượng giao tăng đáng kể.[9] Tuy nhiên, Hoa Kỳ và một số quốc gia khác đã phản đối việc phân định vũ trụ quốc tế. Những nước này cho rằng điều đó là không cần thiết và “không có vấn đề pháp lý hoặc thực tế nào phát sinh khi không có định nghĩa như vậy”.[10]


Tóm lại, vấn đề phân định khoảng không vũ trụ là một vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau, cả về độ cao ranh giới, cả về tầm quan trọng.


2. Cơ chế pháp lý của khoảng không vũ trụ

a. Nguồn luật

Khoảng không vũ trụ được điều chỉnh bởi điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, các nguyên tắc pháp luật chung và các nguồn bổ trợ khác. Nổi bật trong số đó là năm hiệp ước, năm bộ quy tắc của Liên hợp quốc được xây dựng bởi các quốc gia trên thế giới cùng với tập quán quốc tế.[12][13] Bên cạnh đó, luật mềm cũng là một công cụ phổ biến điều chỉnh vấn đề này.[14] Dưới đây, một số ví dụ về nguồn luật cơ bản được đề cập.


Vào ngày 04/07/1957, vệ tinh Sputnik 1 của Liên Xô đã được phóng qua độ cao 200km so với lãnh thổ của các quốc gia khác, sau đó đi vào vũ trụ và bay vòng quanh Trái Đất. Việc Liên Xô phóng vệ tinh vào vũ trụ không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào từ các quốc gia trên thế giới. Điều này đánh dấu cho sự ra đời của Luật vũ trụ quốc tế với quy định: mỗi quốc gia có quyền phóng vệ tinh dân sự lên quỹ đạo gần Trái Đất mà không cần xin phép các quốc gia liên quan.[15]


Thời gian sau đó xuất hiện một loạt các hiệp ước, bộ nguyên tắc mà bắt đầu là Hiệp ước Thượng tầng Không gian (1967) - “Bản Hiến chương” của vũ trụ.[16] Tiếp nối đó là hàng loạt các điều ước, bộ nguyên tắc cũng được coi là nền tảng: Hiệp ước về Cứu hộ nhà du hành vũ trụ, Trao trả nhà du hành vũ trụ và các vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ (1968), Công ước về Trách nhiệm bồi thường Thiệt hại (1972), Công ước về Đăng ký Vật thể được phóng vào khoảng không vũ trụ (1975), Hiệp ước Mặt trăng (1979), Tuyên bố về Nguyên tắc pháp lý, Nguyên tắc phát sóng, Nguyên tắc cảm biến từ xa, Nguyên tắc nguồn năng lượng hạt nhân, Tuyên bố về lợi ích.[17] Ngoài ra, Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, ngoài vũ trụ và dưới nước (1963) và Công ước Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cũng được coi là quan trọng trong hệ thống pháp lý vũ trụ.[18]


b. Các điều khoản cơ bản của Luật vũ trụ

Có thể nói, các điều khoản cơ bản của Luật vũ trụ quốc tế đã được xây dựng dựa trên những hiệp ước và nguyên tắc kể trên. Các điều khoản này mang ý nghĩa quan trọng và đóng vai trò như một bộ khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trên vũ trụ. Nội dung của của những điều khoản bao gồm[19]:


Thứ nhất, các hoạt động trên vũ trụ phải được thực hiện vì lợi ích của toàn nhân loại.[20] Điều 1 Hiệp ước Thượng tầng Không gian (1967) nêu rõ khoảng không vũ trụ phải được sử dụng “vì lợi ích của tất cả các quốc gia, bất kể mức độ phát triển kinh tế hoặc khoa học của họ”.


Thứ hai, khoảng không vũ trụ phải được tự do khám phá và sử dụng bởi toàn nhân loại.[21] Điều 1 Hiệp ước Thượng tầng Không gian (1967) nêu rõ khoảng không vũ trụ cần được “tự do thăm dò và sử dụng bởi tất cả các quốc gia mà không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào, trên cơ sở bình đẳng, phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ có quyền tự do tiếp cận tất cả các khu vực của các thiên thể”, “tự do nghiên cứu khoa học trong khoảng không vũ trụ, bao gồm cả Mặt trăng và các thiên thể khác, và các Quốc gia sẽ tạo điều kiện và khuyến khích hợp tác quốc tế trong cuộc điều tra đó”.


Thứ ba, các quốc gia không được chiếm hữu khoảng không vũ trụ và các thiên thể bằng yêu sách chủ quyền, hoặc bằng cách sử dụng hoặc chiếm đóng, hoặc bằng bất kỳ phương tiện nào khác.[22]


Về bản chất, ba nguyên tắc trên đều dựa trên res communis, nghĩa là khoảng không vũ trụ là lãnh thổ thuộc sở hữu chung của nhân loại. Bởi thế, cần phải hiểu rõ đây không phải là lãnh thổ vô chủ (res nullius) nên các quốc gia cũng không thể tự tuyên bố chủ quyền ở bất kỳ khu vực nào trong khoảng không vũ trụ.[23]


Thứ tư, mặt Trăng và các thiên thể khác chỉ được sử dụng cho mục đích hòa bình.[24]


Thứ năm, các quốc gia không được đặt vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác trong quỹ đạo hoặc trên các thiên thể hoặc đặt chúng trong khoảng không vũ trụ theo bất kỳ cách nào khác.[25]


Thứ sáu, nhà du hành vũ trụ sẽ được coi là sứ giả của nhân loại và cần được cung cấp mọi sự giúp đỡ có thể trong trường hợp tai nạn, khó khăn hoặc hạ cánh khẩn cấp trên lãnh thổ của một nước khác hoặc trên biển.[26] Cần lưu ý rằng về vấn đề này, Hiệp ước về cứu hộ (1968) cũng góp phần bổ sung, giải thích Điều 5 và Điều 8 Hiệp ước Thượng tầng Không gian (1967). Tổng quan lại, các nước cần thực hiện mọi nỗ lực có thể để cứu hộ và giúp đỡ các phi hành gia gặp nạn và sau đó nhanh chóng trả lại cho nước phóng. Hơn nữa, các nước cần hỗ trợ cho nhau trong việc khôi phục các vật thể vũ trụ trở lại trái đất khi điểm hạ cánh nằm bên ngoài lãnh thổ của nước phóng.[27]


Thứ bảy, các quốc gia chịu trách nhiệm về toàn bộ các hoạt động liên quan đến khoảng không vũ trụ, dù được thực hiện bởi các cơ quan chính phủ hay phi chính phủ. Đồng thời, yêu cầu sự cho phép và giám sát liên tục của quốc gia đối với các tổ chức trong nước khi thực hiện các hoạt động trong khoảng không vũ trụ. Trong trường hợp các hoạt động được tiến hành bởi các tổ chức liên chính phủ, trách nhiệm tuân thủ Hiệp ước này thuộc về tổ chức đó và các quốc gia thành viên.[28]


Thứ tám, các quốc gia sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ của họ gây ra và các quốc gia phải tránh gây ô nhiễm có hại cho vũ trụ và các thiên thể.[29] Cần lưu ý rằng về vấn đề này, Công ước về Trách nhiệm bồi thường Thiệt hại (1972) cũng góp phần bổ sung, giải thích thêm Điều 7 Hiệp ước Thượng tầng Không gian (1967). Tổng quan lại, nước phóng sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các vật thể vũ trụ của nước đó gây ra trên bề mặt Trái đất hoặc đối với máy bay và chịu trách nhiệm về thiệt hại do lỗi của nước đó trong vũ trụ.[30]


Cũng cần lưu ý rằng, đôi khi các điều khoản kể trên cũng thuộc quy định của tập quán. Khác với các hiệp ước, chỉ ràng buộc các bên tham gia ký kết, tập quán tạo ra các quy phạm erga omnes, ràng buộc toàn bộ các thực thể tham gia vào các quan hệ trong vũ trụ. Do vậy, tuy có những bên không ký kết hiệp ước về khoảng không vũ trụ nhưng vẫn bị ràng buộc và được hưởng quyền lợi từ một số điều khoản nhất định.[31]


Ngoài ra, trong vấn đề vũ trụ, trước những thách thức mới, việc thông qua các văn bản luật mềm dần trở thành phương pháp chính để phát triển và củng cố các nguyên tắc quốc tế.[32] Tuy không tạo ra nghĩa vụ ràng buộc cho các chủ thể, luật mềm là công cụ hữu hiệu hướng dẫn các hoạt động vũ trụ và đồng thời cho các chủ thể sự tự do, linh hoạt nhất định.[33] Thực tế, luật mềm có vai trò quan trọng khi:(i) hướng dẫn về cách giải thích và thực hiện các điều khoản hiệp ước hiện có;(ii) đại diện cho sự khởi đầu của một quá trình dẫn đến một hiệp ước quốc tế;(iii) đóng góp vào việc hình thành luật tục;(iv) tuyên bố các quy tắc chưa được viết ra hiện có.[34] Một ví dụ về văn kiện luật mềm hiện hành là Khung an toàn về Công nghệ và Điều kiện Kỹ thuật (STSC) do Ủy ban Vũ trụ Liên hợp quốc (UNCOPUOS) và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phát triển.


c. Thực trạng và thách thức pháp lý

Thực tế hiện nay, cùng với sự phát triển của con người, một số vấn đề mới liên quan đến Luật vũ trụ có thể kể đến như sự tham gia ngày càng tăng của các chủ thể tư nhân trong khoảng không ngoài trái đất, du lịch vũ trụ, thu gom rác thải vũ trụ, bảo vệ tài nguyên vũ trụ hay vấn đề sử dụng vũ khí trong vũ trụ.[35] Do được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh khi chỉ có ít chủ thể tham gia vào hoạt động hàng không vũ trụ, hệ thống luật hiện tại cần thiết có sự bổ sung, cập nhật các điều khoản. Về vấn đề này, Liên hợp quốc cũng gần đây đã công nhận nhu cầu cập nhật Luật vũ trụ sau hơn 50 năm không cập nhật.[36]


Ngày 15/11/2021, chỉ hai tuần sau khi Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức công nhận vai trò then chốt của vũ trụ và các tài sản vũ trụ trong các nỗ lực quốc tế để cải thiện cuộc sống con người và những rủi ro hoạt động quân sự trong vũ trụ đối với những mục tiêu đó, Nga đã tạo ra một đám mây rác khổng lồ đe dọa nhiều tài sản vũ trụ, bao gồm cả các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).[37] Cụ thể hơn, Nga đã phá hủy một trong những vệ tinh cũ của chính mình bằng một quả tên lửa được phóng từ mặt đất từ đó tạo ra đám mây rác thải rất lớn. Không chỉ dừng lại ở đó, một ví dụ cũng điển hình không kém là hàng loạt vụ mất kiểm soát đối với vật thể không gian của Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại.[38] Những điều kể trên ngày càng dấy lên sự quan ngại về hiệu quả của Luật vũ trụ quốc tế.


3. Kết luận

Chế độ pháp lý của khoảng không vũ trụ là vấn đề được điều chỉnh bởi Luật vũ trụ với nguồn chính là các hiệp ước, bộ nguyên tắc khoảng không vũ trụ cộng với tập quán và được bổ sung bởi các nguồn luật mềm. Điểm cơ bản trong vấn đề pháp lý liên quan đến khoảng không vũ trụ là tám điều khoản cơ bản đóng vai trò như bộ khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội trên vũ trụ. Cũng chính từ nền tảng này, Luật vũ trụ ngày càng phát triển, góp phần không nhỏ vào những thành tựu không gian của con người.


Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các quan hệ xã hội trên vũ trụ diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp. Điều này đòi hỏi các quốc gia tích cực hợp tác quốc tế trong việc xây dựng hệ thống pháp lý điều chỉnh kịp thời và hiệu quả việc khám phá và sử dụng khoảng không vũ trụ.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Kostenko and Inesa, ‘ Current Problems and Challenges in International Space Law: Legal Aspects.’ (Current Problems and Challenges in International Space Law: Legal Aspects., 2020) <https://www.researchgate.net/publication/341306594_Current_Problems_and_Challenges_in_International_Space_Law_Legal_Aspects> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[2], [8], [9], [10] Nadia Drake, ‘Where, Exactly, Is the Edge of Space? It Depends on Who You Ask.’ (National Geographic, 20 December 2018) <https://www.nationalgeographic.com/science/article/where-is-the-edge-of-space-and-what-is-the-karman-line> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[3] NASA, ‘Aerospace Science & Technology Dictionary’ (NASA) <https://www.hq.nasa.gov/office/hqlibrary/aerospacedictionary/508/s.html> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[4] OECD, ‘OECD Handbook on Measuring the Space Economy’ (OECD, 2012) <https://read.oecd-ilibrary.org/economics/oecd-handbook-on-measuring-the-space-economy/definitions-and-industrial-classifications_9789264169166-3-en#page1> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[5], [6] Bhavya Lal and Emily Nightingale, ‘Where Is Space? And Why Does That Matter? ’ (EMBRY-RIDDLE Aeronautical University, 2014) <https://commons.erau.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1062&context=stm> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[7] ESPI, ‘Delimitation of Outer Space’ (2017) (European Space Policy Institute) <https://www.espi.or.at/briefs/delimitation-of-outer-space/> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[11] Statute of the International Court of Justice, Article 38.

[12], [17] UNOOSA, ‘Space Law ’ (UNITED NATIONS Office for Outer Space Affairs) <https://www.unoosa.org/oosa/en/ourwork/spacelaw/index.html> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[13], [18] Jakhu, Ram S. and Freeland, Steven and Chen, David Kuan-Wei, The Sources of International Space Law: Revisited (March 17, 2021) <https://ssrn.com/abstract=3806175 or http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3806175> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[14] Georgetown University Law Library, ‘Space Law: The Law of Outer Space’ (Georgetown) <https://guides.ll.georgetown.edu/spacelaw?ssp=1&darkschemeovr=1&setlang=vi-VN&safesearch=moderate> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[15] International and National Provisions of Space Law Regulating the Use of Outer Space

[16] He Qizhi, ‘The Outer Space Treaty in Perspective’ Volume 25, Number 2, page 93 Journal Of Space Law (1997).

[19] Oleksandr Kobzar1, ‘International and National Provisions of Space Law Regulating the Use of Outer Space’ (ResearchGate, 1 March 2019) <https://www.researchgate.net/publication/335596138_International_and_National_Provisions_of_Space_Law_Regulating_the_Use_of_Outer_Space> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[20], [21] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article I.

[22] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article II.

[23] John Hickman, ‘Still crazy after four decades: The case for withdrawing from the 1967 Outer Space Treaty’ (2007) <https://www.thespacereview.com/article/960/1> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[24], [25] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article IV.

[26] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article V.

[27] ‘Agreement on the Rescue of Astronauts, the Return of Astronauts and the Return of Objects Launched into Outer Space’ (UNITED NATIONS Office for Outer Space Affairs) <https://www.unoosa.org/oosa/en/ourwork/spacelaw/treaties/introrescueagreement.html> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[28] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article VI.

[29] Treaty on Principles Governing the Activities of States in the Exploration and Use of Outer Space, including the Moon and Other Celestial Bodies, Article VII.

[30] ‘Agreement on the Rescue of Astronauts, the Return of Astronauts and the Return of Objects Launched into Outer Space’ (UNITED NATIONS Office for Outer Space Affairs) <https://www.unoosa.org/oosa/en/ourwork/spacelaw/treaties/introrescueagreement.html> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[31] Ram S. Jakhu and McGill, ‘The Relationship Between the Outer Space Treaty and Customary International Law’ (SSRN, 2016). <https://www.researchgate.net/publication/334035756_The_Relationship_Between_the_Outer_Space_Treaty_and_Customary_International_Law> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[32], [33], [34] Christian Brünner, Alexander Soucek, Christian Brünner, Alexander Soucek (Outer Space in Society, Politics and Law, 2011). <http://library.lol/main/F7443BF99E0359A945DADB24D6CBF156> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[35], [37] Michelle L.D. Hanlon and Greg Autry, ‘The Rules of Space Haven’t Been Updated in 50 Years, and the UN Says It’s Time’ (CNN, 3 January 2022) <https://edition.cnn.com/2022/01/03/world/space-law-united-nations-partner-scn/index.html> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[36] Michele Hanlon and Greg Autry, ‘Space Law Hasn’t Been Changed since 1967 – but the UN Aims to Update Laws and Keep Space Peaceful’ (The Brooklyn Daily Eagle, 24 November 2021), <https://archive.ph/SWNNu#selection-8567.0-8567.24> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.

[38] Amy Thompson, ‘As China makes space strides, debris problem gains urgency’ (aljazeera, 2022) <https://www.aljazeera.com/economy/2021/5/17/as-china-makes-space-strides-debris-problem-gains-urgency> truy cập ngày 15 tháng 06 năm 2023.


133 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page