top of page
icj 1.jpeg

[18] TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) VÀ CÁC HIỆP ĐỊNH CƠ BẢN

Đã cập nhật: 10 thg 10, 2023

Tác giả: Lương Vũ Khánh Ly, Lê Nhật Quỳnh

Thương mại từ lâu đã là một khía cạnh quan trọng của nhân loại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trao đổi văn hóa và quan hệ địa chính trị. Trong thời kỳ hiện đại, thương mại toàn cầu đã mở rộng, kết nối các quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa lẫn dịch vụ. Nhằm đảm bảo tính ổn định và công bằng giữa bối cảnh thương mại quốc tế phát triển mạnh, Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization - WTO) đã được ra đời. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ giới thiệu tổng quan cho các độc giả về Tổ chức Thương mại Thế giới cùng với các hiệp định cơ bản của cơ quan này.


I. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

1. Lịch sử hình thành Tổ chức Thương mại Thế giới

Sau Thế chiến II, các nước phát triển, dẫn đầu là Hoa Kỳ, đã tìm kiếm một hệ thống thương mại cởi mở, không phân biệt đối xử để cải thiện sự ổn định kinh tế và hòa bình. Từ năm 1948, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) được ra đời với 23 thành viên sáng lập, đóng vai trò là khung pháp lý của hệ thống thương mại quốc tế. Các thành viên này cũng đã cùng một số quốc gia khác tham gia Hội nghị về thương mại và việc làm và dự thảo Hiến chương La Havana để thành lập Tổ chức Thương mại Quốc tế (International Trade Organization - ITO) với tư cách là chuyên môn của Liên Hợp Quốc.[1] ITO được thành lập để giải quyết các rào cản thương mại, tuy nhiên việc thành lập tổ chức này không thành do vấp phải phản đối từ một vài quốc gia, tiêu biểu trong số đó là Hoa Kỳ.[2] Do đó Hiệp định GATT là hiệp định quốc tế nhiều bên duy nhất điều chỉnh quan hệ thương mại hàng hóa trên phạm vi toàn cầu từ năm 1948 cho đến khi WTO ra đời vào năm 1995.[3]


Tổ chức Thương Mại thế giới được thành lập vào ngày 01/01/1995. Tổ chức này thành lập theo các kết quả đạt được tại vòng đàm phán thương mại đa phương Uruguay. Đây cũng là vòng đàm phán cuối cùng trong một loạt các cuộc đàm phán thương mại định kỳ được tổ chức dưới sự bảo trợ của tiền thân của WTO - GATT. [4]


2. Nhiệm vụ và chức năng

Để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là một cơ quan quản lý thương mại toàn cầu, WTO đã đặt ra những nhiệm vụ cũng như chức năng của mình trong các vấn đề liên quan đến thương mại thế giới.


Về mục tiêu, WTO đặt ra 03 mục tiêu lớn, [5] bao gồm:

(1) Nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo đầy đủ việc làm;

(2) Mở rộng sản xuất, thương mại hàng hóa và dịch vụ;

(3) Sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên thế giới với mục đích phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.


Về chức năng, WTO có 05 chức năng chính, [6] bao gồm:

(1) Giám sát, hỗ trợ và thống nhất việc thực hiện và thỏa thuận thương mại đa phương và nhiều bên;

(2) Thiết lập khuôn khổ thể chế để tiến hành các vòng đàm phán thương mại đa phương trong khuôn khổ WTO;

(3) Giải quyết tranh chấp giữa các thành viên liên quan đến việc thực hiện và giải thích Hiệp định WTO và các hiệp định thương mại đa phương nhiều bên;

(4) Bảo đảm và kiểm điểm việc thực hiện mục tiêu và tuân thủ quy định của WTO;

(5) Hợp tác với các tổ chức kinh tế quốc tế khác như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) trong việc hoạch định chính sách và dự báo về những xu hướng phát triển tương lai của kinh tế toàn cầu.


3. Số lượng thành viên

Tính đến thời điểm hiện tại, WTO có tổng cộng 164 thành viên, chiếm 98% nền thương mại toàn cầu. Thành viên của tổ chức này là các quốc gia và các vùng lãnh thổ tự trị về quan hệ ngoại thương (Liên minh châu Âu - EU, Hong Kong, Macao).


4. Cơ cấu tổ chức

Về cơ cấu tổ chức, WTO bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng, Đại hội đồng, Ban Thư ký, các Hội đồng và các Ủy ban. [7]


Trong bộ máy tổ chức, Hội nghị Bộ trưởng là cơ quan quyền lực cao nhất của WTO, bao gồm các đại diện của tất cả các thành viên thuộc tổ chức này. Hội nghị được họp định kỳ 02 năm một lần nhằm đưa ra các quyết định và thực hiện chức năng của WTO. [8]


Đại hội đồng là cơ quan thường trực, cơ quan chấp hành của WTO và bao gồm đại diện tất cả Thành viên của tổ chức. Đại hội đồng họp giữa hai kì Hội nghị Bộ trưởng và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Hội nghị Bộ trưởng trong khoảng thời gian đó. [9] Đồng thời, Đại hội đồng sẽ thực hiện một số chức năng như: đưa ra sự sắp xếp phù hợp để hợp tác hiệu quả với các tổ chức quốc tế liên chính phủ hoặc phi chính phủ; [10] thực hiện chức năng của Cơ quan giải quyết tranh chấp (Dispute Settlement Body) và Cơ quan rà soát chính sách thương mại (Trade Policy Review Mechanism).


Ban Thư ký là cơ quan phụ trách việc hành chính của WTO. Ban Thư ký gồm khoảng 620 nhân viên và được điều hành bởi Tổng giám đốc. Hoạt động chính của Ban Thư ký bao gồm: Hỗ trợ các cơ quan của WTO; hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho các nước đang phát triển và kém phát triển; hỗ trợ các hoạt động giải quyết tranh chấp và đàm phán gia nhập WTO; thống kê và đưa ra phân tích về tình hình, chính sách và triển vọng của thương mại quốc tế. [11]


Cuối cùng là các Hội đồng thương mại và các Ủy ban chuyên trách. Ba Hội đồng về Thương mại hàng hóa (Hội đồng GATT), về Thương mại dịch vụ (Hội đồng GATS) và về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hội đồng TRIPS). Ba Hội đồng này đều bao gồm đại diện của tất cả Thành viên WTO với nhiệm vụ chính là giám sát việc thực thi các Hiệp định liên quan. [12]


5. Quá trình thông qua quyết định trong WTO

Thủ tục và quy trình ra quyết định của WTO được quy định cụ thể tại Điều IX và X của Hiệp định Marrakesh. Theo thông lệ của GATT, WTO sẽ áp dụng nguyên tắc đồng thuận, tức là một quyết định sẽ được thông qua khi mà không có bất kì Thành viên nào phản đối. [13]

Tuy nhiên, trong các trường hợp sau quyết định của WTO được thông qua theo các cơ chế bỏ phiếu đặc biệt (không áp dụng nguyên tắc đồng thuận):

(1) Giải thích các điều khoản của các Hiệp định: Được thông qua nếu có 3/4 số phiếu ủng hộ; [14]

(2) Dừng tạm thời nghĩa vụ WTO cho một thành viên: Được thông qua nếu có 3/4 số phiếu ủng hộ; [15]

(3) Sửa đổi các Hiệp định (trừ việc sửa đổi các điều khoản về quy chế tối huệ quốc trong GATT, GATS và TRIPS): Được thông qua nếu có 2/3 số phiếu ủng hộ. [16]


II. Các Hiệp định cơ bản của WTO

Ba trụ cột chính của WTO gồm có: Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1994); Hiệp định về thương mại dịch vụ (GATS 2001); Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS 1994).


1. Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994

a. Giới thiệu chung về Hiệp định

Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại năm 1994 (the General Agreement on Tariffs and Trade 1994), hay còn được gọi là GATT 1994, là văn kiện được WTO lập ra để điều chỉnh trọng tâm khía cạnh thương mại hàng hóa. Lịch sử ra đời của GATT 1994 có mối liên hệ với Hiệp định chung ban đầu về Thuế quan và Thương mại (GATT 1947). Theo đó, tiền thân của WTO - GATT 1947 cung cấp các quy tắc cơ bản của hệ thống thương mại đa phương từ năm 1948 cho đến khi WTO được thành lập vào năm 1995. Cũng trong thời gian này, GATT 1947 chấm dứt hiệu lực, thay vào đó là sự ra đời của GATT 1994. Theo Hiệp định Marrakesh, GATT 1994 là một văn kiện hoàn toàn khác biệt về mặt pháp lý với GATT 1947, [17] tuy nhiên hai văn kiện này có mối liên hệ rất lớn, đặc biệt là về nội dung.


b. Nội dung chính của Hiệp định

Về cấu trúc, GATT 1994 gồm: i) các quy định trong GATT 1947; ii) các quy định của các văn kiện pháp lý có hiệu lực trước khi WTO ra đời, là kết quả của các vòng đàm phán trước Vòng Uruguay; iii) các thỏa thuận liên quan đến việc giải thích một số điều của GATT 1994; và iv) Nghị định thư Marrakesh về GATT 1994.


Về nội dung, nội dung cơ bản của GATT 1994 liên quan đến i) thuế quan; ii) các rào cản phi thuế quan; iii) các biện pháp phòng vệ thương mại.


(i) Thuế quan

Theo quy định của GATT 1994, mỗi thành viên của WTO phải đưa ra các ràng buộc thuế quan. Đây là mức thuế suất trần được ghi trong biểu cam kết thuế quan đối với từng mặt hàng mà mỗi thành viên không được tăng thuế trở lại. [18] Các thành viên của WTO, về nguyên tắc, chỉ có thể bảo hộ sản xuất trong nước bằng thuế quan.


(ii) Các rào cản phi thuế quan

Các rào cản phi thuế quan là “các biện pháp của chính phủ ngoài thuế quan làm hạn chế luồng thương mại, chẳng hạn các chế định lượng, cấp phép nhập khẩu các thỏa thuận hạn chế tự nguyện…”.[19] Trong GATT 1994, các rào cản phi thuế quan được điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau, như hạn ngạch; cấp pháp nhập khẩu; kiểm định hàng hóa trước khi xếp hàng; xác định trị giá tính thuế; các biện pháp kỹ thuật và vệ sinh dịch tễ; thiếu minh bạch; áp dụng các biện pháp thương mại một cách không công bằng và tùy tiện; thủ tục hải quan; quy tắc xuất xứ; mua sắm chính phủ…[20]


(iii) Các biện pháp phòng vệ thương mại

Theo Điều VI và XIX của GATT 1994, thành viên WTO có thể áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tồn tại dưới ba hình thức: biện pháp chống phá giá, biện pháp chống trợ cấp và biện pháp tự vệ.[21] Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại được quy định chi tiết hơn ở ba hiệp định là Hiệp định Chống bán phá giá (ADA), Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng (SCM) và Hiệp định Tự vệ (ASM).


2. Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS)

a. Giới thiệu chung về Hiệp định

Hiệp định chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) là một trong những hiệp định quan trọng nhất của WTO. Hiệp định có hiệu lực vào năm 1995, là bộ quy tắc đa phương đầu tiên và duy nhất bao trùm thương mại dịch vụ quốc tế. Hiệp định đặt ra khuôn khổ mà trong đó các công ty và cá nhân có thể hoạt động. Mục tiêu của Hiệp định được thể hiện ở một số điểm: (1) thiết lập một hệ thống các quy tắc có tính tin cậy để điều chỉnh thương mại dịch vụ; (2) đảm bảo cho tất cả các Thành viên WTO được đối xử bình đẳng và công bằng khi tham gia vào thương mại dịch vụ: (3) thúc đẩy các hoạt động kinh tế nhờ vào các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ; (4) thúc đẩy thương mại và phát triển nhờ vào quá trình tự do hóa từng bước dịch vụ.[22]


b. Nội dung chính của Hiệp định

Về nghĩa vụ chung, các nghĩa vụ này được thể hiện qua Phần II của GATS với 14 điều khoản. Cụ thể, các nghĩa vụ này bao gồm: Nguyên tắc MFN (Điều II), Minh bạch (Điều III) và tiết lộ thông tin bí mật (Điều IIIbis), Tăng cường sự tham gia của các nước đang phát triển (Điều IV), Hội nhập kinh tế (Điều V), Quy định trong nước (Điều VI) và công nhận (Điều VII), Độc quyền và các nhà cung cấp dịch vụ độc quyền (Điều VIII), Thanh toán và chuyển khoản (Điều XI), Mua sắm chính phủ (Điều XIII), Tự về và trợ cấp (Điều X và XV), Tự vệ và trợ cấp (Điều X và XV), Các trường hợp ngoại lệ (Điều XIV và XV).


Về các cam kết riêng, GATS có quy định về mở cửa thị trường (Điều XVI), đãi ngộ quốc dân (Điều XVII) và các cam kết bổ sung (Điều XVIII). Theo đó, mỗi Thành viên WTO sẽ có một Biểu cam kết riêng về dịch vụ. Ngoài ra, các Thành viên WTO chỉ có nghĩa vụ mở cửa thị trường, dành đãi ngộ quốc dân cho dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đối với những dịch vụ thuộc ngành đã được đưa vào trong Biểu cam kết.[23]


3. Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPS)

a. Giới thiệu chung về Hiệp định

Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPS) được thiết lập với ý nghĩa là một phần của Những Thoả thuận Thương mại Đa phương trong vòng Đàm phán Uruguay trong khuôn khổ Thỏa thuận chung về Thuế quan và Thương mại (GATT).[24] Hiệp định TRIPS là Phụ lục 1C của Thỏa thuận Marrakesh. Hiệp định có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các Thành viên WTO và có hiệu lực vào năm 1995. Hiệp định là một trong những trụ cột quan trọng nhất của WTO và bảo hộ sở hữu trí tuệ, là phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại đa phương của WTO.[25]


b. Nội dung chính của Hiệp định

Hiệp định TRIPS bao gồm những nội dung chính sau đây: (i) tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được; (ii) quy định về kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ; (iii) quy định chi tiết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ; (iv) quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ.[26]


(i) Tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được

Các tiêu chuẩn liên quan đến khả năng đạt được (Standards Concerning The Availability) áp dụng đối với 07 đối tượng của sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế (bao gồm giống cây trồng), thiết kế bố trí mạch tích hợp và thông tin bí mật.


(ii) Quy định về kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ

Quy định về kiểm soát thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ được tập trung thể hiện qua các Điều 8(2), Điều 31(k) và Điều 40 của Hiệp định.[27] Hiệp định cho phép các Thành viên WTO tự do xử lý những hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, các nước thành viên có quyền xử lý những hoạt động đó; định nghĩa hoạt động chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và điều kiện hoặc hoạt động chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ; thiết lập và xác định nội dung của pháp luật cạnh tranh nhằm khống chế hoặc ngăn chặn những hoạt động trên.[28] Ngoài ra, các biện pháp khống chế hoặc ngăn chặn những thực tế chống cạnh tranh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ phải “phù hợp với các quy định khác của Hiệp định”, phải “thích hợp với luật pháp của các quốc gia” và “cần thiết”.


(iii) Quy định chi tiết về thực thi quyền sở hữu trí tuệ

Theo Hiệp định TRIPS, các quốc gia Thành viên của WTO phải quy định các thủ tục thực thi hiệu quả chống lại hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được đề cập trong Hiệp định. Ngoài ra, các thủ tục thực thi phải được áp dụng theo cách thức nhằm tránh tạo ra những rào cản cho hoạt động thương mại hợp pháp và phải “đúng đắn, công bằng, không phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết, không bao gồm những thời hạn bất hợp lý hoặc những trì hoãn không có lý do chính đáng”.[29] Bên cạnh nguyên tắc chung, Hiệp định TRIPS còn có các quy định về các chế tài, thủ tục dân sự và hành chính; các biện pháp tạm thời, kiểm soát biên giới và hình sự.


(iv) Quy định về giải quyết tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ

Quy định về giải quyết tranh chấp trong Hiệp định TRIPS được dựa theo Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Theo đó, Hiệp định TRIPS viện dẫn Điều XXII và Điều XXIII của GATT 1994 để áp dụng đối với thương lượng và giải quyết tranh chấp theo Hiệp định TRIPS và những tranh chấp “phi bạo lực”.[30]


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] VNExpress, ‘WTO - lịch sử hình thành và phát triển’, https://vnexpress.net/wto-lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-2748477.html, truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.

[2] World Trade Organization, ‘The GATT years: from Havana to Marrakesh’, https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/tif_e/fact4_e.htm, truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.

[3] Bộ Tư pháp, Đặc san Tuyên truyền pháp luật, Số 06/2010

[4] World Trade Organization, ‘History of the multilateral trading system’, https://www.wto.org/english/thewto_e/history_e/history_e.htm, truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.

[5] Hiệp định Thành lập WTO, Lời nói đầu.

[6] World Trade Organization, ‘What we do’, https://www.wto.org/english/thewto_e/whatis_e/what_we_do_e.htm, truy cập ngày 14 tháng 08 năm 2023.

[7] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 105.

[8] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 107.

[9] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 108.

[10] Hiệp định Marrakesh, Điều V.

[11] World Trade Organization, ‘Overview of the WTO Secretariat’, https://www.wto.org/english/thewto_e/secre_e/intro_e.htm, truy cập ngày 15 tháng 08 năm 2023.

[12] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 109.

[13] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 110.

[14] Hiệp định Marrakesh, Điều IX.2.

[15] Hiệp định Marrakesh, Điều IX.3.

[16] Hiệp định Marrakesh, Điều X.3.

[17] August R, Mayer D, Bixby M, ‘International business law: text, cases, and readings’ (2009), Tái bản lần thứ 5, NXB Pearson, tr. 347.

[18] Hiệp định GATT 1994, Điều II.

[19] Walter Goode, ‘Dictionary of Trade Policy Terms’ (2007), Cambridge University Press, tr. 182.

[20] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 91.

[21] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 94.

[22] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 98.

[23] Học viện Ngoại giao (2020), Giáo trình Luật Kinh tế Quốc tế, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 102.

[24] [25] Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, ‘Tổng quan về Hiệp định TRIPS’, https://thanhtra.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/4/225/tong-quan-ve-hiep-dinh-trips.aspx, truy cập ngày 15 tháng 08 năm 2023.

[26] [27] [28] Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, ‘Nội dung chính của Hiệp định Trips’, https://thanhtra.most.gov.vn/thanhtra/tin-tuc/4/235/noi-dung-chinh-cua-hiep-dinh-trips.aspx, truy cập ngày 15 tháng 08 năm 2023.

[29] Hiệp định TRIPS, Điều 41.

[30] Hiệp định TRIPS, Điều 64.



254 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page