top of page
icj 1.jpeg

[1] TỔNG QUAN VỀ NGUỒN CỦA LUẬT QUỐC TẾ


Tác giả: Phạm Quốc Hào, Dương Duy Khang


Trong hệ thống pháp luật quốc tế, việc xác định nguồn của luật cũng như hiệu lực pháp lý của nguồn có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hành và áp dụng luật quốc tế. Bài viết này sẽ tập trung tổng hợp các phân tích tổng quan về các nguồn chính và một số nguồn bổ trợ của luật quốc tế.


1. Khái niệm nguồn của luật quốc tế


Trong phạm vi quốc gia, nguồn của luật có thể được xác định bằng nhiều cách như dựa vào Hiến pháp, các văn bản pháp luật hay án lệ.[1] Trong hệ thống phi tập trung hóa của luật quốc tế,[2] không có một cơ quan nào có khả năng lập pháp ràng buộc các chủ thể ở phạm vi quốc tế, và cũng không có một hệ thống tòa án nào có thẩm quyền toàn diện và bắt buộc để giải thích và mở rộng luật.[3] Theo James Crawford, nguồn của luật quốc tế là bằng chứng của sự tồn tại các quy phạm ràng buộc và được áp dụng chung trên cơ sở đồng thuận của các chủ thể.[4] Xét trên thực tế, Điều 38(1) Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) thường được xem là quy định quan trọng nhất liệt kê các nguồn của luật quốc tế.[5] Theo đó, nguồn của luật quốc tế gồm: (i) điều ước quốc tế chung và riêng xác định các quy định, được công nhận rõ ràng bởi các quốc gia tham gia; (ii) tập quán quốc tế, như là bằng chứng về thực tiễn chung được chấp nhận như luật; (iii) các nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhận bởi các quốc gia văn minh; (iv) phụ thuộc vào các khoản của Điều 59, án lệ và ý kiến của các học giả uy tín nhất từ đa dạng các quốc gia là các nguồn bổ trợ để xác định các quy định pháp luật. Trên thực tế, nghị quyết của các tổ chức quốc tế, hành vi pháp lý đơn phương và luật mềm cũng được xem là nguồn của luật quốc tế.[6]


2. Điều ước quốc tế


Trong các nguồn của luật quốc tế, điều ước quốc tế được áp dụng trực tiếp để điều chỉnh giữa các chủ thể của luật quốc tế bởi chúng chứa đựng nhiều nhất các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế. Theo Điều 2 Công ước Viên về Luật Điều ước Quốc tế 1969 (Công ước Viên 1969), điều ước quốc tế “là dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì”.[7] Mặc dù định nghĩa của Công ước Viên 1969 chỉ có giá trị pháp lý trong phạm vi Công ước này song, định nghĩa trên vẫn chứa đựng những yếu tố quan trọng chung nhất định như sự tuân thủ ràng buộc pháp lý và vai trò của các chủ thể.[8] Chủ thể có quyền năng ký kết điều ước quốc tế được ghi nhận tại Điều 6 Công ước Viên 1969 và Điều 2(1) Công ước Viên 1986 trong đó khẳng định quốc gia, tổ chức quốc tế và các chủ thể khác có khả năng ký kết điều ước quốc tế.[9] Trong đó, bên cạnh các quốc gia, chỉ có tổ chức quốc tế liên chính phủ được thành lập và hoạt động trên cơ sở điều ước quốc tế, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, hoạt động riêng biệt so với thành viên của các chủ thể khác, mới có quyền năng ký kết điều ước quốc tế. Các chủ thể khác bao gồm: các dân tộc đấu tranh giành quyền tự quyết, các nước bên trong nội chiến, các đơn vị cấu thành quốc gia như các bang và địa phương chỉ có quyền năng ký kết điều ước quốc tế trong một số trường hợp nhất định.[10] Một điều ước quốc tế được hình thành và phát triển trên cơ sở ba nguyên tắc cơ bản: (i) nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng; (ii) nguyên tắc nội dung của điều ước quốc tế phù hợp với luật quốc tế và (iii) nguyên tắc thiện chí (Pacta sunt servanda). Trong ba nguyên tắc trên, nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng là quan trọng nhất, đảm bảo quá trình ký kết và thực thi điều ước quốc tế trên cơ sở các quốc gia bình đẳng trước luật pháp quốc tế về nghĩa vụ pháp lý, tự nguyện tham gia các điều ước quốc tế bằng cách ký kết và gia nhập mà không thể bị cưỡng ép đàm phán, ký kết.[11] Nguyên tắc nội dung của điều ước quốc tế phù hợp với luật quốc tế khẳng định điều ước quốc tế sẽ bị vô hiệu hoặc không có giá trị pháp lý nếu như vi phạm những quy phạm mệnh lệnh bắt buộc chung (jus cogens) của luật quốc tế. [12] Bên cạnh đó, nguyên tắc thiện chí (Pacta sunt servanda) có tầm quan trọng cơ bản trong các điều ước quốc tế và được ghi nhận tại Điều 26 Công ước Viên 1969: “mỗi điều ước quốc tế đang có hiệu lực đều ràng buộc các bên thành viên của điều ước đó và phải được các bên thực thi một cách thiện chí”.[13] Các chủ thể khi gia nhập một điều ước quốc tế tự nguyện thực thi, tuân thủ và đồng ý chấp nhận ràng buộc pháp lý của điều ước quốc tế trên cơ sở thiện chí.[14]


3. Tập quán quốc tế


Đặt trong tương quan với điều ước quốc tế, tập quán quốc tế ra đời sớm hơn và là nguồn lâu đời nhất của luật quốc tế, tạo ra những quy tắc xử sự chung được hình thành trong thực tiễn quan hệ quốc tế và được các chủ thể thừa nhận như những quy phạm pháp lý.[15] Tại Điều 38(1) Quy chế Tòa án ICJ, tập quán quốc tế được định nghĩa“như là bằng chứng về một thực tiễn chung, được chấp nhận như luật”.[16] Theo đó, một tập quán quốc tế cần phải thỏa mãn hai yếu tố: (i) thực tiễn chung (state practice) và (ii) được chấp nhận như luật (opinio juris).[17] Yếu tố thực tiễn chung được xác định trên cơ sở những hành vi trong quan hệ quốc tế được lặp đi lặp lại nhiều lần, tạo thành những quy tắc xử sự chung, thoả mãn điều kiện về tính phổ biến, đại diện và nhất quán.[18] Yếu tố opinio juris - được chấp nhận như luật - xác định quy tắc xử sự chung phải được các chủ thể luật quốc tế thừa nhận là luật, tức là sự thừa nhận giá trị pháp lý bắt buộc của quy tắc xử sự đó.[19] Tuy nhiên, luật quốc tế không đòi hỏi sự thừa nhận của tất cả các quốc gia trên thế giới mà như phán quyết của Tòa án ICJ trong Vụ Thềm lục địa Biển Bắc đã khẳng định: “Một quy tắc có thể được công nhận là tập quán ngay khi có sự thừa nhận của những đại diện miễn sao bao gồm cả những quốc gia bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc áp dụng quy tắc đó”.[20] Trên thực tế, việc chứng minh yếu tố opinio juris là tương đối khó khăn nên người ta thường tìm minh chứng về opinio juris trên cơ sở hành vi của các quốc gia trên diễn đàn đa phương, hay việc gia nhập điều ước quốc tế đa phương phổ quát mà đa phần quốc gia trên thế giới là thành viên.[21] Trái ngược với điều ước quốc tế, khi hiệu lực pháp lý chỉ ràng buộc với các quốc gia thành viên, một tập quán quốc tế phát sinh hiệu lực ràng buộc với tất cả quốc gia trên cơ sở yếu tố thực tiễn chung (opinio juris) và sự ngầm thể hiện đồng ý, chấp nhận ràng buộc pháp lý của các quốc gia.[22] Tuy vậy, người ta ghi nhận sự tồn tại hai ngoại lệ đối với nguyên tắc trên bao gồm các tập quán đặc thù (tập quán khu vực, tập quán địa phương) được hình thành trên cơ sở quan hệ giữa một số quốc gia, và các quốc gia liên tục phản đối từ đầu khi xuất hiện dấu hiệu của một thực tiễn chung.[23]


4. Các nguyên tắc pháp luật chung


Bên cạnh điều ước và tập quán quốc tế, Điều 38(1) Quy chế ICJ cũng khẳng định “các nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhận bởi các quốc gia văn minh”[24] là loại nguồn chính thứ ba. Trong hệ thống luật quốc tế, các nguyên tắc pháp luật được sinh ra để giải quyết khoảng trống do thiếu các quy định điều chỉnh từ luật điều ước hay luật tập quán.[25] Trước tiên, hiện tại các quốc gia đều được xem là “văn minh”.[26] Về mặt khái niệm, cho đến hiện nay vẫn chưa có một quan điểm thống nhất về định nghĩa của các nguyên tắc pháp luật chung. Một số học giả cho rằng các nguyên tắc này là sự tái khẳng định các khái niệm của luật tự nhiên, các luật đã ảnh hưởng đến hệ thống luật quốc tế.[27] Theo Root and Phillimore, các nguyên tắc này là những quy định được chấp nhận trong hệ thống luật quốc gia của các nước văn minh.[28] Về cách thức xác định, các nguyên tắc này có thể là các nguyên tắc chung của pháp luật quốc gia hoặc có nguồn từ chính trong hệ thống luật quốc tế, nhưng cũng có thể mang cả hai nghĩa.[29] Càng mang nhiều nghĩa thì khả năng tìm thấy các quy phạm liên quan trong luật điều ước hay luật tập quán càng cao, vốn là mục đích ban đầu của việc đưa các “nguyên tắc pháp luật chung” này vào quy chế của Tòa.[30] Trong thực hành xác định các nguyên tắc này, phương pháp áp dụng cơ bản là so sánh giữa các hệ thống luật quốc gia để tìm ra các quy phạm phù hợp và điều chỉnh để áp dụng vào giải quyết quan hệ giữa các quốc gia.[31] Tuy vậy, không phải nguyên tắc nào cũng bắt nguồn từ hệ thống luật quốc gia, một số nguyên tắc được dựa trên “công lý tự nhiên” được công nhận rộng rãi ở các hệ thống pháp luật như “estoppel (nguyên tắc không phủ nhận)”[32] hay logic thông thường của luật sư như “lex specialis derogat legi generali (luật cụ thể hơn được ưu tiên hơn luật chung)”[33][34]. Một cách ngắn gọn, các nguyên tắc pháp luật chung có đa dạng nguồn và cách lập luận để áp dụng vào một vấn đề pháp lý chưa rõ ràng.


Trên thực tế không thiếu các trường hợp mà các cơ quan tài phán quốc tế đưa ra các nguyên tắc pháp luật chung để giải quyết một vụ việc. Ví dụ như trong Vụ Kênh Corfu, Tòa ICJ đã đưa ra một nguyên tắc chung về chứng cứ gián tiếp: “Bằng chứng gián tiếp được thừa nhận trong tất cả các hệ thống pháp luật, và việc sử dụng nó được công nhận bởi các quyết định quốc tế.”[35] Mục đích của việc đưa ra những nguyên tắc như thế là để tránh một phán quyết “non liquet” (có nghĩa là ‘không có luật điều chỉnh’)[36], với niềm tin rằng “mọi tình huống quốc tế đều có thể được xác định là một vấn đề pháp lý.”[37]


Cũng như điều ước và tập quán quốc tế, các nguyên tắc pháp luật chung có hiệu lực ràng buộc đối với các quốc gia,[38] trên cơ sở là “được các quốc gia văn minh thừa nhận” mà về bản chất là sự ngầm đồng ý của các quốc gia.[39] Sự ngầm đồng ý này xuất phát từ thực tế rằng các nguyên tắc pháp luật chung này bắt nguồn từ hệ thống pháp luật quốc gia[40], hay được công nhận rộng rãi trong luật quốc tế như nguyên tắc thiện chí, trung thực (good faith)[41].[42]



5. Án lệ


Bên cạnh các nguồn chính, Điều 38(1) Quy chế ICJ cũng liệt kê các quyết định tư pháp (án lệ), là nguồn bổ trợ. Các quyết định này có thể là ý kiến tư vấn, lệnh, hay quyết định khác của các cơ quan tài phán quốc tế hay quốc gia.[43] Các án lệ này không chứa trực tiếp một quy phạm pháp luật mà là cơ sở để xác định các “quy định của pháp luật”.[44]


Điều 38(1) cũng dẫn chiếu tới Điều 59 trong quy chế của Tòa: “Quyết định của Tòa án không có hiệu lực ràng buộc ngoại trừ giữa các bên và đối với trường hợp cụ thể đó”. Quy định này là nhằm tránh học thuyết stare decisis (nguyên tắc ‘theo như điều đã được quyết định’) trong hệ thống thông luật mà các quyết định tư pháp trước đó sẽ được áp dụng với các vụ việc tương tự.[45] Điều này cũng được thể hiện trong vụ Lợi ích của người Đức của Tòa án Thường trực Công lý Quốc tế (PCIJ), tiền thân của Tòa ICJ: “Điều 59 của Quy chế [...] chỉ đơn giản là để ngăn chặn các nguyên tắc pháp lý được Tòa án chấp nhận trong một trường hợp cụ thể khỏi sự ràng buộc đối với các quốc gia khác hoặc trong tranh chấp khác.”[46] Mặc dù không có tính ràng buộc, Tòa ICJ vẫn cố gắng để duy trì tính nhất quán trong các án lệ của mình,[47] để đảm bảo tính phân minh và độc lập trong việc đưa ra phán quyết.[48] Ví dụ như trong Vụ Trao đổi dân số Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, Tòa PCIJ đã trích lại một quyết định trước đó trong một Vụ Wimbledon: “Quyền tham gia vào điều ước quốc tế là một đặc điểm của chủ quyền.”[49] Hay như trong Vụ Áp dụng Công ước về Ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng (1948): “Trong chừng mực các phán quyết chứa đựng các kết luận về luật, [...] Tòa sẽ không đi ngược lại án lệ nhất quán của Tòa trừ khi vì một lý do rất đặc thù.”[50] Tuy nhiên, vẫn có trường hợp Tòa đi ngược lệ án lệ nhất quán của mình, dù là rất hiếm.[51] Điển hình là trong Ý kiến tư vấn giải thích các Hiệp ước hòa bình, Tòa đã đi ngược lại phán quyết trong Vụ Đông Carelia,[52] và đưa ra lý do không chấp nhận viện dẫn án lệ này: “Theo quan điểm của Tòa, hoàn cảnh trong vụ việc hiện tại khác biệt sâu sắc với Vụ Đông Carelia [...] khi đó Tòa PCIJ đã từ chối cho ý kiến tư vấn vì nhận thấy rằng vấn đề được đưa lên liên quan trực tiếp đến tranh chấp đang thực sự tồn tại giữa hai quốc gia, việc trả lời câu hỏi về cơ bản sẽ tương đương với việc quyết định tranh chấp giữa các bên và dẫn đến vấn đề không thể làm sáng tỏ nếu không có sự đồng ý của cả hai bên tranh chấp.”[53] Bên cạnh việc xác định luật, cũng có những trường hợp Tòa đã sáng tạo luật trong quá trình xác định nó.[54] Ví dụ như trong Vụ Ngư trường giữa Anh và Na Uy, các đề cập đến những tiêu chuẩn chung để phân định vùng biển [55] sau đó đã được phát triển trong Công ước Geneva về Lãnh hải và vùng Tiếp giáp lãnh hải.[56] Dù thế, không phải quy định nào trong án lệ cũng luôn được đồng thuận.[57] Như đối với Vụ Lotus, Tòa đã mở rộng nguyên tắc được đưa ra trong phán quyết của mình là “luật quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia độc lập”[58] bằng việc khẳng định tư cách pháp lý của Liên hợp quốc trong Vụ Yêu cầu Bồi thường của tổ chức này,[59] qua kết luận rằng tổ chức này có quyền yêu cầu bồi thường với các quốc gia.[60]


6. Ý kiến học giả


Bên cạnh án lệ, tại Điều 38(1) Quy chế ICJ đồng thời ghi nhận “các học thuyết của các chuyên gia có chuyên môn cao nhất về luật quốc tế của các quốc gia khác nhau” như một nguồn bổ trợ của luật quốc tế.[61] Theo đó, bên cạnh ý kiến học giả có uy tín cao được thể hiện qua công trình nghiên cứu như báo cáo khoa học, giáo trình, sách chuyên khảo, văn bản của các tổ chức có chuyên môn cũng có thể được xếp vào nhóm ý kiến học giả. Một trong những tổ chức tiêu biểu là Uỷ ban Luật pháp Quốc tế (ILC) đã tiến hành nghiên cứu và phát triển các dự thảo công ước trong lĩnh vực chưa có luật điều chỉnh, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển luật quốc tế và pháp điển hoá.[62] Khác với các nguồn cơ bản, ý kiến học giả không trực tiếp chứa đựng quy phạm pháp quốc tế và không có hiệu lực pháp lý.


7. Nghị quyết của các tổ chức quốc tế


Mặc dù không được quy định tại Quy chế ICJ, song nghị quyết của các tổ chức quốc tế liên chính phủ vẫn có tầm quan trọng trong quá trình định hình và phát triển luật pháp quốc tế.[63] Ví dụ, một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc có thể là cơ sở minh chứng về thực tiễn chung hoặc yếu tố opinio juris của một tập quán quốc tế thông qua việc các quốc gia bỏ phiếu tán thành cho nghị quyết đó, và ngược lại nếu nhiều quốc gia bỏ phiếu chống, thì giá trị của nghị quyết với tư cách là minh chứng của một tập quán quốc tế sẽ bị giảm đi tương ứng.[64] Hiệu lực pháp lý của nghị quyết được ban hành bởi các tổ chức quốc tế phụ thuộc vào các điều ước thành lập tổ chức quốc tế đó. Cụ thể, đối với Liên hợp quốc, nghị quyết thông thường của Đại hội đồng chỉ mang tính khuyến nghị song nghị quyết của Hội đồng Bảo an có hiệu lực ràng buộc tất cả các quốc gia thành viên. Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc quy định nghị quyết của Hội đồng Bảo an “mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên hợp quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.”[65] Ngoài ra, tại Điều 24 của Hiến chương Hội đồng Bảo an “trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế.” [66] Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình, hoặc các hành động xâm lược. Điều tương tự cũng áp dụng đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong việc đưa ra các quyết định ràng buộc về việc duy trì hoặc thay đổi tỷ giá hối đoái hoặc khấu hao tiền tệ.[67]


Như vậy, trong các nguồn của luật quốc tế, điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và các nguyên tắc pháp luật chung được thừa nhận bởi các quốc gia văn minh được coi là nguồn cơ bản và được áp dụng trực tiếp để điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế. Bên cạnh nguồn cơ bản, các nguồn bổ trợ như án lệ, ý kiến học và nghị quyết của các tổ chức tế cũng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc chứng minh, giải thích sự tồn tại của các nguyên tắc, quy phạm pháp luật quốc tế.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] [2] [23] [25] [29] [30] [48] Peter Malanczuk (1997), Modern Introduction to International Law 7th Edition.

[3] [27] [37] [54] [56] [57] Malcolm N.Shaw (2008), International Law 6th Edition.

[4] [10] [21] [22] [28] [47] [51] James R Crawford (2012), Brownlie's Principles of Public International Law (8th Edition).

[5] [8] [11] [26] [31] [34] [38] [39] [43] Phạm Lan Dung (2021), Giáo trình Luật quốc tế, NXB. Thế giới.

[6] [16] [24] [44] [61] Điều 38(1) Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế

[7] Malcolm N.Shaw (2014), International Law 7th Edition.

[7] [9] [13] Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế 1969.

[12] [15] [18] Giáo trình luật quốc tế (2018), Đại học luật Hà Nội, NXB. Tư pháp.

[14] Lukashuk, I. I (1989), “The Principle Pacta Sunt Servanda and the Nature of Obligation Under International Law.” The American Journal of International Law, vol. 83, no. 3.

[17] [19] Shabtai Rosenne (1985), Practice and Methods of International Law.

[20] Vụ thềm lục địa Biển Bắc (Đức/Đan Mạch; Đức/Hà Lan) [1969], Phán quyết của Tòa ICJ.

[35] Vụ Kênh đào Corfu (Anh v Bắc Ireland v Albania) [1949] ICJ Reports 4, tr 18.

[40] [42] Mahmoud Cherif Bassiouni, ‘A Functional Approach to "General Principles of International Law’ (1990) <https://repository.law.umich.edu/cgi/viewcontent.cgi?article=1664&context=mjil>

[41] ‘good faith’, Cornell Law School, <https://www.law.cornell.edu/wex/good_faith>

[46] Vụ Lợi ích của người Đức [1926] (Phán quyết về các phản đối sơ bộ) sửa PCIJ Series A số 7.

[49] Vụ Trao đổi người dân giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (1925) PCIJ Series B số 10.

[50] Vụ Áp dụng Công ước về Ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng giữa (Croatia và Serbia) [2008] (Phán quyết về các phản đối sơ bộ) ICJ Reports 412.

[52] Vụ Quy chế pháp lý của vùng Đông Carelia (Ý kiến tư vấn) [1923] ICJ Series B số 5.

[53] Vụ Giải thích các Hiệp ước hòa bình (Ý kiến tư vấn) [1950] ICJ Reports 65.

[55] Vụ Ngư trường (Anh v Na Uy) [1951] ICJ Reports 116.

[58] Vụ Tàu Lotus [1927] PCIJ Series A số 10.

[59] Hugh Haneyside, ‘The Lotus Principle in ICJ Jurisprudence: Was the Ship Ever

[60] Vụ Yêu cầu bồi thường với những chấn thương do thi hành nghĩa vụ của Liên hiệp quốc [1949] ICJ, Tổng quan, <https://www.icj-cij.org/en/case/4>.

[62] Quy chế Uỷ ban Luật pháp quốc tế (ILC).

[63] [67] Christopher Greenwood (2008), Sources of International Law: An Introduction

[64] William E. Butler (1979), Resolutions of International Organizations: The "Treaty" Theory.

[65] [66] Hiến chương Liên hợp quốc.




971 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page