top of page
icj 1.jpeg

[6] VẤN ĐỀ LẠM DỤNG QUYỀN ƯU ĐÃI, MIỄN TRỪ NGOẠI GIAO, LÃNH SỰ TRONG THỰC TIỄN

Đã cập nhật: 8 thg 10, 2023

Tác giả: Chu Trang Anh, Phạm Quốc Hào


I. Hạn chế của việc áp dụng Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963

Công ước Viên về Quan hệ ngoại giao năm 1961 (“Công ước Viên 1961”) và Công ước Viên về Quan hệ lãnh sự năm 1963 (“Công ước Viên 1963”) là hai văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng, khẳng định các quyền ưu đãi, miễn trừ của viên chức ngoại giao và lãnh sự giữa các quốc gia, đồng thời tạo điều kiện để họ thực thi hiệu quả chức năng ngoại giao, lãnh sự trên nguyên tắc có đi có lại.[1] Với những lợi ích đó, tính đến nay có 193 quốc gia là thành viên của Công ước Viên năm 1961,[2] và 182 quốc gia là thành viên của Công ước Viên năm 1963.[3]


Mặc dù Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 đã góp phần phát triển quan hệ quốc tế nhưng cũng có không ít các rắc nối nảy sinh từ đây.[4] Hai công ước này trao cho các viên chức ngoại giao, lãnh sự quyền miễn trừ hình sự, dân sự, hành chính,[5] điều này có nghĩa rằng các các viên chức ngoại giao, lãnh sự có khả năng phạm tội mà không bị truy tố, dù cho họ có bị nước sở tại tuyên bố “persona non grata” (người không được chào đón).[6] Ngoài ra, vì được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, các viên chức ngoại giao còn không thể bị bắt, giam giữ, lục soát thân thể và chỗ ở trong bất cứ tình huống nào.[7] Quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao cũng cho phép các viên chức ngoại giao thoát khỏi trách nhiệm dân sự khi có các hành vi gây thương tích cho người khác.[8] Thực tế cho thấy tồn tại các trường hợp viên chức ngoại giao, hoặc gia đình, nhân viên của họ lạm dụng các quyền ưu đãi, miễn trừ được quy định trong Công ước Viên 1961 để thoát khỏi việc bị truy tố vì nhiều tội khác nhau, từ các trường hợp vi phạm giao thông đến các hành vi phạm tội đáng lên án nhất, chẳng hạn như lạm dụng trẻ em.[9]


Bài viết sau đây sẽ trình bày và phân tích các trường hợp lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự trên thực tế.


II. Các trường hợp lạm dụng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao, lãnh sự

1. Các trường hợp quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao dành cho viên chức ngoại giao bị lợi dụng bởi cá nhân, tổ chức tội phạm mà viên chức ngoại giao có liên quan không nhận thức hoặc không biết

Trường hợp này thường liên quan đến quyền bất khả xâm phạm về hồ sơ lưu trữ và tài liệu của cơ quan đại diện ngoại giao. Một điều cần lưu ý là mặc dù Điều 27 Công ước Viên 1961 có nhắc đến thuật ngữ “túi ngoại giao” (diplomatic bags hoặc diplomatic pouches), Công ước không quy định cụ thể về kích thước hoặc hình dạng của “túi ngoại giao” mà chỉ quy định rằng chúng phải mang “dấu hiệu thể hiện rõ ràng tính chất của chúng” (visible external marks of their character).[10] Trên thực tế, các “túi ngoại giao” có thể bao gồm xe tải hoặc thậm chí là container lớn.[11] Khi được vận chuyển qua các quốc gia, các “túi ngoại giao” không bị kiểm tra an ninh, bao gồm cả việc không bị soi chiếu điện tử.[12]


Nhiều cá nhân, tổ chức tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, đã lợi dụng quyền ưu đãi, miễn trừ được nêu trên để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật mà viên chức ngoại giao có liên quan không hề hay biết. Năm 2012, một chiếc túi vải thô đựng 16kg cocain đã được ngụy trang thành một chiếc túi ngoại giao có logo Liên hợp quốc đã vận chuyển từ Mexico đến trụ sở Liên hợp quốc ở New York.[13] Công ty vận chuyển cho biết chiếc túi không có địa chỉ hoặc bất kỳ thông tin nào về người gửi nên nhân viên đã dựa vào logo để gửi chiếc túi đến trụ sở Liên hợp quốc.[14] Năm 2020, các quan chức Ấn Độ phát hiện 30kg vàng trị giá hai triệu đô la được nhập lậu vào nước này từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) trong một chiếc túi ngoại giao.[15] Các viên chức của UAE tuyên bố không biết gì về chuyến hàng này.[16]


2. Các trường hợp phạm tội, trong đó một viên chức ngoại giao lạm dụng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, đóng vai trò là thủ phạm chính của một hành vi phạm tội

2.1. Trường hợp vi phạm pháp luật hình sự

Hạn chế trong quá trình áp dụng và giám sát Công ước Viên 1961 và Công ước Viên 1963 của các quốc gia đã tạo điều kiện cho những hành vi lợi dụng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao lãnh sự, đặc biệt là hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia như buôn lậu ma tuý, động vật hoang giã, làm giả thị thực.[17] Một trong những ví dụ tiêu biểu nhất của tội phạm xuyên quốc gia đứng đầu bởi viên chức ngoại giao, lãnh sự là những hoạt động phi pháp của các nhà ngoại giao Triều Tiên trong giai đoạn từ năm 1982 đến năm 2016. Năm 2004, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hai viên chức lãnh sự Triều Tiên tại Bulgaria sử dụng xe biển ngoại giao vận chuyển 600.000 viên ma tuý tổng hợp fenethylline trị giá bảy triệu đô la nhập lậu từ Bulgaria cho hai công dân Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul.[18] Ngoài ra, viên chức ngoại giao, lãnh sự Triều Tiên còn đóng vai trò chủ chốt trong hơn 16 vụ việc buôn bán trái động vật hoang dã ở Nam Châu Phi kể từ năm 2010, trong đó vào tháng 5 năm 2015 ở thủ đô Maputo của Mozambique, một viên chức lãnh sự Triều Tiên đã bị bắt giữ khi đang vận chuyển 4,5kg sừng tê giác bất hợp pháp và cảnh sát đồng thời tịch thu 100.000 đô la tìm thấy trong xe.[19] Trước những vụ việc lợi dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao và quan ngại về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết S/RES/2321 năm 2016, trong đó tại đoạn 20 nhấn mạnh: “yêu cầu tất cả các Quốc gia kiểm tra hàng hóa quá cảnh qua lãnh thổ của họ, bao gồm cả các sân bay của họ, có nguồn gốc từ Triều Tiên, hoặc hàng hóa đến Triều Tiên, hoặc đã được môi giới hoặc tạo điều kiện bởi Triều Tiên”.[20]


Trong một số trường hợp, những hoạt động phi pháp trên cơ sở lợi dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao lãnh sự còn có sự tham gia cấu kết của các băng đảng hay tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, tiêu biểu như vụ việc bắt giữ đường dây buôn heroin cầm đầu bởi đại sứ Tajikistan tại Kazakhstan. Vào tháng 5 năm 2000, ủy ban An ninh Quốc gia Kazakhstan đã tiến hành bắt giữ đại sứ Tajikistan Sadullojon Nematov cùng năm viên chức lãnh sự và thu giữ khoảng 62kg heroin, 54.000 đô la tiền mặt và một lệnh chuyển tiền trị giá gần hai triệu bảng Anh. Lực lượng cảnh sát Kazakhstan đã cáo buộc rằng số heroin này sẽ được giao cho người đứng đầu phái đoàn thương mại Tajikistan ở Almaty và là một phần của đường dây ma túy rộng lớn hơn do các băng đảng buôn ma tuý Tajikistan điều hành.[21]


2.2. Trường vi phạm các quan hệ dân sự, tài chính

Bên cạnh những hành vi vi phạm pháp luật hình sự của nước sở tại thì quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao còn bị làm dụng bởi viên chức ngoại giao, lãnh sự trong các quan hệ dân sự. Một trong những hành vi lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ phổ biến nhất là vi phạm quy định về đỗ xe, vượt đèn đỏ và các lỗi vi phạm pháp luật giao thông nhỏ khác. Theo thống kê của tờ The Guardian, tổng hóa đơn phạt hành chính liên quan đến các lỗi vi phạm giao thông của các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc năm 2016 là hơn 16 triệu đô la.[22] Cùng với khoảng thời gian này tại London, viên chức ngoại giao lãnh sự đã bị xử phạt khoảng 4.858 vụ việc vi phạm giao thông, tạo ra khoản nợ 477.499 bảng.[23]


Ngoài vi phạm giao thông, đã có nhiều trường hợp viên chức ngoại giao lãnh sự lạm dụng quyền miễn thuế, lệ phí, miễn khám và khai báo hải quan được ghi nhận tại Điều 23 và 39 Công ước Viên 1961 nhằm thực hiện hành vi gian lận tài chính, trốn thuế. Cụ thể, vào năm 2014, bảy nhà ngoại giao Gambia tại Vương Quốc Anh đã bị khởi tố vì sử dụng đại sứ quán ở London để bán hơn nửa triệu bao thuốc lá miễn thuế trên thị trường chợ đen cho cộng đồng người Gambia ở nước này thông qua việc mua số lượng lớn thuốc lá miễn thuế từ các cửa hàng chuyên bán cho các lãnh sự, đại sứ quán.[24]


3. Các trường hợp phạm tội, trong đó các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao bị viên chức ngoại giao, lãnh sự lợi dụng nhằm thực hiện âm mưu gián điệp, khủng bố hoặc có hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực

Vấn đề lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao không chỉ dừng lại ở tội phạm hình sự, dân sự, tài chính mà còn mở rộng đối với hành vi gián điệp, khủng bố, sử dụng vũ lực nhằm vào nước nhận được thực hiện bởi viên chức ngoại giao, lãnh sự buộc nước nhận phải tuyên bố “persona non grata” đối với những viên chức ngoại giao, lãnh sự đó.


Vào ngày 17 tháng 4 năm 1984, trong một cuộc biểu tình đối diện Đại sứ quán Libya ở London nhằm phản đối việc hai sinh viên Tripoli bị kết án tử hình vì tội phản quốc tại Libya, một nhân viên ngoại giao đã sử dụng súng tiểu liên bắn từ cửa sổ tầng một của đại sứ quán đã vào đám đông người biểu tình khiến mười một người đã bị trúng đạn và một sĩ quan cảnh sát tử vong.[25] Sau khi vụ xả súng kết thúc, Chính phủ Anh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Libya vào ngày 22 tháng 4 năm 1984 và tuyên bố “persona non grata” và trục xuất toàn bộ nhân viên ngoại giao bên trong đại sứ quán. Tương tự, vào năm 1980, ba cán bộ viên chức ngoại giao Syria bị trục xuất khỏi Tây Đức sau khi chính phủ nước này phát hiện họ đang cung cấp chất nổ được sử dụng cho các cuộc tấn công ở Berlin.


Lịch sử quan hệ quốc tế cũng đồng thời chứng kiến việc viên chức ngoại giao bị trục xuất trước các cáo buộc thực hiện hành vi gián điệp vào nước sở tại. Cụ thể, vào năm 1971, sau khi liên tiếp đưa ra những cảnh báo để Liên Xô giảm bớt người làm trong lực lượng KGB thực hiện chức năng ngoại giao trong các cơ quan đại diện của Liên Xô tại Anh, Chính phủ Anh đã chính thức tuyên bố “persona non grata” đối với 90 cán bộ ngoại giao Liên xô để ngăn chặn hoạt động gián điệp nhằm khai thác thông tin nội bộ của nước mình.[26]


Năm 1999, Stanislav Borisovich Gusev - một nhân viên Đại sứ quán Nga tại Hoa Kỳ - đã sử dụng thiết bị nghe lén từ xa được giấu kỹ trong một phòng hội nghị được dùng bởi các nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ. Sau khi bị phát hiện, Stanislav Borisovich Gusev đã bị Chính phủ Mỹ bắt giữ và trục xuất về Liên Bang Nga.[27]


III. Kết luận

Quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các viên chức ngoại giao, lãnh sự, từ đó góp phần đảm bảo, phát triển quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, với thực tiễn việc lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao như hiện nay, đã đến lúc cộng đồng quốc tế, thông qua các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, đánh giá lại các quy định lâu đời này, nhằm vừa duy trì khái niệm cơ bản của quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự, vừa xác định các giới hạn hợp lý đối với những viên chức ngoại giao, lãnh sự được hưởng các quyền này.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Rosalyn Higgins, The Abuse of Diplomatic Privileges and Immunities: Recent United Kingdom Experience (The American Journal of International Law, 1985) 641.

[2] United Nations Treaty Collection (UNTC), Vienna Convention on Diplomatic Relations <https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=III-3&chapter=3&clang=_en> truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2023.

[3] United Nations Treaty Collection (UNTC), Vienna Convention on Consular Relations <https://treaties.un.org/Pages/ViewDetails.aspx?src=IND&mtdsg_no=III-6&chapter=3> truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2023.

[4] Báo Thế giới & Việt Nam, Khi "miễn trừ" có tác dụng ngược (07/10/2013) <https://baoquocte.vn/khi-mien-tru-co-tac-dung-nguoc-1381.html> truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2023.

[5] Điều 31, Công ước Viên 1961 và Điều 41, Công ước Viên 1963.

[6] Nehaluddin Ahmad, Gary Lilienthal, Arman Haji Asmad, Abuse of Diplomatic Immunities and Its Consequences Under the Vienna Convention: A Critical Study, (2021) 12.

[7] Nehaluddin Ahmad, Gary Lilienthal, Arman Haji Asmad, Abuse of Diplomatic Immunities and Its Consequences Under the Vienna Convention: A Critical Study, (2021) 12; Điều 29, Công ước Viên 1961.

[8], [9] Mitchell S. Ross, Rethinking Diplomatic Immunity: A Review of Remedial Approaches to Address the Abuses of Diplomatic Privileges and Immunities, (American University International Law Review.4, no.1, 1989) 174.

[10], [11], [17] Yuliya G. Zabyelina, The untouchables: transnational organized crime behind diplomatic privileges and immunities (2013), 346-347.

[12] Điều 27(5), Công ước Viên 1961.

[13], [14] SkyNews, Cocaine Worth £1m Sent To UN 'By Mistake' (27/01/2012) <https://news.sky.com/story/cocaine-worth-1m-sent-to-un-by-mistake-10481579> truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2023.

[15], [16] David Westenhaver, Diplomatic Pouches: The Bags the Police Can’t Search, (xplrd, 2021) <https://xplrd.net/history/diplomatic-pouches-the-bags-the-police-cant-search/#> truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2023.

[18] VOA, North Korea to Withdraw Diplomats Accused of Drug Trafficking, (2004)

[19] The Guardian, North Korean diplomats implicated in illegal rhino horn trade, (2016)

[20] Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Nghị quyết S/RES/2321, (2016)

<https://www.un.org/securitycouncil/s/res/2321-%282016%29> truy cập ngày 11 tháng 2 năm 2023

[21] Marat Mamadshoyev, Tajik Drugs in Kazakh Capital: A Victory for the Special Services or for Diplomatic Intrigue?, eurasianet, (2000)

[22] [23] The Guardian, A fine mess: how diplomats get away without paying parking tickets, (2016)

[24] The independent, Gambian diplomats found guilty of using London embassy for tobacco fraud, (2014)

[25] Jane Chace Sweeney, State-Sponsored Terrorism: Libya's Abuse of Diplomatic Privileges and Immunities, Dickinson Journal of International Law, (1986)

[26] The Guardian, From the archive, 25 September 1971: Britain expels 90 Russian diplomat spies, (2014) <https://www.theguardian.com/world/2014/sep/25/britain-russia-spies-expelled-archive-1971> truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2023

[27] The New York Times, U.S. Expelling Russian Diplomat in Bugging of State Dept, (1999)



758 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page