top of page
icj 1.jpeg

[13] ĐỐI TƯỢNG BẢO VỆ CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ (LNĐQT)

Tác giả: Lê Nhật Quỳnh, Dương Duy Khang

Các cuộc chiến tranh, xung đột trên khắp thế giới luôn gây ra nhiều thiệt hại đáng kể về người và của. Vì thế, LNĐQT đã xây dựng một bộ các quy tắc nhằm bảo vệ một số đối tượng, giảm thương vong cũng như hạn chế các hành vi mang tính chất vô nhân đạo. Việc xác định cụ thể các đối tượng bảo vệ nhằm áp dụng hiệu quả các quy định của LNĐQT.


I. Dân thường và mục tiêu dân sự

1. Dân thường

Dân thường được bảo vệ trong mọi trường hợp trừ khi họ trực tiếp tham gia chiến đấu.[1] Việc xác định dân thường được dựa vào phương pháp loại trừ. Theo Điều 50(1) Nghị định thư I, các đối tượng không phải tù bình chiến tranh theo các khoản 1,2,3,6 Điều 4(A) của Công ước Geneva về đối xử với tù bình chiến tranh (Công ước Geneva III) và không phải chiến binh theo Điều 43 Nghị định thư I là dân thường. Điều 43(2) Nghị định thư I quy định mọi thành viên của lực lượng vũ trang đều là chiến binh trừ nhân viên y tế và tôn giáo.[2] Lực lượng vũ trang của một bên xung đột bao gồm tất cả lực lượng, nhóm và đơn vị có tổ chức đặt dưới sự chỉ huy chịu trách nhiệm với bên đó về hành vi của cấp dưới của mình.[3] Bên cạnh đó, khi không thể xác định liệu họ là dân thường hay không, LNĐQT suy đoán mọi người là dân thường.[4] Bên cạnh đó, dân thường sẽ được hưởng quy chế bảo hộ theo Điều 4 Công ước Geneva IV về bảo vệ dân thường trong chiến tranh với các điều kiện sau: (i) tại bất kỳ thời điểm nào và bằng bất kỳ phương thức nào, trong một cuộc xung đột hay chiếm đóng, họ bị rơi vào tay quốc gia mà họ không phải là công dân; (ii) công dân của quốc gia không phải là thành viên của Công ước và không được bảo vệ bởi quốc gia của họ; (iii) công dân của một quốc gia trung lập và bị rơi vào lãnh thổ của một quốc gia là một bên của xung đột trong trường hợp hai quốc gia này không có quan hệ ngoại giao bình thường; (iv) công dân của một quốc gia là đồng minh của một quốc gia là một bên của xung đột trong trường hợp hai quốc gia này không có quan hệ ngoại giao bình thường; và (v) không thuộc các trường hợp được hưởng quy chế bảo vệ theo các Công ước Geneva 1949 còn lại.


II. Mục tiêu dân sự

Xác định mục tiêu dân sự cũng được dựa trên phương pháp loại trừ: mục tiêu dân sự là tất cả mục tiêu không phải là mục tiêu quân sự.[5] Các mục tiêu dân sự đều phải được bảo vệ và nghiêm cấm các hành vi tấn công vào các mục tiêu này theo LNĐQT.[6] Các mục tiêu quân sự là những mục tiêu về bản chất, địa điểm, mục đích hoặc việc sử dụng các mục tiêu này đóng góp hiệu quả vào hoạt động quân sự và việc phá hủy một phần hay toàn bộ, việc thu giữ hay vô hiệu hóa các mục tiêu này, trong tình huống tại khoảng thời gian đó, đem lại một lợi thế quân sự chắc chắn.[7] Như vậy, hai đặc điểm để xác định một mục tiêu quân sự là: (i) khả năng đóng góp hiệu quả vào hoạt động quân sự; (ii) chắc chắn phải đạt được một lợi thế quân sự từ việc phá hủy, thu giữ, hay vô hiệu hóa các mục tiêu này. Tương tự như dân thường, trong trường hợp có nghi ngờ rằng một mục tiêu thường được sử dụng cho mục đích dân sự có đang được dùng nhằm đóng góp hiệu quả vào hoạt động quân sự hay không, các mục tiêu trên không được xem là dùng cho mục đích quân sự.[8]


III. Người bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu

Trong LNĐQT, các bên xung đột có nghĩa vụ phải tôn trọng, bảo vệ, và chăm sóc người bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu trong mọi tình huống và ở bất kỳ nơi đâu.[9] Về nghĩa vụ tôn trọng, các bên xung đột phải kiềm chế không được tấn công, lạm dụng, gây chấn thương hay bất cứ hành vi nào có thể gây tổn thương và gây hại tới cả dân thường và thành viên lực lượng vũ trang.[10] Về nghĩa vụ bảo vệ, các bên trong xung đột phải chủ động bảo vệ các đối tượng trên khỏi việc bị hại, đối xử vô nhân đạo và cướp bóc; bảo đảm các quyền của họ, bao gồm việc tìm kiếm và thu thập họ, sơ tán khỏi vùng chiến đấu, bảo đảm chăm sóc y tế.[11] Trong mọi trường hợp và bất kỳ thời điểm, các bên xung đột phải đối xử nhân đạo người bị thương, người bị bệnh, và bị đắm tàu và chăm sóc y tế một cách không phân biệt ngoại trừ trên cơ sở y tế.[12]


Nhằm áp dụng quy chế trên, Điều 8(a) Nghị định thư I định nghĩa người bị thương và bị bệnh, kể cả dân thường và chiến binh, là những người không có bất kỳ hành động chống đối và bởi vì chấn thương, bệnh tật, rối loạn hay tàn tật về thể chất hoặc tinh thần, bao gồm cả trẻ sơ sinh, sản phụ hay bất kỳ người nào cần được chăm sóc hay hỗ trợ y tế ngay lập tức. Theo Điều 8(b) Nghị định thư I, người bị đắm tàu là người không có bất kỳ hành động chống đối và đang gặp nguy hiểm trên biển hoặc trong những vùng nước khác do không may mắn, hay do tàu hay máy bay vận chuyển họ. Điều kiện chung quan trọng của người bị thương, bị bệnh, và bị đắm tàu là không có hành động chống đối. Mặc dù LNĐQT không yêu cầu chứng minh tình trạng bị thương, bị bệnh và bị đắm tàu, hành động chống đối sẽ khiến họ không được hưởng quy chế nêu trên.[13]


IV. Tù binh chiến tranh

Tù binh chiến tranh sẽ được hưởng quy chế bảo hộ ngay khi họ bị rơi vào tay địch cho đến khi được thả ra và trở về quốc gia của mình.[14] Điều kiện hưởng quy chế bảo hộ tù binh chiến tranh là hành động đầu hàng hoặc việc được xem là hors de combat[15] trên phần lãnh thổ được kiểm soát bởi đối phương.[16] Bên xung đột có quyền giam giữ tù binh chiến tranh nhằm ngăn chặn họ tiếp tục tham gia vào xung đột.[17] Các tù binh chiến tranh được đối xử nhân đạo trong mọi tình huống và nghiêm cấm mọi hành vi của bên giam giữ mà gây ra cái chết hay ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của tù binh.[18] Nhân phẩm và các quyền sống, quyền cá nhân và các quyền về chính trị, tôn giáo và tư tưởng được tôn trọng.[19] Bên cạnh đó, các tù bình chiến tranh cũng có quyền được trao đổi tin tức với gia đình.[20] Các bên giam giữ phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về giam giữ, thức ăn và quần áo theo Điều 25 đến 32 Công ước Geneva III. Bên giam giữ không có quyền trừng phạt hay truy tố tù binh chiến tranh theo pháp luật của bên bắt giữ vì lý do tham gia chiến đấu.[21]


Nhằm áp dụng quy chế trên, LNĐQT đã định nghĩa tù binh chiến tranh là thành viên của lực lượng vũ trang (chính quy hoặc không chính quy hoặc thuộc trường hợp tổng động viên) mà bị rơi vào tay địch[22] theo những điều kiện được quy định ở Điều 4 Công ước Geneva III. Theo đó, bốn điều kiện sau đây cần được thỏa mãn nhằm hưởng quy chế tù binh chiến tranh: (i) họ được chỉ huy bởi người đứng đầu chịu trách nhiệm cho người thuộc cấp dưới của mình; (ii) họ mang dấu hiệu rõ ràng có thể nhận dạng được ở một khoảng cách xa; (iii) công khai mang vũ khí; (iv) tuân thủ luật và tập quán chiến tranh khi hoạt động.[23] Quy chế tù binh chiến tranh cũng được áp dụng đối với dân thường khi họ phối hợp với lực lượng vũ trang nhưng không phải là thành viên chính thức (như là phóng viên chiến tranh, thành viên đơn vị lao động hay chăm sóc cho quân nhân, v.v.) khi họ rơi vào tay địch.[24] Trong các trường hợp có thể, người chiến binh có nghĩa vụ tự phân biệt mình với dân thường nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ này, trong khi họ đang tham gia một cuộc tấn công hay hoạt động chuẩn bị tấn công sẽ không được hưởng quy chế tù binh chiến tranh.[25]


Tóm lại, những quy định của LNĐQT về phạm vi áp dụng và đối tượng bảo vệ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể và đối tượng trong một xung đột vũ trang và góp phần tạo nên giá trị thực tiễn của ngành luật này.


Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên sẽ có nhiều thiếu sót, vì vậy, nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hay ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 78.

[2] Điều 43(2) Nghị định thư I; Rule 3 in Jean-Marie Henckaerts and Louise Doswald-Beck, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules.

[3] Điều 43(1) Nghị định thư I; Rule 4 in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules.

[4] Điều 50(1) Nghị định thư I: “[...] Trong trường hợp có nghi ngờ rằng liệu một người có phải dân thường hay không, người đó được xem là dân thường.”.

[5] Điều 51(2) Nghị định thư I.

[6] Điều 33 Công ước Geneva IV; Điều 52(1)(2) Nghị định thư I; Rule 7 in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules..

[7] Điều 52(2) Nghị định thư I.

[8] Điều 52(3) Nghị định thư I.

[9] Điều 4, 12 Công ước Geneva I; Điều 5, 12(1) Công ước Geneva II; Điều 16(1) Công ước Geneva IV; Điều 10(1) Nghị định thư I trong Phạm Lan Dung, Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 344.

[10] Điều 18(2) Công ước Geneva I; Điều 17(1) Nghị định thư I; Rule 111 in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules in Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 136.

[11] Điều 15 Công ước Geneva I; Điều 18 Công ước Geneva II; Rules 109 and 111 in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules in Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 136.

[12] Điều 12(2)(3) Công ước Geneva I và II; Điều 9(1) và Điều 10(2) Nghị định thư I; Rule 110 in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules in Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 136.

[13] Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 135.

[14] Điều 5(1) Công ước Geneva III.

[15] Theo Cambridge Dictionary “hors de combat” mang nghĩa “ngoài vòng chiến đầu”, <https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/hors-de-combat> truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2023; Theo ICRC, các điều kiện để một chiến binh được xem là “hors de combat” là: (i) họ bị bắt giữ bởi phía địch; (ii) họ thể hiện rõ ràng ý định đầu hàng, hoặc (iii) họ bị mất khả năng tự vệ, <https://casebook.icrc.org/a_to_z/glossary/hors-de-combat> truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2023.

[16] Marco Sassòli, International Humanitarian Law: Rules, controversies, and solutions to problem arising in warfare (Edward Elgar Publishing Limited 2019), tr 260 trong Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 347.

[17] Điều 21 Công ước Geneva III; Nils Melzer, Etienne Kuster, A Comprehensive Introduction to International Humanitarian Law, p 175.

[18] Điều 13 Công ước Geneva III.

[19] Điều 14, 17 Công ước Geneva III; Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 348.

[20] Điều 70 Công ước Geneva III.

[21] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 348.

[22] Điều 4 Công ước Geneva III; Điều 44(1) Nghị định thư I; Điều 1,2 các Quy tắc La-Hay; Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế, tr 346.

[23] Điều 4(A)(2) Công ước Geneva III.

[24] Điều 4(A)(4); Điều 5 Công ước Geneva III.

[25] Điều 44(3) Nghị định thư I; Rule 106 in in Jean-Marie and Louise, Customary International Humanitarian Law, Volume 1: Rules.


141 lượt xem

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Kommentarer


bottom of page