

Juris Exploratores
Explorers of International Law
TRANG TÌM KIẾM
Tìm thấy 82 kết quả với một nội dung tìm kiếm trống
Blog (54)
- [52] CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI (KỲ 1): TỔNG QUAN VỀ CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI
Tác giả: Kiều Thu Chang, Dương Duy Khang Mở đầu: Hiện nay, tình hình thế giới đã trở nên căng thẳng do các biện pháp thuế quan đơn phương đến từ chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald John Trump. Các hành động đơn phương đó đã và đang mang thế giới đến gần hơn một cuộc thương chiến toàn cầu và đe dọa đến trật tự kinh tế quốc tế. Chuỗi bài viết lần này mong muốn mang đến cho độc giả góc nhìn tổng quan về chiến tranh thương mại, mối liên hệ với các công cụ pháp lý trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới và các biện pháp được sử dụng trong chiến tranh thương mại thông qua khái quát đặc điểm và diễn biến của chiến tranh thương mại, các điều kiện sử dụng công cụ phòng vệ thương mại, thực tiễn sử dụng các biện pháp pháp lý trong chiến tranh thương mại và vấn đề viện dẫn ngoại lệ an ninh. Từ khóa: Chiến tranh thương mại, Tổ chức Thương mại Thế giới, công cụ pháp lý 1. Khái quát về khái niệm chiến tranh thương mại Theo từ điển Oxford và Cambridge, chiến tranh thương mại (“CTTM”) được hiểu là tình huống mà các quốc gia cố gắng gây thiệt hại cho thương mại các bên thông qua các công cụ như thuế quan, hạn ngạch, cấm xuất khẩu và trợ cấp và có thể được tăng cường khi các quốc gia thực hiện các biện pháp ‘ăn miếng trả miếng’.[1] Trong CTTM, một quốc gia có thể sử dụng sức mạnh thông qua các biện pháp thuế quan, nhằm gây sức ép nhượng bộ thuế quan lên các quốc gia khác thay vì thực hiện thương lượng thuế quan dựa trên trật tự quốc tế.[2] Khác với tranh chấp thương mại được giải quyết theo một hệ thống trật tự các quy tắc, CTTM nhắm đến việc thay đổi dòng chảy thương mại và gây thiệt hại cho các quốc gia khác.[3] Nhằm phân biệt với xung đột thương mại, các biện pháp kinh tế trong CTTM mang tính trừng phạt, áp dụng với cường độ cao và phủ khắp nhiều loại hàng hóa nhằm tạo ra thiệt hại về mặt thương mại.[4] Hệ quả của CTTM thường khó dự đoán - một mặt, CTTM có thể giúp hình thành các ngành công nghiệp; mặt khác, CTTM cũng có thể gây thiệt hại nặng nề đối với các doanh nghiệp trong nước do chi phí đầu vào tăng vọt.[5] Quá trình bắt đầu, leo thang, hạ nhiệt và kết thúc CTTM là một quá trình phức tạp trong mối quan hệ chính trị giữa các quốc gia và tác động của CTTM đối với mỗi quốc gia là không giống nhau.[6] Nhìn chung, người tiêu dùng và người lao động của các quốc gia đang phát triển là đối tượng chịu nhiều thiệt hại trong các cuộc CTTM.[7] Như vậy, CTTM sẽ có một số đặc điểm chính như sau: (i) Về các công cụ thương mại, các biện pháp hạn chế thương mại thường đa dạng (thuế quan, hạn ngạch thuế quan, hạn chế xuất khẩu, trợ cấp); (ii) Về mức độ và quy mô, các biện pháp hạn chế thương mại mang tính nghiêm trọng và có tính trả đũa, trừng phạt lẫn nhau và (iii) Về tác động, hệ quả của CTTM thường khó dự đoán, nhìn chung người tiêu dùng và người lao động dễ chịu tổn thương nhất. Trong lịch sử, các cuộc CTTM với các đặc điểm như trên đã từng xảy ra như cuộc thương chiến giữa các quốc gia Anh - Pháp - Hà Lan trong các thế kỷ 17 đến 19, Đạo luật Thuế quan Smooth Harley của Hoa Kỳ vào những năm 1930, Chiến tranh thép giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (“EU”) vào những năm 2000 và hiện nay là cuộc CTTM trong nhiệm kỳ lần thứ nhất và thứ hai của Tổng thống Hoa Kỳ Donald John Trump (“Tổng thống Trump”).[8] 2. Nguyên nhân dẫn đến CTTM Nguyên nhân trực tiếp của các cuộc CTTM chính là thâm hụt thương mại hàng hóa gia tăng. Ví dụ, trong thời khi áp dụng Đạo luật Thuế quan Smooth Harley những năm 1930, việc nhập khẩu của sản phẩm Hoa Kỳ vào thị trường châu Âu giảm 66% đã thúc đẩy đạo luật nói trên được thông qua.[9] Tương tự, trong những năm đầu thập niên 2000, Tổng thống Hoa Kỳ George Walker Bush đã áp dụng mức thuế tự vệ lên tới 30% đối với thép nhập khẩu nhằm giải quyết sự suy yếu của ngành công nghiệp thép Hoa Kỳ (từ vị thế chiếm gần 50% nguồn cung thép toàn cầu giảm xuống chỉ còn hơn 10%).[10] Trước CTTM trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng đáng kể. Kể từ khi Trung Quốc tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organisation, WTO), thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ đã tăng từ 83 tỷ USD đến 292 tỷ USD vào năm 2017, trung bình mỗi năm thâm hụt tăng 9.9%.[11] Hoa Kỳ cho rằng phía Trung Quốc đã thực hiện những biện pháp không công bằng như cấp các khoản trợ cấp lớn cho các ngành công nghiệp chủ yếu như thép, năng lượng tái tạo và thiết bị điện tử nhằm tạo ra bất lợi cho các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài.[12] Ngoài ra, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ cũng đã gia tăng đối với nhiều đối tác khác: thâm hụt đạt gần 200 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2019 với EU;[13] thâm hụt với Mexico tăng từ 21.1 tỷ USD đến 101.8 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2019;[14] thâm hụt với Canada đạt 22.4 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2018;[15] và thâm hụt với Việt Nam đạt 66.7 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2019.[16] Trước nhiệm kỳ lần thứ hai của Tổng thống Trump thâm hụt thương mại lần lượt đạt 295.4 tỷ USD với Trung Quốc, 235.6 tỷ USD với EU, 171.8 tỷ USD với Mexico, 63.3 tỷ USD la với Canada, và 123.5 tỷ USD với Việt Nam.[17] Về nguyên nhân sâu xa, mặc dù không đề cập trực tiếp đến CTTM, Karl Marx đã chỉ ra rằng sự thay phiên giữa chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa tự do thương mại là một vòng lập của sự hình thành và phát triển tư bản công nghiệp mà ở đó các nhà tư bản công nghiệp cần thị trường để xuất khẩu nhiều hàng hóa và kéo theo tình trạng khủng hoảng thừa.[18] Với quan điểm gần với Karl Marx, theo Michael Pettis, CTTM là không thể tránh khỏi do sự tập trung tư bản vào các công ty giàu có, sự kiềm hãm sức mua của người lao động tại quốc gia xuất khẩu và sự xuất khẩu khủng hoảng thừa sang các quốc gia khác.[19] Theo đó, Matthew C. Klein và Michael Pettis cho rằng CTTM xảy ra do mối quan hệ bất bình đẳng giữa các tập đoàn sản xuất và người lao động được bọc lên mình lớp vỏ xung đột lợi ích giữa các quốc gia.[20] Bên cạnh đó, sự bùng phát cuộc CTTM ngày nay còn có nguyên do từ sự “ruồng bỏ” đối với WTO. Việc Hoa Kỳ kiên quyết duy trì các trợ cấp nông nghiệp, Trung Quốc kiên quyết không hạ các rào cản thuế quan dẫn đến các vòng đàm phán tự do hóa thương mại tại WTO thất bại, đặc biệt là vòng đàm phán Doha. Thêm vào đó, việc Hoa Kỳ từ bỏ WTO bằng cách ngang nhiên vi phạm các nguyên tắc của WTO với hàng rào thuế quan mang tính trừng phạt và “đóng băng” hệ thống giải quyết tranh chấp WTO, cùng với những khoản trợ cấp khổng lồ và biện pháp kinh tế áp đặt mà Trung Quốc duy trì, đã làm thiết chế thương mại đa phương này ngày càng suy yếu thêm và rơi vào khủng hoảng.[22] Trong bối cảnh cơ quan phúc thẩm bị tê liệt, dù WTO xác định các biện pháp của Hoa Kỳ hay Trung Quốc vi phạm quy tắc thương mại nhưng các phán quyết này không mang lại hiệu quả thực tế.[23] Sự “ruồng bỏ” với thiết chế thương mại đa phương đã trở nên rõ ràng với việc Tổng thống Trump tuyên bố theo đuổi cơ chế “thuế đối ứng và công bằng”.[24] 3. Khái quát về CTTM trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Trump 3.1. Khái quát về CTTM trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Trump Trong nhiệm kỳ lần thứ nhất, Tổng thống Trump đã áp đặt nhiều hàng rào thuế quan đối với nhiều loại hàng hóa, bao gồm pin mặt trời, máy giặt, thép, nhôm và ô tô. Đối với pin mặt trời và máy giặt, dựa trên kết luận điều tra theo Mục 201 Đạo luật Thương mại 1974 từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (“ITC”) xác định rằng lượng nhập khẩu lớn pin mặt trời và máy giặt đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp trong nước,[25] Tổng thống Trump đã áp thuế tự vệ toàn cầu đối với lượng nhập khẩu pin mặt trời có tổng giá trị 8.5 tỷ USD và máy giặt có tổng giá trị 1.8 tỷ USD.[26] Việc áp thuế tự vệ toàn cầu của Tổng thống Trump đã dẫn đến các vụ kiện tại WTO khởi xướng bởi Trung Quốc và Hàn Quốc.[27] Đối với thép và nhôm, sau kết luận điều tra theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 từ Bộ Thương mại rằng thép và nhôm nhập khẩu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia,[28] Tổng thống Trump đã tuyên bố áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu.[29] Phản ứng trước động thái của Tổng thống Trump, Trung Quốc áp thuế trả đũa đối với phế liệu và vụn nhôm, thịt heo, trái cây và các loại hạt, cùng các mặt hàng khác của Hoa Kỳ, với tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 là 2,4 tỷ USD.[30] Các đối tác khác của Hoa Kỳ cũng đã áp dụng các biện pháp trả đũa như EU áp thuế đối với các mặt hàng như rượu bourbon, thuyền máy và du thuyền, xe mô tô, quần jean xanh, ngô và bơ đậu phộng có tổng giá trị là 3.2 tỷ USD;[31] hay Canada áp thuế lên các mặt hàng như thép, nhôm và nông sản có tổng giá trị 16.6 tỷ USD.[32] Việc ký kết Hiệp định Thương mại Hoa Kỳ - Mexico - Canada (United States - Mexico - Canada Agreement, USMCA) mới không khiến các khoản thuế đối với thép và nhôm được rút lại.[33] Trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được thỏa thuận miễn trừ thuế quan bằng việc áp dụng hạn ngạch là 2,68 triệu tấn đối với Hàn Quốc và 1.25 triệu tấn đối với Nhật Bản.[34] Bên cạnh đó, Hoa Kỳ và Hàn Quốc cũng đã đạt được các nhượng bộ khác như tăng nhập khẩu ô tô Hoa Kỳ vào Hàn Quốc và giảm các hàng rào phi thuế quan như nhãn mác, tiêu chuẩn môi trường, thủ tục hải quan phức tạp.[35] Tương tự, EU cũng đã đạt được các nhượng bộ về hạn ngạch nhập khẩu thép và nhôm.[36] Trong đó, nhượng bộ của Nhật Bản và EU đạt được trong giai đoạn nhiệm kỳ Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. (“Tổng thống Joe Biden”) là năm 2021 và 2022.[37] Trong năm 2022, Ban Hội thẩm WTO đã đưa ra phán quyết tuyên bố các thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép và nhôm với viện dẫn an ninh quốc gia là vi phạm các nguyên tắc của WTO.[38] Tuy nhiên, việc Ban Phúc thẩm WTO bị đóng băng có thể khiến việc thực thi phán quyết trở nên khó khăn.[39] Đối với ô tô, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng cuộc điều tra về tác động đến với an ninh quốc gia của ô tô nhập khẩu theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962.[40] Mặc dù Bộ Thương mại xác định nhập khẩu ô tô đe dọa đến an ninh quốc gia, Tổng thống Trump đã hoãn quyết định áp thuế và tiến hành đàm phán thỏa thuận thương mại nhằm điều chỉnh nhập khẩu ô tô.[41] Hiệp định USMCA có thể thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô phải sử dụng nhiều phụ tùng và thành phần xuất xứ từ Hoa Kỳ và tăng lương cho người lao động nhằm tránh việc bị áp thuế.[42] Bên cạnh thuế quan đối với các mặt hàng công nghiệp trên, Tổng thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm chip nhằm bảo đảm vị thế dẫn đầu của Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp chip. Nhiều công ty sản xuất chip Trung Quốc như ZTE, Huawei và các công ty con của Huawei và SMIC đã bị đưa vào “danh sách đen thương mại (Entity List)” - một danh sách yêu cầu các giao dịch với các đối tượng bị liệt kể phải được cấp phép.[43] Đồng thời, chính quyền Tổng thống Trump đã ban hành các lệnh hạn chế xuất khẩu chip nhằm ngăn cản các quốc gia như Trung Quốc, Nga và Venezuela sở hữu được công nghệ sử dụng trong các lĩnh vực vũ khí, máy bay quân sự và công nghệ trinh sát.[44] Các biện pháp hạn chế xuất khẩu tiếp tục được tăng cường trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.[45] Đạo luật CHIPS và Khoa học cũng đã được thông qua trong thời gian Tổng thống Biden tại nhiệm, cung cấp các ưu đãi tín dụng nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chip tại Hoa Kỳ.[46] Phản ứng trước động thái của Hoa Kỳ, công ty TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) đã công bố nhà máy sản xuất tại Hoa Kỳ.[47] Hà Lan và Nhật Bản cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip.[48] Trong khi đó, Trung Quốc không có dấu hiệu nhượng bộ và đã trả đũa bằng lệnh cấm việc nhập khẩu các sản phẩm chip từ công ty Hoa Kỳ Micron dùng cho các hạ tầng thông tin trọng yếu bao gồm hạ tầng viễn thông, vận chuyển và quốc phòng với lo ngại về an ninh mạng.[49] Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Trump đã có những biện pháp mạnh mẽ chống lại những hành vi của Trung Quốc mà Hoa Kỳ cho là không công bằng và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Năm 2017, Báo cáo điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (United States Trade Representative, USTR) theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đã đưa ra kết luận Trung Quốc đã thực hiện những hành vi gian lận thương mại và không công bằng bao gồm cưỡng ép chuyển giao công nghệ và phân biệt đối xử trong các hạn chế đối với thỏa thuận li-xăng.[50] Theo đó, chính quyền Tổng thống Trump đã áp mức thuế 25% lên tổng số hàng hóa có giá trị 50 tỷ đô bao gồm các mặt hàng công nghệ người máy, vũ trụ, cơ khí và ô tô.[51] Đáp trả hành động từ phía Hoa Kỳ, Trung Quốc đã áp thuế 25% lên hàng hóa tổng giá trị 50 tỷ đô bao gồm nông sản, ô tô và thủy sản.[52] Đến năm 2020, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã ký thỏa thuận Giai đoạn I (Phase One Deal) mà theo đó, Trung Quốc chấp nhận các nhượng bộ như nhập khẩu thêm mặt hàng nông sản - thủy sản - thực phẩm, giảm các rào cản đối với dịch vụ tài chính của Hoa Kỳ, chấp nhận các nghĩa vụ liên quan đến chính sách tiền tệ, chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.[53] Tuy nhiên, cho đến cuối năm 2021, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đã không thực hiện bất kỳ cam kết nào trong thỏa thuận Giai đoạn I.[54] Đến năm 2024, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, USTR đã quyết định áp thuế lên các hàng hòa Trung Quốc như tungsten, tấm bán dẫn và polysilicon sau khi kết thúc thủ tục rà soát.[55] Nhìn chung, từ các diễn biến chính trong cuộc CTTM lần thứ nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump, có thể rút ra các đặc điểm chính như sau: Thứ nhất, cuộc CTTM trong nhiệm kỳ thứ nhất của Tổng thống Trump phủ khắp nhiều lĩnh vực từ các mặt hàng công nghiệp như pin mặt trời, thép - nhôm và ô tô đến các lĩnh vực công nghệ cao như chip. Thứ hai, việc áp thuế của chính quyền Tổng thống Trump được thực hiện thông qua đa dạng các thủ tục như thủ tục điều tra thuế tự vệ toàn cầu theo Mục 201, điều tra về an ninh quốc gia theo Mục 232 và điều tra về hành vi gian lận thương mại theo Mục 301. Thứ ba, các quốc gia không có cách phản ứng thống nhất đối với chính sách thuế quan của Tổng thống Trump: Trong khi Hàn Quốc đạt được thỏa thuận nhượng bộ với Hoa Kỳ từ khá sớm, EU và Nhật Bản đạt được thỏa thuận tương tự trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden; Trung Quốc từng đạt được thỏa thuận đối với Hoa Kỳ nhưng thỏa thuận không được thực thi thành công. Tuy vậy, điểm chung của các thỏa thuận này là các quốc gia chịu áp thuế đều chấp nhận nhiều hơn các nhượng bộ đối với Hoa Kỳ. Trên cơ sở các tổng kết đó, có thể thấy rằng diễn biến CTTM là khó lường, có thể phát triển ra nhiều lĩnh vực và dẫn đến các kết quả khác nhau trong mối quan hệ thương mại giữa các quốc gia. 3.2. Khái quát về CTTM trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump Trong nhiệm kỳ lần thứ hai, Tổng thống Trump đã tiếp tục cuộc chiến thuế quan lên nhiều quốc gia và mặt hàng hóa lên nhiều quốc gia. Thuế quan mang tính bao trùm được áp lên nhiều quốc gia và phủ rộng nhiều loại hàng hóa dựa trên các đạo luật như Đạo luật Quyền lực Kinh tế Quốc tế Khẩn cấp (International Emergency Economic Powers Act, IEEPA), Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 và Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974. Động thái đầu tiên chính là áp thuế quan bao trùm 25% lên mọi hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada (dầu và năng lượng nhập khẩu từ Canada chịu thuế 10%), viện dẫn lý do rằng việc Canada và Mexico không giải quyết được vấn đề chất ma túy fentanyl và người nhập cư tràn vào lãnh thổ Hoa Kỳ đe dọa đến an ninh quốc gia theo IEEPA.[56] Sau những nỗ lực đàm phán không thành công, Canada đã tuyên bố thuế trả đũa 25% đối với nhiều loại mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ như nước cam, bơ đậu phộng, rượu vang, rượu mạnh, bia, cà phê, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, xe mô tô, mỹ phẩm và một số sản phẩm bột giấy và giấy.[57] Cuộc thương chiến của Tổng thống Trump đã tạo ra căng thẳng đến mức Thủ tướng Canada đã phải nhìn nhận lại mối quan hệ với Hoa Kỳ, rằng mối quan hệ song phương truyền thống dựa trên các trụ cột hội nhập kinh tế, an ninh chặt chẽ và hợp tác quân sự đã chấm dứt và Hoa Kỳ và Canada đang tiến vào một mối quan hệ khác biệt một cách cơ bản.[58] Khác với Canada, Mexico vẫn chưa tiến hành biện pháp đáp trả nào.[59] Một động thái hạ nhiệt từ Hoa Kỳ chính là việc miễn thuế quan cho các hàng hóa đáp ứng các quy tắc xuất xứ theo Hiệp định USMCA.[60] Đối với Trung Quốc, Tổng thống Trump đã áp dụng nhiều biện pháp thuế quan bao gồm 125% thuế quan đối ứng, 20% thuế quan nhằm giải quyết mối đe dọa an ninh quốc gia do nhập khẩu fentanyl vào Hoa Kỳ và các thuế quan do điều tra theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại 1974 trong khoảng 7.5% đến 100% đối với các loại hàng hóa cụ thể như là ống tiêm, dẫn đến thuế quan bao trùm đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức cao nhất là 245%.[61] Ngoài ra, Tổng thống Trump đã chấm dứt việc miễn thuế đối với các hàng hóa có giá trị dưới 800 đô đến từ Trung Quốc nhằm giải quyết khủng hoảng an ninh quốc gia do nhập khẩu chất giảm đau opioid tổng hợp.[62] Đáp trả các hành động của Hoa Kỳ, Trung Quốc đã trả đũa với tổng mức thuế quan lên đến 125%.[63] Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã áp đặt các lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm và các khoáng sản là nguyên liệu quan trọng cho công nghiệp quốc phòng và ngành y tế Hoa Kỳ nhằm bảo đảm an ninh quốc gia.[64] Khác với kỳ vọng của Tổng thống Trump, Trung Quốc vẫn chưa tiến hành đàm phán ngoại giao với Hoa Kỳ về các vấn đề thương mại và một giải pháp ngoại giao có thể trở nên khó khăn hơn khi mục tiêu của Hoa Kỳ là bảo đảm sự vượt trội về mặt kinh tế, quân sự và khoa học công nghệ.[65] Trong khi đó, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã thực hiện các chuyến thăm đến các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia và Malaysia với các thỏa thuận tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư.[66] Các chuyến thăm trên có thể được giải thích là chiến lược vượt qua các áp lực từ cuộc thương chiến thông qua tăng cường ngoại giao láng giềng.[67] Một lý do khác có thể là Trung Quốc không cảm thấy thật sự có lợi khi tham gia vào một cuộc đàm phán dựa mà chỉ dựa trên quyền lực và mang tính tạm thời (như các ví dụ về các thỏa thuận chấp nhận nhượng bộ từ phía Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU trong CTTTM lần thứ nhất).[68] Đối với các quốc gia khác, sau khi tuyên bố mức thuế đối ứng rất cao với các quốc gia có thâm hụt thương mại (Việt Nam: 46%; Campuchia: 49%; Lào: 48%) Malaysia: 24%; Trung Quốc: 34%; EU: 20%),[69] Tổng thống Trump đã tạm dừng thuế đối ứng trong 90 ngày nhằm tạo thời gian đàm phán và duy trì thuế bao trùm 10% lên hầu hết các quốc gia khác.[70] Trước động thái của Tổng thống Trump, EU đã tạm hoãn thực hiện các biện pháp trả đũa.[71] Về phía Việt Nam, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã trao đổi với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson Greer về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương và bày tỏ mong muốn rằng Việt Nam sẵn sàng đàm phán thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ cũng như đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ và có tiếng nói để Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp áp thuế đối với hàng hoá Việt Nam.[72] Sau khi hai bên nhất trí khởi động đàm phán, phía Việt Nam đã thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ.[73] Động thái hạ nhiệt gần nhất đối với thuế đối ứng đó chính là việc tạm thời miễn áp dụng thuế đối ứng đối với chip bán dẫn và sản phẩm điện tử tiêu dùng như điện thoại thông minh và máy tính.[74] Bên cạnh thuế quan bao trùm, Tổng thống Trump cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể đối với những mặt hàng công nghiệp quan trọng. Cụ thể, đối với thép và nhôm, Tổng thống Trump đã áp thuế toàn cầu 25% đối với nhập khẩu thép và nhôm từ mọi quốc gia.[75] Trước tình hình đó, Canada đã công bố trả đũa bằng thuế quan 25% áp lên các mặt hàng như thép, nhôm, máy tính, dụng cụ thể thao và sản phẩm gang.[76] EU cũng đã tuyên bố trả đũa bằng biện pháp tương tự nhưng đã tạm hoãn sau khi Trump tuyên bố tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày nhằm tìm giải pháp ngoại giao, bao gồm việc tạm dừng thực thi các khoản phạt đối với Apple và Meta.[77] Đối với ô tô, Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với ô tô theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 vì lý do nhập khẩu ô tô đe dọa đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.[78] Nhằm trả đũa, Canada đã áp thuế 25% đối với các ô tô không đáp ứng các điều kiện của Hiệp định USCMA và các ô tô đáp ứng điều kiện của Hiệp định USCMA nhưng có thành phần không có xuất xứ Canada hay Mexico.[79] Đối với sản phẩm gỗ, đồng, chip bán dẫn, dược phẩm và nguyên liệu dược phẩm, các khoáng sản trọng yếu và đất hiếm, Tổng thống Trump đã cho tiến hành các cuộc điều tra theo Mục 232 Đạo luật Mở rộng Thương mại 1962 về ảnh hưởng đối với an ninh quốc gia của các sản phẩm nhập khẩu trên.[80] Hơn nữa, sau lệnh của Tổng thống Trump yêu cầu mở điều tra về gian lận thương mại theo Mục 301 Đạo luật Thương mại 1974 đối với ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc, Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã đề xuất áp dụng thu phí bổ sung theo lộ trình đối với chủ sở hữu và vận hành tàu của Trung Quốc, bên vận hành tàu được đóng bởi Trung Quốc và tàu chở ô tô được đóng bởi nước ngoài, và áp dụng các hạn chế trong việc vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) bằng tàu nước ngoài.[81] Như vậy, từ diễn biến hai cuộc CTTM đã trình bày, có thể thấy rằng CTTM lần thứ hai diễn ra gay gắt với không chỉ các biện pháp thuế quan cụ thể đối với từng loại hàng hóa mà còn bao gồm cả thuế quan bao trùm đối với nhiều loại hàng hóa đối với các quốc gia có thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ theo nhiều đạo luật khác nhau. Tương tự với CTTM lần thứ nhất, nhiều quốc gia đã tiến hành các biện pháp trả đũa. Tuy nhiên, đối với Tổng thống Trump, có thể nhận định rằng giống như trong nhiệm kỳ thứ nhất, thuế quan là một loại công cụ để buộc các quốc gia có thâm hụt thương mại phải tiến hành đàm phán theo các điều khoản thương mại từ phía Hoa Kỳ đề xuất. Trong CTTM lần thứ hai, nhiều quốc gia đã nhanh chóng khởi động đàm phán đối với Hoa Kỳ, cho thấy rằng nhiều quốc gia nhận thấy thương mại tự do vẫn có lợi cho quốc gia của mình cũng như kinh tế toàn cầu hơn là chủ nghĩa bảo hộ. Dù vậy, vẫn tồn tại khả năng việc đàm phán có thể khó khăn và dẫn đến kết quả là chấp nhận các nhượng bộ dựa trên yêu cầu từ phía Hoa Kỳ như quan sát được trong CTTM lần thứ nhất. Về phía Trung Quốc, mặc dù Trung Quốc vẫn chưa khởi động đàm phán với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã tiến hành các chuyến thăm các quốc gia trong khu vực nhằm gia tăng mối liên kết kinh tế nhằm bảo đảm lợi thế thương mại mà không phải chấp nhận các điều khoản bất lợi từ phía Hoa Kỳ. Nhìn chung, phản ứng của các quốc gia tuy khác nhau nhưng đều chia sẻ một góc nhìn chung rằng việc xa rời các quy tắc của trật tự thương mại toàn cầu không có lợi và hệ quả cũng như kết cục của CTTM là khó nắm bắt. Bài viết kỳ này đã giới thiệu tổng quan về CTTM và CTTM diễn biến trong hai nhiệm kỳ của Tổng thống Trump nhằm đưa ra một số dặc điểm nhất định của CTTM. Trong kỳ tiếp theo, bài viết sẽ phân tích các công cụ pháp lý phòng vệ thương mại trong khuôn khổ của WTO và các biện pháp được thực hiện trong hai cuộc CTTM của Tổng thống Trump. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Cambridge Dictionary, ‘Trade war’ < https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/trade-war >, truy cập ngày [08/04/2025]; Oxford Reference, ‘Trade war’ < https://www.oxfordreference.com/display/10.1093/oi/authority.2011080310521910 > truy cập 8/4/2025. [2] Aaditya Mattoo, Robert W. Staiger, ‘Trade Wars: What do they mean? Why are they happening? What are the costs?’ (2019) National Bureau of Economic Research Working Paper 25762 < https://www.nber.org/papers/w25762 > truy cập 8/4/2025. [3][4][6][8] Guoyong Liang, Haoyuan Ding, The US-China Trade War (Routledge 2021), tr. 6-7, 8. [4] Leo Sands, ‘What is a trade war, and is the U.S. in one after Trump’s tariffs?’ The Washington Post < https://www.washingtonpost.com/business/2025/02/03/trump-trade-war-tariffs/ > truy cập 8/4/2025. [5][18] Karl Marx, On the question of Free Trade (Florence Kelley trs, Prefaced by Frederick Engels, New York Labour News Company 1921) [5] William J. Bernstein, ‘No One Wins a Trade War’ The Atlantic < https://www.theatlantic.com/ideas/archive/2025/03/trump-tariff-retaliation-harms/681884/ > truy cập 8/4/2025. [6] Alessandro Nicita, ‘Nobody really wins in a trade war’ (United Nations Conference on Trade and Development (“UNCTAD”), 25 April 2018) < https://unctad.org/news/nobody-really-wins-trade-war > truy cập 8/4/2025. [7] Bryan Keogh, Nicole Zelniker, ‘Why trade wars can be perilous: 5 essential reads’ The Conversation (July 13, 2018) < https://theconversation.com/why-trade-wars-can-be-perilous-5-essential-reads-99725 > truy cập 8/4/2025; Heather Stewart, ‘Trump’s tariffs may be perilous for small, heavily indebted countries in global south’ The Guardian (6 April, 2025) < https://www.theguardian.com/business/2025/apr/06/trumps-tariffs-may-be-perilous-for-small-heavily-indebted-countries-in-global-south > truy cập 8/4/2025. [9] Sarah Pavlak, ‘A Short History of Trade Wars’ (The US-China Business Council , May 24, 2018) < https://www.uschina.org/articles/a-short-history-of-trade-wars/ > truy cập 8/4/2025. [10] James B. Stewart, ‘What History Has to Say About the ‘Winners’ in Trade Wars’ The New York Times (March 8, 2018) < https://www.nytimes.com/2018/03/08/business/tariff-trump-trade-wars.html > truy cập 9/4/2025. [11][12] Robert E. Scott, Zane Mokhiber, ‘The China toll deepens: Growth in the bilateral trade deficit between 2001 and 2017 cost 3.4 million U.S. jobs, with losses in every state and congressional district’ (Economic Policy Institute, October 23, 2018) < https://www.epi.org/publication/the-china-toll-deepens-growth-in-the-bilateral-trade-deficit-between-2001-and-2017-cost-3-4-million-u-s-jobs-with-losses-in-every-state-and-congressional-district/ > truy cập 9/4/2025. [12] US-China Economic and Security Review Commission, ‘2018 Report to Congress: Executive Summary and Key Recommendations’ < https://www.uscc.gov/annual-report/2018-annual-report-congress > truy cập 9/4/2025. [13] US Department of Commerce (“DOC”), ‘2019 Statistical Analysis of U.S. Trade with EU’ truy cập 9/4/2025. [14] United States International Trade Comission (“USITC”), ‘Mexico’ < https://www.usitc.gov/research_and_analysis/trade_shifts_2019/mexico.htm > truy cập 9/4/2025. [15] US Department of Commerce (“DOC”), ‘US Trade with Canada - Canada 2018 Dataportal’ truy cập 11/4/2025. [16] USITC, ‘Viet Nam’ < https://www.usitc.gov/research_and_analysis/trade_shifts_2019/vietnam.htm > truy cập 11/4/2025. [17] United Office of the United States Trade Representative (“USTR”), ‘China Trade Summary’ < https://ustr.gov/countries-regions/china-mongolia-taiwan/peoples-republic-china > truy cập 11/4/2025; USTR, ‘European Union Trade Summary’ < https://ustr.gov/countries-regions/europe-middle-east/europe/european-union#:~:text=The%20U.S.%20goods%20trade%20deficit,(%2426.9%20billion)%20over%202023 .> truy cập 11/4/2025; USTR, ‘Canada Trade Summary’ < https://ustr.gov/countries-regions/americas/canada#:~:text=Canada%20Trade%20Summary&text=U.S.%20goods%20imports%20from%20Canada,(%24926.9%20million)%20over%202023 .> truy cập 11/4/2025; USTR, ‘Mexico Trade Summary’ < https://ustr.gov/countries-regions/americas/mexico#:~:text=The%20U.S.%20goods%20trade%20deficit,(%2419.3%20billion)%20over%202023 .> truy cập 11/4/2025; USTR, ‘Viet Nam Trade Summary’ < https://ustr.gov/countries-regions/southeast-asia-pacific/vietnam#:~:text=U.S.%20goods%20imports%20from%20Vietnam,(%2418.9%20billion)%20over%202023 .> truy cập 11/4/2025. [19] Michael Pettis, ‘Why Trade Wars Are Inevitable’ Foreign Policy (October 19, 2019) < https://carnegieendowment.org/posts/2019/10/why-trade-wars-are-inevitable?lang=en > truy cập 11/4/2025. [20] Matthew C. Klein, Michael Pettis, Trade Wars Are Class Wars: How Rising Inequality Distorts the Global Economy and Threatens International Peace (Yale University Press 2021). [21][22] Kristen Hopewell, ‘The World Is Abandoning the WTO And America and China Are Leading the Way’ Foreign Affairs ( October 7, 2024) < https://www.foreignaffairs.com/united-states/world-abandoning-wto-china-leading-way-kristen-hopewell > truy cập 11/4/2025. [23] David Lawder, ‘WTO fails on dispute reforms before Trump takes office, US ambassador says’ Reuters (December 18 2024) < https://www.reuters.com/world/wto-fails-dispute-reforms-before-trump-takes-office-us-ambassador-says-2024-12-18/ > truy cập 11/4/2025. [24] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Announces “Fair and Reciprocal Plan” on Trade’ (February 13 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/02/fact-sheet-president-donald-j-trump-announces-fair-and-reciprocal-plan-on-trade/ > truy cập 11/4/2025. [25] Office of United States Trade Representative, ‘201 Cases Fact Sheet: Imported Large Residential Washing Machines and Imported Solar Cells and Modules’ < https://ustr.gov/issue-areas/enforcement/section-201-investigations > truy cập 11/4/2025. [26] Chad P. Bown và Junie Joseph, 'Solar and Washing Machine Safeguards in Context: The History of US Section 201 (Peterson Institute for International Economics (“PIIE”), October 31, 2017) < https://www.piie.com/blogs/trade-and-investment-policy-watch/solar-and-washing-machine-safeguards-context-history-us > truy cập 12/4/2025. [27] World Trade Organisation (“WTO”), ‘China initiates dispute complaints against US solar cell duties, renewable energy measures’ (16 August, 2018) < https://www.wto.org/english/news_e/news18_e/ds562_563rfc_16aug18_e.htm > truy cập 12/4/2025; WTO, ‘Korea initiates WTO dispute complaints against US safeguard duties on washers, solar cells’ < https://www.wto.org/english/news_e/news18_e/ds545_546rfc_16may18_e.htm > truy cập 12/4/2025. [28] DOC. ‘Report on the Effect of Imports of Steel on the National Security’ (January 2018) < https://www.bis.doc.gov/index.php/other-areas/office-of-technology-evaluation-ote/section-232-investigations > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Report on the Effect of Imports of Aluminum on the National Security’ (January 2018) truy cập 12/4/2025. [29] David J. Lynch, Damian Paletta, ‘Trump announces steel and aluminum tariffs Thursday over objections from advisers and Republicans’ The Washington Post (March 1, 2018) < https://www.washingtonpost.com/news/business/wp/2018/03/01/white-house-planning-major-announcement-thursday-on-steel-and-aluminum-imports/ > truy cập 12/4/2025. [30] Zhiyao (Lucy) Lu, Jeffrey J. Schott, ‘How Is China Retaliating for US National Security Tariffs on Steel and Aluminum?’ (PIIE, April 9, 2018) < https://www.piie.com/research/piie-charts/2018/how-china-retaliating-us-national-security-tariffs-steel-and-aluminum > truy cập 12/4/2025. [31] Chad P. Bown, Eujin Jung, Zhiyao (Lucy) Lu, ‘Harley Is a Tariff Trend Setter—But Not in a Good Way’ (June 29, 2018) < https://www.piie.com/blogs/trade-and-investment-policy-watch/2018/harley-tariff-trend-setter-not-good-way > truy cập 12/4/2025. [32] Government of Canada, ‘Canada stands up for our steel and aluminum workers and industry’ (June 29, 2018) < https://www.canada.ca/en/global-affairs/news/2018/06/canada-stands-up-for-our-steel-and-aluminum-workers-and-industry.html > truy cập 12/4/2025. [33] Stephanie Dhue, ‘Steel and aluminum tariffs remain a headache despite Trump’s trade deal with Mexico and Canada’ CNBC (November 30, 2018) < https://www.cnbc.com/2018/11/30/steel-aluminum-tariffs-remain-even-after-trump-signs-new-nafta-deal.html > truy cập 12/4/2025. [34] Jeffrey J. Schott, Zhiyao (Lucy) Lu, ‘Korea Steel Deal Means More US Steel Barriers Lie Ahead’ (PIIE, March 28, 2018) < https://www.piie.com/blogs/trade-and-investment-policy-watch/korea-steel-deal-means-more-us-steel-barriers-lie-ahead > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Raimondo, Tai Statements on 232 Tariff Agreement with Japan’ (February 7, 2022) < https://www.commerce.gov/news/press-releases/2022/02/raimondo-tai-statements-232-tariff-agreement-japan > truy cập 12/4/2025. [35] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump is Fulfilling His Promise on The U.S. – Korea Free Trade Agreement and on National Security’ (March 28, 2018) < https://trumpwhitehouse.archives.gov/briefings-statements/president-donald-j-trump-fulfilling-promise-u-s-korea-free-trade-agreement-national-security/ > truy cập 12/4/2025 [36] DOC, ‘Announcement of Actions on EU Imports Under Section 232’ (October 31, 2021) truy cập 12/4/2025. [37] DOC, ‘Raimondo, Tai Statements on 232 Tariff Agreement with Japan’ (February 7, 2022) < https://www.commerce.gov/news/press-releases/2022/02/raimondo-tai-statements-232-tariff-agreement-japan > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Announcement of Actions on EU Imports Under Section 232’ (October 31, 2021) truy cập 12/4/2025. [38] Klint W. Alexander, ‘The 2022 U.S. Steel/Aluminum Tariff Ruling: A Legal Reckoning for the United States and the WTO for the National Security Exception in International Law’ [2023] 72 Am. U. L. Rev. 1137. [39] Sarah Anne Aarup, ‘Reform or die? If the US gets its way, the WTO might do both’ POLITICAL (May 9, 2023) < https://www.politico.eu/article/reform-die-usa-washington-world-trade-organization-wto-ngozi-okonjo-iweala-joe-biden/ > truy cập 12/4/2025. [40] DOC, ‘U.S. Department of Commerce Initiates Section 232 Investigation into Auto Imports’ (May 23, 2018) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2018/05/us-department-commerce-initiates-section-232-investigation-auto-imports.html > truy cập 12/4/2025. [41] White House, ‘Adjusting Imports of Automobiles and Automobile Parts Into the United States’ (May 17, 2019) < https://trumpwhitehouse.archives.gov/presidential-actions/adjusting-imports-automobiles-automobile-parts-united-states/ > truy cập 12/4/2025. [42] Justin Worland, ‘Trump’s NAFTA Replacement Largely Maintains the Status Quo on Free Trade’ TIME (October 1, 2018) < https://time.com/5411444/nafta-trump-deal-usmca/ > truy cập 12/4/2025. [43] DOC, ‘Additions to Entity List’ (March 8, 2016) < https://www.federalregister.gov/documents/2016/03/08/2016-05104/additions-to-the-entity-list > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Department of Commerce Announces the Addition of Huawei Technologies Co. Ltd. to the Entity List’ (May 15, 2019) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2019/05/department-commerce-announces-addition-huawei-technologies-co-ltd.html > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Addition of Certain Entities to the Entity List and Revision of Entries on the Entity List’ (August 21, 2019) < https://www.federalregister.gov/documents/2019/08/21/2019-17921/addition-of-certain-entities-to-the-entity-list-and-revision-of-entries-on-the-entity-list > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Commerce Adds China’s SMIC to the Entity List, Restricting Access to Key Enabling U.S. Technology’ (December 18, 2020) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/12/commerce-adds-chinas-smic-entity-list-restricting-access-key-enabling.html > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Entity List’ < https://www.bis.doc.gov/index.php/policy-guidance/lists-of-parties-of-concern/entity-list > truy cập 12/4/2025. [44] DOC, ‘Commerce Tightens Restrictions on Technology Exports to Combat Chinese, Russian and Venezuelan Military Circumvention Efforts’ (April 27, 2020) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/04/commerce-tightens-restrictions-technology-exports-combat-chinese-0.html > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Commerce Addresses Huawei’s Efforts to Undermine Entity List, Restricts Products Designed and Produced with U.S. Technologies’ (May 15, 2020) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/05/commerce-addresses-huaweis-efforts-undermine-entity-list-restricts.html > truy cập 12/4/2025; DOC, ‘Commerce Department Further Restricts Huawei Access to U.S. Technology and Adds Another 38 Affiliates to the Entity List’ (August 17, 2020) < https://2017-2021.commerce.gov/news/press-releases/2020/08/commerce-department-further-restricts-huawei-access-us-technology-and.html > truy cập 12/4/2025; Asa Fitch, ‘Nvidia Warns of Sales Hit From New U.S. Chip Licensing Requirements for China’ The Wall Street Journal (August 31, 2022) < https://www.wsj.com/articles/nvidia-warns-of-sales-hit-from-new-u-s-chip-licensing-requirements-for-china-11661984074 > truy cập 12/4/2025. [45] DOC, ‘Public Information on Export Controls on Advanced Computing and Semiconductor Manufacturing Items to the People’s Republic of China (PRC) in 2022 and 2023’ (November 6, 2023) < https://www.bis.doc.gov/index.php/about-bis/newsroom/2082 > truy cập 12/4/2025. [46] David Shepardson, Jeff Mason, ‘Biden signs bill to boost U.S. chips, compete with China’ Reuters (August 10, 2022) < https://www.reuters.com/technology/biden-sign-bill-boost-us-chips-compete-with-china-2022-08-09/ > truy cập 12/4/2025. [47] TSMC, ‘TSMC Announces Intention to Build and Operate an Advanced Semiconductor Fab in the United States’ (May 15, 2020) < https://pr.tsmc.com/english/news/2033 > truy cập 12/4/2025. [48] Toby Sterling, Karen Freifeld, Alexandra Alper, ‘Dutch to restrict semiconductor tech exports to China, joining US effort’ Reuters (March 9, 2023) < https://www.reuters.com/technology/dutch-responds-us-china-policy-with-plan-curb-semiconductor-tech-exports-2023-03-08/ > truy cập 12/4/2025; Tim Kelly, Miho Uranaka, ‘Japan restricts chipmaking equipment exports as it aligns with US China curbs’ Reuters (March 31, 2023) < https://www.reuters.com/technology/japan-restrict-chipmaking-equipment-exports-aligning-it-with-us-china-curbs-2023-03-31/ > truy cập 12/4/2025. [49] Chang Che, ‘China Bans Some Sales of Chips From U.S. Company Micron’ The New York Times (May 21, 2023) < https://www.nytimes.com/2023/05/21/business/china-ban-microchips-micron.html > truy cập 12/4/2025. [50] USTR, ‘Investigation: Technology Transfer, Intellectual Property, and Innovation’ (March 22, 20180 < https://ustr.gov/issue-areas/enforcement/section-301-investigations/section-301-china/investigation > truy cập 14/4/2025. [51] Andrew Mayeda, Jenny Leonard, ‘Trade War's Battle Lines Drawn as U.S., China Set Tariff Lists’ Bloomberg (June 16, 2018) < https://www.bloomberg.com/politics/articles/2018-06-15/trump-targets-50-billion-in-china-goods-vows-more-if-needed > truy cập 14/4/2025. [52] Dominic Rushe, ‘China retaliates against Trump's $50bn in tariffs, escalating possibility of trade war’ The Guardian (New York, Friday 15, 2018) < https://www.theguardian.com/us-news/2018/jun/15/trump-50bn-china-tariffs > truy cập 14/4/2025. [53] Economic and Trade Agreement Between the Government of the United States and the Government of the People’s Republic of China, Phase One Deal; United States Office of Trade Representative, ‘Fact Sheets: Phase One Agreement’ < https://ustr.gov/countries-regions/china-mongolia-taiwan/peoples-republic-china/phase-one-trade-agreement/fact-sheets > truy cập 14/4/2025. [54] Chad P. Bown, ‘China bought none of the extra $200 billion of US exports in Trump's trade deal’ (PIIE, July 19, 2022) < https://www.piie.com/blogs/realtime-economics/2022/china-bought-none-extra-200-billion-us-exports-trumps-trade-deal > truy cập 14/4/2025. [55] USTR, ‘USTR Finalizes Action on China Tariffs Following Statutory Four-Year Review’ (September 13, 2024) < https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2024/september/ustr-finalizes-action-china-tariffs-following-statutory-four-year-review > truy cập 14/4/2025; USTR, ‘USTR Increases Tariffs Under Section 301 on Tungsten Products, Wafers, and Polysilicon, Concluding the Statutory Four-Year Review’ (December 11, 2024) < https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2024/december/ustr-increases-tariffs-under-section-301-tungsten-products-wafers-and-polysilicon-concluding > truy cập 14/4/2025. [56] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Proceeds with Tariffs on Imports from Canada and Mexico’ (March 3, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/03/fact-sheet-president-donald-j-trump-proceeds-with-tariffs-on-imports-from-canada-and-mexico/ > truy cập 18/4/2025. [57] Government of Canada, ‘Canada announces robust tariff package in response to unjustified U.S. tariffs’ (March 4, 2025) < https://www.canada.ca/en/department-finance/news/2025/03/canada-announces-robust-tariff-package-in-response-to-unjustified-us-tariffs.html > truy cập 18/4/2025. [58] Max Saltman, ‘Old US-Canada relationship is ‘over,’ warns Canadian prime minister’ CNN (March 28, 2025) < https://edition.cnn.com/2025/03/27/americas/canada-trump-tariffs-response-latam-intl/index.html > truy cập 18/42025. [59] Raul Cortes, Kylie Madry, ‘Mexico seeks to avoid retaliatory tariffs against US, but not ruling them out’ Reuters (April 8, 2025) < https://www.reuters.com/world/americas/mexico-would-like-avoid-imposing-reciprocal-tariffs-us-2025-04-0 > truy cập 18/4/2025. [60] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Adjusts Tariffs on Canada and Mexico to Minimize Disruption to the Automotive Industry’ (March 6, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/03/fact-sheet-president-donald-j-trump-adjusts-tariffs-on-canada-and-mexico-to-minimize-disruption-to-the-automotive-industry/ > truy cập 19/4/2025. [61] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Ensures National Security and Economic Resilience Through Section 232 Actions on Processed Critical Minerals and Derivative Products’ (April 15, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-ensures-national-security-and-economic-resilience-through-section-232-actions-on-processed-critical-minerals-and-derivative-products/ > truy cập 19/4/2025; Gavin Bade, ‘How Did Trump’s Team Get to a 245% Tariff Level for China? Is That New?’ The Wall Street Journal ( April 16, 2025) < https://www.wsj.com/livecoverage/stock-market-trump-tariffs-trade-war-04-16-25/card/how-did-trump-s-team-get-to-a-245-tariff-level-for-china-is-that-new--G1hvNFzyOCp1k1ZFlUbJ > truy cập 19/4/2025. [62] White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Closes De Minimis Exemptions to Combat China’s Role in America’s Synthetic Opioid Crisis’ (April 2, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-closes-de-minimis-exemptions-to-combat-chinas-role-in-americas-synthetic-opioid-crisis/ > truy cập 20/4/2025. [63] Office of the Tariff Committee of the State Council of the People’s Republic of China, ‘The State Council Tariff Commission issued an announcement to adjust the tariff measures on imported goods originating from the United States’ (April 11, 2025) < https://gss.mof.gov.cn/gzdt/zhengcejiedu/202504/t20250411_3961824.htm > truy cập 20/4/2025. [64] Ministry of Commerce of the People’s Republic of China, ‘Ministry of Commerce Announcement No. 22 of 2025 to add 12 U.S. entities to the export control list’ (April 9, 2025) < https://www.mofcom.gov.cn/zwgk/zcfb/art/2025/art_c6b190344a154e6f831e0fdfc190e41e.html > truy cập 20/4/2025; Katrina Northrop, Lyric Li, ‘China’s restrictions on rare earths could hurt U.S. health care’ The Wall Street Journal (April 18, 2025) < https://www.washingtonpost.com/world/2025/04/18/china-restricts-rare-earths-export/ > truy cập 20/4/2025. [65] John Liu, ‘Forget Negotiating. China and the US Are Still Fighting About Talking’ Bloomberg News (Beijing, April 18, 2025) < https://www.bloomberg.com/news/newsletters/2025-04-18/forget-negotiating-china-and-the-us-are-still-fighting-about-talking > truy cập 20/4/2025. [66] Voice of Viet Nam (“VOV”), ‘China hails outcomes of Xi Jinping’s state visit to Vietnam’ (April 18, 2025) < https://english.vov.vn/en/politics/diplomacy/china-hails-outcomes-of-xi-jinpings-state-visit-to-vietnam-post1192677.vov > truy cập 20/4/2025. [67][68] Lizzi C. Lee, ‘The Art of Not Dealing: China’s 3-Ring Strategy for a Prolonged Trade War’ The Diplomat (April 15, 2025) < https://archive.ph/nxtiD#selection-1103.24-1103.97 > truy cập 20/4/2025. [67] Megan Messerly et al. , ‘Trump wants to make a deal with China. Here’s how he’s trying to make that happen’ (April 16, 2025) < https://www.politico.com/news/2025/04/16/trump-china-trade-strategy-00291979 > truy cập 20/4/2025. [69][70] Executive Order No. 14257 90 FR 15041 (April 2, 2025) < https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/04/regulating-imports-with-a-reciprocal-tariff-to-rectify-trade-practices-that-contribute-to-large-and-persistent-annual-united-states-goods-trade-deficits/ > truy cập 20/4/2025. [70] Executive Order No. 14257 90 FR 15041 (April 2, 2025) < https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/04/regulating-imports-with-a-reciprocal-tariff-to-rectify-trade-practices-that-contribute-to-large-and-persistent-annual-united-states-goods-trade-deficits/ > truy cập 20/4/2025. [71] Lorne Cook, David Mchugh, ‘EU pauses tariff retaliation for 90 days to match Trump move, holding out hope for talks’ The Associated Press (April 10, 2025) < https://apnews.com/article/europe-trump-tariffs-retaliation-trade-eu-vdl-ad6cde9920b6336789b9e2e9935c69f > truy cập 21/4/2025. [72] Trần Mạnh, ‘Việt Nam, Hoa Kỳ thống nhất khởi động đàm phán thỏa thuận thương mại đối ứng’ Báo Điện tử Chính phủ (10/4/2025) < https://baochinhphu.vn/viet-nam-hoa-ky-thong-nhat-khoi-dong-dam-phan-thoa-thuan-thuong-mai-doi-ung-102250410051631818.htm > truy cập 20/4/2025. [73] Báo Điện tử Chính phủ, ‘Thành lập Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ’ (12/04/2025) < https://baochinhphu.vn/thanh-lap-doan-dam-phan-chinh-phu-ve-cac-van-de-thuong-mai-voi-hoa-ky-102250412211650661.htm > truy cập 20/4/2025. [74] White House, ‘Clarification of Exceptions Under Executive Order 14257 of April 2, 2025, as Amended’ < https://www.whitehouse.gov/presidential-actions/2025/04/clarification-of-exceptions-under-executive-order-14257-of-april-2-2025-as-amended/ > truy cập 21/4/2025; Helen Davidson, ‘Trump warns exemptions on smartphones, electronics will be short-lived, promises future tariffs’ The Guardian (April 14, 20205) < https://www.theguardian.com/us-news/2025/apr/14/trump-warns-exemptions-on-smartphones-electronics-will-be-short-lived-promises-future-tariffs-president-china > truy cập 21/4/2025. [75] Proclamation 10895 90 FR 9807 < https://www.federalregister.gov/documents/2025/02/18/2025-02832/adjusting-imports-of-aluminum-into-the-united-states > truy cập 20/4/2025. [76] Government of Canada, ‘Canada responds to unjustified U.S. tariffs on Canadian steel and aluminum products’ (March 12, 2025) < https://www.canada.ca/en/department-finance/news/2025/03/canada-responds-to-unjustified-us-tariffs-on-canadian-steel-and-aluminum-products.html > truy cập 20/4/2025. [77] European Commission, ‘Commission proposal to impose trade countermeasures against US obtains necessary support from EU Member States’ (April 9, 2025) < https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/statement_25_1025 > truy cập 20/4/2025; European Commission, ‘Statement by President von der Leyen’ (April 10, 2025) < https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/statement_25_1036 > truy cập 20/4/2025; Kim Mackrael, Sam Schnechner, ‘EU Delayed Punishing Apple, Meta Just Before Trade Talks Started’ The Wall Street Journal (April 18, 2025) < https://www.wsj.com/tech/eu-meta-apple-punishment-delay-0453d7a0 > truy cập 21/4/2025. [78] Proclamation 10908 90 FR 14705, < https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/03/2025-05930/adjusting-imports-of-automobiles-and-automobile-parts-into-the-united-states > truy cập 20/4/2025. [79] Government of Canada, ‘Canada announces entry into force of countermeasures against auto imports from the United States’ (April 8, 2025) < https://www.canada.ca/en/department-finance/news/2025/04/canada-announces-entry-into-force-of-countermeasures-against-auto-imports-from-the-united-states.html > truy cập 20/4/2025. [80] DOC, ‘Notice of Request for Public Comments on Section 232 National Security Investigation of Imports of Pharmaceuticals and Pharmaceutical Ingredients’ (April 16, 2025) < https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/16/2025-06587/notice-of-request-for-public-comments-on-section-232-national-security-investigation-of-imports-of > truy cập 20/4/2025; DOC, ‘Notice of Request for Public Comments on Section 232 National Security Investigation of Imports of Semiconductors and Semiconductor Manufacturing Equipment’ (April 16, 2025) < https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/16/2025-06591/notice-of-request-for-public-comments-on-section-232-national-security-investigation-of-imports-of > truy cập 20/4/2025; White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Ensures National Security and Economic Resilience Through Section 232 Actions on Processed Critical Minerals and Derivative Products’ (April 15, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-ensures-national-security-and-economic-resilience-through-section-232-actions-on-processed-critical-minerals-and-derivative-products/ > truy cập 20/4/2025; White House, ‘Fact Sheet: President Donald J. Trump Addresses the Threat to National Security from Imports of Copper’ (April 25, 2025) < https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/02/fact-sheet-president-donald-j-trump-addresses-the-threat-to-national-security-from-imports-of-copper/ > truy cập 21/4/2025; Executive Order 14223 90 FR 11359 < https://www.federalregister.gov/documents/2025/03/06/2025-03693/addressing-the-threat-to-national-security-from-imports-of-timber-lumber-and-their-derivative > truy cập 21/4/2025. [81] Executive Order 14269 90 FR 15635 < https://www.federalregister.gov/documents/2025/04/15/2025-06465/restoring-americas-maritime-dominance > truy cập 21/4/2025; USTR, ‘USTR Section 301 Action on China’s Targeting of the Maritime, Logistics, and Shipbuilding Sectors for Dominance’ < https://ustr.gov/about/policy-offices/press-office/press-releases/2025/april/ustr-section-301-action-chinas-targeting-maritime-logistics-and-shipbuilding-sectors-dominanc > truy cập 21/4/2025.
- [51] TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI CỦA QUỐC GIA TRONG LUẬT MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ
Tác giả: Chu Trang Anh, Nguyễn Thị Minh Hằng, Nguyễn Ngọc Trâm Tóm tắt: Trong bối cảnh hiện nay, bảo vệ môi trường không chỉ là vấn đề của một quốc gia mà là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Các sự cố môi trường xuyên biên giới, như ô nhiễm nguồn nước hay việc tàn phá hệ sinh thái chung giữa các quốc gia, không chỉ gây thiệt hại cho quốc gia nơi xảy ra sự cố mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia khác. Khi những thiệt hại này xảy ra, câu hỏi về trách nhiệm của quốc gia gây ra thiệt hại và cơ chế bồi thường là một vấn đề quan trọng. Bài nghiên cứu này trước hết sẽ phân tích cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế, làm rõ phương pháp xác định trách nhiệm này qua các công ước quốc tế, và phân tích một số vụ điển hình để làm sáng tỏ các cách tiếp cận khác nhau của các cơ quan tài phán trong việc giải quyết các tranh chấp về thiệt hại môi trường xuyên biên giới. Bài nghiên cứu cũng sẽ chỉ ra các hạn chế trong việc xác định và chứng minh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay trong việc giải quyết các vấn đề môi trường xuyên biên giới. Từ khóa: Luật môi trường quốc tế, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nguyên tắc không gây hại, nguyên tắc ngăn ngừa, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải bồi thường 1. Cơ sở pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế được xây dựng dựa trên các nguyên tắc pháp lý cơ bản nhằm đảm bảo việc bảo vệ môi trường và ngăn ngừa các tác động tiêu cực xuyên biên giới.[1] Các nguyên tắc này không chỉ định hướng cho hành vi của các quốc gia mà còn thiết lập nền tảng cho trách nhiệm pháp lý khi xảy ra thiệt hại môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh các vấn đề môi trường thường mang tính chất xuyên biên giới, việc tuân thủ và thực thi các nguyên tắc này trở nên cấp thiết để đảm bảo sự hợp tác và trách nhiệm giữa các quốc gia. Một số nguyên tắc quan trọng trong vấn đề này là: (i) nguyên tắc không gây hại; (ii) nguyên tắc ngăn ngừa; và (iii) nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.[2] 1.1. Nguyên tắc không gây hại (No-harm principle) Nguyên tắc không gây hại thuộc nhóm nguyên tắc về ngăn ngừa ( prevention ), và là một trong những nguyên tắc cơ bản trong luật môi trường quốc tế.[3] Nguyên tắc này được thiết lập trong Vụ Nhà máy Trail Smelter ( Hoa Kỳ v. Canada ) với phán quyết rằng: “Không quốc gia nào có quyền sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình theo cách gây tổn hại do khói bụi trong hoặc đối với lãnh thổ của quốc gia khác, cũng như đối với tài sản hoặc cá nhân trong lãnh thổ đó, khi vụ việc có hậu quả nghiêm trọng và thiệt hại được chứng minh bằng bằng chứng rõ ràng và thuyết phục.”[4] Bên cạnh đó, nguyên tắc không gây hại đã được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) công nhận là một phần của luật tập quán quốc tế trong Vụ Corfu Channel (Anh v. Albania) , khi ICJ nhắc đến sự tồn tại của “[...] một số nguyên tắc chung và được công nhận rộng rãi, cụ thể là nghĩa vụ của mỗi quốc gia không được cho phép lãnh thổ của mình bị sử dụng để thực hiện các hành vi vi phạm quyền của các quốc gia khác.”[5] Qua hai vụ việc trên, nguyên tắc đã được sử dụng như một chuẩn mực chính để xác định trách nhiệm của quốc gia khi gây ra thiệt hại xuyên biên giới. Nội dung nguyên tắc nhấn mạnh quốc gia không được sử dụng hoặc cho phép sử dụng lãnh thổ của mình theo cách gây thiệt hại nghiêm trọng đến lãnh thổ, tài sản hoặc con người của quốc gia khác.[6] Do đó, việc gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường của quốc gia khác thông qua việc sử dụng lãnh thổ của mình được coi là vi phạm nghĩa vụ quốc tế và liên quan trực tiếp đến nguyên tắc này. 1.2. Nguyên tắc ngăn ngừa (Prevention principle) Các nguyên tắc và khái niệm trong luật môi trường quốc tế (Nguồn: Pierre-Marie Dupuy and Viñuales Jorge E, International Environmental Law 2nd edn., Cambridge University Press 2018, tr. 62.) Cũng thuộc nhóm nguyên tắc ngăn ngừa như nguyên tắc không gây hại, nguyên tắc ngăn ngừa[7] được coi là “nguyên tắc vàng” của luật môi trường quốc tế. Mặc vậy, nguyên tắc ngăn ngừa lại ít được nghiên cứu sâu do bị lu mờ bởi các cuộc thảo luận về phòng ngừa và phát triển bền vững.[8] Tuy nhiên, hiểu rõ nguyên tắc này là cần thiết để xác định nghĩa vụ của các quốc gia theo luật tập quán quốc tế và giải thích các điều khoản trong các điều ước quốc tế (ĐƯQT) về môi trường.[9] Nguyên tắc ngăn ngừa lần đầu tiên được thừa nhận trong luật quốc tế như một sự cấm đoán gây hại đến lãnh thổ của quốc gia khác và được công nhận trong phán quyết quan trọng của Vụ Nhà máy Trail Smelter .[10] Sau đó, nguyên tắc này được củng cố thông qua Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stockholm về Môi trường Con người năm 1972 (Tuyên bố Stockholm), thể hiện sự phát triển đáng kể của nguyên tắc này vào thời điểm đó.[10] Cụ thể, Nguyên tắc 21 của Tuyên bố Stockholm khẳng định quyền chủ quyền của các quốc gia trong việc khai thác tài nguyên, đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm đảm bảo các hoạt động trong phạm vi quyền tài phán của họ không gây thiệt hại đến môi trường của các quốc gia khác hoặc các khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia.[12] Nguyên tắc 21 không chỉ củng cố nguyên tắc không gây hại ( no-harm principle ) mà còn thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của luật môi trường quốc tế bằng cách mở rộng trách nhiệm của các quốc gia đối với các khu vực nằm ngoài lãnh thổ của họ và nhấn mạnh nghĩa vụ ngăn chặn thiệt hại môi trường ngay từ đầu, khi nhận thấy có dấu hiệu có thể gây thiệt hại.[13] Một ví dụ về việc áp dụng nguyên tắc ngăn ngừa có thể kể đến Vụ kiện Biển Đông ( Philippines v. Trung Quốc ).[14] Trong vụ việc trên, tòa án nhấn mạnh rằng các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường biển trong Phần XII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) áp dụng cho tất cả các quốc gia, bất kể bên trong hay bên ngoài phạm vi tài phán quốc gia.[15] Điều này có nghĩa rằng chủ quyền quốc gia không ảnh hưởng đến việc áp dụng các nghĩa vụ môi trường theo UNCLOS. Do đó, các quốc gia phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, bao gồm cả khu vực đáy biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia. 1.3. Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền (Polluter-Pays Principle) Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” (Polluter-Pays Principle - PPP) được áp dụng để phân bổ chi phí cho các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, nhằm đảm bảo việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên môi trường và tránh tác động tiêu cực đến thương mại cũng như đầu tư quốc tế.[16] Nguyên tắc này được quy định tại Nguyên tắc 16 Tuyên bố Rio năm 1992.[17] “Các cơ quan quốc gia nên nỗ lực thúc đẩy việc nội hóa chi phí môi trường và sử dụng các công cụ kinh tế, đồng thời xem xét nguyên tắc rằng bên gây ô nhiễm, về nguyên tắc, phải chịu chi phí ô nhiễm, với sự cân nhắc đến lợi ích công cộng và không làm sai lệch thương mại cũng như đầu tư quốc tế.”[18] Theo nguyên tắc này, bên gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm tài chính cho các biện pháp bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền quy định,[19] đồng thời chi phí này cần được phản ánh trong giá thành của hàng hóa và dịch vụ gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng.[20] PPP hiện được áp dụng tùy theo hệ thống pháp luật, cơ quan áp dụng và loại văn bản pháp lý liên quan.[21] Một số quốc gia như Canada và các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đã pháp điển hóa nguyên tắc này, trong khi các quốc gia khác, điển hình là Hoa Kỳ chưa làm như vậy, tuy nhiên vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ nguyên tắc này.[22] PPP vẫn đang tiếp tục phát triển mà không có ranh giới cố định nào về cách thức thực thi được quy định bởi một hệ thống pháp luật, tổ chức, hay cơ quan chính phủ nào cụ thể.[23] Dù nguyên tắc này đã được ghi nhận trong một số ĐƯQT như Công ước Basel năm 1989 và Thỏa thuận Paris năm 2015, nhưng việc áp dụng vẫn chưa thống nhất, đặc biệt là trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn trong việc chi trả chi phí môi trường.[24] Việc hiểu rõ và áp dụng đúng các nguyên tắc này là nền tảng cho việc xây dựng và thực thi trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng phức tạp và mang tính chất xuyên biên giới.[25] 2. Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế Pháp luật quốc tế về môi trường hiện nay vẫn đang trong quá trình phát triển và chưa hoàn thiện. Cho đến nay, chưa có một ĐƯQT chung nào được ký kết để điều chỉnh vấn đề bồi thường thiệt hại môi trường, do đó, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế vẫn là một vấn đề phức tạp.[26] Theo một số học giả có uy tín như Malcolm Shaw và Pierre-Marie Dupuy, có hai học thuyết về việc xác trách nhiệm quốc gia đối với các hành vi sai phạm quốc tế: thuyết trách nhiệm chủ quan ( subjective responsibility ) và học thuyết trách nhiệm khách quan ( objective responsibility ).[27] Học thuyết trách nhiệm chủ quan nhấn mạnh rằng cần phải có yếu tố cố ý ( dolus ) hoặc sơ suất ( culpa ) của các cá nhân liên quan trước khi quốc gia đó có thể bị bắt buộc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Liên hệ với lĩnh vực luật môi trường quốc tế, cần chứng minh được yếu tố “lỗi” ( fault ) như không thực hiện đúng các nghĩa vụ bảo vệ môi trường để một quốc gia phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.[28] Ngược lại, học thuyết trách nhiệm khách quan cho rằng trách nhiệm của quốc gia là tuyệt đối và không cần chứng minh lỗi.[29] Trách nhiệm theo học thuyết này còn được gọi là trách nhiệm nghiêm ngặt ( strict liability ), nghĩa là ngay cả khi một quốc gia chứng minh được là không có lỗi, hoặc không vi phạm nghĩa vụ quốc tế, thì quốc gia đó vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường do các hành vi gây nguy hại mà mình gây ra, đặc biệt là trong các hoạt động có nguy cơ cao hoặc đặc biệt nguy hiểm.[30] Theo Malcolm Shaw, phần lớn các vụ án và ý kiến học giả hiện nay nghiêng về trách nhiệm khách quan.[31] Trong Vụ Nhà máy Trail Smelter , Trail Smelter - một nhà máy luyện kim tại Bang British Columbia, Canada - đã thải ra khí thải độc bay sang và gây thiệt hại cho lãnh thổ Bang Washington của Mỹ.[32] Bên cạnh việc kết luận Canada phải bồi thường cho các thiệt hại đã được chứng minh, Tòa trọng tài năm 1941 còn yêu cầu Canada tiếp tục bồi thường nếu thiệt hại tiếp tục xảy ra, ngay cả khi Canada đã tuân thủ các chế độ kiểm soát được quy định trong Phán quyết trọng tài.[33] Như vậy, dù Canada không tiếp tục gây ra lỗi thì Canada vẫn phải chịu trách nhiệm nếu thiệt hại tiếp tục xảy ra. Phán quyết của Tòa trọng tài trong Vụ Nhà máy Trail Smelter được cho là ủng hộ học thuyết trách nhiệm khách quan.[34] Bên cạnh yếu tố lỗi, “thiệt hại” ( damage ) là một yếu tố cơ bản trong việc kích hoạt trách nhiệm bồi thường.[35] Ví dụ, UNCLOS quy định quốc gia có nghĩa vụ bồi thường cho thiệt hại môi trường do cá nhân hoặc pháp nhân thuộc quyền tài phán của mình gây ra.[36] Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu quốc gia chỉ phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại đã phát sinh hay còn phải chịu trách nhiệm cho thiệt hại chưa xảy ra, nói cách khác là cho rủi ro thiệt hại ( risk ) hay không. Theo Malcolm Shaw, luật quốc tế hiện nay không công nhận trách nhiệm đối với rủi ro thiệt hại, ngoại trừ trong các trường hợp hoạt động cực kỳ nguy hiểm ( ultra-hazardous activities ).[37] Tuy nhiên cũng có ĐƯQT công nhận trách nhiệm đối với rủi ro thiệt hại. Cụ thể, Điều 1(4) UNCLOS đã định nghĩa ô nhiễm môi trường biển là “việc đưa vào môi trường biển, trực tiếp hoặc gián tiếp, các hoá chất hoặc năng lượng [...] có thể dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến [...] những tác động có hại”.[36] Quy định trên cho thấy thiệt hại thực tế không nhất thiết phải xảy ra để quốc gia phải chịu trách nhiệm. Như vậy, trong tương lai có khả năng luật quốc tế sẽ phát triển theo hướng công nhận trách nhiệm đối với rủi ro thiệt hại.[39] Trong nhiều trường hợp, việc quốc gia vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường, chẳng hạn như không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường ( environmental impact assessments ) hoặc nghĩa vụ thẩm định chuyên sâu ( due-diligence ), cũng có thể dẫn đến trách nhiệm ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra hoặc không thể chứng minh được một cách rõ ràng.[40] Điều này cũng phản ánh nguyên tắc ngăn ngừa trong luật môi trường quốc tế, yêu cầu quốc gia phải chủ động kiểm soát và giảm thiểu rủi ro môi trường, đặc biệt trong các lĩnh vực có thể gây thiệt hại xuyên biên giới.[41] Có thể thấy, luật quốc tế hiện nay chưa có quy định thống nhất về các yếu tố xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia. Tuy nhiên, các yếu tố thường được nhắc đến gồm yếu tố lỗi, thiệt hại hay tác động của thiệt hại, và việc vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường quốc tế (như nghĩa vụ thẩm định chuyên sâu). Mỗi ĐƯQT khác nhau có các quy định khác nhau, do đó cần dựa vào tình huống cụ thể để xác định trách nhiệm bồi thường nêu trên. 3. Hạn chế trong việc xác định và chứng minh trách nhiệm bồi thường thiệt hại hiện nay Việc xác định và chứng minh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các quốc gia trong luật môi trường quốc tế hiện nay là vô cùng khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc: (i) khung pháp lý về vấn đề này chưa được hoàn thiện rõ ràng (chưa quy định rõ ràng về hệ thống khái niệm, thiếu hệ thống án lệ, hệ thống luật chưa thống nhất, còn rải rác trong nhiều văn bản khác nhau); và (ii) sự thiếu hợp tác của các quốc gia trong xây dựng khung pháp lý về ngành luật này. Trong luật môi trường quốc tế, nhiều cuộc tranh luận liên quan đến việc xác định chuẩn mực của các quy tắc thuộc ngành luật này, và liệu nó có được coi là quy phạm jus cogens hay nghĩa vụ erga omnes không?[42][43] Vụ Trọng tài Iron Rhine cũng chỉ ra những bất cập trong hệ thống luật hiện nay: “Có nhiều tranh luận đáng kể về việc, trong lĩnh vực luật môi trường, điều gì cấu thành ‘quy tắc’ hoặc ‘nguyên tắc’; điều gì được coi là ‘luật mềm’; và những quy tắc hoặc nguyên tắc nào trong các ĐƯQT về môi trường đã đóng góp vào sự phát triển của luật tập quán quốc tế.”[44] Các quy chế còn nhiều tranh cãi và chưa đầy đủ, chẳng hạn như việc định nghĩa thiệt hại môi trường vẫn là một vấn đề khó khăn bởi các ĐƯQT khác nhau có các định nghĩa và cách tiếp cận khác nhau.[45] Các quốc gia chưa thực sự coi trọng việc giải quyết vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với thiệt hại môi trường, và chỉ có một số ít các cơ chế môi trường quốc tế áp dụng việc bồi thường và chịu trách nhiệm cho các quốc gia.[46] Một vài ĐƯQT môi trường quốc tế chuyên biệt áp dụng trách nhiệm dân sự lên các cá nhân, nhưng không xây dựng hệ thống bồi thường cho các quốc gia.[47] Ngoài ra, hệ thống pháp luật môi trường quốc tế còn tồn tại những thoả thuận quốc tế chưa quy định rõ ràng trách nhiệm pháp lý về việc bồi thường. Công ước về Ô nhiễm Không khí Xuyên biên giới Tầm xa năm 1979 (CLTAP) có một chú thích nêu rõ rằng Công ước “không chứa quy tắc về trách nhiệm pháp lý của quốc gia đối với thiệt hại”.[48] Tương tự, Thỏa thuận Paris năm 2015, mặc dù Điều 8 có quy định về ‘tổn thất và thiệt hại liên quan đến các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu’, quyết định thông qua Thỏa thuận Paris ghi nhận rằng quy định này ‘không bao gồm hoặc cung cấp cơ sở cho bất kỳ trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường nào’.[49] Kể từ năm 1992, các cơ quan tài phán quốc tế như ICJ, Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) và các tòa trọng tài đã đưa ra nhiều phán quyết về các vụ việc liên quan đến môi trường; tuy nhiên, các phán quyết này còn hạn chế về số lượng và phạm vi để hình thành nên một hệ thống pháp luật toàn diện.[50] Tiếp đến, cơ sở pháp lý dẫn đến việc quốc gia phải chịu trách nhiệm về thiệt hại môi trường còn không chắc chắn.[51] Tiền lệ duy nhất buộc một quốc gia chịu trách nhiệm rõ ràng về thiệt hại môi trường theo luật quốc tế là Nghị quyết 687 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, được thông qua sau cuộc xâm lược và chiếm đóng Kuwait của Iraq vào năm 1991.[52] Các vấn đề xung quanh việc xác định ngưỡng cho phép gây thiệt hại và các tiêu chuẩn ứng xử phù hợp đối với môi trường thường rất khó xác định.[53] Điều này chủ yếu xuất phát từ sự chênh lệch năng lực bảo vệ môi trường và tránh tác hại môi trường quốc tế giữa các quốc gia khác nhau khiến việc xác định một tiêu chuẩn ứng xử hợp lý nói chung là rất khó khăn.[54] Hơn nữa, tác nhân gây tổn hại đến môi trường thường xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, gây khó khăn trong việc xác định nguyên nhân thực sự gây tổn hại.[55] Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc quy kết trách nhiệm đối với quốc gia vi phạm, và đặt câu hỏi liệu quốc gia đó có hay không là yếu tố dẫn đến tổn hại môi trường.[56] Vấn đề xác định quốc gia nào thực sự chịu thiệt hại càng trở nên phức tạp, đặc biệt khi tác động môi trường lan rộng, ảnh hưởng toàn cầu, hoặc xảy ra ở những khu vực không thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào (“tài sản chung của nhân loại”).[57] Ngoài ra, pháp luật môi trường quốc tế hiện hành còn thiếu những quy định trong xác định ngưỡng vi phạm và mức bồi thường thực tế mà quốc gia phải chịu. Đặc biệt, số tiền bồi thường là bao nhiêu và cách tính số tiền bồi thường như thế nào luôn là những câu hỏi phức tạp về kinh tế, chính trị và triết học, hiện chưa có lời giải đáp.[58] 4. Kết luận Bài nghiên cứu đã phân tích trách nhiệm bồi thường thiệt hại của quốc gia trong luật môi trường quốc tế, làm rõ các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc không gây hại, nguyên tắc ngăn ngừa và nguyên tắc PPP. Mặc dù đã có một số bước tiến trong việc xây dựng các công ước và nguyên tắc quốc tế, hệ thống pháp lý quốc tế về trách nhiệm quốc gia hiện vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là trong việc xác định rõ ràng các tiêu chuẩn trách nhiệm và bồi thường thiệt hại. Việc thiếu một cơ chế thống nhất và khung pháp lý chung đã làm gia tăng khó khăn trong việc thực thi trách nhiệm quốc gia. Do đó, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Trong quá trình nghiên cứu, với nền tảng kiến thức còn hạn chế nên nhóm tác giả mong được nhận sự góp ý từ các thầy, cô và độc giả để có thể hoàn thiện bài viết này. Nếu có bạn có bất kỳ thắc mắc/ý kiến đóng góp nào, hãy cho chúng tôi biết qua email. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Sandrine Maljean-Dubois, International Litigation and State Liability for Environmental Damages: Recent Evolutions and Perspectives , trong Jiunn-rong Yeh (chủ biên), Climate Change Liability and Beyond , National Taiwan University Press (2017). [2] Preeta Dhar và Parul Gupta, Prevention, Precaution, and Polluter Pays Principles , trong Philippe Cullet, Lovleen Bhullar và Sujith Koonan (chủ biên), The Oxford Handbook of Environmental and Natural Resources Law in India , Oxford University Press (2024), tr. 217. [ https://doi.org/10.1093/oxfordhb/9780198884682.013.12 , truy cập ngày 03/04/2025]. [3][4][5][6][7][10][12][13][18][19][22][26][28][38] Pierre-Marie Dupuy, Jorge E. Viñuales, International Environmental Law , ấn bản lần thứ 2, Cambridge University Press (2018), tr. 4, 62–67, 71–73, 81–82, 309–310. [8][9][11] Leslie-Anne Duvic-Paoli, The Prevention Principle in International Environmental Law , Cambridge University Press (2018), tr. 2–3. [13] Chie Kojima, South China Sea Arbitration and the Protection of the Marine Environment: Evolution of UNCLOS Part XII Through Interpretation and the Duty to Cooperate , Asian Yearbook of International Law , Tập 21 (2015), tr. 178. [15] Vụ kiện Biển Đông (Philippines v. Trung Quốc) (Phán quyết), PCA 2013-19, đoạn 941. [16][20] Jose Felix Pinto-Bazurco, How to Enforce the Polluter-Pays Principle , International Institute for Sustainable Development, Earth Negotiation Bulletin , tr. 3. [17] Tuyên bố Rio , Nguyên tắc 16. [21][22][23] European Commission: Directorate-General for Environment và V. Fogleman, Polluter Pays Principle: Liability for Environmental Damage , Publications Office of the European Union (2024), tr. 9. [ https://data.europa.eu/doi/10.2779/607145 , truy cập ngày 28/02/2025]. [25] Abbas Poorhashemi, Principles of International Environmental Law , CIFILE Journal of International Law , 4(7) (2023), tr. 95, 103. [ https://www.cifilejournal.com/article_168013_980c735a78f322d24ede02a6ab2b7512.pdf , truy cập ngày 06/03/2025]. [26] Ehteshamul Hoq, Amdadul Hoque, The Doctrine of State Responsibility under International Environmental Law: A Critical Review , EBAUB Journal of Law (2019), tr. 59–60. [27][29][35][37][39] Malcolm Shaw, International Law , ấn bản lần thứ 8, Cambridge University Press (2017), tr. 593, 648. [30] Vụ Nhà máy Trail Smelter (Hoa Kỳ v. Canada) [1941] (Phán quyết trọng tài), III, tr. 1919. [33][34][41] Patricia W. Birnie, Alan E. Boyle, Catherine Redgwell, International Law and the Environment , Oxford University Press (2009), tr. 214–216. [36] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 , Điều 235. [38] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 , Điều 1(4). [42] Vụ Dự án Gabčíkovo-Nagymaros (Hungary v. Slovakia) [1997] (Phán quyết), Báo cáo ICJ 7, đoạn 97. [43] Alexander Orakhelashvili, Peremptory Norms in International Law , Oxford University Press (2006), tr. 65; xem thêm: Ian Seiderman, Hierarchy in International Law: The Human Rights Dimension , Intersentia (2001), tr. 123–129. [45] Philippe Sands, Jacqueline Peel, Principles of International Environmental Law , ấn bản lần thứ 4, Cambridge University Press (2018), tr. 735. [46][47][48] Lavanya Rajamani, Jacqueline Peel, The Oxford Handbook of International Environmental Law , ấn bản lần thứ 2, Oxford University Press (2021), tr. 1010, 1014. [49] Decision 1/CP.21, ‘Adoption of the Paris Agreement’ (29/01/2016), UN Doc FCCC/CP/2015/10/Add.1, đoạn 51. [50][51] Patricia Birnie, Alan Boyle, Catherine Redgwell, International Law and the Environment , ấn bản lần thứ 3, Oxford University Press (2009), tr. 108, 212. [52] United Nations Security Council Resolution 687 (03/04/1991), UN Doc S/RES/687. [53] Daniel Bodansky, The Art and Craft of International Environmental Law , Harvard University Press (2010), tr. 83. [54][56] Jutta Brunnée, Of Sense and Sensibility: Reflections on International Liability Regimes as Tools for Environmental Protection , International and Comparative Law Quarterly , 53(2) (2004), tr. 351. [55] Caroline Foster, Science and the Precautionary Principle in International Courts and Tribunals: Expert Evidence, Burden of Proof and Finality , Cambridge University Press (2011). [57] Xue Hanqin, Transboundary Damage in International Law , Cambridge University Press (2003), tr. 286. [58] Alan Boyle, Reparation for Environmental Damage in International Law: Some Preliminary Problems , trong Michael Bowman và Alan Boyle (chủ biên), Environmental Damage in International and Comparative Law , Oxford University Press (2002), tr. 17.
- [50] QUY CHẾ PHÁP LÝ CỦA ĐẢO VÀ ĐÁ THEO CÔNG ƯỚC LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ LIÊN HỆ VỚI CÁC THỰC THỂ Ở QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA CỦA VIỆT NAM
Tác giả: Lê Hoàng Dũng, Hoàng Hải Vân Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu quy chế pháp lý của đảo và đá theo Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và liên hệ với thực trạng các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trên cơ sở phân tích chi tiết Điều 121 UNCLOS, bài viết xác định rõ các điều kiện để một thực thể được coi là đảo. Đồng thời, nhóm tác giả phân biệt rõ đảo tự nhiên với đảo nhân tạo, làm rõ các quy chế pháp lý và vùng biển tương ứng mà đảo có thể tạo ra, cũng như điều kiện để phân biệt đảo đá với đảo có đầy đủ vùng biển. Từ các phân tích này, bài viết tóm tắt kết luận của tòa đối với quy chế pháp lý của các thực thể tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong Phán quyết Biển Đông năm 2016. Từ đó, nhóm tác giả khẳng định tầm quan trọng của việc xác định rõ quy chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, đồng thời phân tích các hệ quả pháp lý và chính trị của phán quyết đối với tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hiện nay. Từ khóa: UNCLOS, đảo, đá, Biển Đông, quần đảo Trường Sa, Vụ kiện Biển Đông 2016 1. Quy chế pháp lý của đảo và đá theo UNCLOS 1982 1.1 Đảo 1.1.1 Định nghĩa/Điều kiện để được coi là đảo Theo định nghĩa tại Điều 121(1) UNCLOS, đảo nói chung là vùng đất hình thành tự nhiên, bao bọc bởi nước và nằm cao hơn nước khi thủy triều lên.[1] Tuy nhiên, nhìn vào tổng quan quy định tại Điều 121, đảo sẽ được chia làm hai loại: đảo có đầy đủ vùng biển và đảo đá.[2] Khi UNCLOS sử dụng thuật ngữ “đảo” tức là nó sẽ bao gồm cả đá.[3] Điểm chung của hai loại đảo này đó là đều phải đáp ứng điều kiện tại Điều 121(1). Dựa vào câu chữ của Điều 121(1), để được coi là đảo thì có 04 điều kiện: (i) là vùng đất; (ii) hình thành tự nhiên; (iii) bao bọc bởi nước và (iv) nằm cao hơn nước khi thủy triều lên.[4] Tại phần này, nhóm tác giả sẽ phân tích các điều kiện chung để một thực thể được coi là đảo và quy chế pháp lý của các đảo có đầy đủ vùng biển. (i) vùng đất Đảo được định nghĩa là một khu vực đất liền, bất kể thành phần địa chất hay hình thái địa lý của nó. Các đảo có thể được hình thành từ đá, cát, bùn, sỏi, san hô hoặc trầm tích, miễn là chúng có vật liệu rắn gắn với nền đáy biển.[5] Luật quốc tế không quy định kích thước tối thiểu để một vùng đất được công nhận là đảo, ngay cả những mảnh đất nhỏ bé vẫn có thể có quy chế này.[6] Tuy nhiên, kích thước có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự sống của con người và tác động đến việc phân định ranh giới biển.[7] (ii) hình thành tự nhiên Ban đầu, thuật ngữ “đảo” bao gồm cả đảo tự nhiên và đảo nhân tạo. Tại Hội nghị Pháp điển hóa Luật Quốc tế năm 1930 ở The Hague, tiểu ban 02 thảo luận về vấn đề lãnh hải đã định nghĩa đảo là “một khu vực đất liền, được bao quanh bởi nước, và luôn nổi trên mực nước cao nhất”.[8] Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận sau đó, đã có quan điểm cho rằng nên loại trừ các đảo nhân tạo khỏi định nghĩa này.[9] Hoa Kỳ đã đề xuất rằng chỉ những phần đất được hình thành tự nhiên mới được coi là đảo hợp pháp, và quan điểm này sau đó được đưa vào Điều 10 của Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp.[10] Những hòn đảo do con người tạo ra từ vật liệu tự nhiên hoặc được nạo vét, di chuyển để tạo thành một khu vực đất liền không được coi là đảo theo Điều 121(1) của UNCLOS, mà được điều chỉnh bởi quy định về “đảo nhân tạo”. Việc phân biệt giữa đảo nhân tạo và đảo tự nhiên không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một khu vực đất hình thành do sự bồi tụ của trầm tích từ dòng chảy hoặc thủy triều thường được coi là đảo tự nhiên. Tuy nhiên, nếu quá trình này bị tác động bởi công trình nhân tạo, chẳng hạn như việc xây dựng hải đăng, thì khu vực đất mới hình thành có thể bị coi là đảo nhân tạo.[11] Quy chế pháp lý của đảo nhân tạo hiện tại được quy định riêng tại Điều 60[12] của Công ước còn Điều 121 chỉ quy định quy chế pháp lý cho các loại đảo được hình thành tự nhiên. (iii) bao bọc bởi nước Để một khu vực đất liền được coi là đảo, nó phải được bao quanh bởi nước khi thủy triều xuống thấp nhất. Nếu không, nó sẽ được kết nối với một lãnh thổ đất liền khác và do đó thuộc về hoặc trở thành một phần của đường mực nước thấp của lãnh thổ đất liền đó. Nói cách khác, một đảo chỉ có thể có các vùng biển riêng nếu đường mực nước thấp của nó hoàn toàn tách biệt khỏi đường mực nước thấp của bất kỳ lãnh thổ đất liền nào khác. Một con kênh nhân tạo nối giữa đất liền và một khu vực đất không đủ điều kiện để khu vực đó trở thành đảo, vì đảo phải được hình thành một cách tự nhiên.[13] (iv) nằm cao hơn nước khi thủy triều Theo luật quốc tế, để một khu vực đất liền được coi là đảo, nó phải luôn nổi trên mặt nước khi thủy triều lên cao nhất. Điều này giúp phân biệt đảo với các thực thể chỉ nổi khi thủy triều xuống thấp. Sự phân biệt giữa đảo tự nhiên và đảo nhân tạo cũng rất quan trọng. Những vùng đất được con người bồi đắp hoặc nâng cao bằng phương pháp nhân tạo không được coi là đảo theo UNCLOS.[14] Nếu một thực thể chỉ nổi trên mặt nước khi triều xuống thấp nhưng bị chìm khi triều lên cao, nó chỉ được coi là bãi lúc nổi lúc chìm, không có vùng biển riêng. Hơn nữa, luật pháp quốc tế không quy định độ cao tối thiểu để một thực thể được coi là đảo, miễn là nó luôn nổi trên mặt nước khi triều cao.[15] Các đảo tự nhiên có thể được mở rộng hoặc bảo vệ trước xói mòn bằng các công trình nhân tạo mà không làm mất đi quy chế pháp lý của chúng. Tuy nhiên, nếu một thực thể bị nâng cao bằng cách bồi đắp nhân tạo thì nó sẽ bị coi là đảo nhân tạo, không có vùng biển riêng. Đồng thời, nếu một thực thể bị xói mòn và chìm xuống dưới mặt nước khi triều cao, nó sẽ mất đi quy chế đảo.[16] 1.1.2 Quy chế pháp lý của đảo/Các vùng biển tạo ra Ngoại trừ đảo đá thì theo Điều 121(2), đảo có khả năng tạo ra đầy đủ vùng biển như đất liền từ nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Theo quy định của Điều 121(2) UNCLOS, vùng biển của một hòn đảo được xác định theo cùng nguyên tắc như đối với lãnh thổ đất liền. Điều này thể hiện nguyên tắc bình đẳng chủ quyền, tức là đảo cũng có quyền thiết lập các vùng biển tương tự như đất liền.[17] Dù không được nêu rõ trong Điều 121(2), các hòn đảo cũng có thể có nội thủy và có thể tạo ra thềm lục địa mở rộng vượt quá 200 hải lý. Một tiểu ban thuộc Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa từng tuyên bố rằng việc xác định vùng biển xung quanh đảo phải tuân theo các quy định áp dụng cho lãnh thổ đất liền. Điều này có nghĩa là tất cả các quốc gia có đảo đều có thể yêu cầu thềm lục địa mở rộng dựa trên Điều 76 của UNCLOS.[18] 1.2 Đá 1.2.1 Định nghĩa/Điều kiện UNCLOS định nghĩa “đảo đá” (rocks) là các thực thể trên biển thuộc dạng đảo, mà không có khả năng cho con người cư trú hay có một đời sống kinh tế riêng.[19] Tuy nhiên, UNCLOS không có bất kỳ giải thích nào khác liên quan đến định nghĩa về đảo đá các yếu tố trên, điều này dẫn đến việc hai yếu tố này có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Về vấn đề đảo đá có phải các đảo được cấu tạo bởi đá hay không, Toà Trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông 2016 cho rằng, Điều 121(3) UNCLOS, không giới hạn đảo đá phải là các đảo được cấu tạo từ đá cứng, bởi ý nghĩa thông thường của từ “rock” đặt ra giới hạn trên, mà đá hoàn toàn có thể “bao gồm các chất hữu cơ… đôi khi khác nhau về độ cứng… và có thể chứa đất sét”.[20] Bên cạnh đó, việc định nghĩa đảo đá chỉ bao gồm các đảo có cấu tạo là đá cứng không phù hợp với thực tiễn xét xử của tòa ICJ, và dẫn đến một định nghĩa kỳ cục (absurd meaning).[21] Tuy nhiên, Giáo sư Stefan Talmon có quan điểm ngược lại so với cách giải thích trên. Ông bảo vệ quan điểm cho rằng đảo đá phải có cấu tạo từ đá, bởi theo cách định nghĩa quá rộng của Tòa, lợi ích của các quốc đảo sẽ bị ảnh hưởng khi các đảo cấu tạo từ cát, bùn, hay san hô cũng sẽ không tạo ra vùng biển nếu như chúng không thể duy trì sự cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng.[22] 1.2.2 Quy chế pháp lý của đảo/Các vùng biển tạo ra Theo quy định tại Điều 121(2) UNCLOS, các vùng biển mà đảo có thể tạo ra sẽ áp dụng cách xác định giống như đối với đất liền. Tuy nhiên, đối với đảo đá, Điều 121(3) quy định rằng các đảo đá “không thể duy trì việc cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế của riêng nó” sẽ không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải và vùng tiếp giáp theo quy định tại Công ước. Khi xem xét điều khoản trên, Tòa Trọng tài cho rằng ý nghĩa thông thường của thuật ngữ “duy trì” bao gồm ba yếu tố: sự hỗ trợ và cung cấp các yếu tố thiết yếu, nó phải diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, không phải chỉ xảy ra một lần hoặc mang tính chất tạm thời và số lượng phải đạt đến một “mức độ hợp lý”.[23] Tòa Trọng tài không đưa ra giải thích cụ thể về mức độ hợp lý, mà chỉ xác định rằng sự cung cấp này phải đủ để duy trì một cuộc sống lành mạnh của con người. Việc xem xét các yếu tố trên của thực thể sẽ dựa trên năng lực tự nhiên của nó.[24] Về yếu tố cư trú của con người, Tòa cho rằng, để thoả mãn yếu tố trên, một thực thể phải có sự hiện diện ổn định, không mang tính tạm thời của một nhóm người người đã lựa chọn ở lại và sinh sống tại đó. Việc một nhóm nhỏ người hiện diện trên thực thể không thể được xem là thỏa mãn, bởi ý nghĩa thông thường của Điều 121(3) không thể được hiểu theo cách rằng chỉ cần có một người sinh sống tại đó.[25] Điều này xuất phát từ thực tế rằng con người cần một cộng đồng để duy trì sự sống.[26] Tương tự, việc cư trú tạm thời của ngư dân hoặc người lao động, binh lính hoặc nhân viên chính phủ sẽ không được coi là thỏa mãn điều kiện về cư trú theo quy định của UNCLOS.[27] Về điều kiện sống, bởi các hình thức sinh kế của con người là đa dạng, vậy nên Toà cho rằng UNCLOS không thể đặt ra một hình thức hay điều kiện sống cụ thể nào. Tuy nhiên, các yếu tố tối thiểu cần phải có là khả năng hỗ trợ, duy trì và cung cấp lương thực, nước uống và nơi ở cho một số người, cho phép họ cư trú lâu dài hoặc thường xuyên trong thời gian dài.[28] Về cụm từ “đời sống kinh tế riêng” (economic life of their own), có hai yếu tố chính cần được giải thích là “đời sống kinh tế” và “riêng”. “Đời sống kinh tế” được hiểu là sự tồn tại của các hoạt động kinh tế (bao gồm việc phát triển và quản lý tài nguyên) diễn ra một cách liên tục.[29] “Riêng” nhấn mạnh rằng hoạt động kinh tế này phải mang tính độc lập và có khả năng tự duy trì, không phụ thuộc vào nguồn lực bên ngoài.[30] Ngoài ra, các hoạt động kinh tế xuất phát từ lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế mà thực thể có thể tạo ra sẽ không được xem xét.[31] Tòa Trọng tài cho rằng, để bị coi là đá theo khoản 3 Điều 121 của UNCLOS, một thực thể phải không đáp ứng cả hai yếu tố về cư trú của con người và đời sống kinh tế riêng. Điều này có nghĩa là nếu một thực thể đáp ứng được ít nhất một trong hai yếu tố, thì nó vẫn được coi là một đảo theo định nghĩa tại UNCLOS và có quyền có lãnh hải cũng như vùng đặc quyền kinh tế. Tòa cho rằng, cụm từ “không thể duy trì cư trú của con người hoặc đời sống kinh tế” có ý nghĩa tương đương với “không thể duy trì cư trú của con người và không thể duy trì đời sống kinh tế”.[32] Nếu giải thích theo lập luận của Philippines rằng một thực thể chỉ cần thỏa mãn một trong hai yếu tố thì sẽ bị coi là đá, thì cách hiểu này sẽ không nhất quán với phần còn lại của Điều 121(3), rằng một thực thể có thể sẽ chỉ có vùng đặc quyền kinh tế hoặc chỉ có thềm lục địa, nhưng không có cả hai, và đây là một kết luận phi lý.[33] 2. Vụ kiện Biển Đông 2016 và quy chế pháp lý với các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Nêu và đánh giá một số thực thể nổi bật ở quần đảo Trường Sa Nhóm tác giả sẽ tóm tắt lập luận của Tòa Trọng tài đối với sáu thực thể lớn nhất tại quần đảo Trường Sa, bởi nếu sáu thực thể này đều bị phân loại là đá theo Điều 121(3) UNCLOS, thì kết luận tương tự cũng sẽ áp dụng cho tất cả các thực thể nổi khi thủy triều lên cao khác trong quần đảo Trường Sa.[34] Tòa Trọng tài đã xem xét sáu thực thể lớn nhất tại quần đảo Trường Sa và kết luận rằng tất cả đều là “đá” theo Điều 121(3) UNCLOS, tức là không có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hoặc thềm lục địa riêng. Thứ nhất, bãi cạn Scarborough bao gồm năm đến bảy khối đá lộ ra khi thủy triều lên, tuy nhiên, chúng có kích thước rất nhỏ, không có nước ngọt, thảm thực vật hay không gian sống.[35] Mặc dù ngư dân từ nhiều quốc gia sử dụng khu vực này làm ngư trường, Tòa nhấn mạnh rằng hoạt động đánh bắt cá không đủ để cấu thành “đời sống kinh tế riêng” của thực thể nếu không có sự kết nối hữu hình với phần nổi trên mặt nước.[36] Do đó, bãi cạn Scarborough không đáp ứng tiêu chí để được coi là một đảo có đầy đủ quyền pháp lý. Thứ hai, đá Gạc Ma (Johnson Reef) hoàn toàn khô cằn, không có khả năng duy trì sự sinh sống của con người. Mặc dù Trung Quốc đã xây dựng công trình trên bãi san hô ngập nước khi thủy triều lên, nhưng sự hiện diện này phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ bên ngoài và không có dấu hiệu hoạt động con người trước khi Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988.[37] Bởi Toà đã kết luận ở phần trên rằng cần phải xem xét trạng thái tự nhiên của đảo, loại bỏ các can thiệp của con người, vậy nên Tòa kết luận rằng đá Gạc Ma không được hưởng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Tương tự, đá Châu Viên (Cuarteron Reef) là một thực thể nhỏ, khô cằn, không thể duy trì sự sống con người hay một nền kinh tế độc lập. Các công trình xây dựng của Trung Quốc tại đây dựa vào việc bồi đắp phần rạn san hô ngập nước khi thủy triều lên và không làm thay đổi bản chất pháp lý của thực thể.[38] Đối với đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), trước khi có các công trình cải tạo của Trung Quốc, thực thể này chỉ có một khối đá nhô cao khoảng 1 mét trên mực nước biển, với diện tích mặt trên chỉ khoảng 2 m2.[39] Do không có đủ điều kiện duy trì sự sống, Tòa kết luận rằng đá Chữ Thập chỉ là đá theo Điều 121(3).[40] Với đá Ga Ven (Gaven Reef), Tòa xác định rằng đá Ga Ven là một thực thể nhỏ, khô cằn, không có khả năng duy trì sự sống con người hoặc một nền kinh tế độc lập.[41] Cuối cùng, đá Ken Nan (McKennan Reef) có một phần lộ ra khi thủy triều lên, nhưng Tòa nhận định rằng phần này có thể chỉ là một khối san hô bị đẩy lên do tác động của bão. Không có dấu hiệu hoạt động con người tại thực thể này, cũng không có bất kỳ quốc gia nào thiết lập sự hiện diện lâu dài. Vì vậy, đá Ken Nan cũng được xếp vào loại đá.[42] 3. Tình hình tại Biển Đông sau vụ kiện năm 2016 Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông năm 2016 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, tính phi lý của yêu sách này đã được nhiều học giả quốc tế chỉ ra và nhận được sự đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế chính thức ra phán quyết có giá trị ràng buộc pháp lý, khẳng định rằng yêu sách của Trung Quốc không có cơ sở theo UNCLOS. Phán quyết được đưa ra bởi một cơ quan tài phán thành lập đúng quy định của Công ước và có giá trị chung thẩm, ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc, bất kể Trung Quốc có công nhận hay không.[43] Bên cạnh việc bác bỏ đường chín đoạn, phán quyết cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ những nguyên tắc trong UNCLOS vốn trước đây chưa được xác định rõ ràng, hoặc còn gây tranh cãi. Một trong những vấn đề nổi bật là tiêu chí xác định một đảo có khả năng duy trì sự sống của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng theo Điều 121(3) UNCLOS. Trước đây, các tòa án quốc tế thường né tránh đưa ra kết luận cụ thể về vấn đề này, nhưng trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa Trọng tài đã buộc phải đưa ra phán quyết rõ ràng.[44] Tuy nhiên, ngay từ thời điểm phán quyết được công bố, Trung Quốc đã bác bỏ hoàn toàn và không công nhận giá trị pháp lý của nó. Trung Quốc tuyên bố rằng vụ kiện vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, cho rằng Philippines đã cố tình biến tranh chấp chủ quyền thành vấn đề liên quan đến UNCLOS. Bắc Kinh khẳng định rằng chủ quyền và quyền hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông không bị ảnh hưởng bởi phán quyết này, đồng thời tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu sách hay hành động nào dựa trên nó.[45] Lập trường của Trung Quốc vẫn không thay đổi kể từ năm 2016. Nhân dịp kỷ niệm 7 năm phán quyết, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Uông Văn Bân, tiếp tục tái khẳng định quan điểm này: “Trung Quốc tuyên bố rằng Tòa Trọng tài đã vượt quá thẩm quyền, vi phạm UNCLOS và luật quốc tế, khiến phán quyết trở nên vô hiệu, bất hợp pháp. Trung Quốc không chấp nhận hay công nhận phán quyết này và bác bỏ mọi yêu sách dựa trên nó. Trung Quốc khẳng định chủ quyền và quyền lợi ở Biển Đông có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý, không bị ảnh hưởng bởi phán quyết.”[46] Như vậy, dù phán quyết của Tòa Trọng tài có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ các nguyên tắc pháp lý quốc tế và bác bỏ yêu sách phi lý của Trung Quốc, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng do sự phản đối quyết liệt từ phía Trung Quốc và các hoạt động thực địa của nước này nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của mình. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế giới, 2022) tr. 252. [2] Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Điều 121. [3] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) đoạn 8, tr. 862. [4] UNCLOS, Điều 121. [5] Territorial and Maritime Dispute (Nicaragua v Colombia) , Judgment, ICJ Reports (2012) 645 [37]. [6] Maritime Delimitation between Qatar and Bahrain (n 16) 97 [185]; SCS Arbitration Award (n 19) 538. [7] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) đoạn 12, tr. 863. [8] ibid para 14, 863. [9] UNCLOS I, Đề xuất của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, UN Doc A/CONF.13/C.1/L.112 (1958), OR III, 242. [10] Công ước về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp năm 1958, Điều 10(1) [11] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) tr. 864–865. [12] UNCLOS, Điều 60. [13] Alexander Proelss, United Nations Convention on the Law of the Sea: A Commentary (C.H. Beck/Hart/Nomos 2017) tr. 865. [14] ibid . [15] ibid . [16] ibid . [17] Phạm Lan Dung, Giáo trình Luật Quốc tế (NXB Thế giới, 2022) tr. 252. [18] Commission on the Limits of the Continental Shelf, Summary of Recommendations of the Commission on the Limits of the Continental Shelf in Regard to the Submission Made by the United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland in Respect of Ascension Island on 9 May 2008 , adopted by the Commission, with amendments, on 15 April 2010 (2010) 6 [22]. [19] UNCLOS, Điều 121(3). [20] Vụ kiện Biển Đông , [480]. [21] ibid 480–481. [22] Trần H. D. Minh, ‘Giải thích Điều 121(3) UNCLOS trong Vụ kiện Biển Đông: Đánh giá (phản biện) của Stefan Talmon’ < https://iuscogens-vie.org/2017/12/03/49/ > truy cập ngày 05 tháng 3 năm 2025. [23] Vụ kiện Biển Đông [487]. [24] ibid [483]. [25] ibid [489]. [26] ibid . [27] Trần H. D. Minh, ‘Phán quyết ngày 12.7.2016 trong Vụ kiện Biển Đông: Giải thích Điều 121(3) về “đảo đá”’ < https://iuscogens-vie.org/2017/07/10/24/ > truy cập ngày 05 tháng 3 năm 2025. [28] Vụ kiện Biển Đông [490]. [29] ibid [499]. [30] ibid [500]. [31] ibid [502]. [32] ibid [494]. [33] ibid [495]. [34] ibid [407]. [35] ibid [555]. [36] ibid [556]. [37] ibid [559]. [38] ibid [562]. [39] ibid [564]. [40] ibid [565]. [41] ibid [568]. [42] ibid [570]. [43] Trần H. D. Minh, ‘Phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc: Nội dung, tác động và gợi mở cho Việt Nam’ < https://iuscogens-vie.org/2017/03/16/06/ > truy cập ngày 06 tháng 3 năm 2025. [44] Shannon Tiezzi, ‘Why the South China Sea Arbitration Case Matters, Even If China Ignores It’ The Diplomat (12 July 2016) < https://thediplomat.com/2016/07/why-the-south-china-sea-arbitration-case-matters-even-if-china-ignores-it/ > truy cập ngày 03 tháng 3 năm 2025. [45] Ministry of Foreign Affairs of the People’s Republic of China, ‘Foreign Ministry Spokesperson's Remarks on South China Sea Arbitration’ (5 May 2020) < https://www.mfa.gov.cn/eng/zyxw/gb/202405/t20240531_11367334.html > truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2025. [46] Chinese Embassy in Ghana, ‘China's Position on the South China Sea Arbitration’ (12 July 2023) < http://gh.china-embassy.gov.cn/eng/fyrth/202307/t20230712_11112244.htm > truy cập ngày 07 tháng 3 năm 2025.
Trang khác (28)
- Juris Exploratores | International Law
Website Juris Exploratores được thành lập bởi sinh viên Luật quốc tế nhằm cung cấp một nền tảng thông tin học hỏi và trao đổi về các khía cạnh pháp luật quốc tế. Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền 8 thg 3 21 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [49] BẢO VỆ PHỤ NỮ KHỎI BẠO LỰC GIA ĐÌNH DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM Tác giả: Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền Tóm tắt: Bạo lực gia đình là một trong những vấn đề về quyền con người đáng được quan tâm,... 0 bình luận BÀI VIẾT MỚI NHẤT [49] BẢO VỆ PHỤ NỮ KHỎI BẠO LỰC GIA ĐÌNH DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền 📢THÔNG BÁO NHẬN TÓM TẮT - HỘI THẢO LẦN THỨ 10 CỦA AsianSIL!📢 Juris Exploratores [48] CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ Dương Duy Khang, Phạm Thị Lan Hương [47] QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN GIÁO DỤC CỦA TRẺ EM TRONG BỐI CẢNH XUNG ĐỘT VŨ TRANG THEO NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT TRONG LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ: THỰC TIỄN TẠI DẢI GAZA Chu Trang Anh, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Vũ Khôi Việt Xem thêm DANH MỤC BÀI VIẾT Luật Biển Quốc tế Công pháp Quốc tế Luật Đầu tư Quốc tế Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Từ điển pháp lý Luật Nhân đạo Quốc tế Chuyên mục đặc biệt Luật Ngoại giao và Lãnh sự Luật Vũ trụ Quốc tế Luật Môi trường Quốc tế HÃY ĐĂNG KÝ JURIS EXPLORATORES Email của bạn Sign Up Cảm ơn bạn đã đăng ký! BÀI VIẾT MỚI NHẤT Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền 8 thg 3 21 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [49] BẢO VỆ PHỤ NỮ KHỎI BẠO LỰC GIA ĐÌNH DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM Tác giả: Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền Tóm tắt: Bạo lực gia đình là một trong những vấn đề về quyền con người đáng được quan tâm,... 119 lượt xem 3 lượt thích. Bài đăng chưa được đánh dấu là đã thích 3 Juris Exploratores 5 thg 2 2 phút đọc 📢THÔNG BÁO NHẬN TÓM TẮT - HỘI THẢO LẦN THỨ 10 CỦA AsianSIL!📢 [English below] Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) vinh dự tổ chức Hội thảo lần thứ 10 của Hiệp hội Luật Quốc tế Châu Á (AsianSIL). Hội... 56 lượt xem Bài đăng chưa được đánh dấu là đã thích Dương Duy Khang, Phạm Thị Lan Hương 29 thg 1 22 phút đọc Luật Môi trường Quốc tế [48] CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA LUẬT MÔI TRƯỜNG QUỐC TẾ Tác giả: Dương Duy Khang, Phạm Thị Lan Hương Tóm tắt: Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn trên phạm... 306 lượt xem 3 lượt thích. Bài đăng chưa được đánh dấu là đã thích 3 Chu Trang Anh, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Vũ Khôi Việt 20 thg 11, 2024 20 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [47] QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN GIÁO DỤC CỦA TRẺ EM TRONG BỐI CẢNH XUNG ĐỘT VŨ TRANG THEO NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT TRONG LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ: THỰC TIỄN TẠI DẢI GAZA Tác giả: Chu Trang Anh, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Vũ Khôi Việt Tóm tắt: Giáo dục không chỉ là nền tảng của sự phát triển cá nhân mà còn... 221 lượt xem 8 lượt thích. Bài đăng chưa được đánh dấu là đã thích 8 HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU DAV Moot Court Competition Ban Nghiên cứu Pháp lý là đơn vị nòng cốt trong quá trình xây dựng nội dung chuyên môn của Cuộc thi Tập san Nghiên cứu Sinh viên Luật Quốc tế số 01 Với gần 60 lượt sinh viên đăng ký tham gia viết bài, gần 30 bản Tóm tắt được gửi về, Tập san đã chọn ra được 09 Toàn văn nghiên cứu xuất sắc nhất để in tập tại Kỷ yếu Tập san. Không để các bạn phải chờ lâu nữa, Dự án xin trân trọng thông báo: 🔷 Toàn văn kỷ yếu Tập san Nghiên cứu sinh viên về Luật Quốc tế số 01: https://tinyurl.com/kyyeutapsan. Kỷ yếu Tập san “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID): Các vấn đề pháp lý và thực tiễn” là tâm huyết, nỗ lực của các Tác giả, Nhóm tác giả sinh viên đến từ Khoa Luật Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Kỷ yếu này sẽ được chỉnh sửa định dạng và đăng tài trên website juris-exploratores.org trong vòng 01 tháng kể từ ngày công bố kỷ yếu. Tuy nhiên, Kỷ yếu Tập san cũng không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, kính mong tập Kỷ yếu nhận được những nhận xét, góp ý từ toàn thể độc giả, để các tác giả, nhóm tác giả cũng như toàn thể Ban Tổ chức Tập san có thể hoàn thiện hoá hơn nữa những sản phẩm trí tuệ của mình! Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Lần II Ban Nghiên cứu Pháp Lý giữ vai trò là thành viên Ban Biên tập của Hội thảo Chương trình tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2024 Xây dựng chương trình mô phỏng Quốc hội 2024 dành cho các bạn học sinh/sinh viên tham dự chương trình Vòng Quốc gia, Cuộc thi Diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế - IHL Moot court Competition 2024 Tham gia với vai trò ban tổ chức của cuộc thi Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Lần I Ban Nghiên cứu Pháp Lý giữ vai trò là thành viên Ban Biên tập của Hội thảo Chương trình tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2023 Xây dựng chương trình mô phỏng Quốc hội 2023 dành cho các bạn học sinh/sinh viên tham dự chương trình Cộng đồng Diễn án Luật - Học viện Ngoại giao (DAV Moot Community) Ban Nghiên cứu Pháp lý thành lập và quản lý Cộng đồng Diễn án Luật - Học viện Ngoại giao
- Hoạt động | Juris Exploratores
HOẠT ĐỘNG TIÊU BIỂU DAV Moot Court Competition 2024 Ban Nghiên cứu Pháp lý là đơn vị nòng cốt trong quá trình xây dựng nội dung chuyên môn của Cuộc thi Tập san Nghiên cứu Sinh viên về Luật Quốc tế số 01 Ban Biên tập Website giữ vai trò là Ban biên tập Kỷ yếu tập san “Cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo Công ước về Giải quyết Tranh chấp Đầu tư giữa các quốc gia và các công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID): Các vấn đề pháp lý và thực tiễn” Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Lần II Ban Nghiên cứu Pháp Lý giữ vai trò là thành viên Ban Biên tập của Hội thảo Chương trình tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2024 Xây dựng chương trình mô phỏng Quốc hội 2024 dành cho các bạn học sinh/sinh viên tham dự chương trình Vòng Quốc gia, Cuộc thi Diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế - IHL Moot court Competition 2023 Tham gia với vai trò ban tổ chức của cuộc thi Hội thảo Sinh viên Nghiên cứu Khoa học Lần I Ban Nghiên cứu Pháp Lý giữ vai trò là thành viên Ban Biên tập của Hội thảo Chương trình tư vấn tuyển sinh Học viện Ngoại giao 2023 Xây dựng chương trình mô phỏng Quốc hội 2023 dành cho các bạn học sinh/sinh viên tham dự chương trình Cộng đồng Diễn án Luật - Học viện Ngoại giao (DAV Moot Community) Ban Nghiên cứu Pháp lý thành lập và quản lý Cộng đồng Diễn án Luật - Học viện Ngoại giao
- Chuyên mục đặc biệt | Juris Exploratores
CHUYÊN MỤC ĐẶC BIỆT Đinh Văn Khiêm, Phạm Thanh Huyền 8 thg 3 21 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [49] BẢO VỆ PHỤ NỮ KHỎI BẠO LỰC GIA ĐÌNH DƯỚI GÓC ĐỘ PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM Chu Trang Anh, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Vũ Khôi Việt 20 thg 11, 2024 20 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [47] QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN GIÁO DỤC CỦA TRẺ EM TRONG BỐI CẢNH XUNG ĐỘT VŨ TRANG THEO NGUYÊN TẮC PHÂN BIỆT TRONG LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ: THỰC TIỄN TẠI DẢI GAZA Tăng Bảo Đan, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi, Nguyễn Vũ Khôi Việt 27 thg 7, 2024 20 phút đọc Luật Nhân đạo Quốc tế [46] AN NINH LƯƠNG THỰC TRONG XUNG ĐỘT VŨ TRANG: TIẾP CẬN TỪ QUY ĐỊNH CỦA LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ Ths. Phạm Thanh Tùng, Ths. Nguyễn Thủy Nguyên 1 thg 6, 2024 19 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [36] TỪ LUẬT QUỐC TẾ VỀ BẢO VỆ TRẺ EM TỚI THỰC TRẠNG TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ GỢI MỞ TRONG TƯƠNG LAI Nguyễn Khánh Linh, Phan Nguyễn Quỳnh Nhi, Nguyễn Thị Minh Hằng 1 thg 5, 2024 36 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [35] QUYỀN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG DI TRÚ THEO PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI Chu Trang Anh, Hoàng Hải Vân, Nguyễn Vũ Khôi Việt 8 thg 3, 2024 16 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [33] LỊCH SỬ QUYỀN BẦU CỬ CỦA PHỤ NỮ TẠI VIỆT NAM VÀ MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI Dư Vũ Quỳnh Anh, Phạm Quốc Hào 10 thg 12, 2023 19 phút đọc Luật Biển Quốc tế [24] CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ LUẬT BIỂN NĂM 1982 VÀ NGUYÊN TẮC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Lương Vũ Khánh Ly, Dương Hải Anh, Đinh Văn Khiêm 20 thg 11, 2023 16 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [23] SỰ PHÁT TRIỂN CỦA QUYỀN ĐƯỢC TIẾP CẬN GIÁO DỤC DƯỚI GÓC NHÌN CỦA LUẬT QUỐC TẾ Ths. Phạm Thanh Tùng, Nguyễn Quỳnh Diệp, Nguyễn Phương Linh, Trịnh Bình Minh, Võ Tấn Tài 20 thg 10, 2023 20 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [21] SỰ PHÁT TRIỂN QUYỀN BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG DƯỚI GÓC NHÌN LUẬT QUỐC TẾ Trịnh Bình Minh, Tạ Quang Minh, Dư Vũ Quỳnh Anh 26 thg 5, 2023 17 phút đọc Chuyên mục đặc biệt [17] THÁCH THỨC PHÁP LÝ ĐỐI VỚI CỰU TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP XUNG QUANH CÁO BUỘC LÀM GIẢ HỒ SƠ